Wednesday, November 28, 2018

" Người Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Từng Phục Vụ Tại Việt Nam Sẽ Không An Táng Trong Cô Đơn / Vietnam Vet Will Not Be Buried Alone "

Một câu chuyện cảm động...

Cộng đồng tại địa phương đã hưởng ứng lời kêu gọi, đông đảo tham dự Lễ An Táng với đầy đủ lễ nghi quân cách, dành cho Cựu Chiến Binh Stanley C. Stoltz, từng phục vụ tại Việt Nam,
qua đời ngày 18/11/2018 hưởng thọ 73 tuổi, ông không có người thân nào còn sống....  
Xin mời Quý Vị theo dõi bản tin Việt ngữ của Báo Mai và bản tin và video clip Anh ngữ của truyền thông địa phương..
Trân trọng..
BMH
Washington, D.C  
Stanley Stoltz 
Community turns out for burial of a hero they never knew

 Vietnam vet will not be buried alone



Sent: Tuesday, November 27, 2018, 9:46:14 PM PST
Subject: BM: Đám tang cựu chiến binh Việt Nam không người thân
Những người mang chiếc quan tài treo cờ của cựu chiến binh Việt Nam Stanley Stoltz tại Nghĩa trang Quốc gia Omaha hôm thứ Ba.
 Một cựu chiến binh Việt Nam đã qua đời tuần trước mà không cón người thân nào sống được an nghỉ hôm thứ ba tại một nghĩa trang Nebraska - với 2.000 người đến tham dự - sau khi thông báo tang lễ được lan truyền.
Stanley Stoltz, tại Bennington, Neb., Qua đời ngày 18 tháng 11 hưởng thọ 73 tuổi. Tờ báo Omaha World-Herald chạy một thông báo ngày 23 mời gọi công chúng đến đám tang của ông.
"Công chúng được mời đến nghĩa trang để tôn vinh cựu chiến binh Việt Nam không có gia đình".
"Lễ an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Omaha vào Thứ Ba, ngày 27 tháng 11 lúc 2 giờ chiều." Thông báo nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội và được các mạng tin tức chọn lọc.
Stanley Stoltz
Hôm thứ ba, các quan chức nghĩa trang ước tính rằng từ 1.500 đến 2.000 người đã đến nơi chôn cất của Stoltz. WOWT-TV đã báo cáo rằng dịch vụ mai táng đã bắt đầu muộn và không bỏ lỡ bất cứ điều gì.
"Không thể để bác sĩ thú y quân đội chết một mình không người thân", người tham dự Dick Harrington nói tại nghĩa trang.
Thông báo tang lễ của Omaha World-Herald cho Stanley Stoltz.
"Đây là loại nghi lễ mà các cựu chiến binh Việt Nam của chúng xứng đáng được nhận," Amy Douglas, một người bình luận khác nói. "Và thực tế là anh ấy nhận được nghi lễ an nghỉ này là phù hợp. Nó rất phù hợp."
Stoltz sinh ngày 29 tháng 5 năm 1945, và lớn lên ở Curlew, Iowa. Cựu thị trưởng Bennington Bill Bohn, người bạn và hàng xóm của Stoltz, nói với Associated Press rằng Stoltz đã định cư ở thị trấn khoảng 1.500 dân sau khi ông phục vụ tại Việt Nam.
Bạn bè nói rằng người vợ đầu tiên của Stoltz chết vì ung thư, và anh ta và người vợ thứ hai của anh đã ly hôn. Anh ta không có con và tất cả cha mẹ và anh chị em đều đã chết.

Wednesday, November 21, 2018

Vấn đề di dân lậu tác động ra sao đến túi tiền người dân Mỹ? ERIC TRẦN

Di dân lậu là vấn đề khá nóng sốt trong dư luận vài năm gần đây, nhất là kể từ cuộc vận động tranh cử tổng thống năm ngoái. Khi đó, nguyên ứng cử viên tổng thống, Donald Trump, đã đặt nặng vấn đề ngăn chặn di dân lậu. Tuy là vấn đề nóng, nhưng nhiều người cho rằng nó chỉ đụng chạm tới phe phái chính trị, chứ không ảnh hưởng gì tới “đám dân đen như chúng tôi.” Sự thực có phải như thế không?
Nếu số di dân lậu này, hiện ước lượng 12 triệu người trên toàn quốc, có đóng góp vào sự thịnh vượng chung, thì có ảnh hưởng tới bạn không? Ngược lại, nếu họ là những yếu tố bào mòn nền kinh tế, gây tốn kém công quĩ trên nhiều phương diện, thì có tác hại đến “đám dân đen như chúng tôi” không? Câu trả lời thiết nghĩ sẽ trở thành hiển nhiên với một vài số liệu khách quan.
Tổng số chi phí do các dịch vụ cung cấp cho di dân lậu, trừ đi số thuế thâu được từ thành phần này, rốt cuộc dân Mỹ cũng tốn mất $116 tỷ mỗi năm.
Chi phí cho di dân lậu: $135 tỷ một năm.
Theo báo cáo của Liên Đoàn Cải Tổ Di Trú Mỹ (FAIR = Federation for American Immigration Reform), công bố cách đây ba tháng, thì tổng số tổn phí mà 12.5 triệu di dân lậu đã “ăn” vào công quĩ là $135 tỷ một năm. Thực ra, dùng chữ “công quĩ” có thể gây hiểu lầm. Nó chỉ có nghĩa đơn giản là “Tiền của người dân đóng thuế” (Taxpayers). Đúng vậy, chính phủ không làm ra được đồng nào để có thể gọi là công quĩ, tất cả đều là do tiền của bạn, của tôi đi làm… góp vào qua việc đóng thuế hàng tháng, hoặc hàng năm.
Có nghĩa là, những chi phí đó đều rút từ túi tiền của từng người dân Mỹ ra cả!
Cứ tưởng tượng đang kiên nhẫn chờ đợi trong hàng như thế này mà có kẻ chen ngang...
Cũng theo FAIR, tốn kém cho di dân lậu được chia ra trong nhiều lãnh vực của đời sống, mà chủ yếu là những lãnh vực sau đây:
- $46 tỷ tốn kém cho giáo dục, do phải cung cấp giáo dục miễn phí cho người di dân lậu hoặc con cái họ. 
- $23 tỷ tốn kém cho ngành cảnh sát, do phải giải quyết những rắc rối do những di dân lậu phạm pháp gây ra.
- $9 tỷ tiền welfare dành cho di dân lậu. Quả thực là khó hiểu khi thấy di dân lậu cũng xin được food stamps, và các phúc lợi welfare khác.
