Thursday, February 18, 2021

NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM

 Thưa quý vị,
Trước khi tìm hiểu về các dòng họ ở Việt Nam, chúng ta phải hiểu rõ nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Trước đây các sử gia, các nhà nghiên cứu viết sử thiếu tài liệu khoa học, hoặc do bị Hán hóa nô dịch văn hóa cả ngàn năm nên chưa hiểu rõ về nguồn gốc dân tộc nên một số cho rằng người Việt chúng ta từ người Tầu (Trung Quốc) mà ra, cái gì hay đẹp cũng nói là của Tầu (Hán, TQ)... Cuối thế kỷ 20, kết quả khoa học mới nhất của Khoa di truyền học cho chúng ta biết Genome Mã di truyền DNA của chúng ta hoàn toàn khác người Tầu (người TQ, Hán Tộc) và Hơn nửa dân số người Trung Quốc ở Miền Đông (Hoa Đông) và miền Nam (Hoa Nam) của TQ là người Trung Quốc gốc Việt cổ chúng ta. Chính vì vậy nên mới có sự hiểu lầm là chúng ta lấy họ từ người Tầu (TQ). Cuối thế kỷ 20 nhân loại đã có những kết quả khoa học vượt bậc về di truyền học và Đại Dương học nên chúng ta có điều kiện phục hồi sự thật của lịch sử, trả lại cho lịch sử những gì của lịch sử. Trong đường hướng đó, chúng tôi là thế hệ sau may mắn tiếp nhận được những tri thức kết quả khoa học nên cá nhân chúng tôi đã dành hết cuộc đời sau hơn 20 lao tù để hoàn tất bộ LƯỢC SỬ VIỆT NAM 1.200 trang để  sáng tỏ nguồn gốc dân tộc, cội nguồn văn hóa Việt Nam. Chúng tôi nhờ diễn đàn phổ biến dùm để chúng ta hiểu rõ về nguồn cội của chúng ta. Lần sau chúng tôi sẽ viết về Cội nguồn Trăm họ của Việt Nam. Chân thành cám ơn quý vị và các bạn.
Phạm Trần Anh.
 

DÂN TỘC VIỆT NAM

      Sự hình thành nhân chủng Việt Nam hiện nay phải trải qua cả một trình tự phức tạp lâu dài. Trước đây các nhà Nhân Chủng Học, Khảo Tiền Sử cho rằng người Việt là người Indonesian thuộc chủng Mông Cổ phương Nam (Nam Mongoloid). Các nhà Nhân Loại Học và Giải Phẫu Học tìm thấy một số đặc điểm Indonesian trong cơ thể người Việt Nam hiện nay như về chiều cao, về cấu tạo máu cũng như sự xuất hiện của sọ tròn. Đặc biệt là nhà khảo cổ Pháp E. Patte đã tìm thấy đặc điểm Indonesian còn bảo lưu ở xương sọ.

    Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận yếu tố Indonesian không những có ở đồng bào Thượng trên Tây nguyên mà còn tìm thấy ở đồng bào Mường, Thổ, Mán ở thượng du Bắc Việt. Mặt khác, khoa Khảo Tiền Sử cũng xác nhận là giống Indonesian có mặt trên đất nước ta ngay từ thời đồ đá và họ là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nền văn hoá cổ từ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn đến Hà Mỗ Độ, Nguyên Mưu, Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo.

    Ngày nay, các nhà Di Truyền Học đã tìm ra lộ trình di chuyển của nhánh Halogroup O-M175 của người tiền sử từ châu Phi di chuyển tới vùng Đông Nam Á nhưng tập trung nhiều nhất ở Hòa Bình miền Bắc Việt Nam. Ngay từ thời đồ đá giữa, những người tiền sử này sau một thời gian tiến hóa đã hình thành Hoabinhian thuộc nhân chủng Nam Á mà chúng tôi gọi là chủng Hoabinhoid, người Tiền Việt Protoviets.


    Sau một thời gian tiến hóa lâu dài, người Việt là điển hình cho các dân tộc Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo với những đặc tính sau: tóc đen, thẳng và cứng, thân mao kém phát triển, mũi hơi thấp, chỉ số mũi rộng, mắt đen, một số mắt một mí gọi là mí mắt Mông Cổ Epicanthus, hai gò má hơi cao, mặt rộng có chỉ số 49,9 hình trái xoan vóc dáng tầm thước, nhanh nhẹn, da vàng nói chung. Người Việt Nam hiện đại đầu ngắn sọ tròn cũng như cư dân vùng Đông Nam Á gọi chung là loại hình nhân chủng Đông Nam Á Hoabinhoid.


