Monday, October 21, 2024

Lạm Dụng Dược Thảo




Dưới đây là câu chuyện xảy ra với tôi. Do vậy với dụng ý giúp 

đở thông tin cho những ai đang dùng y dược song song với 
dược thảo để tự chữa bịnh cho mình nên đọc qua. Là một 
con người ai sinh ra cũng phải chịu cảnh sanh, già, bịnh và 
kết thúc bằng cái chết.
Tự bản thân tôi cũng học được điều đó. Nhưng, trong tôi vẫn 
muốn mình được trẻ mãi không già, không bịnh và không chết.
Sống trên đất Mỹ một thời gian khá dài là một xứ sở được 
bảo đảm về y tế rất hoàn hảo. Chúng tôi có đóng bảo hiểm 
sức khỏe hàng tháng nên mỗi khi bịnh đi bác sĩ và mua thuốc
đều được hãng bảo hiểm trả hết những chi phi đó gần như là 
95%. Chúng tôi hơi bịnh là đi bác sĩ, rồi toa thuốc bác sĩ viết 
cho đều đem ra tiệm mua không chừa cái nào.

Nhưng rồi vì muốn mình được trẻ mãi, không già, không bịnh và không chết. Chẳng hạn, tôi bị các bịnh như cao máu, mỡ máu, tiểu đường v.v.... Tôi đã tìm đọc trên mạng những dược thảo và mua về tự mình nấu uống song song với thuốc tây.

Chẳng những vậy, tôi giống như một người đi tìm thuốc trường sanh bất tử về cho mình. Sau khi đọc trên mạng biết được cây nha đam (aloe vera) uống sẽ hết bịnh tiểu đường, tôi đi tìm cây giống đem về trồng và gây giống được trên 20 cây.

Rồi đọc trên mạng thấy nói uống lá cây Giảo Cổ Lam (jiaogulan) là một loại dược thảo uống sẽ được sức khỏe tốt như là một loại dược thảo qúi mà có bộ lạc bên Trung Hoa người ta uống thay trà mỗi ngày được sống rất thọ. Thế là tôi tìm giống và mua về trồng rồi cũng cấy ra thành nhiều cây bây giờ trong vườn nhà tôi rất nhiều loại cây này bò lan trên nhiều khoảnh đất và tôi cũng lấy lá nấu để uống mỗi ngày thay trà.

Rồi cũng trên mạng nói lá dứa nấu nước uống thay trà mỗi ngày sẽ hạ áp huyết máu, tôi cũng mua cây và đem về trồng bây giờ cũng lên đến gần 20 chậu lá dứa.

Sau cùng, cũng trên mạng tôi đọc bài nói về uống năm loại rau quả gồm: táo xanh, dưa chuột, ổ qua, ớt xanh, và cần bỏ vào máy ép trái cây lấy nước uống sẽ hạ tiểu đường.

Mỗi thứ dược thảo kể trên đã được tôi nấu và uống thử mỗi thứ khoảng 2 năm. Thấy thứ nào cũng tốt và ngon miệng và có ảnh hưởng giảm tiểu đường. Cuối cùng tôi chọn cách 5 loại rau quả và tôi uống được thứ dược thảo này được gần một năm thì thấy da dẻ hồng hào và thân thể khỏe mạnh. Rồi bỗng nhiên một hôm tôi thèm một ly trà Giảo Cổ Lam nấu với lá dứa, thế là tôi nấu một nồi nhỏ cho hai vợ chồng uống thêm.

Đó là, một ngày Chủ Nhật cuối tuần đẹp vào trung tuần tháng 9. Trời Baton Rouge bắt đầu bước sang thu khí hậu mát lạnh không còn cái nóng thiêu gay gắt của những tháng hè. Chúng tôi có cái hẹn đi thăm người con trai và 3 đứa cháu nội, vừa để thăm cháu và con và cũng là để khám bịnh chích ngừa căn bịnh cúm (Flu) luôn.

Tôi thức dạy lúc 6:30 sáng, vừa bước xuống đất thì một cái gì đó từ trong lồng ngực hộc lên miệng, giống như trong lồng ngực có đờm và nó làm tôi ho, tôi chạy vội vào phòng tắm nhổ xuống bồn cầu thì thấy toàn là máu, rất nhiều máu làm đỏ ối cả bồn cầu. Tôi hoảng sợ, gọi lớn ông xã chạy vào, khi nhìn thấy ông cũng hoảng hốt vì không biết chuyện gì đã và đang xảy ra cho tôi. Ông xã vội gọi người con trai và nói về tình trạng của tôi thì người con nói hãy đến ngay phòng mạch của con.

Khi tôi đến phòng mạch của con sau gần một tiếng lái xe, trên đường đi tôi không bị ho ra máu. Nhưng đúng lúc khám bệnh thì lại ho và máu lại trào ra rất nhiều. Tôi quá sợ hãi, con tôi nói:

- "Không sao đâu mẹ, con nghĩ là một mạch máu nào đó trong mũi bị bể, nó giống như là mẹ bị chảy máu cam thôi".

Và con tôi bắt đầu hỏi bệnh của tôi

- "Mẹ có uống thuốc cao máu thường xuyên không?"

Tôi đáp:

- "có, mỗi ngày mẹ đều uống thuốc cao máu rất đúng giờ".

Con tôi hỏi tiếp:

- "Tối qua mẹ có ăn gì mặn không?"

Tôi đáp:

- "Buổi tối thường mẹ không ăn cơm với thức ăn bình thường, mẹ chỉ ăn một chén nhỏ Oatmeal".

- "Mẹ có uống loại herbs nào không?"

Tôi đáp:

- "Có"

- "Vậy tên loại herb là gì?"

Tôi đáp:

"Thường ngày mẹ uống nước ép của 5 loại rau quả, hôm qua vì thèm một ly nước Giảo Cổ Lam nấu với lá dứa nên mẹ nấu thêm một nồi nhỏ và đã uống 2 ly, buổi sáng một ly và buổi tối trước khi đi ngủ một ly".

Con tôi nói:

- "Y tá đã đo áp xuất của mẹ thì thấy là 185 như vậy quá cao, và mẹ không có dấu hiệu bị sốt. Như vậy là mẹ bị bể mạch máu ở đâu đó trong mũi hoặc trong phổi".

Và con tôi nói tiếp:

- "Mẹ hãy dừng ngay các loại dược thảo vì mẹ đã có chữa các căn bịnh của mẹ bằng Tây y rồi, nếu mẹ uống thêm các dược thảo nó có những phản ứng mà mình không ngờ được. Các bác sĩ người ta cũng nghiên cứu thuốc chữa bệnh từ các loại dược thảo và bào chế thành các loại thuốc chữa bệnh với cân lượng rõ ràng. Mẹ uống dược thảo thêm tức là mẹ tăng thêm liều độ với lại mẹ đâu biết phản ứng của nó sanh ra bệnh gì nữa. Mẹ phải ngừng ngay không uống dược thảo nha mẹ.".

Sau đó con tôi đưa giấy giới thiệu đến bác sĩ về phổi và bác sĩ tai mũi họng và dặn:

- "Vì hôm nay là Chủ Nhật nên các bác sĩ về phổi và về tai mũi họng không làm việc, sáng sớm ngày mai bố kiếm bác sĩ về phổi và tai mũi họng và đưa mẹ đi. Nhưng khi về nhà nếu thấy máu vẫn còn tiếp tục chảy nhiều thì bố phải đưa mẹ đi bệnh viện vào phòng cấp cứu ngay nha".

Sau đó chúng tôi đi về nhà và tôi liên tục ho ra máu nhiều lần nữa. Đến 9:30 tối lại ho ra máu rất nhiều nên chồng tôi quyết định chở tôi đến phòng cấp cứu của bịnh viện trong thành phố.

Tại phòng cấp cứu của bịnh viện sau 3 tiếng chờ đợi, người y tá đưa tôi đến phòng chụp quang tuyến để làm Cat Scan. Sau đó tôi được đưa vào phòng khám để gặp bác sĩ. Tại đây chúng tôi gặp một chuyện hiểu lầm tai hại. Các bác sĩ và y tá tại phòng cấp cứu chứng kiến cảnh tôi ho ra máu thì họ nghĩ là tôi bị Ebola hoặc một bịnh có vi khuẩn lạ tai hại nào đó.

