Tuesday, September 26, 2023

CHIẾN TRANH VIỆT NAM 1955-1975

 

 CHIẾN TRANH VIỆT NAM

1955-1975

 NGUYỄN VẠN BÌNH

 Chiến tranh Việt Nam giữa Quốc Gia và Cộng Sản xảy ra tại Việt Nam từ ngày 1-11-1955 đến 30-4-1975 đã gây bao tang thương cho quê hương và người dân Việt Nam.Đây là một đề tài lịch sử đã được nhiều tác giả tên tuổi Mỹ-Việt-Pháp nghiên cứu, phê bình và viết thành nhiều sách.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết nầy, chúng tôi chỉ đề cập sơ lược đến những nét chính về Nguyên Nhân, Diễn Tiến và Hậu Quả của chiến tranh Việt Nam, hầu gíúp cho độc giả và đặc biệt là  giới trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về cuộc chiến nầy.

I-NGUYÊN NHÂN:

           Sau khi Hồ Chí Minh cướp được chính quyền từ vua Bảo Đại vào ngày 25-8-1945 cùng cướp công kháng chiến của toàn dân chống thực dân Pháp và loại trừ các đảng phái Quốc Gia, Hồ Chí Minh liền tuyên bố thành lập nước VN Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 2-9-1945.

          Trận đánh Điện Biên Phủ chấm dứt vào ngày 7-5-1954 với kết quả là thực dân Pháp bị thất trận trước lực lượng của Cộng Sản VN cùng sự chỉ huy và viện trợ dồi dào của Trung Cộng về vũ khi và nhân sự. Qua sự kiện nầy, Pháp phải ký Hiệp Định Geneve  ngày 20-7-1954 với sự tham dự của Nga, Trung Cộng, Mỹ, Pháp, Anh và CSVN nhằm chấm dứt  sự hiện diện của quân đội Pháp tại VN. Riêng chính quyền VNCH của miền Nam chỉ được tham dự với tánh cách là quan sát viên, không có quyền quyết định.  

          Hiệp định Geneve lấy vĩ tuyến 17 chia đôi VN. Miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo theo chế độ Cộng Sản. Miền Nam theo chế độ tự do dân chủ do Thủ tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Hiệp định cho thời hạn 300 ngày để người dân của hai miền có quyền quyết định chọn nơi cư ngụ.Với sự ngăn cản, hăm dọa đủ điều, nhưng cũng có khoảng 1 triệu người dân miền Bắc đã di cư vào Nam tìm tự do. Riêng chỉ có gần 100 ngàn cán bộ Cộng Sản từ Nam đi tập kết ra Bắc. Một số còn lại được CSBV cho gài lại ở  miền Nam để sử dụng cho cuộc chiến sau nầy.

          Hiệp định cũng qui định hai năm sau tức vào năm 1956 sẽ có cuộc Tổng Tuyển Cử thống nhất đất nước với sự giám sát của tổ chức quốc tế.Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử đã không thành hình.Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho rằng Miền Nam VN vì không tham dự Hiệp Định Geneve nên không có bổn phận phải thi hành. Tổng Thống Eisenhower của Hoa Kỳ thì cho rằng, dân số của Bắc Việt đông hơn miền Nam 2 triệu và với chính sách độc tài của Hồ Chí Minh, người dân miền Bắc không có quyền tự do để bầu cử. Trong khi ấy, Hà Nội cũng lâm vào tình trạng khó khăn là qua cuộc Cải Cách Ruộng Đất kéo dài từ năm 1953 đến 1956 xảy ra rất tàn độc đã giết hại trên 50 ngàn người  và trên 100 ngàn người bị bắt giam, khiến người dân Bắc Việt oán hận chế độ. Chính vì những lý do trên, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến Đông Dương đã không tiến hành cuộc tổng tuyển cử.

          Thất bại trước giải pháp Tổng Tuyển Cử, Hồ Chí Minh dưới sự yểm trợ mạnh mẽ  của Trung Cộng và Liên Xô liền tiến hành cuộc chiến xâm lăng Miền Nam VN hầu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản.