    Các nhà Khảo Tiền sử đã đo chỉ số sọ của cư dân mà họ gọi là Indonesian xuất phát từ cao nguyên cao nguyên chân núi Malaya nên chúng tôi gọi là Malaysian cho chính xác. Cách ngày nay khoảng 5.500 năm nước biển rút dần, cư dân Malaysian di cư từ cao nguyên Malaya xuống miền lưu vực 2 con sông Hoàng Hà Dương Tử mà cổ sử Trung Quốc gọi là Bách Việt (Bai Yue) nên chúng tôi gọi là Malayo-Viets.


    Năm 1962, J Coedès Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ công bố kết quả đo chỉ số sọ, dung lượng sọ của người Việt như sau: Sọ Việt thuộc loại sọ tròn, có chỉ số sọ trung bình là 82,13 và dung lượng sọ là 1341,48. Chỉ số sọ người miền Bắc là 82,49, chỉ số sọ của đồng bào thượng du Bắc Việt là 82,85, chỉ số sọ người miền Trung là 82,14 và chỉ số sọ người miền Nam là 81,76. Kết quả đo chỉ số sọ của đồng bào thiểu số thượng du Bắc Việt như Thái, Mường, Mán, Tày, Nùng, Thổ và đồng bào Thượng ở cao nguyên Trung Việt so với người Việt chỉ số sọ không cách biệt quá 2 đơn vị nên thuộc cùng chủng tộc.


    Các nhà Khảo Tiền sử đã kết luận rằng tất cả người Việt Nam, người ở miền Đông Bắc Trung Quốc (Hoa Đông), người ở miền Nam Trung Quốc (Hoa Nam) cũng như các dân tộc ở vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo như Thái, Lào, Miên, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba đều cùng một chủng tộc vì có chung một chỉ số sọ trung bình là 82,48 và thuộc loại sọ tròn.


     Khoa Khảo Tiền Sử cho biết sọ của người Trung Quốc là sọ dài, dung lượng sọ là 1440 có chỉ số sọ trung bình là 76,51 và người Hoa Đông, Hoa Nam là 81,22. Theo các nhà nhân chủng thì nếu chỉ số sọ cách biệt quá 2 đơn vị thì thuộc 2 chủng tộc khác nhau.[1] Như vậy, Việt tộc hoàn toàn khác biệt với người Trung Quốc và cùng chủng tộc với người Trung Quốc ở miền Đông Bắc và miền Nam Trung Quốc. Người miền Đông và miền Nam Trung Quốc chính là người Việt cổ bị Hán tộc thống trị đồng hóa hàng ngàn năm lịch sử.

 

NGƯỜI VIỆT NAM

    Người Việt là cư dân sống về nghề nông, trồng lúa nước, dùng đũa ăn cơm nên mình thon chắc, vóc dáng nhỏ, đời sống thiên về tình cảm, văn hóa. Hán tộc du mục ở phương Bắc, sống trên lưng ngựa nên dùng tay ăn thịt, ăn bánh bao làm bằng lúa mạch.


    Vóc dáng người Việt thon nhỏ nhưng hết sức rắn chắc nhanh nhẹn, mặt xương xương có nét sắc sảo, trán cao và rộng, đôi mắt tinh anh đen láy, râu tóc đen, mũi vừa phải, da vàng nhưng ở gần xích đạo nên hơi nám đen vì nắng, phụ nữ có nước da trắng đẹp hơn đàn ông.


   Vào đầu thời Hùng Vương, người Việt cổ ở nhà sàn để tránh thú dữ. Đàn ông tóc cắt ngắn hoặc búi tó lại, đóng khố để dễ đi lại trong rừng. Người Việt cổ ở miền đồng bằng duyên hải gắn bó với cuộc sống trên sông nước. Phụ nữ thì mặc váy, áo trùng qua đầu.

     Người Việt mặc áo cài nút bên trái (Tả nhậm) là bản sắc riêng biệt của người Việt khác với người Trung Quốc. Sau này, người phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao, khăn mỏ quạ còn nam giới thì mặc áo dài thâm, đội khăn và làm nhà ở kiểu chữ Đinh.

