Wednesday, November 27, 2019

HĐQT Chùa Bảo Quang muốn kiểm kê tài sản, một số Phật tử ngăn cản

Bên trái, ông Luyến Phạm, ông Lộc Hoàng Bạch - chủ tịch HĐQT chùa Bảo Quang. Bên phải, ông Tony Bùi, và những người phản đối HĐQT. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Kỳ 1: Ai thực sự là chủ chùa Bảo Quang? Kỳ 2: Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Kỳ cuối: ‘Chùa có yên thì Phật tử mới tới’

SANTA ANA, California (NV) – Sáng Thứ Ba, 26 Tháng Mười Một, đại diện Hội Đồng Quản Trị (HĐQT – Board of Directors) của chùa Bảo Quang, Santa Ana, đến chùa với mục đích “kiểm kê tài sản của chùa như thông cáo báo chí đã đưa ra vào ngày 21 Tháng Mười Một.” Tuy nhiên, một nhóm Phật tử đã có mặt ngăn cản và lớn tiếng phản đối.
Trước khi những thành viên của HĐQT đến, một phụ nữ trung niên, tóc ngắn, nói với những người xung quanh, “Khi họ đến, tôi sẽ hô lên ‘đả đảo cướp chùa’ thì mọi người hãy cùng la lên.” Có người gật đầu đồng tình, nhưng có người cản “Đừng la ‘đả đảo.’”
Khi phóng viên Người Việt tỏ ý muốn phỏng vấn thì người phụ nữ này từ chối và chỉ sang ông Tony Bùi, cũng một Phật tử của chùa. Ông Tony, trong lần trả lời phóng vấn trước đây với báo Người Việt, cho biết đã theo giúp cố Hòa Thượng Thích Quảng Thanh từ tám năm qua, và có góp sức trong việc xây dựng chùa, cũng như chăm sóc cố hòa thượng trong thời gian hòa thượng phải nằm bệnh viện trước khi mất.
Cũng ngay lúc đó, ông Lộc Hoàng Bạch, hiện giữ vai trò chủ tịch HĐQT chùa Bảo Quang, và ông Luyến Phạm, một Phật tử cũng là người phát ngôn, thông dịch của HĐQT, có mặt trước ngôi nhà bát giác cũng chính là nơi được xem là “bảo tàng” của chùa.
Sau khi hỏi ông Lộc đến chùa với mục đích gì, và được ông Lộc trả lời rằng: “Chúng tôi là HĐQT của chùa đến để nhờ thầy Phước Hậu mở cửa để kiểm tra tài sản của chùa,” ông Tony yêu cầu ông Lộc phải trưng ra bằng chứng rằng họ là có tên trong danh sách 20 người của HĐQT theo đúng “By Law” (Điều Lệ) của chùa thì mới có đủ tư cách pháp lý.Trên thực tế, theo sự tìm hiểu của phóng viên Người Việt, từ khi thành lập chùa Bảo Quang theo thể thức một công hội bất vụ lợi (nonprofit corporation) vào năm 1990 thì chùa Bảo Quang chưa bao giờ có một HĐQT 20 người, mà chỉ có ba người.
Từ năm 2001 cho đến lúc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh mất vào Tháng Sáu, 2019, thì HĐQT của chùa chỉ có ba thành viên, bao gồm Hòa Thượng Thích Quảng Thanh là trụ trì kiêm chủ tịch HĐQT, ông Bạch Hoàng Lộc là thư ký và bà Christie Hoàng Bạch là thủ quỹ tài chánh.
Trong khi ông Tony nói về “Điều Lệ” chùa, cũng như cho rằng HĐQT hiện tại không có quyền hành, thì số Phật tử xung quanh cũng lớn tiếng lo ó phản đối sự có mặt của ông Lộc và ông Luyến.
Từ trái, ông Tony Bùi, ông Thuận Ngô, và người phụ nữ trung niên tóc ngắn hướng dẫn 
mọi người hô “Đả đảo cướp chùa.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Tiếp đó, trước rất đông các báo đài địa phương, ông Tony lấy chìa khóa từ trong túi ra và đưa cho một người kêu “vào mở cửa mang con ó ra.”
Con ó này là một phần nguyên nhân để HĐQT đưa ra quyết định phải kiểm tra tài sản của chùa. Vì như ông Lộc nói với phóng viên Người Việt trước đó, rằng, “Con ó bằng đồng này là của một Phật tử cúng chùa và đã được thầy Quảng Thanh đặt phía trước trong nhiều năm, nhưng khi thầy Quảng Thanh mất thì Phật tử không thấy con ó đâu nữa.”
Khi phóng viên Người Việt đặt câu hỏi, “Tại sao ông lại có chìa khóa để giữ tài sản của chùa?” thì ông Tony trả lời, “Không cần biết. Trước tiên tôi chỉ muốn nói chuyện về con ó.”
Theo ông Tony, “Con ó đã ở chùa được hai năm. Con ó này thực ra là một con chim đại bàng quặm một con cá, nhìn rất hung dữ, dưới cặp mắt của người trong chùa thì con ó này mang tính sát sanh nên các Phật tử đề nghị dời nó đi. Sau đó con ó đó được mang cho chùa Khánh Hỷ của thầy Pháp Tánh…”
Khi phóng viên Người Việt hỏi, “Tại sao khi thầy Quảng Thanh còn sống không ai nêu ý kiến đó để dời con ó đi?” Ông Tony trả lời, “Tất cả những việc gì ở chùa từ xưa đến nay chỉ một mình thầy Quảng Thanh quyết định, ngay cả Ban Quản Trị, thầy cũng quyết định chọn hai người này, là ông Lộc và bà Christie. Tại sao thầy làm vậy? Bởi vì thầy chưa tìm đủ 20 người tin cẩn để lập một ‘board of directors’ cho nên thầy đã phạm luật.”
“Chúng tôi nói trước mặt tất cả ống kính này là thầy Quảng Thanh đã phạm luật căn bản là đã không tạo ra một ‘board of directors’ đúng nghĩa như thầy đã nộp ‘By Law’ cho chính quyền tiểu bang và liên bang (tức là đủ 20 người),” ông Tony nhấn mạnh.
“Thế thì tại sao trong suốt thời gian qua không ai nói lên điều này?” phóng viên Người Việt hỏi tiếp.
“Tại vì thầy Quảng Thanh là người chính yếu đã xây dựng chùa này, thầy Quảng Thanh rất trực tính và rất nóng nảy, tất cả những gì quý vị nêu lên không đúng, thầy có thể la rầy…,” ông Tony cho biết.
“Vậy là quý vị làm việc theo kiểu sợ cá nhân chứ không phải vì tuân theo luật pháp?” Người Việt hỏi thêm.
Trong lúc có nhiều tiếng la ó gì đó của một vài người phụ nữ, thì ông Tony trả lời, “Không phải. Thầy Quảng Thanh bỏ công sức ra giúp cho chùa này cho nên không thể nói là mình sợ thầy, không ai sợ thầy cả, nhưng vấn đề là đúng lúc không mà thôi. Chúng ta kính tăng chứ không phải sợ.”
Khi phóng viên của đài SBTN hỏi “Con ó đó được cho đi khi nào?” ông Tony lại trả lời: “Không cần biết. Đã cho và đã mang trả lại đây.”
“Hôm qua, thầy Phước Hậu có yêu cầu người Phật tử cúng dường con ó nên mang nó về nhà, thì người Phật tử đó trả lời là bà không thể làm như vậy, phải có ý kiến của Ban Quản Trị. Vậy hôm nay tôi mang con ó đó ra đây cho lại Ban Quản Trị vì (ban quản trị) đã tung tin đồn thất thiệt là thầy Phước Hậu đã bán con ó,” ông nói tiếp.
Ông Tony Bùi nói trước giới truyền thông: “Thầy Quảng Thanh đã 
phạm luật căn bản là đã không tạo ra một ‘board of directors’ 
đúng nghĩa như thầy đã nộp ‘By Law’ cho chính quyền tiểu bang và liên bang.” 
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Phóng viên Việt Báo đặt vấn đề với ông Tony, “Anh cho biết anh là ai và có tư cách, vai trò gì để nói là đại diện cho Phật tử ở đây? Có ai cử anh lên làm đại diện hay không? Bây giờ anh nói là thầy Quảng Thanh đã vi phạm luật pháp, trong khi thầy vừa viên tịch, sao trước đây anh không nói với thầy về những chuyện mà anh cho là sai đó?”
Trong khi ông Tony chưa kịp trả lời, thì người phụ nữ trung niên tóc ngắn mà phóng viên Người Việt đã đề cập ở phần đầu, lớn tiếng, “Bởi vì khi thầy Quảng Thanh làm sai thì những người kia (bà chỉ tay về phía ông Lộc) mới lợi dụng điều sai đó mà tính chuyện cướp chùa.”
“Chị có bằng chứng cho thấy rằng những thành viên này cướp chùa không?” phóng viên Người Việt hỏi.
Người phụ nữ liền chỉ về những người đứng gần, “Đây, các Phật tử ở đây có đồng ý là những người này cướp chùa không?” Một số người phụ nữ giơ tay la “Yay, họ muốn cướp chùa!”
“Đó, tất cả Phật tử đều trả lời, không phải một mình tôi, nhé!” người phụ nữ gằn giọng.
Có mặt tại buổi này, Hòa Thượng Thích Tâm Vân, viện chủ Liên Hải Tịnh Thất, nói với phóng viên Người Việt, “Đối với thầy, chùa là nơi thanh tịnh để tu hành, chùa không có vấn đề hơn thua, tăng ni và Phật tử như môi với răng vậy. Cho nên làm bát nháo như thế này là không tốt, và thiên hạ sẽ cười chê. Phật không có dạy như vậy. Người tu không làm như vậy. Nếu người tu cao thì không ai nói chi những lời xúc phạm nhau. Nhất là khi Hòa Thượng Quảng Thanh vừa viên tịch mà lại xúc phạm hòa thượng như vậy là xúc phạm giác linh hòa thượng. Chúng tôi là những anh em huynh đệ với Hòa Thượng Quảng Thanh thấy rất bất mãn.”
Phóng viên Người Việt hỏi ông Ngô Văn Thuận, pháp danh Bảo Hòa, rằng: “Anh nghĩ gì với những gì đang diễn ra như thế này, trong khi thầy Thích Tâm Vân cho rằng chùa phải là nơi thanh tịnh?”
“Tôi đã theo thầy Quảng Thanh hơn 30 năm nay, từ lúc thầy có chùa ở Magnolia cho đến giờ,” ông Thuận nói. “Theo tôi, các thầy khác với các Phật tử. Các thầy là người tu hành đắc đạo, còn Phật tử như tôi thì trước thái độ và hành động của những kẻ muốn đến đây phá chùa, làm những chuyện không đúng, thì Phật tử có quyền có thái độ, chuyện đó không có trật.”
“Họ chỉ có tên trong ‘board of directors’ thôi, hội từ thiện nào cũng có ‘board of directors,’ nhưng họ không tu hành thì họ không có quyền hạn trên chùa này đâu. Chúng tôi làm theo lời di huấn của hòa thượng để lại, là vì ngôi chùa này, vì ngôi tam bảo này, chứ không vì vật chất, không vì danh, vì lợi,” ông Thuận nói thêm.
Cũng có mặt tại buổi này, cô Anh Trần, pháp danh Đức Lợi, bày tỏ, “Tôi cảm thấy rất đau lòng vì hòa thượng mất chưa bao lâu mà chùa đã như vầy. Mình phải biết kính trọng giác linh của thầy vì thầy đã đổ bao công sức để tạo dựng ngôi chùa này cho mọi người lui tới.”
Khi được hỏi “HĐQT sẽ làm gì khi gặp phải sự chống đối này?,” ông Lộc cho biết, “Chúng tôi sẽ làm theo pháp luật, sẽ xin trát tòa để thực hiện việc này.”
Trong suốt buổi này, không thấy có sự xuất hiện của Thượng Tọa Thích Phước Hậu, vị trụ trì hiện tại của chùa Bảo Quang. 
(Ngọc Lan)