II- DIỄN TIẾN CUỘC CHIẾN:         

 Cuộc chiến kéo dài 20 năm từ ngày 1-11-1955 cho đến ngày 30-4-1975 qua hai nền đệ I và đệ II Cộng Hòa của Miền Nam VN

Chiến tranh VN không thuần nhất là cuộc nội chiến giữa người dân của hai miền Nam Bắc mà là một cuộc chiến ý thức hệ giữa hai khối Cộng Sản và Tự Do.Vì thế, với chủ trương bành trường chủ nghĩa Cộng Sản, nên Cộng Sản Bắc Việt đã được yểm trợ dồi dào của Liên Xô và Trung Cộng cho cuộc chiến xâm lăng miền Nam VN. Phía Nam Việt Nam thì được Hoa Kỳ cho rằng phải yểm trợ và xem Miền Nam VN là tiền đồn chống Cộng hầu ngăn chận sự bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản do Liên Xô và Trung Cộng chủ trương.

          Tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi lãnh đạo đất nước, ông đã ra sức đón nhận và định cư cho 1 triệu người Bắc di cư vào Nam.Ông cố gắng ổn định đất nước qua việc dẹp các sứ quân như Bình Xuyên, Cao Đài và Hòa Hão và thiết lập một thể chế tự do dân chủ qua bản Hiến Pháp 26-10-1956. Ngoài việc xây dựng, kiến thiết đất nước qua việc phát triển giáo dục, kinh tế, thương mãi, hành chánh v.v.. Tổng thống Diệm cũng cũng cho thành lập Quân Đội Quốc Gia và nhiều quân trường tên tuổi như Võ Bị Quốc Gia, Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Vạn Kiếp, Nha Trang v..v. để đương đầu với cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt.

          Phía Hồ Chí Minh thì cho cán bộ Cộng Sản ra sức phá rối, áp dụng chiến thuật du kích nhằm tạọ tình trạng bất an cho miền Nam VN.

Phải công nhận rằng thời gian từ năm 1955 đến 1960, Miền Nam VN tương đối yên ổn, vì lực lượng của Việt Cộng còn yếu kém. Nhưng đến ngày 20-12-1960, Hà Nội cho thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam giao cho Ls Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch và đến ngày 15-2-1961 chính thức cho thành lập Quân Đội Giải Phóng thì lực lượng Việt Cộng bắt đầu phát triển mạnh. Chúng ta phải nhìn nhận rằng đây là một đòn chính trị mà Hà Nội đã tung ra để lừa bịp quốc tế và người dân cả hai miền Nam Bắc. Vì thực tế, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ là công cụ của Hà Nội đặt dưới quyền điều động và chỉ huy của Hà Nội.

          Nhận thấy đòn chính trị của Hà Nội cho rằng chiến tranh VN là cuộc nội chiến giữa nhân dân Miền Nam tranh đấu đòi độc lập, tự do dân chủ, Tổng Thống Diệm yêu cầu Hoa Kỳ chỉ viện trợ vũ khí, tiền bạc và cố vấn để gìn giữ chính nghĩa và chủ quyền cho miền Nam là không cho quân nước ngoài tham chiến. Năm 1962, Tổng Thống Diệm cho phát động chiến dịch Ấp Chiến Lược tại vùng nông thôn nhằm bảo đảm an ninh và ngăn chận tầm ảnh hưởng của Việt Cộng đến nông dân VN. Chính sách Ấp Chiến Lược đề ra đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tiếc rằng sau ngày đảo chánh 1-11-1963, các tướng lãnh của QLVNCH đã hủy bỏ chính sách nầy.

