Monday, October 11, 2021

Huế, Em Và Tôi - Nguyễn Đức Nhơn -

Bóng chiều vương cánh sắt
Lạc lõng giữa trời Trung
Mây ngàn mây lãng bạt
Núi gợn núi chập chùng!!!
(nđn)
                                              
Cô gái ngồi cạnh tôi nhìn mấy câu thơ tôi viết trên tờ giấy lau rồi khen:
- Thiếu Úy làm thơ hay quá!
- Cám ơn cô. Tôi mới biết làm thơ gần đây thôi. Cô khen làm tôi ngượng quá!
- Thiếu Úy làm việc ở Huế?
- Vâng, tôi là lính của Sư Đoàn I Bộ Binh
- Anh tôi cũng là lính của Sư Đoàn I, Trung Úy Bình anh có quen không?
- Ồ! Trung Úy Bình là bạn thân của tôi, anh ấy cũng thường nhắc đến cô. Không ngờ hôm nay tình cờ gặp được cô.
- Khi nào anh Bình về phép, mời anh ghé nhà chơi.
- Vâng, cảm ơn cô.
***
Tôi quay đầu nhìn ra ngoài. Những đám mây trắng như tuyết đùn lên từng cụm lớn, nối đuôi nhau trôi ngược về phía sau. Tôi cảm thấy lạc lõng cô đơn, nghĩ đến mình chẳng khác gì những đám mây kia, trôi nổi bồng bềnh, không biết đâu là bờ bến. Mới ra trường, tôi bị đẩy thẳng ra vùng hỏa tuyến. Một nơi hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Thực ra hồi còn đi học, tôi cũng thường mơ mộng đến những thành phố miền Trung, nhất là Huế. Những địa danh và những từ ngữ mỹ miều nói về Huế đã vẽ trong đầu tôi một thành phố vô cùng thơ mộng. Khi ấy tôi nghe lõm bõm về một bến nước nào đó mà người ta gọi là Bến Vân Lâu, rồi hình dung nơi đó có những cô gái tuyệt đẹp, mặc áo dài trắng với mái tóc thề bay bay trong gió. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để tôi lạc vào cõi thơ:
 
Có những buổi hoàng hôn êm ả
Tôi thẫn thờ trên bến Vân Lâu
Nhớ thương ai câu hò vĩ dậm
Thuyền ai kia tách bến về đâu?
(nđn)                                                    
 
Cái thời mơ mộng đó không ngờ lại trở thành hiện thực khi tôi cầm trên tay cái Sự Vụ Lệnh bổ sung quân số cho Sư Đoàn I bộ binh. Ngày đầu tiên đặt chân lên thành phố Huế, tôi cảm thấy có một cái gì đó hoàn toàn trái ngược với những gì mà tôi đã từng hình dung. Cả một thành phố đang nằm co ro, mệt mỏi, buồn hiu trong cái không khí chiến tranh bao trùm với những tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”(*), với những chiếc GMC chở đầy lính Mỹ xuôi ngược trên các con đường ngoại ô, bỏ lại những đám bụi mịt mù tỏa vào các quán ăn, quán nước, nơi mà những cô gái hành nghề mãi dâm và những em bé rách rưới thường đến đây, cà rà theo mấy anh lính Mỹ để kiếm chút tiền còm hay chút bánh kẹo. Tôi cảm thấy bâng khuâng, lạc lõng thật sự.
Tôi đang suy nghĩ miên man về cuộc đời lính tráng rày đây mai đó của mình, thì chiếc phi cơ giằng xốc kịch liệt. Tiếng động cơ ù lên, ngầm ngầm, nặng trịch, nhói vào tai tôi làm nhức buốt cả màng nhĩ. Hành khách, có người còn đang ngủ gà ngủ gật, chợt choàng dậy, đưa mắt nhìn dáo dác. Cô tiếp viên cũng vừa đến yêu cầu tôi sửa lại lưng ghế và cài dây an toàn.
***
Bình gọi hai ly cà phê đen. Móc túi lấy ra gói Capstan đầu lọc, rút một điếu đưa lên môi, rồi ném cả gói thuốc về phía tôi. Tôi hít một hơi dài rồi nói:
- Mầy kín miệng thật.
- Cái gì? Tao kín miệng cái gì?
- Em gái mầy đi Sài Gòn mà không cho tao biết để đi đón.
- Em gái tao? Mầy gặp nó ở Sài Gòn?
- Cái gì mà mầy cuống cuồng lên vậy. Làm như tao sắp bắt cóc em gái mầy không bằng. Mà em gái mầy tên gì vậy?
- Lan, Tôn Nữ Ngọc Lan. Đang học lớp Đệ Nhị Trường Trung Học Đồng Khánh.
Tôi định hỏi thêm một câu, nhưng chợt thấy cô chủ quán bước đến, nên vội đánh trống lảng:
- Cô em hôm nay đẹp quá nhỉ, tôi chịu cô em rồi đó.
- Dạ không dám.
Chờ cô chủ quán đi rồi, Bình lườm tôi:
- Ê, đừng có lạng quạng nghe cha nội, coi chừng tao đục bỏ mạng đó.
Hai thằng nhìn nhau cười ngất.