Tuesday, November 26, 2019

Tâm thư kính gởi đồng hương - Đặng Hữu Dũng DAVIDTNL@yahoo.com

Tâm thư kính gởi đồng hương
Texas , Ngày 25 tháng 10, năm 2019

Kính gởi:  Quí Đồng Hương gần xa,
Gần đây chúng tôi có dịp xem vài đoạn “youtube”, nói về việc “Bãi nhiệm” Ông Thị Trưởng và 2 Nghị Viên người Mỹ gốc Việt ở Thành phố Westminster, California.
Đồng thời, mấy hôm trước, chúng tôi cũng được xem những “video clip” và tin tức nói về việc Hải Quân Hoa Kỳ đã vinh thăng cấp tướng (một sao) cho “ Phó Đô Đốc Nguyễn Từ Huấn”, Trưởng nam của cố Trung Tá  Thiết giáp,  Quân Lực VNCH, đã tử trận trong Tết Mậu Thân năm 1968. Cộng đồng NVQG của chúng ta khắp thế giới,  đa số rất vui và hãnh diện,  về sự thành đạt của Tướng Từ Huấn!
Sau gần 45 năm lưu lạc ở xứ người, người Việt chúng ta đã không ngừng tranh đấu, học tập và cố gắng bằng mọi cách, mọi giá để vươn lên mới có được ngày hôm nay. Đó là cơ hội chúng ta đã và đang hội nhập vững mạnh vào những sinh hoạt chung của người bản xứ: chính trị, xã hội cũng như thương trường.
Thế hệ thứ nhất, đến tỵ nạn tại hải ngoại, năm 1975 chân ướt chân ráo, khó khăn trăm bề, nhưng họ đã thật sự vượt qua mọi trở ngại và nuôi dạy con cái khiến cho giới trẻ học hành thành đạt, nên người,  trên nhiều ngành nghề như: Y khoa, khoa học kỹ thuật, luật khoa, tin học và nhiều ngành khác nữa,  khiến cho phụ huynh các cộng đồng bạn phải khen ngợi sự học hành chăm chỉ, hiếu học và thông minh của con em chúng ta.
Ngoài sự gia nhập quân đội thuộc mọi binh chủng của quân đội Hoa Kỳ, có mặt từ cấp thấp binh sĩ tới cấp tướng, được chính giới ca ngợi không tiếc lời. Song song với lãnh vực quân sự, giới trẻ cũng đã không ngần ngại bước vào sinh hoạt “chính trị dòng chính”, tức là ứng cử vào các chức vụ dân cử từ cấp thành phố, tới quận hạt, tiểu bang và cả Liên Bang.
Trong thời gian hơn 10 năm gần đây, chúng tôi thấy một số đã cố gắng và may mắn được đắc cử vào “dòng chính Hoa Kỳ” một cách đáng ca ngợi. Nhưng thật sự họ đã trả một giá tương đối khá đắt để có được ngày hôm nay.
Kết quả của sự cố gắng không ngừng của giới trẻ, vài năm trước đây, Cộng Đồng người Việt ở Cali, và nhất là ở thành phố Westminster, tập thể người Việt đã hân hoan chào đón các tân Thị Trưởng và môt số nghị viên người Việt đầu tiên ở đất Mỹ này. Tuy ở xa, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy rất vui về sự thành công này của giới trẻ.
Thế rồi gần đây, chúng tôi lại đươc nghe vài tin xấu về việc có một nhóm người không hài lòng cách hành sự của các vị dân cử gốc Việt này,  nên đã rầm rộ vận động  “Bãi Nhiệm”  họ với những lý do gì gì đó (?).
Kính thưa quí vị,
Nếu như quí vị đã từng có công tác “làm dâu trăm họ”, hay “ăn cơm nhà vác ngà voi”, chắc là quý vị đã thấy “không ai có thể làm hài lòng hết tất cả mọi người trên thế gian này” phải không?
Do đó, môt cách hành xử dân chủ nhất mà quý  vị có thể bày tỏ quan điểm bất đồng của mình,  là sử dụng lá phiếu  trong các cuộc Bầu cử.  Hoặc tế nhị hơn,  như cha ông mình thường nói,  là  hãy “Đóng cửa dạy bảo nhau” trước khi ra tay một cách nặng nề, “Bãi Nhiệm” theo kiểu gà nhà bôi mặt đá nhau”?
Tại sao chúng ta phải rùm beng làm chuyện bãi nhiệm để bêu xấu nhau một cách đau lòng như thế? Có phải chúng ta đang cố tình “Vạch áo cho người xem lưng.” Chúng tôi tin rằng, đây không phải là chuyện cá nhân mà là chuyện của tập thể của chúng ta đang đứng trước một âm mưu nghiêm trọng,  có thể của một thế lực bất chánh dàn trận đàng sau, với mục tiêu làm xấu mặt người Việt ly hương của chúng ta trên xứ người. Đó là một chiến dịch cố tình hủy hoại sự lớn mạnh của người Việt chống cộng hải ngoại.
Chúng tôi thường nghe thấy quí vị kêu gọi đoàn kết, xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn để giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, khuyến khích thế hệ trẻ vào dòng chính để phục vụ tha nhân và làm rạng danh “con rồng cháu Tiên.”
Thưa quý vị,
Đa số quí vị chắc hẳn rất hãnh diện về việc chúng ta có 3 tướng gốc Việt trong quân đội Hoa Kỳ và một số tỉ phú, triệu phú, danh nhân thành đạt gốc Việt ở khắp hải ngoại này. Sự thành công của họ,  nhờ vào truyền thống dân tộc Việt: chăm chỉ, hiếu học và nhất là biết hành xử theo theo đúng nhân cách của người Đông Phương: “Nhân lễ nghĩa trí tín”.
Qua thư tâm thư này, chúng tôi hy vọng đồng hương Việt Nam ở quận Cam,  nhất là dân cư người Việt của thành phố Westminster, hãy suy nghĩ thật kỹ lưỡng, cố gắng gìn giữ danh dự chung của người Việt Nam để khỏi đau lòng và xấu hổ khi đối diện với tập thể người bản xứ.  Xin đừng làm xấu mặt thế hệ trẻ của chúng ta, vì làm xấu mặt họ, tức là chúng ta tự bôi xấu vào mặt mình.
Theo thiển ý của chúng tôi, hãy để những người trẻ  có cơ hội tiếp tục công việc phục vụ tha nhân và học hỏi, ít nhất là cho hết nhiệm kỳ này để họ ra đi, hay ở lại,  tùy theo sự lựa chọn lá phiếu của người dân. “người biết nhận lỗi là người tốt nhất”!
Kính mong quí vị suy xét lại.
Thư kính gởi Tỷ Phú Hoàng Kiều
Kính thưa chú Hoàng Kiều:
Chúng tôi ở rất xa nhưng cũng rất ngưỡng mộ về sự thành đạt của chú ở xứ Mỹ này. Chú là người giàu có, vĩ đại biết bao vì chú có tấm lòng bác ái, từ bi, được thể hiện qua những lần cứu trợ đồng hương ở San Jose, California và nhiều nơi khác khi bà con mình gặp hoạn nạn; nhất là lần thấy chú đáp máy bay riêng, hạ cánh xuống phi trường ở Houston và trao một ngân phiếu 5 triệu đô-la cho ông Thị Trưởng thành phố Houston để giúp nạn nhân Bão Lụt Harvey, trong đó có cư dân gốc Việt, bị trận bão tàn phá thành phố này vào năm 2017.
Chúng tôi thật sự phục sát đất về tấm lòng thương người của chú. Việc bố thí, cứu giúp khi đồng loại gặp tai trời ách đất của chú khiến cho tập thể người Việt khắp hải ngoại, không những thán phục tấm lòng nhân ái, từ bi của chú, mà tiếng lành, tiếng tốt của chú đã bay xa khắp 4 phương trời.
Chúng tôi mong chú dùng một số “tiền lẻ” của chú  vào việc tài trợ các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở Hoa Kỳ để họ có thêm phương tiện sinh hoạt trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc trên xứ người, như chú thường thỉnh thoảng nhắc tới. Xin chú hãy dùng số “tiền lẻ” đó để cấp học bổng cho một số học sinh sinh viên nghèo, từ trung học đến đại học, để họ theo đuổi việc học hành và thành đạt.
Làm được như thế, từ đó, tên tuổi của chú sẽ đi vào lòng người dân Việt tỵ nạn nhiều hơn nữa, kể từ sau biến cố tang thương năm 1975. Được vậy, chú muốn làm chức gì của tập thể người Việt khắp nơi mà không được? Chúng tôi sẽ hết lòng vận động bỏ phiếu cho chú.
Thưa chú, theo dõi trên mạng xã hội, cũng như báo chí Việt ngữ về những sinh hoạt lùm xùm của chú trong gần năm qua, rất nhiều bài viết khắp nơi đã chỉ trích chú rất nặng nề, khiến cho chúng tôi đau lòng quá! Thần tượng một tỷ phú tài ba và biết thương người, biết sử dụng đồng tiền đúng cách mà chúng tôi ngưỡng mộ,  bỗng dưng gần như bị sụp đổ. Có người quá buồn phải than câu ca dao trong nhân gian: “Tưởng giếng sâu ta nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn nên tiếc hoài sợi dây!”
Thật sự tôi cũng không hiểu nổi tại sao chú đã dùng đồng tiền để tài trợ cho việc “bãi nhiệm” các dân cử gốc Việt. Hành động đó không những chỉ gây thêm sự chia rẽ, tị hiềm nhau vốn đã có sẵn ít nhiều trong tập thể người Việt, mà còn để lại tai tiếng về chú Hoàng Kiều trong lòng dân Việt lâu lắm!  Nếu chú có thể suy nghĩ lại và bỏ ý định nhúng tay vào vụ “bãi nhiệm” không cần thiết này, thì đó là một đại hạnh vô cùng tốt cho chú. Chúng tôi xin góp lời: “Buông bỏ là thượng sách mà chú cần phải làm ngay để cứu mình, cứu người, trong số đó có người thân và bằng hữu của chú nữa.”
Dám mong chú đừng phụ lòng người!
Kính thư,
Đại diện một nhóm hai thế hệ người Việt tha hương ngưỡng mộ chú ở Texas:
Đặng Hữu Dũng
25/10/2019