Vị bác sĩ trực hỏi tôi:

- "Bà có đi du lịch nơi nào ngoài nước Mỹ gần đây không?"

Tôi trả lời:

- "Dạ không, gần 5 năm rồi tôi không đi đâu ra ngoài nước Mỹ".

Ông bác sĩ hỏi tiếp:

- "Thế bà có tiếp xúc với người nào bị bịnh không?"

Tôi ngơ ngẩn một chút rồi trả lời:

- "Tôi chỉ luẩn quẩn trong nhà và chồng tôi là người duy nhất tôi tiếp xúc. Ah! mà có lúc tôi ra làm vườn thì bị muỗi chích, tôi chắc có lẽ bịnh từ con muỗi chăng?"

Ông bác sĩ phì cười: "Con muỗi truyền bịnh này cho bà sao!!!

Rồi ông ta đi ra, một lúc thì người y tá vào lấy máu từ trong người nói đem đi thí nghiệm. Một lúc thì tôi thấy họ đóng cửa phòng tôi lại.

Sau đó, ông bác sĩ trực kéo thêm vị bác sĩ trưởng của ca cấp cứu vào tuyên bố là tôi bị bịnh xưng phổi và sẽ chích cho tôi thuốc trụ sinh xong thì cho tôi về nhà đợi sáng hôm sau đi đến phòng mạch của bác sĩ phổi.

Tôi ngạc nhiên và hơi lo ngại là máu vẫn đang tiếp tục chảy vậy sao về nhà được, tôi hỏi ông ta:

- "Tôi về nhà thì máu có ngừng chảy không?"

Ông ta đáp:

- "dĩ nhiên là sẽ ngừng chảy, nhưng phải từ từ vì thuốc trụ sinh nó ngấm từ từ diệt những con vi khuẩn hết thì máu ngừng chảy"

Ông xã tôi nói:

- "Bác sĩ hãy để vợ tôi ở lại bịnh viện, rồi đến sáng tôi sẽ kiếm bác sĩ phổi khám cho vợ tôi. Chứ bây giờ máu vẫn tiếp tục ho ra thì về nhà chúng tôi cũng không biết làm gì, chẳng thà ở lại bịnh viện chờ sáng là hơn."

Ông bác sĩ nói chờ ông ra hỏi bác sĩ của bịnh viện xem có cho tôi ở lại không.

Sau một lúc họp khẩn với các bác sĩ của bịnh viện thì họ đồng ý cho tôi ở lại. Nhưng, họ cách ly tôi trong phòng cách ly đặc biệt của bịnh viện, các bác sĩ và y tá khi vào phòng tôi họ đều mang khẩu trang và vào rất là vội để đi ra ngay giống như họ sợ bị lây bịnh từ tôi. Tuyệt nhiên không ai nói cho tôi biết là họ nghỉ tôi bị bịnh gì mà chỉ nói là tôi bị pneumonia là viêm phổi. Bệnh viêm phổi là bệnh thường gây ra bởi hiện tượng nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.

Họ tiếp tục lấy máu từ trong người tôi đem đi thí nghiệm, thậm chí họ kêu tôi khạc máu vào một hộp nhỏ để đem đi thí nghiệm. Và một chuyện rất là buồn cười và tủi thân, đó là y tá không dám đến gần tôi, họ thấy trên giường bệnh tôi ngồi có túi để tôi ói vào khi đó đã đầy rồi họ kêu chồng tôi vứt vào thùng rác, và trên tay tôi còn đeo số hiệu của phòng cấp cứu thay vì y tá lấy ra và thay cái khác vào thì bà ta sai tôi tự lấy ra, nói xong bà chạy ra khỏi phòng liền.

Tôi và chồng tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong người tôi mà chỉ biết là mình đang bị cách ly trong bệnh viện.

Trong lòng lo lắng quá là lo lắng. Tôi ngồi nhắm mắt và định tâm, cố gắng kềm cơn ho không cho phát ra, bởi vì nếu ho là máu lại ộc ra. Lúc đó tôi nhớ một phương cách thực hành trong lúc khó khăn, lo sợ để tự mình tìm sự bình tĩnh an ổn tinh thần là cầu nguyện.

Và tôi cầu nguyện Trời, Phật, Chư Thiên phù hộ cho con tai qua nạn khỏi và bệnh tật được tiêu trừ"

Đến 10 giờ y tá mang thức ăn sáng cho tôi. Suốt ngày qua cho đến lúc này tôi đã ho ra máu liên tiếp, mất máu rất nhiều, rồi phần đói nên tôi đã ăn thức ăn bịnh viện rất ngon, sau khi ăn xong tôi lại ngồi nhắm mắt và cầu nguyện tiếp.

Khoảng 11 giờ bác sĩ về phổi đến phòng tôi cùng với một bà y tá, đều mang khẩu trang với vẻ mặt rất khẩn trương như có cái gì đó đang xảy ra. Sau câu chào hỏi thì ông cho biết là đã coi hồ sơ bịnh lý của tôi và biết là tôi đã ho ra máu. Thì ngay lúc đó tự nhiên bụng tôi đau quặn rất là đau, giống như tôi phải đi ngay vào phòng vệ sinh chứ không sẽ không kịp, cho nên tôi ra dấu cho bà y tá giúp đẩy bình IV đang tiếp nước biển vào người tôi theo tôi. Vừa vào tới phòng vệ sinh chưa kịp đóng cửa phòng thì từ trong người tôi xổ ra rất nhiều máu đen từ đường đại tiện trong khi đó máu trong miệng cũng ọc ra từng ọc, rất là dễ sợ. Bà y tá cuống quýt giúp tôi lau máu từ miệng, làm vệ sinh rồi đỡ tôi ra khỏi phòng vệ sinh. Vị bác sĩ nhìn tôi trong trạng thái máu vẫn ào ạt chảy ra từ miệng, ngay lúc đó ông dơ tay lên gỡ cái khẩu trang ra khỏi miệng ông và nói một cách rất quả quyết:

- "Tôi khẳng định rằng bà không mắc bịnh TB (TB là tên viết tắc của căn bệnh Tuberculosis tức là lao phổi), mà là bà bị bể một đường máu nào đó trong phổi hoặc cuống phổi. Tôi sẽ báo cho nhà thương biết là họ không cần cách ly bà nữa".

Ngay lúc đó bà y tá cũng gỡ cái khẩu trang của bà ra. Lúc đó tôi mới biết là các bác sĩ của bệnh viện đã định bịnh của tôi là lao phổi. Vậy mà họ không cho tôi biết. Ông bác sĩ nói tiếp: "Tình trạng của bà đang rất là nguy hiểm, bà đã mất rất nhiều máu trong gần 30 tiếng đồng hồ. Tôi đi báo cho các bác sĩ của bệnh viện. Chúng tôi phải làm việc ngay chứ không thể kéo dài nữa".

Ông đi rất nhanh ra khỏi phòng, khoảng 30 phút sau ông trở lại và nói:

- "Tôi đã nói với các bác sĩ nhà thương là bà cần làm gấp cuộc phẩu thuật tên là Bronchoscopy. Nhưng bà phải nhịn đói 8 tiếng không được ăn gì. Tôi được cho biết là bà đã ăn sáng rồi, như vậy cuộc phẩu thuật sẽ trở nên khó khăn vì khi gây tê mê bà sẽ bị ói hết thức ăn từ trong bao tử ra. Nhưng vì tình trạng khẩn cấp nguy hại tới tính mạng cho nên chúng tôi chấp nhận việc bà sẽ bị ói vì nó chỉ làm dơ cái máy móc của nhà thương thôi mà cứu được tánh mạng của bà nên nhà thương đã chấp nhận tiến hành cuộc phẩu thuật này".

Ông giải thích Bronchoscopy là gì, như sau: "Bronchoscopy là một dụng cụ y học tạm gọi là dụng cụ soi phế quản đi vào lồng phổi của bệnh nhân qua đường khí quản. Nó là một ống nhỏ hơn 1/2 inch và dài khoảng 2 feet. Được đưa vào qua miệng hoặc mũi của bệnh nhân và luồng xuống phổi. Qua đó chúng tôi có thể nhìn thấy vết đứt của đường máu ở nơi nào và từ đó chúng tôi sẽ chận lại không cho máu chảy ra tiếp".

