Wednesday, December 23, 2020

Mùa Noel Cuối Cùng - Nguyễn Bính Châu

Tác giả Nguyễn Bính Châu, sinh năm 1950, tốt nghiệp cử nhân luật khoa ban kinh tế năm 1974 tại Saigon, nghề nghiệp hiện nay: Luật sư Đoàn Luật Sư TP.HCM. đang theo học tu nghiệp về Luật Quốc Tế tại Đại Học Santa Clara.
Trong thư kèm bài viết cho Việt Báo, ông viết “Tôi rất muốn được tham dự loạt bài Viết Về Nước Mỹ của quý báo.”
Bài viết đầu tiên của ông Châu, “Ấn tượng nước Mỹ” đã được bình chọn vào số 28 tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là một bài viết của ông: từ nước Mỹ mùa giáng sinh, nhớ chuyện buồn bên quê nhà.
*
Hàng cây bã đậu, bây giờ lá của nó đã trở lại xanh um. Nhưng mỗi khi nhìn đến nó, tim tôi như thắt lại, bỗng rát nỗi đau lòng. Tôi cứ mong muốn đó mãi mãi là mùa Noel cuối cùng đau khổ của gia đình họ. Đức Chúa Trời và Đức Phật thì đầy lòng từ bi, bác ái nhưng lại ngủ ở trên cao, ở tận trên trời. Vì vậy, chính mỗi con người chúng ta phải cần có một ước mơ, đó là xây dựng một cõi thiên đàng trên trần thế.

Cây Bã Đậu

Câu chuyện mà tôi sắp kể ra, nó gắn liền với mọi cây được trồng nhiều ở Saigon, miền Nam, đó là Cây Bã Đậu. Không biết ngoài Bắc có loại cây này không" Tôi cũng chưa có dịp đi hết nước Mỹ (tôi thử làm một con tính nhẩm, nước Mỹ có tất cả 50 tiểu bang, vậy nếu mỗi năm ta đi thăm một tiểu bang, thì tôi phải mất 50 năm nữa mới đi hết được các tiểu bang của Mỹ) và tôi cũng không có đủ từ ngữ để diễn tả, cũng như hỏi thăm rằng nước Mỹ có trồng loại cây này không"
Đó là loại cây tàn rộng, lá lớn giống như lá cây bồ đề, nhưng thân của nó rất to, có khi một người ôm không xuể, và đặc biệt thân cây lại xù xì, đầy những gai nhọn, trông như là được bọc bằng những vỏ trái sầu riêng vậy. Khi còn là sinh viên đại học Saigon, cứ mỗi mùa hè là chúng tôi tham dự khóa quân sự học đường tại Trung tâm huấn luyện tân binh Quang Trung (Hốc Môn-Gò Vấp) người ta thường trồng nó dọc theo hai bên đường vào trại. Tên của nó nghe cũng ngộ ngộ: Cây Bã Đậu.
Còn nhớ trong quân trường, những buổi trưa hè oi bức, chúng tôi thường rủ nhau ra nằm dưới gốc cây râm mát, ngước mắt nhìn lên bầu trời trong ngát có những đám mây trời, tha hồ mơ mộng viễn vông. Chúng tôi thường kháo với nhau rằng lá cây bã đậu độc lắm, nhưng chưa có ai dám thử nó độc thiệt hay không" Vì người ta đồn rằng nếu ai ăn nhằm lá đó, sẽ bị đi té re như bị tào tháo rượt, thật là cực kỳ nguy hiểm.
Và rồi, cũng chính từ cây này, tôi đã phải chứng kiến một thảm kịch đau lòng, không thể nào quên được.
Gần nhà tôi trước năm 1975 bên vùng Khánh Hội (Quận 4) có một công xưởng thuyền vụ của quan thuế (Hải quan) thường đóng những chiếc tàu lớn. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu đươc một cách rõ ràng làm thế nào mà người ta có thể chuyển chiếc tàu hết sức to lớn đó một cách tài tình từ trong xưởng ra đường cái. Nhưng khi hết giờ làm việc, bọn trẻ chúng tôi thường xin các chú gác gian (bảo vệ) rủ nhau vào chơi dùng những thanh gỗ già làm thanh gươm, đánh nhau chí chóe.
Trong xưởng, có nhiều cô chú công nhân rất thương chúng tôi. Tôi thích nhất là bác nhân viên nọ, bác có giọng người Huế nhẹ nhàng và thường hay cho chúng tôi những món quà nho nhỏ, như những trái ổi chín đỏ ối và thơm phức, hoặc những trái thị vàng trông rất ngon mật và hấp dẫn. Tôi rất thích ngửi mùi trái thị thơm tho và tôi cũng thích nhất là những buổi trưa trốn nhà ra mài hột thị, hy vọng được thấy nàng Tấm trắng tinh xinh đẹp, từ hột thị bước ra như trong chuyện cổ tích. Câu chuyện nàng Tấm thơ mộng bước ra từ trái thị theo đuổi tôi mãi, suốt quãng đời thời ấu.
Sau 1975, thì mỗi người mỗi ngã, tôi thì cù bớt cù bơ, làm đủ mọi thứ nghề, lo cơm áo gạo tiền mà chẳng đủ ăn. Còn bác ấy thì được giữ lại làm một vài năm, rồi cũng cho nghỉ hưu, về quê lập nghiệp, hai bên không liên lạc gì tin tức cả.
Bỗng một hôm bác ấy đến tìm tôi, đôi mắt còn sưng húp và đầy nước mắt. Bác đau khổ kể chuyện và nhờ tôi giúp bác. Nghe xong câu chuyện, tôi hết sức ái ngại và thật khổ tâm đối với hoàn cảnh của bác ấy.

