Đây là câu hỏi mà tôi đã nhận được từ hàng chục nhà bảo trợ có lòng nhân ái đã nộp đơn bảo lãnh đồng bào tị nạn của chúng ta qua chương trình Welcome Corps đặt ra từ hơn 2 tháng qua, kể từ khi tổng thống Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ hai của ông. Vì chính tôi là một trong số những người đã lên tiếng kêu gọi, thúc dục cũng như khuyến khích họ nộp đơn bảo trợ cho hàng ngàn đồng hương của chúng ta đang vất vưởng ở bên kia bờ đại dương qua chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” (Private Sponsorship) do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phát động.
Vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025, giờ miền Đông nước Mỹ, tổ chức thiện nguyện Welcome.US đã có một buổi hội thảo qua mạng với những người có liên hệ đến các chương trình tị nạn để họ cập nhật tin tức về quyết định cũng như chính sách mới của chính quyền tân nhiệm dưới sư lãnh đạo của TT Donald Trump.
Chúng tôi xin tường trình một cách tóm gọn sau đây:
1. Chương trình dành cho các người xin tị nạn từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela (viết tắt là CHNV) ĐÃ BỊ HỦY BỎ TOÀN DIỆN. Điều này có nghĩa là người Mỹ không thể nộp đơn bảo lãnh mới để tài trợ cho các cá nhân chạy trốn bạo lực và đàn áp ở những quốc gia nói trên. Hiện tại vẫn chưa rõ liệu chính quyền mới có tiếp tục cứu xét các hồ sơ mà người bảo trợ đã nộp trước ngày 20 tháng 1, 2025 hay không?
2. Chương trình Đoàn Kết vì Ukraine (Uniting for Ukraine viết tắt là U4U) thì hiện chưa có một thông báo nào cụ thể nên xem như vẫn được tiếp tục, mặc dù tình trạng vẫn chưa chắc chắn lắm!
3. Chương trình Tiếp Nhận Người Tị Nạn Hoa Kỳ (U.S. Refugee Admissions Program viết tắt là USRAP) ĐÃ BỊ ĐÌNH CHỈ NGAY LẬP TỨC cho đến khi có thông báo mới, ngoại trừ từng trường hợp cụ thể (case-by-case basis). Tất cả các chuyến bay đưa người tị nạn đến HK định cư đều bị hủy bỏ, dù người tị nạn đã nhận được vé máy bay hay chuẩn bị lên đường. Quyết định này bao gồm cả The Welcome Corps, một chương trình tài trợ tư nhân thuộc USRAP, đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thành lập vào năm 2023, cho phép các công dân Mỹ hay thường trú nhân có thể bảo trợ riêng tư cho những người tị nạn đến nơi an toàn ở Hoa Kỳ.
Theo các viên chức trách nhiệm của tổ chức Welcome.US thì kể từ ngày hôm nay (22 tháng 1, 2025): The Welcome Corps SẼ KHÔNG NHẬN ĐƠN QUA CHƯƠNG TRÌNH BẢO TRỢ TƯ NHÂN và SẼ NGƯNG CỨU XÉT CÁC HỒ SƠ ĐÃ NỘP TRƯỚC ĐÂY, CHO ĐẾN KHI CÓ LỆNH MỚI. Mọi quyết định nói trên đều dựa theo các Sắc Lệnh Hành Pháp (Executive Orders) vừa được TT Donald Trump ký ban hành.
Câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì “SỐ PHẬN NGƯỜI TỊ NẠN SẼ RA SAO?”.
Là một người làm công việc định cư gần 50 năm (41 năm chính thức và 9 năm tình nguyện). Có thể nói rằng tôi đã trải qua biết bao nhiêu điều vui buồn, tủi nhục, kể cả những phút hân hoan và phấn khởi, cho đến những giọt nước mắt âm thầm nhỏ lệ khi đọc thư của đồng bào viết cho tôi từ Thái Lan mấy ngày qua. Tất cả những hy sinh, hy vọng, những cam kết đấu tranh, vận động để cánh cửa tự do hé mở ra cho họ từ suốt 5 năm qua, không lẽ bây giờ đành cam chịu?