          Chính vì không cho quân đội Mỹ vào VN, chính phủ Hoa Kỳ tìm mọi cách để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Hoa Kỳ đã yểm trợ nhiều cuộc biểu tình của Phật Giáo, Sinh Viên, các đảng phái đối lập và nhất là cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 do các tướng lãnh cầm đầu cuối cùng đã chấm dứt được chế độ Đệ I Cộng Hòa Miền Nam. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại. Trước sự việc nầy, Hồ Chí Minh đã thú nhận là ông ta rất sung sướng và nhận định rằng cuộc xâm lăng miền Nam của Hà Nội sẽ càng dễ dàng hơn.

          Miền Nam những năm sau đó không còn được ổn định chính trị.Các cuộc đảo chính, chỉnh lý liên tục xảy ra qua các thời của các tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh và Nguyễn Cao Kỳ tạo thuận lợi cho cuộc xâm lăng của CS Bắc Việt. Cũng trong thời gian nầy, Hoa Kỳ liên tục cho đổ quân vào Miền Nam VN và Trung Cộng cùng Liên Xô càng gia tăng viện trợ cho Cộng Sản Bắc Việt. Sang thời chính quyền của các tướng lãnh từ năm 1964  và TT Nguyễn Văn Thiệu từ năm 1966 , Hoa Kỳ đã có lúc gởi quân sang VN lên đến 500 ngàn người. Hoa Kỳ cũng sắp xếp cho các quốc gia Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn, Đài Loan đem quân sang yểm trợ cho miền Nam VN.

          Nhưng điểm khó khăn cho Miền Nam VN là chính sách tham chiến của Hoa Kỳ chỉ là chiến đấu cầm chừng với quân CS Bắc Việt vì e ngại cuộc chiến sẽ lan rộng với sự tham chiến của Liên Xô và Trung Cộng. Riêng phía CS Bắc Việt ngoài sự viện trợ dồi dào của Liên Xô, Trung Cộng và khối Cộng Sản còn có lợi thế là Miền Bắc luôn được an toàn không bị quân đội Hoa Kỳ và Miền Nam VN tấn công, còn được dùng lãnh thổ của hai nước Lào và Camphuchia là hậu phương an toàn sau những trận chiến tại miền Nam VN và dùng đường mòn Hồ Chí Minh để chuyển quân và vũ khí vào Nam VN.

          Hoa Kỳ chỉ viện trợ những vũ khí có tầm hạn hẹp cho Miền Nam để không cho quân đội Miền Nam tấn công ra Bắc. Phía CS Bắc Việt đã chuyển từ chiến thuật du kích sang chiến thuật tập trung quân rồi tấn công vào địa điểm chiến trường mà chúng chọn, rồi sau đó rút quân về các nơi an toàn tại Lào và Campuchia. Phía quân đội VNCH với quân số một triệu quân với các đơn vị tổng trừ bị thiện chiến như Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân cùng 10 sư đoàn Bộ Binh và lực lượng Địa Phương Quân cùng 125 ngàn Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng vì phải gìn giữ dân và lãnh thổ nên phải trải quân mỏng ra khắp nơi, vì vậy hầu hết các trận chiến, quân đội VNCH phải đương đầu với số lượng quân CS Bắc Việt đông hơn gấp bội.

          Tuy thế, tinh thần chiến đầu của người lính VNCH rất cao và đã thắng lợi trước nhiều trận tấn công ác liệt với lực lượng đông đảo của quân Bắc Việt được trang bị nhiều vũ khí tối tân hơn miển Nam VN.Trong cuộc chiến có cả ngàn trận đánh, QLVNCH có lúc thắng, lúc thua nhưng người lính QLVNCH luôn chiến đấu anh dũng. Điển hình là các trận Tết Mậu Thân 1968,  tấn công vào hậu cần của VC tại Campuchia vào năm 1970 và các trận tại An Lộc, Quảng Trị, KonTum vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

          Trong trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968, Việt Cộng đã trắng trợn vi phạm lệnh hưu chiến. Lợi dụng ngày Tết khi mà số đông quân nhân QLVNCH đang nghỉ phép, Việt Cộng liền mở cuộc tổng tấn công 44 tỉnh của Miền Nam ngay cả thủ đô Sài Gòn và Tòa Đại Sứ của Hoa Kỳ. Kết quả, quân đội VNCH dù tự chiến đấu với vũ khí trang bị kém hơn Việt Cộng nhưng đã đẩy lui được các cuộc tấn công của Việt Cộng, tái chiếm lãnh thổ và tiêu diệt được 60 ngàn quân của Việt Cộng.