Monday, November 25, 2019

Trang chủ » CỘNG ĐỒNG » Thông Báo - Thư Mời » Chi tiết tin Friday, 22/11/2019 - 06:21:35 14px THÔNG CÁO BÁO CHÍ - CHÙA BẢO QUANG


THÔNG BÁO CỦA PHẬT TỬ CHÙA BẢO QUANG


Chùa Bảo Quang sẽ về tay ai?

Hòa Thượng Tâm Vấn phản đối ban tổ chức không mời chư tôn đức tham dự. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Chủ tọa cuộc họp báo chiều thứ Năm tại hội trường Việt Báo, từ phải là ông Luyến, ông Lộc Hoàng Bạch, Luật sư Nelson Wu, và một người thông dịch. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Viện Chủ chùa Bảo Quang ở địa chỉ 713 Newhope St, Santa Ana, viên tịch vào ngày 9 tháng 6, 2019 và không để lại di chúc; các Phật tử đã đặt câu hỏi, ai sẽ là vị trụ trì ngôi chùa đồ sộ này mà theo thời giá hiện nay vào khỏang hơn $10 triệu Mỹ kim?
Nhưng ngay sau đó, đã có câu trả lời là Thượng Tọa Thích Phước Hậu, cháu của Hòa Thượng Quảng Thanh từ Việt Nam sang sẽ là vị trụ trì, và bắt đầu từ đó có những chuyện không hay liên tiếp xảy ra.
Đến 4 giờ chiều thứ Năm, ngày 21 tháng 11, 2019 một cuộc họp báo được tổ chức tại hội trường Việt Báo với mục đích, thứ nhất: “Trong thời gian vừa qua có nhiều thông tin không rõ ràng về chùa Bảo Quang, là lý do Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) chùa Bảo Quang mở cuộc họp báo để minh bạch hóa thông tin về hội bất vụ lợi Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Chùa Bảo Quang có tên tiếng Anh là “Vietnamese - American Buddhist Center for Charitable Service – Bao Quang. Thứ hai là vì tài sản chùa Bảo Quang bị mất và thông tin tài chánh không được báo cáo minh bạch.”


Các cơ quan truyền thông tham dự. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Trên bàn chủ tọa cuộc họp báo có ông Luyến (điều hợp chương trình), ông Lộc Hoàng Bạch (một trong ba thành viên Hội Đồng Quản Trị chùa Bảo Quang), Luật sư Nelson Wu và một thông dịch viên. Tham dự cuộc họp báo có Hòa Thượng Thích Tâm Vấn, một số Phật tử, trong đó có bà Nguyễn Thanh Thủy, Hội Trưởng Hội H.O. Cứu Trợ TPB/QP/VNCH, và phu quân cùng rất đông các cơ quan truyền thông.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Luyến giải thích mục đích có cuộc họp báo (như chúng tôi vừa nêu ở phần đầu). Sau đó, ông mời luật sư Nelson Wu giải thích rõ ràng về hội bất vụ lợi nonprofit là gì và ai là chủ của hội bất vụ lợi. Trên giấy tờ, Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors) là chủ, và người Chủ Tịch là HT Thích Quảng Thanh nay đã mất, hai người còn lại là ông Lộc Bạch (Thư Ký) và một người nữa không thấy ban tổ chức họp báo nêu tên. Hội Đồng Quản Trị đương nhiên chịu trách nhiệm quản trị ngôi chùa và chịu trách nhiệm trước pháp luật Hoa Kỳ.
Kiểm kê tài sản chùa Bảo Quang: Ban tổ chức cuộc họp báo cho biết, có một Phật tử cúng dường một con chim Đại Bàng (không nêu rõ chim bằng gì) nay đã biến mất. Vì thế, Hội Đồng Quản Trị sẽ công khai tiến hành kiểm kê tài sản chùa Bảo Quang và mời các cơ quan truyền thông đến chứng kiến. Hội Đồng Quản Trị sẽ thành lập ban “Hộ Trì Tam Bảo” với năm thành viên để minh bạch phần đóng góp của cộng đồng. Năm thành viên này sẽ không có ai trong Hội Đồng Quản Trị.


Giấy xác nhận có chữ ký tiền giao cho thầy Phước Hậu tổng cộng $200,000. (Thanh Phong/Viễn Đông)


Về Tài chánh của chùa: Hòa Thượng Quảng Thanh có mua bảo hiểm nhân thọ $250,000. Người đứng tên thừa hưởng là ông Lộc Bạch nhưng ông chưa nhận tiền từ hãng bảo hiểm. Ông Lộc Bạch trưng giấy xác nhận số tiền $60,000 (ngày 14.6.) và lần thứ hai $140,000 (ngày 24.6) đưa cho thầy Phước Hậu để thầy Phước Hậu gửi về Việt Nam $100,000; còn $100,000 bỏ phong bì cúng dường chư tăng. Ngoài ra, khi Hòa Thượng Quảng Thanh viên tịch, tài khoản trong ngân hàng của chùa Bảo Quang còn $107,000.
Thượng Tọa Thích Phước Hậu là ai?
Thượng Tọa Thích Phước Hậu là cháu gọi HT Quảng Thanh là chú, tên khai sinh là Dương Cao Cường, tên khác là Thượng Tọa Thích Nguyên Thông tu tại chùa Phổ Hiền, Bình Thuận. Năm 2013, HT Quảng Thanh bảo lãnh thầy Phước Hậu qua Mỹ định cư nhưng không rõ vì lý do gì, chỉ một hai tháng sau, HT Quảng Thanh gửi thư cho Sở Di Trú Hoa Kỳ rút lại giấy bảo lãnh, và thầy Phước Hậu phải về lại Việt Nam.
Đến ngày 5 tháng 5, 2019 thầy Phước Hậu qua dự lễ Phật Đản tại chùa Bảo Quang theo Thư Mời của HT Quảng Thanh và đến ngày 9 tháng 6, 2019 thì Thầy Quảng Thanh qua đời. HT Quảng Thanh khi còn sinh tiền giữ chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, nên sau khi HT Quảng Thanh mất, Đại lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ Giáo Hội PGVN Trên Thế Giới đã ký Giáo Chỉ ngày 18.6.2019 “Điều 1: Nay bổ nhiệm Thượng Tọa Thích Nguyên Thông, Pháp tự Thích Phước Hậu (Thế danh Dương Cao Cường) chức vụ Trụ Trì Chùa Bảo Quang địa chỉ 713 N.Newhope St, Santa Ana, California 92703. Điều 2: Thượng Tọa Thích Nguyên Thông tự Thích Phước Hậu, Hội Đồng Điều Hành chiếu nhiệm vụ thi hành Giáo Chỉ này.” Trong lúc đó, Thượng Tọa Thích Phước Hậu chưa có giấy tờ hợp pháp được định cư tại Mỹ, chỉ là qua Hoa Kỳ theo diện du lịch.
Trong cuộc họp báo, Hội Đồng Quản Trị có đưa ra một quyết định, nguyên văn như sau: “Sau 24 giờ của cuộc họp báo ngày 21 tháng 11 năm 2019, cá nhân hay tổ chức, chịu trách nhiệm trước pháp luật Hoa Kỳ trong phát ngôn, phát tán thông tin sai lạc về HĐQT, Board of Directors của hội bất vụ lợi: Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Chùa Bảo Quang với tên tiếng Anh Vietnamese American Buddhist Center For Charitable Services –Bao Quang, với tên thường gọi trong cộng đồng là: Chùa Bảo Quang.”
Hòa Thượng Thích Tâm Vấn có mặt trong cuộc họp báo hai lần đứng lên phản đối ban tổ chức, “Tại sao các ông không mời chư tôn đức đến tham dự, các ông coi thường chư tôn đức quá. Các ông gây chia re.”
Một ký giả hỏi Ban tổ chức có mời Thượng Tọa Phước Hậu tới tham dự không? Lẽ ra phải mời ông đến để có tiếng nói chứ.