Câu trả lời của tôi là KHÔNG! 50 năm trong nghiệp định cư người tị nạn, tôi đã từng trải qua 8 đời tổng thống Mỹ, và đây là lần thứ 9 một chính quyền mới ra đời. Luôn luôn họ mang theo một chính sách mới, chúng ta phải bình tĩnh, nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra một phương cách đấu tranh mới hầu tiếp tục những gì đang theo đuổi dở dang.
Có người vội so sánh và trách cứ các sắc lệnh khắt khe của TT Trump với những quyết định đầy lòng nhân ái của cố TT Jimmy Carter. Theo tôi thì chúng ta nên thông cảm khi những nhà lãnh đạo phải đối đầu với áp lực của từng hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Hình ảnh của hàng trăm ngàn thuyền nhân lênh đênh trên biển cả, đối diện với giông tố bão bùng, với hải tặc, với đói khát trên đường tìm tự do, so với hình ảnh của hàng trăm ngàn người nối đuôi nhau, tìm cách vượt biên để nhập cảnh bất hợp lệ vào nước Mỹ qua đường biên giới Mễ Tây Cơ, mà trong đó có cả những người VN, đa số thuộc thành phần giầu tiền, lắm của, mua vé máy bay đến các quốc gia Trung Mỹ rồi trả tiền để bọn buôn người đưa lậu vào HK. Những biểu tượng đó khá trái ngược với nhau, ít nhất là dưới con mắt của các công dân Mỹ. Và đó cũng chính là sự quan tâm đưa đến quyết định mà họ dùng lá phiếu để chọn người lãnh đạo theo ý của mình.
Vậy thì chúng ta nên làm gì? Kinh nghiệm của tôi cho biết, chỉ cần làm một điều duy nhất: “VẬN ĐỘNG HÀNH LANG” mà người Mỹ thường sử dụng vũ khí này, họ gọi là “advocacy action”! Trong quá khứ, các chương trình tị nạn như: ODP, HO, Amerasian, ROVR, McCain children, Cứu Vớt Thuyền Nhân (Rescue Boat People), Thẻ Xanh cho diện PIP, định cư người Việt ở Phi Luật Tân hay Thái Lan v..v... Tất cả các chương trình này không phải tự nhiên mà có. Và nó sẽ không thành hiện thực nếu không có sự tranh đấu và vận động hành lang một cách tích cực bởi nhiều cá nhân, hội đoàn hay tổ chức cộng đồng của người Việt chúng ta tại hải ngoại. Từ lập pháp, đến hành pháp, ngay cả bộ tư pháp HK.
Tổng thống Jimmy Carter sẽ chẳng biết đến “boat people” là ai, nếu không có các nhóm người Việt biểu tình ngoài Tòa Bạch Ốc. Họ kêu gào và khóc lóc thảm thương cho số phận của các thuyền nhân đang chết đuối trên biển Đông, đến nỗi ông Carter phải ra tận ngoài hàng rào để tiếp xúc và lắng nghe nguyện vọng của họ. Kết quả là vị tổng thống giầu lòng nhân ái đó đã trở thành nhà lãnh đạo đón nhận người tị nạn đông đảo nhất trong lịch sử HK. Tổng thống Ronald Reagan cũng sẽ chẳng ký chấp thuận chương trình HO nếu không có sự vận động tích cực của Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị VN cùng sự hiệp sức của đồng hương người Việt tại hải ngoại...
Vậy thì có hy vọng gì hay không? Câu trả lời của tôi là CÓ, và có rất nhiều hy vọng NẾU cộng đồng người Việt tại hải ngoại quan tâm và vận động cho đồng bào của mình.