Tai Họa Bất Ngờ

Nguyên bác có cậu con trai thuở nhỏ không may mắn, vộc chơi chiếc bình thủy. Chiếc bình thủy nổ và làm anh ấy hỏng hết một mắt. Là con trai trưởng nhưng anh ấy hiền lành và chịu thương chịu khó.
Lũ trẻ ngày nay thường hay trêu chọc những người khuyết tật một cách ác ý ngu ngơ. Không hề biết được rằng những lời nói cười nhạo một cách vô tình của chúng, chẳng khác nào như kim đâm muối xát vào trái tim người khác. Anh ấy đã bị cười ngạo nhiều lần, nhiều nơi, nhưng rồi vẫn có một cô gái con nhà nghèo thương anh ấy. Một mái tranh hai quả tim vàng, họ sống bên nhau, nhọc nhằn nhưng hạnh phúc, có với nhau được hai đứa con thơ dại.
Những tưởng cuộc đời mái ấm êm xuôi, nhưng rồi bác ấy quyết định trở lại Saigon sinh sống. Anh ấy cùng vợ con về mua bán phụ giúp bác, để kiếm tiền ăn học cho đàn em còn nhỏ dại.
Anh ấy có xe thuốc lá dạo, dưới tàn cây bã đậu này. Hàng ngày anh và vợ bữa cháo bữa rau, vợ chồng hủ hỉ sống nhờ xe thuốc lá, vừa kiếm thêm sinh kế gia đình, vừa nhín chút ít tiền để nuôi bố mẹ và đàn em nhỏ dại còn đang tuổi đi học.
Nhưng bỗng một hôm, tai nạn thảm khốc đã đổ xuống gia đình anh ấy một cách thật bất ngờ. Một tên thanh niên tuổi mới choai choai nhậu say xỉn đâu đó, một tay vừa chạy xe gắn máy Honda, một tay cầm chồng băng video mới mướn, phóng xe chạy bạt mạng, đã đâm sầm vào xe thuốc lá của anh đang bán. Xe thuốc lá đổ đè lên người anh, và làm ngã quầy chiên bánh tiêu bánh bò, cùng chỗ bán lẻ xăng dầu lòng lề đường kế đó. Lửa từ chảo dầu bốc lên, gặp xăng lan tràn qua, đã bốc cháy lên dữ dội, làm nám đen cả tàn cây bã đậu ngút trên cao, thiêu rụi cả chiếc xe Honda tang vật. Mọi người bất ngờ hoảng hốt, ai cũng đều ùa tóe chạy ra xa. Riêng anh bị chiếc xe thuốc lá đè cứng không sao gượng dậy được.
Anh bị phỏng toàn thân, và sau mấy ngày đêm nằm rên xiết oằn oại đau đớn trong bệnh viện, anh đã chết tức tưởi để lại cho cha già một số tiền nợ thuốc men chữa trị không nhỏ, bỏ lại một người vợ trẻ và hai đứa con dại. Nghe nói gia đình tên thanh niên này giầu có, lại quen biết với ông lớn bên quân đội hay công an, hay viện kiểm sát (dự thẩm) nào đó. Cho nên, đáng lẽ theo quy định pháp luật hiện hành, thì kẻ gây án chết người phải bị giam chờ xử lý, nhưng rồi hắn được trả tự do về nhà phơi phơi. Gia đình lại có tiền, nên mua đền cho chủ xe (xe này hắn mướn) chiếc xe khác. Nhưng không chịu bồi thường gì cho người xấu số và gia đình nạn nhân đau khổ.
Thi Hành Án, Nỗi Đau Còn Đó