Và ông nói tiếp:

- Bây giờ bà nằm nghỉ chờ tôi đi chuẩn bị máy, cuộc phẩu thuật sẽ bắt đầu lúc 2 giờ.

Lúc bấy giờ là 12:00 trưa. Tôi có phần yên tâm và bớt đi sự lo lắng. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắm mắt định tâm và tiếp tục cầu nguyện.

Đến 1:45 thì y tá đẩy tôi xuống phòng phẩu thuật để chuẩn bị cho việc phẩu thuật. Họ để tôi nằm trên bàn phẩu thuật. Bên tay phải của tôi là một màn hình lớn, nó giống như một cái màn ảnh của computer, phía đầu tôi là cái cần có gắn bộ phận của máy Bronchoscopy. Đầu tiên họ bơm vào 2 bên mũi và cổ họng tôi mỗi nơi 3 mũi thuốc tê, là loại thuốc nước làm tê cứng hai bên mũi và cổ họng tôi, tôi bắt đầu cảm thấy như muốn ngủ và sau đó thì tôi không còn biết gì nữa.

Tôi tỉnh giậy khi nghe tiếng gọi của vị bác sĩ:

- Mrs Nguyễn

Vị bác sĩ thấy tôi mở mắt nên nói tiếp:

- Chúng tôi dùng máy bronchoscopy đưa vào lồng ngực của bà và đã thấy nơi máu phun ra nhưng vì máu phun ra nhiều quá và nó lại nằm sâu bên trong lồng phổi nên không thể hàn vết nứt được. Do vậy, tôi đã tạm thời chặn nơi đó lại. Bây giờ chúng tôi sẽ dùng thêm một phương pháp phẩu thuật khác để tìm vết nứt và hàn nó lại, phương pháp này gọi là Embolization hay còn gọi là Pulmonary angiography. Pulmonary angiography là một dụng cụ y học khác dùng để tìm kiếm các động mạnh trong phổi khi có dấu hiệu ra máu trong phổi. Dụng cụ này với x-rays và một loại thuốc nhuộm màu đặc biệt để có thể nhìn thấy bên trong động mạnh.

Trên cơ thể của bệnh nhân, thường xuyên nhất là cánh tay hoặc ở háng. Trường hợp của tôi, bác sĩ dùng ống thông từ nơi háng cắt nhỏ trong một tĩnh mạch và chèn ống thông vào đó rồi đi xuyên qua các tĩnh mạch và cẩn thận di chuyển lên và thông qua các buồng tim bên phải và vào động mạch phổi, dẫn đến phổi. Bác sĩ nhìn thấy hình ảnh qua quang tuyến x-ray trực tiếp của buồng phổi trên một màn hình computer , và sử dụng chúng như một bản hướng dẫn.

Một khi ống thông đi qua, thuốc nhuộm được tiêm vào ống thông. Hình ảnh X-ray được thực hiện rõ ràng thuốc nhuộm di chuyển qua các động mạch của phổi. Các thuốc nhuộm giúp phát hiện nơi có dòng máu bị đứt và ở đó bác sĩ sẽ hàn vết nứt đó lại, máu sẽ được ngăn lại không cho chảy ra nữa.

Cuộc phẩu thuật kéo dài 45 phút. Tôi được làm cho ngủ trong suốt thời gian phẩu thuật cho đến khi bác sĩ gọi tôi và cho tôi biết cuộc phẩu thuật xong với kết quả khả quan, tôi sẽ không còn bị ho ra máu nữa.

Vị bác sĩ Pulmonary angiography cho tôi biết vết mạch máu bị đứt nằm phía phổi bên trái của tôi, ngay dưới vú bên trái nằm ngay nơi cách nay 10 năm tôi bị breast cancer và là nơi tôi đã phải chịu hơn 30 lần radiation để diệt các mầm mống cancer nếu còn sót lại. Do vậy các mạch máu nơi đó bị yếu hơn các nơi khác trong thân thể của tôi. Và do tôi bị cao áp huyết mặc dù tôi uống thuốc tây về áp huyết thường xuyên nhưng vì tôi dùng các loại herbs mà tôi không biết rõ phản ứng phụ của nó ra sao cho nên đã làm tăng áp huyết, một khi áp huyết bị tăng thì máu phải kiếm đường bung ra thì dĩ nhiên nơi nào mạch máu yếu nhất thì nơi đó bị bung ra. Đó là lý do bác sĩ cho tôi biết tôi bị đứt mạch máu ở phổi.

Tôi thật là xúc động và chân thành cảm ơn vị bác sĩ phổi bronchoscopy và bác sĩ phẩu thuật Pulmonary angiography cùng với các y tá trong hai ca phẩu thuật đã tận tình giúp và cứu mạng tôi thoát khỏi cơn nguy hiểm này.

Cũng như sự lo lắng, chăm sóc tôi trong cơn hoạn nạn với đầy sự thương yêu của ông xã và 4 người con trai của tôi đã không ngại mệt nhọc mà ở cạnh tôi suốt thời gian tôi ở bệnh viện quên ăn quên ngủ chỉ một lòng lo lắng cho tôi.

Cuối cùng tôi luôn nhớ lời các con tôi nói khi đón tôi về nhà:"Mom, no more herbs please!!!" ...

Minh Hạnh

Tuesday, October 15, 2024

Han Kang từ chối họp báo, ăn mừng giải thưởng Nobel văn chương 2024 - Tuấn Khanh

Trích đoạn giới thiệu tác phẩm 'Người Ăn Chay-Vegetarian' của nhà văn Han Kang đa đưa tác giả đoạt giải Nobel Văn chương 2024!

Người ăn chay là một cuốn tiểu thuyết ba phần về câu chuyện của Yeong-hye, một người vợ hiếu thảo Hàn Quốc, được thúc đẩy bởi một giấc mơ, quyết định một ngày để trở thành một người ăn chay. Hành động thay đổi này đã gây ra một số xung đột trong cuộc sống gia đình cô và được xem như một cuộc nổi loạn của Yeong-hye. Cô ngày càng kỳ lạ và đáng sợ, các mối quan hệ dường như bình thường trở thành những hướng bạo lực, xấu hổ và mong muốn.

Nhận xét về cuốn sách, tờ báo The Guardian cho biết: “Qua ba phần, chúng tôi đang áp chặt vào cấu trúc linh hoạt nhất của một xã hội – những kỳ vọng của hành vi, hoạt động của các tổ chức – và chúng tôi xem họ thất bại từng người một. Đó là một sự giằng xé nội tâm muốn thoát ra khỏi những dây trói ngày thường của một phụ nữ hiện đại. Ngoài ra tác phẩm còn mang đến sự gợi cảm, khiêu khích và bạo lực, cùng với hình ảnh mạnh mẽ, màu sắc đáng ngạc nhiên và những câu hỏi đáng suy ngẫm”.
***
Ba truyện ngắn hay, độc lập nhưng cũng có thể gộp gọi tiểu thuyết (bản gốc không định rõ). Bởi vì cũng những con người đó, nền tảng, xuất xứ đó, nhưng tác giả xây dựng thông qua cái nhìn của các nhân vật khác nhau theo từng sự chuyển biến của câu chuyện. Han Kang giải mã những vùng tăm tối nhất trong con người họ, bắt đầu từ những khao khát bình thường hay đặc biệt, dần dần trở thành những chấn thương không thể nào chữa được. Các nhân vật đi tìm những ảo ảnh, hình bóng chập chờn cho quên đi nỗi đau, để rồi cuối cùng biến mất theo chúng.

Han Kang từ chối họp báo, ăn mừng giải thưởng Nobel văn chương 2024

Han Kang, người Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nobel Văn học, đã từ chối lời đề nghị họp báo sau giải thưởng Nobel Văn chương, mà bà nói là chẳng có lý do gì để vui, khi cuộc sống chung quanh là những thảm kịch, như những cuộc xung đột không ngừng giữa Ukraine-Nga hay Israel-Palestine.

Cha của bà, tiểu thuyết gia nổi tiếng Han Seung-won, 85 tuổi, đã truyền đạt thông điệp này trong một cuộc gặp mặt tại Trường Văn học Han Seung-won ở Jangheung, tỉnh Jeolla Nam.