- $29 tỷ chi phí săn sóc sức khỏe và chữa bệnh cho di dân lậu… Theo báo cáo của FAIR, có tới 99% số người di dân lậu đã phải vào phòng cấp cứu bệnh viện vào một lúc nào đó. Ở một số nơi, di dân lậu còn được các phúc lợi của chương trình Medicaid (hoặc MediCal ở California), chương trình y tế miễn phí của chính phủ tiểu bang.
Đa phần những chi phí ấy đều đập lên ngân sách chính phủ tiểu bang và thành phố (rút cục cũng là taxpayers cả). Điều đó có nghĩa là người dân Mỹ phải nai lưng ra gánh những chi phí này khi họ đóng thuế trường học, đóng thuế cầu đường, đóng thuế mua hàng, đóng thuế dịch vụ...
Điều đó cũng có nghĩa là khi nhà chức trách tiểu bang hỗ trợ tài chánh và đời sống cho di dân lậu, cùng lúc che chở họ khỏi bị giới chức di trú liên bang ruồng bắt để trục xuất, thì những cư dân chấp hành luật pháp tại đây phải nai lưng ra gánh lấy những hậu quả về mặt tài chánh. Không kể California là tiểu bang áp sát biên giới phía nam, các tiểu bang khác như New York, New Jersey, Maryland, Illinois, và Virginia đều cách xa biên giới, nhưng vẫn là những điểm hẹn được di dân lậu ưa thích vì ở đây dễ xin welfare, ngay cả cho những người vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ, và nhất là vì giới lãnh đạo các tiểu bang này đều chủ trương biến tiểu bang của họ thành “nơi ẩn trú cho di dân lậu” (sanctuary states).. California, Ilinois và Maryland thậm chí còn đi xa hơn nữa, những tiểu bang này còn cho phép di dân lậu được thi lấy bằng lái xe, và thậm chí bỏ phiếu trong một số cuộc bầu cử đia phương.
Giới chức kiểm tra biên giới, nhưng nhiều địa phương lại công khai thừa nhận che chở di dân lậu (sanctuary state).
Nếu chia theo từng tiểu bang, thì báo cáo FAIR cho thấy 10 tiểu bang sau đây chi phí nhiều nhất cho di dân lậu:
1. California: Chi phí $23.03 tỷ/năm, chiếm 18% ngân sách tiểu bang.
2. Texas: Chi phí $10.99 tỷ/năm, chiếm 10% ngân sách
3. New York: Chi phí $7..49 tỷ/năm, chiếm 4.69% ngân sách
4. Florida: Chi phí $6.29 tỷ/năm, chiếm 7.6% ngân sách.
5. New Jersey: Chi phí $4.47 tỷ/năm, chiếm 12.9% ngân sách
6. Illinois: Chi phí $3.22 tỷ/năm, chiếm 5.75% ngân sách
7. Georgia: Chi phí $2.49 tỷ/năm, chiếm 5.5% ngân sách
8. North Carolina: Chi phí $2.44 tỷ/năm, chiếm 10.6% ngân sách
9. Arizona: Chi phí $2.31 tỷ/năm, chiếm 23.6% ngân sách
10. Virginia: Chi phí $2.25 tỷ /năm, chiếm 2..1% ngân sách
Tốn kém mà nước Mỹ phải bỏ ra về tệ nạn di dân lậu lại càng được khuyếch đại do sự kiện người di dân lậu nào cũng lo gói ghém gửi về cho quốc gia gốc của họ. Theo FAIR thì số tiền họ gửi về tương đương 20% tổng số lợi tức của cả gia đình di dân lậu, tương đương $7,200/một gia đình/một năm. Số tiền này không được dùng để chi tiêu trong nước Mỹ, nên các nhà nước tiểu bang và thành phố cũng không thâu được tiền thuế trên các khoản này.
Di dân lậu có đóng thuế không?
Không và có! Họ không khai thuế lợi tức, nhưng vẫn có tham gia đóng thuế phần nào xuyên qua việc họ mua sắm hàng hóa, xăng nhớt... trên các thị trường Hoa Kỳ. Nhìn vào điểm này mà những người chủ trương để ngỏ biên giới cho di dân lậu tràn vào tin rằng sự có mặt của tầng lớp này đem lại những lợi lộc tích cực cho nền kinh tế Mỹ.
Biên giới vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Và người ta sợ rằng, số di dân lậu tạm lắng xuống trong năm 2017, có thể lại tăng gấp đôi trong năm 2018 vì tình trạng suy thoái kinh tế được tiên đoán sẽ xảy ra trong các quốc gia Nam Mỹ.
Thực tế ra sao? FAIR ước lượng số thuế thâu thập được từ thành phân di dân lậu là khoảng $19 tỷ một năm. Con số này có vẻ lạc quan, vì cao hơn số ước lượng đưa ra trong các bản nghiên cứu khác. Tuy nhiên, con số lạc quan thổi phồng ấy vẫn không đáng gì so với số chi phí $135 tỷ mỗi năm mà nước Mỹ bỏ ra. Cứ trừ đi số thuế thâu được, rốt cuộc, hầu bao của dân Mỹ cũng hụt đi $116 tỷ!
Những khám phá trên đây là số liệu khách quan, không biết nói dối, không bị chi phối do tình cảm yêu ghét đối với người ở lậu. Cái lập luận cho rằng cần phải khuyến khích di dân lậu vì họ đóng thuế rốt cuộc chỉ là một thứ lý luận ích kỷ, nhưng lại không có cơ sở. Thực tế cho thấy rằng, ngoài việc “ngồi xổm” trên luật di dân của quốc gia, người di dân lậu chỉ đóng ra 1 phần rất nhỏ so với tốn kém về các dịch vụ mà họ sử dụng tại đây. Người dân Hoa Kỳ, mà cụ thể là giới tiêu thụ hợp pháp tại Hoa Kỳ, bắt buộc phải tài trợ gánh nặng tài chánh gây ra do hành động của họ.
Đối với một quốc gia trọng pháp luật như Hoa Kỳ, di dân lậu là một chuyện không bao giờ có thể chấp nhận được vì nó đi ngược lại giá trị thiết thân của nền tảng pháp lý. Đối với những người di dân như chúng ta, vốn phải trả giá rất đắt cho sự hiện diện hợp pháp của mình trên đất Mỹ, và đối với những người thân nhân của chúng ta đang kiên nhẫn chờ đợi theo thủ tục di dân hợp pháp, sự kiện di dân lậu rõ ràng là một bất công trâng tráo. Cứ tưởng tượng bạn đang xếp hàng chờ đợi nhận vé tham dự một buổi tiệc. Số vé thì có hạn, chắc chỉ đủ cho những người đã xếp hàng từ sáng tới giờ, bỗng dưng có một số người ùa đến chen lên trước, và phỗng tay trên những cái vé hiếm hoi.. Rốt cuộc cũng tới lần bạn, nhưng đã hết vé.
Có nghĩ đến cảnh đó mới thấy sự phỗng tay trên của những kẻ xé hàng, di dân lậu… nó bất công trâng tráo đến mức nào!
Erictran216@yahoo.com