***

Bình cho xe dừng lại trước ngôi nhà lợp ngói âm dương ở ngoại ô thành phố. Bình xuống xe trước. Tôi nhìn vào khoảng sân rộng trước nhà. Sân lát bằng gạch đỏ, có nhiều hoa và cây kiểng. Trong sân không thấy một bóng người. Tôi hồi hộp thật sự. Bình nắm tay tôi kéo vào nhà. Đây là một ngôi nhà cổ, mái thấp, thiếu ánh sáng, bên trong rộng thênh thang. Chỉ có một căn phòng độc nhất, làm bằng gỗ, nằm ở một góc nhà. Bình gọi lớn:
- Lan ơi, nhà đi mô hết rồi?
Tôi nghe tiếng Lan trả lời từ căn nhà bếp phía sau. Tim tôi đập mạnh, cố lấy bình tĩnh để đối diện với cô gái mà tôi đã gặp một lần trên máy bay. Lan từ nhà sau đẩy cửa bước vào. Nhìn thấy tôi, Lan ngạc nhiên đứng khựng lại. Bình lên tiếng trước:
“Thiếu Úy Thắng, bạn anh.”
Quay qua tôi, Bình nheo một mắt, làm ra vẻ quan trọng:
“Lan, em gái tao.”
Tôi hơi bối rối, nhưng cũng kịp lấy lại bình tĩnh:
“Chào Lan, hân hạnh được gặp lại cô.”
Lan cúi đầu chào tôi nhưng không nói gì. Bình muốn phá tan cái không khí căng thẳng giữa hai người, nên pha trò:
- Này ông bạn, làm gì mà đứng chết trân rứa, ngồi xuống đi chứ.
Tôi nói cám ơn rồi ngồi xuống ghế. Lan cũng bỏ ra nhà sau.
***
Uống xong ly trà, Bình đưa tôi ra trước sân, vừa ngắm hoa vừa trò chuyện. Bình nói cho tôi nghe về cách thức trồng cây kiểng, dẫn giải từng loại cây phải làm thế nào để biến nó thành những hình dạng mình ưa thích. Làm thế nào để giữ cho nó chậm phát triển mà vẫn sống tươi tốt, khỏe mạnh. Tôi hơi ngạc nhiên về kiến thức chơi cây kiểng của anh chàng sĩ quan trẻ măng này, nhưng tôi còn đầu óc đâu mà nghe những thứ tào lao đó. Mặc cho Bình thao thao bất tuyệt, tôi chỉ… ờ… ờ… cho có lệ rồi để hết tâm trí vào cô gái xinh đẹp kia. Tôi lắc đầu chán nản, thở dài sườn sượt. Bình ngạc nhiên hỏi:
“Răng, mi không thích chơi cây kiểng à?”
“Đâu có, ai mà chẳng thích chơi cây kiểng.”
Tôi vừa trả lời vừa cười thầm trong bụng. Thực ra tôi đâu có thích ba cái trò chơi lẩm cẩm của mấy ông già vô công rỗi nghề này. Tôi mặc cho Bình hiểu lầm. Đầu óc tôi chơi vơi, trôi nổi vào cái không gian nửa quen nửa lạ của cái xứ Thần Kinh vừa thơ mộng vừa đầy bất trắc này.

