Thursday, August 15, 2024

Paris có gì lạ không em ?

 

1958, chàng sinh viên Trần Bích Lan khi về lại Việt Nam đã cho phổ biến Thơ Nguyên Sa, một tập thơ gây chấn động trong giới yêu mến văn nghệ và sinh viên học sinh Việt Nam Cộng Hòa thời đó. Nhiều bài thơ, trích trong tuyển tập, đã được phổ nhạc và hát trong các câu lạc bộ sinh viên và trên các làn sóng điện. Hình ảnh Paris qua những vần thơ, điệu nhạc đó đã lôi cuốn biết bao tâm hồn thanh niên thời đó, và cho đến ngày nay vẫn còn gây xao xuyến mỗi khi nghe lại.

 Dưới cầu Mirabeau, nước sông Seine vẫn chảy… (thơ Apollinaire)

Làm sao quên được những vần thơ nhẹ đẹp và lãng mạn như áng mây khi ngày sắp tắt :

Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về em có còn ngoan

Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ

Em có tìm anh trong cánh chim...

 

Nguyên Sa đã sống, đã yêu và lãng mạn hóa Paris, một thành phố mà anh tiếc nhớ khi phải giã từ. Tình yêu đó anh trút vào từng dòng thơ, êm ái chuyền vào máu những người chưa biết Paris yêu mến Paris và chia sẻ với anh những thao thức xa vắng người yêu. Sau Nguyên Sa là cả một phong trào nhớ lại Paris, bằng thơ và nhạc, lan khắp Sài Gòn. Không ai trong chúng ta đã không một lần nghe đến "Mùa thu không trở lại" của Phạm Trọng Cầu, "Tiễn em" thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy...

Paris rất đẹp. Paris rất lạ.

Paris có nhiều điều để xem. Mỗi dinh thự, mỗi bờ tường, mỗi góc phố, mỗi viên đá lót đường là mỗi kỷ niệm, mỗi tâm sự riêng. Khách lãng du phải để tâm hồn thảnh thơi lắng nghe Paris kể lại những thao thức ở mỗi góc đường và mỗi khu phố.

Khám phá Paris giống như khám phá một kho tàng. Nếu chịu khó tìm tòi, Paris sẽ trưng bày những bảo vật hiếm có. Paris rất tình cảm nhưng Paris cũng rất lạnh lùng, có những người suốt đời ở trong và ở cạnh Paris nhưng chưa bao giờ biết đến những báu vật của Paris. Khám phá Paris chính vì vậy chỉ dành cho những người diễm phúc.

Báu vật của Paris rất nhiều. Paris có gần 2.000 kiến trúc lịch sử và mỹ thuật, gần 1.000 bức tượng chạm khắc tinh vi trưng bày trên khắp các công viên, góc đường, nóc nhà, cửa ra vào, v.v... Nhưng số lượng tác phẩm điêu khắc trưng bày trong 167 bảo tàng lớn nhỏ, công và tư, trên khắp Paris, cũng phải hơn 30.000 tuyệt tác. Chỉ riêng Bảo tàng Louvres đã có trên 6.000 tuyệt tác điêu khắc nhưng chỉ hơn 2.000 tượng được trưng bày trong 67 phòng triển lãm, Bảo tàng Orsay có trên 1.200 tượng điêu khắc, Bảo tàng Guimet thì không kể hết, ít nhất có trên 20.000 tượng lớn nhỏ từ khắp nơi Đông Nam Á.... Nếu một thành phố nào đó trên trái đất chỉ sở hữu một phần mười những tác phẩm điêu khắc mà Paris hiện có thì đó đã là một niềm hãnh diện lớn. Chỉ cần đi dọc hai bờ sông Seine, trong 15 khu phố (quartiers), chúng ta sẽ lần lượt khám phá những báu vật của Paris cất giấu và ẩn hiện theo thời gian, cũng phải kể thêm những nơi mà lãng khách muốn đến "hành hương" để tìm lại cảm giác mà những đôi tình nhân tên tuổi đã từng để lại.
























