Ngọc Lan
Trước giờ đi ngủ, lướt qua FB, tình cờ đọc thấy tin nhà hàng Song Long chính thức đóng cửa sau 40 năm hiện diện ở vùng Little Saigon, tự dưng thấy lòng chông chênh, như mất đi một thứ gì đó vốn từng rất quen thuộc với mình, mà bẵng đi một thời gian mình quên mất nó, đến khi giật mình nhận được tin nó không còn nữa, mới lại tự dưng thấy có gì đó như tiếc nuối, như nhớ nhung...
Tui biết đến nhà hàng Song Long chắc có lẽ từ lúc vào làm ở nhật báo Người Việt. Để rồi từ đó, Song Long không chỉ trở thành điểm hẹn của đồng nghiệp ban biên tập NV, mà còn là lựa chọn đầu tiên của tui mỗi khi hẹn bạn bè từ các nơi ăn trưa, nếu như họ không có đề nghị chỗ khác. Bởi Song Long rất gần để tui có thể đi bộ từ tòa soạn ra đó, khỏi phải mắc công lái xe
Đó cũng là nơi mà gia đình tui lui tới nhiều nhất khi mấy nhóc còn nhỏ. Bé Ti thích món lạc xá. Thằng Bi thích món lẩu Thái. Nhớ có lần chơi xa về, ghé đó cho Bi ăn lẩu Thái. Vừa mệt vừa đói, nhưng ghé vào thì món lẩu Thái hết. Thế là ảnh khóc. Cô Bảy chủ quán nhớ hoài. Từ đó về sau, mỗi lần thấy nó bước vô, cô Bảy lại nói "Hôm nay cô có lẩu Thái nè".
Nếu Mễ Già nhà tui ghé đó là mê món bò beef steak nướng tiêu thì tui lại thay đổi đủ thứ món ở đó. Nhớ khi thì cô Bảy, khi thì chị Sương - người làm lâu năm nhất ở đó - ra hỏi "Hôm nay NL muốn ăn món gì?" Tui nhớ chả cá Thăng Long, bún chả giò tôm nướng của họ thật là xuất sắc. Đặc biệt ở Song Long có những món không tìm được ở những quán khác, ngoài lạc xá, là món bún gỏi và, bún gỏi và suông, và gỏi và tôm cá. Vị bún rất lạ. Tui thích.
Nhớ ngày đó, mỗi lần đến Song Long, là còn khoái món bánh mì nóng giòn cùng với bơ được mang ra ăn trước khi món chính được dọn lên. Có lúc ăn xong đã thấy no ngang nửa bụng
Nhớ mỗi lần đến hay được cô Bảy chiếu cố khi thì mang cho thêm ly chè, ly nước, lúc thì đĩa chả giò, rảnh thì đứng hỏi thăm chuyện nay chuyện khác. Kiểu như người thân.
Từ lúc COVID, nhà hàng bắt đầu thay đổi cách thức buôn bán. Nhớ đôi lần ghé lại, cô Bảy nói không thuê được người, cô đóng cửa từ lúc 3 giờ chiều. Rồi chuyển sang bán togo cũng nhiều hơn. Chị Sương ít lâu sau cũng nghỉ vì. Cô Bảy cũng cao tuổi. Dễ chừng cũng hơn 2 năm nay tui chưa trở lại Song Long, dù mỗi ngày đi làm vẫn chạy ngang con ngõ, chỉ cần ngó nhìn vào cũng đã thấy, dù cũng đã bao lần tự nói hôm nào ghé vào thăm cô Bảy...
Giờ thì tiệm đóng cửa. Không biết muốn hỏi thăm cô sẽ hỏi như thế nào...
Ngẫm thấy cuộc đời là thế. Có những thứ vốn dĩ thân quen lắm. Nhưng hình như vì nó thân quen quá nên đến khi nhận ra nó đột nhiên biến mất, mới chợt bùi ngùi, còn không, cứ nghĩ nó vẫn còn ở nơi đó, chờ mình...
--------------------
Post lại đây bài viết về nhà hàng Song Long từ 9 năm trước, để dành làm kỷ niệm của một thứ nay đã không còn hiện hữu.
NHÀ HÀNG SONG LONG VÀ VĂN HÓA CORDON BLEU
LTS – Bài viết dưới đây nằm trong loạt bài giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Little Saigon, Nam California, do Toyota bảo trợ. Loạt bài này sẽ giới thiệu 11 nhà hàng tiêu biểu, đại diện cho nét riêng biệt độc đáo của cộng đồng gốc Việt lớn nhất Hoa Kỳ. Mời độc giả bước vào thế giới ẩm thực kỳ thú của nhà hàng Song Long, nơi thức ăn “Tây” và Việt song hành phục vụ thực khách.