***

Đã mấy ngày rồi tôi cứ đứng xớ rớ trước cổng trường Trung Học Đồng Khánh vào những giờ tan học, tôi không bỏ sót bất cứ một tà áo dài nào ngang qua trước mặt. Mấy cô nữ sinh tinh nghịch, bấm tay nhau nhìn tôi cười khúc khích. Đã mấy lần muốn bỏ cuộc, nhưng không biết sao tôi lại cứ lẩn quẩn mãi ở trước cổng trường với một nỗi buồn nôn nao khó tả. Đang đăm đăm nhìn theo một cô gái có thân hình quen quen, mà khuôn mặt thì bị cái cặp che mất. Tôi đang đứng thừ người ra, thì một cú đấm như trời giáng nện xuống bờ vai. Tôi điếng người quay lại thì Bình đang đứng lù lù trước mặt. Tôi đứng chết trân, không thốt được một lời. Bình kéo tôi vào một quán cà phê gần đó:
- Mi cứ nằng nặc đòi cho được cái phép về Sài Gòn thăm ông già mi đang bệnh nặng răng bây chừ mi lại ở đây?
- Ờ! Vừa mới được tin ông già tao khỏe lại rồi.
- Thôi đừng giả vờ nữa cha nội. Coi chừng tao đục bỏ mạng đó. Ủa, làm răng mà mi mặc nguyên cái bộ đồ nhà binh đứng chờ gái ngoài đường rứa, trời đất, lại còn gắn hai cái bông mai vàng khè lên cổ áo nữa chứ!
- Kệ tao, lòe một chút không được sao
- Lòe con khỉ. Cái thời buổi giặc giã này, chỉ có mấy cô nàng tửng tửng mới chịu bợ mấy ông lính về làm của nợ. Mi lên quân y viện mà coi, cụt tay, cụt chân nằm cả đống trên đó.
Tôi lảng sang chuyện khác:
- Mày cũng về phép hả?
- Tao đi công việc. Mi về cùng tao hay còn muốn ở lại gác trường?
Tôi cười bẽn lẽn:
- Biết rồi còn hỏi
- Răng mi không đến nhà mà chờ nó ở cổng trường rứa? Con nhóc đó không chịu gặp mi ngoài đường mô.

***

Từ khi yêu Lan, tôi thấy thành phố Huế đẹp lạ thường. Nhất là vào những buổi chiều êm gió, tay trong tay thả bộ dọc theo các con đường râm mát trong Thành Nội. Tôi và Lan khắn khít với nhau cho đến một hôm, tiếng bom đạn rền vang, thành phố Huế chìm trong khói lửa…
 
Cuộc Tình Lận Đận
 
Hương xinh đẹp mặn mà với mái tóc thề buông lơi óng ả. Tôi thầm yêu Hương nhưng vốn dĩ là một chàng trai quê mùa nhút nhát, tôi không dám thố lộ lòng mình cho Hương biết. Nhưng không ngờ Hương cũng đã thầm yêu tôi. Cuộc tình đơn phương giữa tôi và Hương không ngờ lại được kết thành trong một hoàn cảnh vui buồn lẫn lộn này. Vui vì đã hiểu được lòng nhau. Buồn vì cuộc sống bấp bênh của một người lính chiến rày đây mai đó, mạng sống chỉ tính được từng ngày, thì làm sao tạo được hạnh phúc cho người mình yêu!… 

***

Trong một trận đánh lớn kéo dài hai ngày hai đêm. Tôi bị thương trong trận đánh này. Tuy vết thương không nặng, nhưng nó làm tê liệt bàn tay phải của tôi, không cầm súng được. Hội đồng y khoa cho tôi được giải ngũ. Ngày về lại nhà, em gái tôi và Hương lên phi trường đón tôi. Hương hỏi:
- Anh bị thương có sao không?
- Không nặng lắm nhưng vết thương làm tê liệt bàn tay phải của anh nên Hội Đồng Y Khoa cho anh được giải ngũ.
Tôi chưa kịp hỏi gì thêm thì em gái tôi đùa:
- Hai người lo nói chuyện, bộ quên mất con nhỏ này rồi sao?
Hương nói nhanh:
- Ồ! Chị xin lỗi em nhé.
- Đùa thôi. Để em đi trước nhường cái không gian đầy lãng mạn này cho hai người tình tự. Em gái tôi vừa nói vừa bước đi, phút chốc bóng dáng của nó khuất vào một khúc quanh của con đường dốc từ phi trường dẫn về thị xã.

