“Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.”
Phần trên là một trích đoạn trong bài viết tựa đề “Biên Giới Tháng Hai” (1979-2009) của nhà báo Huy Đức đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9/2/2009. Chỉ nội buổi sáng hôm đó bài báo này của Huy Đức đã bị rút xuống. Bài “Biên giới tháng hai” tuy không dài, nhưng đã ghi lại nhiều chi tiết sống động về cường độ của cuộc chiến tranh biên giới phiá bắc năm 1979 và tinh thần chiến đấu dũng mãnh của quân đội Việt Nam. Trích đoạn ngắn nêu trên tuy cô đọng nhưng nêu bật lên sự tàn bạo của quân đội Trung Quốc trên đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện bài báo của Huy Đức bị rút xuống chỉ sau vài tiếng đồng hồ xuất hiện cũng cho thấy thái độ của nhà cầm quyền CSVN đối với xương máu của hàng chục nghìn chiến sĩ và đồng bào Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này, một thái độ mà sau này càng được tô đậm thêm bằng tính chất “hèn với giặc, ác với dân” của nhà cầm quyền Hà Nội.
Trong những năm vừa qua, ngày càng có nhiều bài viết về cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 34 năm trước của những nhà nghiên cứu cũng như của các nhân chứng trực tiếp hoặc đã từng tham dự cuộc chiến đó. Vì vậy, bài viết này chỉ ghi lại một số những điểm nổi bật đáng chú ý liên quan đến trận chiến nhưng ít thấy được trình bày trong các bài viết liên quan.
1/ Bối cảnh và nguyên nhân:
Sau khi chiếm trọn miền nam năm 1975, có thể nói là CSVN đã bước lên “đỉnh cao” của chiến thắng. Từ đó tư thế của Hà Nội cũng được nâng cao lên rất nhiều so với thời gian trước, qua sự mở rộng bang giao với hàng chục quốc gia và trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế thay chỗ cho vị trí của Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975. Thế nhưng, để có được những chiến thắng quân sự mà cho đến nay đảng CSVN vẫn coi như là tiền đề cho sự nắm quyền tất yếu của họ, thì những chi viện khổng lồ của Trung Quốc cho Hà Nội trong cả hai cuộc chiến trước đó lại là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu không được sự chi viện này thì có phần chắc là CSVN sẽ chẳng đạt được một chiến thắng nào mà họ vẫn thường khoe.
Trong nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến 1975, ở phần đề cập đến sự chia việc của Trung Quốc, giáo sư Lê Xuân Khoa đã nhận định rằng: (Trong cuộc chiến chống Pháp) “Trung Quốc đã nhận lấy phần công lao lớn nhất. Dù có duy trì được thanh danh về vai trò chủ động trong cuộc chiến, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải mang một món nợ lớn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó vô hình trung đã tự đặt mình và cả dân tộc vào quĩ đạo của Bắc Kinh. Món nợ đối với Trung Quốc còn to lớn hơn nữa trong cuộc chiến 1955-1975. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên phức tạp và khó khăn khi đảng Cộng sản Việt Nam bị mắc kẹt giữa cuộc tranh chấp Liên Xô-Trung Quốc vào những năm cuối 1960 và đầu 1970”..... “Nhưng đến năm 1971 thì Bắc Kinh lại xoay chiều đi đêm với Mỹ. Khi Mao Trạch Đông chính thức đón chào Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972 thì quan hệ Việt-Trung bắt đầu rạn nứt trầm trọng và tan vỡ năm 1975.”
Cùng với món nợ TQ kể trên, sau năm 1975 tình hình thế giới, kể cả hai phía tự do và cộng sản, cũng có nhiều thay đổi khác. Với tâm lý kiêu ngạo sau chiến thắng, CSVN lúc đó đã không bắt kịp được những thay đổi trong các nhận thức mang tính cách chiến lược của những cường quốc có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, dù rằng họ nhận biết được sự phức tạp trong bối cảnh đó. Kế hoạch “Liên Bang Đông Dương” thách đố tham vọng của TQ trong vùng, vụ “nạn kiều” (sự phân biệt đối xử đối với Hoa Kiều ở VN) được coi là những nguyên nhân gián tiếp của cuộc chiến năm 1979. Trong khi đó, việc Việt Nam ký “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện” với Liên Xô vào cuối tháng 11 năm1978 được Bắc Kinh xem như là một hành vi thù nghịch của Việt Nam nằm trong mưu toan bao vây Trung Quốc của Liên Bang Sô Viết. Bắc Kinh đã gán nhãn hiệu cho Việt Nam là “tiểu bá quyền” và Liên Xô là “đại bá quyền”. Rồi sau đó, khi TQ đang ủng hộ và khuyến khích các cuộc tấn công VN của “người anh em xã hội chủ nghĩa” Kampuchia dọc biên giới tây nam của Việt Nam, thì tháng 12 năm 1978, VN tràn quân sang Cam Bốt đuổi lực lượng Polpot ra khỏi Nam Vang, khiến TQ bị mất mặt. Hai điều này được coi là nguyên nhân trực tiếp khiến CSTQ động binh để “dạy VN một bài học” về sự “vô ơn bạc nghĩa” của CSVN.
2/ Những dấu hiệu và chuẩn bị chiến tranh.
Những sự kiện liên quan đến cuộc chiến biên giới phía bắc được Huy Đức ghi lại trong “Bên Thắng Cuộc” cho thấy phía Việt Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ về trận tấn công này. Trong bài viết mới đây, một blogger đã thuật lại chuyện ngày 16/2/1979 (trước hôm cuộc chiến mở màn 1 ngày) một đại tá Quân đội NDVN đã nói chuyện với một đơn vị quân đội ở Lạng Sơn rằng “có cho kẹo TQ cũng không dám đánh VN”. Việc đưa quân sang Kampuchia cũng như cho một thành phần quân đội giải ngũ về làm kinh tế quả thực đã khiến VN bị bất ngờ trước cuộc tấn công của TQ. Sự bất ngờ cũng có thể là về mức độ tham chiến quá to lớn của TQ. Tuy bất ngờ, nhưng trong năm trước đó cả TQ lẫn VN đều đã có một số phối trí lực lượng và hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến chiến dịch biên giới.
Về ngoại giao, sau năm 1975 thái độ thù nghịch của Bắc Kinh đối với Hà Nội ngày càng gia tăng. Tháng 6 năm 1978, Bắc Kinh thông báo việc đóng cửa các tòa lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Nam Ninh và Côn Minh. Đến tháng 11/1978 thì TQ cắt đứt các tuyến đường xe hỏa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Về quân sự, theo các tài liệu của Hoa Kỳ thì vào tháng 7/1978, sư đoàn 3 của Việt Nam đã được điều động đến Lạng Sơn. Một tháng sau, sư đoàn vận tải 571 cũng bắt đầu chuyển vận tiếp liệu, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng v.v.. cho quân khu I và II. Những hoạt động tiếp liệu này liên tục trong suốt những tháng còn lại của năm 1978. Nhiều cứ điểm phòng không của VN được thành lập ở những nơi quan trọng dọc biên giới. Thanh niên trong vùng biên giới được huấn luyện cơ bản quân sự.
Ở Cao Bằng, đầu tháng 2/1979, Sư Đoàn 346 và 311 được điều động đến khu vực này để kết hợp phòng thủ với với các Trung Đoàn 567 và 852 đã có sẵn tại chỗ. Vào cuối năm 1978 (hoặc mấy tuần lễ đầu năm 1979) Sư Đoàn 316A và Trung Đoàn 254 được đưa đến khu vực Lào Cai để kết hợp với Sư Đoàn 345.
Về phía Trung Quốc, từ tháng 10/1978 đến đầu tháng 2/1979, nhiều đại đơn vị quân đội TQ thuộc các quân khu Côn Minh, Quảng Châu, Thành Đô đã được điều động đến biên giới Việt Nam. Thậm chí quân đoàn 20 của quân khu Vũ Hán, cách biên giới 1200 km, cũng được điều về mặt trận biên giới VN.
Phía TQ đã cố gắng che giấu những cuộc chuyển quân này. Các cuộc chuyển quân đều được thực hiện vào ban đêm. Ban ngày binh sĩ được nghỉ ngơi ở những khu vực đã được ngụy trang kỹ lưỡng. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng tại các điạ phương dọc đường chuyển quân.
Song song với các cuộc điều quân vừa kể, từ tháng 10/1978 cho đến ngày 15/2/1979, TQ liên tục tung ra hàng loạt những hoạt động dò thám các đơn vị quân đội VN, vừa để thu lượm tin tức tình báo, vừa để đánh lạc hướng sự chú ý trong các hoạt động quân sự của TQ.
Ngược lại, đơn Vị 352 của Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều hoạt động xâm nhập của phía Việt Nam. Theo những ghi nhận này thì Việt Nam đã thực hiện các cuộc đột kích bằng các nhóm binh sĩ nhỏ, trà trộn vào dân chúng địa phương, tìm cách thu thập tin tức hay quấy rối các hoạt động của quân Trung Quốc. Đôi khi cũng phá hoại các đồn chỉ huy và các căn cứ tiếp liệu. Nhưng với các hoạt động này, phía lãnh đạo VN vẫn không tin TQ sẽ mở cuộc đánh lớn.
3/ Tương quan lực lượng
Vào sáng ngày 17 tháng 2, 1979, khi cuộc tấn công của TQ bắt đầu, phía Việt Nam có khoảng 15 trung đoàn chiến đấu thuộc 5 sư đoàn quân chính quy, trải rộng trên các mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn. Hỗ trợ cho lực lượng vừa kể là dân quân và một số đơn vị biên phòng. Tổng số các lực lượng phòng thủ của VN ước lượng khoảng 50,000 người.
Để tấn công lực lượng vừa kể của VN, phía TQ có hơn 100 trung đoàn chiến đấu với tổng cộng khoảng 450,000 quân. Tương quan lực lượng giữa hai bên ít nhất là sáu trên một. Một số nơi tỷ lệ này cao hơn nhiều. Tại khu vực quanh Lạng Sơn, cán cân lực lượng ít nhất là mười trên một, nghiêng về phía Trung Quốc.
Ba ngày trước khi TQ tuyên bố rút quân, ngày 2/3 phía VN thành lập Quân Đoàn 5 trong Quân Khu I, gồm các Sư Đoàn 337, 338, 327, và 347 và các đơn vị yểm trợ có sẵn hoặc ở gần Lạng Sơn cho tuyến phòng thủ Sông Cầu. Một tuyến phòng thủ tương tự như tuyến sông Như Nguyệt thời nhà Lý thế kỷ 11. Cho đến tháng 7/1979, VN đã tiếp tục tái cấu trúc quân đội, thiết lập hay di chuyển 7 quân đoàn đến chiến trường biên giới.
Về không quân, để chuẩn bị cho chiến dịch biên giới, không quân TQ đã nâng cấp, tái phối trí các đơn vị không quân và phòng không ở quân khu Côn Minh và Quảng Châu. Có khoảng từ 800 đến 1000 máy bay và 20 ngàn binh sĩ không quân đã được điều động đến hai quân khu này. Lực lượng không quân TQ đáng kể là 80 chiến đấu cơ Mig 21, số còn lại là loại chiến đấu cơ Mig 17, Mig 19 cũ kỹ và các loại phi cơ khác. Trong khi đó phía VN có khoảng 70 Mig 21. Tuy có số lượng áp đảo nhưng không quân TQ không đóng vai trò nào đáng kể trong trận chiến ngoài việc tiếp liệu và chuyển vận. Có lẽ TQ cũng tự nhận biết về khả năng kém cỏi của các phi công TQ so với phi công VN. Bài học không chiến trong trận eo biển Kim Môn, Mã Tổ với Đài Loan vào đầu thập niên 60 đáng để họ ghi nhớ. Cứ một chiến đấu cơ Đài Loan đổi lấy 3 phi cơ TQ cùng thế hệ. Ngoài ra, trong thập niên 70, cả thế giới đều biết lực lượng phòng không dày đặc ở bắc Việt, đây hẳn là điều khiến TQ không dám dùng đến không quân tấn công trong trận chiến.