Tuy thất bại về quân sự, nhưng CS Bắc Việt lại có lợi trên lãnh vực chính trị, ảnh hưởng đến người dân Mỹ và tạo nên phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, vì cho rằng Hoa Kỳ không thể thắng trận chiến tại VN. Nó cũng là dịp để làm cho lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị tổn thất nặng nề để không còn làm eo sách sau nầy. Cũng trong trận Tết Mậu Thân, quân đội Bắc Việt đã giết hại dã man bằng cách chôn sống gần 6 ngàn quân dân cán chính của VNCH tại cố đô Huế.

Tổng Thống Johnson của Hoa Kỳ từ khi cầm quyền sau khi TT Kennedy bị ám sát vào cuối năm 1963, ông đã phát động chiến tranh ra Bắc Việt nhưng chỉ bằng các cuộc oanh tạc có giới hạn.Trong khi đó, Liên Xô viện trợ cho Bắc Việt nhiều hỏa tiển Sam chống lại các phi cơ của Hoa Kỳ.

          Vào ngày 29-4-1970, nhằm tiêu diệt hậu cần của CS Bắc Việt tại Campuchia, lực lượng Hoa Kỳ và QLVNCH đã phối hợp tấn công vào Mõ Vẹt, Lưởi Câu là những nơi trú ẩn của quân đội CSBV.Trận chiến đã loại 30 ngàn bộ đội Bắc Việt.

          Vào  ngày 8/2/1971, QLVNCH  đã mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 kéo dài đến ngày 23-3-1971 tấn công vào Tchepone cách 42 km biên giới Việt-Lào nhằm cắt đứt đường tiếp vận của CSBV qua ngã  đường mòn Hồ Chí Minh với hầu hết những đơn vị thiện chiến như Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, SĐ 1 BB, Thiết Giáp, Pháo Binh với quân số 55 ngàn quân để đương đầu với 60 ngàn quân của CSBV với trang bị vũ khí tối tân cùng nhiều xe thiết giáp T 54.Tiếc rằng, vì nhu cầu bảo mật làm hạn chế việc lập kế hoạch kỷ càng nên QLVNCH đã bị thất bại và làm tổn thất nặng nề những đơn vị thiện chiến nhất của mình.

          Vào mùa hẻ đỏ lửa năm 1972, CSBV lần lượt mở các cuộc tấn công vào các tỉnh An Lộc, Kontum và Quảng Trị của miền Nam VN.

Tại mặt trận An Lộc, quân CSBV với lực lượng hùng hậu gồm các Sư Đoàn 5,7,9 cùng các đơn vị Pháo Binh, Thiết Giáp, Phòng Không với quân số gần 36 ngàn quân đã ồ ạt tấn công các đơn vị phòng ngự của QLVNCH gồm có SĐ 5/BB, 3 Liên Đoàn BĐQ cùng lực lượng ĐPQ chỉ có khoảng 7.5 ngàn quân vào ngày 13/4/1972. Sau đó, QLVNCH phải tiếp viện thêm 25 ngàn quân cùng sự yểm trợ hữu hiệu của Không Quân và Pháo Binh của Việt- Mỹ  và đến ngày 12//6/1972 QLVNCH đã hoàn toàn đẩy lui quân CSBV ra khỏi An Lộc và thu về nhiều chiến lợi phẩm.

Tại mặt trận Kontum, quân CSBV với các  SĐ 2 và SĐ 320 cùng sự yểm trợ của lực lượng xe tăng, trọng pháo và phòng không đã tấn công vào các đơn vị phòng thủ gồm SĐ 23/BB của chuẩn tướng Lý Tòng Bá, lực lượng Dù và ĐPQ. Trận chiến khai diễn từ ngày 14/4/1972 và kết thúc vào ngày 5//6/1972 , sau 3 đợt tấn công quân CSBV đành phải rút lui vì tinh thần chiến đấu anh dũng cùng sự yểm trợ hữu hiệu của ông Paul Vann qua các cuộc không kích bằng phi cơ B52 của Hoa Kỳ.