     Ngày nay thì người Việt mặc Âu phục, phụ nữ theo đúng thời trang hiện đại nhưng vẫn giữ chiếc áo dài truyền thống, đàn ông vẫn mặc quốc phục “Áo dài Khăn đóng” trong những dịp lễ tết hội hè theo đúng truyền thống Việt.


 TÂM TÍNH NGƯỜI VIỆT

     Người Việt vốn hiền hòa, luôn luôn lạc quan yêu đời, có lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình chung thủy vợ chồng, thành tín với bạn bè và đặc biệt biết trọng tình nghĩa thầy trò “Tôn Sư Trọng Đạo”, trọng lễ nghĩa liêm sỉ. Tính tình cởi mở, siêng năng cần kiệm, hiếu khách, có lòng nhân ái yêu thương đùm bọc người hoạn nạn, giúp đỡ kẻ khốn cùng. Người Việt Nam hiếu học, thông minh, có óc sáng tạo, khéo léo tay chân, có ý chí tiến thủ cao, có đức tính trầm tĩnh, chín chắn, thành thật trung tín. Tuy vậy, người Việt lại có nhiều tham vọng hơn người, bản tính hà tiện, thường hay đố kỵ và ham thích lợi lộc. Người Việt thông minh trí tuệ nhưng lại có tính tự mãn nên không thành công nhiều trên các lãnh vực.


    Dân tộc Việt là cư dân nông nghiệp sống ở vùng đồng bằng ven biển Đông nên có một đời sống tâm linh cao, cuộc sống thiên về tình cảm lãng mạn, thích văn chương, ưa chuộng lễ tết hội hè. Người Việt vốn bản tính hồn nhiên tươi trẻ, lạc quan yêu đời, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi nên được người ngoại quốc trân trọng đức tính niềm nở hiếu khách của người Việt. Nếu so sánh một người Việt Nam với các dân tộc khác thì người Việt không thua kém gì người bất cứ nước nào nhưng do có tính tự cao tự đại, “anh hùng” cá nhân, không có tinh thần đoàn kết trong thời bình.  Bản tính xấu của người Việt là ghen ghét, đố kỵ, tinh ranh, láu lỉnh, ranh mãnh, thích khoe khoang phô trương hay trêu ghẹo người khác.


    Trong suốt dòng lịch sử phải thường xuyên đương đầu với Hán tộc xâm lược để sống còn nên người Việt Nam có lòng yêu nước cao độ “Xem cái chết nhẹ như lông hồng”, sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để chống lại kẻ thù xâm lược. Sách cổ Việt Tuyệt Thư chép: “Người Việt sống trên sông nước mà ở trên núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa. Đi như gió thổi mà về thì khó theo. Đã đánh là quyết đánh không sợ chết, ấy là thường tánh của người Việt…”.

    Sách “Tùy Thư Địa Lý Chí” của Trung Quốc chép: “Từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, Nam Hải (Quảng Đông), Giao Chỉ mới là nơi đô hội, sinh sống ở gần biển nên có nhiều tê giác, voi, đồi mồi, vàng ngọc, trân châu quý báu nên người dân buôn bán giàu có. Tính khí người dân chánh trực thượng tín, khinh hãn, dễ gây chuyện làm loạn, búi tóc sau gáy, ngồi chàng hảng (ngồi xổm) đó là phong tục xưa của người họ Lý (Việt Cổ). Các bọn mọi thì dũng cảm tự lập, đều ưa của coi thường cái chết, chỉ lấy sự giàu có làm hùng, ở tổ (nhà sàn) bên sườn núi, làm việc siêng năng cày cấy, khắc gỗ làm phù khế, lời đã hứa thì đến chết cũng không thay đổi. Đó là thường tính của người Việt.

     Cha con làm nghề khác nhau. Cha nghèo thì sống với các con, các bọn Lý Lào cũng thế. Họ đúc đồng làm trống lớn, khi đúc xong treo trống ở trong sân nhà rồi tổ chức tiệc rượu mời gần xa đến dự, mời người con gái nhà giàu quyền thế cầm dùi, đánh trống xong để lại cho chủ nhân đặt tên là cái Thoa (dùi trống), tục ưa đánh nhau gây nhiều thù oán. Muốn đánh nhau thì cho trống dấy lên người tới như mây, kẻ có trống được đặt hiệu là Đô lão, mọi người trong làng xa gần đều suy phục. Truyền thống này bắt nguồn từ xa xưa từ khi Úy Đà (Triệu Đà) xưng là Man Di đại trưởng lão phu vì vậy người Lý vẫn gọi những người họ tôn trọng là Đà lão về sau đọc chệch ra là Đô lão” .


