Xe nghĩa địa (second hand) từ trái sang:
1. 1976 Honda C 50.
2. 1978 Honda C 50.
3. 1977 Honda C 50.
1967 Yamaha Mate 50 Japan, Nhập cảng cuối năm 1966.
1967 Honda PC 50 hình chụp tháng 5/1975.
Gia đình anh nông dân vô cùng hạnh phúc vừa sắm được xe 1967 Honda SS50 (không biết xe này tương đương với bao nhiêu giạ lúa?)
Bùng binh ngã sáu Saigon lúc chưa có tượng Phù Đổng Thiên Vương 1965.
CHỢ TRỜI XE GẮN MÁY CŨ GIA LONG.
Lời nói đầu: Bài viết này được viết với dạng hồi ký,
nên những tên tuổi hay năm tháng có thể không được chính xác lắm. Kính xin quý
vị vui lòng tha thứ. Rất mong quý vị bổ sung thêm để cho bài viết được phong
phú hơn.
Trân trọng
Vũ Hồng Trung.
Thư từ xin liên lạc email:trungvudhammasial@gmail.comĐã được đăng trên Tương Tri.com ngày 20/7/2015.
https://tuongtri.com/2015/07/20/cho-troi-xe-gan-may-cu-gia-long/comment-page-1/
A. PHẦN MỘT.
1. XUẤT XỨ CHỢ TRỜI.
Theo lời Bác Mười Vũ - Trần Vũ, là cha ruột của anh em
nhà anh Trần Hai (anh hai rổ), Trần Tỷ, Trần Sáu, Trần Chín… Nhà bác mười nằm ở
trong hẻm đường Trần Hưng Đạo, gần ngã ba đường Nguyễn Cảnh Chân, quận Nhì,
Saigon. Câu chuyện được bác kể lại vào khoảng sau năm 1976 [1]như sau:
"Khoảng giữa năm 1965, bác thường ra nhà buôn bán xuất
nhập cảng xe gắn máy Thanh Tâm (sau này bán lại cho nhà buôn Phi Hùng), số 323,
đường Gia Long, gần ngã sáu đánh bài. Một hôm trông lúc đang đứng trước cửa
hàng chờ bạn đến để gầy tụ đánh bài, thấy một người đem chiếc xe Gobel - Sachs
[2]đến bán lại (xe đã mua của tiệm này cách đó một tháng). Nhưng ở đây, người
chủ tiệm đã từ chối không mua, vì họ không mua bán xe cũ.Thấy vậy, bác mười hỏi anh ta muốn bán bao nhiêu? Người
này đang cần tiền gấp nên muốn bán giá rẻ. Thấy ra sự chênh lệch giửa giá xe mới
và cũ, bác đã bỏ tiền ra mua nó. Hôm sau, bác dựng xe trước cửa tiệm, bác cắt
miếng giấy carton ngang một tấc, dài khoảng ba tấc, bác viết hai chử “xe bán” để
trên guidon xe. Ba ngày sau, có người đã bằng lòng mua xe này (vì hợp với túi
tiền cho những người không đủ tiền mua xe mới). Thấy vậy, mấy người bạn của bác
muốn góp chung vốn làm ăn với bác. Bác đồng ý. Bác mười là một trong những người
tiền phong, sáng lập chợ trời mua bán xe gắn máy cũ, ở đường Gia Long, khu vực
ngã sáu từ đó.
Thấy vậy, nhiều người làm việc ở Tổng Nha cảnh sát,
thuộc ngành an ninh, họ cũng theo chân bác mười ra mua bán xe cũ như: Chú Chánh
lùn, Bác Chí mập hay những anh đã được hoãn dịch vì lý do gia cảnh (gia đình
đông, có 06 con trở lên) như anh hai Đẩu, anh hai Sao, anh năm Thà…
Cho đến những tháng đầu năm 1975. Đã có hơn 20 người
mua bán xe cũ trên khu vực ngã sáu này.
Sau năm 1975 – 2003 đã có lúc hơn 500 anh chị em lái
buôn và môi giới.
2. NHỮNG DÒNG
XE MỚI NHẬP CẢNG.
Còn những tiệm bán xe gắn máy hai bánh mới ở chung
quanh đây như Thanh Tâm, Hòa Bình, Mỹ Tấn, hai anh em nhà Vinh Sơn, Kim Sơn…
hay xa hơn qua khỏi rạp hát Long Phụng, gần ngã tư Gia Long & Trương Công Định,
có các nhà buôn Hồng Phát, Kim Thịnh, Phi Hổ, Phi Long, Liên Chi[3]… vẫn bán
các loại xe nhập cảng của Pháp, Đức, Áo, Ý và Nhật như Velo Solex, Mobylette,
Puchs, Goebel, Lambretta, Honda, Suzuki, Yamaha…
Thử nhớ và hình dung lại đoạn đường Gia Long, từ ngã
sáu chạy vô đến nhà ông Cự Thất[4], vào thời điểm của năm 1969.
Hai bên lề đường, trước những nhà buôn và nhà lân cận
là những thùng gổ hình chữ nhật, chứa các xe gắn máy bên trong, chồng chất lên
cao 5, 6 lớp. Xe xúc - xe nâng hàng (folklift) đang bốc dở nhưng thùng hàng từ
trên xe hang đem xuống đường.
Điển hình tại cửa tiệm Vinh Sơn số 307 đường Gia
Long[5], khách hàng đang ra vô tấp nập, nhộn nhịp, có người đang hỏi thăm về
giá cả, có người thì đang chờ thợ ráp xe…
Phần nhiều tâm lý của khách hàng, họ thích mua xe còn
nguyên trong thùng.
Mỗi thùng chứa 02 xe Honda nam SS 50 (67), hay 03 xe
Honda nữ (dame) C50.
Có những người chuyên môn khui thùng chứa xe. Mỗi ngày
họ túc trực trước những cửa tiệm. Nếu có nhu cầu, họ khui và mua lại những
thùng cây này, sau đó bán lại cho các vựa ở trong Chợ lớn (chuyện này kiếm được
nhiều tiền)
Vào thời gian này, đã nhập qua loại xe Honda nam SSM
50 còn gọi là xe 69. (nhập cảng cuối năm 1968). Xe thiết kế đồng hồ tốc độ rời,
tay lái ngang như xe 67, bình xăng màu xám dẹp, yên ngắn, pô vắt (hệ thống xã
khói). Có hai màu đen và đỏ. và ngầu hơn
xe kiểu thể thao Scamler 1968.
Hộp số có 6 số: 012345. Thanh niên rất thích loại kiểu
dáng thể thao này (thon gọn, dáng kiểu thể thao hơn loại xe Scambler 1968)
1969 Honda SSM 50. Giá mỗi chiếc là: 36.500 đồng (vàng
khoảng 4000 đồng một lượng)
Trong cửa tiệm cũng có bán xe Honda nam SS50/67 có hai
màu đen và đỏ. Giá mỗi chiếc là 35.000 đồng.
- Xe Honda dame C 50 cũng có hai màu xanh và đỏ. Giá mỗi
chiếc là 30.500 đồng.
- Honda PC 50. Có hai màu xanh và đỏ.
- Xe Suzuki M 12. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Xe Suzuki M 15. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Xe Suxuki M 30. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Mini Lambretta 50. Màu trắng và xanh da trời.
- Xe Yamaha YA 10 nam. Màu xanh.
- Xe Yamaha YF 30 nữ. Màu xanh.
- Xe Bridgestone 50 màu đỏ.
- Xe Kawasaki M 10 màu đen và màu đỏ (không có nhập xe
nữ)
Chánh phủ không có đánh thuế vào người tiêu thụ. Người
mua chỉ có chịu thêm vài chục đồng tiền con niêm (tiền tem).
Nhà buôn chỉ đóng thuế môn bài kinh doanh (buôn bán)
sĩ và lẻ mà thôi.
a. Ráp xe.
Đôi khi khách hàng mua quá đông, người thợ ráp xe ngay
trên vĩa hè, trước cửa tiệm.
Mỗi xe có kèm theo một thùng đồ.
Thợ ráp vè, bánh xe trước, dây đồng hồ tốc độ, thắng,
đèn trước, nối các dây điện, tay lái, kiếng chiếu hậu, yên xe… (ráp bửng che
gió cho xe nữ). Đổ nước acid vào bình ắc quy.
Tùy theo nhu cầu. Có người mua thêm borbagare, để bảo
vệ đèn lái sau và đèn signal, bao yên xe, bao tay cầm, gắn hai hình Honda hai
bên thùng xăng (xe nam, để chống ăn cắp hai miếng cao su), khóa nắp xăng, hộp
bao bọc bình carburatuer / bộ chế hòa khí xăng cho xe nam.
Riêng xe nữ, khách hàng còn mua thêm chiếc giỏ sắt
đàng trước, dùng để dựng thêm đồ khi đi chợ, hoặc thêm ghế nhỏ để chở trẻ con.
Phần đông, khách hàng ai ai cũng nhờ thợ ráp chạy xe
đi hàn thêm pát sắt vào chân chống để làm ổ khóa đứng (ngừa ăn trộm xe). Vì
khóa cổ đi theo xe, chỉ cần gặt mạnh tay lái, thì ổ khóa bung ra rất dể dàng,
không an toàn. Ở đây, nhà buôn cũng có bán các loại khóa của Đức hay Mỹ. Nhưng
mọi người lại thích khóa điện tử của Nhật mới nhập (khóa này hình chữ nhật,
chìa khóa là một thanh kim loại cũng hình chữ nhật, bên hông ổ khóa có một nơi
để đặt thanh chìa khóa vào để mở ra. (khóa này áp dụng lực đẩy của nam châm để
mở khóa).
b. Quà tặng của hãng Honda dành cho khách hàng là:
Mỗi xe được một túi xách màu đỏ bằng simili, có dây
kéo fermatuer, nhản hiệu Hm - Honda Motor, bên trong vòng tròn màu trắng và
cánh chim lớn bên ngoài.
Một quyển sách cẩm nang hướng dẫn về những cơ bản khởi
động máy xe bằng tiếng Việt, và một bộ đồ nghề bao gồm:
- 01 tuýp mở bugi.
- 01 cây tròn bằng sắt đường kính khoảng 10mm dùng
chung để mở bugi.
- 01 khóa vòng 17 - 23 để mở ốc bánh xe.
- 01 cây kềm nhỏ.
- 01 chìa khóa miệng 10-14.
- 01 chìa khóa 8-12.
- 01 cán cây tuột nơ vít [6]bằng nhựa cứng màu đỏ.
- 01 cây vít có hai đầu bằng và tứ giác.
- và sau cùng là một lon sơn nhỏ, để dậm vá nếu sơn xe
bị trầy xướt.
c. Hàng quán (chung quanh khu vực những nhà buôn).
Trong khi chờ đợi vì người mua quá đông, thợ ráp xe
không kịp, mà bụng lại đói. Khách mua xe chỉ băng qua bên kia đường đối diện,
thưởng thức một tô mì vịt tiềm hay mì bồ câu nổi tiếng của Kim Phụng mì gia. Bảo
đảm ăn thật vừa khẩu vị và sẽ trở lại lần sau. Vì mì ở đây, nổi tiếng ngon nhất
ở khu vực Sàigòn (bên cạnh đó tiệm này còn có bán món ăn tráng miệng Phục linh,
ngọt lịm)
Hay nếu khát nước, khách có thể kêu các loại sinh tố
hay các loại nước ngọt như coca cola hay xá xị, vì xe bán sinh tố ở bên kia đường
đối diện.
d. Nhu cầu của khách hàng.
Sau khi ráp xe xong, người mua xe thanh toán tiền cho
cửa tiệm. Thợ nổ máy cho khách hàng xem. Theo nhu cầu của chủ xe, người thợ ráp
chạy xe về hướng rạp Long Phụng, quẹo tay phải trên đường Nguyễn Phi, ghé tiệm
đổ acid, ghé tiệm hàn nằm ngay góc đường Lê Thánh Tôn, nhờ thợ hàn hai miếng
bát vào chân chống xe (để chống trộm). Sau đó ghé đổ đầy bình xăng ở cây xăng
Shell hay Esso[7] (tùy theo sự yêu cầu của khách hàng).
e. Các nhu cầu khác...
Nhiều người ở Trãng Bàng, Tây Ninh không biết chạy xe.
Họ đẩy bộ ra bến xe hành khách, ở đường Phan Văn Hùm, ngã sáu, nhờ xe đò chở về
nhà. Bến xe khách này chạy các tuyến đường:
Saigon – Bà Điểm – Hóc Môn.
Saigon – Củ Chi – Trảng Bàng.
Saigon – Long Hoa – Tây Ninh.
f. Các nhu cầu khác (tt).
Đôi khi người mua không quen (người nữ) chạy xe trong
thành phố, hoặc sợ chạy xe đi đường xa. Họ thuê thợ ráp xe, chạy về nhà dùm ở
các tỉnh lân cận như Biên Hòa, Bình Dương…
g. Lợi nhuận của nhà buôn.
Mỗi chiếc xe bán ra nhà buôn kiếm được 2.000 đồng,
tương đương với ½ lượng vàng 24K của vàng lá Kim Thành.
Tiền công ráp xe mỗi chiếc được 100 đồng (chưa tính
thêm tiền tip).
Thành phố với trên dưới 04 triệu dân. Sự mua bán rộn rịp
như vậy ở đây mỗi ngày. Ban đêm, xa xa bên ngoài thành phố… đâu đó tiếng nổ của
bom đạn vọng về. Cuộc chiến đấu của quân đội VNCH, đang chống lại thảm họa xâm
lăng của Cộng Sản Bắc Việt, vẫn còn đang tiếp diễn…
Xe hai bánh gắn máy Honda càng ngày càng chiếm lĩnh thị
trường[8]. Vì người dân chọn sự tiện lợi của nó. Không phải đổ xăng pha nhớt giống
như các loại xe 2 thì khác như Kawasaki, Yamaha hay Suzuki. Và động cơ xe Honda
4 thì, máy xe chạy mạnh và bốc hơn và không bị đóng chấu bugi khi chạy đường
xa!
Công việc kinh doanh mua bán rất thuận lợi, ngoại trừ
thời gian Tết Mậu Thân, Việt cộng đánh phá và chiếm đóng đồng loạt các thành phố
lớn. Những nhà buôn phải bán lỗ, thấp hơn giá xe nhập cảng (ví dụ nhập một chiếc
xe tổng cộng luôn phí chuyên chở vận tải là 30.000 đồng. Bán chỉ thu được
28.000 đồng).
Sau năm 1972. Chánh phủ không cho nhập cảng xe nữa.
Giá xe mới còn tồn kho, bán ra nhảy vọt lên đến 300.000 đồng một chiếc (theo lời
bà Tôn Nữ Tố Nga, chủ nhà buôn Vinh Sơn kể lại[9])
B. PHẦN HAI.
1. ĐUA XE.
Nhộn nhịp nhất là những cuộc đua xe gắn máy, trong các
dịp lễ như Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10 của nền Đệ I Cộng Hòa, hay Ngày Quân
Lực 19 tháng 6 của nền Đệ II Cộng Hòa, thường được tổ chức ở sân vận động quốc
gia Cộng Hòa, quận 10 hay sân vận động Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng, quận nhứt.
Các lò làm xe đua như lò Tám Giàu ở Xóm Cũi, hay lò
Thành Hưng ở quận Nhì…
Tay đua Trần Văn Hai, còn gọi là Hai Tịnh, là tay đua
của lò Thành Hưng. Lò Thành Hưng nằm ở góc đường Phát Diệm và Võ Tánh, là một
trong những lò làm xe đua, đã đạt được nhiều giải huy chương vàng trước năm
1975 (bác Chín[10], chủ lò Thành Hưng là anh ruột của bác Mười Vũ)
Vào những ngày trước khi có cuộc đua xe xảy ra, các
tay đua của lò Thành Hưng, hay các tay đua độc lập như Anh Năm Thà (mang số
35), thường đem xe ra chạy thử ở đoạn từ đầu đường Gia Long đến ngã ba Nguyễn
Phi. Cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, khác thường kèm với những âm thanh của tiếng máy
xe gầm rú, hình ảnh những chiếc xe đua phóng lướt đi với tốc độ rất cao, gây
nhiều âm thanh náo nhiệt, ồn ào ở nơi đây!
Vào thời kỳ đầu, các lò xe đua đều sử dụng xe máy
Sachs, sườn Brumi, dung tích lòng xy- lanh 49cc, máy hai thì chạy xăng pha nhớt,
long xy lanh xoáy hết cở cốt 4, tốc độ chạy đường trường đạt đến 100 - 110km /
giờ.
Sau khi các loại xe gắn máy của Nhật nhập vào từ năm
1966. Lò anh tám Giàu ở Xóm Củi, đầu tiên làm xe Honda đưa vào sân để tranh tài
cùng với máy Sachs, nhưng chạy không lại. Tay đua Trần Văn Hai chạy xe Brumi của
lò Thành Hưng vẫn đoạt được nhiều giải huy chương vàng.
Không ai làm xe Yamaha để đua, chỉ riêng độc nhất tay
đua Năm Thà, mang số 35 sử dụng xe Bridgestone.
Sau đó vào khoảng năm 1970, các lò đua đã biết kỹ thuật,
móc lổ xăng, vớt quy-[11]lat, xoáy lòng xy-lanh, thông pô… Và từ đó xe Honda đã
làm mưa làm gió trên các đường đua.
Chính tay đua Trần văn Hai, cũng đành phải chia tay với
chiếc xe Brumi của mình, chuyển sang chạy xe Honda!
Ngoài những kỹ thuật về máy như xoáy lòng cy- lanh,
khoét lổ xăng, lổ lửa, móc pô… Các xe đua phải tháo rời những gì không cần thiết,
để cho xe nhẹ bớt đi trọng lượng. Họ còn phải thay nhông trước, dĩa sau cho xe
đạt đến tốc độ tối đa.
Người viết bài cũng đã từng chạy xe lòng cy-lanh 50
xoáy 65 cc, nằm trên yên chạy trên xa lộ Đại Hàn, xe đạt đến tốc độ 120 - 125
km/ giờ lúc đó. Nhưng khi vào đường đua sân Hoa Lư, chạy thử chiếc xe đua, chỉ
có một vòng tròn, đã cảm thấy muốn rớt tim ra ngoài. Vì máy xe rất mạnh, mà đường
đua toàn là đá nhỏ, quá trơn trợt. Như vậy mới cảm thấy bái phục những tay đua
xe có thần kinh thép, vô cùng dũng cảm và thật gan lì quá!
Vì sau này các lò đua đã gắn lòng cy-lanh 89 cc xoáy
lên đến 110 cc. Nên máy xe rất mạnh (lòng 89cc lấy ra từ các xe Honda S 90, mua
lại của người Mỹ).
2. ANH HÙNG XA LỘ.
Còn những cuộc đua xe bất hợp pháp, thường được tổ chức
trên xa lộ Biên Hòa (đoạn đường từ Nghỉa Trang Quân Đội đến ngã ba Tân Vạng)
hay khu vực Bà Hom vòng đai xa lộ Đại Hàn vào khoảng năm 1969 – 1970. Các tay
đua được truyền miệng nhau, về địa điểm sẽ tranh tài. Rất đông những thanh niên
nam nữ và người đi theo xem, hay dân chơi cá độ, cược tiền.
Tham dự những cuộc tranh tài này thật thú vị, vô cùng
hào hứng và thật quá gay cấn, hồi hộp…
Thường khi phải có người luôn canh chừng cảnh sát bố
ráp. Cảnh sát mà bắt được, phải đóng phạt tiền rất nặng. Những cuộc đánh cá thường
từ 500 ngàn hay có khi đến bạc triệu.
Đoạn đường đua trên xa lộ thường không dài lắm, khoảng
chừng 8- 10 Km. Sau khi đưa tiền cho trọng tài giữ. Hai tay đua đem xe chạy đến
chỗ xuất phát.
Sau khi nhận được lệnh xuất phát. Hai chiếc xe gầm rú
lên, tống hết công suất, vụt phóng đi như hai viên đạn pháo rời nòng, bay lướt
trên mặt đường nhựa nóng bỏng. Thường thì những người đi theo cá độ hay đi xem,
rất thích chạy xe theo sau đuôi.
Vì xe đua chạy tốc độ cao, nên dĩ nhiên muốn chạy theo
xem, thì máy xe của mình cũng phải đủ mạnh để bám đuôi theo hai xe đua!
Nếu đứng tại chổ gần mức đến, xem cuộc đua xe, bạn
cũng có những cảm nhận kinh nghiệm khác. Xa xa tít tầm mắt chỉ là hai chấm màu
đen mờ nhỏ, bạn đã nghe âm thanh thật dòn của hai chiếc xe vang vọng đến… Và rồi
hai chiếc xe trông như không có người lái (vì hai tay đua này, hai tay cầm tay
lái, đang nằm dài, ép ngực mình dẹp sát trên yên xe, hai chân duỗi thẳng đàng
sau). Khi xe chạy ngang qua mức đến, âm thanh của nó gầm rú như tiếng nổ của
máy bay phản lực… và tích tắc, vụt qua mất hút trong tầm nhìn của bạn! Lúc đó,
tim của bạn đang đập rất mạnh vì hồi hộp và căng thẳng!
Có khi cuộc đua xe bất phân thắng bại. Vì hai tay đua
đã cùng bay xuống nước (khu vực xa lộ Đại Hàn, gần ngã tư Bà Hom, toàn là những
cánh đồng ruộng)! Vì khi gần đến mức đến, một tay đua đã thấy mình thua, liền lấn
ép xe kia cùng lao xuống ruộng!