Ông Lộc Bạch giơ cellphone lên nói, “Chúng tôi có trực tiếp text cho thầy nhưng thầy không tới.”
Sau khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, buổi họp báo chấm dứt lúc 4 giờ 45 phút. Các cơ quan truyền thông đang chờ xem vào ngày 26.11.2019, Thượng Tọa Thích Phước Hậu trong chức vụ Trụ Trì chùa Bảo Quang có chấp nhận cho kiểm kê tài sản của chùa hay không, và tương lai, ngôi chùa này sẽ thuộc về tay ai?

Thanh Phong - Viễn Đông

Tại sao tiểu thuyết 'Nỗi buồn chiến tranh' được quốc tế quan tâm?

"Nỗi buồn chiến tranh" được giảng dạy rộng rãi trong các đại học ở Mỹ, được xếp cùng nhiều tác phẩm danh giá khác và có vị trí trang trọng tại các trường học.
Chiều ngày 15/7, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tổ chức thuyết trình khoa học  “Ảnh hưởng quốc tế của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh”.
Trước sự chứng kiến của vị khách mời đặc biệt là nhà văn Bảo Ninh - cha đẻ tiểu thuyết - và các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của khoa Văn học, diễn giả Giáo sư, Tiến sĩ Laichen Sun đã dành gần hai giờ đồng hồ để nói về ảnh hưởng quốc tế của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Ông nêu lý do tại sao cuốn tiểu thuyết này lại được cộng đồng quốc tế quan tâm. TS Laichen Sun giảng dạy ở Đại học bang California tại Fullerton, Mỹ, Tổng biên tập Tạp chí Chuỗi dịch thuật nước ngoài ở Đông Nam Á, thành viên Hội đồng quản trị Hiệp hội Châu Á về lịch sử thế giới.
Tai sao tieu thuyet 'Noi buon chien tranh' duoc quoc te quan tam? hinh anh 1
Nhà văn Bảo Ninh.
Mở đầu phần thuyết trình, Laichen Sun đã trích dẫn một số nhận định về cuốn tiểu thuyết này: 
“Ở Việt Nam từ khi xuất bản Nỗi buồn chiến tranh, mọi người không còn mô tả chiến tranh như trước đây nữa”, ông Phạm Xuân Nguyên - cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói. 
“Trước khi đến Việt Nam, tìm hiểu về Việt Nam, bạn hãy đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, Nhà xuất bản Lonely Planet chuyên xuất bản sách hướng dẫn Du lịch có trụ sở ở Melbourne, Australia khuyến nghị.
“Tất cả các trường học trên thế giới nên đọc cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, nhà văn người Anh và đạo diễn từng đoạt giải thưởng Charlie Raman nói.
“Tiểu thuyết vượt lên thời gian và không gian và có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ”, Kang Young Ha, một nhà văn nổi tiếng của Hàn Quốc nhận xét. 
Laichen Sun cho biết ông đã dành nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh khi nhận lời viết lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết dịch xuất bản ở Trung Quốc. Sau khi đọc tác phẩm, ông đã viết lời giới thiệu 97 trang (khoảng 70.000 chữ tiếng Trung). Riêng phần tóm tắt đã là 6.000 chữ.
Laichen Sun cũng cho biết có hàng trăm công trình trên thế giới nghiên cứu cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Đây là tác phẩm lớn đáng để tìm hiểu, không chỉ bởi vai trò của nó trong thúc đẩy hòa bình ở châu Á mà nó còn giúp chúng ta hiểu được giá trị của hòa bình và căm ghét chiến tranh.
Tai sao tieu thuyet 'Noi buon chien tranh' duoc quoc te quan tam? hinh anh 2
Nhà văn Bảo Ninh (bên trái), Giáo sư, Tiến sĩ Laichen Sun (giữa) trong buổi thuyết trình.
Nhiều vấn đề liên quan đến cuốn tiểu thuyết được Laichen Sun tìm hiểu rất cặn kẽ, ông còn lập các phụ lục với hàng loạt số liệu thống kê về các công trình trích dẫn cuốn tiểu thuyết, các bài phỏng vấn nhà văn Bảo Ninh, những trường đại học, trung học sử dụng tiểu thuyết, các thứ tiếng dịch tác phẩm…
Ông cho biết cuốn tiểu thuyết dịch ra 15 thứ tiếng, 18 phiên bản (mỗi thứ tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Trung có hai phiên bản), tiếng Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Đức, Ba Tư, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thái Lan. Phần lớn các bản dịch là chuyển ngữ lại từ bản tiếng Anh, cho dù chưa thực sự chính xác nhưng nó vẫn chiếm được sự quan tâm lớn lao của quốc tế.
"Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh góp phần làm cho Việt Nam nổi tiếng. Đây là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của Việt Nam từ trước tới giờ. Một trong những tác phẩm văn học lớn nhất trên thế giới. Một tác phẩm về chiến tranh nổi tiếng nhất thế kỷ XX", GS Laichen Sun dành nhiều lời ca ngợi.
Cuốn tiểu thuyết còn vượt qua khỏi lãnh địa văn chương sang các lĩnh vực khác như tâm thần học, tâm lý học, giới sử học và các khoa học khác cũng rất quan tâm.
Tác phẩm này còn được giảng dạy rộng rãi trong các đại học ở Mỹ và một số nước, được xếp cùng nhiều tác phẩm danh giá khác và có vị trí trang trọng trong không gian trường học Mỹ. Không những thế tiểu thuyết còn ảnh hưởng đến không ít các học giả và là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn quốc tế.
Laichen Sun cho biết sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh ông rất xúc động và tác phẩm này đã làm thay đổi cách dạy lịch sử của ông. Trong hơn 10 năm dạy học, trong các tiết học, ông luôn yêu cầu sinh viên đọc tác phẩm này để hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, về sự tàn phá của chiến tranh, sự khủng khiếp của chiến tranh, căm ghét chiến tranh và nuôi dưỡng tình yêu hòa bình.
Nhà văn Bảo Ninh cho biết nhờ bài thuyết trình của Giáo sư Laichen Sun mà ông biết tiểu thuyết của mình được sự quan tâm của quốc tế. Nhưng ông cũng băn khoăn khi thực trạng của văn học Việt Nam trầm lắng. Bởi nhiều tác phẩm chưa được dịch sang các ngôn ngữ khác. Ông đề nghị giáo sư với uy tín của mình nên quảng bá, giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam ra quốc tế.
Tai sao tieu thuyet 'Noi buon chien tranh' duoc quoc te quan tam? hinh anh 3
Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất bản lần đầu vào năm 1990 với tiêu đề do các biên tập viên xuất bản lựa chọn: Thân phận của tình yêu. Một năm sau đó cuốn sách đầu tay này của nhà văn Bảo Ninh được tái bản với tiêu đề của chính tác giả: Nỗi buồn chiến tranh.
Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết đặt dấu mốc quan trọng, mở ra một lối viết khác, cách nhìn khác về chiến tranh. Nếu như trước đây, chiến tranh thường được tái hiện từ cái nhìn của cộng đồng, con người thường được khai thác từ phương diện xã hội, được nhìn từ góc độ của cái đẹp, cái anh hùng, và kết cấu tiểu thuyết thường được xây dựng theo chiều tuyến tính, thì đến Nỗi buồn chiến tranh, người ta bắt gặp một lối viết hoàn toàn mới: Cá nhân hoá hư cấu, xây dựng nhân vật trên phương diện tâm lý cá nhân, tái hiện cuộc chiến từ góc độ chủ yếu là bi kịch, với kết cấu tiểu thuyết theo mô hình dòng ý thức, tiểu thuyết ở bên trong tiểu thuyết.
Sự đổi mới trong cả cách nhìn và lối viết ấy khiến cho chiến tranh và con người bước ra từ cuộc chiến hiện lên với tính hiện thực, phức tạp, đa chiều, nhiều ám ảnh. Đó là một tiểu thuyết giúp con người bước vào hành trình đi tìm chân lý: Chiến tranh là nỗi buồn, là điều khủng khiếp, nhưng chính sự sẻ chia nỗi buồn ấy là gia tài quý báu mang lại sức mạnh vĩ đại để những người lính vượt qua nó, và hoà bình chính là điều quý giá nhất của nhân loại.
Tiểu thuyết này cũng kiến tạo một hành trình đi tìm một lối viết mới về chiến tranh và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm sau này.