Trước hết hãy đọc kỹ Sắc Lệnh Hành Pháp liên quan đến các chương trình định cư người tị nạn, để phân tích một số điểm tích cực ở trong đó: (https:www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/01/realigning-the-united-states-refugee-admissions-program).
- Hy vọng thứ 1: Ngay tựa đề của sắc lệnh đã nói rõ là, TT Trump chỉ muốn “tổ chức lại” (realigning) chứ không phải chấm dứt chương trình định cư ngưới tị nạn.
- Hy vọng thứ 2. Mục đích của việc tạm đình chỉ được nêu rõ trong Mục số 2 (Sec. 2) (Policy): “Chính sách của Hoa Kỳ là đảm bảo rằng an toàn công cộng và an ninh quốc gia là những cân nhắc tối quan trọng trong việc quản lý USRAP, và chỉ chấp nhận những người tị nạn có thể hòa nhập hoàn toàn và phù hợp vào Hoa Kỳ và đảm bảo rằng Hoa Kỳ bảo tồn nguồn tài nguyên của người nộp thuế cho công dân của mình”.
Tôi tin là hầu hết những công dân HK, dù sinh ra ở nước Mỹ hay là người nhập tịch cũng đều đồng ý với mối quan tâm nói trên. Nền an ninh của một đất nước mình đang sống, và không ai muốn đón nhận những người nhập cư không những đã không hòa nhập vào xã hôi, hay tự lực cánh sinh, mà lại còn là gánh nặng cho những người dân đóng thuế.
- Hy vọng thứ 3: Thời gian tạm đình chỉ có đề cập đến trong Mục số 4 (Sec. 4) của sắc lệnh (Sec. 4. Resumption of the U.S. Refugee Admissions Program): “Trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành sắc lệnh này, Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa, sau khi tham vấn với Bộ Trưởng Ngoại Giao, sẽ đệ trình báo cáo lên tổng thống thông qua Cố Vấn An Ninh Nội Địa về việc tiếp tục tiếp nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ”.
Trong toàn bản văn của sắc lệnh, đây là đoạn quan trọng nhất đối với tôi. Nó tựa như một cái chìa khóa để mở cánh cửa bế tắc hiện nay. Cộng đồng chúng ta có 90 ngày, hay 3 tháng để vận động, tranh đấu cho đồng hương tị nạn của mình.
NẾU các vị đại diện cộng đồng người Việt ở khắp các tiểu bang. NẾU các cơ quan, đoàn thể hay các tổ chức tôn giáo tiếp xúc với các vị dân biểu, nghị sĩ, thống đốc hay dân cử địa phương, trình bầy và đạo đạt nguyện vọng về số phận của 2000 đồng bào của chúng ta đang vất vưởng ở Thái Lan (một con số rất nhỏ so với hơn 12 triệu di dân bất hợp lệ đang sống ở HK). Chính những vị dân cử này họ sẽ chuyển các lời thỉnh cầu của chúng ta lên quý vị bộ trưởng trách nhiệm trong vòng 90 ngày sắp tới.
Hiện nay hầu hết các chức vụ chủ tịch cộng đồng, từ liên bang, đến tiểu bang hay thành phố đều nằm trong tay những người rất trẻ, thuộc thế hệ thứ hai. Trưởng thành, lớn lên ở HK nên họ rất thông suốt về ngôn ngữ cũng như phương cách vận động hay gõ cửa các nhà lập pháp, hành pháp trong chính quyền. Đấy là chưa kể đến kết quả của cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã có rất nhiều khuôn mặt người Mỹ gốc Việt trở thành thượng nghị sĩ hay dân biểu quốc hội từ các cấp liên bang đến tiểu bang. Đặc biệt là vô số chức vụ giám sát viên hoặc nghị viên thành phố. Tất cả đều là những người có thẩm quyền để hỗ trợ cộng đồng trong các cuộc vận động hành lang.