***

Mối tình giữa tôi và Hương kéo dài không được bao lâu thì một chuyện đau lòng xảy ra. Ông Lành, ba Hương ép nàng thành hôn với một người đàn ông góa vợ giàu có, tuổi tác đáng bậc cha mình. Hương là một đứa con có hiếu, không dám cãi lời cha mẹ. Trong thời gian chờ đến ngày tổ chức lễ cưới. Ba Hương cấm ngặt, không cho nàng gặp tôi. Trước nghịch cảnh đau lòng này, tôi chỉ còn một chọn lựa duy nhất là bỏ nhà ra đi. Ba má tôi không ngăn cản quyết định này của tôi.
Ba tôi nói:
- Con đã là người trưởng thành. Mọi việc tự con quyết định lấy. Ba má không giúp được gì cho con đâu.

***

Trước quyết định ra đi, tôi muốn gặp Hương một lần. Không ngờ lần gặp gỡ này khiến Hương bị cha nàng nhốt chặt trong phòng, Hương chỉ biết khóc thầm trong đêm. Không ngờ nỗi đau buồn này đã khiến Hương lâm vào một chứng bệnh lạ mà gia đình nàng chạy chữa thuốc thang thế nào cũng không khỏi. Trong suốt thời gian nằm bệnh, Hương không nói một lời. Hết khóc rồi lại ngủ. Bệnh tình của Hương mỗi ngày một thêm trầm trọng. Hơn ai hết, ba Hương là người biết rõ nguyên nhân gây ra chứng bệnh lạ này của Hương. Ba Hương làm điều này cũng vì một tình thế bắt buộc, không còn một chọn lựa nào khác. Cuối cùng vì quá thương con nên ba Hương đến nhà xin lỗi ba má tôi và nhờ ba tôi gọi tôi trở về gặp Hương, vì đây là cách duy nhất có thể cứu Hương thoát được căn bệnh ngặt nghèo này. Ba tôi vui vẻ nhận lời.
***
Nhìn vẻ hốt hoảng của đứa em gái, tôi biết ở nhà đã xảy ra chuyện.
- Nhanh lên, chị Hương bệnh nặng.
Tôi hỏi:
- Hương bị bệnh gì vậy?
- Về nhà sẽ biết.
Em gái tôi trả lời cộc lốc, khác hẳn với bản tính thường ngày của nó. Tôi vội ra xe chạy một mạch về nhà. Khi vào phòng, Hương nhìn tôi như nhìn một người xa lạ. Tôi ngồi xuống nắm tay Hương nói:
- Em đừng buồn. Anh sẽ ở mãi bên em. Không bao giờ xa em nữa.
Hương nhìn đăm đăm vào mặt tôi, rồi hai dòng nước mắt trào ra, tôi nghe đau nhói trong lòng… 