Nỗi Buồn Chiến Tranh
Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn. Đó là lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với mình đã nằm xuống, là ám ảnh về thân phận con người trong thời buổi loạn ly, và thông qua thân phận là sự tái hiện đầy xót xa  về quá khứ, những suy tư nghiền ngẫm về con đường dấn thân của cả một thế hệ sinh ra trong chiến tranh. Bao trùm lên tất cả, là nỗi buồn sâu xa gắn với từng mảnh đời riêng. Tác phẩm đã bước ra khỏi lối mòn về lòng tự hào dân tộc cùng những chiến công và vinh quang tập thể để nêu lên thông điệp về sự ghê tởm, về tính chất hủy diệt của chiến tranh đối với con người.
Vào thời điểm ra đời cuối thập niên 1980, “Nỗi buồn chiến tranh” có thể  được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập. .


Nhận xét bởi Trung Hiếu, vào ngày 26/11/2018

Biết bao nhiêu những cuốn sách đã viết về những người lính sau khi kết thúc chiến tranh cuộc đời họ sẽ bước sang một trang mới có nhiều thay đổi hơn. Thế nhưng cuốn sách này lại vô cùng đặc biệt, nó không viết lên được cuộc đời của người lính ấy thay đổi như thế nào khi trở về từ chiến tranh mà nó viết rằng cái quá khứ oai hùng máu lửa ấy, quá khứ mà chỉ biết mỗi nã súng, quá khứ đậm mùi máu tanh, quá khứ la liệt xác của anh em đồng đội cứ mãi mãi ăn sâu, đeo bám, bủa vây không bao giờ buông tha Kiên - người lính may mắn sống sót trở về, người lính mà thần chết chừa ra không gọi tên.
Cuốc sống của anh đau đớn, u uất, khắc khoải và toàn là hoài niệm, anh không thể quên đi được nhưng năm tháng ấy, anh không thể nào rũ bỏ được hết để làm lại cuộc đời. Nhắm mắt lại những hồi ức vẻ vang vinh quang thì không thấy chỉ thấy toàn là máu thịt đồng đội nằm lại nơi rừng sâu hoang vu.
Người lính trở về bỡ ngỡ với cuộc sống, người lính trở về không biết bon chen với đời, người lính ấy chỉ biết cầm súng và bắn, nã hết băng này qua băng khác, người lính ấy làm được gì để tự nuôi sống bản thân?
Chiến tranh, chiến tranh...! Chiến tranh làm tâm hồn anh mệt mỏi, đói khổ, bệnh tật, thiếu thốn đủ thứ kể cả là một nụ cười hạnh phúc trên môi. Chiến tranh và chết tróc, nào đâu ai muốn, nào đâu ai muốn mỗi ngày phải sống trong máu và máu. "... anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh..."
Nỗi buồn chiến tranh ấy ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày tháng của cuộc đời anh cứ lùi lại mãi mãi. Có lẽ ấy là một cảnh ngộ trái khoáy, một sự bi quan bế tắc... một đời sống tinh thần vô vọng. Nhưng mặc dù thế tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn... Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí những tình cảm đã giúp vượt qua muôn vàn đau khổ của chiến tranh...


Nhận xét bởi Phàm Vũ Long, vào ngày 12/09/2019

Ngay từ cái nhan đề của cuốn sách "Nỗi buồn chiến tranh" khiến chúng ta có thể hiểu được rằng nó như thể đang miêu tả chân thực cuộc sống bị "sốc" của những con người từ giả chiến trường trở về cuộc sống đời thường. Họ, những chàng lính anh dũng trên chiến trận, còn lại gì khi đất nước đã hòa bình? Phải chăng, họ còn lại là nỗi buồn, mất mát, ám ảnh và đang loay hoay trong cái gọi là hòa nhập, là sống lại với hòa bình? Kiên sau khi trở về Hà Nội, anh đã viết, viết để kể, được hồi ức, để tránh những nỗi ám ảnh, nỗi cô độc, nỗi buồn trong chính con người mình về tình yêu, về chiến tranh. Có ai đó đã nói "Cách tốt nhất để né tránh nỗi đau là đối diện trực tiếp với nó". Phương đã rời xa anh, còn lại một mình anh chỉ biết viết mà thôi.
Sau tất cả, điều đẹp nhất của "Nỗi buồn chiến tranh", với tôi, đó chính là kí ức, kỉ niệm đẹp về tình yêu, về những rung động đầu đời, cho dù sau này có yêu bao nhiêu người đi nữa, cũng không thể nào lấy lại được cảm giác ấy. Cảm giác rạo rực, say đắm nhưng hoang mang, sợ sệt. Đó là những hoài niệm về những điều đã xa, trôi vào ký ức nhưng mãi mãi.


Nhận xét bởi Minh Vương, vào ngày 21/07/2019

Nỗi buồn chiến tranh là gì đây? Nỗi buồn do một quá khứ đầy bi thương do chứng kiến cảnh tượng chết chóc ghê rợn. Hay nỗi buồn do thấy bất lực với cuộc sống?... nhiều câu hỏi được đặt ra khi đọc tựa đề. Nó đánh vào sâu thẳm con tim mỗi người. Tác phẩm này rất đặc biệt, tác giả khồn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng hay đấng thiên sứ mà chỉ miêu tả. Miêu tả sự đớn đau, dằn vặt của Kiên - nhân vật chính trong truyện- sau khi đã trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt. Nó lột tả một bức tranh trung thực và tàn nhẫn đến sử sốt. Khiến cho ai đọc cũng thổn thức khó nguôi ngoai. Mỗi dòng văn của cuốn tiểu thuyết ẩn chứa những vẻ đẹp về nhiều khía cạnh như tâm hồn con người Việt... Đã là con người, có lẽ ít ai muốn cầm súng giết đồng bào. Nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa. Một tác phẩm nên đọc với bất kỳ ai.
Nhận xét bởi Phương, vào ngày 29/05/2019

Những phút đầu tiên khi đọc "Nỗi buồn chiến tranh" tôi tưởng chừng như mình không thể chịu được cái cách kể chuyện tuỳ hứng của Bảo Ninh - tôi cảm giác như tôi đang ta nghe một anh lính kể về chiến tranh theo trí nhớ phập phồng của anh ta vậy. Nhưng cũng rất bất ngờ chính sự phi logic đó lại dần cuốn lấy tôi, buộc tôi dấn thân vào "ngõ ngách" của từng con chữ mà hoà mình vào chính cái vòng hồi ức của Kiên - nhân vật chính. Được đắm mình trong những hồi ức đó, tôi tưởng như chính mình là một người bạn của Kiên trong thời chiến vậy. Không chỉ khắc hoạ sự khốc liệt của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, "Nỗi buồn chiến tranh" còn giúp ta nhận ra số phận của những con người thời kì hậu chiến, đặc biệt là những người lính.
Nhận xét bởi Phan, vào ngày 18/04/2019

Không một chút logic nào khi lắng nghe mạch kể chuyện của Kiên, người lính đã từng hết mình chiến đấu, nay sống cô độc và thất thần trong thời bình. Cái không logic ấy là những suy nghĩ, cảm nhận rời rạc của Kiên về mọi thứ, từ quá vãng ì đùng bom đạn xưa kia cho tới con gió mát lành thuở hòa bình lập lại ngày nay. Tất cả quá ám ảnh và tàn nhẫn. Chiến tranh, bằng cách này hay cách khác, dù thắng trận hay bai cuộc, đều nhuốm một màu sắc u buồn lên mọi thứ, nhất là cuộc sống sau hậu chiến. Được sống và trở về đôi lúc chưa hẳn là điều tốt. Từng dòng cảm nhận của Kiên trải đều ra mặt chữ, đọc tới đâu lạnh gáy tới đó, bám riết lấy suy nghĩ của độc giả không buông. Khép lại hẳn là một tiếng thở dài dài thượt, cho một kiếp đời chẳng mấy vui tươi.
Nhận xét bởi Nguyễn, vào ngày 01/01/2019

Tác phẩm với giọng văn lành lạnh, giản đơn nhưng ám ảnh người đọc. "Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người", nó phá nát những thứ hữu hình và cả những thứ vô hình trong ta. Cuộc sống sau ngày Hòa bình của Kiên và những người đã đi qua chiến tranh trở nên vô định, vô hồn. Tác phẩm đề cập đến mưu cầu cụ thể trong mỗi người lính, vững vàng trước địch, đôi khi xem thường cái chết và thèm khát những nhu cầu bình thường của con người. Hãy trân trọng hòa bình, trân trọng quá khứ bi tráng đã qua, trân trọng những hi sinh thể xác tinh thần của người lính để sống tốt hơn cho chính mình, để yêu thương nhiều hơn, đừng hằn thù nhau nữa. Chiến tranh là thế, chỉ khi Tổ quốc cần, chứ có ai muốn đâu!
Nhận xét bởi Huy, vào ngày 15/12/2018

Đây là quyển sách khá đặc biệt vì nó không hề viết theo một mạch truyện nào cả, trang nào cũng có thể là trang đầu, trang nào cũng có thể là trang cuối! Xuyên suốt tác phẩm là một không khí u ám, nặng trĩu đầy rối bời của người lính thời chiến, họ tham gia chiến trường rồi liệt oanh ngã xuống, linh hồn, máu, xương và thịt hòa quyện vào mùi thuốc súng bay khắp chiến trường, bay qua những khu rừng cháy trụi, bay qua những ngôi làng không một bóng người dù bếp vẫn đang nấu, phản vẫn còn ấm hơi người.
Nỗi buồn chiến tranh không chỉ xuất hiện thời chiến, nó còn ám ảnh cả thời hậu chiến. Những người trở về không bị tàn tật thì cũng ám ảnh cả phần đời còn lại, họ trở nên vô phương hướng, khó hòa nhập được với cuộc sống nữa.
Tóm lại đây là một quyển rất ám ảnh, nhưng nó lột tả rất chân thực về sự khốc liệt của chiến tranh, về tâm trạng của những người lính cả thời chiến và hậu chiến. Nếu các bạn muốn tìm hiểu về chiến tranh ( Việt Nam ) ,về những thứ nó mang đến, về chính những gì mà những con người của tổ quốc thân yêu đã gánh chịu để có được ngày nay, hãy đọc nó!

