Chiều tối ngày 24 tháng 12 năm 1977, nhóm 20 người tù chúng tôi từ trại Nam Hà bị còng tay từng đôi một và tống lên chiếc xe khách tồi tàn cũ kỹ. Trên xe có một cán bộ cấp thiếu uý và 4 cán bộ mang súng dài theo áp tải. Chúng tôi qua cầu Long Biên ở Hà Nội lúc nữa đêm Lễ Chúa Giáng Sinh 1977.
Sau khi băng rừng leo núi suốt một ngày một đêm, cuối cùng chiếc xe dừng lại trong sân một trại tù xa lạ. Lúc ấy có lẽ đã qua nửa đêm, hoặc đã 1, 2 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1977. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Ngồi trong xe nhìn ra màn đêm bên ngoài bị sương mù phủ mờ những cảnh tượng chung quanh làm tôi chẳng thấy được gì nhiều.
Lúc nãy, khi xe chạy qua khu nhà cán bộ và dừng lại một chập, sau đó chạy vào qua cổng trại thì tôi biết đã tới nơi. Bên ngoài, tôi thấy có quãng 5, 6 cán bộ đứng gần bên xe. Họ mặc áo bông, đầu đội mũ có che tai và cột lại dưới cằm giống như lính Liên Xô, họ mang bao tay và cầm đèn bấm, có người cầm quyển sổ. Một lúc sau nhóm tù chúng tôi được lệnh xuống xe, tay vẫn còn bị cùm dính nhau từng đôi một.
Vừa bước ra khỏi xe, tôi chạm ngay với cái lạnh khủng khiếp! Lúc còn trên xe nhìn ra thấy cách ăn mặc của các cán bộ và nhất là khi thấy hơi khói ở miệng thoát ra ngùn ngụt mỗi khi họ nói, tôi biết là bên ngoài trời rất lạnh nên đã cẩn thận cài khuy áo, quấn thêm lên cổ chiếc khăn lông, nhưng đầu và chân vẫn để trần vì lúc đó tôi không có mũ và giày, chỉ mang đôi dép râu do trại Nam Hà phát.
Cái lạnh làm tôi nghe choáng váng và có cảm tưởng như bị một cú đấm thẳng vào mặt làm tôi bật ngược về phía sau.Tôi chưa kịp hoàn hồn để nhận biết hết tính cách kinh khủng của cái lạnh, bỗng chốc tôi cảm thấy mình như đang trần truồng! Ô, kìa! Sao lạ kỳ thế này? Tôi nhớ là mình có mặc áo quần cẩn thận, có mặc thêm cái áo vệ sinh bên ngoài bộ đồ xanh của trại phát, có khăn lông quấn cổ nữa, nhưng tự nhiên các thứ vải vóc trên thân thể tôi biến đi đâu hết để tôi đứng trần truồng giữa cái lạnh khủng khiếp này? Nhìn lại, tôi vẫn thấy còn quần áo dính trên người, nhưng lạ một điều là trong khoảnh khắc toàn thân tôi trở nên tê dại, không còn cảm giác nữa. Áo quần còn trên cơ thể, nhưng dường như không còn, chỉ nhìn thấy nó còn đó.
Trong lúc đó tôi cố mở miệng ra định nói vài câu với người bạn đang bị còng chung, nhưng hàm tôi cứng lại như bị khóa! Hai đầu gối tôi tự nhiên biến đi đâu để đôi chân tôi cứng lại như hai khúc gỗ thẳng tắp. Thì ra cái lạnh không được đề phòng trước đã đánh tôi ngã gục, đã làm tê dại hết các tế bào xúc giác và làm hệ thần kinh tôi hoạt động bấn loạn. Ngày xưa khi đọc sách báo, tôi có thấy nói đến “cái lạnh chết người”, nhưng lúc đó tôi không hiểu, chỉ nghĩ đó là cách nói trong văn chương chữ nghĩa. Nhưng chỉ trong mấy phút vừa qua, tôi đã hiểu và có lẽ tôi còn hiểu rõ ràng hơn tác giả đã viết lên câu “cái lạnh chết người”!
Lúc rời trại Nam Hà ra đi thời tiết ở đó cũng đã khá lạnh nên tôi lấy cái áo vệ sinh do trại phát mặc thêm bên ngoài bộ đồ xanh của trại. Mặc như thế cũng đủ với cái lạnh vào quãng 8 độ C của mùa đông đất Bắc ở vùng núi đá vôi Nam Hà.