Cũng như không quân, hải quân TQ chuẩn bị tinh thần bằng những đợt học tập chính trị và một số cuộc diễn tập. Tuy nhiên, hải đội 217 gặp nhiều trở ngại kỹ thuật từ trên cơ xưởng xuống đến các chiến hạm, thậm chí thuỷ thủ còn bị say sóng.... Với kết quả yếu kém trong diễn tập, chẳng hạn như chỉ có 20 phần trăm các đạn hải pháo của tàu mang số hiệu 48 bắn trúng mục tiêu; cũng như khả năng thông tin liên lạc tồi tệ trên biển (khiến đội hình bị rối loạn); cuối cùng, thay vì là lực lượng tấn công, hải quân TQ quay về phòng thủ trên bờ. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hải quân TQ là họ lo ngại đụng độ với hạm đội Liên Xô. Ngày 21/2/1979, Hạm Đội Thái Bình Dương của Sô Viết, đặt căn cứ tại Vladivostok, đã đưa một tuần dương hạm và một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn xuống biển Đông của VN.
Nếu lực lượng hải quân của TQ vượt trội về hoả lực lẫn kỹ thuật, có lẽ TQ đã tính đến chuyện đổ bộ ở Thanh Hoá để chiếm lĩnh và chia cắt VN, ngăn chặn VN chuyển quân từ miền nam ra, đồng thời tạo gọng kìm từ phía sau xiết chặt và tiêu diệt lực lượng VN ở miền bắc chỉ bằng khoảng 1/10 lực lượng quân TQ.
4/ Tổng quát về ý đồ và chiến trận
Như đã đề cập trong phần tương quan lực lượng ở trên, trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 TQ đã dùng đến một lực lượng khổng lồ gộp lại của từ 9 đến 10 quân đoàn để đè bẹp một lực lượng khoảng 5 sư đoàn của VN trong một chiến dịch “tốc chiến tốc thắng”, nhưng trận chiến đã diễn ra khác xa với ý định của Trung Quốc.
Sáng ngày 17/2/1979, mặc dù các cuộc tấn công của TQ diễn ra trên cả biên giới 6 tỉnh phía bắc của VN, nhưng chủ yếu là ở 3 mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Ngoài 3 mặt trận này, TQ đã tấn công ít nhất là 39 địa điểm trên dọc biên giới dài 1281 cây số. Tuy nhiên thường chỉ là những cuộc tấn công ở cấp đại đội; ngoại trừ ở mặt trận Quảng Ninh, có lẽ trong chiến thuật nghi binh để phân tán lực lượng VN, TQ đã dùng đến cấp trung đoàn liên tục tấn công bằng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” (pháo kích phủ đầu gây thiệt hại nặng cho đối thủ rồi xung phong chiếm lĩnh mục tiêu) nhưng tất cả đều bị thất bại vì bị trúng mìn bẫy và sự kháng cự mãnh liệt của các đơn vị VN nhỏ bé hơn nhiều. Trong những loan báo “thắng trận” của TQ sau đó, một số địa danh chiến trận được Trung Quốc đề cập đến, nhưng không hề có một địa danh nào ở Quảng Ninh.
Ở 3 mặt trận chính là Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, TQ đã dùng đến những lực lượng lớn hơn VN từ 7 đến 10 lần để tấn công. Hiển nhiên là TQ muốn “tốc chiến tốc thắng” để đúng với mục tiêu “dạy VN một bài học”. Tuy nhiên ý định này còn mang những ý nghĩa quan trọng khác.
Ở mặt trận Lạng Sơn, TQ đã dùng 9 sư đoàn bộ binh thuộc 3 quân đoàn 43, 54, 55 để tấn công 1 sư đoàn duy nhất, là sư đoàn 3 của VN, đã đào hào chiến đấu xung quanh Lạng Sơn. Với lực lượng này sư đoàn 3 VN đã cầm chân lực lượng TQ cho đến ngày 5/3, TQ chiếm được đồi 413 ở hướng tây nam thành phố thì trận đánh Lạng Sơn mới kết thúc. Đó cũng là ngày TQ loan báo việc rút quân.
Chỉ riêng ở chiến trường Lạng Sơn là có các đơn vị mới được điều động đến để cứu ứng. Các Sư Đoàn 377, 337, và 338 của phòng tuyến Sông Cầu sau cùng đã được tung ra để chiến đấu từ ngày 2/3. Tuy đã hơi trễ nhưng cũng góp phần trong việc truy kích quân TQ rút lui.
Tại mặt trận Cao Bằng, quân số tham dự của TQ lên đến 200 ngàn người, thành phần chính thuộc các quân đoàn 41, 42 (quân khu Quảng Châu), quân đoàn 12 và 20 (quân khu Nam Kinh), và quân đoàn 50 (quân khu Thành Đô). Về phía Việt Nam có các trung đoàn 677, 246, 852 của sư đoàn 436. Thêm vào đó là trung đoàn 481 (có lẽ là lực lượng trừ bị của sư đoàn 436).
Cao Bằng bị mất ngày 25 tháng 2. Trung Quốc tuyên bố đã tiêu diệt các Trung Đoàn 677 và 681 (có lẽ là 481) thuộc Sư Đoàn 346 của Việt Nam, và ngày hôm sau cũng tuyên bố đã hủy diệt tàn quân của Trung Đoàn 246. Trong một tuần chiến đấu, lực lượng một sư đoàn VN (kể cả các đơn vị hỗ trợ, tổng cộng chỉ khoảng từ 10 đến 15 ngàn người) đã cầm chân 200 ngàn quân tấn công TQ. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó và cho đến những ngày đầu tháng 3, các lực lượng VN vẫn liên tục tấn công giành giựt phi trường Thất Khê, phản công tại Quảng Uyên và Trà Lĩnh. Nếu sư đoàn 346 đã bị tiêu diệt như TQ tuyên bố thì lực lượng nào đã tấn công phía sau TQ như vừa kể?
Ở Mặt Trận Lào Cai, lực lượng của TQ gồm 3 quân đoàn, là quân đoàn 11 và 13 (quân khu Côn Minh), quân đoàn 14 (quân khu Thành Đô). Tổng cộng quân số khoảng 125 ngàn người. Về phía VN có 6 trung đoàn thuộc sư đoàn 316 và 345 với quân số khoảng 20 ngàn người. Sư đoàn 316 của VN cầm cự với quân đoàn 13 của TQ, phải hai ngày sau TQ mới chiếm được Lào Cai nhưng vẫn phải đương đầu với các cuộc chạm súng lẻ tẻ xung quanh thị trấn. Còn sư đoàn 345 VN phải cầm cự với hai quân đoàn 11 và 14 của TQ. Tuy vậy, sau 5 ngày giao tranh phía TQ chỉ tiến thêm được khoảng 2 cây số trong lãnh thổ VN. Cuộc chiến giữa sư đoàn 316 VN và quân đoàn 13 của TQ tiếp diễn cho đến ngày 5/3.
5/ Kết quả
Như đã đề cập ở trên về ý định “tốc chiến tốc thắng” của TQ không chỉ mang tính cách dùng quân sự “dạy cho VN một bài học”, mà còn mang một ý nghĩa quan trọng khác. Vị trí của của Lạng Sơn và Lào Cai nói lên ý nghĩa này. Lạng Sơn cách Hà Nội khoảng 150 cây số, có đường hoả xa, có quốc lộ 1A là xa lộ tốt nhất của VN nối Lạng Sơn với Hà Nội. Tương tự, Lào Cai cách Hà Nội 295 cây số và là một đầu mối giao thông đến Hà Nội bằng đường hỏa xa, đường bộ và đường sông. Do đó chiếm được hoặc là Lạng Sơn, hoặc là Lào Cai cũng đều là chiếm được cửa ngõ đi đến Hà Nội và khống chế vùng châu thổ sông Hồng. Việc TQ tập trung lực lượng lớn gấp nhiều lần để dự định tấn công dứt điểm cho thấy ý nghĩa hệ trọng này. Hẳn nhiên là phía VN cũng nhận ra như vậy nên đã lập phòng tuyến Sông Cầu như đã đề cập ở trên.
Tuy về lý thuyết thì cuộc chiến biên giới phía bắc đã chấm dứt vào tháng 3/1979, nhưng trên thực tế thì những trận đánh lẻ tẻ, giằng dai ở biên giới vẫn xẩy ra trong suốt một thập niên sau đó. Đặc biệt là trận chiến giành giật Núi Đất (Lão Sơn) vào năm 1984, một điểm cao chiến lược và được coi là vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản. Con số thương vong về phía VN lên đến gần 4 ngàn người. Cuối cùng cao điểm này bị TQ chiếm. Biên giới tại đó được dời về phía nam khoảng 5 cây số. Ngoài ra, trong quyển “Sự thực về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua” được CSVN phát hành vào tháng 10/1979 có phần đề cập đến 15 địa điểm của VN gần biên giới bị TQ lấn chiếm. Tuy nhiên, từ khi CSVN khẩn nài TQ cho trở lại vai trò đàn em vào đầu thập niên 1990 thì các vùng đất đai bị lấn chiếm này không còn được nhắc đến nữa.
6/ Những hệ luỵ:
Sau cuộc chiến, hiến pháp năm 1980 của VN có thêm điều khẳng định “Trung Quốc là kẻ thù”. Nhưng chỉ 8 năm sau, khi TQ trở thành cái phao mà CSVN mong được bám vào trong lúc gần chết đuối, thì Hà Nội bắt đầu tìm cách tẩy xoá điều này trong hiến pháp và hầu hết các chứng tích dữ kiện lịch sử. Cũng năm đó, các chiến sĩ trong trận Trường Sa đã bị Bộ Chính Trị đảng CSVN để mặc nhiên trở thành những “bia tập bắn” cho lính TQ thẳng tay tàn sát. Bắc Kinh tiếp tục tung ra đoạn phim tàn sát này trên mạng Internet cho cả thế giới xem. Kể từ đầu thập niên 1990, đặc biệt sau hội nghị Thành Đô mà lãnh đạo CSVN xin thần phục Bắc Kinh trở lại, cuộc chiến năm 1979 đã trở thành một chủ đề cấm kị mà đảng và nhà nước CSVN không chỉ cấm người dân nhắc đến mà còn xóa luôn trong sách giáo khoa và quân sử. Những từ ngữ "nước lạ", "tàu lạ", "quân nước ngoài",... cũng bắt đầu xuất hiện. Cuốn sách “Những sự kiện lịch sử Việt Nam (từ 1945-2010) do hai tác giả Minh An và Bình An biên soạn, NXB Thanh Niên ấn hành quí 4-2010, trong phần tháng 2, 3/1979 không có có một chữ nào nhắc đến cuộc chiến bảo vệ tổ quốc tháng 2/1979.
Với việc giới lãnh đạo CSVN tiếp tục giấu bặt các tấm bản đồ đi kèm với Hiệp Định Biên Giới Việt Trung suốt từ năm 1999 đến nay, phần lớn công luận tin rằng họ đã chính thức nhượng hẳn các vùng bị lấn chiếm suốt thập niên 1979-1989 cho Bắc Kinh.
Sang thế kỷ 21, với 4 tốt, 16 chữ vàng được TQ ban cho, thì ngành ngoại giao CSVN bỗng nhiên có nhiều quan chức không mệt mỏi bênh vực cho quan điểm bành trướng và xâm lăng của TQ. Nhiều vùng đất, vùng biển của VN đã hàng ngàn năm bỗng dưng trở thành “vùng tranh chấp” với TQ để được thương thảo phân chia lại. Phần nào thuộc TQ thì TQ giữ, phần nào của VN thì cả 2 nước “khai thác chung”. Thứ trưởng ngoại giao CSVN khẳng định Ải Nam Quan chưa bao giờ là đất Việt Nam.
Và không chỉ cuộc chiến 1979 biến mất trong sử sách, Bộ Giáo Dục Đào Tạo còn sửa các sách giáo khoa để học sinh không còn biết tổ tiên Việt Nam đã chống lại quân xâm lược nào suốt 5000 năm trước.