“(Han Kang) nói với tôi, ‘Với chiến tranh ngày càng khốc liệt, con người bị đưa vào chỗ chết mỗi ngày, làm sao chúng ta có thể tổ chức lễ kỷ niệm hoặc họp báo ăn mừng được?’ Han Kang nói rằng mình không nên tổ chức họp báo gì cả”, ông Han Seung-won kể với báo giới.

Được biết, sau khi giải Nobel văn học được công bố vào tối thứ năm, Han Seung-won đã nói chuyện với con gái và khuyên cô nên chọn một nhà xuất bản để tổ chức họp báo.

Ban đầu, cô ấy đồng ý và nói rằng cô ấy sẽ “thử nghĩ xem”, nhưng rồi cô ấy đã thay đổi quyết định chỉ sau một đêm.

“Quan điểm của Han Kang đã thay đổi từ một nhà văn sống ở Hàn Quốc sang ý thức (của một nhà văn) toàn cầu. Tuy nhiên, tôi không thể thoát khỏi cảm giác là cha của một người đoạt giải đang sống ở Hàn Quốc, vì vậy tôi đã tự mình sắp xếp buổi gặp mặt nhỏ này”, ông nói, theo tường thuật của Korea Times.

Han Kang cũng ngăn cản cha mình không nên tổ chức tiệc ăn mừng tại trường văn học.

Cha cô cho biết, “Tôi định tổ chức một bữa tiệc ở đây cho người dân địa phương, nhưng con gái tôi bảo tôi đừng làm vậy. Con bé nói, ‘Làm ơn đừng ăn mừng khi chúng ta đang sống và chứng kiến những sự kiện bi thảm này (ám chỉ hai cuộc chiến tranh). Viện Hàn lâm Thụy Điển không trao giải thưởng này cho con để chúng ta tận hưởng, mà để giữ đầu óc tỉnh táo hơn.’ Sau khi nghe điều đó, tôi vô cùng bối rối”, ông Han Kang kể.

Tiểu thuyết gia Han Seung-won, cha của Han Kang, đã có buổi gặp gỡ các phóng viên tại hội trường của một ngôi trường ở Anyang-myeon, huyện Jangheung, tỉnh Jeolla Nam, để chia sẻ phản ứng của con gái ông khi giành giải Nobel Văn chương, theo sự hối thúc không ngừng của các cơ quan truyền thông tại Hàn Quốc.

Từ Seoul, sau khi nhận được tin về giải thưởng của mình qua cuộc điện thoại với ủy ban Nobel vào thứ năm, Han Kang bày tỏ rằng bà “rất ngạc nhiên và vinh dự”, nhưng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào thêm.

Mọi người xếp hàng trước một hiệu sách độc lập ở quận Jongno, Seoul, do tiểu thuyết gia Han Kang điều hành, chờ mở cửa để mua sách sau ngày có tin bà đoạt giải (Korea Times)

Nhiều nhà xuất bản, bao gồm Changbi Publishers, nơi đã xuất bản các tiểu thuyết nổi tiếng của bà là “Human Acts” (2014) và “The Vegetarian” (2007), và Munhakdongne Publishing, nơi đã xuất bản tập thơ và tiểu thuyết “The Wind Is Blowing” (2010), đã đề xuất tổ chức một cuộc họp báo, nhưng tính đến chiều thứ sáu 11 Tháng Mười, bà vẫn chưa phản hồi.

Tuy nhiên, ở bên ngoài, mọi dữ kiện liên quan đến tiểu thuyết gia Han Kang đang trở thành sự kiện nóng nhất ở Hàn Quốc. Hiện 9 trong số 10 tác phẩm bán chạy nhất được liệt kê trên trang Kyobo – trang thống kê và mua bán trực tuyến phổ biến nhất của Hàn Quốc – là tác phẩm của Han Kang. Tác phẩm bán chạy nhất, The Vegetarian – tiểu thuyết năm 2007 đã nhận giải International Booker.

Chỉ vài tiếng sau khi có tin tức về giải Nobel văn chương năm 2024, khách hàng đã xếp hàng dài tại các hiệu sách ở Hàn Quốc, các cửa hàng trực tuyến bị sập khi độc giả cố gắng sở hữu tác phẩm của nhà văn mới đoạt giải Nobel, Han Kang.
Chuỗi nhà sách lớn nhất nước, Kyobo Book Centre, cho biết doanh số bán sách của Han đã tăng vọt vào thứ Sáu 11 Tháng Mười, với lượng sách bán ra gần như hết ngay lập tức.

Các chính trị gia, tác giả và độc giả Hàn Quốc đã cùng ăn mừng chiến thắng của bà. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chúc mừng bà trong một bài đăng trên Facebook, và tại quốc hội, nhiều phiên điều trần của chính phủ đã bị tạm dừng khi các quan chức thông báo mừng tin tức này.

“Tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe tin về giải thưởng. Khi cuộc gọi kết thúc, tôi dần lấy lại được cảm giác thực tế và bắt đầu cảm thấy xúc động”, bà Han Kang nói. “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã chọn tôi là người chiến thắng. Những làn sóng chúc mừng nồng nhiệt mà mọi người gửi đến tôi trong suốt cả ngày cũng thật bất ngờ. Từ tận đáy lòng, tôi xin cảm ơn các bạn”, theo Reuters.

“Han Kang là một tiểu thuyết gia xuất sắc, người phản ánh tình trạng hiện đại của chúng ta bằng lòng dũng cảm, trí tưởng tượng và trí thông minh,” tác giả người Mỹ gốc Hàn của Pachinko, Min Jin Lee, cho biết. “Bà ấy xứng đáng nhất với sự công nhận toàn cầu này.”

Còn tác giả người Hàn Quốc Kim Bo-young thì nói với the Guardian “Chúng tôi reo hò và vui mừng, tôi thậm chí còn tự hào và vui mừng hơn khi nghĩ đến việc giải thưởng này trực tiếp bác bỏ sự ngu ngốc của việc cố gắng che giấu và bóp méo lịch sử quá khứ của Hàn Quốc.”

Bài đọc thêm:


Người đưa Han Kang ra thế giới: 'Vegetarian' từng bị từ chối quá nhiều

  • Đức Huy
  •  
  • Chủ nhật, 13/10/2024 14:00 (GMT+7)

Trả lời Tri Thức - Znews, ông Joseph Lee cho biết dù đã bị nhiều nhà xuất bản quốc tế từ chối, ông vẫn tin vào giá trị mà Han Kang tạo ra và quyết tâm đưa văn chương của bà ra thế giới.

Từ năm 2007, ông Joseph Lee đã bắt đầu cố gắng giới thiệu những tác phẩm của Han Kang tới các nhà xuất bản trên thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là một hành trình dễ dàng. Đã có rất nhiều đơn vị làm sách ở Mỹ, Anh từ chối tác phẩm Người ăn chay của bà. Nhưng ông Lee vẫn chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào những giá trị mà Han Kang viết trong cuốn sách này.

“Khi nhìn lại hành trình đó tôi hiểu ra rằng mọi giấc mơ đều có thể trở thành sự thật, chỉ cần ta không từ bỏ nó”, ông Joseph Lee tâm sự.

Joseph Lee là Chủ tịch công ty KL Management, một đơn vị chuyên giao dịch bản quyền sách văn học có trụ sở tại Hàn Quốc. Từ năm 2007 đến 2017, ông Jospeh Lee đã làm việc với các nhà xuất bản quốc để giới thiệu những cuốn sách của tác giả Han Kang.

Niềm tin vào một tác phẩm chất lượng

Đối với ông Joseph Lee, tác phẩm Người ăn chay là cây cầu đưa ông tới thế giới văn chương cuốn hút và độc đáo của Han Kang. Ngay sau lần đọc đầu tiên, ông quyết tâm đưa cuốn sách này đến những nền xuất bản lớn trên thế giới. Khi nghe được đề xuất từ phía ông Lee, nhà văn Han Kang đã đồng ý. Từ đó, một hành trình mới mở ra.

Ông Joseph Lee bắt đầu tiếp cận với một số đơn vị xuất bản tại Mỹ và Anh. Tuy nhiên, việc thuyết phục các nhà xuất bản này không hề dễ dàng. Họ cho rằng cuốn sách Người ăn chay quá "nặng nề" và khó đọc, nó không không phù hợp với độc giả nước ngoài.