Nhà thờ Đức Bà Paris (trước khi bị hỏa hoạn ngày 15/4/2019, hiện đang được phục hồi y như cũ và sẽ ra mắt trước cuối năm 2025)

Đối diện với bờ tả ngạn là La Cathédrale Notre Dame de Paris (Place du Parvis de Notre Dame, quận 4). Nhà Thờ Đức Bà Paris được hoàn tất năm 1330, sau hơn 170 năm xây dựng, do giáo hoàng Alexandre III đặt viên đá đầu tiên năm 1163. Thánh đường này là một công trình kiến trúc đồ sộ thời Trung Cổ, kiểu gothic, dài 130 m, rộng 60 m, với hai tháp chuông mỗi cái cao 69 m và một tháp nhọn cao 90 m ở giữa, được UNESCO công nhận là tài sản của nhân loại. Mỗi đường nét kiến trúc, mỗi vật dụng trang trí trong và ngoài thánh đường là một đề tài nghiên cứu phong phú đầy lý thú. Sự đồ sộ và huyền bí của Notre Dame còn là nguồn cảm hứng của rất nhiều truyện kịch, nổi tiếng nhất là Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà (1831) của Victor Hugo, sau này được tổ hợp Walt Disney viết thành phim hoạt họa. Năm 1804 hoàng đế Napoléon thụ sắc, năm 1970 đám tang của cố tổng thống de Gaulle được tổ chức trong thánh đường này.

Notre Dame de Paris - Belle

Notre Dame được xây dựng trên một ngôi đền cổ của người La Mã có từ thế kỷ thứ 3, dưới thềm Parvis (phần đất dùng làm sân trước thánh đường) là những đường sá và nhà cửa thời gallo-romain. Bảo tàng viện Notre Dame, cạnh giáo đường, trưng bày những vật dụng gallo-romain thu nhặt được trong các cuộc đào bới khảo cổ : dấu tích xưa nhất của đạo Công Giáo tại đây là một chén rượu bằng thủy tinh cách đây 1.600 năm. Trên Parvis là tấm biển ghi cây số 0, nơi xuất phát mọi khoảng cách từ các tỉnh vào Paris hay ngược lại, và cũng là nơi chim bồ câu tụ tập chờ khách cho ăn bánh mì khô... trên tay.

Phần đất phía sau Notre Dame là một khu vườn nhỏ, Square Jean-XXIII, tươm tất và sạch sẽ, được dùng làm nơi nghỉ chân và hóng gió sông. Ở cuối hòn đảo là Đài tưởng niệm những người hy sinh và bị đày dưới thời Đức quốc xã (gần 200.000 người bị thiệt mạng), nơi đây chôn cất xác một nạn nhân đi đày vô danh. Một khu vực trang nghiêm cần được tôn trọng.

 Nhà thờ Đức Bà trên đảo Île de la Cité

Thời gian sau đó người Francs, rồi người Capétiens thay nhau làm chỷ Paris, mỗi lần thay ngôi đổi chủ là xây thêm nhiều dinh thự mới ; Île de la Cité vẫn duy trì vị trí trung tâm và nhiều công sự phòng thủ mới được tăng cường quanh đảo. Phải chờ đến thời kỳ Trung Cổ (thế kỷ 6-thế kỷ 15), những công trình kiến trúc kiên cố và mỹ thuật mới được dựng lên trên đảo và còn tồn tại cho tới ngày nay.

Diện tích hòn đảo này rất nhỏ (20 hecta), thuộc hai quận 1 và 4, đường sá chật hẹp và ngoằn nghèo, do đó khi viếng thăm phải dùng đôi chân. Một số tên đường trên đảo được giữ nguyên từ thời Trung Cổ, như Quai des Orfèvres (bến thợ kim hoàng), Quai du Marché Neuf (bến chợ mới). Có chín cây cầu bắc ngang qua đảo : Pont Neuf (xưa nhất, xây dựng năm 1578) băng ngang qua phần đất nhỏ hẹp ở đầu hòn đảo, nối liền hai bờ sông Seine ; cầu Saint Louis nối liền hai đảo (Île de la Cité và Île Saint Louis) với nhau ; các cầu Archevêché, Cầu Đôi (Pont au Double), Cầu Nhỏ (Petit Pont) và cầu Saint Michel nối liền Đảo Thị Trấn với bờ tả ngạn ; các cầu Arcole, Notre Dame và Pont au Change nối liền với bờ hữu ngạn. Những di tích được thăm viếng nhiều nhất là Nhà thờ Đắc Bà (Notre Dame de Paris), Sainte Chapelle, Palais de Justice và Conciergerie.

Ở đầu hòn đảo về phía Tây là công viên Square du Vert Galant, trước cầu Pont Neuf. Đây là một trong những nơi huyền bí nhất của Paris vì, theo lời kể lại, sau nhiều lần muốn tiến về Paris nhưng không vào được thành vua Henri IV hứa sẽ dành một khu đẹp đẽ để tạ Ơn Trên. Được toại nguyện, nhà vua đã chọn phía đầu hòn Đảo Thị Trấn làm một công viên đầy bóng mát và đặt tên là Vert Galant (biệt danh của Henri IV). Về sau để nhớ ơn nhà vua, một tượng vua Henri IV cưỡi ngựa bằng đồng được dựng ở giữa công viên, từ nơi đây có thể nhìn về bảo tàng Louvre, vườn Tuileries và cảnh vật trên hữu ngạn sông Seine. Từ đó những người ước muốn điều gì trọng đại đều âm thầm đến đây cầu xin. Nơi đây cũng là bến xuất phát các tàu đi trên sông du ngoạn.