Nhận xét bởi Nguyễn, vào ngày 08/12/2018

Tác giả đặt nhan đề của sách là "Nỗi buồn chiến tranh", nỗi buồn chứ không phải là nỗi đau thương, ám ảnh, dằn vặt, không phải là tuyệt vọng, hận thù, tức giận. Nỗi buồn của một cá nhân trải qua trong và sau chiến tranh, dường như chạm đến nỗi buồn sâu thẳm và vĩnh viễn của cả nhân loại, một loài người không thể thoát khỏi cảnh máu lửa tương tàn vì những điều người ta cho là chính nghĩa hoặc phi nghĩa, nhưng cuối cùng dẫn đến những mất mát thật sự vô nghĩa. Vô nghĩa không phải là những hy sinh hoàn toàn không có ý nghĩa cho kết cuộc của chiến tranh, mà là sự vô nghĩa của cái chết, của những bạo tàn. Câu chuyện là những trăn trở và ám ảnh của Kiên, mối tình với Phương, những ngày chiến trận ác liệt và những ngày hòa bình thê lương. Người đọc thường nhìn vào phần nỗi buồn và chiến tranh mà không chú trọng phần tình yêu và những số phận con người trong chiến tranh tàn khốc, như tên gọi trước đó của tác phẩm, "Thân phận của tình yêu". Chiến tranh tước đi nhiều thứ của nhiều thân phận người nhỏ bé, tình yêu cũng như nhiều cảm xúc khác bị chiến tranh tàn phá, đến mức chỉ còn lại một nỗi buồn triền miên trong lòng những người còn sống sót. Sách bìa mềm, giấy xốp, có màng bọc, có tem chống sách giả.
Nhận xét bởi Phương, vào ngày 03/12/2018

Bảo Ninh đã mượn hình tượng nhân vật Kiên để thuật lại những tháng năm chinh chiến gian khổ ấy của dân tộc mà chính Kiên là nhân vật sử thi đại diện cho cả một tầng lớp bộ đội xưa. Trong truyện, có những con người vì sợ hãi mà đào ngũ, có những tình yêu day dứt mãi sau thời chiến, có những nỗi nhớ và ám ảnh khôn nguôi về một thời đã vãng...
Đọc xong, nghĩ đến những dòng thơ của Quang Dũng:
"....Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa..."
Mọi người nên đọc để có cái nhìn và cảm nhận về chiến tranh một cách toàn diện và chân thực nhất. Thật sự sau mỗi trang sách là một sự ám ảnh khác nhau, tiểu thuyết này gây cho mình nhiều nỗi ám ảnh và day dứt về cuộc sống, tâm trạng khổ đau, dằn vặt của ng lính hậu chiến tranh!

Nhận xét bởi Misu, vào ngày 01/12/2018

Tôi tìm đến Nỗi Buồn Chiến Tranh thông qua lời giới thiệu của cô giáo dạy sử, một người yêu nước, từng sống trong những năm tháng bom đạn của Mĩ. Ý nghĩ ban đầu của tôi khi mua nó là nghĩ về một chiến tranh với những chiến thắng hào hùng vang dội, nhưng không phải, vẫn chiễn thắng đó, vẫn tinh thần yêu nước đó, vẫn là những cơn mưa bom đạn nhưng dường như Nỗi buồn chiến tranh còn thể hiện nhiều thứ hơn cái mà nó vồn có, thể hiện một khía cạnh khác của chiến tranh- những khoảng khắc sự lựa chọn chri trong tích tắc giữa sự sống và cái chết. Điều ấy được thể hiện trong những câu truyện, những sự thật trần trụi về những mảnh đời, những số phận không may mắn sinh ra trong thời loạn. Đó là những mối tình xa nhau hơn hai mươi năm, hai người vẫn hướng về nhau những mai không thể trùng phùng, là những bản chất" con người", cái thiện bị chiến tranh chà đạp, những người chiến sĩ luôn bị ám ảnh bởi cái chết.
Tác phẩm như một cuốn hồi kí về những sự việc mà tác giả trái qua, đồng thời nó cũng nhắc nhở chúng ta những đau đơn mà chiến tranh gây ra. Nó nó lên những sự thật mà bấy lâu nay chúng ta luôn né tránh. Giọng văn nhẹ nhàng ấy như thấm sâu vào lòng người đọc, như khắc hoải một nỗi buồn chiến tranh khó quên.
Đánh giá cá nhân:9/10

Nhận xét bởi Độc Cô Công Tử, vào ngày 25/11/2018 Đã mua hàng

Một tác phẩm thực sự xuất sắc về chiến tranh. Mình tìm đọc đến nó vì khi đọc cuốn "Tuổi thơ dữ dội" đã khiến mình thôi thúc tìm đến các tác phẩm về chiến tranh Việt Nam. Tôi sống trong cảnh hòa bình, chỉ có thể tìm hiểu chiến tranh, sự mất mát, khổ cực của cha ông ngày xưa qua các tác phẩm văn học. Càng đọc, tôi càng kính phục và biết ơn về lòng dũng cảm, sự mưu trí, sự hi sinh bản thân của những người đi trước. Tác phẩm này đã lột tả trần trụi nhiều sự thật đau thương do chiến tranh mang đến, làm chúng ta phải sững sờ, chết lặng tự hỏi, đó là thực ư, nó khốc liệt thế ư. Cuốn sách là hành trình tìm lại quá khứ, tìm lại cuộc sống của nhân vật Kiên- sống trong những ngày đầu sau khi giải phóng. 1 tác phẩm đáng, cực kỳ đáng khi bạn bỏ tiền ra mua và đọc.

Hay

Nhận xét bởi Wind, vào ngày 22/11/2018

Tôi chưa từng trải qua chiến tranh nhưng tôi biết chiến tranh là kẻ thù lớn nhất của cuộc sống hạnh phúc. Hậu quả mà chiến tranh để lại luôn ác liệt và đau đớn đến ám ảnh Nỗi Buồn Chiến Tranh kể về nhân vật Kiên - một chiến sĩ, một nhà văn, một người bốc hài cốt chiến sĩ và một kẻ si tình Xuyên suốt cuốn sách là sự đan xen giữa hồi ức và hiện tại, khắc họa chân thực hơn những ngày chiến tranh. Chiến tranh lấy đi của ta rất nhiều thứ, tình yêu, máu và nước măt nữa. Tác phẩm này gợi nhớ cho tôi về một người thân của tôi, ông là một thương binh và sau khi chiến tranh kết thúc nỗi đau đớn do mảnh đạn để lại vẫn nhức nhối cho tới tận bây giờ. Tác phẩm rất hay, rất ý nghãi và mang tới những cảm xúc đặc biệt
Nhận xét bởi Huy, vào ngày 20/11/2018

Chiến tranh luôn là một đề tài khiến con người day dứt, khôn nguôi và mình phải công nhận một điều rằng Bảo Ninh đã thể hiện một cách xuất sắc chiên tranh Việt Nam qua tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh".
Đã đọc qua rất nhiều tác phẩm chiến tranh như "Tuổi thơ dữ dội" hay "Dấu chân người lính" nhưng thật sự mà nói cuốn sách của Bảo Ninh để lại một ấn tượng khá đặc biêt cho mình. "Nỗi buồn chiến tranh" thể hiện một cách chân thực về chiến tranh Việt Nam, vô cùng tàn khốc, vô cùng đau thương. Những sự thật về chiến tranh được ngòi bút Bảo Ninh phơi bày khiến mình phải sững sờ, trần trụi, khủng khiếp.
Tác phẩm cho con người chúng ta những hồi ức đâu thương về chiến tranh để nhắc nhở chúng ta rằng để có được cuộc sống như ngày hôm nay đất nước đã trãi qua những ngyà tháng chìm trong mây mù bom đạn.
Một cuốn sách cực kỳ cực kỳ xuất sắc.

Nhận xét bởi Gin, vào ngày 13/11/2018

Nỗi buồn chiến tranh là câu chuyện của nhân vật Kiên - một người lính trở về sau trận chiến sinh tử, thế nhưng trải dài câu chuyện là những khoảng trống không thể lấp đầy, hàn gắn từ cuộc sống cho đến tình yêu. Tôi chưa từng ở trong giai đoạn chiến tranh cho nên đọc cuốn sách này cảm thấy như kiến thức về lịch sử, trận chiến của mình được tăng lên rất nhiều. Chiến tranh đã đi qua để lại biết bao hậu quả cho biết bao con người, nó không chỉ là sự nghèo đói, khốn khổ về vật chất, nó còn là sự hoang mang, trống rỗng về tinh thần. Sau cùng, chúng ta còn lại gì từ những mất mát? Nhân vật Kiên cuối cùng vật lộn giữa quá khứ và hiện tại để lại nỗi buồn dai dẳng nhức nhối hàng ngày. Giọng văn da diết, đầy xúc cảm cứ lắng đọng mãi trong tôi.
Nhận xét bởi Minh, vào ngày 13/11/2018