Dù vậy, Joseph Lee vẫn kiên định với niềm tin rằng những ý tưởng và cái nhìn độc đáo của Han Kang về con người và thế giới có giá trị phổ quát.


Cuốn sách Người ăn chay bản tiếng Anh. Ảnh: Lê Khải Việt.

Sau bảy năm kiên trì giới thiệu, cuối cùng tác phẩm đã được Granta Books, một nhà xuất bản tại Anh, chấp nhận. Biên tập viên Max Porter của Granta Books đặc biệt ấn tượng với Người ăn chay và gọi nó là "một kiệt tác". Điều này không chỉ giúp cuốn sách được xuất bản, mà đơn vị Granta Books còn quyết định mua bản quyền tác phẩm tiếp theo của Han Kang, Bản chất của người, ngay cả khi Người ăn chay chưa chính thức ra mắt tại Anh. Đây là một quyết định hiếm hoi, cho thấy sự quan tâm đặc biệt đối với văn chương của Han Kang.

“Đã có nhiều sự từ chối đến mức tôi không thể nhớ hết được. Nhưng tôi luôn tin rằng mình sẽ thành công trong việc đưa tác phẩm của Han Kang đến với thế giới và niềm tin đó đã trở thành động lực giúp tôi không bỏ cuộc trong suốt cả thập kỷ”, ông Joseph Lee cho biết.

Nhiều năm sau, tại thị trường quốc tế, Bản chất của người và Người ăn chay đã thu hút sự chú ý của giới phê bình văn học. Riêng tác phẩm Người ăn chay được đề cử trong nhiều giải thưởng văn học quốc tế. Các tờ báo lớn như The Guardian và New York Times đều đánh giá cao tác phẩm, điều này góp phần lan tỏa tên tuổi của Han Kang tại thị trường các nước nói tiếng Anh.

Trái ngọt của văn học Hàn Quốc

Sự kiện tác giả Han Kang được công nhận là chủ nhân giải Nobel Văn học năm 2024 là một cột mốc quan trọng. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với nữ văn sĩ mà còn với ông Joseph Lee, người đã kiên trì đưa văn học Hàn Quốc ra thế giới trong suốt hai thập kỷ.

Khi bắt đầu hành trình này vào năm 2004, văn học Hàn Quốc gần như không nhận được sự chú ý từ các nhà xuất bản nước ngoài. Tuy nhiên, ông Lee hiểu rằng nếu tìm được những tác phẩm có giá trị, chắc chắn mọi người sẽ nhìn văn học xứ sở kim chi bằng một con mắt khác. Ông Lee cũng lường trước rằng quá trình này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.

han kang anh 3

Ông Joseph Lee, người giới thiệu tác phẩm của Han Kang ra quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những tia hy vọng đầu tiên xuất hiện khi tác phẩm I Have the Right to Destroy Myself của Kim Young-ha được thành công ra mắt tại thị trường Mỹ vào năm 2005. Tiếp đó là thành công của Hãy chăm sóc mẹ (Shin Kyung-sook) trở thành best-seller trên New York Times năm 2011 và đoạt giải Man Asian Literary Prize năm 2012.

Đỉnh cao đến vào năm 2016 khi Người ăn chay của Han Kang giành giải Man Booker International. Và cuối cùng, vào năm 2024, Han Kang đã vinh dự nhận giải Nobel Văn học, đánh dấu một bước ngoặt không chỉ cho nữ nhà văn mà còn cho nền văn học Hàn Quốc.

Từ góc độ cá nhân, ông Lee cho rằng tác phẩm của nhà văn Han Kang đã đem tới thông điệp về những đấu tranh và sự phản kháng cá nhân trước cái ác và bạo lực trong xã hội. Chính sự "thăng hoa nghệ thuật" này, cùng khả năng tạo ra sự đồng cảm sâu sắc với độc giả trên toàn thế giới, đã giúp Han Kang giành giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn học.

Giải Nobel Văn học của Han Kang không chỉ là vinh quang cá nhân mà còn mang lại một bước ngoặt quan trọng cho văn học Hàn Quốc. Theo ông Lee, giải thưởng này sẽ "mở ra cánh cửa" cho nhiều tác giả Hàn Quốc khác, thu hút sự chú ý của thế giới đến không chỉ văn chương mà còn cả văn hóa và con người Hàn Quốc. Thành công này là minh chứng cho niềm tin kiên định của Lee trong suốt hành trình dài và là minh họa rõ ràng cho câu nói: “Nếu bạn không từ bỏ, giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực.”

Monday, October 14, 2024

Ai Rồi Cũng Sẽ Già, Nhưng Không Phải Ai Già Cũng Bị Lú Lẫn - Cung Đô Biên Dịch


 Nếu quan sát kỹ lưỡng, quý vị có thể sẽ thấy ngạc nhiên trước sự khác biệt rõ rệt ở những cụ đang ngấp nghé tuổi 80. Một số cụ bị bệnh quên (hay còn gọi là bệnh lú lẫn, Dementia), nhưng cũng có một số cụ vẫn rất minh mẫn và nhớ rất dai, dù đi đứng đã lọm khọm lắm rồi.

Điều này trái ngược với những định kiến phổ biến về sự lão hóa, rộ lên ngay từ đầu cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024 và nhắm vào những ứng viên cao niên như tổng thống Biden. Nhưng thực ra, những định kiến này không phải là mới và cũng không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực chính trị, mà đã tồn tại từ rất lâu và ở khắp mọi nơi. Nhà tâm lý học Laura Car­sten­sen, giám đốc sáng lập Trung tâm Trường Thọ Stanford (Stanford Center on Longevity), cho biết: “Rất nhiều người nghĩ rằng người cao niên đều lẩm cẩm như nhau, và càng già người ta càng trở nên kém cỏi, lú lẫn,” và đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. 

Một nghiên cứu mới cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về trí óc giữa những người cao niên. Ở độ tuổi 40, các hoạt động của trí óc ở hầu hết người bình thường khá là giống nhau. Tuy nhiên, những khác biệt về khả năng sử dụng trí óc giữa mọi người bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 60. Theo bác sĩ John Rowe, giáo sư về chính sách y tế và lão khoa tại Trường Y khoa Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia, khi bước vào tuổi 80, những khác biệt này sẽ trở nên rất rõ ràng. Đúng là sẽ có một số cụ gặp khó khăn với trí nhớ và dễ bị quên trước quên sau, nhưng cũng có nhiều cụ vẫn rất minh mẫn và thuộc hàng “thông thái nhất thế giới” với kinh nghiệm sống phong phú của họ.

Nếu chỉ tập trung vào những cụ có trí óc không còn minh mẫn, tức là chúng ta đã bỏ qua hơn một nửa số người cao niên còn lại. Theo nghiên cứu do giáo sư Rowe dẫn đầu, trong vòng 6 năm sau khi bước sang tuổi 75, khoảng một nửa số người cao niên không có nhiều thay đổi về sức khỏe thể chất và não bộ. Một nghiên cứu khác đã quan sát hơn 2,000 người cao niên với độ tuổi trung bình là 77 trong vòng 16 năm, và phát hiện ra rằng có khoảng 75% không bị bệnh quên hoặc có bị thì cũng rất nhẹ.

Một phần của quá trình lão hóa có liên quan đến di truyền. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 30 % - 50% những thay đổi về thể chất và trí óc trong quá trình lão hóa là do gen di truyền. Tuy nhiên, các yếu tố khác như lối sống lành mạnh và cái nhìn tích cực về bản thân cũng rất quan trọng. Vì vậy, đây là một tin vui vì quý vị có thể kiểm soát phần nào tuổi xế chiều của mình.

Nghiên cứu của giáo sư Rowe cũng đã phá bỏ quan niệm sai lầm rằng già cả chẳng có lợi ích gì. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phát hiện rằng, có nhiều khía cạnh thực sự đúng với câu gừng càng già càng cay,” thí dụ như khả năng giải quyết xung đột. Ngoài ra, thường thì càng có tuổi, người ta càng trầm tính hơn, ít bị cám dỗ và ít đưa ra những quyết định bốc đồng hơn.

