Hoa mai rực rỡ đón chào mùa Xuân, mùa Hy Vọng.
Thời gian qua rất nhanh, không đợi chờ mà Xuân cũng đến. Mọi người chuẩn bị đón Xuân, đêm 30 Tết đón Giao Thừa, đến chùa, nhà thờ hay những nơi tôn nghiêm để cầu nguyện cho người thân của mình.
Những ngày trước Tết ai cũng bận rộn, Tết Việt Nam khác với Tết ở hải ngoại, nhiều khi không vào ngày cuối tuần thì vẫn đi làm, có người xin nghỉ việc, có người mới vào làm không dám xin nghỉ việc, sợ mất việc thì khổ.
Từ Giáng Sinh đến Tết nhà nào cũng sửa soạn thật đẹp, cây thông, hoa ở vườn, hay trái cây ở vườn đợi cho chín, hái cúng ông bà của mình, mua sắm hàng giảm giá, mục này hấp dẫn nhiều người, những người lớn tuổi không quan tâm quà cho chính mình nhưng phải để ý con cháu hay người thân của mình cho nên cũng đi mua sắm, say mê mua sắm thì tốn tiền, lấy tín chỉ ra mua rồi suốt năm làm trả nợ.
Thường thường thì vào những ngày lễ, ngày Tết ai cũng nghĩ đến người thân của mình và những người làm ơn cho mình suốt năm qua, dù nghèo hay giàu cũng phải có những món quà nho nhỏ, tỏ tấm lòng biết ơn của mình. Chúng tôi làm thương mại mấy chục năm qua, cũng nhờ sự thương yêu của đồng hương mà mới tồn tại cho đến ngày hôm nay, nếu nói về ân nghĩa thì kể sao cho hết, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, đến những người làm việc với mình, bao giờ Tết chúng tôi cũng đi đổi tiền mới, không bao giờ mua vé số, vì tôi biết mình không trúng số đâu và lại nhìn thấy những người trúng số sự bất hạnh chợt đến cho nên cũng không mua vé số và cũng không mong trúng sổ số, thỉnh thoảng có người tặng nhưng chỉ trúng $10 mà thôi.
Quan tâm đến tất cả mọi người xung quanh, người bỏ báo mỗi buổi sáng, người quét dọn văn phòng, người làm vườn cắt cỏ, người sửa xe, nhạc sĩ, ca sĩ, cho tôi nhạc, những tác giả cho tôi những sáng tác mới hay những quyển sách dịch hay, những người bạn ở xa về Orange County thường cho tôi những món quà quý báu ở địa phương đang ở. Ân tình làm sao kể hết!
Bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão cho tôi những nụ cười thật tươi trong những buổi chiều tôi vào thăm. Những vị lãnh đạo tinh thần mỗi lần nói chuyện xong bao giờ cũng nói: “Tôi cầu nguyện cho sức khỏe của chị”.
Những lời quý báu, vô giá, tiền không mua được lời cầu nguyện. Tôi thường nói với nhân viên của mình: “Ăn ở làm sao cho đồng bào thương thì mình không bao giờ đói.”
Đói làm sao được ở xứ này? Một xứ sở của cơ hội, cơ hội học hỏi, cơ hội làm giàu. Người Việt tị nạn không có nhiều tỷ phú nhưng triệu phú thì nhiều lắm, đếm không hết như một chàng trai trẻ, 32 tuổi ở Floria từ hai bàn tay trắng trở thành triệu phú nhanh nhất thế giới, đó là Peter Nguyễn, 18 tháng lợi tức 100 triệu Mỹ Kim. Tỷ phú Trung Dung, 30 tuổi bán cổ phần một tỷ 850 triệu.
Có lần Trung Dung nói với tôi: “Chị hỏi em ít thôi, 5 phút, em chỉ làm việc được, mà không nói nhiều. Em là người Chàm.”