Tôi luôn rất thích đọc các tác phẩm về đề tài chiến tranh, và cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh luôn nằm trong top những quyển sách yêu thích nhất của tôi. Cuốn sách là hành trình tìm lại quá khứ, tìm lại cuộc sống đã trôi qua của nhân vật Kiên khi anh đang ở trong thời kỳ đầu sau ngày giải phóng. Trí nhớ của nhân vật Kiên về từng trận chiến, từng con người, từng kỷ niệm đẹp ngày xưa luôn in đạm trong tâm trí anh. Nhưng rồi, những hồi ức đó vỡ vụn khi anh trở lại hiện tại, nơi anh đang sống cùng với nỗi buồn trong thời bình. Giống như Kiên, những người lính bước ra khỏi cuộc chiến, họ sẽ không bao giờ quên đi những đau thương dân tộc ta đã trải qua. Một cuốn sách rất hay và ý nghĩa.
Nhận xét bởi Nghĩa, vào ngày 29/10/2018

Nỗi Buồn Chiến Tranh là câu chuyện của Kiên - một chiến sĩ, một nhà văn, một người bốc hài cốt chiến sĩ và một kẻ si tình. Xuyên suốt tác phẩm là những hồi tưởng đứt đoạn không liền mạch xen kẻ cùng hiện tại, có lúc một diễn biến xuất hiện chỗ này nhưng nó lại dừng lại, để rồi trải qua vài diễn biến khác nó mới lại tiếp diễn. Thế đấy, nghe thì hơi loạn. Cơ mà dẫu vậy người đọc vẫn nắm được là Kiên đang nghĩ gì, Kiên cảm thấy thế nào và đặc biệt là sức nặng trong câu chữ của nhà văn Bảo Ninh, bọn chúng thật sự khiến mình suy nghĩ rất nhiều.
Với lối miêu tả đầy chân thực và sinh động, kết hợp với kết cấu truyện chặt chẽ, Nỗi Buồn Chiến Tranh là một tổng thể văn chương hoàn hảo và hết sức tiêu biểu cho văn học Việt Nam.

Nhận xét bởi Hạ, vào ngày 28/10/2018

Kiên là một người sống sót sau chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách được viết bởi một tác giả người miền Bắc, và hoàn toàn phản ánh được những trải nghiệm của ông về cuộc chiến tranh lâu dài ở Việt Nam
Những điểm tương đồng về sự ảnh hưởng của chiến tranh ở mọi nơi rất rõ ràng, nhưng cuốn này thật sự rất đặc biệt. Câu chuyện được kể qua các dòng thời gian khác nhau. Kiên hồi tưởng lại tuổi trẻ của anh ấy, những năm tháng còn trong quân đội, 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, các sự kiện sau chiến tranh, thời kỳ cuối...
Mối quan hệ chính của cuốn sách là chuyện tình giữa Kiên và Phương.
Như nhan đề của truyện, nỗi buồn là một khía cạnh chính của cả cuốn sách. Và chiến tranh chính là nguồn cội dồi dào và phong phú dành cho nỗi buồn...
Những hình ảnh trong truyện của Bảo Ninh rất phong phú, các nhân vật hấp dẫn và thú vị, chuyện tình giữa Kiên và Phương bị rất nhiều yếu tố xen vào ngăn cách.
Dù cuốn sách chưa đứng cùng cấp độ với những "gã khổng lồ" của văn chương, nhưng cuốn sách thật sự rất tuyệt vời.
Đối với tôi, cái chết chưa bao giờ thực tế và gần giống với những gì được mô tả trong tiểu thuyết. Sau khi đọc, tôi tự hỏi liệu đó có phải là cuộc chiến mà chúng tôi đã học được ở trường hay không. Chưa bao giờ có ai dám nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Mọi thứ luôn luôn rất vinh quang và chiến thắng. Không phải loại đau khổ nặng nề này và bi quan
Thật buồn và vẫn rất lãng mạn theo cách buồn ..

Nhận xét bởi Nguyễn Thành công, vào ngày 26/10/2018 Đã mua hàng

Đã qua rồi những ngày chiến tranh ác liệt những năm tháng hào hùng của dân tộc ta, song qua  chiến tranh nhìn lại những con người đang sống chúng ta sẽ có nhiều suy ngẫm hơn. Chiến tranh đi  qua để  lại những câu chuyện mà theo tôi nghĩ phần lớn trong số đó là những câu chuyện buồn của những con người vào sinh ra tử cùng nhau. Họ về với thời bình nhưng vẫn đang mang trong mình những nỗi đau thầm kín. Chiến tranh viết lên trang hùng ca cho dân tộc , nhưng nó cũng cướp đi của chúng ta 3/4 đồng bào  anh em .Họ đã ngã xuống đơn giản vì lòng tự hào vì niềm yêu thương và vì một thế hệ con em .Chiến tranh sẽ chỉ dừng lại khi cả hai phe đều mất mát , và chiến tranh là nơi mà con người  ta sẽ vì nó để đổi lấy cái trước đây đã có . Phải chăng mọi cuộc chiến tranh đều phi nghĩa ,hay bởi có một kẻ chơi không đúng luật và liệu  rằng kẻ chơi không đúng luật luôn luôn sai . Chúng ta không thể biết được vì đơn giản thời gian không có phép "Thử " mà nó sẽ luôn là dấu suy sa. Số phận con người cũng vậy, đó là cách tự nhiên vận hành "Sinh lão bệnh tử " .Trong chiến tranh có một thứ mà ta ít thấy đó là "Tình Yêu ", có vẻ như cái khắc nhiệt bi thương của chiến tranh đã làm cho tình yêu không có đất dung thân , họa chăng đó  chỉ là tình dục. Thứ cao  đẹp trên đời mấy khi được sinh ra từ nơi nhơ bẩn, ấy vậy mà sau khi đọc xong cuốn sách "Nỗi Buồn Chiến Tranh" ,tôi mới nhận ra rằng ẩn sâu trong lớp văn chương cách mạng còn có những ánh văn mộng  mơ pha chút bi là cách  mà tác giả đưa chúng ta đi từ quá khứ về quá khứ một cách lôi cuốn . Tình yêu người con gái tên Phương sao mà mãnh liệt như vậy , nó như bản tình ca không bờ bến không có hồi kết . Nó làm cho người ta có cảm giác như cách mà nó đến cũng như lúc nó đi , biến mất vào dĩ vãng để cho nhân vật tôi trong tác phẩm có cảm giác đau mà lại không đau , buồn mà lại không buồn .
Nhận xét bởi Rin, vào ngày 23/10/2018

Câu chuyện của nhân vật Kiên trở về sau cuộc chiến, nhưng trong đầu mãi không thôi ám ảnh về bom đạn và đồng đội hy sinh trong cuộc chiến khốc liệt đó. Không còn là những bản anh hùng ca như những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh như trước đây. Ta thấy trong cuộc chiến này, có người đã bỏ trốn, có người chỉ mong anh cho một phát đạn vào đầu để khỏi phải giằng xéo giữa những cơn đau đang chịu đựng,...Có lẽ vì khai thác đề tài quen thuộc dưới một góc nhìn khá mới lạ nên suốt một thời gian dài, "Nỗi buồn chiến tranh" đã chiụ cảnh ba chìm bảy nổi trên văn đàn Việt Nam.
Mình vô cùng ấn tượng về mối tình giữa Kiên và Phương. Mối tình này không phải chỉ để tăng thêm chút lãng mạn như việc tác phẩm có một thời từng bị đổi tên thành "Thân phận của tình yêu" mà mình nghĩ nó là phần cốt lõi của tác phẩm thật. "Từ nay thiếu vắng Phương. Hiện thực hàng ngày sẽ thừa ra. Anh sẽ mất hết mọi rung cảm với nhịp sống đời thường hiện nay. Chỉ còn có hồi tưởng là cơ sở cua nhận thức. Và nỗi đau buồn, và niềm nhớ thương sẽ biến thành ngọn nguồn của mơ mộng, đưa anh đạt tới những trải nghiệm tối tăm sâu thẳm nhất của trí tưởng tượng". Sự bất hạnh của Kiên là vẫn sống sót sau khi hòa bình, cảm giác bơ vơ, lạc lõng của người lính trở về với cuộc sống bình thường.

Nhận xét bởi thảo, vào ngày 20/10/2018

Những kỉ niệm chiến tranh có thể êm đềm, ác hại đều để lại những vết thương mà tới bây giờ khi 1 năm đã qua, 10 năm hay 20 năm nữa vẫn còn đau , đau mãi. Người lính đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là kí ức lại trào ra mạnh mẽ, cuốn phăng thực tại sang 1 bên. Biết bao nỗi đau, kỉ niệm bi thảm đều dễ dàng bị lay thức bởi những mối liên tưởng nảy sinh 1 cách khôn lường từ những chi tiết tầm thường, rời rạc nhất trong cuộc sống. Kiên - 1 con người dày dặn, từng trải với tâm hồn đã chai sãn bởi chiến tranh đã đặt bút viết cuốn sách đầu tiên của đời mình. Từng đêm, anh viết liên tục cho đến khi kiệt sức. Anh viết về cuộc đời chiến đấu của trung đội trinh sát với những khúc buồn vui,tình đồng đội, nhúng thống khổ thời trận mạc hòa cùng bao lạc thú của tuổi trẻ. '' Theo dòng tiềm thức, còn đường của tiểu thuyết lại nhập vào chặng đưởng hành hương của đội thu nhặt hài cốt tử sĩ , nối những nấm mồ bộ đội tản mát vương rắc trên khắp miền bắc Tây Nguyên . Thời chiến tranh , sự hi sinh dường như trở thành lẽ tự nhiên . Mình chết thì đồng đội mình được sống . Trở về cuộc sống hòa bình sau khoảng thời gian tham chiến ác liệt , Kiên sống như là không sống. Lúc nào anh cũng nghĩ về những kỉ niệm, không thể thoát khỏi quá khứ mà nhìn về tương lai. Trong tâm tưởng, anh luôn nhớ đến bóng hình của Phương - người con gái đã đánh cắp đồng thời làm tan nát trái tim của anh.
Nhận xét bởi PQ, vào ngày 20/10/2018