Denise Park, một nhà thần kinh học tại Đại học Texas ở Dallas, cho biết khi con người già đi, não bộ cũng sẽ có thay đổi. Não thùy trước (frontal lobe) bị co rút lại và một số tế bào thần kinh bị tổn thương, làm cho quá trình giải quyết thông tin trong bộ não bị chậm lại. Tuy nhiên, sự chậm trễ này thường chỉ ở mức mili giây và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Và để bù đắp, bộ não của người cao niên có thể sử dụng thêm các phần khác, tạo ra những “con đường mới” giúp họ thực hiện các hoạt động như đọc sách, dù không nhanh nhạy như người trẻ nhưng vẫn có hiệu quả. 

Câu “gừng càng già càng cay” cũng có cơ sở khoa học đàng hoàng chứ không phải là câu nói suông. Park giải thích: “Các cụ cao niên trải đời nhiều nên biết nhiều thứ lắm.” Nếu ví bộ não là một cái máy tính, thì cái máy tính của các cụ chứa rất nhiều dữ liệu, đó là kinh nghiệm sống họ đã tích lũy cả đời. Các cụ sống lâu, từng trải qua nhiều tình huống, nên các cụ cũng có nhiều kinh nghiệm ứng phó và giải quyết vấn đề tốt hơn so với người trẻ. Và đó là lợi thế lớn của các cụ.

Lợi thế này thường thể hiện rõ trong việc ra quyết định và giải quyết xung đột. Một nghiên cứu được công bố năm 2010 trên Proceedings of the National Academy of Sciences USA, đã yêu cầu hàng trăm người đọc các câu chuyện về xung đột cá nhân và nhóm, và phát hiện ra rằng những người trên 60 tuổi thường xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, sẵn sàng thỏa hiệp và chấp nhận rằng hiểu biết của bản thân mình là có hạn.

Nghiên cứu quan sát của Car­sten­sen cũng củng cố cho điều này. Bà cho biết: “Khi người ta đã có tuổi rồi, thì các quyết định mà họ đưa ra thường cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nhau và nhiều khía cạnh khác nhau.” Các cụ ít khi nhìn sự việc theo kiểu “không trắng thì đen, không đen thì trắng.” Trong nghiên cứu, thông tin tuổi tác của những người tham gia được ẩn đi, nhưng kết quả cuối cùng cho thấy các cụ ở nhóm cao niên thường đưa ra câu trả lời khôn ngoan hơn, thâm thúy hơn so với những người trẻ tuổi.

Theo Car­sten­sen, “cái khôn” của các cụ đến từ việc họ dần thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ về cuộc sống, để tập trung vào những điều tích cực hơn vì các cụ quá hiểu rằng thời gian của mình không còn nhiều. Nghiên cứu phân tích tổng hợp dữ liệu từ hơn 7,000 người cao niên chỉ ra rằng các cụ thường đón nhận và đối mặt với vấn đề bằng thái độ tích cực, lạc quan hơn so với người trẻ.

Có thể thấy rõ điều này trong thời đại dịch COVID-19. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 với gần 1,000 người tham gia, mặc dù thuộc nhóm có nguy cơ bị nhiễm bịnh và tử vong cao, người cao niên lại có thái độ bình tĩnh hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác.

Thực tế mà nói, các bộ phận khác nhau trên cùng một cơ thể sẽ bị lão hóa với tốc độ khác nhau. Thí dụ, người ta có thể bị loạng choạng khi leo cầu thang do chân cẳng họ yếu, chứ không phải vì trí óc họ lú lẫn. Chừng nào mà não bộ còn dẻo dai và khỏe mạnh, thì tuổi tác không phải là trở ngại mà là lợi thế. Car­sten­sen chia sẻ: “Nói về những quyết định quan trọng, có tầm cỡ như quyết định của tổng thống chẳng hạn, nếu phải so sánh giữa người có tuổi và người trẻ tuổi, thì tôi xin đặt niềm tin vào một tổng thống có tuổi.

Cung Đô biên dịch

Nguồn: “Many Older People Maintain and Even Gain Cognitive Skills” được đăng trên trang ScientificAmerican.com.

Tuesday, October 8, 2024

Song Long - một thời lưu dấu

Ngọc Lan

Trước giờ đi ngủ, lướt qua FB, tình cờ đọc thấy tin nhà hàng Song Long chính thức đóng cửa sau 40 năm hiện diện ở vùng Little Saigon, tự dưng thấy lòng chông chênh, như mất đi một thứ gì đó vốn từng rất quen thuộc với mình, mà bẵng đi một thời gian mình quên mất nó, đến khi giật mình nhận được tin nó không còn nữa, mới lại tự dưng thấy có gì đó như tiếc nuối, như nhớ nhung...
Tui biết đến nhà hàng Song Long chắc có lẽ từ lúc vào làm ở nhật báo Người Việt. Để rồi từ đó, Song Long không chỉ trở thành điểm hẹn của đồng nghiệp ban biên tập NV, mà còn là lựa chọn đầu tiên của tui mỗi khi hẹn bạn bè từ các nơi ăn trưa, nếu như họ không có đề nghị chỗ khác. Bởi Song Long rất gần để tui có thể đi bộ từ tòa soạn ra đó, khỏi phải mắc công lái xe 🙂
Đó cũng là nơi mà gia đình tui lui tới nhiều nhất khi mấy nhóc còn nhỏ. Bé Ti thích món lạc xá. Thằng Bi thích món lẩu Thái. Nhớ có lần chơi xa về, ghé đó cho Bi ăn lẩu Thái. Vừa mệt vừa đói, nhưng ghé vào thì món lẩu Thái hết. Thế là ảnh khóc. Cô Bảy chủ quán nhớ hoài. Từ đó về sau, mỗi lần thấy nó bước vô, cô Bảy lại nói "Hôm nay cô có lẩu Thái nè".
Nếu Mễ Già nhà tui ghé đó là mê món bò beef steak nướng tiêu thì tui lại thay đổi đủ thứ món ở đó. Nhớ khi thì cô Bảy, khi thì chị Sương - người làm lâu năm nhất ở đó - ra hỏi "Hôm nay NL muốn ăn món gì?" Tui nhớ chả cá Thăng Long, bún chả giò tôm nướng của họ thật là xuất sắc. Đặc biệt ở Song Long có những món không tìm được ở những quán khác, ngoài lạc xá, là món bún gỏi và, bún gỏi và suông, và gỏi và tôm cá. Vị bún rất lạ. Tui thích.
Nhớ ngày đó, mỗi lần đến Song Long, là còn khoái món bánh mì nóng giòn cùng với bơ được mang ra ăn trước khi món chính được dọn lên. Có lúc ăn xong đã thấy no ngang nửa bụng 🙂
Nhớ mỗi lần đến hay được cô Bảy chiếu cố khi thì mang cho thêm ly chè, ly nước, lúc thì đĩa chả giò, rảnh thì đứng hỏi thăm chuyện nay chuyện khác. Kiểu như người thân.
Từ lúc COVID, nhà hàng bắt đầu thay đổi cách thức buôn bán. Nhớ đôi lần ghé lại, cô Bảy nói không thuê được người, cô đóng cửa từ lúc 3 giờ chiều. Rồi chuyển sang bán togo cũng nhiều hơn. Chị Sương ít lâu sau cũng nghỉ vì. Cô Bảy cũng cao tuổi. Dễ chừng cũng hơn 2 năm nay tui chưa trở lại Song Long, dù mỗi ngày đi làm vẫn chạy ngang con ngõ, chỉ cần ngó nhìn vào cũng đã thấy, dù cũng đã bao lần tự nói hôm nào ghé vào thăm cô Bảy...
Giờ thì tiệm đóng cửa. Không biết muốn hỏi thăm cô sẽ hỏi như thế nào...
Ngẫm thấy cuộc đời là thế. Có những thứ vốn dĩ thân quen lắm. Nhưng hình như vì nó thân quen quá nên đến khi nhận ra nó đột nhiên biến mất, mới chợt bùi ngùi, còn không, cứ nghĩ nó vẫn còn ở nơi đó, chờ mình...
 