Trong suốt 24 giờ qua, chúng tôi vật vã lăn lộn trên chiếc xe già nua bò lết leo lên những dốc núi cao. Có lúc xe chạy giữa vách đá cheo leo, một bên là núi, bên kia là thung lũng sâu, nhìn xuống phát chóng mặt. Trên đường đi, vì bị dằn vật nhiều quá nên tôi cảm thấy nóng và có lần đã phải cởi áo vệ sinh ra cho dễ chịu, nhưng khi xe lên tới độ cao và nhất là càng về chiều càng lạnh, nên tôi mặc áo ngoài cẩn thận.
Lúc trời về khuya, cơn lạnh dữ dội ập đến, tôi chỉ còn biết co ro ngồi dựa vào những gì có thể, để tìm chút hơi ấm. Dĩ nhiên lúc đó tất cả cửa gió trên xe đều đóng lại. Hơn nữa, nhờ có đông người, 20 người tù và 5 cán bộ áp tải, nên hơi người cũng làm tôi cảm thấy ấm hơn đôi chút. Lúc ở trên xe, ai có muốn mặc thêm quần áo cũng không có, vì đi đường mỗi người chỉ có một túi xách nhỏ, còn tất cả “nội vụ” đều cho vào bao bị chất đống trong xe, khi tới nơi mới lấy ra được.
Thì ra cái lạnh của trại Nam Hà không thấm vào đâu so với cái lạnh khủng khiếp nơi tôi vừa đặt chân tới, mà tôi đoán là dưới 0 độ khá xa. Lúc đó tôi chẳng biết mình đang ở đâu và trại mà chúng tôi vừa tới tên là gì.
ÐÊM GIÁ BĂNG
Lúc này trời đã quá muộn về sáng, vả lại thời tiết lạnh khủng khiếp nên vừa xuống xe là chúng tôi được tháo còng ngay và nhận lại “nội vụ”, sau đó được đưa vào một buồng kế bên nghỉ qua đêm. Mặc dù mới đứng trong sân chừng 15 phút nhưng mặt tôi cứng như tảng nước đá, đầu nhức như muốn vỡ đôi ra, hai tai đang dính vào đầu cứng như hai miếng bánh đa mỏng giòn, tôi nghĩ nếu dùng tay búng mạnh sẽ bị vỡ tan và rơi xuống đất. Ðôi chân cứng đờ và thẳng tắp không còn bước đi được nên một anh bạn trẻ phải giúp dìu tôi vào buồng.
Ðó là một buồng giam nhỏ và rất tồi tàn, có lối đi ở giữa và hai bên có sàn ván để nằm, có tầng bên trên. Vào buồng xong việc đầu tiên là chúng tôi xổ hết bao bị ra tìm thứ gì có thể mặc được thì mặc và quấn hết vào người. Ðêm đó tôi không tài nào ngủ được vì quá lạnh, mặc dù sau một ngày đường lăn lộn mệt nhọc. Tôi cố thu người lại càng nhỏ càng tốt, nhưng nằm co thế nào đi nữa vẫn thấy da thịt mình còn quá nhiều chỗ phải đụng chạm với khí lạnh bên ngoài. Lúc nằm yên tôi hình dung ra “con rét” là một loài côn trùng bé tí ti nhưng có răng thật sắc, đang bò trong cơ thể tôi, chui vào các lỗ chân lông, đi vào hơi thở, chui vào các mạch máu và đang gặm nhắm từng tế bào bên trong cơ thể tê dại của tôi đang cuộn tròn như con sâu.
Lúc đó tôi mới nhớ lại là các cán bộ ở đây ai cũng mặc áo bông dày cộm, đầu đội mũ có rèm che tai gần kín mặt, tay mang găng len hoặc da. Với cái lạnh khủng khiếp này, các loại quần áo bằng vải hoặc bằng len, cho dù có mặc bao nhiêu lớp trên người cũng không hề thấm vào đâu. Phải mặc đồ bông mới chống lạnh được. Nằm một chập, không ai chịu thấu cái lạnh bất ngờ này, nên cả đám chúng tôi tự động ôm nhau, người này rúc đầu vào người kia như lứa chó con con nằm trong ổ. Nếu biết trước, ít ra chúng tôi cũng đã chuẩn bị thứ gì đó để chống lạnh trong hoàn cảnh có thể chuẩn bị được.