    Đặc biệt, người Việt Nam đối xử với nhau trong tình ruột thịt nghĩa đồng bào cùng chung một bào thai của mẹ Âu Cơ nên thường xưng hô với bà con hàng xóm như người thân thương ruột thịt qua cách gọi là bà Tư, bác Tám, cô Ba, chú Hai và xưng là con. Chính vì cùng chung một bào thai mẹ nên lòng “Yêu nước Việt Nam” luôn gắn liền với “Thương nòi giống Rồng Tiên” hơn các dân tộc khác.

 

TÂM LINH VIỆT

    Truyền thuyết Việt Nam biểu trưng một triết lý văn hoá cao đẹp không những thấm đậm tính nhân đạo, chan chứa vẻ nhân văn, tràn đầy tình đồng bào, nghĩa ruột thịt qua hình tượng “Bọc điều trăm trứng nở trăm con.” Từ ý niệm đồng bào dẫn đến lòng yêu nước, thương nòi, yêu quê cha đất tổ, tất cả đã trở thành giá trị đạo lý truyền thống của nền văn minh đạo đức Việt Nam. Henri Bernard Maitre đã ca tụng nét đẹp văn hiến của Việt tộc qua đền thờ gọi là “Văn miếu”: “Văn Miếu không phải để cầu kinh hay làm bùa phép mà là nơi trang trọng ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hoá, các vị Tiến sĩ với những chuẩn mực đạo đức để con cháu đời sau ghi sâu vào tâm khảm bài học về đạo làm người Việt Nam”.

     Đối với người Việt, việc thờ cúng ông bà tiên tổ là đạo lý làm người trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ xa xưa người Việt coi trọng đạo nghĩa nên thường nghĩ tới ngày giỗ của người thân hơn là chú trọng đến ngày sinh nhật của mình. Ngày nay, dù giới trẻ quan tâm nhiều đến ngày sinh nhật nhưng cũng không quên những ngày kỵ giỗ người thân trong gia đình. Đạo thờ cúng ông bà là một “Việt đạo” thể hiện đạo lý làm người của Việt tộc. Linh mục Cadière một thừa sai ngoại quốc đến Việt Nam truyền giáo phải thốt lên “Việt Nam là một dân tộc có tinh thần tôn giáo cao độ”.

 

    Học giả P. Mus nghiên cứu về Việt Nam cũng thừa nhận rằng “Dân tộc Việt có một đời sống tâm linh cao, người Việt không làm việc, họ tế tự”. Thật vậy, người ngoại quốc ngạc nhiên khi thấy:

 

“Mỗi gia đình Việt Nam là một nhà thờ, nhà nào cũng có bàn thờ gia Tiên ở chính giữa nhà. Trong đời sống tâm linh Việt, Nhất cử nhất động, việc gì cũng tràn đầy tính chất thiêng liêng, thờ phượng, tế lễ, cúng giỗ với tất cả tấm lòng chí thành. Thật vậy, trong đời sống tâm linh Việt không chỉ hiển hiện trên bàn thờ Gia Tiên mà đền thờ ở ngay trong tâm thức mỗi người. Người Việt không tham dự vào các buổi lễ để được ban phát ân sủng, mà họ hiệp thông cầu nguyện như một người Tư tế, với tất cả tính chất thiêng liêng của một tôn giáo”. Đây chính là điểm độc đáo thấm đậm bản sắc dân tộc, tràn đầy vẻ nhân văn của triết lý văn hoá nhân chủ của Việt Nam biểu trưng giá trị cao đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt cổ.

 

   Thờ cúng tổ tiên chính là đạo lý làm người cao đẹp truyền từ đời này sang đời khác. Chính dòng sống tâm linh này đã góp phần bảo tồn dòng giống Việt. Truyền thống thờ cúng ông bà không còn là một tập tục, một tín ngưỡng đơn thuần mà đã trở thành đạo lý của dân tộc. Đạo thờ cúng ông bà được xem như Tổ Tiên chính giáo của đạo làm người Việt Nam mà Nguyễn Đình Chiểu một sĩ phu yêu nước thế kỷ XIX đã ân cần nhắc nhở: “Thà đui mà giữ đạo nhà, Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”...