Hoặc khi bị cảnh sát rượt đuổi, thiên hạ mạnh ai nấy
chạy tán loạn, bung ra tứ phía, nên cuộc đua xe thất bại. Có người bị bắt đem về
đồn, tạm giữ vài giờ, đóng tiền phạt.
Trong các lò móc xe chạy trên xa lộ. Có anh tên gọi là
Phì Lũ (người tàu, to mập) ở khu vực chợ Thị Nghè. Chuyên môn xoáy lòng xy lanh
và chỉnh bình xăng con (carburateur – hay còn gọi là bộ chế hòa khí). Một người
bạn thân, đã tốn không biết bao nhiêu tiền bao anh ta ăn uống, để nhờ làm xe độ.
Vậy mà khi chạy trên đường ra Vũng Tàu chơi. Người bạn thì nằm trên yên xe chạy
trên 120 – 130 km/giờ, mà Phì Lũ thì ngồi xỗng lưng, xe vẫn chạy phom phom, lướt
nhẹ nhàng qua mặt xe người bạn. Người bạn rất buồn, vì phì lũ đã không thật
lòng đối với anh ta (chi rất nhiều tiền mà vẫn còn dấu nghề)!
C. PHẦN BA.
CÁC LOẠI XE ĐÃ NHẬP CHÍNH THỨC VÀ CÓ MẶT TRÊN THỊ TRƯỜNG
VIỆT NAM CỘNG HÒA.
1. Hoa Kỳ - USA.
Hãng Harley Davidson, loại xe phân khối lớn từ 600 cc
trở lên do chánh phủ Hoa Kỳ viện trợ cho cảnh sát công lộ VNCH và một số trong
phủ Tổng Thống dùng để mở đường cho những yếu nhân V.I.P (very important
person).
2. Đức quốc – Germany.
BMW
Sử dụng xăng pha nhớt.
Xe 250 cc, 350cc, 750 cc (750 cc mới nhập vào năm 1974
từ đời xe này sử dụng xăng nguyên chất).
3. Italy – Ý quốc.
Xe Lambretta –
Lambro.
Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
- Loại mini scooter 50 cc.
- Loại 150 cc, loại 175cc.
Xe Lambro. 450 & 550 cc. Dùng để chuyên chở hành
khách và hàng hóa.
– Tất cả dòng xe này nhập qua đại lý Vinaco.
4. Ytaly – Ý quốc.
Xe Vespa.
Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
- Xe loại Mini 50 cc / 1966.
- Xe Vespa Standard 150cc / 1960.
- Xe Vespa Super 150 / 1965.
- Xe Vespa Sprint 150 / 1970.
Và Vespa 175cc chở hành khách vào năm 1960.
5. France – Pháp quốc, nhập cảng năm 1950 - 1965. Xe
nhập qua đại lý Lucia, đường Lê Lợi ngay Thương xá Tax, quận nhì, Saigon.
- Xe Velo Solex.
Máy 50cc, hai thì, sử dụng xăng pha nhớt.
Kiểu V1800. V2200. V3300. V3800 (khung sườn và đèn trước
hình vuông)
Không có hộp số. Máy xe nằm đàng trước, có bánh đá
nhám. Muốn khởi động máy, phải đạp xe chạy lấy trớn, tay trái bóp air, tay phải
kéo máy thả ra về đàng trước. Bánh đá nhám làm lăn bánh xe trước, khởi động máy
xe. Khi muốn hãm tốc độ xe lại, chỉ cần bóp hai thắng tay. Ngày trước, phụ nữ mặc
áo dài chạy xe này trông rất thanh lịch và duyên dáng.
Mobylette.
- Xe nam 50 cc màu vàng & màu xám (tuýp sườn làm bằng
02 ống đủa sắt)
- Xe Mobylette
màu xanh AV 85/50cc và Xám AV 49/50 cc.
- Xe mobylette Cady 50 cc, rất dể thương dành cho các
cô gái tuổi teen.
- Xe cyclo máy ba bánh, do hãng Motobycane sử dụng động
cơ 250 cc.
6. Hãng xe Puchs - Áo quốc - Austria. Sử dụng nhiên liệu
xăng pha nhớt.
Do ông Đặng Đình Đáng nhập vào VN.
- Xe nam 50 cc. Đèn chiếu sáng đàng trước có hai kiểu:
‘đèn tròn thường và ba đèn’. Máy rất mạnh có 3 số 0123, chạy vọt hơn xe Goebel.
Bạn có thể thấy sức mạnh của nó khi người ta ráp máy
vào xe ba gác. Sức đẩy của nó trên một tấn vẫn chạy phom phom.
7. Hãng Sachs - Đức quốc - Germany. Sử dụng nhiên liệu
xăng pha nhớt.
- Loại kiểu Ischia, Gobel, Brumi 50 cc. Sử dụng xăng
pha nhớt. Chỉ có loại xe nam. Hộp số có ba số 012.
- Xe sườn Brumi máy Sachs đã một thời làm mưa làm gió,
trên các đường đua xe gắn máy trước năm 1970 trong sân vận động Cộng Hòa hay
sân Hoa Lư.
8. Hãng Ducati – Ytaly. Ý Đại Lợi.
Xe 50cc hai thì, sữ dụng xăng pha nhớt. Không có xe nữ.
9. Anh Quốc – England
Xe Triump.
Sử dụng xăng pha nhớt. Các loại xe này máy phân khối lớn
250 – 350 cc.
Nhập vào Miền Nam khoảng năm 1950 – 1955.
10. Nhật Bản - Japan.
a. Hãng xe Suzuki.
Nhập cảng từ năm 1966.
Sử dụng xăng pha nhớt.
Các loại xe nam 50 cc M 12 và M 15
- Xe nữ M 30, nhập từ năm 1966 - 1968.
Có ba màu: màu đỏ, màu đen và màu tím.
Sau năm 1968, các nhà buôn không nhập xe nữa. Vì không
cạnh tranh nổi với hãng xe Honda.
Các lọai phân khối lớn hơn như Suzuki 250cc, 350cc… nhập
khẩu theo đơn đặt hàng cá nhân hay người Mỹ đem vào.
b. Yamaha - Nhật Bản. Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
- Loại xe JF 50 cc nam & nữ (hộp số có 4: 0123) có
ba màu đen, đỏ và xanh.
- Loại xe J1L - 100 cc nam (do du học sinh hay người Mỹ
đem vào).
c. Hãng Bridgestone - Nhật Bản. Động cơ
50cc hai thì - xăng pha nhớt (hộp số có 4: 0123)
Chỉ nhập xe nam có hai màu đỏ và màu đen. Không có xe
của nữ.
d. Hãng Kawasaki. Japan – Nhật Bản. Sử dụng nhiên liệu
xăng pha nhớt. Nhập cảng vào SG năm 1965. Độc nhất loại xe chỉ có loại xe nam
50 cc. Có hai màu đen và đỏ. Hộp số có 04 số = 1230 (ba số đạp tới đàng trước).
Máy chạy rất bền, nhiều xe còn sử dụng đến ngày nay.
Dòng Xe HONDA. Japan - Nhật Bản.
Máy Honda dung tích dưới 50 cc/phân khối, là một cuộc
cách mạng cho các động cơ xe gắn máy hai bánh.
Sử dụng nguyên liệu xăng nguyên chất super, không pha nhớt. Động
cơ bốn thì (04), rất mạnh, tốc độ có thể đạt đến 100km/giờ và rất bền. Chạy đường
xa máy lâu nóng hơn các máy loại xe hai thì (02), chạy xăng pha nhớt. Xe hai
thì, chạy trên 100 km, máy nóng, bu- gi / Spark – plus bị đóng chấu, phải ngừng
lại nghỉ cho máy nguội, tháo và làm sạch chất dơ trên đầu bu gi (đóng chấu: lửa
không đốt cháy hết nhớt, nhớt trong hỗn hợp của xăng bị nóng khô lại)
1. Các dòng
xe Honda nam:
- S 50/1965,
- SS50/ 1966
- SS50/1967,
- CL50/ 1968,
- SS50M/ 1969,
- CD 50/ 1970,
- SS50E/ 1971,
- SS50V/ 1972.
Có hai màu đen và đỏ cho các đợi xe từ năm 1966 –
1970.
Từ năm 1971 có thêm màu xám lông chuột.
Năm 1972 màu đỏ của rượu vang – Bordeaux.
2. Honda nữ dame C50 các đời số sườn C50 YA/ 1965 (đời quân đội)
C50 YK/1972.
- Honda P 50 nhập
từ năm 1965[12].
- Honda PC50 - 1967 – 1970.
- Honda PS 50 - 1970 (có bình xăng ở giữa và số tay 4 số)
- Các loại Cub Nữ C 65, C 90 do người Mỹ đem qua.
- Honda Nam S 90/ 89cc, Honda CB + CD 90/ 89cc, CB +
CD 250/ 250cc, CB 350/ 350cc, và CL 750/ 750cc, do người Mỹ đem vào.
- Vào năm 1970, kiều bào người Việt sau khi bị người
Miên cáp duồn[13], chạy về nước có đem theo xe Honda PC 50, Honda nam S 90 màu
đỏ rượu chát / màu bordeaux và xe hơi Peugeot 404 hay 505.
Tất cả các xe gắn máy được nhập cảng theo các đại lý
như sau:
- Xe Lambretta & Lambro nhập qua hãng Vinaco.
- Xe Puch nhập qua hãng Đặng Đình Đáng.
- Xe Velo Solex, Mobylette, Motobecane nhập vào qua hãng Lucia đường
Lê Lợi.
- Xe Honda nhập qua hãng Vạn Tín. Kim Thịnh…
- Sau này nhà buôn Vinh Sơn còn nhập xe Daihatsu để
bán. Hãng Honda đầu tiên sản xuất xe Cub 50 năm 1958 nhưng VNCH bắt đầu nhập xe
từ năm 1965. Trong các dòng xe nữ đầu tiên. Quỹ tiết kiệm quân đội có bán xe trả
góp cho quân nhân và nhân viên quốc phòng, nên thường gọi là xe dame đời quân đội.
Đầu năm 1975, chánh phủ dự định sẽ thay thế tất các loại
xe chở hành khách công cộng Lambro, bằng loại xe Daihatsu của Nhật Bản, nhưng
chưa kịp thực hiện, thì Việt Nam Cộng Hòa không còn!
D. PHẦN BỐN.
1. NHỮNG NĂM THÁNH CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sau khi hiệp định ngưng bắn được ký kết tại Paris vào
ngày 27 tháng 01 năm 1973. [14]Mỹ và các quân đội đồng minh đã rút quân về nước.
Cuộc chiến đấu cho tự do, và ngăn chận hiễm họa cộng sãn, giờ chỉ còn lại một
mình! Dân quân VNCH phải chiến đấu trong cô đơn và sự khó khăn. Vì chánh phủ Mỹ
đã bội ước, hạn chế viện trợ, cũng như từ từ ngưng cung cấp, thay thế chiến cụ…
Với sự viện trợ tối đa của khối Liên Xô và Trung Cộng.
Cộng Sản Bắc Việt đã xé bỏ lời cam kết, vượt tuyến, xua quân tấn công vào các tỉnh
thành miền nam. Quân đội VNCH chỉ còn sử dụng hàng tồn kho, cung cấp cho chiến
trường một cách nhỏ giọt, phi cơ không xăng, súng không có đủ đạn… Do vậy
QLVNCH chỉ còn cầm cự, rút quân, di tản để bảo vệ người dân. Cuối cùng một mình
không thể chống lại với kẻ thù gấp ba bốn lần, mà họ lại được trang bị vũ khí tận
răng.
Sau hai năm chiến đấu cầm cự. Ngày 30 tháng 4 năm. Tổng
thống Dương Văn Minh, đã kêu gọi quân nhân các cấp buông súng đầu hàng vô điều
kiện.
Không đánh mà thua. Quân đội VNCH bị bức tử, đất nước
đã lọt vào tay của Cộng Sản.
Sau khi CS cưỡng chiếm miền Nam, những nhà buôn nhập cảng
xe đã bỏ đi hết, như anh em nhà Vinh Sơn, Kim Sơn, Hòa Bình, Phi Hùng, Phi
Long, Liên Chi và các nhà nhập cảng len như Cự Hà, Lê Tiến…
Ủy ban quân quản [15]đã tiếp thu và đóng quân trong những
nhà đó.
E. PHẦN NĂM.
1. GIAI ĐOẠN từ tháng 5 -1975 – 1980.
Thành phố Sài Gòn thanh lịch, với những chiếc xe gắn máy
cùng tà áo dài thướt tha, đã biến mất sau ngày mất nước!
Bầu trời thật u ám, ảm đạm với những chiếc xe đạp uể oải,
lang thang vô định trên đường phố. Những cô giáo không còn dám mặc áo dài màu,
áo dài bông, mà phải mặc áo bà ba màu màu đậm khi lên đứng lớp. Những sĩ quan
và những người làm việc trong các cấp của chánh quyền, bị gọi đi học tập cải tạo.
Thân nhân của họ bị cưỡng bức hồi hương hay đi lên vùng kinh tế mới. Đó là những
vùng đất hoang vu, trước đây là những vùng đất trắng (vùng được cho oanh kích tự
do). Họ được cung cấp một mái nhà giống như cái chòi, không có vách. Một nơi ở
không có căn bản tối thiểu về y tế. Những người ăn trắng mặc trơn, chưa bao giờ
biết cầm cây cuốc, cây suỗn, giờ phải học cuốc, học cày, trồng trọt để mưu
sinh. Với sự khắc nghiệt của môi trường sống, bị sốt rét hay bị bệnh vì sương
lam, chướng khí. Dù đã tận lực lao động nhưng họ vẫn không có đủ thức ăn. Phần
nhiều họ sống nhờ sự tiếp tế, giúp đở thực phẩm của thân nhân họ hàng (hoặc nửa
gia đình đi KTM, nửa ở lại thành phố mưu sinh, tiếp tế cho những người vùng
KTM). Vì bị chết chóc, bị bệnh tật và không thích hợp môi trường, nên họ đã trốn
về sống lây lất trên vĩa hè. Những người còn tiền vàng hay có thân nhân gởi
chui về, họ đã tìm đường ra đi, tìm cách để vượt thoát ra khỏi thiên đường cộng
sản. Họ đã ra đi dù biết rằng trên đường đi, có thể sẽ bị hải tặc cướp bóc, hãm
hiếp hoặc giết chết. Nhưng họ vẫn phải ra đi với sự hy vọng “đi tìm cái sống
trong cái chết”. Cuối cùng một số người đã được đặt chân đến bến bờ tự do.
Theo thống kê của Boat People / Hội Cứu Người Vượt Biển từ
năm 1975 – 1990, có trên 600,000 người đã vùi thây trong rừng sâu, hay chôn vùi
trong lòng đại dương. Những người dân ở vùng đảo Thổ Chu, Phú Quốc, đã chôn nhiều
xác con gái, đàn bà thân thể trần truồng, bị hãm hiếp rồi quăng xác xuống nước,
trôi dạt vào bãi biển. Và từ đó, trong tự điển quốc tế, có thêm một từ mới
“Boat People – Thuyền Nhân”
2. CHỢ TRỜI – FLEA MARKETS.
Hầu hết dân chúng ở hòn ngọc viễn đông phải đem đồ trong nhà
ra bán để sống. Vì là thân nhân của công chức[16], hay quân nhân trong
QĐVNCH[17], nên khó tìm việc làm. Ngoài trừ nhà nước cần lưu dụng những nhân
viên cũ như y tá, bác sĩ, thầy cô giáo, trong một thời gian ngắn.
Vì vậy nhiều chợ trời mọc lên như nấm trong cơn mưa đầu mùa:
– Chợ bán bàn ghế, tủ thờ, giường nệm ở đường Trần Quý Cáp.
– Chợ đồng hồ Huỳnh Thúc Kháng.
– Chợ chén dĩa, sành sứ, đồ kiểu…trên đường Lê Công Kiều.
– Chợ sách cũ trên đường Hồ Văn Ngà.
– Chợ thuốc tây Nguyễn Phi.
– Chợ thuốc tây Tân Định.
– Chợ xe đạp Ngã Bảy.
– Chợ quần áo cũ Hàm Nghi.
– Chợ quần áo cũ ở đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Bình.
– Chợ quần áo cũ khu vực Lăng Ông Bà Chiểu.
- Chợ trời xe gắn máy cũ ở ngã bảy Lý Thái Tổ - Lê Hồng
Phong chừng vài chục người buôn bán.
– Trong số các chợ trời, chợ trời mua bán xe gắn máy cũ khu
tam giác Gia Long - Nguyễn Phi - Phạm Hồng Thái là chợ trời lớn và đông người
nhất (thời điểm từ năm 1985- 1990, ước lượng khoảng trên 500 người vừa lái buôn
vừa cò.
F. PHẦN SÁU.
CHỢ TRỜI KHU VỰC NGÃ SÁU PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG.
A. XE ĐẠP.
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước(4/1976), vì xăng chỉ
cung cấp cho cán bộ và công nhân viên làm việc trong các cơ quan. Dân thường
không có phiếu mua xăng dầu, nên thiên hạ đành rũ nhau đi xe đạp. Những chiếc
xe đạp treo trên gác xép, quăng trong góc bếp mấy chục năm nay, giờ được lấy xuống
sử dụng, là tài sãn quý nhất của người dân thành hồ!
Và vì nhu cầu của xã hội, nên các hãng sản xuất xe đạp phải
tăng tối đa năng xuất.
Xe đạp hãng Lucia của Pháp, mới đầu bán ra hơn 200.000 đồng
một chiếc xe đạp mini. Thiên hạ ùn ùn sắp hàng chen lấn nhau để mua. Vì xe làm
bằng tube sắt tốt, dáng thanh nhã, phụ tùng theo xe là của Pháp. Nhưng bán chưa
được bao lâu thì hãng buộc phải đóng cửa đi về Pháp. Sau đó nhà nước tiếp thu,
đổi tên thành nhà máy xe đạp Sài Gòn Giải Phóng.
Các hãng xe đạp nhà nước khác cũng cho ra lò xe Chiến Thắng,
xe Cửu Long…
Và từ đây người dân xài hàng nội hóa. Cũng như các mặt hàng
khác tất cả do nhà nước quản lý như xăng dầu, thực phẩm, gạo thóc…
Vì nhu cầu quá thiếu thốn, mà nhà nước “ngăn sông cấm chợ”,
nên người dân tìm cách sinh tồn bằng đi buôn. Tất cả mọi mặt hàng nhu yếu phẩm
đều là buôn lậu hết như gạo, thịt, cá, đường, dầu ăn…
Và mỗi tỉnh, nhiều trạm kiểm soát mọc lên để lục xét, đóng
thuế, và tịch thu hàng hóa của dân đi buôn.
Vào thời gian tháng 3 năm 1979, xãy ra cuộc chiến biên giới
phía Bắc. Tàu Cộng đã xua quân đánh chiếm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng đốt
phá, tàn sát, hãm hiếp, giết chết phụ nữ…
Phong trào vượt biên nở rộ. Đến đâu cũng nghe thiên hạ bàn
tính đường đi. Những người quen từ từ biến mất. Có người được tin đã đến đảo
như Điệp[18], Vân, Quang[19] em của Sỹ. Có người thời gian biến mất, nghe gia
đình nói đã vượt biên và họ đang ngóng chờ tin tức!
Sau đó nhà nước cho phép người Hoa đóng vàng, mua tàu đi bán
chánh thức. Nhiều chuyến vượt biên đã làm mồi cho cá. Vì họ bị lũ người gian ác
lường gạt, bán tàu đường sông lên be, làm mũi lại. Nên khi ra biển gặp sóng lớn
đánh chìm!
Nhiều tàu vượt biên lênh đênh trên biễn 30, 40 ngày. Vì
không ai biết lái và định hướng la bàn. Nhiều chiếc hết lương thực, người ta phải
ăn thịt người chết để sống sót…
Theo thống kê của Hội Cứu Người Vượt Biển - Boat People SOS ở
Hoa Kỳ từ năm 1975 đến năm 1990, đã có hơn 600,000 người chết hay mất tích trên
đường vượt biên!
1. XE ĐẠP PHÁP / PEUGEOT.
Khoảng năm 1980 – 1985.
Những chiếc xe đạp hiệu Peugeot, do thân nhân từ các nước tư
bản, đặt hàng bên Pháp, đã nhập qua đường biển vào Cảng Sài Gòn.
Hàng này được dân miền Bắc có tiền ưa chuộng. Dân miền nam
chỉ biết bán ra để mà ăn.
2. XE ĐẠP MỸ.
Xe đạp Mỹ được thân nhân gởi về qua Cảng Saigon.
Trong số các lái buôn bán xe đạp có anh em Anh Tài Đen, ở
Khánh Hội.
- Lái buôn ngoài Hà Nội đem xe đạp Tiệp Khắc vào nam bán và
mua xe đạp Pháp Mỹ đem về bắc.
3. XE ĐẠP X.H.C.N
Ngoài Bắc, những du học sinh đi học ở các nước như Tiệp khắc
– Crez, Hungary, Bungary, khi về nước mua xe đạp đem về. Xe của Tiệp Khắc được
dân miền Nam ưa chuộng vì thép tốt, nhẹ và mẫu mã đẹp.
B. XE HAI BÁNH GẮN MÁY X. H. C. N
Những cán bộ đi công tác hay du sinh Miền Bắc, đi học ở các
nước XHCN, khi trở về nước đã đem về các lọai xe gắn máy của Tiệp khắc như:
1. Xe Simson S 50 cc, S 70 cc.
2. Xe Babetta cũng 50 cc.c. Xe Jawa 50 cc.
Sau này đem về xe Jawa 350 cc.