Luật pháp VN có thêm luật bất thành văn nhưng ngày càng được nghiêm túc áp dụng. Đó là bất cứ người Việt nào mở miệng phản đối TQ xâm lược hoặc lên tiếng đòi bảo vệ chủ quyền VN đều là những kẻ đang “phạm tội”, và phải bị trấn áp, trừng phạt.
Nhưng nhẫn tâm hơn cả, tại các tỉnh phía Bắc, nơi xảy ra cuộc chiến, các nghĩa trang tử sĩ hy sinh bảo vệ tổ quốc đều đìu hiu hoang vắng. Những nấm mồ tử sĩ đều hương tàn khói lạnh, không ai chăm sóc. Những tấm bia ghi lại lý do của sự hy sinh cao cả của họ đều bị đập phá, đặc biệt những tấm có ghi dòng chữ “quân Trung Quốc xâm lược”. Trong khi đó, các quan chức Việt dọc biên giới được lệnh kéo từng đoàn sang bên kia biên giới hàng năm với các vòng hoa mang băng chữ “Đời đời nhớ ơn liệt sĩ TQ”. Và đến tận hôm nay, các khẩu hiệu phải nhớ ơn TQ tương tự cũng được các cán bộ tuyên giáo nhắc nhở trong những buổi giảng dậy cho đảng viên các cấp.
Cứ tạm để qua bên khía cạnh phản bội đất nước và chỉ xét về cách đối xử của lãnh đạo đảng CSVN đối với quân đội, người ta đã đủ kinh ngạc về những kẻ cho đập phá cả mồ mả và đang xóa tên những chiến sĩ đã hy sinh khỏi sử sách, lại nhất định bắt hiến pháp mới phải tiếp tục ghi rõ "quân đội phải tuyệt đối trung thành với đảng CSVN"!
Mai Thanh Hải – Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) Vị Xuyên, Hà Giang nằm phía ngoài thị xã Vị Xuyên, cách TP. Hà Giang gần 20 km và cổng đứng giấu sâu trong lùm cây um tùm, phải đi rất chậm, rất chú ý mới nhìn thấy.
Mình đưa gia đình ngược lên thăm các địa danh biên giới Hà Giang, đúng ngày Xuân đầu năm, nhằm cận ngày 17/2 để con biết thực tế, không thể quên cái ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc xua 60 vạn quân tấn công khắp lượt 6 tỉnh biên giới phía Bắc và cuộc chiến giữ đất biên cương, kéo dài cả chục năm sau đấy, rưới máu đỏ của hàng chục vạn chiến sĩ – đồng bào.
Đầu Xuân, mưa phùn lép nhép như những ai đó ngăn bước, khắp từ Hà Nội lên Hà Giang, mua cả 1 bao to hương – tiền vàng và bó hoa cúc vàng rực rồi, vẫn phải xin thêm mấy tờ báo dọc đường, sợ trời mưa làm ướt giấy, không thể thắp nổi lửa thơm, trên mộ hơn 1700 người lính đang lặng lẽ gối đầu bên nhau, trên triền đồi Vị Xuyên.
Ấy thế nhưng, xong bữa cơm trưa qua quýt quán xe tải ven bờ sông Lô thuộc huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), ngược lên Hà Giang, mưa nhỏ dần và đột ngột ngừng hẳn, đường đang nhầy nhụa bùn đất đen đúa, bỗng se lại mịn màng và khô cong trong nắng vàng, cũng vừa cúi xuống vén mây…
Hình như, các bác các chú các anh đón mình lên…
Giống như hôm nào, từ Y Tý chạy về Bát Xát (Lào Cai) đúng chiều tối, dừng lại ven đường và trèo tường vào NTLS Bát Xát, thắp hương – ghi hình gần 200 ngôi mộ giữ lại những người lính hy sinh ngay đầu tháng 2/1979, cứ tưởng sẽ phải chụp hình bằng đèn flas, nhưng không ngờ vừa châm xong bó hương, trời chợt sáng bừng, quạnh quẽ, như thể các anh các bác kéo mây, giúp cho mình bấm máy…
Chiều Vị Xuyên: Đám thanh niên choai choai chắc nhà ngay cạnh NTLS, phì phèo thuốc lá, rú ga xe máy rầm rĩ và bốc đầu, uốn lượn ngay trong sân biểu diễn, tròn xoe mắt nhìn chiếc xe nhà mình lấm lem bùn đất và cả nhà lục tục bước xuống, lỉnh kỉnh hương hoa…
Năm trước, mấy lần đi Lũng Cú, đều dừng lại thắp hương NTLS Vị Xuyên, nên không ngạc nhiên trước cảnh vắng lặng, đìu hiu.
Cái thay đổi so với 1 năm mình qua, là có thêm chiếc ô màu đen trước tượng đài liệt sĩ, để che mưa cho người khấn vái – thắp hương, càng làm NTLS nhuốm màu tang tóc với 2 gam màu đen – trắng…
Ngồi nói chuyện với người Quản trang, ông ngạc nhiên khi thấy mình xui: “Ngày 17/2, các bác dành chút thời gian thắp cho mỗi mộ 1 nén nhang!” và lảng lảng: “Hôm Tết cũng thắp rồi đấy chứ!. Thi thoảng anh em cũng thắp mà!”.
Hỏi ra mới biết: Các mộ liệt sĩ được thắp hương nhiều nhất vào ngày 27/7, 22/12 và nữa mới đến dịp Tết. “Đúng ngày 23 tháng Chạp vừa rồi và trước giao thừa, anh em chúng tôi thắp đủ cho hơn 1.700 ngôi mộ!” – ông Quản trang hào hứng và dè dặt: “Nói thật. Ngày 17/2, chỉ những người tham gia chiến tranh biên giới, nhớ đồng đội đến thắp hương. Đôi khi có một vài đơn vị thiệt hại nặng trong những ngày đó, cũng đến viếng. Như gia đình chú, ít lắm!”…
Nghe nỏm câu chuyện của mình, con gái giật tay: “Sao lại có ít người đến thắp hương vậy ba?. Các bác ấy cũng là Liệt sĩ, như trong Nghĩa trang Trường Sơn mà!”…
Mình không thể trả lời nổi con, mới 7 tuổi học lớp 1 bởi câu hỏi, như vết cắt đau quặn trong ngực mà hàng triệu người Việt đang hỏi…
Vết đau đó chỉ tạm nguôi ngoai, khi nhìn con cùng mẹ – chị – ông bà tỉ mẩn cắm hương lên từng ngôi mộ và con, môi đỏ chót bi bô đọc tên tuổi, quê quán của những người anh hùng ghi trên bia mộ, giữa chiều nắng hửng hiếm hoi đầu năm…
Và mình chắc rằng: Con gái mình, sẽ không bao giờ quên ngày 17/2/1979 – Ngày Trung Quốc bất ngờ xua 60 vạn quân đồng loạt tấn công khắp dải biên giới phía Bắc, đốt phá, chém giết, cướp bóc và hơn 1.700 người lính đang nằm ở NTLS Vị Xuyên, chỉ là con số rất nhỏ so với những người đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược đầu năm 1979 và ròng rã giữ đất biên cương, cả chục năm sau…
Rời Vị Xuyên, con gái giật tay nhắc: “Hôm nào, ba lại đưa chị em lên đây thắp hương cho các bác các chú đã đánh bọn Trung Quốc xâm lược nhé!”…
Vâng, Con gái!. Một nén hương trầm, một điếu thuốc thơm thắp trước vong linh những người nằm xuống, cũng đủ để ấm cả triền đồi Vị Xuyên, trong sự tri ân, từ tận đáy lòng
Lật lại trang sử cuộc chiến VN chống xâm lăng của Trung Cộng 34 năm về trước (17/2/79-17/2/13).
Mời đọc hai bài nhận định của hai Tướng VN Lê Văn Cường & Lê Duy Mật.
Nhìn lại
chiến tranh biên giới 1979
17/02/2013 2:30
Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt
của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Tuy
vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ
trang tại biên giới
giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu
tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an,
với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là
hoàn toàn cần thiết.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Kể
từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như
đều
không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến
chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông
tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?
Để
trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu
ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30
năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình
của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu
sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến
linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong
cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có
yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ
nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này
cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định
rằng nói như vậy là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó
chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ
tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội
dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ
trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ
vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công
TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ
thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc
chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Theo
tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước,
nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho
nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung
1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật
rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc
chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Việc nói
ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử
so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch
sử từ
hàng chục năm qua.
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979
Với
độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ
cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh
hiện tại ?
Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá
đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979.
Thế
nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng
có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.
Vấn
đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc
chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận
thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất
trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ
hồ.
Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách
nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn
học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh
viên hầu như không
biết gì về
cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc
về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế
hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ
từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng
nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được.
Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử
chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể
lờ đi vấn đề lịch sử này được.
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh: Tư liệu
Tôi
đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá
nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm
1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN.
Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và
hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi
vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”.
Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với
các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống
ngoại xâm này được”.
Thứ hai, trong thế giới hiện đại toàn cầu
hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn
toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các
quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt
đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận
thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền
quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt
chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước
chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN
có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó
là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.
Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích
quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn
biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng
vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu
không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.
Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu
chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc
gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù
vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta
chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ
quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ
trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu
nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của
chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu
của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng
đấu tranh".
Đồng
thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong
mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số
đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải
đấu tranh.
Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao
Bằng
Nhìn
lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong
vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ
giữa VN và TQ ?
Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa
hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả
hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba
năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định,
giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân.
Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân
tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng
ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc
chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do
mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất
nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất
dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những
người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống
sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ
cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền
quốc gia.
Ng.Phong
1. Đảng Việt cộng hèn hết chỗ nói:
Sáng
nay, 17/2/2013, nhân 34 năm Trung Cộng mở chiến dịch tấn công quân sự
quy mô lớn xâm lược nước ta (17/2/1979), một đoàn nhiều vị nhân sĩ trí
thức cùng nhiều quần chúng nhân dân đã đến viếng các anh hùng, liệt sỹ
hy sinh trên mặt trận phía Bắc chống quân bành trướng bá quyền Bắc
Kinh.
Đoàn gồm: Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh,
nguyên Uỷ viên TW Đảng, lão thành Cách mạng; TS. Nguyễn Đình Lộc nguyên
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Trung cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan,
Nhà thơ Việt Phương nguyên Thư ký của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ông
Trần Đức Nguyên thanh viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS.
Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện … cùng đông đảo
các tầng lớp thanh niên, trí thức Hà Nội đã mang vòng hoa: ĐỜI ĐỜI NHỚ
ƠN CÁC LIỆT SỸ CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, tới viếng tại Đài Tưởng nhớ
Liệt sỹ tại Hà Nội.
Rất đáng buồn là lực lượng bảo vệ Đài Tưởng niệm đã gây cản trở và không cho đoàn bước vào viếng. Nhiều
báo chính thức của Việt Nam đã im lặng trong ngày 17/2, ngày đánh dấu
34 năm xảy ra cuộc chiến Việt-Trung ở biên giới phía Bắc, trong khi một
đoàn tưởng niệm do một cựu bộ trưởng dẫn đầu bị “ngăn chặn” và “làm khó
dễ” ở Thủ đô.
Tính tới cuối giờ chiều ngày Chủ Nhật,
hàng loạt các tờ báo và trang tin điện tử chính thức của Việt Nam như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam
(Vov online), Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (vtv.vn)
cho tới các tờ báo khác như Sài Gòn Giải Phóng, Cựu Chiến Binh v.v…
chưa thấy đưa tin, bài nào về ngày tưởng niệm cuộc chiến, cũng như chưa
thấy có tin lãnh đạo đảng, nhà nước, hay quân đội thăm viếng, tưởng
niệm sự kiện.
2. 34 năm cuộc chiến biên giới Việt – Trung
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-02-17
Đúng 34 năm về trước, ngày 17
tháng Hai năm 1979 Trung Quốc xua quân tấn công
Việt Nam trên toàn biên giới phía Bắc và chiếm giữ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và một số thị trấn dọc biên giới.
AFP PHOTO. Quân đội Việt Nam tại cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979, ảnh chụp hôm 23-02-1979.