Sau khi khánh thành xong công viên Vert Galant và cầu Pont Neuf, năm 1607 vua Henri IV xây thêm một quảng trường khác ở đầu hòn đảo về phía Đông, Place Dauphine, để tặng con trai ông, vua Louis XIII. Nơi này hiện nay là nơi tụ tập của những người chơi đánh boule vào mỗi cuối tuần, cuối ngày và ngày lễ.

La Sainte Chapelle (4 Boulevard du Palais, quận 1) là ngôi giáo đường xưa nhất Paris, được xây năm 1246, dùng để bảo tồn chiếc mũ gai của chúa Jesus và một mảnh gỗ lấy từ cây thánh giá treo Jesus. Ngôi giáo đường này là một trong những tuyệt tác kiến trúc của thời Trung Cổ phương Tây, nội tất được chiếu sáng bởi 15 mảnh kiếng màu, chôn khéo léo trong bốn vách tường, với 1.000 hoạt cảnh trong kinh thánh.

La Conciergerie (1 Quai de l'Horloge, quận 1), nằm đối diện với bờ hữu ngạn, là một dãy nhà to lớn được xây cất vào giữa thế kỷ 14, được dùng làm nhà tù đầu tiên của thành phố Paris năm 1391. Trong cuộc Cách Mạng Pháp 1789, 2.780 người đã bị xử trảm (bằng máy chém đầu guillotine) trong nhà tù này, trong đó có cả những người đã khởi xướng cuộc cách mạng như Danton, Saint Just, Desmoulin... Du khách có thể viếng thăm những phòng giam được tái tạo lại để tưởng tượng tâm trạng những người chờ bị chém đầu, nhất là những phụ nữ nổi tiếng như hoàng hậu Marie-Antoinette (vợ vua Louis XVI), bà Charlotte Corday (người đã đâm Marat, người sáng lập tờ báo cách mạng Ami du Peuple). Phòng giam bà Marie-Antoinette sau đó được sửa sang lại thành một giáo đường theo nguyện ước của em chồng bà là vua Louis XVIII.

Le Palais de la Justice (Tòa án Paris, 4 Boulevard du Palais, quận 1), là một dãy nhà đồ sộ cạnh giáo đường Sainte Chapelle, đối diện với bờ tả ngạn. Dưới thời La Mã, tòa nhà này được dùng làm nơi xử các phạm nhân và được các vua chúa Pháp thời Trung Cổ dùng làm tòa án cho tới thế kỷ 14. Năm 1793 những lãnh tụ cuộc cách mạng Pháp dùng làm nới xử những đối thủ của mình, các tội nhân sau đó bị giam vào La Conciergerie chờ bị xử trảm.

Sở cảnh sát Paris (Préfecture de Police) nằm trên Boulevard du Palais và Quai du Marché Neuf, quận 1) nằm đối diện với tòa án. Đây là một khu nhà có cùng thời với Palais de Justice được sử dụng trước đó như nơi cư trú của lực lượng an ninh thời La Mã và của các vua chúa. Dưới thời cách mạng Pháp, đây là cơ quan điều tra rất là nghiệt ngã để triệt hạ những người chống đối. Ngày nay cơ quan này là nơi đặt văn phòng của Sở cảnh sát Paris.

Đối diện với bờ hữu ngạn là một bệnh viện to lớn và khá lâu đời. Bệnh viện này trước kia là một cô nhi viên, con cháu những người bị hành quyết dưới thời cách mạng, mang tên Hôtel Dieu (Khách sạn của Chúa, ý trêu chọc những người đã bị hành quyết và con cái của họ, bị gom vào đây coi như là vào nhà của Chúa sau khi chết). Đến thời hoàng đế Napoléon III, theo chương trình chỉnh trang đô thị của nam tước Haussmann, cô nhi viện này bị đập bỏ để xây dựng lại thành một bệnh viện, công trình xây cất từ 1866 đền 1878 mới xong, với tên gọi Hôpital Hôtel Dieu (1, Place du Parvis de Notre Dame, quận 1). Bên cạnh bệnh viện này là chợ bán bông và chim, Marché aux fleurs et Marché aux oiseaux (Place Louis Lépine, quận 1).