 

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn đạo hiếu mới là đạo con
...[2]

 

   Đây chính là điểm độc đáo của dòng sống tâm linh Việt vẫn tiếp nối truyền lưu trong mỗi con người Việt Nam chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Thật vậy bên cạnh đời sống thực tế khổ đau trước mắt, vẫn hiển hiện một đời sống tâm linh sâu thẳm thấm đậm tính nhân bản hiện thực cao đẹp. Chính dòng sống tâm linh đó đã tạo cho mỗi người Việt Nam một quan niệm sống lạc quan yêu đời, an nhiên tự tại nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nền độc lập thực sự, quyền tự do thực sự và sự ấm no hạnh phúc thực sự cho mỗi con dân đất Việt.

     Ngay tự thuở xa xưa, khi tiền nhân Việt chúng ta chọn vật Tổ biểu trưng là Rồng-Tiên thì người Việt cổ đã có một ý thức chung về cộng đồng. Người Việt gắn bó sống chết với nhau trên một niềm tin tâm linh thiêng liêng rằng họ là con của bố Lạc mẹ Âu, mang trong người giọt máu của dòng giống Rồng Tiên. Chính cái ý thức chung về Quốc Tổ mang tính tâm linh thiêng liêng cao cả để con dân của Tổ Quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam cùng chung sống trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau đời này nối tiếp đời khác. Trải dài theo dòng thời gian, tất cả đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của con dân nước Việt. Đó chính là hồn nước, là “Hồn thiêng sông núi”.

 

   Truyền thuyết khởi nguyên dân tộc cho chúng ta thấy rằng chúng ta cùng một mẹ sinh ra nên chúng ta mới gọi nhau là “Đồng Bào” vì chúng ta là anh em cùng trong bào thai mẹ sinh ra. Chúng ta có chung một ông Tổ là Quốc Tổ Hùng Vương và cũng từ ý niệm này tiền nhân chỉ đảo ngược thành lại để thăng hoa thành “Tổ Quốc”, một biểu tượng tinh thần của cả dân tộc hằn sâu trong tâm khảm của mọi con dân đất Việt mà các dân tộc khác không thể nào có được.

 

    Trong khi các nước khác chỉ có 1, 2 chữ để chỉ quốc gia và tổ quốc thì Việt Nam chúng ta có rất nhiều chữ để diễn tả ý niệm này. Quốc gia là nước nhà nghe rất là thân thương trìu mến, tự thân chữ nước nhà đã nói lên ý niệm của riêng chúng ta và khi đảo lại thì chỉ cơ quan chính quyền của đất nước là nhà nước. Chúng ta còn dùng chữ nước non (Giang Sơn), sông núi (sơn hà) để diễn tả ý niệm quốc gia và diễn tả một ý niệm đặc thù riêng biệt của một nước nông nghiệp, chúng ta thường gắn liền "Sơn hà" với "Xã tắc" là miếu thờ Thần Nông, vị thần nông nghiệp…

     Từ ý niệm đồng bào mà người Việt Nam khi nói tới yêu nước thường gắn liền với thương nòi vì chúng ta là một quốc gia, một dân tộc cùng chung một nòi giống “Tiên Rồng”. Chúng ta cùng chung một ông Tổ là “Quốc Tổ Hùng Vương” và dĩ nhiên cùng chung một “Tổ Quốc Việt Nam”. Đây chính là lý do giải thích cho người ngoại quốc, tại sao người Việt Nam là một dân tộc yêu nước nồng nàn, một dân tộc đã liên tục chiến đấu để giành độc lập dân tộc sau gần một ngàn năm bị người Trung Quốc thống trị.

     Lòng yêu nước thương nòi của người Việt Nam thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử khởi từ thời lập quốc cho đến ngày nay. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đối đầu với kẻ thù truyền kiếp hung hãn bạo tàn, thâm độc quỷ quyệt, biết bao thế hệ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đất nước cho tổ quốc Việt Nam trường tồn, dân tộc Việt Nam bất diệt.