Tại mặt trận Quảng Trị, nhằm dành lợi thế cho cuộc hội đàm tại Paris, quân CS Bắc Việt đã tấn công Quảng Trị. Đây được xem là trận chiến ác liệt nhất trong mùa Hè đỏ lửa kéo dài đến 81 ngày từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972 làm tổn hại nặng nề về nhân mạng cho cả đôi bên. Riêng phía QLVNCH khiến cho hai lực lượng thiện chiến là Nhảy Dù, đặc biệt là TQLC bị tổn thất nặng nề. Phía CSBC cũng thế khiến hai Sư đoàn 320 và 325 cũng bị thiệt hại năng nề gần như tan hàng.

Trước áp lực phản chiến tại Hoa Kỳ và sau chiến công du của TT Nixon cùng ngoại trưởng Kissinger đến Bắc Kinh năm 1972, chính quyền Hoa Kỳ tìm cách rút lui khỏi chiến tranh VN trong danh dự.Nhằm ép CS Bắc Việt vào bàn hội nghị, TT Nixon cho phát động chiến dịch oanh tạc Bắc Việt  từ năm 1972 khiến chính quyền Hà Nội đã sắp sửa muốn đầu hàng, nhưng tiếc rằng Hoa Kỳ sau đó lại ngưng các cuộc oanh kích .Trong khi đó, Liên Xô cũng leo thang viện trợ cho Bắc Việt nhiều hỏa tiển Sam chống lại các phi cơ của Hoa Kỳ.

Hội đàm Paris với danh nghĩa chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình cho VN đã diễn ra với sự tham dự của bốn bên là Hoa Kỳ, Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và VNCH chấm dứt vào ngày 27-1-1973. Đây là hiệp định hoàn toàn bất lợi cho VNCH vì chỉ cho Hoa Kỳ rút quân ra khỏi VN mà vẫn chấp nhận sự hiện diện của quân Bắc Việt tại miền Nam VN.Ngoài ra, phía VNCH bị ép phải chấp nhận nhiều điều khoản bất lợi cho Miền Nam VN.

Sau Hiệp định Paris 1973, phía VNCH đã bị Hoa Kỳ cắt giãm viện trợ quân sự.Trong khi ấy, Liên Xô và Trung Cộng không ngừng gia tăng viện trợ vũ khi và nhân sự cho phía Hà Nội.

Biến động chính trị tại Hoa Kỳ lại càng bất lợi cho VNCH, khi TT Nixon vì vụ Watergate do vụ nghe lén tin tức của đảng Dân Chủ khiến ông phải từ chức tổng thống vào ngày 9-8-1974. Sự việc nầy khiến những điều cam kết của TT Nixon với TT Nguyễn Văn Thiệu là tái oanh tạc Bắc Việt khi họ vi phạm hiệp định Paris đã không thực hiện được. Chủ tịch Hạ Viện là Gerald Ford lên thay thế TT Nixon dù muốn giúp VNCH nhưng luôn bị Quốc Hội do đảng Dân Chủ nắm đa số cản trở.

Cuộc chiến đã cho ta thấy hoàn toàn bất lợi cho Miền Nam VN và vì thế phía CSBV đã gia tăng cuộc xâm lăng miền Nam bằng cả hai mặt trận quân sự và chính trị. Hà Nội vận động chính trị quốc tế nhất là dư luận Hoa Kỳ phải cắt mọi viện trợ cho VNCH và tạo tình trạng bất ổn chính trị tại miền Nam bằng nhiều cuộc biểu tình chống TT Thiệu.Riêng về quân sự, chính quyền Hà Nội lần lượt đem tất cả lực lương quân sự của CSBV với sự viện trợ dồi dào của Liên Xô và Trung Cộng mở nhiều mặt trận đánh chiếm miền Nam VN.