Cầu Alexandre III là chiếc cầu lộng lẫy nhất Paris nếu không muốn nói là đẹp nhất thế giới

Hai bên cầu Concorde là quảng trường Concorde với một bia đá Ai Cập cao lớn (do Napoléon I mang từ Ai Cập về) cùng một bánh xe khổng lồ cao 60 m đưa du khách lên ngắn nhìn Paris và khách sạn Grignon nổi tiếng, nơi cư ngụ của các tài tử và nghệ sĩ quốc tế đến Paris lưu diễn, trên bờ hữu ngạn, bên kia bờ tả ngạn là tòa nhà Quốc Hội, Assemblée nationale.

Passerelle Solférino nối liền vườn Tuileries bên hữu ngạn với bảo tàng viện d'Orsay bên tả ngạn dành cho khách bộ hành. Nhìn tháp Eiffel từ cây cầu này, cảnh quang rất đẹp.

Các cầu Royal và Carousel không có gì đặc sắc so với các cầu vừa kể nhưng nếu so với các cây khác tại các quốc gia Châu Âu, đó là những công trình mỹ thuật và kỹ thuật cao vào thế kỷ 17 và 18. Hai cây cầu này nối liền khu vực hoàng gia trước kia, nay là bảo tàng Louvres, với khu vực nghệ sĩ (Saint Germain des Prés).

Pont des Arts là chiếc cầu đầu tiên hoàn toàn được xây dựng bằng kim loại "gang" (fonte - sắt nung) tại Paris năm 1804. Kỹ thuật xây dựng mới này làm đảo lộn tất cả kỹ thuật kiến trúc cổ điển (bằng đá tảng và vôi) trước đây và là tiền thân của cách xây dựng loại nhà chọc trời và tháp Eiffel.

Đi quanh đảo Cité và Saint Louis thì các tàu chở khách đi ngược lại, lượt đi bên tay trái và lượt về sang tay phải, và tuần tự lướt dưới các cầu Pont Neuf, Pont de Sully, Pont de la Tournelle, Pont de l'Archevêché, Pont au Double, Petit Pont ở tả ngạn để sau đó quay về hữu ngạn với Pont Neuf, Pont au Change, Pont Notre Dame, Pont d'Arcole, Pont Louis Philippe, Pont Marie, rồi trở về với các cầu đã đi qua.

Pont Neuf là chiếc cầu lâu đời nhất Paris, được vua Henri III đặt viên đá đầu tiên năm 1578 và do vua Henri IV khánh thành năm 1607. Cầu này dài 275 m, 12 nhịp, nối liền đảo Cité với hai bờ sông. Vào thời đó, đây là một cuộc cách mạng về kỹ thuật xây dựng cầu vì không có nhà cửa xây dựng ngay trên cầu giúp sự qua lại trên sông và hai bờ được dễ dàng.

Pont de Sully có một lịch sử khá đặc biệt. Theo lệnh vua Henri IV và do bộ trưởng Sully thực hiện, cây cầu này thay hai chiếc cầu gỗ cũ, quá mục nát và lần lượt bị sập năm 1848 và 1872, gồm hai cầu bằng sắt (159 m và 82 m) nhưng kiến trúc rất nhau nhìn xa tưởng như một, được xây dựng từ 1875 đến 1876, nhằm nối liền hai bờ sông. Từ cây cầu này nhìn phía sau Nhà Thờ Đức Bà, cảnh quang rất tuyệt.

Dọc bờ tả ngạn là Quai Saint Bernard, nằm giữa hai chiếc cầu Sully và Austerlitz. Bến này trước kia là một cánh cửa lớn (đại môn) được xây dựng dưới thời vua Louis XIV (1643-1715) nhằm ngăn cản dân chúng đến đây tắm giặt, sau đó bị đập bỏ năm 1787 để trở thành nơi dạo mát của dân Parisien, dài gần một cây số, với tên gọi mới là Bến Saint Bernard. Từ 1975 đến 1980, bến này mang tên là vườn Tino Rossi (một ca sĩ nổi tiếng), và từ 1980 trở đi được biến thành một viện bảo tàng điêu khắc ngoài trời với những tác phẩm nổi tiếng bằng đá và bằng thau được sáng tác vào giữa thế kỷ 20. Nhưng rất tiếc là một số thành phần bất hảo đã đến xịt vẽ (tag) trên các bức tượng buộc chính quyền thành phố Paris mang phần lớn những tác phẩm nhỏ đi nơi khác, hiện nay chỉ còn lại những tác phẩm lớn, kềnh càng bằng kim loại triển lãm trên bến.