--------------------
Post lại đây bài viết về nhà hàng Song Long từ 9 năm trước, để dành làm kỷ niệm của một thứ nay đã không còn hiện hữu.
NHÀ HÀNG SONG LONG VÀ VĂN HÓA CORDON BLEU
LTS – Bài viết dưới đây nằm trong loạt bài giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Little Saigon, Nam California, do Toyota bảo trợ. Loạt bài này sẽ giới thiệu 11 nhà hàng tiêu biểu, đại diện cho nét riêng biệt độc đáo của cộng đồng gốc Việt lớn nhất Hoa Kỳ. Mời độc giả bước vào thế giới ẩm thực kỳ thú của nhà hàng Song Long, nơi thức ăn “Tây” và Việt song hành phục vụ thực khách.
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Nếu hỏi tên nhà hàng lâu đời nào được xem là điểm hẹn của nhiều văn nhân nghệ sĩ, giới chính trị hay họp mặt bạn bè tại Little Saigon, có lẽ, Song Long là cái tên đầu tiên được nghĩ đến.
Nếu hỏi nơi nào có món steak ngon, món chả cá hấp dẫn, và những món bún “không đụng hàng,” Song Long cũng là nơi được gọi mời.
Nằm ngay giữa Little Saigon trong trung tâm Lê Lợi trên đường Bolsa, nhà hàng Song Long có mặt từ hơn 30 năm qua, là một điển hình của việc kết hợp hai nền ẩm thực Pháp-Việt.
Song Long và món ăn “Tây”
 
Điều người ta sẽ nhớ ngay ra khi nhắc đến Song Long chính là món bánh mì nóng giòn, thơm phức, ăn với bơ lạt được dọn ra ngay khi khách vừa an tọa – một nét rất riêng của các tiệm ăn chính gốc Pháp.
Điều đặc biệt là món bánh mì nóng ăn cùng bơ miễn phí này được làm và nướng ngay tại chỗ nên nó có cái hấp dẫn của sự tươi mới, của tiếng dòn rụm nơi vỏ bánh, đi kèm với những thỏi bơ nhỏ được giữ lạnh vừa đủ. Song Long thu hút bao tử thực khách từ sự mở màn thanh lịch đó.
Tên gọi các món ăn Pháp được nhìn thấy trước hết trong bảng thực đơn của Song Long, bởi người sáng lập nhà hàng này vốn xuất thân từ trường dạy nấu ăn nổi tiếng Cordon Bleu nơi trời Tây.
Theo sau các loại Omelet, nào với nấm hành, nào với lạp xưởng, nào với jambon, với cua, với tôm, thì salad và soup cũng là những món không thể thiếu trong thực đơn của một nhà hàng mang phong cách Tây Phương. Nếu quá quen thuộc với salad tôm, cua, bò, bạn hãy thử món salad cá salmon hay salad với cá thu, mắm cá (anchovy) và olive đen xem sao. Hoặc nếu đã nhàm chán với món soup gà, soup cua thì một tách soup nghêu và khoai tây hay soup hành nướng phô mai ắt hẳn sẽ mang lại một khẩu vị khó quên.
Trong khi nhiều thực khách chọn món thịt nguội pate gan như một phần khai vị, thì nhiều người thích gọi “escargot” (ốc hương nướng bơ tỏi) – món ăn nổi tiếng của người Pháp – được chế biến bởi đầu bếp Song Long, chỉ với giá chưa đến $9.00. Ốc hương được làm sạch, đem nướng cùng bơ tỏi. Miếng thịt ốc vàng nhạt nóng hổi, ngọt ngọt, dòn sựt sựt, hòa với mùi thơm nức mũi và vị beo béo của bơ tỏi tan ra mang màu xanh mạ non, có sức đánh thức bao giác quan của thực khách.
Bò “beef steak” cũng là một trong những món làm nên tên tuổi Song Long. Có nhiều loại “steak” ở đây để thực khách lựa chọn, từ bò thượng hạng nướng sốt Béarnaise, đến “steak” nướng bơ tỏi, nướng tiêu đen, tiêu non, nướng bơ và mắm cá (cũng là một khẩu vị lạ – rất “Tây”), ăn kèm với khoai tây chiên, mì Ý hoặc cơm đỏ, tùy theo ý thích của từng người.
 