Gần một năm sau, bác ấy trở lại, vui mừng cho tôi biết đã ra hai phiên tòa, sơ thẩm và phúc thẩm, án phúc thẩm là án có hiệu lực buộc phải thi hành, bên kia không còn kháng án được nữa. Án phúc thẩm đã tuyên, buộc bên gây thiệt hại và bên bán xăng dầu lòng lề đường, phải liên đới bồi thường cho gia đình anh, tiền ma chay tông táng và thuốc men lần chu cấp cho hai con nhỏ, tổng cộng là gần tám triệu đồng, khoảng 600 USD, nhưng bác nói là không biết cách để xin thi hành án.
Tôi cầm tờ bản án trong tay mà ái ngại giùm bác. Trong bản án có ghi lời bào chữa của luật sư bên gây án và cả lời của vị đại diện viện kiểm sát, cho là người xấu số, nạn nhân có phần lỗi trong việc này, vì đã mua bán trái phép lấn chiếm lòng lề đường (một cái tội mà dân nghèo thành phố phải lãnh đủ). Theo giọng văn và tình hình thi hành án, cái ngữ này thì chắc không thi hành án nổi. Nhìn bác ra về với niềm hy vọng, tôi cảm thấy chua xót và đau lòng quá. Nhưng rồi, một hy vọng cũng loé lên trong tôi, như bác. Biết đâu người ta vì lòng nhân đạo, sẽ giúp đỡ và bồi thường thỏa đáng cho bác.
Ông đội trưởng đội thi hành án quận, nắm tay tôi ái ngại: Ông luật sư thông cảm, chúng tôi cũng muốn giúp gia đình ông ấy lắm, thấy nghèo quá mà tội nghiệp. Nhưng gia đình tay này nó ghê gớm lắm. Cô chú bác gì làm thiếu tá, thiếu tiếc gì bên công an hay quân đội, rồi lại quen lớn bên viện kiểm sát nữa (không biết quận hay thành phố). Nó lại chưa tới tuổi thanh niên (dưới 18 tuổi), nên cha mẹ nó phải thi hành án cho nó. Cha mẹ nó không chịu thi hành án thì chịu, không giải quyết nổi, không làm gì được, khó thế. Tháng này nó "ngoan cố" gởi thư mời, gọi mãi mà nó cũng không chịu ra. Nó lại lang thang chẳng đi làm gì cả, thành ra không thi hành án được. Để từ từ rồi tôi sẽ động viên "nói khéo nó đóng tiền thi hành án. Gia đình đừng "ép quá". Nếu không thì tôi sẽ trả lại đơn đây. Vì theo luật, thì nếu nó không có khả năng thi hành án, thì tụi này sẽ ra quyết định "tạm đình chỉ thi hành án" và "trả lại đơn xin thi hành án cho đương sự".
Có một vị luật sư nữ lớn tuổi (phụ nữ thường hay nhạy cảm trước đau khổ của người khác) đã nói với tôi về nỗi khổ đau của bà trong việc giúp thân chủ thi hành án: "Có nhiều bản án rất oan ức cho người dân thì được thi hành liền một cách nhanh chóng. Nhưng ngược lại, có những bản án đúng đắn, thì trày trật mài, cũng không thi hành được. Cho nên, có nhiều khi tiếp xúc với người dân, thấy họ khổ quá mình cũng đau xót, bứt rứt lắm. Thành ra em thấy không, lâu lâu đọc báo thấy báo đăng, có người uất ức quá mà tự vận khi bị thi hành án. Đừng tưởng làm luật sư có nhiều thân chủ mà sướng đâu nha em. Nếu mình có cái tâm, thì cũng gặp nhiều chuyện rất đau lòng, có đêm mất ngủ, không ngủ được".