Nhằm xem Hoa Kỳ có tái can thiệp vào cuộc chiến VN hay không, CSBV đã cho lực lượng tấn công và chiếm tỉnh Bình Long vào ngày 6-1-1975. Phía Hoa Kỳ không lên tiếng và phía TT Thiệu vì làm eo sách với Hoa Kỳ nên đã không cho lực lượng tái chiếm Bình Long.Vì thế, lực lượng CSBV liền mở rộng các cuộc tấn công vào miền Nam VN.

Vào ngày 10/3/1975 CSBV tấn chiếm thị xã Ban Mê Thuột đưa đến quyết định di tản của Tổng Thống Thiệu thất bại tại Vùng II đến Vùng I và sau cùng làm QLVNCH phải thất trận vì sự thiếu đạn dược, vũ khí,  tiếp liệu và qua lệnh đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh dù các quân nhân QLVNCH thuộc mọi binh chủng đã chiến đấu rất anh dũng.

Nhìn qua diễn tiến của cuộc chiến tranh VN thì Miền Nam VN luôn ở vào vị thế bất lợi vì miền Nam luôn ở vào thế thủ mà không được tấn công ra Bắc.Tổng thống Ngô Đình Diệm đã nhìn thấy rõ cuộc chiến sẽ bị khó khăn khi có quân Hoa Kỳ trực tiếp tham chiền.  Đây là lý do khiến CSBV ra sức tuyên truyền với nhân dân Bắc và Nam VN là phải đem quân vào “giải phóng” miền Nam mà quên đi sự độc tài và tàn ác của chủ nghĩa Cộng Sản. TT Diệm cũng thấy rõ chủ quyền của Quốc Gia sẽ bị xâm phạm và suy giãm chính nghĩa khi Hoa Kỳ lảnh trách nhiệm chính trong cuộc chiến. Thực tế cho chúng ta thấy Hoa Kỳ quyết định tham chiến và sau đó tự quyết định rút lui bỏ rơi Miền Nam chỉ vì quyền lợi của Hoa Kỳ.

III- HẬU QUẢ:

           Sau cuộc chiến, sự tổn thất nhân mạng và vật chất cho cả hai miền Nam Bắc VN thật nặng nề.Cả nước có khoảng khoảng 3 triệu người gồm binh sĩ và thường dân chết và hàng triệu người bị thương.Phía CSBV có khoảng 900 ngàn lính tử trận, 500 ngàn lính bị thương. Phía VNCH có khoảng 310 ngàn quân nhân tử trận và hàng trăm ngàn quân nhân bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58 ngàn quân nhân tử trận, gần 1900 quân nhân mất tích và 100 ngàn quân nhân bị thương. Hoa Kỳ đã chi tiêu 685 tỷ mỹ kim (khoảng 900 tỷ mỹ kim hiện nay) cho chiến tranh VN. Hậu quả của chất da cam và bom đạn còn sót lại cũng đã giết hại và làm tàn phế hàng trăm ngàn người.

          Vì không chấp nhận chế độ độc tài CSVN, trước và ngay ngày 30-4-1975 đã có hàng trăm ngàn quân dân VNCH đi tị nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếp theo đó, làn sóng người dân bỏ nước ra đi bằng đường biển, đường bộ lên đến cả triệu người và có khoảng vài trăm ngàn người đã phải bỏ mạng trên biển cả.

 Không như cuộc nội chiến của Hoa Kỳ kéo dài 4 năm từ năm 1861 đến 1865, Tổng thống Abraham Lincoln, sau khi chiến thắng miền Nam đã  đối xử tử tế với quân miền Nam,  ngược lại các cấp lãnh đạo của CSBV đã xem quân dân của VNCH là kẻ thù không đội trời chung. 

