Cuốn sách mới của John Prados về Chiến tranh Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi về cách mô tả Trận Mậu Thân và một số chi tiết lịch sử.
Trước khi xuất bản Việt Nam: Cuộc Chiến Không Thắng Được, 1945-1975 (VNCCKTĐ), Prados đã xuất bản tám tác phẩm về về quân sử và tình báo. Bốn trong tám quyển liên hệ đến chiến tranh Việt Nam như, The Sky Would Fall: The Secret U.S. Bombing Mission to Vietnam, 1954 (nói về kế hoạch của Mỹ dội bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ để cứu quân trú phòng Pháp); The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Vietnam War (về hệ thống đường xâm nhập HCM); Valley of Decision: The Siege of Khe Sanh (trận Khe Sanh); và, The Hidden History of the Vietnam War (một số tài liệu giải mật về chiến tranh Việt Nam).
Trong thời gian gần đây, ngoài công việc soạn thảo quyển VNCCKTĐ, Prados làm việc ở trung tâm Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archives), một trung tâm nghiên cứu và lưu trữ tài liệu giải mật do trường đại học George Washington thiết lập và quản trị. Tại National Security Archives có một số tài liệu quan trọng về Việt Nam như vụ đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, và những thương lượng ngoại giao bí mật của Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger. Không phải là một tác giả ngoại hạng trong ngành sử học Mỹ, nhưng Prados sáng tác đều đặn so với những tác giả khác. Sách của ông nhắm vào số độc giả tổng quát.
Người thiên tả
Việt Nam: Cuộc Chiến Không Thắng Được, 1945-1975 có 14 chương, bắt đầu bằng chương về cuộc chiến Việt-Pháp dẫn đến Điện Biên Phủ; và kết thúc bằng chương “The Truth Comes Marching Home,” nói ý nghĩ của tác giả và dư luận giới phản chiến Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam.
Ngay ở đầu sách, trong phần “Ghi Chú Cho Độc Giả,” (tr. xxi) tác giả tự nhận mình là người có khuynh hướng phản chiến, thiên tả; và, quyển sách được nhà xuất bản yêu cầu viết theo chủ đề những phong trào phản chiến. Tác giả tự nhận mình chống chiến tranh Việt Nam vào năm những phong trào phản chiến bạo động nhất (1968-71); và quyển sách độc giả đang cầm trên tay là ý kiến cá nhân của tác giả về cuộc chiến. Theo sau những lời tự thú với độc giả là 12 trang nói về cuộc biểu tình Dewey Canyon III (biểu tình chống Hành Quân Lam Sơn 719 của VNCH tấn công qua Hạ Lào năm 1971), một trong những cuộc biểu tình phản chiến lớn nhất ở Hoa Thịnh Đốn.
Người điểm sách không thể coi đây là một quyển sách sử vô tư: Nhiều nơi trong sách tác giả trích lại những lời tuyên truyền của nhóm American Veterans Against The War. Đây là nhóm phản chiến của John Kerry (bây giờ là Nghị Sĩ của tiểu bang Massachusetts) và cô đào chiếu bóng hạng B, Jane Fonda, chủ trương từ năm 1970. Quyển sách được viết như là một bán thông điệp của những nhóm phản chiến. Tự nhận mình là một người có đầu óc thiên tả, chống đối chiến tranh — hay dù là thiên hữu và ủng hộ chiến tranh — khi viết một quyển sách lịch sử về chiến tranh thì không thể không chủ quan; nhiều hay ít tác giả sẽ nhìn sự kiện lịch sử theo một quan điểm của ý thức hệ cá nhân.
Sai sót
Về giá trị quyển sách này, người điểm sách muốn nói rất vắn tắt: VNCCKTĐ là một quyển sách viết rất rất vội và cẩu thả. Người điểm sách đọc gần hết sách của tác giả Prados, nhưng chưa thấy cuốn nào viết sai nhiều chi tiết như quyển này.
Người điểm sách ghi ra một số lỗi nhận thấy dưới đây.