Sáng hôm sau, cả đám chúng tôi trỗi dậy trong trạng thái mệt nhọc rã rời. Một phần vì bao nhiêu nhiệt lượng trong người đã được đưa ra để chống lại cái lạnh khủng khiếp bên ngoài, phần nữa lại vừa mất ngủ sau một ngày bị dằn xốc suốt 24 tiếng đồng hồ trên xe. Lúc này, bên ngoài sương mù đã phủ dày đặc, nên chúng tôi không nhìn thấy gì, chỉ loáng thoáng thấy có bức tường bao bọc trước sân, có cánh cổng mở vào sân và một nóc nhà lợp lá thật bệ rạc nằm phía sau. Sáng ngày tôi cảm thấy bớt lạnh, có lẽ nhờ số chăn màn và hơi ấm thân thể của 20 con người trong phòng đóng kín đêm qua. Mãi một lúc rất lâu mới nghe có tiếng động bên ngoài làm chúng tôi giật mình nhìn ra, nhưng chưa thấy ai.
Thình lình trong màn sương hiện ra một người bước rất nhanh vào sân. Người mới xuất hiện này vóc dáng to cao, mặc áo bông che kín cả cổ, đội mũ có vải che tai như kiểu của quân đội Liên Xô, mang găng tay và cầm một chùm chìa khóa khá to có đến mấy chục chiếc. Người này tới bên cửa sổ nhìn vào, hai tay đang xoa vào nhau làm chùm chìa khóa kêu rổn rảng. Người lạ mặt này có thân hình đã to, lại mặc áo quần dày cộm trên người, càng làm cho con người ấy to như một anh khổng lồ.
TRẠI QUYẾT TIẾN “CỔNG TRỜI'!”
Khi người đó đứng bên ngoài nhìn vào, chúng tôi bên trong cửa sổ lên tiếng:
-Chào cán bộ.
Người bên ngoài lên tiếng đáp lại:
-Tôi không phải là cán bộ, tôi là “Trật Tự”!
Khi nói, miệng anh nhả khói um tùm như người đang hút thuốc lá. Ðó là lần đầu tiên tôi nghe hai tiếng “Trật Tự”, vì ở trại Nam Hà không có anh tù làm ‘trật tự’ như ở đây. Khi biết anh cũng là tù, chúng tôi dạn dĩ hơn nên bắt đầu tìm hiểu những điều chúng tôi thắc mắc suốt đêm qua. Chúng tôi thay nhau hỏi, nhưng câu hỏi đầu tiên mà hình như ai cũng nói ra cùng lúc là:
-Trại này là trại gì, ở tỉnh nào?.
Anh tù Trật Tự này mặc dù không phải là con người vui vẻ, nhưng tỏ ra là một người dễ chịu, anh đáp nhanh: của
- Các anh đang ở trại “Quyết Tiến Cổng Trời” trong tỉnh Hà Tuyên.
Vì chúng tôi là người miền Nam chưa biết vị trí các tỉnh miền Bắc nên có anh hỏi:
- Vậy tỉnh Hà Tuyên nằm ở đâu hả anh?
- Nằm giáp ranh Trung Quốc và trại này cách biên giới Trung Quốc 10 cây số!
Lúc đó 20 người chúng tôi bu quanh cửa sổ và thi nhau đặt câu hỏi hỏi làm anh Trật Tự bên ngoài không biết trả lời ai. Tôi hỏi to:
- Thế trại này có tù chính trị miền Nam không anh?
Anh chưa kịp trả lời thì có một số cán bộ bước vào sân và anh ta làm thinh. Tôi nhận ra trong số cán bộ vừa bước vào có Thiếu úy Lạc ở trại Nam Hà, người có mặt trên xe áp tải chúng tôi. Sau khi đứng ngoài sân nói gì với nhau một lúc, anh Trật Tự tới mở cửa buồng, một cán bộ cấp thiếu úy, người khá nhỏ bước vào buồng ra lệnh cho chúng tôi mang hết “nội vụ” ra sân để khám xét. Việc kiểm tra này là thủ tục thông thường khi tù nhân chuyển tới một trại mới.
Chúng tôi khệ nệ tay xách nách mang tất cả những gì mình có và theo một hành lang hẹp dẫn ra sân trại trong làn sương mù dày đặc. Thời tiết bên ngoài lạnh hơn tôi tưởng. Tôi bước đi vừa rét vừa run, mặc dù tôi đã mặc vào người thêm mấy lớp quần áo, nhưng với cái lạnh ở đây, quần áo vải chẳng thấm vào đâu. Ra tới nơi mới thấy bày sẵn một bàn nhỏ và một số khá đông cán bộ đang chờ sẵn. Tất cả đều mặc áo bông và đội mũ “Liên Xô”. Cuộc khám xét bắt đầu.