Theo tướng Ngũ Tu Quyền của Trung Quốc thì Việt
Nam thiệt hại 50 ngàn bộ đội còn Trung Quốc chết tại chiến trường là 20
ngàn. Trong khi đó sự thay đổi trầm trọng trong cách ứng xử của chính
quyền VN đối với những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh để
bảo vệ biên thùy đang gây bức xúc cho người trong cuộc và buộc họ phải
lên tiếng.
Mặc Lâm phỏng vấn
Thiếu tướng Lê Duy Mật nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu 2,
Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang để biết thêm nguyện vọng của một
tướng lĩnh trong vấn đề gay gắt này.
Mặc Lâm:Thưa Thiếu tướng, chúng
tôi được biết là ông cùng với bốn vị nữa đã ký tên vào một kiến nghị có
tên là “Kiến nghị 5 điểm” nhằm đánh động việc cuộc chiến biên giới phía
Bắc có thể bị bỏ quên, xin ông cho biết kiến nghị
đã được gửi tới đâu và có
bất cứ phản hồi nào hay không ạ?
TT Lê Duy Mật: Tôi
đã có thơ cho ông Lê Hồng Anh, cho tất cả. Thí dụ như Chủ tịch, rồi
Quốc hội, Chính phủ, Ban bí thư, thường trực Ban bí thư. Tôi có biên
thư riêng cho Lê Hồng Anh. Tôi mới gửi đợt 2. Cái thư mới gửi đợt 2,
tháng 12 thôi.
Không hiểu ý đồ của nhà nước
Bốn chữ "Trung Quốc xâm lược” đã
bị đục bỏ trên tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê –
Ảnh: Trường Sơn/blog Quê
Choa.
Mặc Lâm: Trong thời gian gần đây nhiều gia đình liệt sĩ của cuộc chiến 1979 đã không biết hài cốt của con em mình nằm tại đâu vì sau đợt cắm mốc biên giới thì phần đất Việt Nam chôn hài cốt liệt sĩ đã thụt sâu về phía Trung Quốc. Thiếu Tướng có nghĩ rằng nhà nước phải làm một điều gì đó để mang lại công bằng cho những người này hay không?
TT Lê Duy Mật:Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung Quốc, nếu không phải bàn với ngoại giao Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc thì mới có thể giải quyết được.
Nói chung là có ba
bốn việc phải làm. Một là liệt sĩ, hai là nhân dân của mình bao nhiêu
đời ở bên đây, bây giờ về đất họ. Thứ ba là cắm mốc biên giới. Thứ tư
là các chính sách. Thứ năm là viết sử cho cuộc chiến đó vì đối tượng
chiến tranh với Trung Quốc là đối tượng khác, đối tượng đặc biệt không
giống với thằng Pháp, thằng Mỹ đâu.
Cho nên nếu nhà nước không làm là không có quan điểm, thiếu trách nhiệm và chính sách không tốt, lòng người không tốt, đấy!
Mặc Lâm: Gần
đây có những bức ảnh cho thấy bia kỷ niệm liệt sĩ chống Trung Quốc đã
bị chính quyền đục bỏ hai chữ Trung Quốc, tức là gián tiếp không thừa
nhận cuộc chiến tranh này là cuộc chiến xâm lược do quân đội
Trung Quốc tiến hành. Chính quyền cũng không cho phép tổ chức những lễ
kỷ niệm vào các ngày có cuộc chiến xảy ra. Theo ông thì việc này xuất
phát từ nguyên nhân nào ạ?
TT Lê Duy Mật:
Đó là việc ngăn cấm mà tôi không hiểu ý đồ của nhà nước là như thế
nào. Ý đồ của nhà nước chứ không phải của đảng. Ý đồ nhà nước thế nào
thật ra tôi không rõ. Nhiều ngày lễ kỷ niệm nó cũng chẳng kỷ niệm cái
gì. Sử sách không viết cái gì cả. Người ta quên cả việc đó cho nên người
ta nói bậy. Thí dụ như tay Tổng Tham mưu trưởng nói bậy. Kẻ thù thế
nào chẳng rõ, rồi chiến lược sách lược thế nào không rõ. Thế rồi ông
Phùng Quang Thanh cũng nói chung chung dĩ hòa vi quý thôi.
Mặc Lâm:Thưa Thiếu tướng, có lẽ
bắt đầu từ những chính sách hoàn hoãn vô giới hạn như thế cho nên nhiều
người cho rằng, nếu có một cuộc chiến khác xảy ra thì Quân Đội Nhân
Dân Việt Nam sẽ không còn sức đề kháng vì tâm lý lệ thuộc đã ăn sâu vào
trong các sĩ quan từ dưới lên trên. Là một tướng lãnh ông nghĩ gì về
những lo lắng này ạ?
TT Lê Duy Mật: Vấn đề đó thì bây giờ
thời bình cũng chẳng rõ được, nhưng lúc chiến tranh thì dân tộc Việt Nam
là dân tộc anh hùng cho nên lúc bấy giờ quên hết, bỏ hết tất cả quá khứ
mà có lẽ phải tiến về phía trước mới hiểu được bản chất của bộ đội cụ
Hồ. Đồng thời chiến đấu trước
gian khổ
và chịu đựng cái chết, cái khổ không phải là khó. Hai là chiến tranh
biên giới nó có khác cho nên vất vả lắm. Nhưng thực ra anh em vẫn giữ
tốt, vẫn giữ phòng ngự, giữ biên cương, và vẫn đánh địch, cho nên địch
có đến đấy cũng không làm gì được.
Mặc Lâm:Lịch sử ghi nhận rằng
Trung Quốc đã lợi dụng yếu tố bất ngờ trong cuộc chiến năm 1979, thưa
Thiếu tướng, ông có nghĩ rằng lúc ấy nhiều đơn vị đã mất cảnh giác khi
tin rằng phía Bắc là bạn vàng, và họ không bao giờ giở thủ đoạn tấn công
Việt Nam hay không ạ?
Ảnh cùa Lê Quang Nhật.
TT Lê Duy Mật:
Vấn đề cảnh giác thì không phải mất cảnh giác mà do nhà nước ta. Rồi
chiến lược, sách lược, rồi thì đường lối mọi cái là rõ đấy. Vì thằng
Trung Quốc nó đánh ở đây để nó giải quyết nhằm thôn tính Campuchia.
Người ta đánh Campuchia thì ở đây mình thôn tính. Hai là nó gây hấn ở
Biển Đông để rồi bây giờ tiếp tục xâm lấn và muốn chiếm Biển Đông. Cũng
do tình hình thực tế cụ thể trong bối cảnh lịch sử rồi ta mới có sách
lược về chiến lược, chiến thuật
và cách đánh ta nghiên cứu cho
rõ. Vì đối tượng này là đối tượng người bạn láng giềng, người đồng chí,
và người anh em, cho nên khó hiểu đối tượng này. Nhưng mà bây giờ thì
ta cũng đã có hiểu cũng khá hơn đấy.
Mặc Lâm:Dưới
cái nhìn của một người có kinh nghiệm chiến tranh với Trung Quốc ông
có nghĩ rằng đây là lúc mà Trung Quốc có thể lập lại cuộc chiến của năm
1979, rồi họ sẽ rút quân chỉ sau vài tuần lễ để đưa Việt Nam vào cái
thế phải chấp nhận những gì họ đưa ra hay không, thưa ông?
TT Lê Duy Mật: Chưa, nó chưa đủ điều
kiện, chưa đủ thời cơ và tình thế về chiến lược. Nó chưa thể đánh chiếm
Hà
Nội đâu. Khi xưa
nó đánh để nó bàn thảo với ta rằng ta phải nhượng bộ và rút khỏi
Campuchia để nó thôn tính Campuchia. Đây là vấn đề chiến tranh đã qua.
Chiến tranh sắp tới thì đối phương, là Tàu đấy, nó dùng phương thức
khác, chứ không phải là chiến tranh tiến qua biên giới đâu.
Đấu tranh cho gia đình liệt sĩ
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên hoang vắng, quạnh quẽ. Hình đăng trên bài báo của Huy Đức trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị (đã
bị gỡ xuống).
Photo by Lê Quang Nhật.
Mặc Lâm:Xin
quay lại với câu hỏi đầu tiên. Thưa Thiếu Tướng, đối với vấn đề mộ
phần liệt sĩ trên đất Trung Quốc cũng như các ngày lễ kỷ niệm và quan
trọng hơn hết là sách giáo khoa ghi chép lịch sử cuộc chiến Biên giới
phía Bắc, ông và đồng đội cũng như gia đình họ sẽ có những đấu tranh gì
đối với các chính sách lạt lẻo hiện nay, nhất là vần đề đãi ngộ gia
đình liệt sĩ ạ?
TT Lê Duy Mật:
Bây giờ thì đã và đang làm, còn nhà nước thế nào, thái độ, quan điểm và
chính sách thế nào thì hiện nay còn chờ
nhà nước. Còn người cấp
dưới, là tướng chỉ huy thì chúng tôi phải đòi đến cùng về vấn đề cá
biệt phải đưa về nơi quê hương đất tổ, về gia đình người ta. Hai là
nhân dân trên đó, phải xem xét thế nào để cho nhân dân khỏi khổ, biên
giới có đúng hay không. Đấy, tôi thì tôi thấy như thế thôi.
Mặc Lâm:Một lần nữa xin cảm ơn Thiếu tướng Lê Duy Mật đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
nguồn: RFA
Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979
Vùng màu vàng trên bản đồ này là vùng Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền trên Biển Ðông.
CỠ CHỮ
06.10.2012
Những hành vi bị nhiều người cho là hung hãn của Trung Quốc trong vụ
tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh. Đó
là nhận định của một số các nhà quan sát khi họ nhìn lại cuộc chiến
tranh cách nay hơn 30 năm giữa hai lân bang theo chủ nghĩa Cộng Sản có
mối quan hệ khắng khít, thường được mô tả là “môi hở răng lạnh”.
Những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông có nhiều tài nguyên
thiên nhiên tiếp tục gây căng thẳng cho các mối quan hệ giữa Trung Quốc
và một số các nước láng giềng của họ ở Á châu, trong đó có Việt Nam.
Những vụ tranh chấp như vậy giữa Trung Quốc và Việt Nam đã diễn ra trong
nhiều thế kỷ. Nhưng đến cuối thập niên 1970, sự hiềm khích giữa đôi bên
đã bùng lên thành một cuộc xung đột vũ trang có nhiều chết chóc, với
cuộc chiến tranh thường được gọi là cuộc chiến tranh biên giới
Việt-Trung 1979.
Trung Quốc đã dùng yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà họ
gọi là Nam Sa làm một trong các lý do để xâm lăng Việt Nam, tuy cuộc
chiến tranh đó diễn ra sau một loạt những vụ đụng độ ở biên giới hai
nước và những hành động quyết liệt của Việt Nam ở Campuchia.
Tại Campuchia lúc đó, chế độ Khmer Đỏ tàn bạo đã phát động một chiến
dịch khủng bố trên cả nước. Chiến dịch diệt chủng này rốt cuộc đã gây tử
vong cho hơn 2 triệu người. Khmer Đỏ có được sự hậu thuẫn của Trung
Quốc nhưng bị Liên Sô phản đối. Việt Nam có được sự hỗ trợ của cả Trung
Quốc lẫn Liên Sô trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng dần dần tránh
xa Trung Quốc trong những năm giữa thập niên 1970 và nghiêng hẳn về phía
Liên Sô. Việt Nam tiến quân sang Campuchia cuối năm 1978 và nhanh chóng
lật đổ chế độ Khmer Đỏ.
Ông Lý Tiểu Binh, Khoa trưởng Phân khoa Sử Địa của Đại học miền Trung
Oaklahoma, cho biết lãnh tụ Trung Quốc lúc đó là ông Đặng Tiểu Bình đã
tức giận trước hành động của Hà Nội và quyết định “dạy cho Việt Nam một
bài học”.
Giáo sư Lý: "Vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực,
cộng với việc xâm lăng Campuchia và sự hợp tác với Liên Sô, nên ông Đặng
Tiểu Bình và Trung Quốc e rằng Việt Nam có thể bành trướng thế lực của
mình tới những khu vực khác, kể cả Biển Nam Trung Hoa."