Để Trả Lời Một Câu Hỏi -Bắc 54 - Bắc 75

Có lần mình đã gặp một anh người Bắc, nói năng nho nhả cũng thuộc dạng trí thức anh đã hỏi mình một câu như vầy:
– Em người miền Nam sống ở Sài Gòn từ nhỏ, anh hỏi thật em trả lời đúng sự thật với suy nghĩ của người Sài Gòn nhé!
" Tại sao cũng là người Bắc, nhưng Bắc 54 di cư vô miền Nam, tới giải phóng là 21 năm. Anh vô miền Nam năm 75 đến giờ là 42 năm, gấp đôi dân 54. Thế nhưng tại sao người Sài Gòn lại coi Bắc 54 là một phần của họ gặp nhau tay bắt mặt mừng như ruột thịt, anh để ý riêng bản thân anh thôi nha. Có thân lắm có vui lắm, dân SàiGòn vẫn luôn mang một khoảng cách khi tiếp xúc với anh, nếu họ biết anh đến với Sài Gòn năm 75."
Trời, một câu hỏi khó cho thí sinh à nha!
– Em trả lời thật, anh đừng giận em nói:
Tách riêng 2 phần chính trị và văn hoá nghệ thuật ra đi ha!
Phần chính trị thật ra khi “giải phóng” vô em mới có gần 15 tuổi thôi về quan điểm thắng, thua em chưa đủ trình độ nhận xét,
Nhưng nếu nói về cuộc sống của thời trước và thời sau 75, khác nhau nhiều lắm: Sướng khổ rỏ rệt. Má em chỉ là công chức nhỏ của Tổng Nha Kiều Lộ, bây giờ mấy anh gọi là Cầu Đường đó, nhưng hồi nhỏ em rất sướng, đi học toàn trường dòng, em không biết ngoài Bắc anh có không, chứ thời đó mà học nội trú là mắc lắm đó, nhà em không giàu, cậu đi lính ngụy, dì và ông ngoại đều dân Kiều Lộ, nhưng sống rất thanh thản, mặc dầu lúc đó chiến tranh tràn lan khắp nơi. Thời đó người Bắc di cư vô Nam, thường sống từng vùng do chánh phủ chỉ định, rồi từ từ lan ra..
Người miền Nam học được người Hà Nội nhiều điều: Cần kiệm, lễ giáo, nếp sống thanh lịch quý phái và tri thức.
Người miền Bắc vô Nam học được của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung: Sự giản dị, chân thật, tốt bụng, phóng khoáng; không câu nệ bắt bẻ hay khó khăn.
Và cả hai miền học được của miền Trung cái chịu thương chịu khó, cái đùm bọc tình đồng hương.
Cả ba miền hoà nhập với nhau, ảnh hưởng nhau lúc nào không hay. Hồi đó, em đi học gặp mấy đứa bạn Bắc Kỳ rốn vẫn hay chọc tụi nó là “Bắc kỳ con bỏ vô lớn kêu chít chít” mà tụi nó cũng không giận, chọc lại em: “Mày Nam kỳ ga guộng bắt con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột“, rồi lại khoác tay nhau chơi bình thường. Trẻ con thì như vậy, người lớn gặp nhau ba miền chung bàn nhậu là dô đi anh hai mình, là tay bắt mặt mừng …
Em nói dài dòng để cho anh hiểu rõ hơn vì sao Bắc 54 trở thành người miền Nam.
Chưa kể đến cái tình nha anh! Tình đồng đội khi chiến đấu chung. Ngoài anh chắc gọi đồng chí, trong đây em nói quen tiếng dân Sài Gòn xưa, lúc chiến tranh mà đi lính thì cũng phải đi chung, cả ba miền gặp nhau giữa lúc thập tử nhất sinh, thân nhau là chuyện bình thường.
Đó là lính, còn người dân giữa cái tan tác đau thương chạy loạn lạc, chết chóc hầu như từ mũi Cà Mau đến sông Bến Hải…. nơi nào không có. Từ đó, người ta thương yêu nhau và không ai nghĩ miền nào là miền nào. Người ta gọi đó là tình đồng bào, tình quân dân cá nước nói theo kiểu miền Nam của em.
Đó là nói hơi thiên về chính chị chính em đó nha!
Bây giờ, bàn hơi sâu văn hoá nghệ thuật thời đó nha!
Em nói với anh ngay từ đầu rồi nhé! Lúc đó em chỉ mới 15 tuổi, làm sao đủ tư cách phê bình văn học. Em chỉ kể cho anh nghe theo cái hiểu biết nhỏ bé của em thôi.
Người miền Bắc 54 vô miền Nam đem theo được gì nhỉ?
Người thì chắc cũng không có của cải gì nhiều rồi, đi giống như đi vượt biên mà có gì, sao anh cười, em nói thiệt mà !
Nhưng có một di sản khổng lồ mà người miền Bắc 54 đã đem cho miền Nam.
Đó là văn hoá, nghệ thuật. Nếu xét kỹ, nhà văn thời đó của người Nam Bộ vẫn ít hơn người Trung và Bắc. Những tác phẩm giá trị, từ dịch thuật đến thơ văn, hầu như tác giả người Hà Nội, người Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, v.v… toàn những tác phẩm để đời.
Em xin lỗi, “giải phóng 42” năm rồi, nhưng nếu ai có hỏi em đã đọc được cuốn sách nào để lại ấn tượng mạnh trong em chưa…. Xin chào thua, giận em, em chịu, vì có đọc đâu mà nhớ!
Chả có gì cho em một ấn tượng mạnh, chắc một phần do em dốt anh ạ, nên không hiểu nổi văn học thời này thôi.
Nói đến nghệ thuật cái này thì em thích ca thích hát nên hơi rành một chút. Chắc anh không ít thì nhiều cũng phải có nghe Khánh Ly, hay Sĩ Phú, Duy Trác, Tuấn Ngọc… những người con Hà Nội hát trước 75, nói về văn học có thể anh không biết chứ hát hò anh phải biết sơ thôi.
Vâng, Hà Nội 36 phố phường để lại cho người miền Nam nhiều ca khúc để đời của Phạm Duy, chắc anh không biết bài Việt Nam… Việt Nam, bài tình ca Con Đường Cái Quan, của bác ấy. Em nói nhiều về Pham Duy vì đúng là dân Hà Nội 45 đó anh!
Oh, anh biết nhiều về Phạm Duy, như vậy chắc anh cũng biết rõ những nghệ sĩ nổi tiếng trước 75, đến bây giờ vẫn ăn khách, những người ca sĩ mà anh biết không, cái thời ngăn sông cấm chợ, muốn được nghe phải thức canh đài BBC hay đài VOA, vừa nghe vừa khóc vì quá xúc động. Đó là lý do tại sao ca sĩ hải ngoại khi về nước người ta đi đón rần trời, một cái vé có khi nữa tháng lương người ta vẫn cắn răng để nghe cho bằng được thần tượng của mình hát.
Đó là ca sĩ Hà Nội, còn trong Nam hay ngoài Huế cũng rất nhiều ca sĩ nổi tiếng, kiểu Chế Linh, Nhật Trường, Duy Khánh, v.v…
Em xin lỗi anh nhé, có thể ca sĩ ngày xưa người ta hát không cần phải là học trường lớp thanh nhạc như cái cô Thanh Lam gì ngoài Bắc của anh bây giờ đâu, nhưng vẫn đi vào lòng người nghe mãi không quên, còn cô ấy học cao quá diva diviec gì đó, nói thiệt anh đừng cười em lạc hậu với thời cuộc quá anh ạ, nhờ cái chuyện cổ chửi ca sĩ miền Nam thất học, dư luận ồn ào quá, em mới để ý, chứ thiệt tình bình thường em mà biết cô này .. em chết liền đó anh, chưa từng nghe giọng hát này bao giờ.
Thì đó, nhờ những tác phẩm giá trị của văn học nghệ thuật, những nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ đều có sự đóng góp của Huế, Sài gòn, Hà Nội.. đã đưa ba miền Nam-Trung-Bắc, gần nhau hơn, hoà quyện lại với nhau thành một.
Cám ơn anh chịu khó nghe em phân tích một cách dài dòng xoay quanh câu hỏi của anh.
Vì đây là lần đầu tiên em được nghe một câu hỏi rất thật của một người Bắc vào trong Nam … năm 1975.
Thế cho nên em cũng trả lời rất thật lý do vì sao Bắc 54 lại là dân miền Nam dầu chỉ mới sống với nhau có 21 năm.
Và dân Bắc 75, dầu sống trong Nam đến 42 năm, vẫn mãi mãi là …. người Bắc, chứ không thể nào là người Hà Nội của dân miền Nam xưa.
Với một ít kiến thức nhỏ nhoi, một ít kinh nghiệm sống từng trải qua những thăng trầm của đất nước, em xin các cô bác, anh chị đã, đang và sắp đọc những giòng tự sự này một lời xin lỗi nếu như em có viết sai một ít chi tiết nào đó, các bậc cao nhân, tiền bối làm ơn bỏ qua cho kẻ hậu bối này câu trả lời mơ hồ của em, chắc chưa đủ sức thuyết phục cho anh bạn miền Bắc của chúng ta hiểu rõ hơn… Nhưng sức người có hạn, em nói rồi – tầm hiểu biết của em hạn hẹp bao nhiêu đấy thôi.
Xin chỉ giáo thêm!
Khuyết Danh .

Gây Quỹ Xây Dựng Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại - Tạ Trung

Quý anh chị em và thân hữu thân mến,

Sau hơn 43 năm tha hương và thành đạt nơi xứ người, cộng đồng người Việt chúng ta vẫn chưa có một Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại, mặc dầu có nhiều ngôi chùa và nhà thờ to lớn đã được xây dựng tại Little Saigon thủ đô của người Việt tỵ nạn cộng sản. Trước đây, có một số vị đã bỏ khá nhiều công sức trong công việc này nhưng cũng chỉ thành lập được một hay hai bàn thờ Quốc Tổ hay Hùng Vương mà thôi, chứ chưa có Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại. Ðây là một sự thật khá đau lòng. 

Ðứng trước những trăn trở và ước mơ của một số Hòa Thượng đáng tôn kính cũng như các vị lớn tuổi, chúng tôi một vài anh em tình nguyện dấn thân làm công việc này mặc dầu biết đây là một công tác rất khó khăn mà trước đây nhiều người đã cố gắng nhưng không làm được. Có thể chúng tôi cũng sẽ thất bại vì không đủ tài năng hay có thể bị nghi ngờ, chụp mũ và đánh phá, nhưng với lòng quyết tâm chúng tôi sẽ cố gắng xây một viên gạch, tạo một nền móng cho Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại và hy vọng anh chị em thấy được tấm lòng của chúng tôi mà mỗi người góp một bàn tay. Sau khi Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại đã được xây dựng, cá nhân tôi xin hứa sẽ để lại phần điều hành cho các bậc trưởng thượng vì đây không phải là sở trường của mình, vã lại nhiệm vụ của tôi cũng đã hoàn tất không còn lý do gì để bám viếu vào công tác này nữa. Nếu anh chị em có dịp tìm hiểu về những sinh hoạt giáo dục của tôi trong vòng 30 năm qua trong việc thành lập và xây dựng Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng (1993) và Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam (1995), chắc anh chị em sẽ có sự tin tưởng hơn.

Cũng trong tinh thần này, vào tháng 6 năm nay chúng tôi đã tổ chức Ðại Nhạc Hội Về Nguồn Kỳ 2 tại Little Saigon để tiếp nối Ðại Nhạc Hội Về Nguồn Kỳ 1 vào năm 1996 do nhạc sĩ Nguyễn Hiền tổ chức. Và vào ngày 2 tháng 12 năm 2018, Ðại Nhạc Hội Về Nguồn Kỳ 3 sẽ được tổ chức để Gây Quỹ Xây Dựng Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại. Xin xem flyer đính kèm.

Xây Dựng Ðền Thờ Quốc Tổ Hải Ngoại là công việc chung của tất cả mọi con dân Việt tại hải ngoại, mong quý anh chị em đến tham dự để góp một bàn tay. Nếu quý anh chị em muốn tham dự, xin vui lòng email hay phone cho chúng tôi biết bao nhiêu người để giữ bàn.