Đây là câu chuyện đã xưa, từ 3, 4 năm về trước. Người dân kêu rêu dữ quá và chính phủ cũng đã nhìn thấy, cho nên hy vọng rằng tình hình thi hành án rồi sẽ sáng sủa ra như câu tục ngữ: "Sau cơn mưa, trời lại sáng" (miễn là không phải mưa chiều). Và đặc biệt với hai điều kiện như sau: "bản án phải được xét xử công minh, đứng đắn, chính xác và việc thi hành án phải nghiêm chỉnh, mau chóng, đúng pháp luật". Như vậy, cần phải cải cách tư pháp thế nào để tránh được oan sai trong bản án, và thẩm phán xử sai, phải bị truy tố trước pháp luật. Hy vọng phải như thế, thì mới ngăn chặn được sự lạm quyền, bảo vệ quyền dân chủ cho nhân dân và bảo vệ sự trong sáng cho ngành tư pháp.

Chết Không Nhắm Mắt"

Tôi đến nhà bác ấy trong con hẻm sâu ngoằn ngoèo khu lao động nghèo đường Tôn Đản, Khánh Hội, giữa lúc tiếng chuông giáo đường ngân vang bài thánh ca mừng Chúa Giáng Sinh.
Bác đi vắng, chỉ có vợ anh ấy bồng con ra chào và mời tôi vào nhà. Căn nhà quạnh hiu trống vắng, không một máng cỏ, không có Chúa Hài Đồng, không hề có thiên thần cũng không có một ngôi sao. Chỉ có cây thánh giá trên bàn thờ và bức tượng Chúa Cứu Thế đau khổ, giang hai tay trên thánh giá, mãi mãi chịu đựng.
Thấy người lạ, hai đứa bé nép vào nhau không nói. Cặp mắt trẻ thơ long lanh mở to, bên làn da khô đét, mốc meo ốm đói "Giờ này, ba đang ở đâu" Trên nước Chúa Thiên Đàng hay vẫn còn luyến tiếc thương nhớ vợ con nơi trần thế đầy đau khổ" Giáng Sinh đến rồi, bé có quà Noel chưa" Có chiếc áo mới nào để mừng tuổi năm mới" Nếu ba còn sống, chắc là bé sẽ được hưởng những giây phút gia đình sum họp, và vui mừng lắm đấy""
"Khó quá, gia đình chúng em năn nỉ mãi, nhưng họ không chịu thi hành án anh ạ. Chúng em không biết phải tính sao. Ba em hy vọng vào số tiền có được, nên mượn đỡ bà con lo ma chay cho anh ấy, và trả tiền thuốc men. Nên bây giờ nhà em lại mang thêm món nợ, không biết lấy gì trả. Rồi còn tiền học hành quần áo cho mấy đứa nhỏ. Nghĩ lại anh chết đau khổ mà yên thân, gia đình em, những người còn sống vừa đau lòng mà lại không biết cách sao để có tiền trả nợ cho bà con. Người ta cũng nghèo khó như mình, thấy hoàn cảnh thương mà người ta cho mượn đó."
Tôi muốn ứa nước mắt, gượng nói chuyện mấy câu, và cáo từ ra về. Tiếng chuông giáo đường vẫn ngân vang mừng Chúa Cứu Thế ra đời. Lạy Chúa, hy vọng đó là Mùa Noel Cuối Cùng Đau Khổ đến với họ."
Bẵng đi một thời gian, cô con gái bác ấy lại đến tìm tôi với vành khăn tang trắng. Cô ấy cho hay bác đã mất vì bệnh ung thư trong bệnh viện Ung bướu. Bác cũng bị những cơn đau hành hạ, đau đớn cả tháng. Trước lúc mất, bác ấy cho trăn trối lại cho tôi cố giúp giùm gia đình bác, để thi hành án, có tiền trả nợ và lo cho sắp nhỏ đi học. Hình ảnh cô con gái của bác bỗng nhòe đi trước mắt tôi, và trái tim tôi đau nhói. Bác ơi, sự việc đau lòng quá, nhưng con không thể nào giúp được cho bác! Không biết là trước khi bác chết, liệu bác có yên lòng nhắm mắt được không hả bác, hả bác"
Hàng cây bã đậu giờ lá đã xanh um, nhưng mỗi khi nhìn thấy nó, trái tim tôi như lại bỏng rát nỗi đau lòng.