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Nếu hỏi tên nhà hàng lâu đời nào được xem là điểm hẹn của nhiều văn nhân nghệ sĩ, giới chính trị hay họp mặt bạn bè tại Little Saigon, có lẽ, Song Long là cái tên đầu tiên được nghĩ đến.
Nếu hỏi nơi nào có món steak ngon, món chả cá hấp dẫn, và những món bún “không đụng hàng,” Song Long cũng là nơi được gọi mời.
Nằm ngay giữa Little Saigon trong trung tâm Lê Lợi trên đường Bolsa, nhà hàng Song Long có mặt từ hơn 30 năm qua, là một điển hình của việc kết hợp hai nền ẩm thực Pháp-Việt.
Điều người ta sẽ nhớ ngay ra khi nhắc đến Song Long chính là món bánh mì nóng giòn, thơm phức, ăn với bơ lạt được dọn ra ngay khi khách vừa an tọa – một nét rất riêng của các tiệm ăn chính gốc Pháp.
Điều đặc biệt là món bánh mì nóng ăn cùng bơ miễn phí này được làm và nướng ngay tại chỗ nên nó có cái hấp dẫn của sự tươi mới, của tiếng dòn rụm nơi vỏ bánh, đi kèm với những thỏi bơ nhỏ được giữ lạnh vừa đủ. Song Long thu hút bao tử thực khách từ sự mở màn thanh lịch đó.
Tên gọi các món ăn Pháp được nhìn thấy trước hết trong bảng thực đơn của Song Long, bởi người sáng lập nhà hàng này vốn xuất thân từ trường dạy nấu ăn nổi tiếng Cordon Bleu nơi trời Tây.
Theo sau các loại Omelet, nào với nấm hành, nào với lạp xưởng, nào với jambon, với cua, với tôm, thì salad và soup cũng là những món không thể thiếu trong thực đơn của một nhà hàng mang phong cách Tây Phương. Nếu quá quen thuộc với salad tôm, cua, bò, bạn hãy thử món salad cá salmon hay salad với cá thu, mắm cá (anchovy) và olive đen xem sao. Hoặc nếu đã nhàm chán với món soup gà, soup cua thì một tách soup nghêu và khoai tây hay soup hành nướng phô mai ắt hẳn sẽ mang lại một khẩu vị khó quên.
Trong khi nhiều thực khách chọn món thịt nguội pate gan như một phần khai vị, thì nhiều người thích gọi “escargot” (ốc hương nướng bơ tỏi) – món ăn nổi tiếng của người Pháp – được chế biến bởi đầu bếp Song Long, chỉ với giá chưa đến $9.00. Ốc hương được làm sạch, đem nướng cùng bơ tỏi. Miếng thịt ốc vàng nhạt nóng hổi, ngọt ngọt, dòn sựt sựt, hòa với mùi thơm nức mũi và vị beo béo của bơ tỏi tan ra mang màu xanh mạ non, có sức đánh thức bao giác quan của thực khách.
Bò “beef steak” cũng là một trong những món làm nên tên tuổi Song Long. Có nhiều loại “steak” ở đây để thực khách lựa chọn, từ bò thượng hạng nướng sốt Béarnaise, đến “steak” nướng bơ tỏi, nướng tiêu đen, tiêu non, nướng bơ và mắm cá (cũng là một khẩu vị lạ – rất “Tây”), ăn kèm với khoai tây chiên, mì Ý hoặc cơm đỏ, tùy theo ý thích của từng người.
Nếu không phải dạng người khỏe ăn, chắc chắn bạn sẽ khó mà “thanh toán” hết một phần beef steak tại Song Long với giá $17.00-$19.00. Một miếng steak lớn được nướng theo khẩu vị yêu cầu, đặt trên chiếc đĩa hình oval trắng, có khoai tây vàng rộm, những sợi spagetty vàng nhạt óng ả, hay chén cơm màu đỏ cam, và bông cải xanh chen cùng cà rốt đỏ. Làm sao mà không muốn tay cầm dao, tay cầm nĩa, xắn ngay vào đĩa mà cắt thịt mà thưởng thức.
Có thể chính vì điều này, mà ông Nhân Phạm, một cư dân sống ở Santa Ana, nói như đinh đóng cột, “Đi đâu đi, ăn đâu ăn, nhưng cứ muốn steak là phải đến Song Long. Vừa ngon vừa rẻ.”