Tất cả các loại xe này đều chạy xăng pha nhớt.Thời gian này ở
Saigon, dân chúng đã có tiền mua xăng bán lậu ở ven đường, nên hàng xe Babetta
bán chạy. Lái buôn miền bắc như Dân ở đường Nguyễn Thị Nghĩa (Phan Văn Hùm cũ),
hai vợ chồng người bắc ở nhà 301 bis, đường Gia Long… nhờ con buôn phía bắc đem
xe vào nam, bằng tất cả mọi phương tiện như tàu thủy, xe lửa, xe hàng …
C. XE GẮN MÁY CŨ VNCH.
Những gia đình có thân nhân đi cải tạo, những gia đình có
người đi nước ngoài, những gia đình không có người làm cho nhà nước… và với
tình trạng khan hiếm xăng dầu trên toàn quốc nên những chiếc xe gắn máy không đụng
đến và vì thiếu tiền mua gạo, mua thức ăn phải đem xe ra bán để trang trãi
trong cuộc sống.
Sau khi người dân Miền Nam bị bắt buộc đổi tiền đợt 2 năm
1978, mỗi nhà chỉ có đổi được 200 đồng còn dư bao nhiêu nhà nước giữ lại (có
biên nhận đàng hoàng số tiền dư ghi bao nhiêu cho người gởi).
Một ngày đang đứng làm
cò đón xe ở ngã sáu Phù Đổng, một người
đàn ông trung niên đạp xe ngừng lại gặp tôi hỏi thăm về giá cả thị
trường và muốn
bán một chiếc xe Yamaha Mate 50 màu xanh từ lâu trùm mền không đi. Tôi
hỏi thăm
ông về chủ quyền xe ai đứng tên và tình trạng xe… Sau khi nghe được
những thông
tin tốt. Tôi liền hỏi ông muốn bán bao nhiêu thì ông trả lời cậu cứ vô
xem xe
đi rồi trả giá. Tôi đồng ý đạp xe cùng ông từ ngã sáu Phù Đổng vô ngã ba
cây thị.
Đến một căn biệt thự nằm trong khuôn viên đất rộng lớn. Ông nói gia đình
ông đi
nước ngoài hết và ông đang bị bệnh. Vào bên trong căn nhà ông đưa tôi
vào một
căn phòng kế bên nhà bếp tôi thấy một chiếc xe được phủ một tấm drap
trắng ngã
màu vàng úa. Kéo tấm vải trắng ra bên trong chiếc xe Yamaha Mate màu
xanh da trời
phủ một lớp bụi mõng. Đưa ngón tay quẹt lớp bụi ra tôi không tin vào mát
mình
màu sơn của chiếc xe còn nguyên vẹn từ đầu đến đuôi. Lốc máy màu sơn bạc
không
bị một vết trầy xước. Niền xe, đèn signal, không bị một tí hoen rĩ và
nước xi
mạ vẫn còn sáng chói. Nhờ ông thỉnh thoảng nổ máy nên bình điện vẫn hoạt
động tốt và sau khi tôi đút chìa khóa, bậc công tắc lên, tôi đạp máy
kich hoạt động cơ, máy xe nổ ngay tức thì. Tiếng
nổ dòn tan thật êm tai. Tôi kiểm soát tất cả đèn trước sau, signal vẫn
hoạt động
tốt. Nhìn vào đồng hồ con số chỉ mới 360 km. Ông nói trước đây nhà ông
đi xe
hơi, thỉnh thoảng vợ của ông chạy chút ít đi chợ. Ba năm nay sau ngày
giải
phóng không có tiền mua xăng nên chiếc xe này không ai đi. Tôi tắt máy
xe và hỏi
ông về giấy chủ quyền xe. Xe ông đứng tên và hộ khẩu ở địa chỉ này. Sau
khi xem
xong giấy tờ tôi hỏi ông bây giờ ông muốn bán xe này bao nhiêu tiền? Ông
nói, tôi không biết giá cả xe, nhờ câu giúp đở bán giùm tôi giá cao
nhất, để tôi có
tiền chửa bệnh. Tôi nói với ông giá xe Yamaha đẹp hiện nay ở ngoài chợ
giá khoảng
60 – 80 đồng. Xe đẹp như vầy này thị trường có thể đến giá 100 đồng. Ông
nói
ông muốn bán 120 đồng. Tôi nói với ông răng giá đó cao lắm nhưng tôi sẽ
cố gắng
xem sao. Ông nói tôi tin cậu, cậu ráng giúp đở tôi đi.
Đạp xe trở về chợ, tôi đi đến những anh chị chuyên mua xe xịn
giá cao. Ai cũng nói nếu xe đẹp như mầy tả không ai dám mua trên 80 đồng! Cuối
cùng tôi gặp anh Ngọc (bốn anh em đều ra đây buôn bán xe Ngọc, Ngà, Châu, và
Báu), diễn tả tình trạng xe cho anh. Anh đồng ý đi xem xe và nói cho tôi 20 tiền
cò. Anh chở tôi bằng xe Honda dame của anh. Vô đến nhà anh xem sơ tình trạng, nổ
máy và xem giấy tờ chủ quyền, căn cước và hộ khẩu. Xem xong anh nói chủ xe bớt
anh 10 đồng, tính 110 đồng thôi. Nhưng chủ xe nói tôi phải bán đi để lấy tiền
chửa bệnh. Nghe vậy anh Ngọc lấy tờ giấy mẫu mua bán viết vô những thông tin của hai bên
và kêu ông ký tên và chồng tiền cho ông. Sau đó tôi chạy chiếc xe này về cửa hàng anh Ngọc. Dân
buôn bán xe ở chợ nghe nói xe đẹp đến xem ai cũng trầm trồ khen nhưng nghe tới
giá cả đã mua ai cũng lắc đầu, nhún vai!
Xe này sau đó bán lại cho một thanh niên người Hoa, tôi
không biết anh Ngọc bán được bao nhiêu tiền (nhưng chắc chắn là anh bán giá
cũng cao vì hàng độc!) Sau đó dân Chợ Lớn thấy chiếc xe chiến này nên từ đó săn lùng xe Yamaha Mate nhiều lắm (có một
thời thanh niên nam nữ tàu Chợ Lớn thích chơi xe Yamaha xịn) và chiếc xe này được
nỗi tiếng vang bóng một thời! (nó mang biển số 555).
D. XE NGHĨA ĐỊA 1984 – 1990.
1. NGUỒN XE TỪ TÀU THỦY VIỄN DƯƠNG.
Những dòng xe cũ - second hand, được thủy thủ tàu viễn dương
đem về. Mỗi thủy thủ được mua đem về một chiếc xe cũ. Khi về đến Cảng Saigon, các
anh thường đến đường Gia Long, kêu mối lái xuống tàu xem mua xe. Các anh chỉ lấy
vàng độ 9 tuổi 6. Vào thời gian này có nhiều chỗ thử vàng kiếm tiền rất dễ
dàng, chỉ cần mỏ hàn xì để khè và đá mài để định tuổi vàng.
Theo lời kể lại của các thủy thủ. Đầu tiên, họ vào nhà người
Nhật gần bến cảng chơi. Thấy xe cũ để trong sân nhìn thèm thuồng. Người Nhật hỏi
các anh có muốn không? Họ gật đầu muốn. Người Nhật không những cho không, mà
còn chất lên xe tải nhẹ, chở ra chỗ bến tàu đậu. Sau này buôn bán được, các anh
em vào bãi xe nghĩa địa, chọn xe. Xe nào máy nổ trả 100 USD. Máy không nổ, chủ
bãi lấy 80 USD.
Những hàng xe hút (hot) nhất là xe cub 50 đời 1981, đồng hồ
báo tốc độ, nhún sau ba tầng, màu xanh rêu, có khi bán ra trên ba cây vàng!
Thỉnh thoảng anh em thủy thủ cũng đem về xe Honda Twin 100
hay Honda CB 125 màu bạc. Riêng loại xe CB này, gọi là “hàng chiến” vì có chiếc
trị giá đến 8 lượng vàng.
2. XE NGHĨA ĐỊA TỪ THAI LAND.
Về bằng đường bộ, nhập qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang hay
Mộc Bài, Tây Ninh.
Nhiều anh em bộ đội đóng quân gần cửa khẩu Tịnh Biên, hay Mộc
Bài, Tây Ninh đã mua lại xe của các lái buôn Cambodia. Mà hàng này từ Thái Lan
đem sang. Những anh em lái buôn bộ đội này, sau khi mua xe xong, làm giấy hải
quan nhập khẩu. Và chạy xe từ An giang về bán ở chợ Gia Long. Mỗi xe lời được
vài chỉ vàng. Thời gian này hàng hút là xe cub cối 1978- 1980 (tay lái ngang,
máy bền hơn. Khác tay lái cánh én, máy cánh).
3. XE NGHĨA ĐỊA CẢNG KHO 5.
cũng cho nhận hàng xe cũ Honda – second hand từ năm 1978 -
1982.
Lái buôn xe liên lạc với anh em cò ở nơi đây, hay anh em chạy
xe ba gác đạp, ba gác máy (nếu người nhận hàng ở xa). Phần đông, những người nhận
xe gởi về, đều bán để trang trãi chi tiêu, hay mua vàng để đóng tiền cho người
nhà tìm đường vượt biên.
Theo như người quen cho biết, thân nhân bên Mỹ mua mỗi chiếc
xe Honda cũ đời từ 1978 – 1980 giá USD 400. Gía vàng giao động theo từng thời
điểm 100 USD được đổi tương đương từ 02 chỉ 02, 02 chỉ 03.
4. HÀNG NHẬP TỪ DỊCH VỤ XUẤT NHẬP KHẨU.
Sau này nhà nước thấy xe nghĩa địa mua về bán có lời quá,
nên cho quota, các công ty XNK được nhập xe về hàng loạt.
Người viết bài đã từng cùng bạn hùn vốn mua một lô 40 chiếc
xe của HTX Thương Nghiệp quận nhất.
5. XE NỘI ĐỊA HÀN QUỐC.
Được nhập qua các quota của những công ty xuất nhập khẩu nhà
nước.
- Honda Citi 100.
- Honda DH 88.
6. NGUỒN XE HONDA MỚI.
A. DREAM 100 / I & II HÀNG THÁI LAN.
Nguồn hàng đầu tiên do các cán bộ đi công tác mua đem về. CB
mua bên Thailand USD 2400. Giá mua lại ban đầu lên đến 7 cây vàng. Sau đó, dân
buôn mua lại của các lái buôn Cambodia, nhập qua các cửa khẩu làm giấy Hải
quan.
Sau khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh [20]ra lệnh mở cửa với
thế giới bên ngoài. Những người có thân nhân ở nước ngoài như Canada, Mỹ, Nhật,
Pháp … thay vì gởi hàng quà như trước đây, đã ào ào gởi các loại xe cũ mới theo
các ngã sau:
B. XE MỚI - KHO NHẬN HÀNG NƯỚC NGOÀI CÔ GIANG.
1. Xe HONDA SPREE mới, mini scooter, máy 50 cc màu đỏ tay
ga. Xe này khi nổ máy đèn trước cháy sáng. Bên Mỹ mua USD 1,000. Lúc đầu xe này
lái mua vô được 18 chỉ. Bán ra được 20 hoặc 21 chỉ (hiện giờ năm 2014, thỉnh
thoảng cũng còn thấy dân Mỹ chạy xe này trên đường!)
2. Xe HONDA MỚI Z2DK, 50 cc gọi là xe Dame năm 1979. Giá mua
17- 18 chỉ vàng. Có hai màu đỏ và màu xanh dương.
3. Xe HONDA MỚI C 70 DD có ba màu: màu đỏ, xanh dương và màu
xanh ve chai, lái buôn mua với giá 23- 24 chỉ vàng 24K.
4. Xe HONDA MỚI C 50 NỮ HOÀNG màu đỏ, có miếng nhựa che trên
đồng hồ màu đen, mua vô 4 cây vàng, đã một thời là hàng hot của dân miền bắc!
- Ở đây, cũng cho nhận các hàng xe Honda cũ đời từ năm 1978
– 1982.[21]
7. HẢI QUAN & ĐĂNG KÝ XE.
Thông thường thì xe nhập vào Cảng làm thủ tục hải quan nhập
khẩu, phải mất thời gian tử 15 này đến 3 tuần. Và lái buôn xe phải biết đường
dây để cho nguồn hàng không tồn đọng và khách mua xe không phải chờ đợi giấy tờ
quá lâu.
Người dân bình thường khi đăng bộ xe mới, phải chờ chực và mất
thời gian lâu mới có giấy đăng bộ xe. Và đôi khi người mua muốn số xe của mình
mang số đẹp (không bị số bù…). Do vậy có những người chuyên lo dịch vụ giấy tờ
đăng ký xe sớm có nhất.
8. THUÊ MƯỚN MẶT BẰNG KINH DOANH.
Mặt bằng tùy theo diện tích nhưng ở đường Gia Long này 40 m2
giá thuê trung bình khoảng 8 đến 01 lượng vàng. Tôi và Danh Võ thuê nhà số 319
của chị Nga 24m2 giá 6 chỉ vàng để kinh doanh năm 1986. Nhưng người mua bán ít
(vài ba chiếc thì để trên lề đường).
9. CÒ, BẮT MỐI, MÔI GIỚI.
Cò, từ này có nguồn gốc từ tiếng Pháp La commission: người
hưởng hoa hồng (còn có nghĩa khác là người bắt mối, người trung gian, người ăn
huê hồng…). Nhưng ở các chợ trời thường được gọi nôm na là cò[22].
Có nhiều loại:
a. Cò đậu, là cò chỉ đón bắt được mối xe bán, rồi bàn giao
cho những cò khác.
b. Cò vịn, là người khác đón xe được, cò này chỉ cần đến lấy
ngón tay nhịp vào yên xe (hàm ý tui cũng có phần). Ai thương lượng trả giá, đi
theo mua xe đem về không cần biết. Như vậy cũng được chia phần trăm (ở đây, nói
đến lòng tốt, tánh hửu hảo của dân cò của chợ trời xe gắn máy cũ Gia Long)
c. Cò bay, là cò biết trả giá, thương lượng với người bán gần
đến đích, và kêu lái đến, đi với lái để mua xe đem về. (Phải biết nắm vững giá
thị trường. Trả giá chừa lại một khoảng cách vài chỉ, để cho lái mua còn được
trả giá. Như vậy người mua mới hài lòng)
d. Siêu cò, là loại cò nắm vững giá cả mua bán thị trường.
Có khi nhiều người khách không đem xe ra bán, chỉ ra đây thăm dò giá cả thị trường,
hoặc muốn bán xe với giá cao. Người cò này luôn có sẳn vài chỉ vàng đem theo
trong mình. Vô đến nhà, xem xe và giấy tờ hợp lệ, trả giá xong, đặt tiền cọc. Về
lại chợ, biết lái nào ưa thích mua xe loại nào. Miêu tả lại cho lái nghe, ra
giá tiền cò và đưa lái đến nhà xem, làm giấy tờ mau bán và chồng tiền lấy xe.
Loại cò này nhiều khi ăn tiền cò đến 2, 3 chỉ vàng. [23] và tùy theo tình trạng
các loại xe đang (hot) hút khách trên thị trường.
Có khoảng thời gian cực thịnh, cò ở đây trung bình mỗi ngày
kiếm hơn 01 chỉ vàng.
Bên cạnh đó cũng có nhiều người cò xấu (lường gạt, vẽ vời (hồ
sơ mua bán xe), gian manh…
10. BỐ RÁP. DẸP LÒNG LỀ ĐƯỜNG.
Thời gian từ năm 1977 – 1980, là những năm đen tối nhất của
dân chợ trời nói chung và dân mua bán xe và làm cò. Thành phố theo chính sách
giãn dân, dẹp lòng lề đường… Công an quận và TP và Phường đội thường xuyên phối
hợp mở chiến dịch càn quét. Nhiều anh em làm cò bị bắt đi cải tạo. Nhiều người
phải đi vùng KTM. Những người còn bám trụ được là nhờ thân thế quen biết với
cán bộ hay có người nhà làm công an…
11. CÔNG TY KINH DOANH TỔNG HỢP MUA BÁN XE GẮN MÁY QUẬN 1.
Nhà nước muốn kiểm soát tất cả mọi kinh doanh, giống như trước
đây những hợp tác xã Nông nghiệp, HTX Thương Nghiệp …
Và UBND Quận 1 đã thành lập Công Ty Kinh Doanh Tổng Hợp Mua
Bán Xe Gắn Máy, để kiểm soát và thu tiền [24]của tất cả các cửa hàng buôn bán
xe ở chợ này.
Nhưng công ty này chỉ hoạt động một thời gian không được bao
lâu.
12. NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỄN HÀNG HÓA.
Anh hai Đẩu và anh ba Thàng là hai anh em ruột, sau năm 1975
chạy xe cylco máy. Khi nhu cầu chuyên chở các xe cũ mới, từ chổ lãnh hàng nước
ngoài ở Cô Giang, hay Cảng Saigon. Hai anh đã nhanh chóng đem xe ra đậu ở lề đường
Gia Long. Các lái buôn đã kêu hai anh đi chở xe từ kho nhận hàng về tiệm, hay
đem xe giao cho khách mua. Sau này các công ty Thương Nghiệp Dịch Vụ XNK, nhập
xe cũ về nhiều hàng loạt. Một số anh em trẻ mua xe vận tải nhẹ Daewoo, hay
Huyndai cũ để chuyên chở mướn.
13. ĂN UỐNG.
Một phần quan trọng quên nhắc ở đây là dịch vụ ăn uống. Cơm
trưa mỗi ngày đã có dì Tư Long Phụng, chị Út Nguyễn Phi. Họ nấu nhiều món và đồ
ăn rất là ngon. Lâu lâu có món mắm và rau là món khoái khẩu nhất của dân Gia
Long.
Cà phê lề đường mọc lên như nấm phục vụ cho anh em ở đây. Chị
Yến, có người em tên Hà, đã tốt nghiệp cử nhân Pháp. Bán cà phê cho đến khi nhà
văn hóa Pháp mời làm thông dịch.
Bên cạnh đó, mỗi chiều có gánh hủ tiếu bò viên của một chị
người Hoa. Chị này ăn chay trường, nhưng nấu ăn thật tuyệt vời. Hay còn có chị
người Bắc gánh bún mắm, thường bán ghi sổ cho những anh em cò nghèo.
14. KINH DOANH VÀ SỰ THẤT BẠI.
Rất nhiều người có tiền vàng mà không biết buôn bán. Đã đem
vốn ra chợ trời này, kiếm người hùn hạp làm ăn, chọn lầm người xấu, bị lường gạt,
bị ăn chận với đủ mánh khóe. Bị gài mua xe giá cao, sau đó phải bán lổ vì hàng
ngậm quá lâu (bị ăn chận khi mua và lúc bán xe). Nên bị mất vốn và đành giải
nghệ…
15. SỰ THÀNH CÔNG.
Phần đông nhiều lái buôn bán xe ở chợ này đều thành công,
nhiều người đã mua nhà và mở cửa hàng mua bán xe nơi đây như anh Lai, chị Mỹ
Nương, anh em Ngọc Ngà…
- Tỷ phú từ tay trắng.
a. Trần Chín, có lẽ sanh khoảng năm 1960, là con thứ 8 của
bác Mười Vũ, em trai của anh Hai Rổ. Xuất thân từ tay trắng ra chợ này làm cò,
bước theo chân của các anh lớn như Tỷ lùn và sáu Lùn… Sau thời gian cùng nhóm
Trung râu[25], Sơn cụt chuyên chạy kiếm mua xe nghĩa địa ở Cảng Saigon hay Cô
Giang. Ba anh em cùng Thu Vân làm ăn (Thu Vân là một trong những lái buôn nữ đầu
tiên ở chợ trời này). Nhóm này làm ăn cũng khấm khá được một thời gian. Sau đó
Trần Chín có được một số vốn nho nhỏ. Nhờ những lúc giá vàng xuống bỏ tiền ra
mua, và vàng lên bán ra đúng thời cơ, nên chẳng bao lâu Trần Chín phát tài. Với
bản chất lanh lợi cộng thêm sự may mắn vào hai năm 1990 – 1992 trúng những lô
hàng Dream mới của Thái. Sau này Trần Chín cộng tác với anh Tường, anh Mạnh nhập
về những lô hàng xe vận tải nhẹ cũ nhản hiệu Daewoo, Huyndai nên đã phát tài trở
thành tỷ phú. Vào khoảng năm 2000. Trần Chín đã mua được căn nhà nằm ngang rạp
Long Phụng, khai trương riêng cửa hàng mua bán xe gắn máy (căn nhà trị giá hơn
3000 cây vàng)
b. Nguyễn Văn Long (thường gọi là Long mập) có lẽ sanh năm
1955, nhà ở Chánh Hưng quận 8, cũng xuất thân làm cò như mọi người ở đây. Sau
đó đầu quân làm ăn với anh Hiệp, em rể của chị năm nhà buôn Hòa Bình. Long Mập
và Anh Hiệp rất hợp, thủy chung nhau cộng tác nhau trên 40 năm. Anh Hiệp nhờ
Long phát tài, ngược lại Long cũng nhờ Anh Hiệp mà trở nên tỷ phú. Long Mập làm
rất nhiều điều thiện. Trong đó phải nói đến sự trợ giúp ma chay ở khu vực phường
nhà. Nhà nào có người chết, Long Mập bỏ tiền ra để cho thân nhân mua quan tài
và các chi phí khác. Sau khi chôn cất hay hỏa thiêu xong. Người nhà hoàn trả tiền
lại cho Long. Tùy theo gia cảnh, có khi Long chỉ lấy lại chút đỉnh.
16. TÂN TRANG XE CŨ.
a. Làm Đồng.