Còn rất nhiều người Việt Nam giàu lắm, mà tôi được hân hạnh phỏng vấn cho đài truyền hình, cho đài phát thanh và báo chí. Rất nhiều di dân giàu, tị nạn giàu ở Mỹ hay đến từ các quốc gia khác. Ở đây chúng tôi muốn nói những người giàu là người Việt Nam, vẫn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vẫn mộ đạo và có lòng nhân ái. Dù ở đâu trên rừng sâu, núi thẳm hay ở biển cả, nếu có lòng thì với hai bàn tay và khối óc nhỏ bé của mình vẫn giúp người khác được, giúp những người xung quanh mình và bà con thân nhân mình đang ở Việt Nam.
Một hôm, tôi đến chùa Điều Ngự vào buổi tối để thu hình. Chùa đang xây cất, nhưng Phật tử ra vào tấp nập, người thì lo nấu ăn, người thì lo xếp ghế cho buổi cầu nguyện sắp tới. Phu nhân của cố luật sư Phạm Kính Vinh, hiền lành, làm việc không ngừng nghỉ, ít nói, nhưng tận tình với công việc. Sáng nào chị cũng đến chùa làm công quả, tối về nhà và cứ như thế làm việc từ ngày này qua ngày kia không mệt mỏi, không than phiền. Nhiều nữ Phật tử từ xa như Los Angeles, Riverside, San Diego cũng đến. Lòng mộ đạo của mọi người làm cho tôi cảm phục.
Nhiều người nói: Hòa Thượng Viên Lý và Hòa Thượng Viên Huy có phước, Phật tử nhiều nơi xa về đây cúng dường, lễ Phật. Các thầy bận lắm, nhất là cầu nguyện cho những gia đình có người thân vừa qua đời. Người lãnh đạo tôn giáo không bao giờ nghỉ ngơi, vì ngày nào cũng có Phật tử mất, càng ngày thì đám tang càng nhiều. Viện chủ của chùa đâu thể bỏ Phật tử của mình mà không lo, nhất là cầu siêu cho người qua đời, cầu an cho người đang nằm bệnh viện, bao nhiêu thứ phải lo. Vất vả nhất là những vị viện chủ đang xây chùa, hàng trăm thứ phải lo, giấy phép, tiền để xây cất, nhiều thứ làm quý vị ơi.
Chúng tôi cầu nguyện và mong mọi sự tốt đẹp sẽ đến cho các chùa đang xây cất, tốn tiền nhiều lắm. Mong trời Phật phù hộ cho những vị có lòng, cho ân nhân, cho viện chủ của chùa, cho Phật tử bình yên, sức khỏe để lo Phật sự.
Thỉnh thoảng chúng tôi đi theo phái đoàn Phật Tử của chùa Bảo Quang ở Santa Ana đi cho cơm cho những người không nhà ở công viên. Người không nhà gồm đủ thành phần: già trẻ, đàn ông, đàn bà, v.v. Họ nằm dưới cỏ, ngồi dưới gốc cây, nói chuyện vui vẻ, di chuyển từ nơi này đến nơi khác hàng tuần. Nhiều phái đoàn Việt Nam cho cơm, như chùa Bảo Quang thì có cơm chay, gồm nhiều món, cơm chiên, nước ngọt, trà, nước lọc. Người không nhà đứng xếp hàng tử tế, không ai chen lấn, nói năng lịch sự, có người bồng con nhỏ trên tay. Với 31 năm quen người không nhà, cảm nhận được thân phận con người, có ai mà không mong có công ăn việc làm, mái ấm nhà êm, nhưng không phải ai cũng được như thế? Tôi đã từng đi theo các phái đoàn cho cơm cho người không nhà ở San Jose, Santa Ana, Garden Grove, nhiều nơi tôi đến, tôi đều được nghe những tiếng nói reo vui, tiếng cười rộn rã, sống hôm nay không biết ngày mai ra sao nhưng họ vẫn cười, không có gì để lo, ăn ngày hôm nay no bụng đã ngày mai sẽ tính sau.
Những người nấu cơm ở chùa Bảo Quang rất dễ thương, mùa hè có khi
trời rất nóng nhưng họ vẫn vui vẻ làm việc từ thiện với trái tim của
mình. Có người nấu cơm rồi đến tận nơi công viên xới cơm cho người
homeless, có người nấu cơm rồi về nhà, vì mệt quá không đi nổi nữa.