Thành thật cám ơn,

Tạ Trung
714-642-9590

Monday, November 19, 2018

Lời Chia tay Giữa Mưa - Phạm Ngũ Yên

Tiếng người đàn bà:
“Anh còn ở đó không?”
Tiếng người đàn ông:
“Còn… Sao? “
“Đi ra ngoài đường mùa nầy nhớ giữ ấm…”
“Thời tiết đang mát mẻ mà… “
“Nhưng anh lớn tuổi rồi… Hứa với em vậy đi”
“Hứa. Cúp phone nhe?”
“Còn phải hứa một điều nữa…”
"Ừ… Nói đi.”
“Mỗi buổi sáng nhờ uống một ly nước lọc. Đó là điều rất tốt cho cơ thể…”
“Ừm.”
“Bấy lâu nay anh có thường xuyên uống nước mỗi buổi sáng đâu? Nói yêu em mà không chịu làm theo điều em dặn mà nói yêu chỗ nào?”
“Anh ráng…”
“Hôn em đi.”
“Ừa, hôn…”
“Hôn ở đâu?
“Mọi chỗ”...
“Hôn trên mắt cho em ngủ thôi”…
Anh chúc nàng ngủ ngon và sáng mai một ngày tốt lành. Giọng anh ngập ngừng.
“Đây không phải chỉ là một lời chúc thôi. Mà hàm chứa những lời tác động từ trái tim.”
Hình như người đàn ông của nàng đang giấu nàng một điều gì. Và nàng thì đang là một phụ nữ không còn trẻ trung. Đàn bà trưởng thành nhờ những tổn thương, chứ không phải vì năm tháng từng trải.
"Sao nghe giọng anh hơi lạ? Anh ân hận à?”
“Trong tình yêu, không có sự ân hận”. Anh nói.
“Có đó. Không những ân hận mà còn quá nhiều thương tổn nữa kìa.”
“Anh không biết nhiều điều đâu. Nhưng có một điều anh biết chắc chắn, đó là anh yêu em.”
“Anh có biết em thích nhất những từ nào không?”
“Từ nào?”
"Ấm áp và sự âu yếm…”
“Thì chúng ta đang có đấy thôi…”
“Xa như vậy mà có à?“
Có tiếng thở dài nơi đầu giây bên kia… Nhẹ thôi và chạm vào âm phách một cung đàn xưa. Nơi bốn bức tường và có nàng ngồi co ro nghe tiếng đời bung rạc.
“Ngay cả yêu bản thân mình, cũng trở thành việc rất khó…“ Nàng nói.
Cuộc điện đàm trái nghịch thời gian. Bên anh là ngày trong khi nơi nàng là đêm.
Nàng nói, mùa này, Việt Nam thật lạ. Buổi sáng có nắng hanh hao mà lạnh. Người ta túa ra đường mang hờ thêm áo ấm và chờ nghe giá rét thổi trên da thịt. Buổi chiều lại thêm cơn mưa bất chợt có những sợi mềm lây lất…
Không biết nàng đang làm gì lúc này. Đang ngồi trước computer nhìn lên màn hình và kéo con chuột lên xuống. Hay đang nằm trên giường ôm gối ôm quen thuộc và trùm mền kín mít?
“Anh. Hỏi anh cái này nè?”
“Gì?”
"Bao giờ thì anh ly dị với Sương Phố?”
Một câu nói vừa phải, không lên xuống cung bậc, nhưng thật sự làm anh nhói đau. Sự nhói đau dù cố không muốn nghĩ hay chạm đến. Vì hễ chạm là lại đau.
Chắc phải khó khăn nàng mới nói lên điều đó. Và phải khó khăn lắm anh mới đè nén một trái tim đang chồng chềnh, bất an…
“Cho anh một thời gian đi… Sương Phố đang có vấn đề sức khỏe…”
“Anh muốn em đứng bên ngoài tình yêu này đến bao giờ?”
“Em không đứng ngoài mà em đang tham dự…”
“Có một lúc em thấy hết còn hứng thú làm người yêu của anh…”
“Đừng như vậy. Em yêu anh, mà Sương Phố đang cần anh…”
“Anh và em đều trưởng thành. Chúng ta cần dũng cảm để đối mặt, chớ không cần sự yếu mềm chạy trốn.”
Anh nhớ ngày anh quen Hạ Hiền là một ngày tháng mười một ở NewYork cách đây 1 năm.
Lúc đó nàng đang có 3 tháng du lịch Hoa Kỳ và điểm dừng chân đầu tiên là Washington D.C. Từ những chuyến viếng thăm tòa nhà quan trọng nhất nước Mỹ là điện Capitol đường Independence Ave, đến  những di tích lịch sử như Washington Monument, Tidal Basin (tháp Bút Chì, BEP (nhà in tiền)… ngay cả việc thả bộ dưới những cây anh đào đang  mùa chết khô hai bên bờ sông Potomac, rồi những lần bắt Metro về Virginia… Maryland…
Còn anh từ Việt Nam trở về khi nghe tin Sương Phố nằm nhà thương. Chuyến bay vô tình mang hai trái tim chưa từng đập với nhau một lần, nhưng tình yêu đã nói với nhau lời quen thuộc.
Không biết nàng có còn nhớ bao nhiêu cái thành phố chật ních xe cộ và san sát những nhà cao tầng. Nhưng anh thì vẫn nhớ. Vì đó là một nơi ghi dấu kỷ niệm đẹp nhưng nhuốm màu đen tối. Nơi mà không ai bảo ai đều trượt chân ngã xuống đời nhau. Cùng gối đầu trên cánh tay nhau và gọi tên những tháng ngày rách nát.
Thành phố sụt sùi khóc những lá phong thay nhau rụng như mưa trên đường chiều mịt mùng. Chỉ cần một chiếc thôi dù mới đổi màu, cũng đủ lắp vừa một vết thương.
Cái thành phố trưởng thành cùng với lịch sử vàng son của Mỹ từ trên máy bay nhìn xuống đã làm nàng  mê hoặc.
Những giải mây trắng như bông gòn xếp chồng lên nhau nằm yên dưới hai cánh màu trắng xám. Thành phố trên cao nhìn xuống như một bàn cờ, trên đó xe cộ, nhà cửa như những quân cờ ngổn ngang chưa kịp thu dọn.
Thành phố New York luôn đông nghẹt người. Các tài xế taxi luồn lách tài tình giữa những lằn đường. Ða số khách vãng lai mới đến New York lần đầu khó lòng tìm ra chỗ đậu xe. Những mái nhà ngất ngưỡng che khuất ánh nắng mặt trời và người ta đi dưới lòng đường đầy bóng mát. Ai đó nói rằng tấc đất là tấc vàng, thành phố này đang nói lên chính xác điều đó.
New York, giống như Chicago, thành phố không có ban đêm. Ánh điện thay cho ánh sáng mặt trời. Anh không biết người ở đâu ra mà lúc nào cũng thấy nối đuôi từng hàng. Những ngọn đèn xanh đỏ liên tục lóe sáng trên những giao lộ. Những hành lang sâu tít giống như miệng những quái vật nuốt chững từng đám bộ hành. Ðứng trên cao nhìn xuống, con ngưởi không khác một đàn kiến đủ màu táo tác chạy tìm thức ăn.
Người ta đi trong gió lạnh buổi mai và hai tay thủ trong túi áo. Vài người khác cầm trong tay ly cà phê. Vài người cầm dù. Nơi những tam cấp dẫn xuống trạm xe điện ngầm, những tấm biển quảng cáo cho những quán ăn, những hộp đêm có nhạc sống bay phất phới. Vượt khỏi tấm nhìn, là khu Time Square, và khu Manhattan lộng lẫy, nơi nhộn nhịp nhất và nói lên rõ ràng nhất cái diện mạo đời sống của New York. Tại đây có đủ mọi quán xá, tiệm buôn, những rạp hát, những quán cà phê lộ thiên nhìn ra đường. Thực khách xếp hàng rồng rắn trước những tiệm bán Pizza và tiệm bán mì sợi làm theo kiểu Ý Ðại Lợi. Họ cầm món ăn trong tay và đứng ăn, trong khi chờ đợi xe buýt hay taxi. Vừa ăn, vừa uống vừa nói cười. Tại đây cũng có chỗ đậu xuống của Thiên Thần và cũng có chỗ dừng chân của Quỷ. Có những con đường dẫn đến nơi thờ phượng Chúa đồng thời có những hành lang u uất quanh co, dẫn đến khu ăn chơi, xối xả bia bọt. Có diễn thuyết buổi sáng mai và buổi chiều xuống đường biểu tình. Có những cô gái hở hang như chưa từng biết qua áo quần vải vóc. Có những người đồng tính thoạt nhìn tưởng người mẫu. Cũng có những chủ nhân Do Thái đội mũ úp màu đen. Họ vào ra ngân hàng với bộ ria xồm xàm cùng Veston trịnh trọng. Mọi thứ trộn lẫn, dằng xé, như một bối cảnh từ một phim trường hoang tưởng. Mọi thứ đan nhập vào nhau và tỏa lan một mùi vị, một màu sắc riêng biệt làm nên thành phố lớn và đông dân nhứt nước Mỹ.
New York còn có những con đường mà người lái xe chỉ sai một đường lane là không biết chạy về đâu. Có những nhịp cầu vòng vo nối liền với New Jersey bên kia. Có tượng Nữ Thần Tự Do nhìn xuống vịnh Hudson và những chuyến phà chở khách. Có tòa nhà ghi dấu quá khứ những bước chân đầu tiên của người tị nạn. Nơi đó trưng bày hình ảnh các rương gỗ đựng vật dụng, quần áo mang theo trên chuyến hải hành. Những kỷ vật mang nỗi ngậm ngùi nước mắt.
Ðường phố nơi đây dường như chật chội hơn những nơi anh từng ghé qua. Hay phố xá đan kín làm cho người ta mang cảm giác tù túng. Thị dân cũng không giống với thị dân ở một vài thành phố khác, như Houston, Dallas chẳng hạn. Rất ít khi thấy họ đứng nói chuyện bên đường, hay vồn vã. Họ đi qua không muốn nhìn thấy nhau, lầm lũi. Anh nghĩ thầm, nếu như vậy thì làm sao để hai trái tim có thể san sẻ một hơi ấm nào đó, dù chỉ cảm thông?
Vậy mà, nơi căn tiền phòng của ngôi nhà trọ có tên Courtyard Marriot, ở góc đường 43 và đường số 7 đã ghi nhận một mối quan hệ không tên gọi- không  có lời thuyết minh. Như một chỗ giao nhau của tình yêu và bội phản. Trước khi chờ một bình minh để theo đoàn du lịch về một thành phố khác, Hạ Hiền đã gọi điện cho anh. Cú phone làm tan vỡ lấm lem những cuộc đời trong sáng.
Ðoạn đường ngắn nhưng phải mất nhiều phút anh mới đến được nơi của nàng. Tán dù nhiều màu dường như muốn nghiêng ngã theo chiều gió. Những chiếc bàn tưởng nằm lấn ra đường, nhưng không phải vậy. Người chủ quán cố tình trang trí để người qua đường thấy quán mang một vẻ luộm thuộm nhưng đầy nghệ sĩ tính, mang phong cách tiệm cà phê khu Germain hay Paris chẳng hạn. Những chiếc bàn tròn tạo nên bởi những thanh sắt uốn cong dành cho hai người ngồi, nhìn ra một bến taxi. Buổi tối tràn trề không khí rét ngọt của mùa xuân. Và sự mới mẻ trong lòng làm anh cảm giác đang trưởng thành chớ không phải già nua. Đâu đây, gió thổi mơn man như lời truy điệu bài tình ca rát mặt.
Đêm tháng giêng của miền Đông Bắc Mỹ lạnh đủ để hai cơ thể không từ chối gần gũi nhau. Cả hai đều buông thả và không ai muốn kiểm soát cảm xúc. Mùi dâu pha trộn với mùi mật ong trên môi nàng cùng với mùi Rhum trên môi anh quyện vào nhau. Không có khoảnh khắc nào để nói lên đủ cái thế giới này là của ai và sự hồn nhiên của nàng cũng trở thành sự bí ẩn của  người khác. Anh nhớ khi ấy, Hạ Hiền nói, giữa hai nụ hôn.
“Đàn ông món lạ nào đối với họ cũng ngon. Và càng chỉ muốn thêm chớ không muốn dừng lại…”
Dưới chiếc rèm cửa đang ngây ngất những khám phá ngày tháng giêng, đêm ướt át như chưa từng biết qua những mùa khô tạnh.
Sáng mai, sẽ có một người đàn ông tự dằn vật khi trở về gia đình. Những màu hoa bên đường ra phi trường không còn hớn hở tươi xanh, mà tái tím như màu môi tuyệt vọng.