Nếu xe bị hư sườn hay cần phải làm đồng. Có rất nhiều thợ đồng
không xa khu vực ngã sáu như Năm thợ đồng ở đường Ngô tùng Châu, hay Tư chín
ngón bên đường Nguyễn Du.
Nhưng không ai làm đồng xe qua mặt được tiệm người tàu Hùng
Thăng, gần góc đường Lê Hồng Phong và Hùng Vương.
b. Sơn.
Những lái buôn ở khu vực này biết tìm những nơi nào giá phải
chăng để sơn xe. Và những anh thợ sơn họ thường tập trung chung quanh không xa
gần khu vực ngã sáu Phù Đổng.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có gia đình ông Tư Nổi, anh Tư
Tiện, và nhiều người sơn xe bên vĩa hè.
Đôi khi những chiếc xe xịn quá, cần dậm vá sơn chút ít, thì
cần kiếm mấy người có tay nghề cao. Và anh Hai, biệt danh Hai lưỡi lam, ở đường
Hồng Thâp Tự(sô viết nghệ tĩnh), gần sân vận động Hoa Lư, là cao thủ nổi tiếng
trong giới thợ sơn ở thành phố. Và cũng đúng như biệt danh, giá sắc như lưỡi
lam, nhưng không ưu phiền về sau, bảo đảm sơn không phai, đổi màu.
c. Máy.
Tay nghề thợ máy xe giỏi nhất ở khu vực đường Gia Long có rất
nhiều.
Và, anh Hai Rổ là một trong những thợ máy nổi tiếng. Riêng
những anh em mua bán xe chuyên nghiệp họ đều có thợ máy riêng.
d. Đánh Bóng Đồ Nhựa.
Đồ nhựa xài lâu bị ngã màu, bị trầy, bễ… Cần đem đến những
tay thợ hàn,vá, cạo, đánh bóng lại để tăng thêm giá trị của chiếc xe.
e. Yên Nệm Xe.
Trên đường Lê Văn Duyệt và Ngô Tùng Châu có nhiều tiệm
chuyên bao bọc các loại yên nệm xe gắn máy và xe hơi.
f. Xi Mạ - Inox.
Những gì có liên quan đến đồ xi mạ, inox. Thì đã có người
nhà của ông ba Thầy Xi. Nhận và trả hàng tận tay với giá phải chăng. Gia đình
ông ở Trung Chánh, Quang Trung, đã làm nghề này mấy chục năm nay (trước năm
1975).
g. Xũi Vỏ Xe.
Một nghề xuất hiện sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vì vỏ xe mới
mắc và chưa được nhập sang. Gia đình anh Năm (cựu cảnh sát quốc gia) nhà bên
Khánh Hội, quận 4, có mấy người con chuyên nghề xũi vỏ xe. Những chiếc vỏ cũ được
vẽ lên bằng bút mực các đường rãnh. Sau đó họ dùng các công cụ đặc biệt, chế tạo
bằng thép cong như các mũi thép của đồ nghề thợ mộc, để vét các đường rãnh sâu
xuống gần các lớp bố (không được chạm tới lớp gai bố). Khi tác phẩm hoàn tất,
các đường gai nhô cao lên, người ta có thể sử dụng được một thời gian khoảng
vài tháng.
- Vào những thời gian này có gia đình Bác Chí, nhà ở đường
Lương Hữu Khánh, quận 1, cạnh đường rầy xe lửa cũ, gần nhà thương Từ Dũ, bán
các loại vỏ xe nhập mới. Nguồn hàng có lẽ do những nhà buôn trước tháng 4/1975
còn tồn trữ lại cung cấp. Về sau này vỏ ruột xe hàng Thái Lan đem về nhiều, bác
Chí chuyển nghề buôn bán xe cũ.
h. Dọn Xe.
Là một công việc quan trọng nhất trong dịch vụ mua bán xe
cũ. Và nhiều người làm công việc này trở nên chuyên nghiệp thành một nghề gọi
là “dọn xe mướn”.
Trước khi tháo rời xe ra để dọn, người nhóm trưởng này phải
có nhiều kinh nghiệm để định bệnh và báo cho lái buôn biết được về tình trạng
máy xe cần phải sửa chữa bộ phận nào (những người này kiêm luôn sửa chữa máy).
Nếu xe không cần phải sửa chữa các bộ phận liên quan đến
máy. Thì chiếc xe được tháo rời ra. Tất cả các chi tiết tháo ra, như một chiếc
xe sắp đem sơn lại nguyên chiếc vậy.
Máy xe phải được hạ xuống. Và họ dùng dầu hôi cùng bàn chải
cước nhuyển làm sạch các lớp dơ.
Tất cả những đồ nào có xi mạ, được ngâm vào một thùng hay
thau nhôm có chứa dầu hôi. Người thợ dọn này, dùng bàn chải đánh răng nhỏ, chà
rửa các lớp dơ như khói hay mở bò khô bám dính. Những phuộc nhún (lò so) trước
nào mà bạc thau bị rơ, mòn, phải đem thay, đóng mới lại. Sau đó cần phải vô mở
bò mới ở những chổ cần thiết. Nếu bố thắng đã mòn phải thay bộ mới.
Sau khi đã chà rửa bằng dầu hôi rồi. Chiếc xe được lắp ráp
trở lại và được rửa lại bằng nước sạch. Phải cho máy nổ nóng lên. Và dùng savon
bột chà sẽ làm sạch bóng những đồ cấu tạo bằng nhôm (sau này thị trường có bán
dung dịch chuyên để tẩy rữa máy)
Nếu xe cần phải dậm vá về phần sơn. Thì cần đem đi đến thợ
sơn.
Bên cạnh đó các món đồ mủ đã được đánh bóng. Hay yên nệm đã
được bao bọc xong rồi.
Sau đó, đến phần đánh bóng xe. Tay nghề đánh bóng cao, khi
dùng bông gòn và dầu bóng, đánh cho đến khi nghe được âm thanh “chét, chét” (ruồi
nhặng đậu vào chắc không được, vì quá trơn trợt!)
Mỗi xe tiền công dọn xe tương đương hơn một chỉ vàng.
Anh em nhà Đạt và Tuấn (9 ngón tay) là những nhóm dọn xe có
uy tín nhất ở đây.
PHẦN CUỐI.
Chợ trời thường mang nghĩa không được tốt đẹp vì buôn bán
giành giựt, lươn lẹo không chân thật…
Nhưng cũng có những người am hiểu về định luật Nhân Quả, nên
họ đã áp dụng trong kinh doanh, đặt “uy tín” và “sự chân thật” lên hàng đầu và
họ cũng có thể đứng vững và thành công trong chợ trời[26]
Trên đây dưới cái nhìn hạn hẹp của một cá nhân, nên chắn chắc
có rất nhiều thiếu sót. Chẳng qua là muốn đóng góp một phần nhỏ, nói về sự hình
thành của chợ trời xe gắn máy cũ Gia Long, về một nét văn hóa của người dân
Saigon trước và sau năm 1975.
Vì không giỏi về cách hành văn, kính mong quý vị hoan hỷ và
từ bi tha thứ cho. Kính mong quý vị và các bạn sẽ đóng góp nhiều ý kiến để cho
bài viết được phong phú hơn.
Kính chúc quý vị cùng gia đình luôn được an vui và thuận may
trong cuộc sống!
Trân trọng.
Trung Vũ.
(Viết xong tại Portland, Oregon ngày 22 tháng 01 năm 2015,
chỉnh sửa lại 01/27/2021; Sacto CA 01/28/2024)
- Cảm ơn mợ Vinh Sơn – Tố Nga đã cung cấp nhiều thông tin
quý báu về ngành mua bán xe mới.
- Cảm ơn anh Nguyễn Văn Bẩy FB Thời Sự & Giải Trí, nhờ
anh tôi tìm được một số hình ảnh về xe cũ mới.
- Cảm ơn chị Tôn Nữ Thu Dung đã đăng bài này trên mạng tương
tri.com
Nếu có thắc mắc xin email về:
CHÚ THÍCH[1] Vào thời điểm này người viết bài đang
làm cò, đón mua xe đạp, xe hai bánh gắn máy cũ ở đầu đường Gia Long – ngã sáu
Phù Đổng.
[2] Goebel – Sachs một dòng xe hai bánh gắn
máy phân khối nhỏ 50cc được nhập cảng vào VNCH khoảng năm 1958 – 1960.
[3]
Những nhà buôn này phần đông gốc Huế, Đà Nẳng vào năm khoảng năm 1964 – 1965
cùng là bà con họ hàng nhau. Họ rất thành công trong nghề kinh doanh xe gắn
máy. Sau khi Cộng Sản chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa, họ đã tìm cách vượt biên ra
nước ngoài hết.
[4] Cự Thất chuyên trị trật gân, boong
gân, gảy xương… Ông gốc người bắc di cư năm 1954 trị bệnh nổi tiếng như ông
Trương Quốc Cường ở đường Hậu Giang, Chợ Lớn.
[5] Nhà buôn Vinh Sơn do ông bà Nguyễn Như
Ninh 1929 - 2000 gốc Đà Nẳng vào đây lập nghiệp năm 1964. Ông bà là đại lý hãng
xe Vinaco ở khu vực miền trung. Năm 1968 ông bà đã xây căn nhà lên 6 tầng lầu
trị giá 7 triệu đồng 04x33m. (tương đương 2000 lượng vàng lá).
[6] tournevis - French; screwdriver - Anh
ngữ
[7] Shell & Esso & Caltex &
Mobil là những hãng xăng cung cấp cho nước VNCH.
[8] Dòng xe phân khối nhỏ 50cc bốn thì là
một phát minh vĩ đại của hãng Honda. Là một bước tiến nhảy dọt của công nghệ xe
gắn máy hai bánh. Nhờ phát minh này thế giới đã có lượng lưu thông mạnh trong
các nông thôn xa xôi làm phát triển xã hội, văn minh làng xã, thông tin, giao
thông nhanh chóng
[9] Bà Vinh Sơn sanh năm 1940 tại Huế, lâp
gia đình với ông Nguyễn Như Ninh năm 18 tuổi. Hai ông bà là đại lý hãng Vinaco
khu vực miền trung tại Đà Nẳng. Năm 1964 vô nam mua căn nhà 307 đường Gia Long
thành lập nhà buôn Vinh Sơn. Năm 1968 - 1970 nhà xây lên 6 tầng (4 X 33m) trị
giá 7 triệu đồng. Sau khi mất nước gia đình ông và gia đình Kim Sơn vượt biên
sang Hong Kong và định cư tại Orange County, California đến nay.
[10] lò Thành Hưng nằm gần góc đường Nguyễn
Cư Trinh và Phát Diệm, quận nhì, Saigon.
[11] Culasse (Pháp ngữ - Cylinder head (Anh ngữ),
Cylinder – lòng xy lanh.
[12] Xe Honda nam S 50 và xe Honda P 50 (có
máy dính liền với bánh sau) được nhập cảng vào năm 1965.
[13] cáp duồn bị sát hại, giết chết vì kỳ
thị dân Việt Nam.
[14] Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã
không chịu ký kết hiệp định này vì biết rằng CSBV sẽ không bao giờ thực hiện đứng
đắn Và trong đó có một điều kiện là quân lính của VC đóng quân tại chổ.
https://tailieumienphi.vn/doc/hiep-dinh-paris-1973-kqyytq.html
[15] Uy Ban Quân Quản do quân đội nhân dân
quản lý sau ngày ngày cưỡng chiếm VNCH.
[16] công chức: những nhân viên hành chính
trực thuộc các cấp phường xã quận tỉnh thành… sau tháng 4/1975 Cộng sản gọi
chung là họ “ngụy quyền”
[17] QĐVNCH Quân Đội Việt nam Cộng Hòa au
Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố
thành lập Việt Nam Cộng hòa và giữ vai trò nguyên thủ. Quân đội Quốc gia Việt
Nam cũng được chuyển đổi thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, đồng thời hệ thống tổ
chức quân đội cũng được cải biến và bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của
hình thái một quân đội quốc gia độc lập.
[18] Nguyễn Ngọc Điệp sanh năm 1953 tại
Saigon là bạn thân nhất của người viết bài, làm bạn từ thuở nhỏ (1965) hai thằng
đi chơi, đi học chung, đi lính cùng đơn vị Thiết Giáp… sau này người viết cưới
người em gái út (1980) và Điệp cũng vượt biên sang đảo Galang và định cư ở Hoa
Kỳ cuối năm 1980 đến nay.
[19] Trần Bửu Quan sanh năm 1954, là em của
Trần Bửu Sỹ 1953 (đi lính cảnh sát, đã hy sinh đền nợ nước cuối tháng ba 1975 tại
Rạch Dừa, Phước Tuy – Vũng Tàu). Trần Bửu Quan đệ tam đẳng Tae Kown Do, cùng em
là Trần Bửu Vân vượt biên năm 1979.
[20] Nguyễn Văn Linh 1915 – 1998. Sau khi
chiếm được nước VNCH và gần 10 năm cô lập với thế giới bên ngoài (1976 – 1985)
vì cho rằng mình đã chiến thắng được đế quốc Mỹ và ảo tưởng về thiên đường
XHCN. Nhưng vì kinh tế của VN đã tụt hậu so với các nước trong khu vực và nhân
dân nghèo đói (vì chính sách ngăn sông, cấm chợ) nên Nguyễn Văn Linh đã ra lệnh
mở cửa, ban giao với nước ngoài (để nhận viện trợ). Chính sách đối ngoại giai đoạn 1976 – 1986
và những bài học kinh nghiệm (chính sách sai lầm của đảng CS!)
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2661-chinh-sach-doi-ngoai-giai-doan-1976-%E2%80%93-1986-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem.html
[21] Rất nhiều nơi nhận hàng nước ngoài mọc
ra. Những nơi này đã đóng thuế hàng nhập cảng của người dân rất cao. Những số
tiền thuế này đã chảy vào túi của những quan tham!
[22] Có thời gian những người làm cò này đứng
tràn xuống chiếm cả lòng lề đường chung quanh đầu đường Gia Long và Phạm Hồng
Thái (khi xe second hand cho phép nhập về hàng loạt 1986). Người nhận hàng đem xe đến
đây bán hay đôi khi họ không có tiền để đóng thuế nhận xe. Họ bán cho lái buôn đến
kho nhận hàng (họ chỉ đi theo để trình giấy tờ và ký tên). Nên thời gian này ở đây những người
cò kiếm được tiền dể dàng!
[23] Long mập, Chín, Trung râu, Sơn cụt… là những
siêu cò!
[24]
Mỗi xe bán ra bị công ty này thu phí kinh doanh (không biết công ty này
đã thu được biết bao nhiêu tiền và đã vô túi của những
ai?). Sau đó vài năm công ty này phải đóng cửa!
[25] Là người viết bài này. Sau nay đã hơp tác
với Võ Duy Danh sanh năm 1954 (cựu công chức quốc gia hành chánh) mướn nhà chị Nga (tiệm
chụp hình Kim Dung) sô 319 Gia Long, căn phía trước mở ra buôn bán xe cũ 1985 –
1989. Đầu năm 1990 gia đình Trung râu đã vượt biên sang trại tạm dung Galang – Indonesia.
[26]
Trung bình mỗi ngày bán 25 - 30 xe mỗi xe lời được 2000 đồng. Ông bà đã
xây lại căn nhà lên 6 tầng vào năm 1968 – 1970, trị giá 7 triệu
đồng, tương đương 2000 cây vàng (vàng khoảng 3500đ một lượng). Ông bà có
mua
nhiều nhà cửa và đất đai ở xa lộ Biên Hòa, trường đua Phú Thọ, gần cảng
Cam
Ranh…nhưng vì bỏ nước ra đi, mất hết.
- Bà Kim Sơn là em ruột của cậu Vinh Sơn,
cũng buôn bán xe gắn máy, nhưng không phát đạt bằng. Hai gia đình anh em đã
cùng nhau vượt biên thoát ra khỏi nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đến
Hong Kong và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ.
PHỤ LỤC
1.
Cậu Vinh Sơn Nguyễn Như Ninh 1929 - 1998, người gốc Đà Nẵng, mợ người
gốc dòng họ vua chúa ở Huế. Hai ông bà có cửa tiệm buôn bán xe ở Đà
Nẵng, là đại lý của Vinaco, chuyển vào Saigon sau khi Tổng thống Ngô
Đình Diệm bị sát hại (1964). Hai ông bà buôn bán xe rất thành công. Còn
nhớ tụi tôi ráp xe Velo Solex, Goebel, Mobylette, Mini Lambretta chạy xe
từ cửa tiệm đến kho đường Kỳ Đồng, để chuyển xe ra cho cửa hàng người
em của cậu ở thành phố Đà Nẳng.Ông
bà đã xây lại căn nhà lên 6 tầng năm 1968 – 1970, trị giá 7 triệu đồng,
tương đương 2000 cây vàng (vàng khoảng 3500đ một lượng). Ông bà có mua
nhiều nhà cửa và đất đai ở xa lộ Biên Hòa, trường đua Phú Thọ, gần cảng
Cam Ranh…nhưng vì bỏ nước ra đi, mất hết.
-
Bà Kim Sơn là em ruột của cậu Vinh Sơn, cũng buôn bán xe gắn máy, nhưng
không phát đạt bằng. Hai gia đình anh em đã cùng nhau vượt biên thoát
ra khỏi nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đến Hong Kong và sau đó
được định cư tại Hoa Kỳ.
2. Anh Hai Rổ là con trai lớn nhất của Bác Mười, anh là thợ giỏi và chuyên sửa các loại xe gắn máy như Honda, Suzuki…Anh
sửa xe bên lề đường. Vợ anh, chị hai chuyên đi mua đồ phụ tùng. Anh
chị, thỉnh thoảng cũng mua bán những xe hàng chiến (anh hai đã mất cách đây vài năm. Chị hai hiện giờ đang ở thành phố Thủ Đức).
3.
Bác sĩ Đặng Văn Chiếu. Có lẽ ông là người giàu nhất khu vực này. Trước
năm 1963, ông có dưỡng đường ngay mặt tiền đường Gia Long. Sau đó ông
phá bỏ, xây building cho người Mỹ thuê. Ông còn có một căn biệt thự tọa
lạc ngay góc đường Đặng Trần Côn và Gia Long, bên hông rạp Long Phụng.
4.
Bến xe khách đường Phan Văn Hùm. Chuyên chở hành khách đi các tuyến
đường Sài gòn - Hốc Môn. Sai Gòn - Trãng Bàng. Saigon - Tây Ninh. Sau
năm 1976 bến xe dời về bến xe buýt Bà Quẹo.
5.
Chợ ăn đêm ngã sáu Phù Đổng. Ban đêm ở đây bán đủ thứ các món ăn chơi
như: bột chiên, chè xâm bửu lượng, cơm, mì xào… Trước năm 1975, buổi
chiều khoảng 3- 4 giờ. Những người tàu đẩy các xe bán hàng ra đây, bán
cho thực khách đi chơi đêm cho đến 3, 4 giờ sáng. Sau đó họ dọn dẹp vệ
sinh và đẩy xe về nhà. Sau năm 1975, họ chiếm luôn chỗ và không còn đẩy
xe về nhà nữa.
6.
Ciné Aristo, nằm ngay góc đường Lê Lai và Phan Văn Hùm. Rạp xây cất
theo kiểu Pháp, có hai hàng balcony hai bên. Những trang trí hoa văn
theo kiểu Roman Gothic rất đẹp. Sau đó phá bỏ xây building cho người Mỹ
thuê. Sau 1975 làm nhà hàng khách sạn Lê lai. Là một phần nơi xây khách
sạn New World bây giờ.
7.
Cự Hà và Lê Tiến và những nhà nhập cảng len nổi tiếng. Chuyên nhập cảng
các loại len từ Pháp và các nước Châu âu. Cung cấp cho toàn quốc.
8.
Cự Thất. Ông người bắc di cư năm 1954, là thầy thuốc đông y, chuyên trị
những người bị bong tay chân, trật gân, gãy xương… Ông nổi tiếng ở vùng
Saigon, cũng giống như ông Trương Quốc Cường ở đường Hậu Giang vùng Chợ
lớn.
9.
Đức Thịnh. Ông bà gốc bắc di cư vào nam 1954. Là chủ nhà máy sản xuất
giây thun luồn quần độc nhất khu SG. Ông có thêm mấy căn nhà bán đồ len
trên đường Gia Long, nhà máy sản xuất hộp quẹt bằng nhôm, ở trong hẻm
đường Phạm Hồng Thái. Nhà bác của tôi (tiệm giặt ủi Đồng Ký cũng đã bán
cho ông bà vào năm 1973). Vợ và các con của ông đã đi Pháp trước ngày
30/4/1975. Ông tiếc của nên ở lại, ông đã hiến mấy căn nhà máy cho chánh
quyền cách mạng…
10.
Chị Mỹ Nương, người gốc Huế, rất xinh đẹp. Có chồng lính tên Kỳ đi lính
không quân, là một trong những người đàn bà giỏi về ngành mua bán xe
gắn máy. Hiện giờ chị Mỹ Nương đã mua lại nhà số 307 đường Gia Long kinh
doanh khách sạn (căn nhà này trước đây của ông bà Vinh Sơn).
11.
Kim Phụng mì gia, đường Gia Long. Đặc biệt mì vịt tiềm, mì bồ câu, là
một tiệm mì nổi tiếng vùng Saigon, giống như mì Cây Nhãn, nổi tiếng
trong vùng cây Gia Định.
12.
Năm Đen. Là đội trưởng đội bài trừ du đảng thời chánh phủ Ngô Đình
Diệm. Ông nổi tiếng có nhiều vợ, nhà nằm trong hẻm, sau lưng rạp Long
Phụng.