Trung Quốc cũng tố cáo Việt Nam bách hại Hoa Kiều và lên tiếng chống đối
việc Việt Nam chiếm đóng những hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Đầu năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm Hoa Kỳ và bày tỏ sự bất mãn đối
với Việt Nam. Ông nói với các giới chức ở Washington rằng “những đưa
trẻ không nghe lời cần phải đánh đòn.”
Lính Trung Quốc bắt đầu tràn qua biên giới Việt Nam hồi tháng hai năm
1979. Phía Việt Nam gọi đây là cuộc chiến “chống bá quyền Trung Quốc”
trong lúc Bắc Kinh gọi cuộc xung đột vũ trang này là “Cuộc phản kích tự
vệ chống lại Việt Nam.”
Giáo sư Lý Tiểu Binh nói rằng Trung Quốc muốn mô tả cuộc chiến này là một cuộc chiến tự vệ.
Giáo sư Lý: "Trung Quốc muốn biện minh cho hành động của mình. Họ muốn
mọi người tin rằng cuộc chiến tranh này có tính chất phản ứng tự vệ để
đáp lại chính sách hung hãn của Việt Nam."
Tiến sĩ Lý Tiểu Binh cho biết ông Đặng Tiểu Bình muốn dùng cuộc chiến
tranh với Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quân đội Trung Quốc.
Giáo sư Lý: "Có vấn đề giữa hàng ngũ lãnh đạo mới của ông Đặng Tiểu Bình
và quân đội. Quân đội than phiền là họ không được lợi lộc gì trong các
nỗ lực cải cách. Họ nói rằng trong lúc tiến hành cải cách họ đã không
nhận được các nguồn lực để phát triển. Thậm chí họ còn cho rằng họ là
nạn nhân của phong trào cải cách."
Ông Lý Tiểu Binh nói rằng ông Đặng Tiểu Bình đã để cho quân đội có được
một cơ hội để chứng tỏ khả năng và cho phép họ tự soạn thảo kế hoạch xâm
lăng Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng đó lại nêu bật sự yếu kém của quân đội Trung
Quốc. Họ chỉ tiến được vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 8 kilo mét, tuy đã
gây thiệt hại nặng cho một số thành phố ở biên giới. Đà tiến của những
toán quân Trung Quốc đã bị khựng lại khi gặp phải sự kháng cự kịch liệt
của phía Việt Nam, những người đã tận dụng được các kỹ năng đánh du kích
mà họ đã trui luyện trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Trung Quốc đã
gánh chịu tổn thất nhân mạng rất lớn và phải rút về nước sau 29 ngày.
Giáo sư Lý: "Đó là một thảm họa nhục nhã đối với quân đội. Thương vong ở
mức cao, không theo đúng kế hoạch, thông tin liên lạc tồi tệ, tính toán
sai lầm, vân vân …"
Về mặt công khai, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng. Nhưng phía Trung
Quốc biết rõ là quân đội của họ có nhiều khiếm khuyết. Không lâu sau đó,
Bắc Kinh đã thực hiện một chương trình để hiện đại hóa quân đội của
mình.
Giáo sư Lý: "Quân đội nhận ra rằng họ đã bị lỗi thời. Tinh thần chiến
đấu binh sĩ rất thấp. Các hệ thống của Liên Sô không hoạt động có hiệu
quả. Khi đó họ còn dùng các loại khí tài của Liên Sô. Vì vậy cho nên họ
đã sẵn sàng chấp nhận đề nghị cải cách quân đội.
Giáo sư Lý Tiểu Binh cho rằng qua cuộc chiến năm 1979 Trung Quốc lại một
lần nữa chứng tỏ với các nước láng giềng là họ sẵn sàng sử dụng vũ lực
để giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ.
Nhiều năm sau khi chiến tranh chấm dứt, những vụ đụng độ ở biên giới
Việt-Trung vẫn tiếp diễn và quan hệ song phương tiếp tục bị căng thẳng.
Mãi cho đến năm 1986, với bối cảnh của sự thay đổi hàng ngũ lãnh đạo ở
Bắc Kinh và Hà Nội và các phong trào cải cách ở Nga, Trung Quốc và Việt
Nam đã đồng ý gác qua một bên những vụ tranh chấp để tập trung nỗ lực
vào công cuộc phát triển hòa bình.
Công cuộc phát triển đó giờ đây đã bị đe dọa bởi những hành động có tính
chất kịch liệt của Trung Quốc để chống lại điều mà họ cho là những mối
đe dọa đối với lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Các nhà quan sát cho rằng
những hành vi gây nhiều sóng gió có thể làm cho Trung Quốc rơi vào một
cuộc xung đột với các nước láng giềng cũng có yêu sách chủ quyền ở vùng
biển rất quan trọng cho hoạt động thương mại của cả thế giới này.
Dave DeForest
VOA
Cuộc chiến biên giới 1979
Thủy Giang
gửi cho BBCVietnamese.com từ Bratislava
Ba mươi bốn năm về trước, lúc 5 giờ 25
phút sáng ngày 17/2/1979, tiếng đại pháo của quân Trung Quốc đồng loạt
khai hỏa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ, Lai Châu đến
địa đầu Móng Cái, mở đầu một cuộc chiến, mà đối với giới lãnh đạo Bắc
Kinh là “dạy cho quân côn đồ Việt Nam một bài học” như lời của Đặng Tiểu
Bình.
Đối với giới lãnh đạo của CS Việt Nam là “trận đánh xâm lược của bọn bá quyền Trung Quốc”, như lời của Tổng bí thư Lê Duẩn. Còn đối với quốc tế thì đó là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba. Dù gọi dưới danh xưng gì đi nữa thì cuộc chiến
này vẫn là một trong những trận chiến thảm khốc nhất dưới góc độ hủy
diệt và dã man trong một khoảng thời gian rất ngắn. Không có bất cứ số liệu nào chính thức và đáng
tin cậy về con số thương vong của quân dân hai bên tham chiến, tuy nhiên
con số mà người ta ước lượng là trên 100 ngàn người cho cả hai phía sau
gần 30 ngày giao tranh đẫm máu sau khi Trung Quốc chính thức rút quân
vào ngày 16/3/1979.
Thảm khốc
Trên đường tấn công, quân Trung Cộng nã súng không thương tiếc đối với bất kỳ ai, bất kỳ vật gì mà họ gặp trên đường tiến quân. Sư đoàn 163 của họ nhận được lệnh từ cấp trên
là “sát cách vô luận” tức“ giết người không bi buộc tội” do vậy lính
Trung Cộng đã thẳng tay sử dụng đại bác, hỏa tiển, súng phun lửa, mìn và
kể cả xăng để tiêu diệt từ làng này sang làng khác, hết chục người này
đến trăm, đến ngàn người khác. Nếu như, ở Bát Xát, thuộc Lào Cai, hàng trăm phụ
nữ bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân
Trung Quốc tiến sang, thì tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An,
Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã
giết 43 người gồm 23 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang
thai. Tất cả đều bị giết bằng dao. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.
Việt Nam đã ra lệnh tổng động viên thanh niên vào quân ngũ
Kết quả đó đã được Đặng Tiểu Bình hả hê xác nhận
chủ tâm dã man này trong một bài nói chuyện đúng vào ngày rút quân của
Trung Quốc, nguyên văn: “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn
một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn
trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.” Ngày này, ba mươi bốn năm sau, dường như không còn chút vết tích gì về cuộc chiến đó trên quê hương Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam yêu nước câu hỏi lớn
và đau đớn nhất trong ngày này là - đây là một sự lãng quên vô tình hay
phản bội? Bởi toàn bộ hệ thống truyền thông, báo chí chính
thống của nhà nước không hề nêu lên một chữ dù chỉ để nhắc nhớ như đã
từng nhắc nhớ về những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ? (Báo Thanh Niên số 17/2/2013 có bài Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979, bài duy nhất trên phương tiện truyền thông Việt Nam trực tiếp nhắc đến cuộc chiến chống quân Trung Quốc - BTV)
Trong hàng loạt những hoạt động tưởng nhớ, đền
ơn những người có công với đất nước người ta không hề nghe đến những
người đã hy sinh cho Tổ quốc trong trận chiến với “quân Trung Quốc xâm
lược” vào tháng 2 năm 1979. Trên các tỉnh phía Bắc, nơi xảy ra cuộc chiến, những tấm bia nào có ghi dòng chữ “quân Trung Quốc xâm lược” đều bị xóa sạch. Cũng có những nghĩa trang chôn cất những người đã hy sinh trong trận chiến nhưng lại đìu hiu đến ngậm ngùi. Nghĩa trang Duyên Hải, Lào Cai là một điển hình
chua xót. Cũng từ cái chủ nghĩa ấy các anh đã cầm súng và hy sinh, và sự
hy sinh của các anh ngày hôm nay đã biến vào hư không, âm thầm như
nhũng cái chết vô danh. Những nấm mộ này vẫn đang nằm trong lãng quên
của nhiều người, ngoại trừ nỗi buồn đau của người thân các anh.
Lãng quên hay phản bội?
Đáng lẽ ngày này phải có lễ kỷ niệm, bởi vì đó
là ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam, tàn phá biên giới giết hại nhân
dân Việt Nam. Đó là một dấu mốc mà nhân dân Việt Nam đời đời khắc cốt, ghi xương. Đáng ra phải có lễ kỷ niệm, nhưng vì sao vậy? Đó là do sức ép của nhà cầm quyền Trung Cộng đối
với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Trung Quốc vừa ăn cướp vừa bịt
miệng nạn nhân với những mỹ từ nào là “16 chữ vàng” nào là “4 tốt”. Liệu pháp “16 chữ vàng” và “4 tốt” xuất hiện
trong bối cảnh nào mà đã xóa sạch mọi vết tích của trận chiến ngày
17/2/1979? Thậm chí nó còn muốn hủy diệt sức đề kháng trước ngoại xâm
của dân tộc Việt Nam? Vì sao hình ảnh “16 chữ vàng” và “4 tốt” đã thay
chỗ cho những khuôn mặt đau thương, những thân hình tàn phế cùng những
hy sinh không đếm được của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào trong cuộc
chiến 17 tháng 2 năm 1979 Hàng ngàn năm sống bên cạnh Trung Quốc đã cho người Việt Nam quá nhiều kinh nghiệm và bài học. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay
vì luôn luôn đặt quyền lợi của Đảng lên trên quyền lợi của dân tộc nên
mới nhận kẻ thù truyền kiếp của dân tộc làm bạn, rồi bây giờ cũng vì
quyền lợi riêng, nên cúi đầu cam tâm thần phục Bắc Kinh, và ép buộc nhân
dân phải đớn hèn theo họ! Cuộc chiến biên giới tháng 2 năm 1979 chống quân
Trung Quốc xâm lược rõ ràng là một cuộc chiến cố tình bị lãng quên. Tôi
cho đó là một sự phản bội của Đảng Cộng sản Việt Nam! Bài phản ánh quan điểm và cách hành văn của người viết, nhà báo hiện sống ở Bratislava, Slovakia.
Một bảo vệ toan tháo các dòng chữ tưởng niệm đã bị quay phim và đưa lên mạng xã hội
"Dân ta phải học sử ta, nếu mà không học
thì tra google," là câu được truyền miệng từ vài năm nay khi Việt Nam
ngày càng kết nối chặt chẽ vào mạng toàn cầu.
Số người Việt dùng internet được cho
là đã lên tới hơn 30 triệu, chiếm một phần ba dân số, và họ có thể tiếp
cận những thông tin hiếm thấy trên không gian chính thống. Đợt kỷ niệm 34 năm ngày Trung Quốc đưa hàng vạn
quân tràn qua sáu tỉnh biên giới gây thương vong cho hàng vạn người ở cả
hai phía càng cho thấy khả năng thông tin có thể lan tỏa qua mạng xã
hội và mạng toàn cầu nói chung. Ít nhất ba video đã xuất hiện trên YouTube trong
ngày 17/2 về chuyện các cựu quan chức và trí thức không được vào đặt
vòng hoa để đánh dấu ngày này tại đài tưởng niệm ở trung tâm Hà Nội và ở
Gò Đống Đa. Vài giờ sau đã có hàng trăm người xem các video này trong khi nhiều video về chủ đề cuộc chiến 1979 được hàng vạn người xem. Trên mạng xã hội Facebook, trang
Bấm
Hoa Sim Ngày 17-2 vừa được lập ra để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cũng được sự hưởng ứng của hơn 100 người.