 

 Nguồn gốc tên họ Việt Nam

 Không có sử liệu nào nói về nguồn gốc tên họ tại Việt Nam. Do vậy, ta phải nghiên cứu các vấn đề:
(1)người Việt có tên họ từ bao giờ
(2) sự du nhập tên họ người Tàu vào xã hội Việt Nam
(3) tên họ do người Việt tự đặt
(4) người Việt bị bắt buộc hay bắt chước nhận tên họ
(5) sơ lược nguồn gốc những tên họ phổ biến nhất Việt Nam.

1. Người Việt Có Tên Họ Tự Bao Giờ: Trong phần nghiên cứu về đế hiệu Hùng Vương ở chương một, chúng tôi đã đưa ra quan điểm cho rằng đế hiệu Hùng Vương là do người sau đặt cho các vị lãnh đạo ban đầu của nước ta, nên không thể nói Việt Nam đã có tên họ từ thời Hùng Vương, tức cách đây hơn 5000 năm. Giai đoạn này, dân ta chưa có ý niệm về dòng họ theo lối phụ hệ như kiểu Trung Quốc. Đến thời Thục Phán và Triệu Đà (257-111 TCN), ta không thể nói Việt Nam đã có tên họ. Hai ông này là người Trung Quốc vì chống Tần, Hán mà sang nước ta. Đến thời Hai Bà Trưng, xã hội Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ mẫu hệ. Theo các nhà tính danh học, tên họ xuất hiện đồng thời với sự ra đời của chế độ phụ hệ. Chỉ khi xã hội Việt Nam đã tiến hóa, cộng với ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, và có những cuộc hôn nhân dị chủng Hán Việt, thì lúc đó Việt Nam mới chính thức có tên họ và các tên họ này giống với tên họ Trung Quốc. Kết luận này có thể chấp nhận được vì nhiều đồng bào Thượng ở Việt Nam, ít bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, đến giữa thế kỷ 20 vẫn chưa có tên họ. Như vậy, sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên.

Tuy thế, nếu chúng tôi không lầm, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, sớm có hệ thống tên họ theo lối phụ hệ. Mãi đến thế kỷ thứ 10, hệ thống tên họ của Âu Châu mới bắt đầu hình thành, và đến thế kỷ 16 mới hoàn tất. Nhật Bản, theo ông Elsdon C. Smith, mãi đến đời Minh Trị Thiên Hoàng, toàn dân Nhật mới có tên họ. Các dân tộc ở Phi Châu, theo bách khoa từ điển Britannica, mới bắt chước tây phương lấy tên họ từ đầu thế kỷ 20. Năm 1935, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh buộc người dân phải lấy tên họ. Đầu Công Nguyên, người Do Thái chưa có tên họ, chỉ có tên gọi, người ta gọi Chúa Giêsu, bà Maria, thánh Phaolô. Mãi đến đầu thế kỷ thứ 19, dân Do Thái mới có tên họ. Nhiều tên họ mà dân tộc này chọn là các từ ngữ liên quan đến các chức tư tế của Do Thái Giáo như Cantor, Canterini, Kantorowicz, nghĩa là các thày cả hạ phẩm (lower priest), các tên Kohn, Cohen, Cahen, Kaan, Kahane nghĩa là thày cả thượng phẩm (highest priest).

2. Việc Du Nhập Tên Họ Người Tàu Vào Việt Nam: Tên họ tại Việt Nam xuất phát từ hai nguồn chính: một là các tên họ Trung Quốc, hai là tên họ do người Việt Nam tự đặt. Về các tên họ Trung Quốc mà ta có hiện nay được du nhập vào Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử sau:

thiet-ke-gia-pha-dong-ho

a. Thời bị đô hộ: Trong hơn 1000 năm Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ, sử cũ cho chúng ta nhiều bằng chứng những người Tàu như quan lại, binh lính, quý tộc, thương gia, nho sĩ, tội nhân bị đi đầy, dân nghèo, đã sang nước ta. Họ và gia thuộc đã ở lại, thông hôn với người Việt và biến thành người bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà người Việt Nam có hiện nay. Xin trích ba ví dụ điển hình để chứng minh:

Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí, là dòng dõi người Tàu. Ông tổ bảy đời di cư sang Giao Châu lánh nạn từ cuối thời Tần, Hán. Hồ Quý Ly, nguyên dòng dõi người Chiết Giang, có ông tổ là Hồ Hưng Dật, di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, Thanh Hóa. Về sự lai giống bố Tàu mẹ Việt, theo ông Vũ Hiệp, thủy tổ dòng họ Vũ tại Việt Nam là ông tổ Vũ Hồn giữ chức Kinh Lược Sứ vào năm 841. Ông có mẹ người Việt tên là Nguyễn Thị Đức và cha là ông Vũ Huy người Phúc Kiến, Trung Quốc.

b. Người Minh Hương: Người Minh Hương sang nước ta vào thế kỷ 17 và 18. Nhóm người này tập trung nhiều ở miền Trung và Nam Việt Nam nên đã đem một số tên họ Tàu vào Việt Nam. Những nhân vật lịch sử như Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tích, nhà thơ Quách Tấn đều là người Minh Hương. Năm 1965, ở Chợ Lớn có 80 tỷ phú gốc Hoa được gọi là các “vua”. Các ông “vua” này có tên họ mà ta thường thấy trong xã hội Việt Nam như: Lâm Huệ Hồ hoạt động trong ngành tín dụng, Lý Long Thân: dệt, Mã Hí: mễ cốc, Trần Thành: bột ngọt, Đào Mậu: ngân hàng, Trương Vĩnh Niên: phim ảnh, Trần Thoại Hà: trà, Lai Kim Dung: gạo, Vương Đạo Nghĩa: kem đánh răng, Lý Sen: sắt thép, Lưu Kiệt: nông cơ, v.v…

3. Tên Họ Do Người Việt Nam Tự Đặt: Đối với các tên họ do người Việt Nam tự đặt, sử liệu cho thấy một số họ được vua chúa Việt Nam đặt cho các sắc dân thiểu số trong thời gian gần đây. Giáo sư Hà Mai Phương trích sử liệu trong Đại Nam Thực Lục cho biết, thời Hậu Lê, các viên quan người thiểu số ở 9 châu thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An được vua ban tên họ. Tuy nhiên, sử không cho biết các tên họ này là gì.

Theo Đại Nam Thực Lục, năm 1826, vua Minh Mạng cho các quan đang cai trị Cao Miên được phép đặt lại địa danh và đổi tên người Cao Miên sang chữ Hán để dễ đọc.

Năm 1827, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vua Minh Mạng ban cho các sắc tộc thiểu số vùng này các tên họ: Cốc, Đồng, Hướng, Kheo hay Khâu, Lãnh, Lâm, Sơn, Thạch, Thiết.

Đến năm 1832, theo Đại Nam Thực Lục, vua Minh Mạng lại ban cho các thổ tù vùng Trấn Ninh, Nghệ An những tên họ: Cáo, Cát, Cầm, Cần, Cổ, Chuyên, Dụ, Đa, Định, Đôn, Hào, Hảo, Hâm, Kiện, Kiệu, Khả, Khâm, Lang, Lương, Mỹ, Nham, Sầm, Sơn, Tạo, Thành, Thiệt, Trác, Tri, Trình, Triển, Uất.

Thổ tù thuộc Trấn Man, Thanh Hóa được các họ: Bảo, Cam, Cảm, Cát, Đạo, Huy.

Năm 1834, các người thiểu số Mường và Lào ở Thanh Hóa được vua Minh Mạng ban các tên họ: Hảo, Lâm, Lĩnh, Phàn, Sơn, Thạch, Vạn.

Sang năm 1835, vua Minh Mệnh cho phép các quan được dùng tên xã thôn để đặt tên họ cho dân chúng huyện Kiên Giang và Hà Châu tỉnh Hà Tiên để tiện việc thu thuế và kiểm soát an ninh.

Năm 1837, theo Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, vua Minh Mệnh ban cho dân thiểu số ở Tây Ninh các họ: Dương, Đào, Hạnh, Lý, Mã, Ngưu, Tượng.

Năm 1838, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Biên Hòa, vua Minh Mệnh ban cho thổ dân huyện Long Khánh, các họ: Dương, Đào, Lâm, Lý, Mai, Tùng.

Năm 1839, thổ dân huyện Phước Bình, phủ Phước Long được ban các họ: Hồng, Lâm, Mã, Ngưu, Nhạn, Sơn.

Năm 1841, vua Thiệu Trị ban họ Cửu cho quốc trưởng Ma Thái nước Hoả Xá ở Phú Yên.