Tôi có quen một người con của ông cùng vượt biên ở trại Galang. Anh tên là Nguyễn Văn Hưng sanh năm 1957 (Hưng đen).
13.
Rạp Long Phụng. Chuyên chiếu phim ca nhạc, thần thoại cổ tích của Ấn
độ, lồng tiếng VN, trong đó có những đoạn vọng cổ do Út Bạnh Lan ca.
14.
Trung tá Nguyễn Văn Năng, cựu quận trưởng quận 5 (là bạn của ông chủ
tiệm giặt ủi Đồng Ký). Tù cải tạo trên 10 năm, là người làm cò, có cấp
bậc quân đội lớn nhất ở đây. Đi Mỹ theo diện HO – 01 năm 1990. Và còn nhiều anh cấp bậc nhỏ hơn như đại úy, trung úy, mua bán xe ở đây.
15.
Trường trung học tư thục Tân Thanh, nằm trên góc đường Phạm Hồng Thái
và Phan Văn Hùm, ngay chổ cà-phê Starbucks, khách sạn New World bây giờ.
16.
Lái buôn xe đường dài miền trung như Anh Lai râu, chuyên mua xe từ
Saigon đem ra Đà Nẵng hay ngược lại. Có thời gian những loại xe như
Honda SS 50 đời 1967 nước sơn còn origin rất hút hàng. Anh mua xe đem về
Đà Nẵng bán. Hiện nay anh đã mua và có một cửa hang mua bán xe hai bánh
trên đường Gia Long.
17.
Trung râu, từ nhỏ sống cùng gia đình người bác ở số 301 đường Gia Long
(tiệm giặt ủi Đồng Ký). Tình nguyện nhập ngũ năm 1971. Sau năm 1975 làm
cò (bạn thân của Điệp Nguyễn sanh năm 1953, đi lính Thiết Giáp, vượt
biên năm và định cư ở Hoa Kỳ cuối năm 1980). Trung râu đã hợp tác cùng
Danh Vỏ từ năm 1985 – 1989. Đã đem gia đình vượt biên đầu năm 1990. Gia
đình đã ở đảo Galang, Indonesia hơn 6 năm và bị cưởng bức hồ hương trở
về VN. Sau này được định cư ở Mỹ theo chương trình ODP năm 2003.
Lời nói đầu: Bài viết này được viết với dạng hồi ký, nên những tên tuổi hay năm tháng có thể không được chính xác lắm. Kính xin quý vị vui lòng tha thứ. Rất mong quý vị bổ sung thêm để cho bài viết được phong phú hơn.
Trân trọng
Vũ Hồng Trung.
Thư từ xin liên lạc email:trungvudhammasial@gmail.comĐã được đăng trên Tương Tri.com ngày 20/7/2015.
https://tuongtri.com/2015/07/20/cho-troi-xe-gan-may-cu-gia-long/comment-page-1/
A. PHẦN MỘT.
1. XUẤT XỨ CHỢ TRỜI.
Theo lời Bác Mười Vũ - Trần Vũ, là cha ruột của anh em nhà anh Trần Hai (anh hai rổ), Trần Tỷ, Trần Sáu, Trần Chín… Nhà bác mười nằm ở trong hẻm đường Trần Hưng Đạo, gần ngã ba đường Nguyễn Cảnh Chân, quận Nhì, Saigon. Câu chuyện được bác kể lại vào khoảng sau năm 1976 [1]như sau:
"Khoảng giữa năm 1965, bác thường ra nhà buôn bán xuất nhập cảng xe gắn máy Thanh Tâm (sau này bán lại cho nhà buôn Phi Hùng), số 323, đường Gia Long, gần ngã sáu đánh bài. Một hôm trông lúc đang đứng trước cửa hàng chờ bạn đến để gầy tụ đánh bài, thấy một người đem chiếc xe Gobel - Sachs [2]đến bán lại (xe đã mua của tiệm này cách đó một tháng). Nhưng ở đây, người chủ tiệm đã từ chối không mua, vì họ không mua bán xe cũ.Thấy vậy, bác mười hỏi anh ta muốn bán bao nhiêu? Người này đang cần tiền gấp nên muốn bán giá rẻ. Thấy ra sự chênh lệch giửa giá xe mới và cũ, bác đã bỏ tiền ra mua nó. Hôm sau, bác dựng xe trước cửa tiệm, bác cắt miếng giấy carton ngang một tấc, dài khoảng ba tấc, bác viết hai chử “xe bán” để trên guidon xe. Ba ngày sau, có người đã bằng lòng mua xe này (vì hợp với túi tiền cho những người không đủ tiền mua xe mới). Thấy vậy, mấy người bạn của bác muốn góp chung vốn làm ăn với bác. Bác đồng ý. Bác mười là một trong những người tiền phong, sáng lập chợ trời mua bán xe gắn máy cũ, ở đường Gia Long, khu vực ngã sáu từ đó.
Thấy vậy, nhiều người làm việc ở Tổng Nha cảnh sát, thuộc ngành an ninh, họ cũng theo chân bác mười ra mua bán xe cũ như: Chú Chánh lùn, Bác Chí mập hay những anh đã được hoãn dịch vì lý do gia cảnh (gia đình đông, có 06 con trở lên) như anh hai Đẩu, anh hai Sao, anh năm Thà…
Cho đến những tháng đầu năm 1975. Đã có hơn 20 người mua bán xe cũ trên khu vực ngã sáu này.
Sau năm 1975 – 2003 đã có lúc hơn 500 anh chị em lái buôn và môi giới.
2. NHỮNG DÒNG XE MỚI NHẬP CẢNG.
Còn những tiệm bán xe gắn máy hai bánh mới ở chung quanh đây như Thanh Tâm, Hòa Bình, Mỹ Tấn, hai anh em nhà Vinh Sơn, Kim Sơn… hay xa hơn qua khỏi rạp hát Long Phụng, gần ngã tư Gia Long & Trương Công Định, có các nhà buôn Hồng Phát, Kim Thịnh, Phi Hổ, Phi Long, Liên Chi[3]… vẫn bán các loại xe nhập cảng của Pháp, Đức, Áo, Ý và Nhật như Velo Solex, Mobylette, Puchs, Goebel, Lambretta, Honda, Suzuki, Yamaha…
Thử nhớ và hình dung lại đoạn đường Gia Long, từ ngã sáu chạy vô đến nhà ông Cự Thất[4], vào thời điểm của năm 1969.
Hai bên lề đường, trước những nhà buôn và nhà lân cận là những thùng gổ hình chữ nhật, chứa các xe gắn máy bên trong, chồng chất lên cao 5, 6 lớp. Xe xúc - xe nâng hàng (folklift) đang bốc dở nhưng thùng hàng từ trên xe hang đem xuống đường.
Điển hình tại cửa tiệm Vinh Sơn số 307 đường Gia Long[5], khách hàng đang ra vô tấp nập, nhộn nhịp, có người đang hỏi thăm về giá cả, có người thì đang chờ thợ ráp xe…
Phần nhiều tâm lý của khách hàng, họ thích mua xe còn nguyên trong thùng.
Mỗi thùng chứa 02 xe Honda nam SS 50 (67), hay 03 xe Honda nữ (dame) C50.
Có những người chuyên môn khui thùng chứa xe. Mỗi ngày họ túc trực trước những cửa tiệm. Nếu có nhu cầu, họ khui và mua lại những thùng cây này, sau đó bán lại cho các vựa ở trong Chợ lớn (chuyện này kiếm được nhiều tiền)
Vào thời gian này, đã nhập qua loại xe Honda nam SSM 50 còn gọi là xe 69. (nhập cảng cuối năm 1968). Xe thiết kế đồng hồ tốc độ rời, tay lái ngang như xe 67, bình xăng màu xám dẹp, yên ngắn, pô vắt (hệ thống xã khói). Có hai màu đen và đỏ. và ngầu hơn xe kiểu thể thao Scamler 1968.
Hộp số có 6 số: 012345. Thanh niên rất thích loại kiểu dáng thể thao này (thon gọn, dáng kiểu thể thao hơn loại xe Scambler 1968)
1969 Honda SSM 50. Giá mỗi chiếc là: 36.500 đồng (vàng khoảng 4000 đồng một lượng)
Trong cửa tiệm cũng có bán xe Honda nam SS50/67 có hai màu đen và đỏ. Giá mỗi chiếc là 35.000 đồng.
- Xe Honda dame C 50 cũng có hai màu xanh và đỏ. Giá mỗi chiếc là 30.500 đồng.
- Honda PC 50. Có hai màu xanh và đỏ.
- Xe Suzuki M 12. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Xe Suzuki M 15. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Xe Suxuki M 30. Có ba màu đen, đỏ và tím.
- Mini Lambretta 50. Màu trắng và xanh da trời.
- Xe Yamaha YA 10 nam. Màu xanh.
- Xe Yamaha YF 30 nữ. Màu xanh.
- Xe Bridgestone 50 màu đỏ.
- Xe Kawasaki M 10 màu đen và màu đỏ (không có nhập xe nữ)
Chánh phủ không có đánh thuế vào người tiêu thụ. Người mua chỉ có chịu thêm vài chục đồng tiền con niêm (tiền tem).
Nhà buôn chỉ đóng thuế môn bài kinh doanh (buôn bán) sĩ và lẻ mà thôi.
a. Ráp xe.
Đôi khi khách hàng mua quá đông, người thợ ráp xe ngay trên vĩa hè, trước cửa tiệm.
Mỗi xe có kèm theo một thùng đồ.
Thợ ráp vè, bánh xe trước, dây đồng hồ tốc độ, thắng, đèn trước, nối các dây điện, tay lái, kiếng chiếu hậu, yên xe… (ráp bửng che gió cho xe nữ). Đổ nước acid vào bình ắc quy.
Tùy theo nhu cầu. Có người mua thêm borbagare, để bảo vệ đèn lái sau và đèn signal, bao yên xe, bao tay cầm, gắn hai hình Honda hai bên thùng xăng (xe nam, để chống ăn cắp hai miếng cao su), khóa nắp xăng, hộp bao bọc bình carburatuer / bộ chế hòa khí xăng cho xe nam.
Riêng xe nữ, khách hàng còn mua thêm chiếc giỏ sắt đàng trước, dùng để dựng thêm đồ khi đi chợ, hoặc thêm ghế nhỏ để chở trẻ con.
Phần đông, khách hàng ai ai cũng nhờ thợ ráp chạy xe đi hàn thêm pát sắt vào chân chống để làm ổ khóa đứng (ngừa ăn trộm xe). Vì khóa cổ đi theo xe, chỉ cần gặt mạnh tay lái, thì ổ khóa bung ra rất dể dàng, không an toàn. Ở đây, nhà buôn cũng có bán các loại khóa của Đức hay Mỹ. Nhưng mọi người lại thích khóa điện tử của Nhật mới nhập (khóa này hình chữ nhật, chìa khóa là một thanh kim loại cũng hình chữ nhật, bên hông ổ khóa có một nơi để đặt thanh chìa khóa vào để mở ra. (khóa này áp dụng lực đẩy của nam châm để mở khóa).
b. Quà tặng
Mỗi xe được một túi xách màu đỏ bằng simili, có dây kéo fermatuer, nhản hiệu Hm - Honda Motor, bên trong vòng tròn màu trắng và cánh chim lớn bên ngoài.
Một quyển sách cẩm nang hướng dẫn về những cơ bản khởi động máy xe bằng tiếng Việt, và một bộ đồ nghề bao gồm:
- 01 tuýp mở bugi.
- 01 cây tròn bằng sắt đường kính khoảng 10mm dùng chung để mở bugi.
- 01 khóa vòng 17 - 23 để mở ốc bánh xe.
- 01 cây kềm nhỏ.
- 01 chìa khóa miệng 10-14.
- 01 chìa khóa 8-12.
- 01 cán cây tuột nơ vít [6]bằng nhựa cứng màu đỏ.
- 01 cây vít có hai đầu bằng và tứ giác.
- và sau cùng là một lon sơn nhỏ, để dậm vá nếu sơn xe bị trầy xướt.
c. Hàng quán (chung quanh khu vực những nhà buôn).
Trong khi chờ đợi vì người mua quá đông, thợ ráp xe không kịp, mà bụng lại đói. Khách mua xe chỉ băng qua bên kia đường đối diện, thưởng thức một tô mì vịt tiềm hay mì bồ câu nổi tiếng của Kim Phụng mì gia. Bảo đảm ăn thật vừa khẩu vị và sẽ trở lại lần sau. Vì mì ở đây, nổi tiếng ngon nhất ở khu vực Sàigòn (bên cạnh đó tiệm này còn có bán món ăn tráng miệng Phục linh, ngọt lịm)
Hay nếu khát nước, khách có thể kêu các loại sinh tố hay các loại nước ngọt như coca cola hay xá xị, vì xe bán sinh tố ở bên kia đường đối diện.
d. Nhu cầu của khách hàng.
Sau khi ráp xe xong, người mua xe thanh toán tiền cho cửa tiệm. Thợ nổ máy cho khách hàng xem. Theo nhu cầu của chủ xe, người thợ ráp chạy xe về hướng rạp Long Phụng, quẹo tay phải trên đường Nguyễn Phi, ghé tiệm đổ acid, ghé tiệm hàn nằm ngay góc đường Lê Thánh Tôn, nhờ thợ hàn hai miếng bát vào chân chống xe (để chống trộm). Sau đó ghé đổ đầy bình xăng ở cây xăng Shell hay Esso[7] (tùy theo sự yêu cầu của khách hàng).
e. Các nhu cầu khác...
Nhiều người ở Trãng Bàng, Tây Ninh không biết chạy xe. Họ đẩy bộ ra bến xe hành khách, ở đường Phan Văn Hùm, ngã sáu, nhờ xe đò chở về nhà. Bến xe khách này chạy các tuyến đường:
Saigon – Bà Điểm – Hóc Môn.
Saigon – Củ Chi – Trảng Bàng.
Saigon – Long Hoa – Tây Ninh.
f. Các nhu cầu khác (tt).
Đôi khi người mua không quen (người nữ) chạy xe trong thành phố, hoặc sợ chạy xe đi đường xa. Họ thuê thợ ráp xe, chạy về nhà dùm ở các tỉnh lân cận như Biên Hòa, Bình Dương…
g. Lợi nhuận của nhà buôn.
Mỗi chiếc xe bán ra nhà buôn kiếm được 2.000 đồng, tương đương với ½ lượng vàng 24K của vàng lá Kim Thành.
Tiền công ráp xe mỗi chiếc được 100 đồng (chưa tính thêm tiền tip).
Thành phố với trên dưới 04 triệu dân. Sự mua bán rộn rịp như vậy ở đây mỗi ngày. Ban đêm, xa xa bên ngoài thành phố… đâu đó tiếng nổ của bom đạn vọng về. Cuộc chiến đấu của quân đội VNCH, đang chống lại thảm họa xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt, vẫn còn đang tiếp diễn…
Xe hai bánh gắn máy Honda càng ngày càng chiếm lĩnh thị trường[8]. Vì người dân chọn sự tiện lợi của nó. Không phải đổ xăng pha nhớt giống như các loại xe 2 thì khác như Kawasaki, Yamaha hay Suzuki. Và động cơ xe Honda 4 thì, máy xe chạy mạnh và bốc hơn và không bị đóng chấu bugi khi chạy đường xa!
Công việc kinh doanh mua bán rất thuận lợi, ngoại trừ thời gian Tết Mậu Thân, Việt cộng đánh phá và chiếm đóng đồng loạt các thành phố lớn. Những nhà buôn phải bán lỗ, thấp hơn giá xe nhập cảng (ví dụ nhập một chiếc xe tổng cộng luôn phí chuyên chở vận tải là 30.000 đồng. Bán chỉ thu được 28.000 đồng).
Sau năm 1972. Chánh phủ không cho nhập cảng xe nữa. Giá xe mới còn tồn kho, bán ra nhảy vọt lên đến 300.000 đồng một chiếc (theo lời bà Tôn Nữ Tố Nga, chủ nhà buôn Vinh Sơn kể lại[9])
B. PHẦN HAI.
1. ĐUA XE.
Nhộn nhịp nhất là những cuộc đua xe gắn máy, trong các dịp lễ như Quốc Khánh vào ngày 26 tháng 10 của nền Đệ I Cộng Hòa, hay Ngày Quân Lực 19 tháng 6 của nền Đệ II Cộng Hòa, thường được tổ chức ở sân vận động quốc gia Cộng Hòa, quận 10 hay sân vận động Hoa Lư, đường Đinh Tiên Hoàng, quận nhứt.
Các lò làm xe đua như lò Tám Giàu ở Xóm Cũi, hay lò Thành Hưng ở quận Nhì…
Tay đua Trần Văn Hai, còn gọi là Hai Tịnh, là tay đua của lò Thành Hưng. Lò Thành Hưng nằm ở góc đường Phát Diệm và Võ Tánh, là một trong những lò làm xe đua, đã đạt được nhiều giải huy chương vàng trước năm 1975 (bác Chín[10], chủ lò Thành Hưng là anh ruột của bác Mười Vũ)
Vào những ngày trước khi có cuộc đua xe xảy ra, các tay đua của lò Thành Hưng, hay các tay đua độc lập như Anh Năm Thà (mang số 35), thường đem xe ra chạy thử ở đoạn từ đầu đường Gia Long đến ngã ba Nguyễn Phi. Cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, khác thường kèm với những âm thanh của tiếng máy xe gầm rú, hình ảnh những chiếc xe đua phóng lướt đi với tốc độ rất cao, gây nhiều âm thanh náo nhiệt, ồn ào ở nơi đây!
Vào thời kỳ đầu, các lò xe đua đều sử dụng xe máy Sachs, sườn Brumi, dung tích lòng xy- lanh 49cc, máy hai thì chạy xăng pha nhớt, long xy lanh xoáy hết cở cốt 4, tốc độ chạy đường trường đạt đến 100 - 110km / giờ.
Sau khi các loại xe gắn máy của Nhật nhập vào từ năm 1966. Lò anh tám Giàu ở Xóm Củi, đầu tiên làm xe Honda đưa vào sân để tranh tài cùng với máy Sachs, nhưng chạy không lại. Tay đua Trần Văn Hai chạy xe Brumi của lò Thành Hưng vẫn đoạt được nhiều giải huy chương vàng.
Không ai làm xe Yamaha để đua, chỉ riêng độc nhất tay đua Năm Thà, mang số 35 sử dụng xe Bridgestone.
Sau đó vào khoảng năm 1970, các lò đua đã biết kỹ thuật, móc lổ xăng, vớt quy-[11]lat, xoáy lòng xy-lanh, thông pô… Và từ đó xe Honda đã làm mưa làm gió trên các đường đua.
Chính tay đua Trần văn Hai, cũng đành phải chia tay với chiếc xe Brumi của mình, chuyển sang chạy xe Honda!
Ngoài những kỹ thuật về máy như xoáy lòng cy- lanh, khoét lổ xăng, lổ lửa, móc pô… Các xe đua phải tháo rời những gì không cần thiết, để cho xe nhẹ bớt đi trọng lượng. Họ còn phải thay nhông trước, dĩa sau cho xe đạt đến tốc độ tối đa.
Người viết bài cũng đã từng chạy xe lòng cy-lanh 50 xoáy 65 cc, nằm trên yên chạy trên xa lộ Đại Hàn, xe đạt đến tốc độ 120 - 125 km/ giờ lúc đó. Nhưng khi vào đường đua sân Hoa Lư, chạy thử chiếc xe đua, chỉ có một vòng tròn, đã cảm thấy muốn rớt tim ra ngoài. Vì máy xe rất mạnh, mà đường đua toàn là đá nhỏ, quá trơn trợt. Như vậy mới cảm thấy bái phục những tay đua xe có thần kinh thép, vô cùng dũng cảm và thật gan lì quá!
Vì sau này các lò đua đã gắn lòng cy-lanh 89 cc xoáy lên đến 110 cc. Nên máy xe rất mạnh (lòng 89cc lấy ra từ các xe Honda S 90, mua lại của người Mỹ).
2. ANH HÙNG XA LỘ.
Còn những cuộc đua xe bất hợp pháp, thường được tổ chức trên xa lộ Biên Hòa (đoạn đường từ Nghỉa Trang Quân Đội đến ngã ba Tân Vạng) hay khu vực Bà Hom vòng đai xa lộ Đại Hàn vào khoảng năm 1969 – 1970. Các tay đua được truyền miệng nhau, về địa điểm sẽ tranh tài. Rất đông những thanh niên nam nữ và người đi theo xem, hay dân chơi cá độ, cược tiền.
Tham dự những cuộc tranh tài này thật thú vị, vô cùng hào hứng và thật quá gay cấn, hồi hộp…
Thường khi phải có người luôn canh chừng cảnh sát bố ráp. Cảnh sát mà bắt được, phải đóng phạt tiền rất nặng. Những cuộc đánh cá thường từ 500 ngàn hay có khi đến bạc triệu.
Đoạn đường đua trên xa lộ thường không dài lắm, khoảng chừng 8- 10 Km. Sau khi đưa tiền cho trọng tài giữ. Hai tay đua đem xe chạy đến chỗ xuất phát.
Sau khi nhận được lệnh xuất phát. Hai chiếc xe gầm rú lên, tống hết công suất, vụt phóng đi như hai viên đạn pháo rời nòng, bay lướt trên mặt đường nhựa nóng bỏng. Thường thì những người đi theo cá độ hay đi xem, rất thích chạy xe theo sau đuôi.
Vì xe đua chạy tốc độ cao, nên dĩ nhiên muốn chạy theo xem, thì máy xe của mình cũng phải đủ mạnh để bám đuôi theo hai xe đua!