Khi dùng từ khóa 'cuộc chiến biên giới 1979' trên trang google.com, trang đầu tiên trong danh sách kết quả là
Bấm
trang viết trên Wikipedia về cuộc xung đột với những thông tin khái quát.
Cũng trong trang đầu của các kết quả tìm kiếm là
sự tái hiện lực lượng hùng hậu của phía Trung Quốc với hàng loạt xe
tăng, trọng pháo và số đông quân tham chiến qua một video có thuyết minh
bằng tiếng Đức.
'Thiếu sót lớn'
Ngoài ra một diễn đàn về cuộc chiến biên giới với
Bấm
gần 60 trang thông tin bắt đầu từ hồi năm 2008 có mặt tại vị trí số sáu trong các kết quả.
Các bài viết trên trang của
Bấm
BBC,
Bấm
VOA và
Bấm
RFA đều nằm ở trang đầu tiên của hơn một triệu kết quả mà Google đưa lại.
Sự góp mặt duy nhất của truyền thông trong nước trong trang kết quả tìm kiếm đầu tiên là bài '
Bấm
Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979' của báo Thanh Niên được đăng vào sáng sớm ngày 17/2/2013.
"Trong
khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống
phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800
tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ
gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN.""
Tướng Lê Văn Cương nói với báo Thanh Niên
Báo này phỏng vấn Tướng Lê Văn Cương, người nói
rằng việc nhà nước không kỷ niệm sự kiện này trong nhiều năm qua là một
"thiếu sót lớn" và nói thêm: "Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó
chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ
tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội
dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ
trước VN". "Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90%
người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới
sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả."
'Chịu lép vế'
Mặc dù truyền thông chính thống ít có những cố
gắng để ghi lại cuộc chiến đẫm máu cách đây 34 năm và các trận đánh lớn
nhỏ trong suốt 10 năm sau đó, nhiều công dân mạng đã có những nỗ lực của
riêng họ. Một số blogger đã có những cố gắng để tìm lại những người đã trực tiếp chống lại quân Trung Quốc và đưa lên
Bấm
blog cũng như YouTube.
Trong một video, Tướng Lê Duy Mật, một trong các
tư lệnh của các trận đánh lớn trong những năm giữa thập niên 1980, cáo
buộc chính quyền Hà Nội bị Trung Quốc "áp đảo" và đã "chịu lép vế" (ở
phút thứ 4 trong video). Trong số kết quả tìm kiếm cũng có
Bấm
video phỏng vấn Đại tá Quách Hải Lượng, người nói rằng Tổng
Bí thư Lê Duẩn đã nói với một số sỹ quan Việt Nam về chuyện sẽ phải đối
phó với quân đội Trung Quốc từ tháng 8/1978.
Vị Đại tá cũng đưa ra thông tin rằng Bộ trưởng
Quốc phòng Văn Tiến Dũng trong khi đó có vẻ vẫn tin vào chuyện Trung
Quốc "sẽ tốt" với Việt Nam. Những video phi chính thống này cũng đã bị một
số người chỉ trích nói rằng các nhân vật được phỏng vấn "bất mãn" với
chế độ hay một số thông tin có liên quan không chính xác. Nhưng trong môi trường thông tin chính thống
trống vắng, những thông tin phi chính thống đã trở thành các nguồn gần
như độc nhất cho các công dân mạng muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam
đương đại.
Video 1
Video 2
Trận chiến tranh 1979 giữa Trung Quốc và Việt Nam
Lời giới thiệu của dịch giả:Chương 13 trong cuốn “On China” tiến sĩ Kissinger vừa cho xuất bản, dành nói về trận chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung quốc tháng 2/1979 với nhan đề “Touching the Tiger’s Buttock The third Vietnam War”
(Trận chiến tranh Việt Nam thứ 3: Sờ Đít Cọp). Ông Kissinger đã mang
đến cho chương này những thông tin và lý giải chưa bao giờ được nói tới.
Theo tiến sĩ Kissinger cuộc chiến đã có những hậu quả thay đổi bàn cờ
thế giới và là lý do gián tiếp đưa đến sự sụp đổ của Nga hơn 10 năm sau
đó. Cuộc đấu trí giữa Trung quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Liên bang Xô
viết đang được tái diễn và lần này giữa Trung quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Cao điểm là việc Trung quốc công khai ngăn chận việc dò tìm dầu của Việt
Nam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ngày
26/5/2011. Cái khác là vào năm 1979, Việt Nam công khai xem Trung quốc là kẻ
thù và Trung quốc đang lo tìm cách phá kế hoạch thôn tính thế giới của
Xô viết. Hiện nay trên nguyên tắc Việt Nam là đồng minh với Trung quốc,
và Hoa Kỳ là nước đang lo tìm cách ngăn chận ý đồ bá chủ của Trung quốc. Đối với Việt Nam, dù mầu sắc quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam
lúc đó và lúc này có khác nhau, sự lo lắng của người cầm quyền tại Việt
Nam vẫn là mối lo móng vuốt của Trung quốc. Còn nữa, vào thập niên 1970 tuy thất bại tại Việt Nam Hoa Kỳ vẫn
còn đủ mạnh để lèo lái thế giới, và Nga chỉ phô trương nhưng thực chất
yếu. Hiện nay Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách thâm thủng, nợ
nần chồng chất, kinh tế suy thoái không biết còn có khả năng lãnh đạo
thế giới tự do không. Và Trung quốc đang mạnh và quyết tâm trở thành đệ
nhất siêu cường. Vì vậy, cái khó của Việt Nam lại càng khó hơn. Nhưng trong thời nào nhân dân Việt Nam cũng nhất quyết không chịu Bắc thuộc. Xin mời quý bạn xem phần lược thuật chương 13 cuốn “On China”. Nguyên văn bản Anh ngữđính kèm sau bài lược thuật. ———————————————————-
Tháng 4/1979 thủ tướng Hoa Quốc Phong miêu tả động thái của Liên bang Xô viết (TBN: hiện nay là Liên bang Nga. Trong bài lược thuật này khi nói đến Liên bang Xô viết tôi viết gọn là “Nga”) đối với cuộc xâm lăng 6 tuần của Trung quốc vào Việt Nam mấy tháng trước đó như sau: “Chúng tôi đã có thể “sờ đít cọp, mà cọp không dám vồ”. Cọp đây là Nga . Trung quốc xâm lăng Việt Nam nói là “dạy Việt Nam một bài học” ngày
17/2/1979 sau khi Việt Nam ký Hiệp ước an ninh với Nga và tấn công lật
đổ chế độ Polpot (thân Trung quốc) tại Cam Bốt. Cuộc xâm lăng rất đắt
giá đối với Trung quốc, nhưng là một thắng lợi chiến lược của Trung quốc
vì Nga đã không dám hành động, cho thế giới thấy khả năng của Nga rất
giới hạn. Nhìn trên phương điện đó trận chiến tranh biên giới 1979 là
điểm khởi đầu tiến trình sụp đổ của Nga, mặc dù lúc đó không ai dám bạo
gan tiên đoán điều đó. Và trận chiến tranh cũng là cao điểm hợp tác giữa
Hoa Kỳ và Trung quốc trong cuộc chiến tranh lạnh. Việt Nam làm các siêu cường bối rối: Nghĩ cho cùng Trung quốc dính líu vào cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 (TBN: đúng ra phải nói là dính líu vào cuỘc chiến chống Hoa Kỳ của Việt Nam)cũng
giống như Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam. Cả hai đều đánh giá thấp
khả năng chịu đựng của Việt Nam. Hoa Kỳ nghĩ rằng Việt Nam là một nước
nhỏ cho nên khi chấp nhận đương đầu với Hoa Kỳ Việt Nam chỉ là con tốt
đầu của một chiến lược thôn tính Á châu của Nga và Trung quốc. Các nhà
chiến lược Hoa Kỳ nghĩ rằng khi Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, Nga và
Trung quốc thấy không thể ăn được sẽ tìm cách thúc đẩy Hà Nội thương
thuyết. Điều này đã tỏ ra không đúng, vì Việt Nam có ý định riêng là thực
hiện cho bằng được Liên bang Đông Dương do Hà Nội lãnh đạo bất chấp Nga
và Trung quốc tính toán gì. Trung quốc cũng hiểu nhầm ý định của đảng cộng sản Việt Nam. Trung
quốc giúp Bắc việt cốt ngăn không cho Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự
tại mạn nam Trung quốc. Trong khi mục tiêu của đảng cộng sản Việt Nam là
thống nhất rồi sau đó bành trướng thế lực ra vùng Đông Nam Á. Để giúp Việt Nam Trung quốc đã gởi qua Việt Nam
100.000 dân quân giúp bảo trì hệ thống chuyển vận và tiếp liệu. Nhưng
sau khi Hà Nội thắng và thống nhất đất nước Trung quốc đứng trước một
mối đe dọa lớn hơn sự hiện diện của Hoa Kỳ. Việt Nam không bao giờ tin Trung quốc, và điều này có tính lịch sử.
Việt Nam bị Trung quốc thôn tính từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 10, thâm nhập
ảnh hưởng Trung quốc từ chữ viết đến văn hóa, nhưng Việt Nam không để bị
đồng hóa. Từ năm 907 sau khi thu hồi được độc lập các vua chúa Việt Nam
đã dùng văn hóa Trung quốc làm chất liệu xây dựng một quốc gia độc lập
riêng biệt. Quá trình chống Trung quốc duy trì độc lập làm cho Việt Nam là một
dân tộc biết tự hào và giỏi chinh chiến. Nếu Trung quốc xem mình là một
nước lớn nằm giữa trời đất(đại trung) thì Việt Nam cũng tự coi mình là
một tiểu quốc nằm giữa (tiểu trung) đối với các nước chung quanh. Trong
chiến tranh chống Pháp và chống Hoa Kỳ Việt Nam đã khai thác sự trung
lập của Lào và Cam bốt, và sau chiến tranh (1975)đã hành xử như nước đàn
anh của hai quốc gia này. Khi giúp Việt Nam, Trung quốc biết rằng rồi ra Trung quốc và Việt Nam
sẽ tranh chấp nhau chiếm thế chủ động tại Đông Dương và vùng Đông Nam Á
(TBN: và đó là lý do tại sao Trung quốc không muốn Hà Nội thắng miền
Nam, thống nhất đất nước.) Trớ trêu là trong cuộc chiến tranh chống Hoa
Kỳ (1963- 1975) Trung quốc giúp Việt Nam đánh đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Đông
Dương, nhưng thật ra Hoa Kỳ và Trung quốc có mục đích giống nhau. Đó là
duy trì 4 nước Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Cam Bốt độc lập và ngang hàng
nhau. Năm 1965 Mao đã nói với nhà báo Edgar Snow rằng Trung quốc có thể
chấp nhận sự tồn tại một nước Nam Việt Nam. Năm 1971 trong chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh Chu Ân Lai nói với
Kissinger rằng hành động của Trung quốc tại Việt Nam không phải là tính
toán chiến lược hay phục vụ chủ nghĩa mà chỉ đơn thuần là nhiệm vụ trả
món mợ truyền thống giữa hai quốc gia. Có lẽ Trung quốc nghĩ Bắc Việt
không thể thắng Hoa Kỳ, và khi Việt Nam bị chia đôi Bắc Việt Nam phải lệ
thuộc vào Trung quốc như Bắc Hàn sau trận chiến tranh 1950- 1953. Nhưng khi có dấu hiệu Hà Nội có thể thắng Trung quốc bắt đầu cho xây
dựng đường sá ở Bắc Lào để chuẩn bị. Năm 1973 sau khi Hiệp Định Paris
được ký kết Kissinger và Chu Ân Lai bàn với nhau một giải pháp cho Cam
Bốt dựa vào 3 thành phần chính trị: Sihanouk, chính phủ Lonol và Khmer
Đỏ nhắm mục đích chận ảnh hưởng của Hà Nội. Vụ này không thành vì quốc
hội Hoa Kỳ cấm các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Dương. Kissinger thuật lại rằng tháng 2/1973 khi ông đến Hà Nội bàn việc thi
hành Hiệp Định Paris vừa được bút phê (initial) hai tuần trước tại
Paris, Lê Đức Thọ dẫn ông đến xem viện bảo tàng quốc gia chỉ để chỉ cho
ông nơi trưng bày chứng tích của cuộc chiến đấu chống Trung quốc trong
suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam. Sau khi Hà Nội chiếm miền Nam thống nhất đất nước, bất hòa giữa hai
nước không còn che đậy được nữa. Với tham vọng lãnh đạo vùng Đông Nam Á,
Việt Nam trở thành một khâu trong vòng vây Trung quốc. Để phá khâu,
Trung quốc bắt đầu đóng chốt tại Cam Bốt. Tháng 8 năm 1975, khi Khieu Samphan thăm Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nói
với Khieu Sampang rằng ”Mỹ đi Nga tới. Hai nước chúng ta có bổn phận
hợp tác nhau chống đế quốc và bá quyền.” Cuối năm 1975, nạn “cáp duồng (giết người Việt) đã đuổi 150.000 người
Việt cư trú lâu đời tại Cam Bốt về Việt Nam. Cùng trong khoảng thời
gian đó người Việt gốc Hoa bị áp lực rời Việt Nam. Từ tháng 2/1976 đến
đầu năm 1976 Trung quốc chấm dứt dần mọi viện trợ cho Việt Nam. Hành
động của Trung quốc làm cho Việt Nam càng ngả về Nga. Trong một buổi họp
của Bộ chính trị tháng 6/1976 đảng cộng sản Việt Nam công khai xác định
Trung quốc là kẻ thù chính của Việt Nam. Cũng trong tháng 6/1976 Việt
Nam gia nhập khối kinh tế Comecon do Nga cầm đầu. Tháng 11/1978 Việt Nam
và Nga ký Hiệp Ước An ninh (Treaty of Friendship anhd Cooperation).