Theo quy luật trại, tiền bạc và các đồ quý giá đều phải gửi lưu ký. Riêng áo quần có thể gửi lưu ký hoặc giữ lại dùng trong trại tùy ý, nhưng nếu giữ lại đưa vào trại phải bị đóng dấu “CẢI TẠO” bằng hắc ín thật to sau lưng áo và trên ống quần. Ðóng dấu như vậy coi như bộ đồ ấy đã bỏ đi, nên nhiều người tiếc rẻ và muốn gửi lưu ký để khi ra về có đồ mới mà mặc.
ÐỘNG LÒNG TRẮC ẨN
Trong lúc đang kiểm tra và có mấy anh định gửi lưu ký quần áo, Cán bộ Lạc bước tới gần nói nhỏ, giọng khá xúc động: “Ở đây rét lắm, các anh giữ lại quần áo mà dùng, đừng gửi lưu ký làm gì!” Một lúc sau, khi đã khám xét và bàn giao xong, anh ta tiến lại nhóm chúng tôi nói nhỏ, không để cho cán bộ trại Quyết Tiến nghe thấy: “Ở trại Nam Hà sướng như thế mà các anh không chịu, bây giờ phải lên đây, tôi chẳng biết nói sao!? Thôi các anh ở lại, cố gắng cải tạo và nhớ giữ gìn sức khỏe”. Nói xong anh quay đi thật nhanh.
Tôi rất cảm động khi nghe Cán bộ Lạc nói những lời đó. Sau 2 năm ở tù, đó là lần đầu tiên tôi nhận thấy được lòng nhân nơi một người cán bộ. Anh cảm thấy ái ngại cho số phận chúng tôi, những con người mà anh biết là đang đi vào cõi chết. Qua câu nói bảo đừng gửi lưu ký áo quần, người cán bộ có ý nhắn là không bao giờ có dịp nhận lại nữa, và câu nói sau cùng trước lúc chia tay đã cho chúng tôi biết phần nào về số phận của mình. Sau khi khám xét xong, nhóm 20 người chúng tôi được chia ra làm hai, 14 người nhập vào đội lao động và 6 người bị lên khu kiên giam, trong đó có tôi.
KHU KIÊN GIAM TRẠI CỔNG TRỜI
Khu kiên giam là một nhà dài bằng đá tối om, có hành lang nhỏ ở giữa, chia ra mỗi bên 5 buồng hẹp, mỗi buồng khoảng 3 thước bề ngang và có sạp nằm bằng ván hai bên cho 2 người. Trong góc phòng có cầu tiêu và phía ngoài có cửa sổ nhỏ trông ra đường. Hằng ngày có anh tù đến gánh phân nơi hầm nhà cầu thông ra phía ngoài. Lúc tôi tới đó đã có sẵn mấy người trong khu kiên giam.
Mấy ngày sau nhờ liên lạc hỏi thăm anh em các buồng bên cạnh và hỏi chuyện anh tù gánh phân, chúng tôi được biết thêm về trại này.Trại Quyết Tiến nằm sát ngay biên giới Trung Quốc, thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Tuyên, tức là hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang gọi nhập lại. Trại này có biệt danh là trại “Cổng Trời” vì 2 lý do. Thứ nhất theo nghĩa đen, đây là trại tù nằm ở cao độ 2,500 thước trên mặt biển, (cao gần đụng trời!) Lý do thứ hai, vì đây là trại trừng giới dành cho các tù chính trị thuộc diện bất trị, lên đây một thời gian rồi sẽ về... trời! Do đó, trại này được coi như một phòng chờ đợi trước khi bước qua bên kia thế giới.
Trong trại cũng có một số tù hình sự có án nặng như tử hình giảm xuống chung thân, hoặc nhẹ hơn thì 20 năm, 18 năm, 15 năm v.v... Những người bị kêu án dưới 10 năm không phải lên đây. Số tù hình sự còn có hy vọng được tha sau khi mãn án, nhưng không mấy người sống sót vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự ác độc của con người trong trại trừng giới này. Cuối cùng rồi phần đông họ cũng đã bỏ xác ở đây trước khi mãn án.