Nếu đứng tại chổ gần mức đến, xem cuộc đua xe, bạn cũng có những cảm nhận kinh nghiệm khác. Xa xa tít tầm mắt chỉ là hai chấm màu đen mờ nhỏ, bạn đã nghe âm thanh thật dòn của hai chiếc xe vang vọng đến… Và rồi hai chiếc xe trông như không có người lái (vì hai tay đua này, hai tay cầm tay lái, đang nằm dài, ép ngực mình dẹp sát trên yên xe, hai chân duỗi thẳng đàng sau). Khi xe chạy ngang qua mức đến, âm thanh của nó gầm rú như tiếng nổ của máy bay phản lực… và tích tắc, vụt qua mất hút trong tầm nhìn của bạn! Lúc đó, tim của bạn đang đập rất mạnh vì hồi hộp và căng thẳng!
Có khi cuộc đua xe bất phân thắng bại. Vì hai tay đua đã cùng bay xuống nước (khu vực xa lộ Đại Hàn, gần ngã tư Bà Hom, toàn là những cánh đồng ruộng)! Vì khi gần đến mức đến, một tay đua đã thấy mình thua, liền lấn ép xe kia cùng lao xuống ruộng!
Hoặc khi bị cảnh sát rượt đuổi, thiên hạ mạnh ai nấy chạy tán loạn, bung ra tứ phía, nên cuộc đua xe thất bại. Có người bị bắt đem về đồn, tạm giữ vài giờ, đóng tiền phạt.
Trong các lò móc xe chạy trên xa lộ. Có anh tên gọi là Phì Lũ (người tàu, to mập) ở khu vực chợ Thị Nghè. Chuyên môn xoáy lòng xy lanh và chỉnh bình xăng con (carburateur – hay còn gọi là bộ chế hòa khí). Một người bạn thân, đã tốn không biết bao nhiêu tiền bao anh ta ăn uống, để nhờ làm xe độ. Vậy mà khi chạy trên đường ra Vũng Tàu chơi. Người bạn thì nằm trên yên xe chạy trên 120 – 130 km/giờ, mà Phì Lũ thì ngồi xỗng lưng, xe vẫn chạy phom phom, lướt nhẹ nhàng qua mặt xe người bạn. Người bạn rất buồn, vì phì lũ đã không thật lòng đối với anh ta (chi rất nhiều tiền mà vẫn còn dấu nghề)!
C. PHẦN BA.
CÁC LOẠI XE ĐÃ NHẬP CHÍNH THỨC VÀ CÓ MẶT TRÊN THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM CỘNG HÒA.
1. Hoa Kỳ - USA.
Hãng Harley Davidson, loại xe phân khối lớn từ 600 cc trở lên do chánh phủ Hoa Kỳ viện trợ cho cảnh sát công lộ VNCH và một số trong phủ Tổng Thống dùng để mở đường cho những yếu nhân V.I.P (very important person).
2. Đức quốc – Germany.
BMW
Sử dụng xăng pha nhớt.
Xe 250 cc, 350cc, 750 cc (750 cc mới nhập vào năm 1974 từ đời xe này sử dụng xăng nguyên chất).
3. Italy – Ý quốc.
Xe Lambretta – Lambro.
Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
- Loại mini scooter 50 cc.
- Loại 150 cc, loại 175cc.
Xe Lambro. 450 & 550 cc.
– Tất cả dòng xe này nhập qua đại lý Vinaco.
4. Ytaly – Ý quốc.
Xe Vespa.
Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
- Xe loại Mini 50 cc / 1966.
- Xe Vespa Standard 150cc / 1960.
- Xe Vespa Super 150 / 1965.
- Xe Vespa Sprint 150 / 1970.
Và Vespa 175cc chở hành khách vào năm 1960.
5. France – Pháp quốc, nhập cảng năm 1950 - 1965. Xe nhập qua đại lý Lucia, đường Lê Lợi ngay Thương xá Tax, quận nhì, Saigon.
- Xe Velo Solex.
Máy 50cc, hai thì, sử dụng xăng pha nhớt.
Kiểu V1800. V2200. V3300. V3800 (khung sườn và đèn trước hình vuông)
Không có hộp số. Máy xe nằm đàng trước, có bánh đá nhám. Muốn khởi động máy, phải đạp xe chạy lấy trớn, tay trái bóp air, tay phải kéo máy thả ra về đàng trước. Bánh đá nhám làm lăn bánh xe trước, khởi động máy xe. Khi muốn hãm tốc độ xe lại, chỉ cần bóp hai thắng tay. Ngày trước, phụ nữ mặc áo dài chạy xe này trông rất thanh lịch và duyên dáng.
Mobylette.
- Xe nam 50 cc màu vàng & màu xám (tuýp sườn làm bằng 02 ống đủa sắt)
- Xe Mobylette màu xanh AV 85/50cc và Xám AV 49/50 cc.
- Xe mobylette Cady 50 cc, rất dể thương dành cho các cô gái tuổi teen.
- Xe cyclo máy ba bánh, do hãng Motobycane sử dụng động cơ 250 cc.
6. Hãng xe Puchs - Áo quốc - Austria. Sử dụng nhiên liệu xăng pha nhớt.
Do ông Đặng Đình Đáng nhập vào VN.
- Xe nam 50 cc. Đèn chiếu sáng đàng trước có hai kiểu: ‘đèn tròn thường và ba đèn’. Máy rất mạnh có 3 số 0123, chạy vọt hơn xe Goebel.
Bạn có thể thấy sức mạnh của nó khi người ta ráp máy vào xe ba gác. Sức đẩy của nó trên một tấn vẫn chạy phom phom.
7. Hãng Sachs - Đức quốc - Germany.
- Loại kiểu Ischia, Gobel, Brumi 50 cc. Sử dụng xăng pha nhớt. Chỉ có loại xe nam. Hộp số có ba số 012.
- Xe sườn Brumi máy Sachs đã một thời làm mưa làm gió, trên các đường đua xe gắn máy trước năm 1970 trong sân vận động Cộng Hòa hay sân Hoa Lư.
8. Hãng Ducati – Ytaly. Ý Đại Lợi.
Xe 50cc hai thì, sữ dụng xăng pha nhớt. Không có xe nữ.
9. Anh Quốc – England
Xe Triump.
Sử dụng xăng pha nhớt. Các loại xe này máy phân khối lớn 250 – 350 cc.
Nhập vào Miền Nam khoảng năm 1950 – 1955.
10. Nhật Bản - Japan.
a. Hãng xe Suzuki.
Nhập cảng từ năm 1966.
Sử dụng xăng pha nhớt.
Các loại xe nam 50 cc M 12 và M 15
- Xe nữ M 30, nhập từ năm 1966 - 1968.
Có ba màu: màu đỏ, màu đen và màu tím.
Sau năm 1968, các nhà buôn không nhập xe nữa. Vì không cạnh tranh nổi với hãng xe Honda.
Các lọai phân khối lớn hơn như Suzuki 250cc, 350cc… nhập khẩu theo đơn đặt hàng cá nhân hay người Mỹ đem vào.
b. Yamaha - Nhật Bản.
- Loại xe JF 50 cc nam & nữ (hộp số có 4: 0123) có ba màu đen, đỏ và xanh.
- Loại xe J1L - 100 cc nam (do du học sinh hay người Mỹ đem vào).
c. Hãng Bridgestone - Nhật Bản.
Chỉ nhập xe nam có hai màu đỏ và màu đen. Không có xe của nữ.
d. Hãng Kawasaki. Japan – Nhật Bản.
Dòng Xe HONDA. Japan - Nhật Bản.
Máy Honda dung tích dưới 50 cc/phân khối, là một cuộc cách mạng cho các động cơ xe gắn máy hai bánh.
Sử dụng nguyên liệu xăng nguyên chất super, không pha nhớt. Động cơ bốn thì (04), rất mạnh, tốc độ có thể đạt đến 100km/giờ và rất bền. Chạy đường xa máy lâu nóng hơn các máy loại xe hai thì (02), chạy xăng pha nhớt. Xe hai thì, chạy trên 100 km, máy nóng, bu- gi / Spark – plus bị đóng chấu, phải ngừng lại nghỉ cho máy nguội, tháo và làm sạch chất dơ trên đầu bu gi (đóng chấu: lửa không đốt cháy hết nhớt, nhớt trong hỗn hợp của xăng bị nóng khô lại)
1. Các dòng xe Honda nam:
- S 50/1965,
- SS50/ 1966
- SS50/1967,
- CL50/ 1968,
- SS50M/ 1969,
- CD 50/ 1970,
- SS50E/ 1971,
- SS50V/ 1972.
Có hai màu đen và đỏ cho các đợi xe từ năm 1966 – 1970.
Từ năm 1971 có thêm màu xám lông chuột.
Năm 1972 màu đỏ của rượu vang – Bordeaux.
2. Honda nữ dame C50 các đời số sườn C50 YA/ 1965 (đời quân đội)
C50 YK/1972.
- Honda P 50 nhập từ năm 1965[12].
- Honda PC50 - 1967 – 1970.
- Honda PS 50 - 1970 (có bình xăng ở giữa và số tay 4 số)
- Các loại Cub Nữ C 65, C 90 do người Mỹ đem qua.
- Honda Nam S 90/ 89cc, Honda CB + CD 90/ 89cc, CB + CD 250/ 250cc, CB 350/ 350cc, và CL 750/ 750cc, do người Mỹ đem vào.
- Vào năm 1970, kiều bào người Việt sau khi bị người Miên cáp duồn[13], chạy về nước có đem theo xe Honda PC 50, Honda nam S 90 màu đỏ rượu chát / màu bordeaux và xe hơi Peugeot 404 hay 505.
Tất cả các xe gắn máy được nhập cảng theo các đại lý như sau:
- Xe Lambretta & Lambro nhập qua hãng Vinaco.
- Xe Puch nhập qua hãng Đặng Đình Đáng.
- Xe Velo Solex, Mobylette, Motobecane nhập vào qua hãng Lucia đường Lê Lợi.
- Xe Honda nhập qua hãng Vạn Tín. Kim Thịnh…
- Sau này nhà buôn Vinh Sơn còn nhập xe Daihatsu để bán.
Đầu năm 1975, chánh phủ dự định sẽ thay thế tất các loại xe chở hành khách công cộng Lambro, bằng loại xe Daihatsu của Nhật Bản, nhưng chưa kịp thực hiện, thì Việt Nam Cộng Hòa không còn!
D. PHẦN BỐN.
1. NHỮNG NĂM THÁNH CUỐI CÙNG CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sau khi hiệp định ngưng bắn được ký kết tại Paris vào ngày 27 tháng 01 năm 1973. [14]Mỹ và các quân đội đồng minh đã rút quân về nước. Cuộc chiến đấu cho tự do, và ngăn chận hiễm họa cộng sãn, giờ chỉ còn lại một mình! Dân quân VNCH phải chiến đấu trong cô đơn và sự khó khăn. Vì chánh phủ Mỹ đã bội ước, hạn chế viện trợ, cũng như từ từ ngưng cung cấp, thay thế chiến cụ…
Với sự viện trợ tối đa của khối Liên Xô và Trung Cộng. Cộng Sản Bắc Việt đã xé bỏ lời cam kết, vượt tuyến, xua quân tấn công vào các tỉnh thành miền nam. Quân đội VNCH chỉ còn sử dụng hàng tồn kho, cung cấp cho chiến trường một cách nhỏ giọt, phi cơ không xăng, súng không có đủ đạn… Do vậy QLVNCH chỉ còn cầm cự, rút quân, di tản để bảo vệ người dân. Cuối cùng một mình không thể chống lại với kẻ thù gấp ba bốn lần, mà họ lại được trang bị vũ khí tận răng.
Sau hai năm chiến đấu cầm cự. Ngày 30 tháng 4 năm. Tổng thống Dương Văn Minh, đã kêu gọi quân nhân các cấp buông súng đầu hàng vô điều kiện.
Không đánh mà thua. Quân đội VNCH bị bức tử, đất nước đã lọt vào tay của Cộng Sản.
Sau khi CS cưỡng chiếm miền Nam, những nhà buôn nhập cảng xe đã bỏ đi hết, như anh em nhà Vinh Sơn, Kim Sơn, Hòa Bình, Phi Hùng, Phi Long, Liên Chi và các nhà nhập cảng len như Cự Hà, Lê Tiến…
Ủy ban quân quản [15]đã tiếp thu và đóng quân trong những nhà đó.
E. PHẦN NĂM.
1. GIAI ĐOẠN từ tháng 5 -1975 – 1980.
Thành phố Sài Gòn thanh lịch, với những chiếc xe gắn máy cùng tà áo dài thướt tha, đã biến mất sau ngày mất nước!
Bầu trời thật u ám, ảm đạm với những chiếc xe đạp uể oải, lang thang vô định trên đường phố. Những cô giáo không còn dám mặc áo dài màu, áo dài bông, mà phải mặc áo bà ba màu màu đậm khi lên đứng lớp. Những sĩ quan và những người làm việc trong các cấp của chánh quyền, bị gọi đi học tập cải tạo. Thân nhân của họ bị cưỡng bức hồi hương hay đi lên vùng kinh tế mới. Đó là những vùng đất hoang vu, trước đây là những vùng đất trắng (vùng được cho oanh kích tự do). Họ được cung cấp một mái nhà giống như cái chòi, không có vách. Một nơi ở không có căn bản tối thiểu về y tế. Những người ăn trắng mặc trơn, chưa bao giờ biết cầm cây cuốc, cây suỗn, giờ phải học cuốc, học cày, trồng trọt để mưu sinh. Với sự khắc nghiệt của môi trường sống, bị sốt rét hay bị bệnh vì sương lam, chướng khí. Dù đã tận lực lao động nhưng họ vẫn không có đủ thức ăn. Phần nhiều họ sống nhờ sự tiếp tế, giúp đở thực phẩm của thân nhân họ hàng (hoặc nửa gia đình đi KTM, nửa ở lại thành phố mưu sinh, tiếp tế cho những người vùng KTM). Vì bị chết chóc, bị bệnh tật và không thích hợp môi trường, nên họ đã trốn về sống lây lất trên vĩa hè. Những người còn tiền vàng hay có thân nhân gởi chui về, họ đã tìm đường ra đi, tìm cách để vượt thoát ra khỏi thiên đường cộng sản. Họ đã ra đi dù biết rằng trên đường đi, có thể sẽ bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp hoặc giết chết. Nhưng họ vẫn phải ra đi với sự hy vọng “đi tìm cái sống trong cái chết”. Cuối cùng một số người đã được đặt chân đến bến bờ tự do.
Theo thống kê của Boat People / Hội Cứu Người Vượt Biển từ năm 1975 – 1990, có trên 600,000 người đã vùi thây trong rừng sâu, hay chôn vùi trong lòng đại dương. Những người dân ở vùng đảo Thổ Chu, Phú Quốc, đã chôn nhiều xác con gái, đàn bà thân thể trần truồng, bị hãm hiếp rồi quăng xác xuống nước, trôi dạt vào bãi biển. Và từ đó, trong tự điển quốc tế, có thêm một từ mới “Boat People – Thuyền Nhân”
2. CHỢ TRỜI – FLEA MARKETS.
Hầu hết dân chúng ở hòn ngọc viễn đông phải đem đồ trong nhà ra bán để sống. Vì là thân nhân của công chức[16], hay quân nhân trong QĐVNCH[17], nên khó tìm việc làm. Ngoài trừ nhà nước cần lưu dụng những nhân viên cũ như y tá, bác sĩ, thầy cô giáo, trong một thời gian ngắn.
Vì vậy nhiều chợ trời mọc lên như nấm trong cơn mưa đầu mùa:
– Chợ bán bàn ghế, tủ thờ, giường nệm ở đường Trần Quý Cáp.
– Chợ đồng hồ Huỳnh Thúc Kháng.
– Chợ chén dĩa, sành sứ, đồ kiểu…trên đường Lê Công Kiều.
– Chợ sách cũ trên đường Hồ Văn Ngà.
– Chợ thuốc tây Nguyễn Phi.
– Chợ thuốc tây Tân Định.
– Chợ xe đạp Ngã Bảy.
– Chợ quần áo cũ Hàm Nghi.
– Chợ quần áo cũ ở đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Bình.
– Chợ quần áo cũ khu vực Lăng Ông Bà Chiểu.
- Chợ trời xe gắn máy cũ ở ngã bảy Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong chừng vài chục người buôn bán.
– Trong số các chợ trời, chợ trời mua bán xe gắn máy cũ khu tam giác Gia Long - Nguyễn Phi - Phạm Hồng Thái là chợ trời lớn và đông người nhất (thời điểm từ năm 1985- 1990, ước lượng khoảng trên 500 người vừa lái buôn vừa cò.
F. PHẦN SÁU.
CHỢ TRỜI KHU VỰC NGÃ SÁU PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG.
A. XE ĐẠP.
Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước(4/1976), vì xăng chỉ cung cấp cho cán bộ và công nhân viên làm việc trong các cơ quan. Dân thường không có phiếu mua xăng dầu, nên thiên hạ đành rũ nhau đi xe đạp. Những chiếc xe đạp treo trên gác xép, quăng trong góc bếp mấy chục năm nay, giờ được lấy xuống sử dụng, là tài sãn quý nhất của người dân thành hồ!
Và vì nhu cầu của xã hội, nên các hãng sản xuất xe đạp phải tăng tối đa năng xuất.
Xe đạp hãng Lucia của Pháp, mới đầu bán ra hơn 200.000 đồng một chiếc xe đạp mini. Thiên hạ ùn ùn sắp hàng chen lấn nhau để mua. Vì xe làm bằng tube sắt tốt, dáng thanh nhã, phụ tùng theo xe là của Pháp. Nhưng bán chưa được bao lâu thì hãng buộc phải đóng cửa đi về Pháp. Sau đó nhà nước tiếp thu, đổi tên thành nhà máy xe đạp Sài Gòn Giải Phóng.
Các hãng xe đạp nhà nước khác cũng cho ra lò xe Chiến Thắng, xe Cửu Long…
Và từ đây người dân xài hàng nội hóa. Cũng như các mặt hàng khác tất cả do nhà nước quản lý như xăng dầu, thực phẩm, gạo thóc…
Vì nhu cầu quá thiếu thốn, mà nhà nước “ngăn sông cấm chợ”, nên người dân tìm cách sinh tồn bằng đi buôn. Tất cả mọi mặt hàng nhu yếu phẩm đều là buôn lậu hết như gạo, thịt, cá, đường, dầu ăn…
Và mỗi tỉnh, nhiều trạm kiểm soát mọc lên để lục xét, đóng thuế, và tịch thu hàng hóa của dân đi buôn.
Vào thời gian tháng 3 năm 1979, xãy ra cuộc chiến biên giới phía Bắc. Tàu Cộng đã xua quân đánh chiếm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, chúng đốt phá, tàn sát, hãm hiếp, giết chết phụ nữ…
Phong trào vượt biên nở rộ. Đến đâu cũng nghe thiên hạ bàn tính đường đi. Những người quen từ từ biến mất. Có người được tin đã đến đảo như Điệp[18], Vân, Quang[19] em của Sỹ. Có người thời gian biến mất, nghe gia đình nói đã vượt biên và họ đang ngóng chờ tin tức!
Sau đó nhà nước cho phép người Hoa đóng vàng, mua tàu đi bán chánh thức. Nhiều chuyến vượt biên đã làm mồi cho cá. Vì họ bị lũ người gian ác lường gạt, bán tàu đường sông lên be, làm mũi lại. Nên khi ra biển gặp sóng lớn đánh chìm!
Nhiều tàu vượt biên lênh đênh trên biễn 30, 40 ngày. Vì không ai biết lái và định hướng la bàn. Nhiều chiếc hết lương thực, người ta phải ăn thịt người chết để sống sót…
Theo thống kê của Hội Cứu Người Vượt Biển - Boat People SOS ở Hoa Kỳ từ năm 1975 đến năm 1990, đã có hơn 600,000 người chết hay mất tích trên đường vượt biên!
1. XE ĐẠP PHÁP / PEUGEOT.
Khoảng năm 1980 – 1985.
Những chiếc xe đạp hiệu Peugeot, do thân nhân từ các nước tư bản, đặt hàng bên Pháp, đã nhập qua đường biển vào Cảng Sài Gòn.
Hàng này được dân miền Bắc có tiền ưa chuộng. Dân miền nam chỉ biết bán ra để mà ăn.
2. XE ĐẠP MỸ.
Xe đạp Mỹ được thân nhân gởi về qua Cảng Saigon.
Trong số các lái buôn bán xe đạp có anh em Anh Tài Đen, ở Khánh Hội.
- Lái buôn ngoài Hà Nội đem xe đạp Tiệp Khắc vào nam bán và mua xe đạp Pháp Mỹ đem về bắc.
3. XE ĐẠP X.H.C.N
Ngoài Bắc, những du học sinh đi học ở các nước như Tiệp khắc – Crez, Hungary, Bungary, khi về nước mua xe đạp đem về. Xe của Tiệp Khắc được dân miền Nam ưa chuộng vì thép tốt, nhẹ và mẫu mã đẹp.
B. XE HAI BÁNH GẮN MÁY X. H. C. N
Những cán bộ đi công tác hay du sinh Miền Bắc, đi học ở các nước XHCN, khi trở về nước đã đem về các lọai xe gắn máy của Tiệp khắc như:
1. Xe Simson S 50 cc, S 70 cc.
2. Xe Babetta cũng 50 cc.c. Xe Jawa 50 cc.
Sau này đem về xe Jawa 350 cc.