Tác giả viết quân sử không theo một quy luật tòa soạn đã định. Khi viết quân sử, tên và chức vụ/ cấp bậc của nhân vật chủ thể (trong trường hợp này là người quân nhân đề cập đến) phải tương quan với thời gian đang nói. Thí dụ: “Chuẩn tướng William Westmoreland chỉ huy Trung Đoàn 187 Nhảy Dù trong chiến tranh Đại Hàn; Thiếu Tướng Westmoreland chỉ huy Sư Đoàn 101 Nhảy Dù ở Fort Bragg. Hay là, lúc mang cấp bậc trung tướng, Westmoreland được tổng thống Kennedy bổ nhiệm làm Tư Lệnh Phó MACV, đề chuẩn bị thay đại tướng Harkins ở Việt Nam.” Phải theo qui luật đó để độc giả có thể liên hệ thời điểm lịch sử qua chức vụ của người sĩ quan được nói đến.
Trang 223 khi viết về cuộc tấn công Mậu Thân 1968, Prados nhắc đến tên “Thiếu Tướng” John Singlaub, chỉ huy trưởng liên đoàn tình báo quân sự MACV-SOG (Studies and Observation Group). Năm 1968 Singlaub chỉ là đại tá. Gần 10 năm sau ông mới mang cấp bực thiếu tướng. Hơn nữa, SOG chưa bao giờ có tướng chỉ huy trong suốt cuộc chiến ở Việt Nam.
Khi nói về trận đụng độ đầu tiên giữa Hoa Kỳ và CSVN ở Ia Drang, thung lũng A Shau (tr. 228), Prados nói Thiếu Tướng Stanley Larsen chỉ huy Quân Đoàn Dã Chiến I (I Field Forces; một bộ tư lệnh của Mỹ đóng song song với Quân Đoàn II, VNCH). Sự thật là vào tháng 11-1965, Mỹ chưa thiếp lập I Field Force. Lúc đó quân tác chiến Mỹ mới đến Việt Nam; và tất cả lực lượng Mỹ ở Vùng II VNCH được đặt dưới quyền của một bộ tư lệnh đặc nhiệm (tạm thời) có tên là Task Force Alpha. Tháng 3-1966 I Field Force mới được thành lập, do Trung Tướng Larsen chỉ huy. Tên của thiếu tướng tư lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ cũng viết sai (Thiếu Tướng Harry W.O. Kinnard, thay vì Douglas Kinnard); và cấp bậc của tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1/Trung Đoàn 7 (đơn vị chánh của trận Ia Drang) là trung tá, thay vì đại tá.
Một lỗi khác đáng chú ý hơn về sự sơ hở trong trí nhớ của tác giả, khi ông viết “Đại Tướng Paul Harkins là Tư Lệnh của MAAG [Military Assistance and Advisory Group];” và MACV [Military Assistance Command, Vietnam] được thành lập vào đầu năm 1964 khi Đại Tướng William Westmoreland đến Việt Nam. Về chi tiết này thì tác giả Prados đã trễ đến hai năm: Paul Harkins là chỉ huy trưởng của MACV; và MACV được thành lập từ tháng 2-1962. Đồng ý là Westmoreland đến Việt Nam tháng 4-1964. Nhưng ông đến với tư cách là Tư Lệnh Phó cho Harkins. Đến tháng 6-1964 Westmoreland thay Harkins làm tư lệnh MACV.
Ngay cả trận đánh vào trại Lực Lượng Đặc Biệt Nam Đông (Team A-726) tác giả cũng viết lộn: Tác giả ghi năm 1965, trong khi trận đó xảy ra tháng 7-1964 (tr. xxii).
Những chi tiết về Việt Nam thì đôi khi tác giả “thêm mắm dậm muối” vào để cho câu văn được mặn mà, nhưng cũng vì vậy mà sai: Bùi Chu và Phát Diệm là hai giáo xứ, không phải hai tỉnh ở miền bắc (tr. 41); Bình Giã không phải là một lành ở miền duyên hải (tr. 116); Làng Bến Sức (trong cuộc hành quân Cedar Falls, tháng 2-1966) nằm trong phạm vi của vùng Tam Giác Sắc, nhưng thuộc về chiến Khu D chứ không phải C như tác giả viết (178).