Nước Mỹ, Mùa Lá Rụng

Ông bà mình có câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" quả là đúng lắm. Thế nhưng tôi đã ở Mỹ được gần 6 tháng, mà cũng chẳng thấy khôn hơn được tý nào. Đúng là như lời của một vị cha đạo, đã dạy môn toán hình học cho tôi, thuở còn trung học: "càng học càng thấy mơ hồ". Tôi có cảm nhận được rằng tôi vẫn còn quá nhiều ngu dốt, ngây ngô, giữa đất nước văn minh và giầu có này.
Nước Mỹ cuối thu là vào mùa lá rụng. Lá cứ mỗi ngày một rơi rụng, nhiều không biết mức nào mà kể, trên thảm cỏ xanh ngát hay trên những lối đi còn đậm hạt sương đêm.
Nhưng ở đây tuyệt nhiên ta không hề thấy có tiếng chổi của người phu quét đường, như trong bài ca Đại Bác Ru Đêm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước 1975. vì rằng người ta quét lá bằng những ống thổi, nối liền với một máy được đeo sau lưng, thổi dạt những lá vàng khô, gom về một phía. Rồi sẽ có một công nhân vệ sinh khác, dùng những cây chĩa ba, để gom rác vào một miếng vải bố to để sẵn. Xong ông leo lên đạp các lá cây khô, rồi gom chúng lại thành một bao to, chất cho lên xe và chở đi hủy ở nơi khác. Nếu ta không nghe những tiếng gầm rú điếc tai của ống thổi rác đó, thì ta để có cảm giác họ (những công nhân vệ sinh đường phố) đã giống như người sử dụng cái vòi than đầy phép lạ, để nhẹ nhàng đưa những chiếc lá rụng đi về một phía, trả lại sự yên tĩnh và trong lành sạch đẹp cho phố phường xứ Mỹ.
Có ở trên nước Mỹ vào mùa này, cũng như các nước ở Âu Châu, ta mới cảm nhận được thiên nhiên ở Mỹ như là một hòa họa sĩ đại tài, tô điểm nước Mỹ bằng muôn màu muôn vẻ, trên khắp mọi nẻo đường. Có những con đường cây cối đã trụi hết lá, chỉ còn những cành khẳng khiu co ro trước cái rét chớm đông. Thoạt nhìn một cây khô trụi lá, thì lòng ta khó cảm thấy được một chút nào rung động, nhưng đứng trước một rừng cây trụi lá đầu đông, ta mới cảm nhận được những nét chấm pha tài tình của thiên nhiên nơi đây, như là một họa sĩ đa tài, vẽ tranh thủy mạc. Có những con đường thì lại đầy lá vàng khô. Những chiếc lá vàng rực, nở đầy trên cành, vươn lên thật rực rỡ trong nắng, trông xa như những cành mai vàng bên quê nhà nở rực. Có những con đường đầy lá đỏ, nhuộm tím cả một góc trời và lá rơi rụng đầy trên thảm cỏ xanh mướt.
Không biết ở Mỹ, người trồng cây có tính toán quy hoạch gì không. Nhưng trên đường phố Mỹ hôm nay vào cuối thu, ta sẽ thấy được cây lá nơi đây khoe đủ sắc màu rực rỡ: Từ màu vàng cam, sang tím tím, rồi xanh xanh, rồi đỏ thẫm màu huyết dụ, khiến khung cảnh vào đông của Cali mà lại rất thơ mộng, hữu tình. Những ngọn núi xám xám hôm nào, chỉ sau một vài cơn mưa nhỏ, đã bừng đầy sắc xuân, khoác lên mình một màu áo mới, xanh tươi màu cỏ non, ẩn hiện thấp thoáng là những căn nhà nho nhỏ xinh xắn, có lò sưởi ấm tấm lòng mùa đông.
Tôi cũng rất thích những buổi sáng, trời mờ sương rét mướt choàng chiếc áo ấm ngồi co ro đói rét bên ly cà phê sữa mà nghe nhạc Việt Nam, ngắm xe cộ Việt Mỹ và những sắc dân khác, chạy ngược xuôi trên đường phố xá khu San Jose. Đâu đó, thì thoáng lại những câu hỏi của các bạn trẻ ở đây, thường hay hỏi với nhau "Chừng nào về Việt Nam nữa" người ở Việt Nam thì thèm được đi Mỹ, người ở Mỹ thì lại thích mơ được về Việt Nam chơi. Cuộc đời quả là lẩn quẩn và cũng lắm nức cười. Người Anh thường có câu tục ngự: "Có bên kia đời lúc nào cũng vẫn xanh". Chắc là cũng có lý lắm đây.