Tất cả các loại xe này đều chạy xăng pha nhớt.Thời gian này ở Saigon, dân chúng đã có tiền mua xăng bán lậu ở ven đường, nên hàng xe Babetta bán chạy. Lái buôn miền bắc như Dân ở đường Nguyễn Thị Nghĩa (Phan Văn Hùm cũ), hai vợ chồng người bắc ở nhà 301 bis, đường Gia Long… nhờ con buôn phía bắc đem xe vào nam, bằng tất cả mọi phương tiện như tàu thủy, xe lửa, xe hàng …
C. XE GẮN MÁY CŨ VNCH.
Những gia đình có thân nhân đi cải tạo, những gia đình có người đi nước ngoài, những gia đình không có người làm cho nhà nước… và với tình trạng khan hiếm xăng dầu trên toàn quốc nên những chiếc xe gắn máy không đụng đến và vì thiếu tiền mua gạo, mua thức ăn phải đem xe ra bán để trang trãi trong cuộc sống.
Sau khi người dân Miền Nam bị bắt buộc đổi tiền đợt 2 năm 1978, mỗi nhà chỉ có đổi được 200 đồng còn dư bao nhiêu nhà nước giữ lại (có biên nhận đàng hoàng số tiền dư ghi bao nhiêu cho người gởi).
Một ngày đang đứng làm cò đón xe ở ngã sáu Phù Đổng, một người đàn ông trung niên đạp xe ngừng lại gặp tôi hỏi thăm về giá cả thị trường và muốn bán một chiếc xe Yamaha Mate 50 màu xanh từ lâu trùm mền không đi. Tôi hỏi thăm ông về chủ quyền xe ai đứng tên và tình trạng xe… Sau khi nghe được những thông tin tốt. Tôi liền hỏi ông muốn bán bao nhiêu thì ông trả lời cậu cứ vô xem xe đi rồi trả giá. Tôi đồng ý đạp xe cùng ông từ ngã sáu Phù Đổng vô ngã ba cây thị. Đến một căn biệt thự nằm trong khuôn viên đất rộng lớn. Ông nói gia đình ông đi nước ngoài hết và ông đang bị bệnh. Vào bên trong căn nhà ông đưa tôi vào một căn phòng kế bên nhà bếp tôi thấy một chiếc xe được phủ một tấm drap trắng ngã màu vàng úa. Kéo tấm vải trắng ra bên trong chiếc xe Yamaha Mate màu xanh da trời phủ một lớp bụi mõng. Đưa ngón tay quẹt lớp bụi ra tôi không tin vào mát mình màu sơn của chiếc xe còn nguyên vẹn từ đầu đến đuôi. Lốc máy màu sơn bạc không bị một vết trầy xước. Niền xe, đèn signal, không bị một tí hoen rĩ và nước xi mạ vẫn còn sáng chói. Nhờ ông thỉnh thoảng nổ máy nên bình điện vẫn hoạt động tốt và sau khi tôi đút chìa khóa, bậc công tắc lên, tôi đạp máy kich hoạt động cơ, máy xe nổ ngay tức thì. Tiếng nổ dòn tan thật êm tai. Tôi kiểm soát tất cả đèn trước sau, signal vẫn hoạt động tốt. Nhìn vào đồng hồ con số chỉ mới 360 km. Ông nói trước đây nhà ông đi xe hơi, thỉnh thoảng vợ của ông chạy chút ít đi chợ. Ba năm nay sau ngày giải phóng không có tiền mua xăng nên chiếc xe này không ai đi. Tôi tắt máy xe và hỏi ông về giấy chủ quyền xe. Xe ông đứng tên và hộ khẩu ở địa chỉ này. Sau khi xem xong giấy tờ tôi hỏi ông bây giờ ông muốn bán xe này bao nhiêu tiền? Ông nói, tôi không biết giá cả xe, nhờ câu giúp đở bán giùm tôi giá cao nhất, để tôi có tiền chửa bệnh. Tôi nói với ông giá xe Yamaha đẹp hiện nay ở ngoài chợ giá khoảng 60 – 80 đồng. Xe đẹp như vầy này thị trường có thể đến giá 100 đồng. Ông nói ông muốn bán 120 đồng. Tôi nói với ông răng giá đó cao lắm nhưng tôi sẽ cố gắng xem sao. Ông nói tôi tin cậu, cậu ráng giúp đở tôi đi.
Đạp xe trở về chợ, tôi đi đến những anh chị chuyên mua xe xịn giá cao. Ai cũng nói nếu xe đẹp như mầy tả không ai dám mua trên 80 đồng! Cuối cùng tôi gặp anh Ngọc (bốn anh em đều ra đây buôn bán xe Ngọc, Ngà, Châu, và Báu), diễn tả tình trạng xe cho anh. Anh đồng ý đi xem xe và nói cho tôi 20 tiền cò. Anh chở tôi bằng xe Honda dame của anh. Vô đến nhà anh xem sơ tình trạng, nổ máy và xem giấy tờ chủ quyền, căn cước và hộ khẩu. Xem xong anh nói chủ xe bớt anh 10 đồng, tính 110 đồng thôi. Nhưng chủ xe nói tôi phải bán đi để lấy tiền chửa bệnh. Nghe vậy anh Ngọc lấy tờ giấy mẫu mua bán viết vô những thông tin của hai bên và kêu ông ký tên và chồng tiền cho ông. Sau đó tôi chạy chiếc xe này về cửa hàng anh Ngọc. Dân buôn bán xe ở chợ nghe nói xe đẹp đến xem ai cũng trầm trồ khen nhưng nghe tới giá cả đã mua ai cũng lắc đầu, nhún vai!
Xe này sau đó bán lại cho một thanh niên người Hoa, tôi không biết anh Ngọc bán được bao nhiêu tiền (nhưng chắc chắn là anh bán giá cũng cao vì hàng độc!) Sau đó dân Chợ Lớn thấy chiếc xe chiến này nên từ đó săn lùng xe Yamaha Mate nhiều lắm (có một thời thanh niên nam nữ tàu Chợ Lớn thích chơi xe Yamaha xịn) và chiếc xe này được nỗi tiếng vang bóng một thời! (nó mang biển số 555).
D. XE NGHĨA ĐỊA 1984 – 1990.
1. NGUỒN XE TỪ TÀU THỦY VIỄN DƯƠNG.
Những dòng xe cũ - second hand, được thủy thủ tàu viễn dương đem về. Mỗi thủy thủ được mua đem về một chiếc xe cũ. Khi về đến Cảng Saigon, các anh thường đến đường Gia Long, kêu mối lái xuống tàu xem mua xe. Các anh chỉ lấy vàng độ 9 tuổi 6. Vào thời gian này có nhiều chỗ thử vàng kiếm tiền rất dễ dàng, chỉ cần mỏ hàn xì để khè và đá mài để định tuổi vàng.
Theo lời kể lại của các thủy thủ. Đầu tiên, họ vào nhà người Nhật gần bến cảng chơi. Thấy xe cũ để trong sân nhìn thèm thuồng. Người Nhật hỏi các anh có muốn không? Họ gật đầu muốn. Người Nhật không những cho không, mà còn chất lên xe tải nhẹ, chở ra chỗ bến tàu đậu. Sau này buôn bán được, các anh em vào bãi xe nghĩa địa, chọn xe. Xe nào máy nổ trả 100 USD. Máy không nổ, chủ bãi lấy 80 USD.
Những hàng xe hút (hot) nhất là xe cub 50 đời 1981, đồng hồ báo tốc độ, nhún sau ba tầng, màu xanh rêu, có khi bán ra trên ba cây vàng!
Thỉnh thoảng anh em thủy thủ cũng đem về xe Honda Twin 100 hay Honda CB 125 màu bạc. Riêng loại xe CB này, gọi là “hàng chiến” vì có chiếc trị giá đến 8 lượng vàng.
2. XE NGHĨA ĐỊA TỪ THAI LAND.
Về bằng đường bộ, nhập qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang hay Mộc Bài, Tây Ninh.
Nhiều anh em bộ đội đóng quân gần cửa khẩu Tịnh Biên, hay Mộc Bài, Tây Ninh đã mua lại xe của các lái buôn Cambodia. Mà hàng này từ Thái Lan đem sang. Những anh em lái buôn bộ đội này, sau khi mua xe xong, làm giấy hải quan nhập khẩu. Và chạy xe từ An giang về bán ở chợ Gia Long. Mỗi xe lời được vài chỉ vàng. Thời gian này hàng hút là xe cub cối 1978- 1980 (tay lái ngang, máy bền hơn. Khác tay lái cánh én, máy cánh).
3. XE NGHĨA ĐỊA CẢNG KHO 5.
cũng cho nhận hàng xe cũ Honda – second hand từ năm 1978 - 1982.
Lái buôn xe liên lạc với anh em cò ở nơi đây, hay anh em chạy xe ba gác đạp, ba gác máy (nếu người nhận hàng ở xa). Phần đông, những người nhận xe gởi về, đều bán để trang trãi chi tiêu, hay mua vàng để đóng tiền cho người nhà tìm đường vượt biên.
Theo như người quen cho biết, thân nhân bên Mỹ mua mỗi chiếc xe Honda cũ đời từ 1978 – 1980 giá USD 400. Gía vàng giao động theo từng thời điểm 100 USD được đổi tương đương từ 02 chỉ 02, 02 chỉ 03.
4. HÀNG NHẬP TỪ DỊCH VỤ XUẤT NHẬP KHẨU.
Sau này nhà nước thấy xe nghĩa địa mua về bán có lời quá, nên cho quota, các công ty XNK được nhập xe về hàng loạt.
Người viết bài đã từng cùng bạn hùn vốn mua một lô 40 chiếc xe của HTX Thương Nghiệp quận nhất.
5. XE NỘI ĐỊA HÀN QUỐC.
Được nhập qua các quota của những công ty xuất nhập khẩu nhà nước.
- Honda Citi 100.
- Honda DH 88.
6. NGUỒN XE HONDA MỚI.
A. DREAM 100 / I & II HÀNG THÁI LAN.
Nguồn hàng đầu tiên do các cán bộ đi công tác mua đem về. CB mua bên Thailand USD 2400. Giá mua lại ban đầu lên đến 7 cây vàng. Sau đó, dân buôn mua lại của các lái buôn Cambodia, nhập qua các cửa khẩu làm giấy Hải quan.
Sau khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh [20]ra lệnh mở cửa với thế giới bên ngoài. Những người có thân nhân ở nước ngoài như Canada, Mỹ, Nhật, Pháp … thay vì gởi hàng quà như trước đây, đã ào ào gởi các loại xe cũ mới theo các ngã sau:
B. XE MỚI - KHO NHẬN HÀNG NƯỚC NGOÀI CÔ GIANG.
1. Xe HONDA SPREE mới, mini scooter, máy 50 cc màu đỏ tay ga. Xe này khi nổ máy đèn trước cháy sáng. Bên Mỹ mua USD 1,000. Lúc đầu xe này lái mua vô được 18 chỉ. Bán ra được 20 hoặc 21 chỉ (hiện giờ năm 2014, thỉnh thoảng cũng còn thấy dân Mỹ chạy xe này trên đường!)
2. Xe HONDA MỚI Z2DK, 50 cc gọi là xe Dame năm 1979. Giá mua 17- 18 chỉ vàng. Có hai màu đỏ và màu xanh dương.
3. Xe HONDA MỚI C 70 DD có ba màu: màu đỏ, xanh dương và màu xanh ve chai, lái buôn mua với giá 23- 24 chỉ vàng 24K.
4. Xe HONDA MỚI C 50 NỮ HOÀNG màu đỏ, có miếng nhựa che trên đồng hồ màu đen, mua vô 4 cây vàng, đã một thời là hàng hot của dân miền bắc!
- Ở đây, cũng cho nhận các hàng xe Honda cũ đời từ năm 1978 – 1982.[21]
7. HẢI QUAN & ĐĂNG KÝ XE.
Thông thường thì xe nhập vào Cảng làm thủ tục hải quan nhập khẩu, phải mất thời gian tử 15 này đến 3 tuần. Và lái buôn xe phải biết đường dây để cho nguồn hàng không tồn đọng và khách mua xe không phải chờ đợi giấy tờ quá lâu.
Người dân bình thường khi đăng bộ xe mới, phải chờ chực và mất thời gian lâu mới có giấy đăng bộ xe. Và đôi khi người mua muốn số xe của mình mang số đẹp (không bị số bù…). Do vậy có những người chuyên lo dịch vụ giấy tờ đăng ký xe sớm có nhất.
8. THUÊ MƯỚN MẶT BẰNG KINH DOANH.
Mặt bằng tùy theo diện tích nhưng ở đường Gia Long này 40 m2 giá thuê trung bình khoảng 8 đến 01 lượng vàng. Tôi và Danh Võ thuê nhà số 319 của chị Nga 24m2 giá 6 chỉ vàng để kinh doanh năm 1986. Nhưng người mua bán ít (vài ba chiếc thì để trên lề đường).
9. CÒ, BẮT MỐI, MÔI GIỚI.
Cò, từ này có nguồn gốc từ tiếng Pháp La commission: người hưởng hoa hồng (còn có nghĩa khác là người bắt mối, người trung gian, người ăn huê hồng…). Nhưng ở các chợ trời thường được gọi nôm na là cò[22].
Có nhiều loại:
a. Cò đậu, là cò chỉ đón bắt được mối xe bán, rồi bàn giao cho những cò khác.
b. Cò vịn, là người khác đón xe được, cò này chỉ cần đến lấy ngón tay nhịp vào yên xe (hàm ý tui cũng có phần). Ai thương lượng trả giá, đi theo mua xe đem về không cần biết. Như vậy cũng được chia phần trăm (ở đây, nói đến lòng tốt, tánh hửu hảo của dân cò của chợ trời xe gắn máy cũ Gia Long)
c. Cò bay, là cò biết trả giá, thương lượng với người bán gần đến đích, và kêu lái đến, đi với lái để mua xe đem về. (Phải biết nắm vững giá thị trường. Trả giá chừa lại một khoảng cách vài chỉ, để cho lái mua còn được trả giá. Như vậy người mua mới hài lòng)
d. Siêu cò, là loại cò nắm vững giá cả mua bán thị trường. Có khi nhiều người khách không đem xe ra bán, chỉ ra đây thăm dò giá cả thị trường, hoặc muốn bán xe với giá cao. Người cò này luôn có sẳn vài chỉ vàng đem theo trong mình. Vô đến nhà, xem xe và giấy tờ hợp lệ, trả giá xong, đặt tiền cọc. Về lại chợ, biết lái nào ưa thích mua xe loại nào. Miêu tả lại cho lái nghe, ra giá tiền cò và đưa lái đến nhà xem, làm giấy tờ mau bán và chồng tiền lấy xe. Loại cò này nhiều khi ăn tiền cò đến 2, 3 chỉ vàng. [23] và tùy theo tình trạng các loại xe đang (hot) hút khách trên thị trường.
Có khoảng thời gian cực thịnh, cò ở đây trung bình mỗi ngày kiếm hơn 01 chỉ vàng.
Bên cạnh đó cũng có nhiều người cò xấu (lường gạt, vẽ vời (hồ sơ mua bán xe), gian manh…
10. BỐ RÁP. DẸP LÒNG LỀ ĐƯỜNG.
Thời gian từ năm 1977 – 1980, là những năm đen tối nhất của dân chợ trời nói chung và dân mua bán xe và làm cò. Thành phố theo chính sách giãn dân, dẹp lòng lề đường… Công an quận và TP và Phường đội thường xuyên phối hợp mở chiến dịch càn quét. Nhiều anh em làm cò bị bắt đi cải tạo. Nhiều người phải đi vùng KTM. Những người còn bám trụ được là nhờ thân thế quen biết với cán bộ hay có người nhà làm công an…
11. CÔNG TY KINH DOANH TỔNG HỢP MUA BÁN XE GẮN MÁY QUẬN 1.
Nhà nước muốn kiểm soát tất cả mọi kinh doanh, giống như trước đây những hợp tác xã Nông nghiệp, HTX Thương Nghiệp …
Và UBND Quận 1 đã thành lập Công Ty Kinh Doanh Tổng Hợp Mua Bán Xe Gắn Máy, để kiểm soát và thu tiền [24]của tất cả các cửa hàng buôn bán xe ở chợ này.
Nhưng công ty này chỉ hoạt động một thời gian không được bao lâu.
12. NHỮNG PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỄN HÀNG HÓA.
Anh hai Đẩu và anh ba Thàng là hai anh em ruột, sau năm 1975 chạy xe cylco máy. Khi nhu cầu chuyên chở các xe cũ mới, từ chổ lãnh hàng nước ngoài ở Cô Giang, hay Cảng Saigon. Hai anh đã nhanh chóng đem xe ra đậu ở lề đường Gia Long. Các lái buôn đã kêu hai anh đi chở xe từ kho nhận hàng về tiệm, hay đem xe giao cho khách mua. Sau này các công ty Thương Nghiệp Dịch Vụ XNK, nhập xe cũ về nhiều hàng loạt. Một số anh em trẻ mua xe vận tải nhẹ Daewoo, hay Huyndai cũ để chuyên chở mướn.
13. ĂN UỐNG.
Một phần quan trọng quên nhắc ở đây là dịch vụ ăn uống. Cơm trưa mỗi ngày đã có dì Tư Long Phụng, chị Út Nguyễn Phi. Họ nấu nhiều món và đồ ăn rất là ngon. Lâu lâu có món mắm và rau là món khoái khẩu nhất của dân Gia Long.
Cà phê lề đường mọc lên như nấm phục vụ cho anh em ở đây. Chị Yến, có người em tên Hà, đã tốt nghiệp cử nhân Pháp. Bán cà phê cho đến khi nhà văn hóa Pháp mời làm thông dịch.
Bên cạnh đó, mỗi chiều có gánh hủ tiếu bò viên của một chị người Hoa. Chị này ăn chay trường, nhưng nấu ăn thật tuyệt vời. Hay còn có chị người Bắc gánh bún mắm, thường bán ghi sổ cho những anh em cò nghèo.
14. KINH DOANH VÀ SỰ THẤT BẠI.
Rất nhiều người có tiền vàng mà không biết buôn bán. Đã đem vốn ra chợ trời này, kiếm người hùn hạp làm ăn, chọn lầm người xấu, bị lường gạt, bị ăn chận với đủ mánh khóe. Bị gài mua xe giá cao, sau đó phải bán lổ vì hàng ngậm quá lâu (bị ăn chận khi mua và lúc bán xe). Nên bị mất vốn và đành giải nghệ…
15. SỰ THÀNH CÔNG.
Phần đông nhiều lái buôn bán xe ở chợ này đều thành công, nhiều người đã mua nhà và mở cửa hàng mua bán xe nơi đây như anh Lai, chị Mỹ Nương, anh em Ngọc Ngà…
- Tỷ phú từ tay trắng.
a. Trần Chín, có lẽ sanh khoảng năm 1960, là con thứ 8 của bác Mười Vũ, em trai của anh Hai Rổ. Xuất thân từ tay trắng ra chợ này làm cò, bước theo chân của các anh lớn như Tỷ lùn và sáu Lùn… Sau thời gian cùng nhóm Trung râu[25], Sơn cụt chuyên chạy kiếm mua xe nghĩa địa ở Cảng Saigon hay Cô Giang. Ba anh em cùng Thu Vân làm ăn (Thu Vân là một trong những lái buôn nữ đầu tiên ở chợ trời này). Nhóm này làm ăn cũng khấm khá được một thời gian. Sau đó Trần Chín có được một số vốn nho nhỏ. Nhờ những lúc giá vàng xuống bỏ tiền ra mua, và vàng lên bán ra đúng thời cơ, nên chẳng bao lâu Trần Chín phát tài. Với bản chất lanh lợi cộng thêm sự may mắn vào hai năm 1990 – 1992 trúng những lô hàng Dream mới của Thái. Sau này Trần Chín cộng tác với anh Tường, anh Mạnh nhập về những lô hàng xe vận tải nhẹ cũ nhản hiệu Daewoo, Huyndai nên đã phát tài trở thành tỷ phú. Vào khoảng năm 2000. Trần Chín đã mua được căn nhà nằm ngang rạp Long Phụng, khai trương riêng cửa hàng mua bán xe gắn máy (căn nhà trị giá hơn 3000 cây vàng)
b. Nguyễn Văn Long (thường gọi là Long mập) có lẽ sanh năm 1955, nhà ở Chánh Hưng quận 8, cũng xuất thân làm cò như mọi người ở đây. Sau đó đầu quân làm ăn với anh Hiệp, em rể của chị năm nhà buôn Hòa Bình. Long Mập và Anh Hiệp rất hợp, thủy chung nhau cộng tác nhau trên 40 năm. Anh Hiệp nhờ Long phát tài, ngược lại Long cũng nhờ Anh Hiệp mà trở nên tỷ phú. Long Mập làm rất nhiều điều thiện. Trong đó phải nói đến sự trợ giúp ma chay ở khu vực phường nhà. Nhà nào có người chết, Long Mập bỏ tiền ra để cho thân nhân mua quan tài và các chi phí khác. Sau khi chôn cất hay hỏa thiêu xong. Người nhà hoàn trả tiền lại cho Long. Tùy theo gia cảnh, có khi Long chỉ lấy lại chút đỉnh.
16. TÂN TRANG XE CŨ.
a. Làm Đồng.
Nếu xe bị hư sườn hay cần phải làm đồng. Có rất nhiều thợ đồng không xa khu vực ngã sáu như Năm thợ đồng ở đường Ngô tùng Châu, hay Tư chín ngón bên đường Nguyễn Du.
Nhưng không ai làm đồng xe qua mặt được tiệm người tàu Hùng Thăng, gần góc đường Lê Hồng Phong và Hùng Vương.
b. Sơn.
Những lái buôn ở khu vực này biết tìm những nơi nào giá phải chăng để sơn xe. Và những anh thợ sơn họ thường tập trung chung quanh không xa gần khu vực ngã sáu Phù Đổng.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có gia đình ông Tư Nổi, anh Tư Tiện, và nhiều người sơn xe bên vĩa hè.