Cá lưỡi trâu đút lò với phô mai cũng là món khoái khẩu của nhiều người chuộng món ăn có vị béo, nhất là khi không cưỡng lại được hình ảnh của lớp phô mai trắng phủ đầy mặt đĩa, được đút vào lò nướng với lửa cao, tạo nên lớp váng cháy vàng. Thơm không chịu nổi.
Chả cá Thăng Long, lạc xá, bún ‘gỏi và’
Tiền thân của nhà hàng Song Long là tiệm bánh Song Long ra đời vào năm 1981. Sau khi vượt biên qua Mỹ và một thời gian dài đi làm công nhân lắp ráp, bà Võ Lan Khai, thường được khách gọi là “cô Bảy,” cùng người em gái của mình, “cô Tám” – người trải qua các lớp học về nhà hàng, nấu ăn ở trường Cordon Bleu tại Pháp, dành dụm số vốn mở tiệm bánh đầu tiên ở khu Little Saigo
Pate chaud, croissant, bánh mì cóc được nướng hàng ngày, không đủ bán. Tiếng lành đồn xa, khách đến tiệm ngày một đông hơn chính là niềm khích lệ để chị em cô Bảy, cô Tám cùng mở rộng Song Long.
Năm 1985, nhà hàng chuyên thức ăn Tây mang tên Song Long ra đời.
Sau một thời gian, chủ nhân Song Long nhận ra một điều: người Việt dù gì cũng thích món ăn Việt hơn. Vậy là những món ăn gợi tình quê hương được đưa vào thực đơn Song Long, theo sau những món ăn Pháp nổi tiếng.
Muốn gọi cơm, thực khách có đến cả 20 món cơm khác nhau để gọi, với giá từ $7.00 đến $12.95, từ cơm thịt nướng, gà quay, lạp xưởng, đến cơm cà ri gà, bò nướng, tôm nướng, cá muối sả chiên, tôm rang muối, cơm bò lúc lắc. Những ai từng chọn qua món cơm ở Song Long sẽ nhớ hoài món cơm bát bửu với gà quay, sườn nướng, hay bò nướng. Cơm bát bửu ở Song Long không đơn giản chỉ là cơm đỏ, mà trong đó, người đầu bếp còn trộn vào một ít thịt, tim, gan, mề, xắt thật nhỏ. Một cái trứng gà chiên ốp-la với lòng đỏ tròn vành vạnh được đặt trên phần cơm được úp ra từ chén trông đủ hấp dẫn lắm rồi, chưa tính đến miếng gà vàng rộm hay miếng sườn cốt-lếch nướng vàng nâu mướt rượt.
Bún cũng là món thực khách phải quay trở lại đây để thưởng thức thêm lần nữa, lại lần nữa sau khi đã thử qua.
Với món bún khô, nhiều người chuộng món bún chả Hà Nội, tôi thì lại mê món bún chả giò tôm thịt nướng. Mùi thơm của những con tôm vừa mới nướng đỏ au, của những lát thịt heo thái mỏng có vương vài chỗ bén lửa cháy xem xém, của những khoanh chả giò vàng rộm, rồi màu xanh của mỡ hành óng ả, của đậu phộng rang giã nhỏ, màu của củ cải trắng của cà rốt đỏ được xắt sợi làm dưa chua… sao mà kích thích bao tử đến ghê gớm!
Với món bún nước, ngoài những bún bò, bún riêu, bún vịt xáo măng, bún thang, bún cá, bún suông là những món bạn có thể nhìn thấy trong thực đơn đây đó, còn lại, tôi dám đoan chắc đến 99%, rằng sẽ không thể nào bạn tìm được nơi có món lạc xá, bún gỏi và, hay gỏi và suông, gỏi và tôm cá, ngoại trừ Song Long.
Nếu bạn biết ăn cà ri, hãy thử món lạc xá. Cách dễ hiểu nhất thì có thể gọi là bún cà ri đồ biển. Nước lèo của món lạc xá có vị cà ri nhưng nước loãng hơn, vị thanh hơn. Dĩ nhiên sẽ không có khoai lang, khoai tây và thịt gà chặt miếng to như cà ri. Mà trong tô lạc xá, bạn sẽ thấy những con tôm khô bé tí phủ trên mặt, cùng tôm lột vỏ, cá phi lê, và vài lát thịt gà mỏng. Vị cay nhẹ.