Île de la Cité và Île Saint Louis (quận 1 và 4)

Lịch sử hòn đảo nhỏ nằm giữa dòng sông Seine này, Île de la Cité gắn liền với lịch sử thành lập thành phố Paris. Vào khoảng thế kỷ thứ tư trước công nguyên, một bộ tộc Gaulois gốc Celte, người Parisii, đã đến đây lập nghiệp và dựng một ngôi làng thô sơ trên hòn đảo này để tránh thú dữ và sinh sống bằng nghề trồng trọt và săn bắt cá. Vị trí ngôi làng này trở nên quan trọng trong suốt ba thế kỷ trước công nguyên khi lượng hàng hóa giao lưu giữa lục địa (nông phẩm của người Gaulois) với bờ biển (hải sản của người Celte) gia tăng. Năm 52 trước công nguyên, Labienus, chỉ huy trưởng quân đội La Mã vùng Bắc xứ Gaule (Pháp), đánh bại quân Gaulois tại Camulgène, cạnh Île de France ; dân Parisii phải đốt làng bỏ chạy. Kể từ đó người La Mã chiếm đóng Île de la Cité, kiểm soát sự qua lại trên sông Seine và cải danh thành Lutecea (Lutèce). Từ đầu thế kỷ thứ 2 sau công nguyên trở đi, người La Mã chọn hòn đảo này làm đại bản doanh miền Bắc xứ Gaule vì vị trí chiến lược của nó. Họ bắt đầu xây dựng dinh thự, đền đài, nhà cửa trên đảo và mở rộng đô thị sang bờ tả ngạn. Với thời gian, Lutecea trở thành trung tâm chính trị và thương mại của xứ Gaule La Mã (gallo-romain) trong 500 năm ; người Gaulois từ khắp nơi đến đây dựng làng canh tác nông nghiệp trên bờ hữu ngạn. Năm 360, thống đốc La Mã xứ Gaule, Julien, tự xưng hoàng đế, chọn Lutecea làm đế đô và đổi tên thành Paris (tiếng La Mã là Parisius). Sự phồn vinh của hòn đảo nhỏ này tỏa rộng khắp nơi ; từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 5 Paris thường xuyên bị quân cướp từ khắp nơi tiến vào đánh phá.

Dưới chân cầu Alma là tượng một người lính zouave (lính đánh bộ tại Algérie), dùng để đo mực nước sông Seine.

Cầu Invalides không có gì đặc sắc bên cạnh cầu Alexandre III, chiếc cầu lộng lẫy nhất Paris nếu không muốn nói là đẹp nhất thế giới. Năm 1886 hoàng đế Alexandre III (thân phụ của hoàng đế Nicolas II bị quân bolchevik Nga giết năm 1918) đặt viên đá đầu tiên xây dựng chân cầu để tổ chức cuộc triển lãm toàn cầu năm 1900. Cầu Alexandre III, nối liền điện Invalides bên tả ngạn với Grand Palais bên hữu ngạn, được dựng trên một cột sắt với những thân hình tiên nữ khỏa thân cùng những thỷy quái ; trên chóp bốn trụ cầu là bốn tượng mạ vàng rực rỡ tôn vinh Khoa học, Nghệ thuật, Thương Mại và Kỹ nghệ, đó là chưa kể dọc thân cầu là những trụ đèn chạm khắc rất công phu và mỹ thuật.

Bên cạnh cầu Grenelle là tượng Nữ Thần Tự Do, y hệt bức tượng được dựng trước cửa biển New York nhưng nhỏ hơn (bằng 1/10)

Xa hơn một chút là cầu Iéna nối liền tháp Eiffel với Trocadéro và Palais de Chaillot, nơi có bốn viện bảo tàng (dinh thự quốc gia, con người, điện ảnh và hàng hải) và một thư viện điện ảnh. Đây là chiếc cầu được đông khách bộ hành qua lại nhất thế giới, vì mỗi năm có hơn 30 triệu lượt người qua lại viếng thăm tháp Eiffel và Palais de Chaillot để chụp ảnh.

Cách cầu Iéna không xa về phía Đông, được Napoléon I xây năm 1806, là một chiếc cầu nhỏ bắc ngang sông gọi là Passerelle de Billy, chỉ dùng cho khách bộ hành.

Dưới chân cầu Alma là tượng một người lính zouave (lính đánh bộ tại Algérie), dùng để đo mực nước sông Seine. Trên bờ tả ngạn là ngọn đuốc tự do tưởng nhớ những người kháng chiến Pháp trong thế chiến II, không lấy gì làm đẹp nhưng mỗi ngày có rất đông người đến truy niệm vì là nơi quận chúa Diana tử nạn xe hơi năm 1997.

Hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Serine

Lướt nước sông Seine

Nước sông Seine không cuồn cuộn như sông Danube, dòng sông xanh của các thành phố Vienna và Budapest. Nước sông Seine bình thản từ cội nguồn chảy ra biển cả, đem quá khứ đổ vào tương lai, mang tình yêu lấp tràn thù hận. Từ khi biết đến con người, dòng sông này chứng kiến biết bao tranh chấp nhưng thiên chức của nó dường như chỉ để xoa dịu nỗi đau và lắng nghe những lời ngọt ngào của những người yêu nhau từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, những khách bộ hành bình thường tản bộ trên hai bờ nước. Sông Seine của Paris chính vì vậy là dòng sông của tình yêu, dòng sông của những người biết hưởng hạnh phúc.

Guillaume Apollinaire, nhà thơ nổi tiếng của Pháp đầu thế kỷ 20, đứng trên cầu Mirabeau nhìn nước sông Seine nhớ lại cuộc tình :

Sous le pont Mirabeau coule la Seine   

Et nos amours                     

Faut-il qu'il m'en souvienne

La joie venait toujours après la peine

Vienne la nuit sonne l'heure

Les jours s'en vont je demeure...

Dưới cầu Mirabeau nước sông Seine vẫn chảy

Và cuộc tình của chúng ta

Có cần phải được gợi nhớ

Niềm vui thường đến sau nỗi đau

Đêm đã đến giờ đã điểm

Tháng ngày cứ qua đi tôi một mình ở lại...

(Guillaume Apollinaire, Le pont Mirabeau, Alcools, 1914)

Nguyên Sa khi xa vắng người yêu cũng thường hay tự hỏi :

Paris có gì lạ không em ?

Mai anh về giữa bến sông Seine

Anh về giữa một dòng sông trắng

Là áo sương mù hay áo em ?...

(Nguyên Sa, Paris có gì lạ không em ?, Paris, 1954)

Paris có gì lạ không em ? – Thơ Nguyên Sa - Nhạc Ngô Thụy Miên – Tiếng hát Thái Thanh

Phạm Trọng Cầu cũng thế, anh trút nỗi nhớ vào từng cung nhạc :

Từ chia ly nghe rơi bao lá vàng

Ngập dòng nước sông Seine

Mưa rơi trên phím đàn

Chừng nào cho tôi quên...

(Phạm Trong Cầu, Em ra đi mùa thu, 1958)

Mùa thu không trở lại – Nhạc và lời Phạm Trọng Cầu – Tiếng hát Thái Thanh

Nhưng sông Seine không chỉ là dòng sông của những chuyện tình, nó còn là dòng sông lịch sử tạo ra thành phố Paris. Chưa một thành phố lớn nào tại Châu Âu gắn liền số phận của mình với một dòng sông như Paris. Từ ngày thành lập đến nay, tất cả những công trình kiến trúc mỹ thuật danh tiếng của Paris đều được xây dựng dọc hai bờ sông Seine. Mọi khoảng cách, số nhà và sinh hoạt của thành phố đều tính từ dòng sông Seine trở ra. Người Parisien, mỗi khi được hỏi, thường xác định vị trí cư ngụ theo hai bờ sông Seine (tả ngạn hay hữu ngạn). Gắn liền số phận với một dòng sông, tính tình người Paris cũng như dòng nước, luôn luôn dao động, sẵn sàng xuống đường chống đối, nhưng rất bộc trực và hồn nhiên : khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.

Sông Seine chia Paris ra làm hai phần rõ rệt. Khu vực hữu ngạn phía Bắc dành cho những sinh hoạt vật chất (buôn bán, ăn chơi, giải trí). Khu vực tả ngạn phía Nam, hình dành cho những sinh hoạt tinh thần (các trường đại học, các viện bảo tàng, nơi cư ngụ của văn nghệ sĩ). Về lịch sử, khu vực phía Đông còn giữ lại nhiều dấu ấn của thời kỳ thành lập, khu vực phía Tây gắn liền với những công trình kiến trúc của thời hoàng kim thế kỷ 18 và 19. Ngoại ô phía Tây là nơi cư ngụ của giới quí tộc và những gia đình giàu có ; ngoại ô phía Đông là nơi cư ngụ của những người mới đến nhập cư ; ngoại ô phía Bắc là khu lao động và ngoại ô phía Nam là nơi cư ngụ của giới khoa bảng. Dí dỏm hơn, về hình dáng, sông Seine trong thành phố Paris giống chiếc boomerang của thổ dân Úc, khu vực hữu ngạn hình chiếc bánh croissant và khu vực tả ngạn hình chiếc bánh xèo.