Ngoài ra một yếu tố rất quan trọng nữa là đã có không ít thành phần có khả năng và địa vị trong cộng đồng của chúng ta đã tích cực đóng góp, yểm trợ tổng thống đắc cử Donald Trump hoặc các vị dân cử khác. Mong rằng họ cũng sẽ được cân nhắc và bổ nhiệm vào một số chức vụ trong chính quyền hay trong hệ thống lập pháp. Và khi có quyền thì hy vọng họ sẽ không quên những người “thấp cổ, bé miệng”.
Tôi còn nhớ vào năm 2001 nếu không có sự hỗ trợ của luật sư Đinh Việt, thứ trưởng bộ tư pháp HK thuở đó hỗ trợ, thì đạo luật Thẻ Xanh Cho Diện PIP (Indochinese Parole Adjustment Act.) do chúng tôi tranh đấu và vận động đã không được nhanh chóng thi hành để hơn 20 ngàn người Việt trở thành công dân Mỹ từ quy chế tạm dung (parole status). Một thí dụ điển hình khác, nếu không có sự tiếp tay và giúp đỡ của luật sư Thục Minh, phụ tá thượng nghị sĩ John McCain thì nhạc sĩ Việt Khang sẽ không đến được bến bờ tự do...
Đây cũng là lúc mà các YouTubers hay các cơ quan truyền thông đã mạnh mẽ và tích cực cổ vũ cho TT Donald Trump đắc cử (trong số đó có cả chính những người tị nạn tại Thái Lan). Các ban hãy lên tiếng kêu gọi các vị đại diện cộng đồng, các bạn hãy tiếp tay phỏng vấn đồng bào tị nạn tại Thái Lan cũng như các nhà bảo trợ, để cung cấp tin tức hầu tạo thêm sức mạnh cho công cuộc vận động định cư đồng hương của chúng ta. Không có tổ chức hay cá nhân nào có thể đơn phương làm được điều này. Tôi tin tưởng nếu cộng đồng chúng ta chung tay, sát cánh làm việc trong 90 ngày sắp tới thì kết quả sẽ rất khả quan.
Những điểm cần nhấn mạnh (talking points) trong cuộc vận động liên quan đến 2 điều quan tâm chính nằm trong Mục số 2 (Sec.2) của sắc lệnh hành pháp, đó là “an toàn công cộng, an ninh quốc gia” và “chỉ chấp nhận những người tị nạn có thể hòa nhập hoàn toàn và phù hợp vào Hoa Kỳ”
Cộng đồng người Việt tị nạn trong nửa thế vừa qua đã chứng minh, chúng ta không thuộc các thành phần này, kể cả 2000 đồng bào đang sống ở Thái Lan, hoặc các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở trong nước hiện nay.
- Chưa có bất cứ một người tị nạn VN nào bị chính phủ Mỹ truy tố vì đã vi phạm hay có các hành động làm nguy hại đến nền an ninh của quốc gia HK. Ngược lại, hàng chục ngàn người gốc tị nạn VN, cả nam lẫn nữ đã và đang phục vụ trong các cơ quan quốc phòng, tư pháp hoặc gia nhập quân đội để bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ.
- Hầu hết người tị nạn VN đều tự lực cánh sinh. Họ không những KHÔNG là gánh nặng của nước Mỹ, mà ngược lại đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia HK. Chỉ nội 2 ngành, cung cấp thực phẩm và kỹ nghệ móng tay, người tị nạn VN đã đóng góp hàng trăm tỷ dollars mỗi năm. Cung cấp cả triệu việc làm và thúc đẩy sự phát triển sang các lãnh vực khác v..v...
Nói tóm lại, định cư người tị nạn VN, chỉ đem thêm nguồn tài nguyên và lợi ích cho đất nước HK mà thôi, lịch sử đã chứng minh điều này. Và với tất cả những điều phân tích kể trên, chúng ta có thể kết luận rằng:
TƯƠNG LAI VÀ SỐ PHẬN CỦA ĐỒNG BÀO TỊ NẠN NẰM TRONG TAY CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HẢI NGOẠI.
Nam Lộc