Muốn thay đổi khẩu vị nữa, hãy thử món bún “gỏi và.” Lần đầu nhìn thấy tên gọi này, trong đầu tôi là hình ảnh của đĩa gỏi với các loại rau ghém trộn với dầu dấm. Nhưng tôi sai. Bún “gỏi và” là một loại bún nước, như thể bún bò, bún mắm, bún riêu. Nhưng bún “gỏi và” có vị ngọt ngọt chua chua của me. Nếu tôm khô bé tí là thành phần không thể thiếu trong món lạc xá, thì đậu phộng rang, giã nhỏ cũng là không thể thiếu trong tô bún gỏi và. Hãy mạnh dạn ăn thử đi. Tôi nghĩ là bạn sẽ thích ăn tô thứ hai khi có dịp trở lại Song Long.
Sau cùng, nhắc đến Song Long không thể không nhắc đến món chả cá Thăng Long, mà nhiều người vẫn quen gọi là chả cá Song Long. Tôi muốn để bạn tự mình khám phá món ăn được ưa chuộng này tại Song Long, bởi trong lúc này, nhắm mắt lại, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của chiếc đĩa gang đen bóng, nóng bỏng tay nếu lỡ đụng vào, bên trên đầy ắp những miếng cá phi lê cắt vuông chiên vàng, chen bên màu trắng của hành tây xắt khoanh, màu xanh của hành lá cắt khúc, của mùi thơm rau thì là, mùi thơm của hành phi, của đậu phộng rang. Và kìa là chén mắm nêm pha vừa ăn, đĩa bún trắng tươi, đĩa rau đầy ngất…
Một điều rất riêng nữa ở Song Long là phần ăn nào cũng nhiều, nhiều đến tràn trề như lòng phóng khoáng chủ nhân đãi khách. Nhưng giá tiền lại rất phải chăng.
Đến Song Long để hoài niệm
Bà Tuyết Đào, 72 tuổi, đã có hơn 20 năm là khách hàng quen thuộc của Song Long, từ khi con bà còn đi học, cho đến lúc ra trường, lấy chồng và có con, cả gia đình bà ba thế hệ đều dùng bữa ở đây, nói như tâm tình: “Có lần một ngày tôi đến ăn ở Song Long ăn đến ba lần: ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Món mà tôi thường hay gọi ở đây là món chả cá vì nó ngon mà giá cả lại phải chăng.”
Hai vợ chồng người Mỹ gốc Trung Quốc, Steven Chan và Amy Chan, trong số những khách hàng quen thuộc khác của Song Long. Mặc dù sống xa khu vực Little Saigon, nhưng cứ mỗi lần rảnh rỗi, hai vợ chồng lại lái xe đến đây và thưởng thức món ăn tại Song Long.
“Tôi ăn ở Song Long chắc hơn 20 năm qua; biết đến nhà hàng này trong một dịp bạn bè giới thiệu. Ăn qua một lần là tôi thích luôn, nên có điều kiện là tôi lại dẫn bà xã đến đây ăn,” ông Steven cho biết.
Vị khách này còn cho biết: “Điều đặc biệt ở Song Long làm tôi rất thích thú và thấy ấm cúng, đó chính là người phục vụ ở đây đều quen mặt cả, họ làm từ khi tôi mới bắt đầu đi ăn, và đến bây giờ vẫn còn làm, nó thân thương, quen thuộc đến nỗi có cảm giác như quay lại nhà để ăn chứ không phải là đi nhà hàng.”
Cảm giác ấm cúng như trong gia đình là cái nét riêng mà Song Long đã gìn giữ trong bao lâu qua. Hình ảnh người chủ và người làm công cùng phục vụ khách mà luôn nở nụ cười trên môi làm ấm lòng bao thực khách đến đây. Hơn 30 năm qua, ngày nào cô Bảy cũng có mặt ở Song Long, chăm chút từng thứ nhỏ nhất cho nhà hàng. Nhưng người làm chủ đâu chỉ đứng và sai bảo; cô Bảy làm cả công việc của người chạy bàn, lấy “order” từng món cho khách, lau từng cái bàn, và cẩn thận mang đồ ăn ra bàn.
“Tôi làm vì yêu nghề; mình quen với công việc này quá rồi, không làm thấy nhớ lắm,” cô Bảy tâm sự.
Chị Trương Ngọc Sương, một trong những người phục vụ từ năm 1987 đến nay cảm thấy hạnh phúc khi được phục vụ thực khách ở Song Long.
“Tôi bắt đầu làm ở Song Long lúc 30 tuổi. Đến giờ gần 60, tôi vẫn hằng ngày đều đặn đi làm. Tôi có rất nhiều kỷ niệm ở đây, tôi coi thực khách như là trong gia đình của mình, thế nên chưa bao giờ có ý định nghỉ ở đây và kiếm chỗ mới để làm vì có ai mà rời bỏ gia đình của mình bao giờ.” Chị cười tươi tắn.