2.
Quán ăn nằm bên góc đường số 2 và Trinity của Austin, có tên rất ngộ là Café Blue. Quán khai trương từ mùa thu năm rồi. Cà phê là một phần nhỏ của thực đơn. Hải sản và rượu mới là chủ yếu. Món hào sống vắt chanh, ăn và uống cùng Margarita có thường xuyên mỗi tối.
Sương Phố phải đứng một hồi lâu cho quen thuộc với bóng tối. Mọi quán ăn có bia bọt đều bài trí giống như một ngôi nhà dưới âm phủ. Nàng vừa từ ngoài đường bước vào, xém vấp ở ngạch cửa, may mà nàng đi dép.
“Xin lỗi.” Nàng nói.
“Cô ngồi đâu?” Người phục vụ cúi mình.
“Không, để tôi ngồi ở quầy rượu cũng được… Tôi có hẹn một người.”
Nàng tiến đến kéo ghế ngồi xuống.  Không cần máy lạnh cũng nghe lạnh ùa về đâu đó.
Hình như khi qua 40 tuổi, người đàn bà miễn nhiểm với những lời tán tỉnh. Nàng không cần một lời khen hay một vòng tay đưa ra để dẫn nàng bước xuống một tam cấp. Mà nàng thì đã gần 50. Bao lâu nữa nàng mới bắt đầu chạm môi để nhẩn nha thưởng thức một nỗi buồn?
Hôm qua, có người đòi chia tay với nàng. Người đàn ông nào cũng vừa muốn ôm sự ấm áp về mình, vừa muốn mở cửa trái tim để đón nhận nhiều ngọn gió mới.
Từ bao giờ, nàng thân thiết những thói quen. Những điều quen thuộc đến nỗi nhàm chán. Nhưng đó là ngày hôm qua và quá khứ. Hôm nay, nàng đang chán ghét những điều đó. Những ảo tưởng và sự khờ dại sẽ được xóa hết. Những chiếc bóng cũng sẽ từ bỏ mình khi căn phòng không còn ánh sáng, huống chi một người đàn ông bên cạnh?


Người bartender đẩy tờ thực đơn về phía nàng. Ngọn đèn trên trần phòng dọi xuống vầng xanh trong vắt như màu trăng đêm. Đủ cho nàng thấy rõ những gì trên khung giấy gấp đôi. Những món hải sản hấp dẫn nằm kề những thức uống đủ loại… Lúc nàng định kêu một cái gì để uống thì thấy anh bước vào.
Chiếc áo thun trồng cổ màu hột gà và chiếc bê rê đen quen thuộc. Trông anh mệt mỏi dù thời gian mới mười một giờ sáng.
“Chào em. Tối qua anh không ngủ được.”
“Còn em thì ngủ thoải mái.” Sương Phố nói khi anh hôn phớt lên má nàng. Những cọng râu cạo bỏ sót trong lúc vội vã của anh làm nàng nhột.
“Anh gọi món ăn giùm em đi.”
Nàng đẩy tờ giấy về phía anh. Tiếng nhạc đủ làm say sóng những trái tim và những lòng tàu. Bài “How Can I Tell Her”do Lobo hát, nghe như thuộc về một thế giới khác… Chỉ có sự hoang tưởng và hấp hối hòa quyện vào nhau. Chỉ có sự nguyên vẹn bao bọc và chở che trái tim vốn yếu mềm.
“Bản nhạc này làm anh nhớ đến một lần chúng ta đi ăn tối với nhau.”
“Lần cuối cùng chúng ta đi ăn với nhau là khi nào?”
“Ngày Thanksgiving năm 2016.”
“Vậy là hơn 2 năm rồi.”
“Lúc đó em mặc chiếc áo rất đẹp.”
“Anh vẫn thường nói vậy với bất cứ mọi người phụ nữ mà?” Nàng mai mỉa…
Giữa lưng chừng mặt bàn và những muổng nĩa, bàn tay nàng trong tay anh. Những lời của anh vẫn nghe chân thành:
“Bác sĩ nói với em làm sao? Sức khỏe em vẫn OK chứ?”
“Làm sao OK được khi thịt da con người tiếp xúc với dao kéo?”
“Anh thấy em rất tự tin ở bản thân.”
“Chứ anh muốn em phải làm sao? Sau cái lời chia tay đó?”
“Anh rất tiếc.”
“Lời chia tay anh nói dễ dàng nhưng với em thì không dễ dàng …”
“Anh hoàn toàn tôn trọng em. Và cho tới giờ phút tồi tệ này anh thấy vẫn yêu em như chưa từng được yêu.”
“Xém chút nữa anh đã làm em xiêu lòng.”
“Anh không ngừng suy nghĩ rằng 1 hay 2 hôm nữa anh sẽ đi và không bao giờ gặp lại em…”
“Sớm hay muộn gì cũng đến ngày đó”
“Anh trân trọng và biết ơn những ngày tháng đẹp mình có.”
“Em cũng vậy. Nhưng đâu cần phải khách sáo như vậy? Anh muốn làm một người rộng lượng chăng?”
Anh trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Em thích loại bia nào? ”
“Không quan trọng. Loại nào cũng ngon cả. Giống như tình yêu, lúc nhận và lúc cho đi.”
“Có đúng sự dững dưng là kết quả đau đớn của tình cảm?”
“Đó là sự dịu dàng với bản thân.”
"Em nghĩ, cứ để mọi chuyện qua đi. Hãy xem chia tay giống như tỉnh dậy sau một ác mộng. “
“Anh chỉ sợ em đau khổ và đang đau yếu.”
“Khi đàn ông phản bội, đừng bao giờ dùng nước mắt để níu kéo.” Nàng nói và quấn lại chiếc khăn choàng trên vai. Một vạt vòng qua lưng và vạt kia che trước ngực. Vết thương vừa mới mổ cách đây nửa năm đã trở thành một vệt mờ. Như một ảo ảnh…
"Là phụ nữ, nên học cách chấp nhận. Em đang như vậy đó.”
“Người ta có thể quên rất nhiều điều, nhưng tình đầu thì không thể.”
Từ quán ăn bước ra ngoài, mưa đang rắt hột. Tháng này mà có mưa giông. Trời tối. Các cửa tiệm vừa sáng đèn.
Anh nắm tay đưa nàng bước qua một vũng nước. Qua một tiệm bán phone di động của người Mễ và một cửa tiệm Dollar General (tiệm bán đồ một đồng). Phía sau con đường là một hành lang nối với nhà kho. Những hình vẽ bằng sơn xịt trên tường, ghi nhận sự bất mãn vô cớ. Không khí ngây ngất mùi dục vọng. Có vài người đang quấn quít, không phải tránh mưa mà vì môi miệng bỗng dưng thèm muốn nhau.
(Tuần rồi còn nằm trong vòng tay nhau, vẫn là một ngày mưa, nhưng Sương Phố cảm nhận sự ấm áp. Mặc cho ngày mai sẽ như thế nào. Mặc cho những gào thét của con tim rằng đừng yêu nhau… đừng yêu nhau… và đừng làm khổ nhau nữa…)
Anh châm thuốc. Khói bay tỏa ngang mắt nàng. Có màu nào buồn hơn như vậy?
Anh biết những ngày tới sự cô đơn cũng chật trên đôi mắt đó. Thật ra đàn bà yêu và buồn giống nhau. Và anh thấy rõ ràng là phụ nữ đẹp hơn sau khi chia tay…
"Anh không thể chia sẻ cuộc sống với em. Có gì quá đáng hay không?”
"Em không giận anh…”
Như vậy. Anh và nàng chia tay bên ngoài quán ăn ồn ào, ướt át.