Lướt nước sông Seine phải đi bằng thuyền, ban ngày ngắm nhìn thắng cảnh hai bên bờ, buổi chiều ăn tối trên những nhà hàng du thuyền di động. Ăn tối trên sông những ngày cuối thu và mùa đông rất là thơ mộng, bên trong ấm cúng với tiếng nhạc, bên ngoài rực rỡ ánh sáng đèn màu, du khách khó có thể quên một khung cảnh thần tiên trong đời.

Vào cuối thế kỷ 19 du khách du ngoạn trên sông Seine bằng péniche (xà lan), một loại tàu đường sông có thể chuyên chở người và vật dụng nặng. Ngày nay các loại tàu này được trang hoàng đẹp hơn, chở đông người hơn và tiện nghi hơn nên gọi là "vedette" (du thuyền). Ban đêm các vedettes này được trang bị những đèn pha cực mạnh chiếu sáng hai bên bờ để du khách quan sát nét đẹp Pparis by night trên sông. Vào mùa hè, từ trưa tới chiều du khách có thể nhìn những thiếu nữ xinh đẹp của Paris phơi mình dưới nắng ấm dọc hai bờ sông.

Loại du thuyền chở khách trên sông Seine gọi là bateaux-mouches ("tàu ruồi" như nhiều người Việt thường dịch nghĩa). Thực ra tên loại tàu này là cả một huyền thoại. Vào nửa cuối thế kỷ 19, sau khi được nam tước Haussmann chỉnh trang lại thông thoáng hơn trước, với những đại lộ rộng thênh thang và kiến trúc tân kỳ, Paris trở thành thành phố ánh sáng thu hút khách du lịch từ khắp Châu Âu đến viếng thăm. Để thưởng ngoạn những kiến trúc độc đáo của thành phố, khách phải đi bằng du thuyền mới có thể ngắm nhìn trọn vẹn những cảnh đẹp của Paris. Một thương nhân tên Jean Bruel mua lại tất cả tàu thuyền tham dự cuộc triễn lãm toàn cầu (Exposition universelle) năm 1867 để sau đó đem về xưởng đóng những tàu thuyền này tại Lyon để tân trang lại. Viên giám đốc phân xưởng này tên Michel Félizat đặt tên cho loại này la "Bateaux Mouche", vì được tu sửa trong một phân xưởng mang tên Mouche. Nhưng để thương mại hóa, doanh nhân Jean Bruel thêm chữ "s" vào chữ Mouche để thành một danh từ chung (vì Mouche là tên người nên không thể thêm chữ "s"), và đăng ký nhãn hiệu cầu chứng "Bateaux Mouches". Để thu hút sự tò mò của du khách, ngày 1/4/1953 Jean Bruel cho dựng tượng một người không có thật, mang tên Jean-Sébastien Mouche, như là người đã sáng chế ra ngành du lịch đường sông bằng những du thuyền trên sông Seine. Ngày nay công ty Bateaux Mouches không còn độc quyền như trước .

Luật di chuyển trên sông khác luật đường bộ. Tàu trên sông Seine bắt đầu từ Tây sang Đông, lượt đi bên tay phải (hữu ngạn) và lượt về bên tay trái (tả ngạn) dựa theo luật đường sông bên Anh. Các hãng tàu thường tập trung cạnh chân Tháp Eiffel với những tên : Bateaux Parisiens, Bateaux-Mouches, Batobus, Vedettes du Pont Neuf, Île de France... Ngoài ra còn có hãng Canauxrama và Paris-Canal chuyên chở khách du ngoạn trên những con kinh đẹp không kém sông Seine trong và ngoại thành Paris như Canal Saint-Martin, Canal de l'Ourcq. Canal de l'Ourcq dài 108 km phía Đông Bắc vào thẳng Paris và đổi tên thành kinh Saint Martin, quận 10.

Thành phố Paris có tổng cộng 339 cầu đủ loại, trong đó 37 cầu bắc ngang sông Seine : 35 chiếc cầu lớn (ponts) và cầu treo nhỏ (passerelles) dành riêng cho xe cộ và khách bộ hành, 2 cầu được dùng riêng cho xe lửa điện (métro).

Du ngoạn trên sông Seine là dịp để ngắm nhìn những cây cầu bắc ngang với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Mặc dù được xây dựng từ rất lâu, những cây cầu này ngày nay vẫn còn kiên cố ; mỗi chiếc cầu là một tác phẩm nghệ thuật đánh dấu từng giai đoạn chuyển mình của Paris.