Nếu không phải dạng người khỏe ăn, chắc chắn bạn sẽ khó mà “thanh toán” hết một phần beef steak tại Song Long với giá $17.00-$19.00. Một miếng steak lớn được nướng theo khẩu vị yêu cầu, đặt trên chiếc đĩa hình oval trắng, có khoai tây vàng rộm, những sợi spagetty vàng nhạt óng ả, hay chén cơm màu đỏ cam, và bông cải xanh chen cùng cà rốt đỏ. Làm sao mà không muốn tay cầm dao, tay cầm nĩa, xắn ngay vào đĩa mà cắt thịt mà thưởng thức.
Có thể chính vì điều này, mà ông Nhân Phạm, một cư dân sống ở Santa Ana, nói như đinh đóng cột, “Đi đâu đi, ăn đâu ăn, nhưng cứ muốn steak là phải đến Song Long. Vừa ngon vừa rẻ.”
Cá lưỡi trâu đút lò với phô mai cũng là món khoái khẩu của nhiều người chuộng món ăn có vị béo, nhất là khi không cưỡng lại được hình ảnh của lớp phô mai trắng phủ đầy mặt đĩa, được đút vào lò nướng với lửa cao, tạo nên lớp váng cháy vàng. Thơm không chịu nổi.
Chả cá Thăng Long, lạc xá, bún ‘gỏi và’
Tiền thân của nhà hàng Song Long là tiệm bánh Song Long ra đời vào năm 1981. Sau khi vượt biên qua Mỹ và một thời gian dài đi làm công nhân lắp ráp, bà Võ Lan Khai, thường được khách gọi là “cô Bảy,” cùng người em gái của mình, “cô Tám” – người trải qua các lớp học về nhà hàng, nấu ăn ở trường Cordon Bleu tại Pháp, dành dụm số vốn mở tiệm bánh đầu tiên ở khu Little Saigo
Pate chaud, croissant, bánh mì cóc được nướng hàng ngày, không đủ bán. Tiếng lành đồn xa, khách đến tiệm ngày một đông hơn chính là niềm khích lệ để chị em cô Bảy, cô Tám cùng mở rộng Song Long.
Năm 1985, nhà hàng chuyên thức ăn Tây mang tên Song Long ra đời.
Sau một thời gian, chủ nhân Song Long nhận ra một điều: người Việt dù gì cũng thích món ăn Việt hơn. Vậy là những món ăn gợi tình quê hương được đưa vào thực đơn Song Long, theo sau những món ăn Pháp nổi tiếng.
Muốn gọi cơm, thực khách có đến cả 20 món cơm khác nhau để gọi, với giá từ $7.00 đến $12.95, từ cơm thịt nướng, gà quay, lạp xưởng, đến cơm cà ri gà, bò nướng, tôm nướng, cá muối sả chiên, tôm rang muối, cơm bò lúc lắc. Những ai từng chọn qua món cơm ở Song Long sẽ nhớ hoài món cơm bát bửu với gà quay, sườn nướng, hay bò nướng. Cơm bát bửu ở Song Long không đơn giản chỉ là cơm đỏ, mà trong đó, người đầu bếp còn trộn vào một ít thịt, tim, gan, mề, xắt thật nhỏ. Một cái trứng gà chiên ốp-la với lòng đỏ tròn vành vạnh được đặt trên phần cơm được úp ra từ chén trông đủ hấp dẫn lắm rồi, chưa tính đến miếng gà vàng rộm hay miếng sườn cốt-lếch nướng vàng nâu mướt rượt.
Bún cũng là món thực khách phải quay trở lại đây để thưởng thức thêm lần nữa, lại lần nữa sau khi đã thử qua.
Với món bún khô, nhiều người chuộng món bún chả Hà Nội, tôi thì lại mê món bún chả giò tôm thịt nướng. Mùi thơm của những con tôm vừa mới nướng đỏ au, của những lát thịt heo thái mỏng có vương vài chỗ bén lửa cháy xem xém, của những khoanh chả giò vàng rộm, rồi màu xanh của mỡ hành óng ả, của đậu phộng rang giã nhỏ, màu của củ cải trắng của cà rốt đỏ được xắt sợi làm dưa chua… sao mà kích thích bao tử đến ghê gớm!
Với món bún nước, ngoài những bún bò, bún riêu, bún vịt xáo măng, bún thang, bún cá, bún suông là những món bạn có thể nhìn thấy trong thực đơn đây đó, còn lại, tôi dám đoan chắc đến 99%, rằng sẽ không thể nào bạn tìm được nơi có món lạc xá, bún gỏi và, hay gỏi và suông, gỏi và tôm cá, ngoại trừ Song Long.
Nếu bạn biết ăn cà ri, hãy thử món lạc xá. Cách dễ hiểu nhất thì có thể gọi là bún cà ri đồ biển. Nước lèo của món lạc xá có vị cà ri nhưng nước loãng hơn, vị thanh hơn. Dĩ nhiên sẽ không có khoai lang, khoai tây và thịt gà chặt miếng to như cà ri. Mà trong tô lạc xá, bạn sẽ thấy những con tôm khô bé tí phủ trên mặt, cùng tôm lột vỏ, cá phi lê, và vài lát thịt gà mỏng. Vị cay nhẹ.
Muốn thay đổi khẩu vị nữa, hãy thử món bún “gỏi và.” Lần đầu nhìn thấy tên gọi này, trong đầu tôi là hình ảnh của đĩa gỏi với các loại rau ghém trộn với dầu dấm. Nhưng tôi sai. Bún “gỏi và” là một loại bún nước, như thể bún bò, bún mắm, bún riêu. Nhưng bún “gỏi và” có vị ngọt ngọt chua chua của me. Nếu tôm khô bé tí là thành phần không thể thiếu trong món lạc xá, thì đậu phộng rang, giã nhỏ cũng là không thể thiếu trong tô bún gỏi và. Hãy mạnh dạn ăn thử đi. Tôi nghĩ là bạn sẽ thích ăn tô thứ hai khi có dịp trở lại Song Long.
Sau cùng, nhắc đến Song Long không thể không nhắc đến món chả cá Thăng Long, mà nhiều người vẫn quen gọi là chả cá Song Long. Tôi muốn để bạn tự mình khám phá món ăn được ưa chuộng này tại Song Long, bởi trong lúc này, nhắm mắt lại, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của chiếc đĩa gang đen bóng, nóng bỏng tay nếu lỡ đụng vào, bên trên đầy ắp những miếng cá phi lê cắt vuông chiên vàng, chen bên màu trắng của hành tây xắt khoanh, màu xanh của hành lá cắt khúc, của mùi thơm rau thì là, mùi thơm của hành phi, của đậu phộng rang. Và kìa là chén mắm nêm pha vừa ăn, đĩa bún trắng tươi, đĩa rau đầy ngất…
Một điều rất riêng nữa ở Song Long là phần ăn nào cũng nhiều, nhiều đến tràn trề như lòng phóng khoáng chủ nhân đãi khách. Nhưng giá tiền lại rất phải chăng.
Đến Song Long để hoài niệm
Bà Tuyết Đào, 72 tuổi, đã có hơn 20 năm là khách hàng quen thuộc của Song Long, từ khi con bà còn đi học, cho đến lúc ra trường, lấy chồng và có con, cả gia đình bà ba thế hệ đều dùng bữa ở đây, nói như tâm tình: “Có lần một ngày tôi đến ăn ở Song Long ăn đến ba lần: ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Món mà tôi thường hay gọi ở đây là món chả cá vì nó ngon mà giá cả lại phải chăng.”
Hai vợ chồng người Mỹ gốc Trung Quốc, Steven Chan và Amy Chan, trong số những khách hàng quen thuộc khác của Song Long. Mặc dù sống xa khu vực Little Saigon, nhưng cứ mỗi lần rảnh rỗi, hai vợ chồng lại lái xe đến đây và thưởng thức món ăn tại Song Long.
“Tôi ăn ở Song Long chắc hơn 20 năm qua; biết đến nhà hàng này trong một dịp bạn bè giới thiệu. Ăn qua một lần là tôi thích luôn, nên có điều kiện là tôi lại dẫn bà xã đến đây ăn,” ông Steven cho biết.
Vị khách này còn cho biết: “Điều đặc biệt ở Song Long làm tôi rất thích thú và thấy ấm cúng, đó chính là người phục vụ ở đây đều quen mặt cả, họ làm từ khi tôi mới bắt đầu đi ăn, và đến bây giờ vẫn còn làm, nó thân thương, quen thuộc đến nỗi có cảm giác như quay lại nhà để ăn chứ không phải là đi nhà hàng.”
Cảm giác ấm cúng như trong gia đình là cái nét riêng mà Song Long đã gìn giữ trong bao lâu qua. Hình ảnh người chủ và người làm công cùng phục vụ khách mà luôn nở nụ cười trên môi làm ấm lòng bao thực khách đến đây. Hơn 30 năm qua, ngày nào cô Bảy cũng có mặt ở Song Long, chăm chút từng thứ nhỏ nhất cho nhà hàng. Nhưng người làm chủ đâu chỉ đứng và sai bảo; cô Bảy làm cả công việc của người chạy bàn, lấy “order” từng món cho khách, lau từng cái bàn, và cẩn thận mang đồ ăn ra bàn.
“Tôi làm vì yêu nghề; mình quen với công việc này quá rồi, không làm thấy nhớ lắm,” cô Bảy tâm sự.
Chị Trương Ngọc Sương, một trong những người phục vụ từ năm 1987 đến nay cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ thực khách ở Song Long.
“Tôi bắt đầu làm ở Song Long lúc 30 tuổi. Đến giờ gần 60, tôi vẫn hằng ngày đều đặn đi làm. Tôi có rất nhiều kỷ niệm ở đây, tôi coi thực khách như là trong gia đình của mình, thế nên chưa bao giờ có ý định nghỉ ở đây và kiếm chỗ mới để làm vì có ai mà rời bỏ gia đình của mình bao giờ.” Chị cười tươi tắn.
Vâng, đến Song Long không chỉ để thưởng thức món ngon của thức ăn Việt, của đồ ăn Tây, mà còn để hoài niệm về ký ức của cuộc đời!///
Ngọc Lan (9/2015)
 
NHÀ HÀNG SONG LONG KẾT NGHIỆP !!!

Trưa nay bà xã của tôi Phượng Mai thèm món bún nem nướng, muốn ăn ở nhà hàng Song Long, nên 2 vợ chồng lái xe ra Bolsa, bất ngờ nhà hàng đang sửa sang, vài tháng trước, chị Bảy chủ nhà hàng có nhắc đến việc sang tiệm vì muốn về hưu (gọi là chị nhưng đã 80 tuổi rồi), 2 vợ chồng mới giật mình thì ra nhà hàng Song Long đã sang cho chủ mới.
Một niềm tiếc nuối dâng lên trong cảm xúc của tôi, ngôi nhà hàng đã hiện diện với cộng đồng 40 năm, giờ đã không còn nữa, một thoáng buồn tôi cảm nhận được.
Nơi đây là lần đầu tiên lúc tôi còn rất trẻ, mới 20 tuổi đầu nhưng đã có duyên gặp được những tên tuổi lớn của giới văn nghệ sĩ miền nam.
Nhà văn Mai Thảo, bố già Phạm Duy, nhà thơ Tạ Tỵ, giáo sư Trần Bích Lan (tức là thi sĩ Nguyên Sa), họa sĩ Nghiêu Đề, kể cả người anh cả phong trào Du Ca Nguyễn Đức Quang, và ông Đỗ Ngọc Yến người sáng lập Nhật báo người Việt.
Cũng là nơi mà anh Thạnh "Tú Quỳnh" đã giới thiệu tôi với Nguyễn Ngọc Ngạn, lúc đó vừa từ Canada sang chơi còn hành nghề đi bán bảo hiểm và viết văn chưa là MC cho trung tâm Thúy Nga.
Nhà hàng Song Long một kỷ niệm vừa đẹp vừa cũ với người Bolsa, nay đã chính thức kết nghiệp thật đáng tiếc.
Vậy Phố Việt chỉ còn 2 nhà hàng lâu đời là Thành Mỹ và Mỳ La Cay, cùng trãi qua sự thăng trầm vừa nghiệt ngã vừa hạnh phúc của cộng đồng người Việt tại đây.
 
Song Long ra đời năm 1981 và là một trong những nhà hàng kỳ cựu nhất ở Little Saigon. Đến đây, bạn có thể thưởng thức món ngon từ cả ẩm thực Việt và Pháp, như chả giò chiên, súp hành tây Pháp, bún chả hay cơm bò kho.