3.

Căn nhà nàng sửa lại cách đây nhiều năm, từ ngày chồng qua đời. Mấy đứa con gái có gia đình ở riêng, cùng trong một thành phố. Lâu lâu tụi nó trở về làm sống động những thước không khí đang im ắng, rồi đi.
Có một thời nàng không muốn tu bổ vì có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chán nản.
Đêm rạc rời tiếng nhánh lá quét trên mái nhà. Những ánh điện từ ngọn đèn đường khiêu vũ trên balcon.
Tiếng gió rít róng từ một cơn bão kéo theo những tiếng đời lạnh câm, hốt hoảng. Tiếng mưa trầm lắng nhưng hối hả làm sao? Mọi âm thanh đều tác động lên giấc ngủ muộn ngoại trừ tiếng gõ của trái tim.
Vậy mà người đàn bà đó đã tự mở toang cánh cửa lòng của mình sau nhiều tháng dài, nhiều năm dài để thu vào một hồn bão rớt?
Người đàn ông từ bên kia đại dương, từ những mối tình liêu xiêu không đậm mùi hạnh phúc trở về đòi cưới nàng. Bây giờ anh đang ngồi trước chiếc bàn ăn bằng đá hoa cương giả, một bình hoa không biết đã thay nước rồi hay chưa. Chiếc bếp sạch boong và chậu rửa chén cũng trống trơn. Có ai lắng nghe được điều gì sau những ánh mắt, như muốn nói mà không thể?
“Người ta nói hạnh phúc không chịu nói…”
Anh mở lời. Và tiếp:
“Anh sẽ nói dối nếu nói rằng trong một thời gian dài như vậy anh không nhớ đến em…”
“Đâu đủ dài nếu tính từ ngày em đi chơi ở New York?”
“Anh đang thích sự yên tĩnh trong ngôi nhà của em.”
“Cho nên tiếng chuông cửa làm em chới với. Đáng lẽ em không mở cửa vì anh không gọi trước…”
“Em bảo anh phải làm sao khi anh chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp và cả vé máy bay anh cũng mới biết mình thực sự sở hữu từ hôm qua.”
Người đàn bà nồng cháy một thời, nhưng tình yêu là thay đổi. Hạ Hiền nghĩ thầm. Mỗi ngày trôi qua, đẩy nàng và anh thêm khoảng cách. Trong nỗi thinh lặng đáng sợ của lòng, bao lần nàng nhìn lại bóng mình trên tường.
“Cho anh nói với em lời cầu hôn nhé.”
"Sương Phố thì sao? Đừng vội vàng làm người đàn ông phụ bạc?”
Qua vai anh, nàng thấy nỗi buồn bay quẩn quanh trên tường. Trên những khung ảnh có nàng trong đó. (Nàng đang nhìn xuống và cười. Người chụp chân dung cho nàng nắm bắt được nụ cười hiếm hoi và rạng rỡ làm sao).
“Sương Phố đã có một cuộc sống khác không cần anh. Nàng chỉ cần gia đình của nàng và sùng bái những tiếng cười của trẻ thơ. Trong khi anh không đáp ứng được điều đó…”
Một thời gian dài cả hai người đều không ai nói với nhau…
"Cho anh lập lại lời cầu hôn với em?”
“Có lẽ em thích sống một mình…”
“Không ai thích sống như vậy cả.”
Hạ Hiền đi vòng sau lưng anh. Khung cửa sáng và khu vườn bên ngoài. Có những cây hoa mười giờ và cúc vạn thọ đang ra hoa. Còn bao nhiêu ngày nữa hết tháng giêng và thời tiết đang chuyển mùa đợi Tết.
Những luống rau ít oi phơi phới màu xanh. Góc sân, chậu mai tứ quý có vài nụ dự báo nở kịp vài ngày tới.
Không lẽ, chấm dứt một tình yêu dễ dàng đến như vậy?
“Chuyện gì đã xảy ra?“
"Anh thử đoán xem?”
“Em không nói những lời khó chịu trong 6 phút rồi…”
“Ừ…”
"Chúng ta sinh ra để cho nhau… Từng gặp nhau và đáng được hạnh phúc.”
“Hãy quên nó đi…”
“Anh không quên được.”
“Anh đã từng làm vậy.”
“Tình yêu là điều quan trọng nhất. Đừng quên điều đó. Đó là thứ duy nhất cứu rỗi nhân loại.”
"Nhưng em đã suy nghĩ và những gì chúng ta cho nhau, không hẳn là tình yêu.”
Nàng quay mặt nhìn anh. Không tránh né.
“Em đã bỏ mười năm chăm sóc những ham muốn của em. Nhưng có một lúc em khổ sở khi đối diện với nó.”
“Em đã hứa đi cùng anh đến tận cuối con đường.”
“Nhưng chúng ta chẳng nói rõ nơi đâu là cuối con đường. Giới hạn của chúng ta khác nhau và em dừng lại… Hãy trả mọi thứ về nơi bắt đầu.”
Người đàn ông đứng lên. Hối tiếc một chút vì đã trở về…
“Em đã để lý trí làm tổn thương trái tim… Và anh không biết chiếc nhẫn anh mua phải trao lại cho ai?”
“Anh hãy trao lại nó cho Sương Phố. Hay một người nào khác, xứng đáng.”
“Ngay cả với em, cũng vậy?”
“Vâng. Không nhất thiết phải tặng quà cho em đâu. Chúng ta muốn già đi cùng nhau, mà không được.”
“Em có thể cho anh hi vọng không?”
“Anh có trọn quyền mà.”
“Người ta có thể hi vọng mà không có niềm tin. Nhưng anh không thể tin mà không có hi vọng. Anh vẫn yêu em được không?
"Trong tình yêu của chúng ta, những thứ mà anh cho em, lúc nào cũng là những thứ mà anh muốn cho… Anh chưa bao giờ để tâm rằng đó liệu có phải là thứ em muốn có hay không?”
“Cho anh nắm tay em.” Anh nói khi ra đến tận cửa. Bỗng nghe tiếng mưa đâu đó trên mái nhà. Rồi mưa. Mưa…
Nàng đưa tay cho anh nắm.
“Anh đi về bình an nhé. Coi như chưa từng xuất hiện ở đây.”
Anh đứng băn khoăn trên bậc thềm loáng thoáng nước. Mưa không nhiều nhưng đủ làm chùng những bước chân. Người đàn bà đứng thấp hơn anh nên chuyện khoác chiếc áo mưa lên vai anh là điều khó khăn. Anh nhìn xuống chiếc ngực cong tròn mộng mị sau làn áo mỏng. Dễ chừng bờ ngực đó trẻ hơn tuổi thật đến mười năm…
Anh nghe nàng nói:
“Có lần em thích được anh ôm và hôn trên mắt em cho em ngủ…Ôi, cái tuổi của em. Điên cuồng, mơ mộng, khờ dại. Bây giở em xóa bỏ hết…”
“Em thật hoàn hảo.” Anh nói nhưng không tin lời mình nói… “Nhưng còn có một vòng tay ôm vào ban đêm thì sao?”
“Em chỉ muốn tìm một người đồng hành sẻ chia mà không cần phải ràng buộc… Điều em muốn chỉ là tình nhân của ai đó. Trình bày hoa, làm bánh, nấu ăn và ngồi chờ… Và tắt nến… Và ngã trên một chiếc giường êm ái…Trọn vẹn yêu và yêu… Không muốn làm người thứ hai chỉ vì sự nhỏng nhẽo bất thường của người đàn bà thứ nhứt…”
PNY

Tuesday, November 13, 2018

Cô Nhi Viện và Viện Dưỡng Lão BI KỊCH CỦA CUỘC ĐỜI HAY BI KỊCH CỦA CUỘC CHIẾN ĐÃ QUA ?? Trần Thiện Phi Hùng

Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ có ý tìm lại cha mẹ. Tôi hiểu rằng những đứa con lai, nhất là lai Mỹ đen như tôi, là những đứa con ngoài ý muốn; hầu như ít khi biết thực sự cha của đứa trẻ là ai.
Tôi bị Mẹ của tôi bỏ sau khi sinh ra mới có 48 giờ ở tại nhà thương. Tôi lớn lên trong cô nhi viện và trốn ra khỏi cô nhi viện năm 13 tuổi, ra giang hồ bữa đói bữa lạnh; sau cùng ghép hộ làm con một gia đình có 4 em 2 trai 2 gái để ra đi sang Mỹ theo diện Con Lai.
Tôi đến Mỹ năm 20 tuổi và đi làm ngay góp phần nuôi 4 đứa em đi học. Sau 18 năm các em 2 đứa là bác sĩ, 2 đứa là kỹ sư; Tôi bị ba má nuôi đuổi ra khỏi nhà vì gia đình sợ mang tiếng với suôi gia nhà trai nhà gái của 4 đứa em tôi. Tôi chưa được đến trường ngày nào trên đất Mỹ.
Mới 40 tuổi mà mắt đã mờ! Tôi đến gặp Bác sĩ gia đình, xin giấy giới thiệu gặp Bác sĩ chuyên khoa để có đốt hay mổ gì thì họ đưa đi hay chữa cho khỏi mất công.
20 năm rồi trên đất Mỹ, nhưng tiếng Mỹ của tôi chưa đầy lá mít,  nên tôi nhờ cô thư ký ở văn phòng bác sĩ gia đình tìm Clinic nào có người nói được tiếng Việt. May sao có clinic lớn mà chỉ đợi có 2 tuần, nhưng lại phải là giờ cuối cùng sắp đóng cửa!
Tôi đến sớm trước giờ hẹn nửa tiếng, đưa giấy giới thiệu cho một bà Mỹ già rồi ngồi ở phòng đợi chờ tới phiên. Tôi nhìn quanh coi có ai là Việt Nam mình không, nhưng chẳng thấy ai.  Bệnh nhân lần lần được gọi vào phòng khám rồi ra về gần hết vì sắp đến giờ đóng cửa. Sau cùng thì tôi cũng được gọi tên do một cô gái có nét Việt Nam mà từ nảy giờ tôi chưa hề thấy. Cô ta nói tiếng Anh với tôi từ lúc gọi tên đến lúc bảo ngồi ghế nhìn đọc. Tôi không hiểu rõ hết được nên hỏi cô có nói được tiếng Việt Nam không? Cô ta tỏ ra ngạc nhiên.
– Anh không phải là người Mỹ sao?
– Tôi là người Việt Nam.
– Nhưng Anh đâu có nét nào giống người Việt đâu?
Như biết mình lỡ lời, cô ta nói thêm tiếng “Sorry“.
– Chị không phải Sorry, nhiều người nói như thế mà! Tại tôi giống Mỹ Đen. Chị quê ở đâu ở Việt Nam?
– Ba tôi người Mỹ Tho, Mẹ ở Bình Dương nhưng tôi sinh ra ở Miền Trung, Nha Trang. Anh tôi và tôi đều sinh ở Nha Trang vì cha là Hải Quân  phục vụ ở Quân Trường Nha Trang.
– Tôi cũng sinh ở Nha Trang; nhưng rất tiếc là không biết cha mẹ của Tôi là ai?
– Anh sinh năm mấy? Cô ta vừa hỏi nhưng nhớ lại hình như câu hỏi có hơi thừa. Hồ sơ bệnh của tôi đang để trên bàn nên cô ta nhìn và ngạc nhiên nói:
– Ngày tháng năm sinh của anh giống y như của tôi! Có phải anh sinh ở nhà Bảo sinh Quân đội Nha Trang hay không?
– Đúng rồi, sau cô biết vậy?
– Ba má tôi có kể cho tôi nghe và tôi còn nhớ. Tôi sinh ra lúc 12 giờ trưa thì khoảng 8 giờ tối có một bà nữa sinh một bé trai. Sáng hôm sau, khi cha tôi vào thăm, mẹ tôi nói là bà mẹ sinh tối hôm qua muốn cho con của bà. Ba tôi nói, vậy mình xin, sẵn nuôi luôn có gì mướn thêm người giúp việc có sao đâu. Mẹ tôi nói Mỹ đen đó. Cha tôi nghe vậy, có đến nhìn thằng bé, rồi trở lại bảo nó cũng không đen lắm, trông rất dễ thương. Nhưng mẹ tôi không đồng ý, nói sợ người ta đàm tiếu. Cha tôi bảo: Anh bất cần thiên hạ. Chỉ cần em chịu là anh xin ngay. Nhưng cuối cùng mẹ tôi không chịu và nói mình đã có một trai một gái đủ rồi.
Thấy tôi chú ý nghe câu chuyện, cô ta nói thêm:
– Nếu anh là Mỹ trắng, có lẽ mẹ tôi đồng ý nuôi anh, và anh đã là em của tôi.
Sau phần làm thủ tục, tôi phải vào gặp bác sĩ chuyên khoa, khi xong thì cô ta đã về rồi.
Tôi về nhà mà vẫn bị ám ảnh vì câu chuyện do cô y sĩ nhãn khoa kể lại.
Ba của cô ta là người thế nào? Sau ông ta lại có ý tưởng xin tôi để nuôi? Phải tìm gặp ông ta mới được, tôi tự nhủ.
Ít ngày sau, tôi trở lại tìm gặp cô nha sĩ khám bệnh cho tôi hôm trước và xin được gặp Ba của cô ta. Cô ta bằng lòng ngay, viết cho tôi địa chỉ. Nhìn địa chỉ tôi hơi ngạc nhiên với 3 chữ “Viện Dưỡng lão”. Cô ta như đoán biết nên nói:
– Ba của tôi mới được đưa vào Viện Dưỡng Lão hôm tháng rồi.
Ngay Chủ nhật tuần đó, tôi vào Viện Dưỡng Lão xin gặp cái ông đã từng muốn nhận tôi làm con. Nếu tôi là con của ông ta, chắc tôi cũng sẽ như ba đứa con của ông đều tốt nghiệp Đại học cả, vì dù sao những kẻ có lòng tốt không để Tôi thất học.
Tôi chọn cái ghế nhìn được suốt dãy hành lang từ phòng khách đến phòng ăn để dễ nhìn người qua lại bên trong. Một Ông chừng 65 là cùng mặc dù người tôi muốn gặp nay đã 71. Ông ta đi còn nhanh nhẹn lưng không khòm tay chân nhịp đi đúng là người lính nhiều năm trong quân ngũ năm xưa; chẳng có vẻ gì là một cụ già đến độ phải vào Viện Dưỡng lão để chờ chết!
Hình như được con gái báo trước nên ông ta đi thẳng đến đưa tay bắt tay tôi và từ giới thiệu:
– Chú tên là Hùng, cứ gọi tên và gọi Chú cho bớt già hơn là gọi Cụ hay Bác.
Ông ta còn lanh lẹ, tiếng nói còn uy nghi rành rọt không có chút gì run rẩy hay khàn giọng của người già.
Ông ta hỏi: Tôi dành bao nhiêu thì giờ để gặp ông ta. Tôi nói cả ngày hôm nay cũng được. Ông ta hỏi tôi có uống cà phê và hút thuốc được không. Tôi nói được cả hai.
Ông ta đến nói với người quản lý xin được tiếp tôi ở phòng riêng để mời người bạn trẻ ly cà phê; rồi ông bảo tôi đi theo ông ta.
Theo ông ta về phòng riêng, tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác.
Căn phòng có mùi dầu thơm chứ không khai và hôi như thiên hạ thường nói về nơi người già sống. Cái bàn Computer có cả máy in TV DVD player và Multimedia player với mấy chồng CD và DVD ca nhạc. Ông ta bắt đầu nấu nước pha cà phê phin; vừa làm vừa giải thích đây là cà phê Ý pha với cà phê Ban Mê Thuộc cho có đủ vị đắng và thơm.
Xong hai ly cà phê, ông bảo tôi “Đi, mình ra vườn. Ra bằng cửa này.” Cửa hông từ trong phòng riêng của ông mở thẳng ra vườn.  Ông nói, áp phe lắm mới được phòng nầy ăn thông ra vườn để trốn ra ngồi hút thuốc.
Khu vườn thoáng mát, vắng vẻ. Ông lấy ra bao thuốc Vogue mời tôi một điếu. Đây là loại thuốc điếu nhỏ chỉ bằng phân nửa điếu thuốc thường nhưng dài hơn và nặng hơn. Ông đốt thuốc cho Ông và đưa quẹt gaz cho tôi để tự tôi đốt lấy. Hớp xong hớp cà phê ông hỏi:
– Vừa không Cháu?
– Dạ ngon và thơm lắm, Chú.
– Nào giờ thì cháu muốn biết gì cứ hỏi. Chú nhớ được gì sẽ nói nấy.
– Cháu không có mục đích tìm cha hay mẹ, vì có muốn chắc cũng không bao giờ tìm được mà tìm để làm gì! Chú biết được nhớ được gì cháu cũng muốn biết hết.