Người nấu cơm vui vẻ, người ăn cơm miễn phí vui vẻ, tất cả đều hòa điệu
như hơi thở, như nhịp đàn, tình thương nhân loại đưa người nấu cơm và
người ăn cơm gần với nhau thông cảm và thương yêu nhau.
Ba mươi mốt
năm cho cơm cho người không nhà, thời gian này dài lắm, nhưng chùa Bảo
Quang và Phật tử của chùa vẫn tiếp tục làm việc, tôi nhìn thấy có người
đem bầu, bí, mướp, trái cây, rau cải đến chùa tặng cho người không nhà.
Trong những người làm việc công quả này có người đã qua đời, có người
tiếp tục làm việc từ thiện, người này đi thì có người khác đến.
Một lần, chúng tôi mời Hồ Đắc đến thăm người không nhà, từ đó Hồ Đắc tiếp tục đến chùa hàng tuần, dù làm chủ một văn phòng bảo hiểm nhưng đến ngày thứ ba thì để cho nhân viên làm việc, Hồ Đắc đi làm việc từ thiện, bưng thùng cơm thật nặng lên xe. Làm việc từ thiện đâu phải đợi đến già mới làm, người trẻ vẫn làm được.
Tôi rất mong những người trẻ và những người có lòng để một chút thì giờ làm việc thiện, làm bất cứ việc gì hữu ích cho người khác thì làm.
Ông Trời rất công bình cho chúng ta người nào cũng có 24 giờ mỗi ngày, nếu mình biết dành dụm thì giờ thì cũng có thể vào thăm bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão, hay mỗi tuần có thể thăm người không nhà ở các công viên.
Chùa Huệ Quang ở Santa Ana, cứ ngày rằm và ngày Mùng Một tặng cơm chay cho những người nào thích ăn chay, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, ai thích ăn chay thì cứ đến chùa, miễn phí, 2 năm nay rất đông thực khách đến. Nếu những ngày đó rơi vào cuối tuần, hoặc ngày lễ thì thực khách đến đông lắm, hơn 500 người, và ngày thường cũng 300 người, càng ngày số người ăn chay càng nhiều, ăn chay để giữ cho sức khỏe tốt, ăn chay để tránh sát sinh.
(Ảnh do Kiều Mỹ Duyên chụp).
Mỗi lần cho cơm cho người không nhà bao giờ tôi cũng rủ những người trẻ đi cùng, Thảo, Vân, Christina Lê, Tuấn Lưu. Khi trở về chắc chắn các người trẻ này sẽ nhớ ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình, vì nếu cha mẹ sinh con ra đem quăng cho người khác nuôi thì nhất định các cháu không có được ngày hôm nay. Tôi thường khuyên những người trẻ đi chùa, đi nhà thờ và làm việc xã hội, mình được như ngày nay là có phúc lắm, có cha có mẹ có anh em và được cắp sách đến trường, cũng vào giờ này biết bao nhiêu đứa trẻ không có cơm ăn áo mặc, không được đến trường, đâu ai muốn như thế?
Mùa xuân, tôi mơ ước nhiều lắm, mơ ước mọi người trên thế giới buổi tối trước khi đi ngủ bụng không đói, và tất cả những đứa trẻ được đến trường học, được thương yêu, được chăm sóc, trẻ em Việt Nam, Cambodia, chúng tôi đã gặp nhiều em không được đi học, vì cha mẹ nghèo quá. Làm sao bây giờ? Thôi thì mình làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, làm hết khả năng của mình.
Tôi mơ ước hòa bình, không có máu đổ, đầu rơi. Nếu trong gia đình mỗi người thương yêu nhau, ông bà, cha mẹ, con cháu thương yêu nhau, hàng xóm tốt, trường học tốt, trẻ con tốt, cộng đồng thương yêu nhau, gặp nhau ai cũng chào nhau bằng nụ cười thân thiện, quốc gia giàu giúp quốc gia nghèo phát triển, nếu được như thế thì sẽ không có chiến tranh, đâu có chết chóc? Một người chết để lại đau khổ cho gia đình và dòng họ, đâu có ai thích nhìn nước mắt rơi, mà chỉ thích nhìn nụ cười của người đối diện.