Tháng 12/1978 quân đội Việt Nam xâm lăng lật đổ chính phủ Polpot thân
Trung quốc và thiết lập tại Nam Vang một chính phủ thân Việt Nam. Trung quốc cảm thấy tứ bề thọ địch. Phía Bắc, 50 sư đoàn Hồng quân Xô
viết; phía Tây, Afghanistan nằm dưới ảnh hưởng của Nga. Bắc Kinh cũng
nghi Nga đứng sau lưng cuộc các mạng Hồi giáo tại Iran trong tháng
1/1979. Trong khi đó Nga đang thương thuyết iệp U=ớc SALgiaggiảm vũ khí
chiến lược (SALT II) với Hoa Kỳ để yên mặt Tây. Và giờ đây liên minh
quân sự với Việt Nam. Trung quốc tự hỏi: Nga còn có mục đích gì khác
ngoài việc thắt chặt vòng vây Trung quốc? Tây phương và Trung quốc có những đối sách khác nhau khi bị đe dọa.
Tây phương dè dặt để tránh bùng nổ, trong khi Trung quốc có khuynh hướng
phản ứng mạnh. Hoa Kỳ đã khuyên Đặng Tiểu Bình dè dặt sau khi Việt Nam
xâm lăng Cam Bốt. Nhưng Đặng, mặc dù biết quân đội Trung quốc không tinh
nhuệ như quân đội Việt Nam, vẫn thấy cần động binh trả đũa để nâng tinh
thần quần chúng và quân đội. Để chuẩn bị Đăng kết thân với các nước Đông Nam Á đang bị Việt Nam đe dọa và tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ. Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ: Từ khi tổng thống Carter lên cầm quyền, Trung quốc và Hoa Kỳ xúc tiến
việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chướng ngại chính là
quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Trước đó tổng thống Ford đã đề nghị thiết lập bang
giao với Trung quốc, và sau khi bang giao Hoa Kỳ sẽ duy trì một hình
thức quan hệ nào đó với Đài Loan, nhưng Trung quốc không chấp thuận. Giữa năm 1978 Hoa Kỳ và Trung quốc đều cảm thấy áp
lực của Nga tại Phi châu, Trung Đông và Đông Nam Á nên nhượng bộ nhau
trong vụ Đài Loan. Ngày 17/5/1978 Cố vấn an ninh Zbigniew Brzezinki của tổng thống
Carter đi Bắc Kinh. Qua chuyến đi Brzezinkiezenki nhận thấy Đặng và Bộ
trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa “làm ra vẻ” không quan tâm đến an ninh của
Trung quốc mà chỉ trình bày bức tranh đe dọa của Nga đối với thế giới,
cho rằng Hoa Kỳ đã quá nhân nhượng với Nga, và thuyết phục Hoa Kỳ cùng
hành động. Trung quốc hàm ý với Brzezinki nếu Hoa Kỳ do dự Trung quốc sẽ
hành động một mình. Đặng và Hoàng Hoa cho rằng chỉ có áp lực mới chận
được tham vọng của Nga. Nga chỉ phô trương chứ không mạnh. Và rằng Nga
chỉ có thể dọa nạt các nước yếu, nhưng sẽ sợ kẻ làm mạnh. Về tình hình ở biên giới phía nam Trung quốc, Hoàng Hoa nói Việt Nam
đang thành lập Liên bang Đông Dương với sự yểm trợ của Nga. Hoàng Hoa
tiên đoán sẽ có chiến tranh giữa Việt Nam và Cam Bốt chứ không phải chỉ
có những vụ đụng độ nhỏ ở biên giới như hiện nay. Kết quả công tác của Brzezinki là Hoa Kỳ và Trung quốc đồng ý cần gác
qua các trở ngại để thiết lập bang giao vì đó là nhu cầu thiết yếu ổn
định thế giới. Ngày 15/12/1978 Hoa Kỳ và Trung quốc tuyên bố bang giao
hai nước sẽ được tái lập ngày 1/1/1979 và Hoa Kỳ chính thức mời Đặng
Tiểu Bình thăm viếng Hoa Kỳ trong tháng 1/1979. Tháng 4/1979 sau khi hai bên đã thiết lập bang giao, quốc hội Hoa Kỳ
thông qua luật “Quan Hệ với Đài Loan” (Taiwan Relations Act)cam kết bảo
vệ Đài Loan. Vòng du thuyết chống Nga và Việt Nam của Đặng Tiểu Bình:
Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ và họp báo với Tổng thống Jimmy Carter
ngày 31/1/1979. Sau chuyến thăm này TQ quyết định “dạy cho VN một bài
học”
Trong 2 năm 1978 và 1979 Đặng thực hiện một loạt
thăm viếng các nước Đông Nam A để rỉ tai và tuyên truyền chính sách
chống bá quyền Nga và Việt Nam tại Đông Nam Á, đồng thời vận động mua
bán hiểu biết kỹ thuật, đặc biệt tại Nhật và kêu gọi người gốc Hoa tại
các nước Đông Nam Á mang tiền bạc về đầu tư ở quê Mẹ. Các nước Đông Nam Á vốn không sợ Nga và Việt Nam bằng sợ Trung quốc. Ở
nước nào cũng có một cộng đồng người Hoa sẵn sàng làm việc cho Bắc Kinh
hơn là trung thành với nước đang sống (và mang quốc tịch), và đó là một
mối đe dọa lớn. Tuy nhiên Đặng thành công làm cho các nước Đông Nam Á
ít sợ Trung quốc hơn trước. Đặng Tiểu Bình công du Hoa Kỳ sau khi bang giao được thiết lập và trước
khi Trung quốc đánh Việt Nam. Cốt ý của Trung quốc là cho thế giới hiểu
rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc Trung quốc đánh Việt Nam. Cũng như năm 1958 Mao
cho pháo kích Kim Môn & Mã Tổ 3 tuần lễ sau khi Khrushchev đến thăm
Bắc Kinh để khéo léo cho thế giới hiểu rằng Nga khuyến khích Mao làm
mạnh. Trên thực tế Trung quốc có thông báo cho Hoa Kỳ biết sẽ đánh Việt Nam
trước khi Đặng Tiểu Bình lên đường đi Mỹ, nhưng Hoa Kỳ không hứa hẹn
gì. Tuy nhiên Đặng đã thành công làm cho Nga dè dặt nếu định trả đũa. Trong chuyến đi Hoa Kỳ Đặng làm tất cả những gì cần thiết cho Trung
quốc: ngoại giao, mậu dịch, xin yểm trợ kỹ thuật, tuyên truyền cảnh giác
thế giới tham vọng của Nga có thể đưa đến Thế giới Chiến tranh lần thứ 3
… nhưng Đặng tránh không ký kết một Liên Minh Quân sự với Hoa Kỳ. Đặng
tạo ra một sự thỏa thuận an ninh bất thành văn để chống Nga tại Á châu.
Đặng muốn một NATO Á châu, nhưng là một NATO không văn bản. Đặng cho Hoa
Kỳ biết Trung quốc sẵn sàng dùng quân sự để chận đứng sự bành trướng
của Nga tại Á châu dù quân đội Trung quốc còn yếu kém nhiều mặt. Đặng
cảnh giác tổng thống Carter rằng Việt Nam sẽ không ngừng ở Liên bang
Đông Dương. Sau Đông Dương sẽ là Thái Lan và các nước Đông Á khác! Trung quốc có nghĩ đến một cuộc tấn công quy mô của Nga vào biên giới
phía bắc Trung quốc do sự ràng buộc của Hiệp Ước An ninh Nga- Việt.
Nhưng Đặng nói với tổng thống Carter rằng một cuộc tấn công ngắn hạn
(của Trung quốc vào Việt Nam) sẽ không cho Nga đủ thì giờ chuẩn bi nhất
là đang vào mùa đông giá tuyết. Đặng nhấn mạnh, nếu Nga đánh, Trung quốc
cũng không sợ. Trung quốc đã cho di tản 300.000 ngàn dân sống dọc biên
giới và đặt các sư đoàn Bắc phương trong tình trạng sẵn sàng. Điều Trung
quốc cần là thái độ “ỡm ờ” của Hoa Kỳ để làm cho Nga lúng túng. Tổng thống Carter và Cố vấn An ninh Brzezinki có ý kiến khác nhau
trước ý định đánh Việt Nam của Đặng. Brzezinki muốn đánh. Carter trong
thâm tâm do dự, nói “Không” với Đặng, nhưng bằng một cung cách có thể
hiểu ngầm là “Có”. Carter nói với Đặng rằng sau khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt, khối
Asean, Liên hiệp quốc đều lên án Việt Nam hiếu chiến như Nga và Cuba.