Sau khi cưỡng chiếm Miền Nam, nhuộm đỏ toàn thể VN, CSBV liền ra tay trả thù tàn độc quân dân cán chính của VNCH, Hàng trăm ngàn quân dân cán chính VNCH phải bị đi tù nhiều năm, làm tan nát bao gia đình.Các thân nhân của quân dân cán chính của VNCH thì bị đày đi các vùng kinh tế mới. Con cái của họ không được lên học đại học và không có việc làm. Các mộ bia trong các nghĩa trang quân nhân của VNCH bị đập phá không thương tiếc. CSVN cũng cho dẹp ngay tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Trong suốt cuộc chiến, thanh niên của cả hai miền phải bị đưa ra chiến trường, bỏ dỡ việc học để thành nhân tái hầu xây dựng và tái thiết đất nước.

           Trước biến cố 30-4-1975, dù phải lo cuộc chiến nhưng miền Nam vẫn có một nền kinh tế, giáo dục,thương mãi vững mạnh và tự do tôn giáo. VNCH được xem có nền kinh tế vượt trội  hơn Nam Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Đài Loan, Lào và Camphuchia. Nhưng nay thì Nam Hàn, Thái Lan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân và Đài Loan đã vượt qua VN.Miền Tây của Nam VN là nơi sán xuất gạo cho cả nước và cho thế giới, thì nay phải nhập cảng gạo. Sông Cửu Lòng thì bi cạn do Trung Cộng làm nhiều đập nước trên thượng nguồn mà CSVN không dám phản đối. Hối xuất tiền của VNCH là 500 đồng bằng 1 mỹ kim, nay dưới chế độ CSVN thì 1 mỹ kim bằng 24 ngàn tiền CSVN. Sau 48 năm thống nhất đất nước, nền kinh tế của VN vẫn còn yếu kèm, nhiều thiếu nữ Việt phải bỏ quê hương đi làm vợ cho ngoại kiều và hàng ngàn công nhân Việt nghèo khổ phải đi lao động ở nước ngoài.

 Thực chất của cuộc chiến xâm chiếm miền Nam VN là chỉ để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản thay vì cho quyền lợi của dân tộc. Hồ Chí Minh đã khẳng định với Thủ Tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng là: “Việt Nam và Trung Quốc tuy hai mà một. Một dân tộc. Một nền văn hoá.Một phong tục, Một tổ quốc Nếu giúp chúng tôi thắng Pháp, thắng Nhật, thắng tất cả bọn tư bản vùng Đông Nam Á, nắm được chính quyền, thì nợ viện trợ sẽ hoàn trả dưới mọi hình thức, kể cá cắt đất, cắt đảo, lùi biên giới nhượng lại cho Trung Quốc, chúng tôi cũng làm để đền ơn, đáp nghĩa.”

Chính vì thế, vào ngày 14-9-1958, Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Phạm Văn Đồng ký  “Công Hàm” giao đứt quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng.Tổng Bí Thư Lê Duẫn trong cuộc chiến xâm lăng Miền Nam VN đã từng tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô và Trung Cộng”. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh thì để lại câu nói phản quốc: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc là mất nước, nhưng còn hơn mất Đảng”.                                                                                                              

Thực trạng của cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm chỉ gây tang thương cho dân tộc Việt. Cả hai miền Nam Bắc VN đều bị thua mà kẻ hưởng lợi lại là Trung Cộng. Lần lượt Trung Cộng đã chiếm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN.Nhà cầm quyền CSVN đã nhượng cho Trung Cộng nhiều lãnh hải và lãnh thổ trong những năm qua.

Đây là điều bất hạnh và bi thảm cho  dân tộc Việt, dù CSVN đã thống nhất đất nước bằng giải pháp quân sự, nhưng lại dốt về việc kiến thiết và nhất là đã đặt quyền lợi của đảng Cộng Sản lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc./.

                             NGUYỄN VẠN BÌNH

Note: Tài liệu Tham khảo từ:

 *Chiến Tranh Quốc Cộng tại VN của Gs Lê Đình Cai

* Các tài liệu trên Google

No comments:

Post a Comment