Nhưng có một điều không thể chối cãi được, đó là không khí nơi đây thật trong lành, không có những xe "mất lịch sự" nhả cả một bầu trời khói xe đen nghịt vào mắt mũi và phổi của người khác một cách hết sức "vô tư". Cuộc sống nơi đây thật bình yên, an lành và no ấm, thú vật được nâng niu, trẻ em được có những cơ hội ăn học đến thành tài, nhân tài được trọng dụng xứng đáng, người già và tàn tật được chăm sóc y tế chu đáo, hưởng trợ cấp an ninh xã hội, cấp nhà ở đầy đủ.
Nhưng đừng tưởng, ai ở Mỹ cũng giàu có, cũng có xe hơi và cũng có nhà cửa. Ở Mỹ vẫn có những nhà tế bần, dành cho những người vô gia cư (homeless) đến ăn uống và cư trú ngụ tại đây (chẳng hạn ngôi nhà của một tổ chức từ thiện Palo Alto-khu Berkeley-Bay Area-San Francisco) (Homeless find haven in Palo Alto-San Jose Mercury News-Thurday, Dec 12,2002). Vì rằng nếu không có những nhà từ thiện này, thì tất cả những ông già vô gia cư sẽ trở thành những "Em Bé Bán Diêm" hết. Một câu chuyện đầy xúc động của nhà văn viết truyện cho thiếu nhi nổi tiếng, tác giả của câu chuyện Con Vịt Xấu Xí.
(Câu chuyện kể lại một em bé bán diêm, không nhà và đói khát trong một đêm đông lạnh giá. Em đã nhịn đói nhiều ngày và lên cơn sốt nặng. Trong cơn mê sảng, em mải mê quẹt những diêm quẹt mà em có trong tay. Mỗi một diêm quẹt bừng lên trong đêm là em được thấy từng khuôn mặt thân yêu trong gia đình em. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy em đã nằm chết cống bên cạnh chiếc hộp quẹt trống không, vì em đã quẹt đến diêm quẹt cuối cùng, chết cống vì rét và đói khát).
*
Chỉ còn vài ngày nữa là tôi sẽ trở lại quê nhà, trong những giây phút ngắn ngủi còn lại, tôi mong được hưởng cái cảm nhận một Noel xa quê nhà trên đất Mỹ như thế nào.
Mặc dầu năm nay kinh tế vẫn còn hai dấu hiệu khó khăn và hồi phục, nhưng có thể nói nước Mỹ đang bước vào mùa mua sắm. Những quần áo thời trang, và đủ loại đồ chơi, những món quà Noel đầy màu sắc rực rỡ, được bày biện khắp những gian hàng thật sang trọng và hấp dẫn. Đó đây vang lên những khúc ca Noel quen thuộc với những bài thánh ca bất hủ, hòa chung một bầu không khí thật êm đềm, để làm đắm say ngây ngất lòng người.
Nó đã vô tình làm tôi lại nhớ đến quê nhà, đất nước tôi giờ đây vẫn còn qua nhiều khó khăn gian khổ, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng gay gắt, nhân tình thế thái vànấc thang giá trị đạo đức xã hội đã quá đảo lộn rồi, đến nỗi một ông bạn của tôi (tính tình vốn hơi ba trợn) đã dám hiên ngang phạm thượng, sửa lại lời giáo huấn của cụ Nguyễn Trãi:
Thấy người đói rách thì thương
Thấy người giàu đẹp lại càng thương hơn

Để chế nhạo thói đời thừa gió bẻ măng, trọng đồùng tiền, khinh nhân nghĩa nghèo khó.
Và riêng đối với tôi, những mảnh đời bất hạnh của người dân nghèo khó, vẫn làm trái tim tôi nặng trĩu nỗi đau lòng. Mong rằng những đau khổ, bất hạnh sẽ mãi mãi biến mất trên trái đất này.

Sáng danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thể cho người thiện tâm.

NGUYỄN BÍNH CHÂU

No comments:

Post a Comment