Có những người lớn tuổi làm việc xã hội suốt cả đời mà lúc nào cũng tươi cười như cố trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhân lo cho thương phế binh, cô nhi quả phụ ở Việt Nam, không bao giờ tôi thấy chị nhăn mày nhíu mặt. Tôi mong người lớn tuổi nào cũng sống hữu ích và vui vẻ như thế. Mong tất cả người lớn tuổi khỏe mạnh giúp người, giúp đời. Giúp cho ai cũng là giúp cũng tốt, miễn có lòng tốt giúp người là tốt. Thương người như thể thương thân, thấy người đói khổ thì thương, đâu cần phải là thân nhân của mình, mình cũng thương. Mình thương người thì người sẽ thương mình, làm thế nào khi đi khắp nơi trên thế giới nơi nào cũng có người giúp đỡ, sẽ không sợ đói, sẽ có đời sống hạnh phúc.
Tôi có duyên được đi nhiều. Nhiều nơi tôi đến như Bắc Âu lạnh cóng xương sống, nhưng vẫn gặp nhiều người nở nụ cười thật tươi khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt ở phi trường Đan Mạch, Phần Lan, Hòa Lan, khi nhận diện ra chúng tôi là người Việt Nam thì được mới về nhà ăn cơm Việt Nam, thật là cảm động. Người Việt Nam vốn tình cảm nồng nàn, không biết người đó từ đâu đến miễn là nói tiếng Việt là nhận ra đồng hương là đối xử nồng hậu ngay.
Tôi mơ ước được trở lại những nơi tôi đã đi qua như Đắc Tô Đắc Sút, địa đầu giới tuyến cao nguyên trung phần, biên giới Việt Cambodia, Việt Lào, Tha La xóm Đạo, v.v.
Quê hương yêu dấu, nơi nào cũng đẹp, miền Thượng đẹp tuyệt vời với những sơn nữ với tiếng ca thánh thót, với những đôi mắt ngây thơ, với dòng sông trong vắt, nơi nào cũng đẹp, nơi nào người đến rồi cũng đi với nhiều kỷ niệm đẹp, nơi mà tôi đã đến có còn như xưa? Cảnh cũ người xưa bây giờ ra sao, nào ai biết? Lũ lụt, tàn phá rừng, rừng còn xanh hay cây rụng? Rừng cao su, rừng cà phê, biển hồ Pleiku, tôi mong được trở về.
Mơ ước thì nhiều mà thực hiện bao nhiêu nào ai biết? Mỗi ngày tôi viết ra nhiều việc để làm, nhưng đến tôi khi trở về nhà những việc đã viết ra chưa làm hết? Cũng như mơ ước tận trong trái tim của mình biết bao giờ thực hiện được? Những đứa trẻ trong các cô nhi viện vẫn lớn theo thời gian, trong sự đói khổ, các em không đủ ăn, không đủ áo ấm mùa đông những vẫn phải sống như những người bình thường. Mong xã hội có nhiều người có lòng nhân để cho người khổ bớt khổ, trẻ con đỡ đói. Một bao gạo $10, 10 bao gạo $100, nếu người nào cũng từ tâm mỗi tháng tặng 10 bao gạo thì không có trẻ em nào đói trên quả địa cầu này.
Xin Trời Phật, xin Thượng Đế phù hộ cho những người khốn khổ, cho những người lòng nhân ái giúp đỡ người khác. Cầu nguyện thật nhiều và thật chân thành, xin những lời cầu nguyện của mọi người được có kết quả tốt đẹp.
Mùa Xuân xin mọi người cầu nguyện thật nhiều cho nhau, cho tất cả sự bình yên đến với nhân loại.
Kiều Mỹ Duyên(Orange County, 15/12/2021).
No comments:
Post a Comment