Người điểm sách có thể liệt kê nhiều sai lầm khác của tác giả. Nhưng điều đó không cần thiết — độc giả kinh nghiệm sẽ thấy những sai lạc đó.
Trận Mậu Thân
Để kết thúc bài điểm sách này, người viết muốn đưa ra một thí dụ về lối viết sử thiếu xót và đôi khi vô căn cứ của tác giả Prados. Trang 254 tác giả viết về Trận Mậu Thân. Đây là chương tác giả viết với nhiều chi tiết mới — nhưng lại không cung cấp sử liệu để chứng minh.
Cảnh lính Mỹ tại tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn trong trận Mậu Thân 31.1.1968Ở đoạn cuối của chương về Mậu Thân, không biết tác giả lấy tài liệu ở đâu (một lần nữa, tác giả không cung cấp tài liệu) để viết về vụ trực thăng bắn lầm vào trường trung học Phước Đức, ở Chợ Lớn, ngày 2 tháng 6-1968. Prados viết vụ bắn lầm đã giết đi một số sĩ quan quan trọng thuộc phe phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ. Tác giả viết điều này đúng. Nhưng tác giả viết sai khi nói, “một trong những nạn nhân của vụ bắn lầm là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan”.
Và tác giả tiếp tục viết, ông Kỳ nói vụ bắn lầm được chính phía tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dàn cảnh. Ông Kỳ nói đích thân đại tá Trần Văn Hai (đương nhiệm tư lệnh Biệt Động Quân) lái chiếc trực thăng sát thủ đó.
Thứ nhất, Chuẩn Tướng Loan bị trọng thương ở khu đường Tự Đức ngày 7 tháng 5, trong khi đó vụ bắn lầm xảy ra ngày 2 tháng 6 ở Chợ Lớn. Về tin đồn (đến từ ông Kỳ) là Đại Tá Trần Văn Hai lái chiếc trực thăng tác xạ đó (hay có mặt cùng với phi hành đoàn trên trực thăng) … là một lời đồn không chứng cớ và thiếu thông minh: Cuộc tấn công Đợt 2 của cộng sản vào Sài Gòn và các thị trấn, tuy không mãnh liệt và toàn diện như Đợt 1, nhưng địch tấn công mạnh vào những cơ sở trọng yếu của VNCH và Hoa Kỳ, như các căn cứ đóng quân và phi trường (để giảm thiểu tối đa hỏa lực phi pháo và săn lùng của không lực Hoa Kỳ-VNCH).
Một ngày sau khi tướng Loan bị thương, đích thân Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 33, Đại tá Lưu Kim Cương, trong khi đôn đốc quân nhân an ninh phi trường phản công địch quân đang đánh vào vòng đai phi trường, bị trúng đạn tử thương. Dưới cường độ tấn công mãnh liệt đó, chúng ta thử nghĩ, một đại tá Lục Quân, lên trực thăng để chỉ huy một phi vụ tác chiến mà không ai biết được, phi hành đoàn và cơ phi đâu? Một lời đồn rất vô lý.
Ngay sau khi vụ bắn lầm xảy ra, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ lên tiếng, công nhận chiếc trực thăng xạ kích đó là trực thăng Mỹ, và họ bắn lầm khi nhận được yêu cầu yểm trợ. Chỉ là như vậy. Cũng nên biết thêm, một trong sáu sĩ quan tử thương là Trung Tá Đào Bá Phước, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 5 BĐQ, một người bạn cùng binh chủng với Đại Tá Trần Văn Hai. Ở những đoạn này của quyển sách, tác giả Prados viết rất tệ. Và đó cũng là ý nghĩ của người điểm sách chung về tác phẩm.
Về tác giả: Nhà
biên khảo Nguyễn Kỳ Phong, hiện sống ở Mỹ, là tác giả nhiều bài báo và
sách viết về chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm gần đây của ông là Vũng lầy
Bạch ốc - Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam (Tiếng Quê Hương, Virginia
2006). Bài viết này thể hiện quan điểm và cách lập luận riêng của
ông.
No comments:
Post a Comment