Đối với người Chàm, vào năm 1837, vua Minh Mệnh xuống chiếu bắt người Chàm phải ăn mặc theo người Việt và thay đổi tên họ thành họ Lưu, Hàn, Đàng, Nguyễn, Trương, Châu, Phú, Dương.

Ngoài ra, còn thấy họ cũ sinh ra họ mới như họ của ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Bặc (924-979) ở Thanh Hóa sinh ra họ mới là Nguyễn Hựu, Nguyễn Phúc, Tôn Thất,

Tôn Nữ, Công Tằng Tôn Nữ v..v…

Còn một số họ nữa do các tù trưởng bộ lạc thiểu số đặt cho dân chúng bộ tộc và các họ này thường là từ Nôm, hoặc là tiếng sắc tộc, chỉ phổ biến ở một vùng nhất định. Ví dụ họ Ðèo, Lò, Teo, Vù là các họ của các sắc dân thiểu số ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hay các họ H’mok, Dham Niê của đồng bào Thượng miền cao nguyên Trung Phần.

Tóm lại, tên họ người Việt Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công Nguyên và bắt nguồn từ tên họ của người Trung Quốc và các tên họ do người Việt Nam tự đặt. Tuy nhiên, một câu hỏi cần đặt ra là người Việt Nam có tên họ giống Tàu là vì bị bắt buộc hay bắt chước?

in-an-gia-pha

4. Người Việt Bắt Chước Hay Bị Bắt Buộc Nhận Tên Họ: Về vấn đề này, các học giả chia làm hai phái. Ông Nguyễn Bạt Tụy cho rằng người Việt bắt chước người Tàu. Ông Nguyễn Đổng Chi, thuộc Ủy Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội đồng quan điểm với lập trường trên. Ông viết:

Câu văn người sinh ra mới biết dòng giống và họ trong Hậu Hán Thư, cho thấy cho đến tận đầu Công Nguyên, người Việt Nam mới biết nắm lấy cái then chốt để phát triển quan hệ thân tộc phụ hệ, tức cái tên để chỉ dòng họ. Trước đó, có lẽ cha ông chúng ta cũng như đồng bào thượng gần đây chỉ có cái tên để chỉ cá nhân, chứ chưa có tên để chỉ tính hay thị như người Tàu.

Trái lại, ông Bình Nguyên Lộc lại cho rằng người Việt có lẽ bị bắt ép. Ông viết: Họ của ta nay hoàn toàn là họ của Trung Quốc, nhưng không biết đã tự ý theo phong tục của họ về phương diện lấy họ, hay bị ép buộc? Có lẽ bị bắt ép, nhưng chắc không phải vì nỗ lực đồng hóa, mà vì muốn tiện lợi việc kiểm tra dân số mà Mã Viện đã thực hiện sau khi diệt hai Bà Trưng.

Cùng một quan điểm như trên, Giáo sư Vũ Hiệp viết: Trong chính sách đồng hóa dân ta, các viên quan cai trị thâm độc như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp đã cố tình khai hóa dân bản xứ Giao Chỉ rất có hệ thống. Họ bắt dân ta lúc đó phải theo lối sống, phong tục của Trung Quốc, cũng như bắt học chữ Nho…Tất nhiên, họ cũng bắt buộc dân ta phải có những tộc danh (tên dòng họ) theo kiểu Hán Tộc.

Còn Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết: Về mặt phong tục, người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ. Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Quốc, Người Việt đã có họ và theo họ của cha. Hầu hết các họ mà người Việt Nam còn dùng đến ngày nay, đều là những họ của người Trung Quốc, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt.

Kết luận của các tác giả trên đây không thấy nói đã dựa vào một sử liệu nào, nên vấn đề bắt chước hay bị bắt buộc cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, các tác giả đều đồng ý là họ Việt giống họ Tàu, chỉ khác là phát âm theo giọng Hán Việt. Nhận định này thiết tưởng quá tổng quát, cần bổ túc, vì có một số họ là từ Nôm, một thứ tiếng thuần túy của người Việt mà người Tàu không có. Hơn nữa, một số họ mới được đặt ra dưới thời Minh Mạng cũng là từ Hán Việt, nhưng không vì thế mà kết luận đó là họ Tàu
ST

No comments:

Post a Comment