Nỗi buồn chiến tranh tập trung vào những cảm xúc và suy nghĩ của người lính sau khi phục vụ chiến tranh chứ không hề nhận xét hay đánh giá về bất cứ bên nào hay bất cứ điều gì trong lịch sử nên tác phẩm không hề khô khan tí nào. Nghe tên chắc nhiều bạn sẽ ngại mua vì sợ nó thiên về lịch sử nhưng mình khuyên các bạn nên đọc cuốn này. Dù là ở bên thắng hay bên thua thì trong tâm hồn người lính cũng đã để lại một mảng tối không thể nào xóa đi được. Tác giả đã thể hiện điều này không chỉ qua con chữ mà còn qua cách sắp xếp bố cục khá mới lạ. Nó không theo một trình tự nào nhất định, lộn xộn và rối bời như tinh thần người lính. Cũng chính vì vậy mà mình nghĩ tác phẩm này khá kén người đọc. Tuy nhiên mình vẫn khuyên mọi người nên dành một cơ hội cho cuốn sách này.
Nhận xét bởi Hoa Xương Rồng Nhỏ, vào ngày 19/10/2018

Chiến tranh đem đến bao đau thương, mất mát, chồng xa vợ, cha mẹ xa con... Qua "Nỗi buồn chiến tranh", tác giả Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc thấu hết những đắng cay mà chiến tranh đem lại, nó cũng khái quát được cuộc sống của những người lính. "Nỗi buồn chiến tranh" là những dòng hồi ức của Kiên, anh trở về sau chiến tranh nhưng không làm cách nào hoà nhập được với cuộc sống hiện tại. Điều đó càng khẳng định rằng, chiến tranh tuy đã đi qua nhưng những mất mát những đắng cay vẫn còn đó, không bao giờ xoa dịu được. Trong những dòng hồi ức đó là sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ kèm theo nỗi buồn mất mát của mỗi một đồng đội còn sống sót. Giọng văn lúc nhẹ nhàng trầm lắng da diết lúc lại dồn dập dữ dội.
Nhận xét bởi Hồng Khánh, vào ngày 17/10/2018

Tác phẩm là dòng hổi ký đan xen giữa hiện tại và quá khứ của nhân vật Kiên - một người lính trẻ thuộc Trung đoàn trinh sát. Anh đã đi qua cuộc chiến, sống sót trở về nhưng không hòa nhập được với cuộc sống hiện tại, có lẽ bởi, tâm hồn anh đã từng chút, từng chút một rơi rớt tại chiến trường. Trong Nỗi buồn chiến tranh, chẳng còn phân biệt bên ta, bên địch, chỉ có nỗi buồn đau dằng dặc cào xé tâm hồn..... Giọng văn lúc nhẹ nhàng da diết, khi mạnh mẽ, dữ dội vừa đủ để từng con chữ thấm vào hồn người đọc, cùng cảm được nỗi buồn đau của nhân vật.Với tôi, tôi thấy mình may mắn đã được đọc cuốn sách để có một cái nhìn nhân bản hơn về chiến tranh - khác với những gì tôi luôn nghĩ về đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam.
Nhận xét bởi Linh, vào ngày 16/10/2018

Bảo Ninh đã trộn lẫn, đan xen quá khứ với thực tại, không chút tách rời, phân biệt, mà như gắn liền với nhau, giống như cuộc đời của chính nhân vật chính - Kiên - vậy. Kết thúc chiến tranh, trở về chính cuộc sống hiện thực của mình, nhưng Kiên dường như không hòa nhập được, nhập nhằng giữa ranh giới thời gian. Kết thúc chiến tranh liệu có phải là giải thoát? Quá khứ và hiện tại hòa quyện với nhau, tạo nên một chàng Kiên hâm hâm dở dở, sống điên dại và cuồng loạn giữa đất trời này, sống giữa dày vặt, khổ sở, sống ở thực tại nhưng hồn vẫn chìm trong dòng thác âm ty với những đồng đội nơi viễn xứ.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những mất mát về cả thể xác và tâm hồn nó mang lại dường như không thể nào xóa nhòa đi được, bởi vậy nên có những lúc Kiên muốn buông xuôi tất cả để về với vòng tay yêu thương của mẹ trời mẹ đất ư? Và chiến tranh kết thúc rồi thì sao, sống sót có thật là hạnh phúc hay không cơ chứ?

Lạc loài, cô đơn sầu cảm ngay khi đang hòa bình, đang ở giữa lòng đám đông thời đại mới, đó là những nét hay, nét đẹp mà tôi yêu ở "Nỗi buồn chiến tranh".

Nhận xét bởi Minh Huyền, vào ngày 12/10/2018

"Không có chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, chỉ có chiến tranh vô nghĩa" dường như là thông điệp mà Bảo Ninh muốn truyền đạt đến mọi người.
Kết thúc chiến tranh. người lính như gắn liền với nỗi buồn: quá khứ buồn, hiện tại buồn, và tương lai cũng thảm đạm chẳng kém. Chìm trong men say, có lẽ nhân vật nhà văn, người chiến sĩ sợ khi tỉnh sẽ nhớ về quá khứ đầy chết chóc, nhưng thân thể càng say, đầu óc càng tỉnh, và trái tim càng nặng trĩu một khối tình.
Rời đi hay ở lại, sống hay chết đã chẳng quan trọng, mà dù cho có hoàn cảnh gì, cuộc sống ra sao, những người lính là những người chịu những tổn thương sâu sắc và trực tiếp nhất, khiến chúng ta phải đau lòng vì họ.

Nhận xét bởi Diệu Anh, vào ngày 02/07/2018 Đã mua hàng

Cuốn sách đã nói lên những góc khuất của chiến tranh mà sách giáo khoa chưa bao giờ đề cập tới. Đằng sau những chiên thắng huy hoàng luôn có những nỗi khổ của các chiến sĩ.


Nhận xét bởi Phương Thủy, vào ngày 07/05/2018
Một cuốn sách rất hay, cho ta cái nhìn mới về người lính trong chiến tranh. Không còn oai hùng, không còn yêu đời, vô tư, "đi dân nhớ, ở dân thương" mà là một hình ảnh hoàn toàn mới về người lính. Một sự thật "trần trụi", khiến người đọc sốc và ám ảnh. Họ không còn là anh hùng nữa, họ cũng giống như bao người, nhớ nhà, dục vọng, sa đà vào thuốc, họ trốn lính và nhất là lãnh cảm trước cái chết,...
Có thể trong thời chiến, họ là những người hùng, những người xông pha trận mạc, nhưng khi về với thời bình, về với xã hội, họ không thể hòa đồng, họ lạc hậu, họ nhố nhăng và họ không hiểu được xã hội. Họ bơ vơ, lạc lõng, sống trong ký ức năm xưa, họ trở thành người thừa thãi trong chính cái nơi mà từng ca tụng họ.
Chắc chắn sau khi đọc xong câu truyện này, bạn sẽ phải ám ảnh nó một thời gian bởi cái khắc nghiệt mà nó đang nói đến. Thật sự, đây là một cuốn sách tuyệt vời. Cảm ơn Bảo Ninh về điều tuyệt vời này mà ông đã kể.


Biết bao nhiêu những cuốn sách đã viết về những người lính sau khi kết thúc chiến tranh cuộc đời họ sẽ bước sang một trang mới có nhiều thay đổi hơn. Thế nhưng cuốn sách này lại vô cùng đặc biệt, nó không viết lên được cuộc đời của người lính ấy thay đổi như thế nào khi trở về từ chiến tranh mà nó viết rằng cái quá khứ oai hùng máu lửa ấy, quá khứ mà chỉ biết mỗi nã súng, quá khứ đậm mùi máu tanh, quá khứ la liệt xác của anh em đồng đội cứ mãi mãi ăn sâu, đeo bám, bủa vây không bao giờ buông tha Kiên - người lính may mắn sống sót trở về, người lính mà thần chết chừa ra không gọi tên.
Cuốc sống của anh đau đớn, u uất, khắc khoải và toàn là hoài niệm, anh không thể quên đi được nhưng năm tháng ấy, anh không thể nào rũ bỏ được hết để làm lại cuộc đời. Nhắm mắt lại những hồi ức vẻ vang vinh quang thì không thấy chỉ thấy toàn là máu thịt đồng đội nằm lại nơi rừng sâu hoang vu.
Người lính trở về bỡ ngỡ với cuộc sống, người lính trở về không biết bon chen với đời, người lính ấy chỉ biết cầm súng và bắn, nã hết băng này qua băng khác, người lính ấy làm được gì để tự nuôi sống bản thân?
Chiến tranh, chiến tranh...! Chiến tranh làm tâm hồn anh mệt mỏi, đói khổ, bệnh tật, thiếu thốn đủ thứ kể cả là một nụ cười hạnh phúc trên môi. Chiến tranh và chết tróc, nào đâu ai muốn, nào đâu ai muốn mỗi ngày phải sống trong máu và máu. "... anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh..."
Nỗi buồn chiến tranh ấy ngăn không cho anh cảm thấy một chút nhẹ lòng trong đời sống hiện tại. Ngày tháng của cuộc đời anh cứ lùi lại mãi mãi. Có lẽ ấy là một cảnh ngộ trái khoáy, một sự bi quan bế tắc... một đời sống tinh thần vô vọng. Nhưng mặc dù thế tôi tin rằng anh vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Không bị sự quên lãng xói mòn... Anh sẽ được trở lại với tình yêu, tình bạn, tình đồng chí những tình cảm đã giúp vượt qua muôn vàn đau khổ của chiến tranh...