***

Một hôm, người đàn ông, mà ba Hương định gả nàng cho lão, đến nhà. Với vẻ mặt vênh váo, chẳng coi ai ra gì, ông ta nói lớn:
- Đám cưới không thành, ông phải trả lại tiền cho tôi chứ.
Ba Hương nói:
- Ông Vạn à! Xin ông nán lại cho tôi vài tháng nữa. Khi kiếm được tiền tôi sẽ trả cho ông ngay.
- Ông làm sao kiếm được tiền. Ông phải ép con gái ông làm vợ tôi, nếu không thì tôi sẽ làm lớn chuyện đó.
Ông Vạn lấy cây gậy đập lên bàn mấy cái thị uy rồi bỏ ra về. Hương vội kéo tôi núp vào một góc nhà bếp. Tôi như từ trên trời rớt xuống, không biết nội tình của gia đình Hương thế nào, nhưng theo lời hăm dọa của ông Vạn, tôi biết gia đình Hương đang nợ ông ta một số tiền rất lớn không làm cách nào trả nổi. Cũng vì món nợ này mà ba Hương phải chấp nhận điều kiện gả Hương cho lão để trừ nợ.
Hương kéo tôi đến chiếc xe nói:
- Anh chở em về nhà anh được không?
- Được em.
Hương nói tiếp:
- Em không muốn giấu chuyện này với hai bác. Em sẽ nói với hai bác những gì mà em đã nghe ông Vạn nói lúc nãy. Cuộc hôn nhân của chúng ta cứ để cho hai bác định đoạt…
***
Một hôm ba Hương đến nhà tôi. Ba tôi biết mục đích của ông đến để làm gì. Nhưng ông giả vờ ngạc nhiên hỏi:
- Ồ, ngọn gió nào đưa ông đến đây vậy?
Ba Hương nói:
- Không giấu gì anh. Con Hương nhà tôi đã mất tích mấy ngày nay. Tôi tìm nó khắp nơi mà vẫn không có tin tức gì của nó hết. Tôi đến đây nhờ anh chị có biết nó ở đâu xin chỉ giùm.
Ba tôi trả lời:
- Tôi thì không biết. Phiền anh chờ một chút, để tôi vào trong hỏi vợ tôi có gặp nó ở đâu không rồi sẽ ra cho anh biết.
Ba tôi vào trong bảo má tôi, tôi và em gái tôi vào phòng Hương. Ông hỏi nhỏ:
- Ba con Hương đến tìm nó, bây giờ tính sao?
Hương nói:
- Xin bác đừng cho ba con biết là con đang ở đây.
Ba tôi bảo mọi người đừng nói chuyện lớn tiếng rồi quay trở ra trả lời cho ba Hương là cả nhà không ai thấy nó ở đâu cả. Ba Hương nói lời cám ơn rồi ra về. Ba tôi trở vào nhìn mọi người nói:
- Hú hồn. Chút xíu nữa là tôi đứng tim luôn…
***
Ông Lành bước vào nhà tôi với một niềm vui thoáng hiện trong lòng, vì ông nghĩ là ba tôi đã biết Hương hiện giờ đang ở đâu. Sau một vài câu chuyện xã giao thường ngày, ba tôi nói thẳng vào đề:
- Chắc anh đoán được mục đích của tôi mời anh đến đây là để bàn về việc gì rồi chứ. Bây giờ tôi xin nói thẳng, anh cho tôi biết cặn kẽ về vấn đề khó khăn mà anh đang gặp phải. Tôi hứa sẽ giúp anh đến cùng.
Ông Lành thở dài sườn sượt nói:
- Hồi mẹ con Hương còn sống. Bà ấy bị bệnh “trụy tim mạch”. Tôi bán hết tài sản để chữa trị, nhưng bệnh tình của bà vẫn không thuyên giảm. Để có tiền tiếp tục chữa trị cho bà ấy, tôi phải vay ông Vạn năm ngàn đồng với phân lời cắt cổ. Nhưng cuối cùng bà ấy cũng bỏ lại cha con tôi mà ra đi… Bây giờ món nợ tôi vây ông Vạn cả vốn lẫn lời lên đến hàng chục ngàn, tôi không làm cách nào trả nổi.
Nghe ba hương nói xong, ba tôi thở dài hỏi:
- Vậy món nợ hiện tại cả vốn lẫn lời là bao nhiêu?
- Dạ tám chục ngàn đồng.
Ba tôi suy nghĩ một chút rồi nói:
- Thôi được. Tôi sẽ trả món nợ này cho anh, coi như đây là quà lễ cầu hôn con Hương cho thằng con tôi, chắc anh không phản đối chứ?
Ông Lành mừng húm nói:
- Muôn vàn cám ơn ông nhưng con Hương nhà tôi còn mất tích. Điều này không biết có thuận lợi cho cuộc hôn nhân của hai đứa nó không?
- Anh để tôi lo.
Ba tôi nói xong liền lớn tiếng gọi:
- Hương, con ra đây.
Khi Hương bước ra. Ông Lành nghiêm nét mặt nhìn Hương nói:
- Con quá quắt thật.
Hương nói:
- Con xin lỗi Ba.
Ông Lành nhẹ giọng nói:
- Con không có lỗi gì đâu. Hãy ở lại nhà hai bác chơi. Khi nào về cũng được.
Ông Lành nói tiếp:
- Muôn vàn cám ơn ông. Xin phép ông tôi về…
 
Nguyễn Đức Nhơn

No comments:

Post a Comment