– Con trai lớn của chú và con gái đều sinh ở bảo sinh viện Quân đội thành phố Nha Trang. Con gái của chú sinh lúc 12 giờ trưa. Chú bận nên 2 giờ chiều mới vào thăm sau đó đi làm và chiều vào thăm vợ con đến gần 7 giờ thì về. Sáng hôm sau chú vào thăm vợ con sớm trước khi đi làm thì phòng bên có thêm một sản phụ mới. Vợ chú nói bà ta mới sinh lúc 9 tối, nhưng không muốn nuôi nên cho con.
Chú bước sang đứng cửa phòng bên nhìn vào hơi tối nhưng cũng thấy mặt được cháu bình thường như bao trẻ khác nhưng đẹp hơn con gái chú nhiều; vì khi mới sinh con bé của chú trán nhăn ba lằn, giống y như chú, mũi gãy trán cao gần như vồ. Chú trở lại nói với vợ là mình có thể xin đứa bé. Nếu nuôi luôn 2 đứa chú sẽ mướn thêm người giúp việc. Nhưng vợ chú nói “Con Mỹ đen đó. Anh không sợ nhưng Em sợ miệng đời. Chú nói, không lẽ sinh đôi mà một đứa con Việt nam còn đứa kia là con Mỹ hay sao mà sợ. Vợ chú nói thôi, nếu trắng em mới nuôi. Chú Sorry với cháu. Tại chú cháu mình không có cái duyên làm cha con với nhau!
Thấy tôi chăm chú nghe nhưng không nói gì, ông kể tiếp:
– Chiều hôm đó Chú vào thăm thì thấy Má của cháu đi lại nhanh nhẹn chứ không nằm liệt như vợ của chú. Mẹ của cháu là người cao lớn, đẹp, coi mạnh khỏe và lanh lợi hơn vợ của chú. Nghe nói mẹ cháu ở đâu ngoài Chu Lai hay Qui Nhơn gì đó vào Nha Trang sinh; Chồng bà ta là Trung Úy Biệt Kích đi hành quân vùng Một ít khi về thăm. Có lẽ Má của cháu làm sở Mỹ có quan hệ trong sở, nên khi có bầu không biết là con của chồng mình hay với ai nên cứ sinh rồi mới tính. Nếu là con Việt thì đem về nuôi mà là con lai thì cho luôn. Sáng hôm sau, khi chú vào thăm thì vợ chú cho biết người đàn bà đó đã bỏ con và rời nhà thương lúc nửa đêm; nên nhà thương giao cháu cho Ban Xã hội của Quân Đội lo. Hầu hết là đem vào Viện Mồ Côi. Chú chỉ biết bao nhiêu đó. Cháu còn muốn biết đìều gì thì cho biết,  nếu chú có thể giải thích thì chú sẽ nói cho Cháu biết.
Tôi nói với ông:
– Chú đã nói ra tất cả những gì cháu thắc mắc. Bấy lâu cháu thắc mắc “Tại sao không muốn sinh con mà không phá thai; sinh ra để bỏ thì sinh làm gi?” Nay chú nói cùng môt lúc sống với chồng mà còn phải sống với Mỹ thì làm sao biết con của ai nên cứ phải sinh ra rồi mới tính thì có lẽ là cách giải thích hợp nhứt cho trường hợp của cháu. Cháu hận mẹ hận cha mặc dù cháu không biết họ là ai;  Từ thời thập niên 60 đến 1975 không biết đã có bao nhiêu trẻ mồ côi như cháu. Cháu hận bà mẹ, hận đàn bà nên đến nay mà cháu vẫn chưa lập gia đình!
Ông ta mồi thêm điếu thuốc và để gói thuốc cạnh tôi ra dấu mời. Tôi xoa tay từ chối trong im lặng. Ông ta đột nhiên cười khá lớn rồi ngó vào mắt tôi hỏi:
– Cháu có biết Viện Dưỡng Lão để làm gì không?
– Thì để cho người già sống.
 Ừ! Cả miền Nam Việt Nam trước 75 chú chỉ biết có một Viện Dưỡng lão ở Thị Nghè gần Xa Lộ Biên Hoà; nhưng cũng chỉ có mấy chục người, gồm những người không nhà, không con cháu không thân nhân mà người ta gọi là tứ cố vô thân. Tại Việt Nam trước đây, hầu hết người già sống nhờ vào con cháu nuôi vì bởi cha mẹ còn trẻ làm nuôi con cháu đến khi già thì nuôi lại coi như trả hiếu hay trả công. Xứ tư bản này, mỗi tiểu bang có mấy chục Viện Dưỡng lão. Già thì dù có con hay không con, có nhà hay không nhà giàu sang cũng như nghèo cũng đều phải vào Viện Dưỡng lão, bởi lý do con cháu ai cũng bận đi làm, không chăm sóc được.
Ông thở khói rồi tiêp:
 Chú có ba người con, ba cháu nội thì còn quá nhỏ không tính; nhưng cả đời, chưa bao giờ chú để các con của Chú đói lạnh. Sau 75 khổ sở thế nào Con của Chú vẫn không bị ăn độn. Sau đó chú đi vượt biên để được sống tự do và Vợ Con của Chú sang đây bằng máy bay do Chú bảo lãnh.
Ngày xưa chú còn trẻ sinh con bận bịu tại sao chú không gởi vào Viện Mồ Côi để được rảnh đi làm và hưởng thụ cái tuổi hoa mộng của Chú. Bận rộn đi làm lắm khi đói khổ vẫn không bỏ các Con; (một câu than nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ, học và hành cả một đời cũng không hiểu hết tình cha – ) nhưng Cháu có biết tại sao Chú còn mạnh khỏe đáng lý chưa đến độ vào đây; thế mà chú lại ở đây! Chú cũng còn là con người biết đủ hỷ nộ ái ố lạc, 71 tuổi là già nhưng Chú chưa mất trí còn tự mình chăm sóc được nhưng Chú bị tai biến mạch máu; Tim ngừng đập nên xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Từ bệnh viện có thể đưa trực tiếp người già vào viện dưỡng lão ít có xét hồ sơ hay phỏng vấn phiền toái coi thực sự già lú lẫn hay chưa như trường hợp ở nhà muốn gởi vào Viện Dưỡng lão.
Người già nào hay nói ra người trẻ cũng lắm khi quên tắt lửa lò bếp hay quên chìa khóa hay quên bóp; nhưng già mà bị tố là có lắm cái quên như thế thì bị kết tội là “lú lẫn”. Chú bị đưa thẳng vào Viện Dưỡng lão trong trường hợp nầy cho dễ hơn nếu sau nầy chú về nhà thì khó có được sự dễ dàng để vào đây nên các con của chú tố chú lú lẫn để bỏ luôn chú vào đây một cách dễ dàng sớm hơn dự định của Chú.
Có con nhưng chúng bận rộn đi làm chúng có đời sống riêng nên không chăm sóc cho cha mẹ già được. Cháu thấy lý do nầy hợp lý chứ? (một câu hỏi nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ và tự mỗi người làm con tại hải ngoại sẽ tìm câu trả lời cho chính mình.  Nếu bí lối, xin vui lòng tìm về Tu Viện Hộ Pháp cầu thầy khải đạo – )
Nghe ông hỏi, tôi không biết trả lời ra sao. Ông tiếp tục châm thuốc, tiếp tục nói, vẫn với giọng tỉnh queo:
– Tuổi trẻ chú bận vừa đời lính lại khi VC chiếm Miền Nam thì cơ cực lầm than dễ gì đủ ăn no lòng; sao chú khờ dại không bỏ con mà chạy lấy thân để vui cuộc đời Việt Kiều độc thân. Tại sao phải thí mạng vượt biên rồi còn bảo lãnh con, nuôi con cho nên người để rồi các con cũng có thời tuổi trẻ bận như mình. Chúng bỏ mình nhưng ngày xưa mình lại không biết bỏ chúng. Cháu biết tại sao không? Là tại mình ngu.
Ông ta cười lớn nhưng sao cái cười quá chua chát:
– Cháu về bỏ hết, quên hết đi cái đời mồ côi của cháu đi mà vui sống. Vì cháu nên người ta mới lập “Viện Mồ Côi.” Và cũng vì có chú nên người ta mới lập “Viện Dưỡng lão.”
Lời an ủi của người từng có ý định làm cha nuôi của tôi làm tôi thấy mềm lòng. Nhìn ông, người cha bị con cái thành đạt bỏ vô viện dưỡng lão, tôi thật cũng muốn nói điều gì đó an ủi ông, nhưng không biết phải nói ra sao.
Trần Thiện Phi Hùng
Góp ý: Theo bài viết, đây là tự sự một người con lai Mỹ đen, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới sinh, được “ghép hộ” để định cư tại Mỹ, và rồi cũng bị cha mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông được chuyển đến bằng email. Mong ông tiếp tục viết.