Nếu bây giờ Trung quốc đánh Việt Nam dư luận thế giới đang chống Việt
Nam trở nên có cảm tình với Việt Nam. Hơn nữa chính sách của Hoa Kỳ
không khuyến khích bạo lực. Hoa Kỳ nghĩ rằng việc đánh Việt Nam sẽ làm
mất sự ổn định trên thế giới. Nhưng, Hoa Kỳ có thể giúp cung
cấp tin tức tình báo cho Trung quốc. Tin tình báo đầu tiên là Hoa Kỳ
biết Nga không chuyển thêm quân đến biên giới Nga-Hoa. Trong một cuộc
họp riêng giữa Carter và Đặng (và chỉ một phiên dịch viên) Đặng nói với
Carter lợi ích chiến lược quan trọng hơn dư luận thế giới. Và Trung quốc
phải “dạy Việt Nam một bài học” nếu không thế giới sẽ xem Trung quốc là
yếu kém. Ngày 4/2/1979 Đặng rời Hoa Kỳ. Trên đường về Đặng ghé lại Nhật Bản
(lần thứ hai trong vòng chưa quá 6 tháng) và không do dự cho thủ tướng
Nhật Masayoshi Ohira biết Trung quốc sẽ đánh Việt Nam trong nay mai. Chuyến đi của Đặng qua các nước Miến Điện, Nepal, Mã Lai Á, Sigapore,
Nhật và Hoa Kỳ xem như thành công đưa vai trò của Trung quốc lên cao
trên bình diện quốc tế, đồng thời cô lập Việt Nam. Cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ 3: Ngày 17/2/1979 Trung quốc xua khoảng 300.000 quân
gồm hải lục không quân, quân chính quy và địa phương quân từ các tỉnh
Vân Nam và Quảng Tây tiến vào Việt Nam nói là “Cuộc phản công đánh Việt
Nam bảo vệ biên giới”. Cuộc hành quân rầm rộ không khác gì cuộc đổ quân
vào Bắc Hàn tháng 11 năm 1950. Trung quốc tuyên bố cuộc tấn có giới hạn
và nhắm mục đích chận kế hoạch bành trướng của Việt Nam. Đặng Tiểu Bình đã đoán đúng. Nga không nhảy vào trận
để bênh Việt Nam. Một ngày sau khi chiến tranh bùng nổ Nga tố cáo
“Trung quốc phạm tội gây chiến, và nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ đánh
thắng Trung quốc như đã từng đánh thắng…”, đồng thời cho không vận vũ
khí (một cách giới hạn) đến Hà Nội, và gởi hạm đội đến Vịnh Bắc Việt đề
phòng quân đội Trung quốc đổ bộ lên vùng Thanh hóa Nghệ An. Nói cách
khác, Nga giúp Việt Nam những gì có thể làm nhưng tránh không để bị lôi
vào một cuộc chiến tranh quy mô với Trung quốc có thể làm cho Hoa Kỳ
phải nhập cuộc. Thái độ của Nga không khác gì 20 năm trước đó Nga đã
không tích cực giúp Trung quốc trong vụ khủng hoảng trên eo biển Đài
Loan do việc tranh chấp hải đảo Kim Môn Mã Tổ đưa đến việc chạm trán
tưởng chừng có chiến tranh giữa Trung quốc và Hoa Kỳ. Như với cuộc chiến
biên giới với Ấn Độ năm 1962, Trung quốc dùng chiến thuật biển người
đánh ồ ạt trong 29 ngày bất chấp tổn thất rồi rút quân sau khi chiếm giữ
những vùng đang tranh chấp và các điểm cao chiến lược tại biên giới. Sau cuộc tấn công, Hoa Quốc Phong tuyên bố: “Nga chỉ dọa như rộn ràng
chuyển quân nơi biên giới, gởi hạm đội đến Biển Đông, nhưng không dám
can thiệp. Chúng ta đã có thể “sờ đít cọp”. Một tháng sau, tiến sĩ Kissinger thăm Bắc Kinh. Giữa Đặng Tiểu Bình và Kissinger có cuộc trao đổi đáng nhớ: Đặng: Sau khi thăm Hoa Kỳ trở về, chúng tôi đã
đánh Việt Nam. Ở quý quốc tôi đã hỏi ý kiến tổng thống Carter. Tổng
thống Carter trả lời “nước đôi” nhưng nghiêm túc bằng cách đọc ý kiến
của ông đã được ghi sẵn trên giấy. Tôi nói với tổng thống chúng tôi sẽ
hành động một mình và nhận trách nhiệm một mình. Nghĩ lại phải chi chúng
tôi đánh sâu hơn vào Việt Nam thì tốt hơn. Kissinger: Có thể là vậy. Đặng: Quân đội Trung quốc lúc đó có khả năng tiến sâu vào Hà Nội, nhưng chúng tôi không làm. Kissinger: Nếu làm thì quý vị đã đi quá xa với mục tiêu đã định. Đặng: Ông nói đúng. Nhưng chúng tôi có thể tiến
sâu hơn 30 km nữa. Chúng tôi đã chiếm tất cả các cứ điểm phòng thủ. Con
đường tiến vào Hà Nội mở rộng thênh thang. Dư luận chung trong giới sử gia cho rằng trận đánh của Trung quốc là
một thất bại tốn kém vì trong cuộc Cách mạng Văn Hóa quân đội chỉ được
học tập chính trị mà thiếu rèn luyện quân sự, vũ khí lỗi thời, tiếp vận
yếu kém, chiến thuật cứng nhắc. Quân đội Trung quốc chỉ có thể tiến sâu
vào Việt Nam với chiến thuật biển người với một giá rất đắt về nhân
mạng. Trong một tháng Trung quốc tổn thất hơn 50.000 binh sĩ, xấp xỉ
bằng con số tổn thất của Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1964 đến 1975. Tuy nhiên các sử gia đã không đánh giá đúng mức tính toán chiến lược
của Trung quốc. Đánh Việt Nam cốt ý của Trung quốc là chận đà bành
trướng của Nga trên thế giới. Về mặt này Trung quốc đạt được kết quả mong muốn. Trận đánh làm cho
Trung quốc và Hoa Kỳ dễ bắt tay nhau hơn trong nỗ lực chống Nga. Hai
chuyến đi đáng ghi trong sự bắt tay này. Tháng 8/1979 Phó tổng thống Mondale đi Bắc Kinh bàn thế trận ngăn
chận Việt Nam thành lập liên bang Đông Dương. Cái khó của Hoa Kỳ là
chính sách này đòi hỏi Hoa Kỳ ủng hộ Polpot trong khi Polpot đang bị thế
giới kết tội diệt chủng. Do đó Hoa Kỳ và Trung quốc dàn xếp để Hoa Kỳ
giúp các lực lượng Cam Bốt chống Việt Nam qua trung gian Thái Lan và
công nhận ghế của chính phủ lưu vong Cam Bốt tại Liên hiệp quốc. Sau đó
Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đi Bắc Kinh thảo luận kế hoạch hợp tác
quân sự, qua đó Hoa Kỳ chuyển nhượng một số hiểu biết kỹ thuật quân sự
(chưa từng nhượng cho Nga) và bán vũ khí cho Trung quốc. Áp lực của Trung quốc làm cho Việt Nam và Nga tiêu hao năng lực. Việt
Nam duy trì một đạo quân 1 triệu người để bảo vệ biên giới và phòng
chống một trận đánh thứ hai của Trung quốc làm cho kinh tế Việt Nam suy
kém vì thiếu lao động sản xuất. Riêng Nga mỗi năm viện trợ cho Việt Nam
gần 1 tỉ mỹ kim nên sức cạn kiệt dần và đó là một trong những nguyên
nhân đưa đến sụp đổ sau này. Khi Nga không còn sức viện trợ cho Việt
Nam, Việt Nam phải rút quân khỏi Cam Bốt. Nhìn chung Trung quốc đã thành công ngăn chận Nga và Việt Nam thống
trị Đông Nam và kiểm soát eo biển Malacca. Kẻ thua cuộc chính là Nga. Mực ký Hiệp ước An ninh với Việt Nam chưa khô (mới 1 tháng) nhưng Nga
ngồi yên bất động khi Trung quốc đánh Việt Nam là một dấu hiệu suy yếu
của Nga. Phải chăng do cảm nhận này, một năm sau Nga quyết định can
thiệp vào Afghanistan để lại chuốc lấy thất bại. Nhìn lại trận chiến tranh Việt Nam lần thứ 3 năm 1979 cũng như việc
quyết định đổ quân vào trận chiến Triều tiên năm 1950 Trung quốc đã
thành công chiến lược to lớn vì biết lượng định ván cờ thế giới và tính
toán khéo léo “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh” như “Nghệ Thuật
Chiến Tranh” của Tôn tử. Trong cả hai cuộc chiến Trung quốc đã chọn đúng
thời gian và không gian để nhảy vào cuộc. Lần thứ nhất tại Triều tiên
khi quân đội Hoa Kỳ tiến sát biên giới Trung quốc-Triều Tiên; lần thứ
hai khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt. Về cuộc chiến biên giới Hoa-Việt năm 1979, Phó thủ tướng Geng Biao đã
tóm tắt với cố vấn an ninh Brzezinki như sau: “Nga giúp Việt Nam là một
phần trong sách lược toàn cầu của Nga. Nga và Việt Nam không chỉ nhắm
Thái Lan sau Cam Bốt. Mục tiêu nhắm tới còn là Mã Lai Á, Singapore,
Indonesia và eo biển Malacca. Nếu Nga-Việt thành công Asean sẽ sụp đổ và
con đường biển huyết mạch của Hoa Kỳ và Nhật Bản qua eo biển Malacca sẽ
bị nghẽn. Trung quốc đã ngăn chận không cho tình trạng bi đát này xẩy
ra. Trung quốc chưa có sức đánh với Nga, nhưng thừa sức đương đầu với
Việt Nam”. Thực tế Trung quốc đã hành đọng và trả một giá vật chất và nhân mạng
rất cao. Tuy nhiên Trung quốc đã chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy Nga không mạnh
như Hoa Kỳ đã tưởng, và Trung quốc không sợ Nga. Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore chí lý khi đánh giá cuộc chiến
biên giới Việt Nam như sau: “Báo chí Tây phương đánh giá bài học Trung
quốc tặng Việt Nam là một thất bại, nhưng theo tôi trận đánh đó đã thay
đổi hướng lịch sử của Đông Á.” Trần Bình Nam lược thuật
Mấy ngày gần đây đọc tin tức ở quê nhà không được đặt vòng hoa tưởng nhớ những nạn nhân
qua đời trong cuộc chiến tranh với quân TC mười mấy năm trước chợt thấy buồn.
Chia xẻ vài hình ảnh cái tâm cái tình của con người Nhật Bản đối với người đã khuất.
Hiện
nay mỗi ngày vẫn còn những đoàn thiện nguyện dọn dẹp ở bờ biển hy vọng
tìm được những hiện vật, xương cốt người đã mất trong trận động đất sóng
thần gần 2 năm trước.
Hình
chụp ngày 11/2, tính ra là 1 năm 11 tháng ngày động đất sóng thần. Cảnh
sát và đoàn tuần tra bờ biển nghiên mình tưởng nhớ người đã khuất trước
khi lặn xuống biển để tìm kiếm những người đã mất tích.
Hiện nay mỗi ngày họ vẫn còn đang tìm kiếm những người bị mất tích.
Tại sao người Nhật làm như vậy ?.
Gần hai năm rồi. Tất cả đã tan biến rồi. Tìm làm gì cho mất công ?
?????
Đầu
tháng 2 năm nay, một người dấu tên đã gởi về cho cơ quan thiện nguyện ở
Ishimaki hai lần 4 thẻ vàng trị giá 20 triệu Yen để giúp đỡ chương trình
phục hưng Ishimaki.
Tưởng nhớ người đã khuất 1 năm 11 tháng trước.
Cái tâm cái tình của người Nhật chắc không bắt chước được ??
Cây thông duy nhất còn sống sau sóng thần, đang được phục hồi lại đề làm biều tượng - đài kỷ niệm nhớ đến trận sóng thần này.
Nếu
chuyện tặng vàng ẩn danh ở trên có mục đích nhắc nhở mọi người đừng quên
giúp đỡ những nạn nhân thì chuyện dựng cây thông này cũng có mục đích
nhắc nhở con cháu đừng quên trận sóng thần lịch sử này. Từ đó cây thông
cho đến chuyện tặng vàng ẩn danh ở trên, đối với người Nhật sẽ không
bao giờ quên.
Họ nhớ lịch sử để làm được những chuyện cho con cháu đời sau sẽ tốt đẹp hơn.
Không những nhớ lại những người mới mất trong trận động đất sóng thần 2 năm trước.
Nhưng họ tưởng nhớ cả những người học trò thực tập thuỷ sản bị tai nạn mất đi 12 năm trước
Và ngay cả những người mất đi trong trận thề chiến thứ hai, họ cũng có một ngôi đền đển tưởng nhớ
gọi là Yasukuni jinja - 靖国神社. để tưởng nhớ những chiền sĩ, những viên chức triều đình đã chết từ sau thời Minh Trị
Mỗi ngày và nhất là mỗi năm sau khi chiền tranh chấm dứt các quan chức chính phú Nhật và dân chúng đều đến thăm.
Nhớ đến
lịch sử, nhìn vào lịch sử và học từ lịch sử những gì đã qua để rồi thực
hành được những công việc đem lợi ích lại cho con cháu đời sau.