Phía Tây Nam có cầu Garigliano và Mirabeau, nơi thi sĩ Apollinaire đứng nhìn dòng nước luyến nhớ chuyện tình đã qua, nằm giữa hai quận 15 và 16. Phía Đông Nam có các cầu National, Tolbiac, Bercy, Charles de Gaulle và Austerlitz phân ranh hai quận 12 và 13. Đây là những chiếc cầu mà thuyền chở khách du ngoạn không đến.

Các loại bateaux-mouches, tùy theo hãng tàu, bắt đầu từ cầu Grenelle, chạy dọc tả ngạn sau đó quay sang hữu ngạn để trở về điểm xuất phát.

Dưới chân cầu Grenelle là tượng Nữ Thần Tự Do, y hệt bức tượng được dựng trước cửa biển New York nhưng nhỏ hơn (bằng 1/10), mặt hướng ra cửa biển nhìn về New York, trong khi bức tượng chính tại New York mặt hướng về nước Pháp. Dọc bờ hữu ngạn là Maison de la Radio (Đài Phát Thanh Pháp), ở giữa dòng sông là một mô đất dài rợp bóng cây, nơi dân Parisien chạy bộ và dạo mát, nối liền hai cầu Grenelle và Bir Hakeim. Giữa cầu Bir Hakeim có một tượng đài bằng đồng hình một kỵ sĩ cưỡi ngựa tượng trưng cho nghệ thuật điêu khắc thời Phục Hưng.

Tượng Triomphe de la République (Chiến Thắng của nền Cộng hòa) được dựng trên công viên Nation, do điêu khắc gia Jules Dalou tạc năm 1889, phỏng theo hình người phụ nữ, biểu tượng của nền Cộng hòa, đứng trên một quả địa cầu được kéo bởi hai con sư tử dẫn dắt bởi thần Tự do ; tượng được bao bọc bởi bốn nhân vật tượng trưng cho Lao động, Công lý, Hòa bình và Giáo dục.

Viếng thăm Paris phải bắt đầu từ sông Seine, dòng sông lịch sử đã sinh thành Paris, sau đó tản bộ lên trên đảo Cité và sang hai bờ sông.

- Tả ngạn có Quartier des Invalides và Tour Eiffel, Saint Germain des Prés, Quartier Latin, Jardin du Luxembourg, Jardin des Plantes, Quartier du Luxembourg, Montparnasse và Quận 13.

- Hữu ngạn có Quartier de Chaillot, Champs Élysées, Quartier des Tuileries, Quartier de l'Opéra, Beaubourg et Les Halles, Le Marais và Montmartre. 

Toàn cành Ile de la Cité và Ile de Saint Louis nhìn từ trên không - Ảnh minh họa

Île Saint Louis thuộc quận 4 là một ụ đất nổi lên giữa sông Seine, cạnh đảo Cité, rộng 4 hecta. Hòn đảo nhỏ này được nối liền với hai khu vực tả và hữu ngạn bởi năm cây cầu : Pont Saint Louis (đã nói ở phần trên) ; Pont de Sully nối liền hai bờ sông Seine ; Pont de La Tournelle nối liền khu vực tả ngạn ; Pont Louis Philippe và Pont Marie nối liền khu vực hữu ngạn. Người Celte, La Mã, Gaulois và Francs trước kia sử dụng ụ đất này như một khu vực trồng trọt và chăn nuôi. Đến giữa thế kỷ 17, khi dân số Paris lên cao, kiến trúc sư Louis Le Vau được giao xây dựng một khu nhà ở sang trọng, từ đó ụ đất này mang tên thánh vị vua sáng lập (Louis XIV) và trở thành một hòn đảo thơ mộng, nơi cư ngụ của những người giàu có và tiếng tăm, với những con đường nhỏ một chiều. Khách sạn de Lauzun được Le Vau xây dựng năm 1656 cho Charles Gruyn des Bordes, một nhà buôn bán súng đạn giàu có, sau đó bán lại cho công tước Lauzun năm 1682, cho bá tước de Pimodan năm 1779, rồi cho nhà sưu tầm sách quí Jérôme Pichon năm 1842, và từ 1928 đến nay là tài sản của thành phố Paris ; ngôi nhà này đã đón nhận những văn nghệ sĩ tên tuổi như Charles Beaudelaire, Théophile Gautier, Rainer Maria Rilke, Walter Sicker, Richard Wagner... Ngoài ra còn có bảo tàng Adam Mickievicz, một người Ba Lan sinh sống tại Paris vào thế kỷ 19, được con của ông thành lập năm 1903, lưu trữ những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và chính trị của cộng đồng người Ba Lan tị nạn.

Nguyễn Văn Huy

(31/07/2024)

 


No comments:

Post a Comment