Khi chúng tôi tới, trong trại đang có khoảng 350 tù hình sự với một số tù Biệt Kích và 5 người tù miền Nam từ các trại khác mới đưa lên, đó là các anh Ðặng Văn Tiếp, một cựu Dân biểu từ trại Hà Tây đưa lên trước chúng tôi 1 tháng cùng với các anh Nguyễn Thái Quân và Hoàng Trọng Hanh. Hai anh Nguyễn Văn Phước và Nguyễn Văn Trình là sĩ quan cấp Tá từ đảo Guam trở về trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín, về tới Việt Nam tất cả bị đưa thẳng vô
tù.
Anh tù làm Trật Tự mà chúng tôi gặp trong ngày đầu tên là Tuấn, nguyên là bộ đội. Anh là một người hiền từ, ít nói. Sau khi nhóm Nam Hà chúng tôi lên một thời gian, có một số tù chính trị từ các trại khác lần lượt tới đây, trong đó có 7 linh mục, nâng tổng số lên 48 người, mà về sau này chúng tôi gọi là “Nhóm 48 Quyết Tiến”. Theo cách hiểu lúc bấy giờ, đây là những người bị liệt vào đội trừng giới và bị kết án tử hình, được lựa ra từ nhiều trại khác nhau ở miền Bắc. Trong thực tế số người này có xứng đáng chịu số phận đó hay không, và sự lựa chọn có đúng “tiêu chuẩn” hoặc chính xác tới mức nào còn là vấn đề khác.
CƠN ĐÓI TRONG CẢNH RÉT
Lúc ở kiên giam, chúng tôi bị nhốt rong buồng cả ngày lẫn đêm nhưng không bị cùm như ở khu kỷ luật. Hai thứ ĐÓI và RÉT là hai tên hung thần hành hạ chúng tôi nặng nhất. Nhà kiên giam xây bằng đá, về đêm hơi lạnh của đá tỏa ra biến buồng giam thành một tủ lạnh và tù nhân phải nằm co ro trong cái “tủ lạnh” đó cả ngày lẫn đêm.
Tệ hại hơn nữa, cái lạnh hành hạ chưa đủ, lại còn thêm cái đói. Ở đây không có gì để ăn cho tạm gọi là no. Ðói và Rét như cặp bài trùng của bộ máy tiêu diệt con người. Khi hai yếu tố Ðói và Rét gặp nhau và hỗ trợ cho nhau thì sức tàn phá được nhân lên gấp bội. Thân thể con người càng đói thì càng rét; và hễ càng rét lại càng đói. Trong khu nhà kiên giam của trại “Cổng Trời” này, hai tên hung thần Đói và Rét đó cứ mải mê tranh tài “ai thắng ai” ngay trên da thịt xanh xao như tàu lá chuối và trong dạ dày xẹp lép của đám tù khốn khổ chúng tôi!
Mỗi ngày, tù ở khu kiên giam được cho ăn 2 lần, trưa và chiều, mỗi lần một chiếc bánh mì nướng to bằng cổ tay và dài chừng một gang. Trong khi các đội bên ngoài có thêm bữa ăn sáng vì phải đi lao động. Với hai chiếc bánh mì nướng khiêm tốn đó mà tôi nghiệm được câu nói trong tù: “Không ăn thì đói; ăn vào đói hơn!” Mà thật đúng như vậy, sau khi “nuốt” cái bánh mì từ 5 giờ chiều hôm trước, tôi nằm đắp chăn chịu trận cái rét dưới độ âm và chờ tới 17 tiếng đồng hồ nữa mới có cái gì cho vào dạ dày. Suốt thời gian dài đằng đẵng đó, tôi thường lịm đi hoặc nằm yên bất động như con sóc trong mùa đông.
Cữ ăn 10 giờ sáng hôm sau quấy động dạ dày thức giấc. Nó cồn cào và đòi hỏi thức ăn một cách dữ dội! Nó đòi ăn thêm để khỏa lấp chỗ trống còn rộng thênh thang của dạ dầy, nhưng nào có được! Sau khi ăn xong, tôi chỉ còn biết nằm im lìm chờ đợi, lắng tai nghe và mong tiếng động then gài cổng bên ngoài báo hiệu lúc anh Trật Tự lên cho ăn chiều.
Auckland. New Zealand
Ngày 27 tháng 6 năm 2022
Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ
No comments:
Post a Comment