Vâng, đến Song Long không chỉ để thưởng thức món ngon của thức ăn Việt, của đồ ăn Tây, mà còn để hoài niệm về ký ức của cuộc đời!///
Ngọc Lan (9/2015)
NHÀ HÀNG SONG LONG KẾT NGHIỆP !!!
Trưa nay bà xã của tôi Phượng Mai thèm món bún nem nướng, muốn ăn ở nhà hàng Song Long, nên 2 vợ chồng lái xe ra Bolsa, bất ngờ nhà hàng đang sửa sang, vài tháng trước, chị Bảy chủ nhà hàng có nhắc đến việc sang tiệm vì muốn về hưu (gọi là chị nhưng đã 80 tuổi rồi), 2 vợ chồng mới giật mình thì ra nhà hàng Song Long đã sang cho chủ mới.
Một niềm tiếc nuối dâng lên trong cảm xúc của tôi, ngôi nhà hàng đã hiện diện với cộng đồng 40 năm, giờ đã không còn nữa, một thoáng buồn tôi cảm nhận được.
Nơi đây là lần đầu tiên lúc tôi còn rất trẻ, mới 20 tuổi đầu nhưng đã có duyên gặp được những tên tuổi lớn của giới văn nghệ sĩ miền nam.
Nhà văn Mai Thảo, bố già Phạm Duy, nhà thơ Tạ Tỵ, giáo sư Trần Bích Lan (tức là thi sĩ Nguyên Sa), họa sĩ Nghiêu Đề, kể cả người anh cả phong trào Du Ca Nguyễn Đức Quang, và ông Đỗ Ngọc Yến người sáng lập Nhật báo người Việt.
Cũng là nơi mà anh Thạnh "Tú Quỳnh" đã giới thiệu tôi với Nguyễn Ngọc Ngạn, lúc đó vừa từ Canada sang chơi còn hành nghề đi bán bảo hiểm và viết văn chưa là MC cho trung tâm Thúy Nga.
Nhà hàng Song Long một kỷ niệm vừa đẹp vừa cũ với người Bolsa, nay đã chính thức kết nghiệp thật đáng tiếc.
Vậy Phố Việt chỉ còn 2 nhà hàng lâu đời là Thành Mỹ và Mỳ La Cay, cùng trãi qua sự thăng trầm vừa nghiệt ngã vừa hạnh phúc của cộng đồng người Việt tại đây.
Trưa nay bà xã của tôi Phượng Mai thèm món bún nem nướng, muốn ăn ở nhà hàng Song Long, nên 2 vợ chồng lái xe ra Bolsa, bất ngờ nhà hàng đang sửa sang, vài tháng trước, chị Bảy chủ nhà hàng có nhắc đến việc sang tiệm vì muốn về hưu (gọi là chị nhưng đã 80 tuổi rồi), 2 vợ chồng mới giật mình thì ra nhà hàng Song Long đã sang cho chủ mới.
Một niềm tiếc nuối dâng lên trong cảm xúc của tôi, ngôi nhà hàng đã hiện diện với cộng đồng 40 năm, giờ đã không còn nữa, một thoáng buồn tôi cảm nhận được.
Nơi đây là lần đầu tiên lúc tôi còn rất trẻ, mới 20 tuổi đầu nhưng đã có duyên gặp được những tên tuổi lớn của giới văn nghệ sĩ miền nam.
Nhà văn Mai Thảo, bố già Phạm Duy, nhà thơ Tạ Tỵ, giáo sư Trần Bích Lan (tức là thi sĩ Nguyên Sa), họa sĩ Nghiêu Đề, kể cả người anh cả phong trào Du Ca Nguyễn Đức Quang, và ông Đỗ Ngọc Yến người sáng lập Nhật báo người Việt.
Cũng là nơi mà anh Thạnh "Tú Quỳnh" đã giới thiệu tôi với Nguyễn Ngọc Ngạn, lúc đó vừa từ Canada sang chơi còn hành nghề đi bán bảo hiểm và viết văn chưa là MC cho trung tâm Thúy Nga.
Nhà hàng Song Long một kỷ niệm vừa đẹp vừa cũ với người Bolsa, nay đã chính thức kết nghiệp thật đáng tiếc.
Vậy Phố Việt chỉ còn 2 nhà hàng lâu đời là Thành Mỹ và Mỳ La Cay, cùng trãi qua sự thăng trầm vừa nghiệt ngã vừa hạnh phúc của cộng đồng người Việt tại đây.
No comments:
Post a Comment