Đôi khi những chiếc xe xịn quá, cần dậm vá sơn chút ít, thì cần kiếm mấy người có tay nghề cao. Và anh Hai, biệt danh Hai lưỡi lam, ở đường Hồng Thâp Tự(sô viết nghệ tĩnh), gần sân vận động Hoa Lư, là cao thủ nổi tiếng trong giới thợ sơn ở thành phố. Và cũng đúng như biệt danh, giá sắc như lưỡi lam, nhưng không ưu phiền về sau, bảo đảm sơn không phai, đổi màu.
c. Máy.
Tay nghề thợ máy xe giỏi nhất ở khu vực đường Gia Long có rất nhiều.
Và, anh Hai Rổ là một trong những thợ máy nổi tiếng. Riêng những anh em mua bán xe chuyên nghiệp họ đều có thợ máy riêng.
d. Đánh Bóng Đồ Nhựa.
Đồ nhựa xài lâu bị ngã màu, bị trầy, bễ… Cần đem đến những tay thợ hàn,vá, cạo, đánh bóng lại để tăng thêm giá trị của chiếc xe.
e. Yên Nệm Xe.
Trên đường Lê Văn Duyệt và Ngô Tùng Châu có nhiều tiệm chuyên bao bọc các loại yên nệm xe gắn máy và xe hơi.
f. Xi Mạ - Inox.
Những gì có liên quan đến đồ xi mạ, inox. Thì đã có người nhà của ông ba Thầy Xi. Nhận và trả hàng tận tay với giá phải chăng. Gia đình ông ở Trung Chánh, Quang Trung, đã làm nghề này mấy chục năm nay (trước năm 1975).
g. Xũi Vỏ Xe.
Một nghề xuất hiện sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vì vỏ xe mới mắc và chưa được nhập sang. Gia đình anh Năm (cựu cảnh sát quốc gia) nhà bên Khánh Hội, quận 4, có mấy người con chuyên nghề xũi vỏ xe. Những chiếc vỏ cũ được vẽ lên bằng bút mực các đường rãnh. Sau đó họ dùng các công cụ đặc biệt, chế tạo bằng thép cong như các mũi thép của đồ nghề thợ mộc, để vét các đường rãnh sâu xuống gần các lớp bố (không được chạm tới lớp gai bố). Khi tác phẩm hoàn tất, các đường gai nhô cao lên, người ta có thể sử dụng được một thời gian khoảng vài tháng.
- Vào những thời gian này có gia đình Bác Chí, nhà ở đường Lương Hữu Khánh, quận 1, cạnh đường rầy xe lửa cũ, gần nhà thương Từ Dũ, bán các loại vỏ xe nhập mới. Nguồn hàng có lẽ do những nhà buôn trước tháng 4/1975 còn tồn trữ lại cung cấp. Về sau này vỏ ruột xe hàng Thái Lan đem về nhiều, bác Chí chuyển nghề buôn bán xe cũ.
h. Dọn Xe.
Là một công việc quan trọng nhất trong dịch vụ mua bán xe cũ. Và nhiều người làm công việc này trở nên chuyên nghiệp thành một nghề gọi là “dọn xe mướn”.
Trước khi tháo rời xe ra để dọn, người nhóm trưởng này phải có nhiều kinh nghiệm để định bệnh và báo cho lái buôn biết được về tình trạng máy xe cần phải sửa chữa bộ phận nào (những người này kiêm luôn sửa chữa máy).
Nếu xe không cần phải sửa chữa các bộ phận liên quan đến máy. Thì chiếc xe được tháo rời ra. Tất cả các chi tiết tháo ra, như một chiếc xe sắp đem sơn lại nguyên chiếc vậy.
Máy xe phải được hạ xuống. Và họ dùng dầu hôi cùng bàn chải cước nhuyển làm sạch các lớp dơ.
Tất cả những đồ nào có xi mạ, được ngâm vào một thùng hay thau nhôm có chứa dầu hôi. Người thợ dọn này, dùng bàn chải đánh răng nhỏ, chà rửa các lớp dơ như khói hay mở bò khô bám dính. Những phuộc nhún (lò so) trước nào mà bạc thau bị rơ, mòn, phải đem thay, đóng mới lại. Sau đó cần phải vô mở bò mới ở những chổ cần thiết. Nếu bố thắng đã mòn phải thay bộ mới.
Sau khi đã chà rửa bằng dầu hôi rồi. Chiếc xe được lắp ráp trở lại và được rửa lại bằng nước sạch. Phải cho máy nổ nóng lên. Và dùng savon bột chà sẽ làm sạch bóng những đồ cấu tạo bằng nhôm (sau này thị trường có bán dung dịch chuyên để tẩy rữa máy)
Nếu xe cần phải dậm vá về phần sơn. Thì cần đem đi đến thợ sơn.
Bên cạnh đó các món đồ mủ đã được đánh bóng. Hay yên nệm đã được bao bọc xong rồi.
Sau đó, đến phần đánh bóng xe. Tay nghề đánh bóng cao, khi dùng bông gòn và dầu bóng, đánh cho đến khi nghe được âm thanh “chét, chét” (ruồi nhặng đậu vào chắc không được, vì quá trơn trợt!)
Mỗi xe tiền công dọn xe tương đương hơn một chỉ vàng.
Anh em nhà Đạt và Tuấn (9 ngón tay) là những nhóm dọn xe có uy tín nhất ở đây.
PHẦN CUỐI.
Chợ trời thường mang nghĩa không được tốt đẹp vì buôn bán giành giựt, lươn lẹo không chân thật…
Nhưng cũng có những người am hiểu về định luật Nhân Quả, nên họ đã áp dụng trong kinh doanh, đặt “uy tín” và “sự chân thật” lên hàng đầu và họ cũng có thể đứng vững và thành công trong chợ trời[26]
Trên đây dưới cái nhìn hạn hẹp của một cá nhân, nên chắn chắc có rất nhiều thiếu sót. Chẳng qua là muốn đóng góp một phần nhỏ, nói về sự hình thành của chợ trời xe gắn máy cũ Gia Long, về một nét văn hóa của người dân Saigon trước và sau năm 1975.
Vì không giỏi về cách hành văn, kính mong quý vị hoan hỷ và từ bi tha thứ cho. Kính mong quý vị và các bạn sẽ đóng góp nhiều ý kiến để cho bài viết được phong phú hơn.
Kính chúc quý vị cùng gia đình luôn được an vui và thuận may trong cuộc sống!
Trân trọng.
Trung Vũ.
(Viết xong tại Portland, Oregon ngày 22 tháng 01 năm 2015, chỉnh sửa lại 01/27/2021; Sacto CA 01/28/2024)
- Cảm ơn mợ Vinh Sơn – Tố Nga đã cung cấp nhiều thông tin quý báu về ngành mua bán xe mới.
- Cảm ơn anh Nguyễn Văn Bẩy FB Thời Sự & Giải Trí, nhờ anh tôi tìm được một số hình ảnh về xe cũ mới.
- Cảm ơn chị Tôn Nữ Thu Dung đã đăng bài này trên mạng tương tri.com
Nếu có thắc mắc xin email về:
[1] Vào thời điểm này người viết bài đang làm cò, đón mua xe đạp, xe hai bánh gắn máy cũ ở đầu đường Gia Long – ngã sáu Phù Đổng.
[2] Goebel – Sachs một dòng xe hai bánh gắn máy phân khối nhỏ 50cc được nhập cảng vào VNCH khoảng năm 1958 – 1960.
[3] Những nhà buôn này phần đông gốc Huế, Đà Nẳng vào năm khoảng năm 1964 – 1965 cùng là bà con họ hàng nhau. Họ rất thành công trong nghề kinh doanh xe gắn máy. Sau khi Cộng Sản chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa, họ đã tìm cách vượt biên ra nước ngoài hết.
[4] Cự Thất chuyên trị trật gân, boong gân, gảy xương… Ông gốc người bắc di cư năm 1954 trị bệnh nổi tiếng như ông Trương Quốc Cường ở đường Hậu Giang, Chợ Lớn.
[5] Nhà buôn Vinh Sơn do ông bà Nguyễn Như Ninh 1929 - 2000 gốc Đà Nẳng vào đây lập nghiệp năm 1964. Ông bà là đại lý hãng xe Vinaco ở khu vực miền trung. Năm 1968 ông bà đã xây căn nhà lên 6 tầng lầu trị giá 7 triệu đồng 04x33m. (tương đương 2000 lượng vàng lá).
[6] tournevis - French; screwdriver - Anh ngữ
[7] Shell & Esso & Caltex & Mobil là những hãng xăng cung cấp cho nước VNCH.
[8] Dòng xe phân khối nhỏ 50cc bốn thì là một phát minh vĩ đại của hãng Honda. Là một bước tiến nhảy dọt của công nghệ xe gắn máy hai bánh. Nhờ phát minh này thế giới đã có lượng lưu thông mạnh trong các nông thôn xa xôi làm phát triển xã hội, văn minh làng xã, thông tin, giao thông nhanh chóng
[9] Bà Vinh Sơn sanh năm 1940 tại Huế, lâp gia đình với ông Nguyễn Như Ninh năm 18 tuổi. Hai ông bà là đại lý hãng Vinaco khu vực miền trung tại Đà Nẳng. Năm 1964 vô nam mua căn nhà 307 đường Gia Long thành lập nhà buôn Vinh Sơn. Năm 1968 - 1970 nhà xây lên 6 tầng (4 X 33m) trị giá 7 triệu đồng. Sau khi mất nước gia đình ông và gia đình Kim Sơn vượt biên sang Hong Kong và định cư tại Orange County, California đến nay.
[10] lò Thành Hưng nằm gần góc đường Nguyễn Cư Trinh và Phát Diệm, quận nhì, Saigon.
[11] Culasse (Pháp ngữ - Cylinder head (Anh ngữ), Cylinder – lòng xy lanh.
[12] Xe Honda nam S 50 và xe Honda P 50 (có máy dính liền với bánh sau) được nhập cảng vào năm 1965.
[13] cáp duồn bị sát hại, giết chết vì kỳ thị dân Việt Nam.
[14] Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã không chịu ký kết hiệp định này vì biết rằng CSBV sẽ không bao giờ thực hiện đứng đắn Và trong đó có một điều kiện là quân lính của VC đóng quân tại chổ.
https://tailieumienphi.vn/doc/hiep-dinh-paris-1973-kqyytq.html
[15] Uy Ban Quân Quản do quân đội nhân dân quản lý sau ngày ngày cưỡng chiếm VNCH.
[16] công chức: những nhân viên hành chính trực thuộc các cấp phường xã quận tỉnh thành… sau tháng 4/1975 Cộng sản gọi chung là họ “ngụy quyền”
[17] QĐVNCH Quân Đội Việt nam Cộng Hòa au Cuộc trưng cầu dân ý miền Nam Việt Nam, 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa và giữ vai trò nguyên thủ. Quân đội Quốc gia Việt Nam cũng được chuyển đổi thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, đồng thời hệ thống tổ chức quân đội cũng được cải biến và bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của hình thái một quân đội quốc gia độc lập.
[18] Nguyễn Ngọc Điệp sanh năm 1953 tại Saigon là bạn thân nhất của người viết bài, làm bạn từ thuở nhỏ (1965) hai thằng đi chơi, đi học chung, đi lính cùng đơn vị Thiết Giáp… sau này người viết cưới người em gái út (1980) và Điệp cũng vượt biên sang đảo Galang và định cư ở Hoa Kỳ cuối năm 1980 đến nay.
[19] Trần Bửu Quan sanh năm 1954, là em của Trần Bửu Sỹ 1953 (đi lính cảnh sát, đã hy sinh đền nợ nước cuối tháng ba 1975 tại Rạch Dừa, Phước Tuy – Vũng Tàu). Trần Bửu Quan đệ tam đẳng Tae Kown Do, cùng em là Trần Bửu Vân vượt biên năm 1979.
[20] Nguyễn Văn Linh 1915 – 1998. Sau khi chiếm được nước VNCH và gần 10 năm cô lập với thế giới bên ngoài (1976 – 1985) vì cho rằng mình đã chiến thắng được đế quốc Mỹ và ảo tưởng về thiên đường XHCN. Nhưng vì kinh tế của VN đã tụt hậu so với các nước trong khu vực và nhân dân nghèo đói (vì chính sách ngăn sông, cấm chợ) nên Nguyễn Văn Linh đã ra lệnh mở cửa, ban giao với nước ngoài (để nhận viện trợ). Chính sách đối ngoại giai đoạn 1976 – 1986 và những bài học kinh nghiệm (chính sách sai lầm của đảng CS!)
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2661-chinh-sach-doi-ngoai-giai-doan-1976-%E2%80%93-1986-va-nhung-bai-hoc-kinh-nghiem.html
[21] Rất nhiều nơi nhận hàng nước ngoài mọc ra. Những nơi này đã đóng thuế hàng nhập cảng của người dân rất cao. Những số tiền thuế này đã chảy vào túi của những quan tham!
[22] Có thời gian những người làm cò này đứng tràn xuống chiếm cả lòng lề đường chung quanh đầu đường Gia Long và Phạm Hồng Thái (khi xe second hand cho phép nhập về hàng loạt 1986). Người nhận hàng đem xe đến đây bán hay đôi khi họ không có tiền để đóng thuế nhận xe. Họ bán cho lái buôn đến kho nhận hàng (họ chỉ đi theo để trình giấy tờ và ký tên). Nên thời gian này ở đây những người cò kiếm được tiền dể dàng!
[23] Long mập, Chín, Trung râu, Sơn cụt… là những siêu cò!
[24] Mỗi xe bán ra bị công ty này thu phí kinh doanh (không biết công ty này đã thu được biết bao nhiêu tiền và đã vô túi của những ai?). Sau đó vài năm công ty này phải đóng cửa!
[25] Là người viết bài này. Sau nay đã hơp tác với Võ Duy Danh sanh năm 1954 (cựu công chức quốc gia hành chánh) mướn nhà chị Nga (tiệm chụp hình Kim Dung) sô 319 Gia Long, căn phía trước mở ra buôn bán xe cũ 1985 – 1989. Đầu năm 1990 gia đình Trung râu đã vượt biên sang trại tạm dung Galang – Indonesia.
[26] Trung bình mỗi ngày bán 25 - 30 xe mỗi xe lời được 2000 đồng. Ông bà đã xây lại căn nhà lên 6 tầng vào năm 1968 – 1970, trị giá 7 triệu đồng, tương đương 2000 cây vàng (vàng khoảng 3500đ một lượng). Ông bà có mua nhiều nhà cửa và đất đai ở xa lộ Biên Hòa, trường đua Phú Thọ, gần cảng Cam Ranh…nhưng vì bỏ nước ra đi, mất hết.
- Bà Kim Sơn là em ruột của cậu Vinh Sơn, cũng buôn bán xe gắn máy, nhưng không phát đạt bằng. Hai gia đình anh em đã cùng nhau vượt biên thoát ra khỏi nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đến Hong Kong và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ.
PHỤ LỤC
- Bà Kim Sơn là em ruột của cậu Vinh Sơn, cũng buôn bán xe gắn máy, nhưng không phát đạt bằng. Hai gia đình anh em đã cùng nhau vượt biên thoát ra khỏi nước sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã đến Hong Kong và sau đó được định cư tại Hoa Kỳ.
2. Anh Hai Rổ là con trai lớn nhất của Bác Mười, anh là thợ giỏi và chuyên sửa các loại xe gắn máy như Honda, Suzuki…Anh sửa xe bên lề đường. Vợ anh, chị hai chuyên đi mua đồ phụ tùng. Anh chị, thỉnh thoảng cũng mua bán những xe hàng chiến (anh hai đã
3. Bác sĩ Đặng Văn Chiếu. Có lẽ ông là người giàu nhất khu vực này. Trước năm 1963, ông có dưỡng đường ngay mặt tiền đường Gia Long. Sau đó ông phá bỏ, xây building cho người Mỹ thuê. Ông còn có một căn biệt thự tọa lạc ngay góc đường Đặng Trần Côn và Gia Long, bên hông rạp Long Phụng.
4. Bến xe khách đường Phan Văn Hùm. Chuyên chở hành khách đi các tuyến đường Sài gòn - Hốc Môn. Sai Gòn - Trãng Bàng. Saigon - Tây Ninh. Sau năm 1976 bến xe dời về bến xe buýt Bà Quẹo.
5. Chợ ăn đêm ngã sáu Phù Đổng. Ban đêm ở đây bán đủ thứ các món ăn chơi như: bột chiên, chè xâm bửu lượng, cơm, mì xào… Trước năm 1975, buổi chiều khoảng 3- 4 giờ. Những người tàu đẩy các xe bán hàng ra đây, bán cho thực khách đi chơi đêm cho đến 3, 4 giờ sáng. Sau đó họ dọn dẹp vệ sinh và đẩy xe về nhà. Sau năm 1975, họ chiếm luôn chỗ và không còn đẩy xe về nhà nữa.
6. Ciné Aristo, nằm ngay góc đường Lê Lai và Phan Văn Hùm. Rạp xây cất theo kiểu Pháp, có hai hàng balcony hai bên. Những trang trí hoa văn theo kiểu Roman Gothic rất đẹp. Sau đó phá bỏ xây building cho người Mỹ thuê. Sau 1975 làm nhà hàng khách sạn Lê lai. Là một phần nơi xây khách sạn New World bây giờ.
7. Cự Hà và Lê Tiến và những nhà nhập cảng len nổi tiếng. Chuyên nhập cảng các loại len từ Pháp và các nước Châu âu. Cung cấp cho toàn quốc.
8. Cự Thất. Ông người bắc di cư năm 1954, là thầy thuốc đông y, chuyên trị những người bị bong tay chân, trật gân, gãy xương… Ông nổi tiếng ở vùng Saigon, cũng giống như ông Trương Quốc Cường ở đường Hậu Giang vùng Chợ lớn.
9. Đức Thịnh. Ông bà gốc bắc di cư vào nam 1954. Là chủ nhà máy sản xuất giây thun luồn quần độc nhất khu SG. Ông có thêm mấy căn nhà bán đồ len trên đường Gia Long, nhà máy sản xuất hộp quẹt bằng nhôm, ở trong hẻm đường Phạm Hồng Thái. Nhà bác của tôi (tiệm giặt ủi Đồng Ký cũng đã bán cho ông bà vào năm 1973). Vợ và các con của ông đã đi Pháp trước ngày 30/4/1975. Ông tiếc của nên ở lại, ông đã hiến mấy căn nhà máy cho chánh quyền cách mạng…
10. Chị Mỹ Nương, người gốc Huế, rất xinh đẹp. Có chồng lính tên Kỳ đi lính không quân, là một trong những người đàn bà giỏi về ngành mua bán xe gắn máy. Hiện giờ chị Mỹ Nương đã mua lại nhà số 307 đường Gia Long kinh doanh khách sạn (căn nhà này trước đây của ông bà Vinh Sơn).
11. Kim Phụng mì gia, đường Gia Long. Đặc biệt mì vịt tiềm, mì bồ câu, là một tiệm mì nổi tiếng vùng Saigon, giống như mì Cây Nhãn, nổi tiếng trong vùng cây Gia Định.
12. Năm Đen. Là đội trưởng đội bài trừ du đảng thời chánh phủ Ngô Đình Diệm. Ông nổi tiếng có nhiều vợ, nhà nằm trong hẻm, sau lưng rạp Long Phụng.
Tôi có quen một người con của ông cùng vượt biên ở trại Galang. Anh tên là Nguyễn Văn Hưng sanh năm 1957 (Hưng đen).
13. Rạp Long Phụng. Chuyên chiếu phim ca nhạc, thần thoại cổ tích của Ấn độ, lồng tiếng VN, trong đó có những đoạn vọng cổ do Út Bạnh Lan ca.
14. Trung tá Nguyễn Văn Năng, cựu quận trưởng quận 5 (là bạn của ông chủ tiệm giặt ủi Đồng Ký). Tù cải tạo trên 10 năm, là người làm cò, có cấp bậc quân đội lớn nhất ở đây. Đi Mỹ theo diện HO – 01 năm 1990. Và còn nhiều anh cấp bậc nhỏ hơn như đại úy, trung úy, mua bán xe ở đây.
15. Trường trung học tư thục Tân Thanh, nằm trên góc đường Phạm Hồng Thái và Phan Văn Hùm, ngay chổ cà-phê Starbucks, khách sạn New World bây giờ.
16. Lái buôn xe đường dài miền trung như Anh Lai râu, chuyên mua xe từ Saigon đem ra Đà Nẵng hay ngược lại. Có thời gian những loại xe như Honda SS 50 đời 1967 nước sơn còn origin rất hút hàng. Anh mua xe đem về Đà Nẵng bán. Hiện nay anh đã mua và có một cửa hang mua bán xe hai bánh trên đường Gia Long.
17. Trung râu, từ nhỏ sống cùng gia đình người bác ở số 301 đường Gia Long (tiệm giặt ủi Đồng Ký). Tình nguyện nhập ngũ năm 1971. Sau năm 1975 làm cò (bạn thân của Điệp Nguyễn sanh năm 1953, đi lính Thiết Giáp, vượt biên năm và định cư ở Hoa Kỳ cuối năm 1980). Trung râu đã hợp tác cùng Danh Vỏ từ năm 1985 – 1989. Đã đem gia đình vượt biên đầu năm 1990. Gia đình đã ở đảo Galang, Indonesia hơn 6 năm và bị cưởng bức hồ hương trở về VN. Sau này được định cư ở Mỹ theo chương trình ODP năm 2003.
No comments:
Post a Comment