Năm
tôi được ba tuổi thì mẹ đưa tôi về ông bà ngoại ở, sau khi cha từ giã
mẹ trở về Pháp, quê hương của ông, còn bà thì mải mê đi theo với nhân
tình mới của bà. Từ đó, tôi thường hay lủi thủi quanh quẩn một mình, có
những lúc nhớ mẹ mà chẳng nói được với ai. Bà ngoại thì bận suốt, ông
ngoại thì say sỉn suốt ngày. Tôi hít thở trong bầu không khí hiếm hoi
tình mẫu tử từ đó…
*****
Cha
gặp mẹ lần đầu trong một quán rượu dành cho dân thượng lưu. Cha, một
người đàn ông Pháp, xa quê hương, xa gia đình và rất cô đơn. Cha gặp mẹ,
cô chiêu đãi viên đang ngồi ở góc quán, với đôi vai gầy guộc và dáng
người mảnh dẻ trông cô đơn đến lạ đã cộng hưởng với nỗi cô đơn trong ông
đang lớn dần lên như một sự đồng cảm bất phân ly..
Nói đúng
hơn là ông bị ấn tượng ngay với cặp mắt nàng đen lánh, mênh mang một nỗi
buồn rất sâu thẳm, hớp lấy hồn ông, nên trong lòng tự dấy lên một cảm
giác muốn che chở, muốn bảo bọc cho người thiếu nữ mình hạc xương mai
này…
Từ đó họ quen nhau….
Mẹ
đến với cha vì cha rất giàu, từ khi quen cha, mẹ không còn phải vất vả
làm ở quán bar nữa, vì cha là nơi nương tựa vững chắc cho cuộc đời mẹ,
vì cha đã giải quyết tất cả những khó khăn trong cuộc sống, và lo cả gia
đình bên mẹ. Ngay cả lúc ông ngoại bị bệnh nặng, cha lo hết viện phí
nhà thương lẫn thuốc thang cho ông. Lúc đó, cha là một nhà giáo, làm
đốc học ở trường Chasseloup Laubat, rất tử tế và đạo đức.
Sau
khi chữa bệnh cho ông ngoại xong, cha đưa gia đình mẹ về ở một căn nhà
trong phần đất của trường học. Lúc đó mẹ còn rất trẻ, mới 18 tuổi, cái
tuổi hoa bướm đầy ước vọng, đầy tò mò khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc
đời. Mẹ thua Cha 20 tuổi. Một người đàn ông đã trưởng thành, chững chạc
đầy nghị lực và tử tế. Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng cũng chẳng ai màng,
vì cha rất mực thương yêu chăm sóc cho gia đình bên mẹ như con ruột thì
ai mà chẳng không hài lòng?
Mẹ về sống với cha một thời gian
mà chưa có con, nên đưa cha lên chùa cầu xin, sau đó tôi ra đời. Cha
rất vui mừng, đặt cho tôi một cái tên rất lạ thời bấy giờ. Louis.
Sau
khi có con, mẹ lại cảm thấy chán, không tìm được hạnh phúc trong tình
mẫu tử. Có thể vì còn trẻ người, non dạ, lại thêm một đời sống sung túc
nên mẹ tập tành học cách ăn chơi theo lối thượng lưu, suốt ngày trang
điểm, phấn son và rất thích đi nghe mấy đoàn gánh hát cải lương. Tất cả
việc nhà, kể cả việc chăm sóc tôi mẹ cũng để chị giúp việc làm hết.
Mẹ
rất vô tư, nếu không nói là hoàn toàn chẳng muốn lo lắng cho ai, có
tiền, suốt ngày chỉ muốn ăn diện và đi chơi. Đôi khi mẹ vô tâm đến độ
tôi hoài nghi rằng mẹ không có trái tim để yêu thương, mẹ chỉ có trái
tim để yêu mẹ, dùng nó để luân lưu máu chảy trong người và giúp mẹ vui
sống với người tình bên ngoài. (Có lẽ sau này cha cũng biết nhưng ông im
lặng, vì tuy thương yêu mẹ hết mực, nhưng ông đã có gia đình bên quê
hương ông, nên chỉ đến với mẹ trong giai đoạn, sống với nhau không hôn
thú khi ông còn hợp đồng làm việc với trường Chasseloup Laubat)
Dĩ nhiên, mẹ cũng biết điều đó và chấp nhận.
Năm
tôi được ba tuổi thì mẹ đưa tôi về ông bà ngoại ở, sau khi cha từ giã
mẹ trở về Pháp, còn bà thì mải mê, say đắm đi theo với nhân tình trong
gánh hát cải lương. Mẹ giữ tôi ở lại với bà vì tôi là “nguồn tiền” của
mẹ, vì cha sẽ bắt buộc phải chu cấp cho mẹ con tôi hàng tháng khi ông
không còn ở đây nữa, và vì bà muốn có nhiều tiền để nuôi nhân tình. Từ
đó, tôi thường hay lủi thủi quanh quẩn một mình, nhớ Cha, nhớ Mẹ, nhớ
đến những thời gian vui vẻ hạnh phúc bên cha. Bấy giờ tuy còn mẹ nhưng
cũng như không. Tôi ít khi gặp mẹ, mỗi năm chỉ được 2 lần, ngoại trừ
ông ngoại cần tiền mua rượu hay có chuyện gì khẩn cấp thì nói mẹ về ký
trên bức thư tôi đã viết sẵn theo ý của ông để xin thêm tiền của cha.
Mỗi
lần Mẹ về đều rất vội, qua loa cho có lệ. Cả đời tôi chẳng bao giờ có
được vòng tay ôm ấp thương yêu của mẹ. Mỗi lúc mẹ về, tôi chỉ đứng xa xa
chờ đợi, chờ đợi mẹ gọi để tôi được sà vào lòng, hít hà mùi thơm trên
da thịt mẹ, cảm nhận được sự yêu thương qua những lời cân cần mẹ dành
cho tôi. Nhưng tuyệt nhiên, những hạnh phúc tôi mơ ước ấy chỉ là một
loại xa sỉ phẩm mà chỉ có thể có trong mơ. Có những lúc nhớ mẹ tha thiết
mà chẳng nói được với ai, chỉ biết giữ kín trong lòng cho nỗi nhớ càng
dầy lên thêm. Bà ngoại thì bận suốt, ông ngoại thì say xỉn suốt ngày.
Còn tôi, một đứa con lai lẫm chẫm, cố vươn lên để sống, hít thở trong
bầu không khí hiếm hoi tình mẫu tử từ đó.
Một ngày
kia mẹ về, tay dắt một đứa bé gái. Mẹ bảo: Đây là em của con, Tuyết Mai.
Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Lý do mẹ về để chụp hình gửi qua cho
cha để cha yên tâm là mẹ vẫn nuôi tôi trong vòng tay yêu thương của bà,
và dĩ nhiên không thiếu khoản xin thêm tiền cho tôi ăn học. Những số
tiền đó ông ngoại lấy, bà ngoại dấu một phần để đưa cho mẹ. Tôi vẫn được
đi học trường Tây, vì họ cần tôi để viết thư xin tiền cha.
Năm
tôi lên 4 tuổi, nghe tin em gái chết sau khi chích ngừa trồng trái. Tôi
còn nhớ rất rõ hôm đó trong nhà thương, em được quàng bằng một cái khăn
trắng, mẹ sợ, không dám bồng em mà để cho y tá đem em vào nhà xác. Tôi
đi theo em một đoạn rồi đứng ngoài chờ. Cái chết của em làm tôi buồn rất
nhiều, tuy không gặp nhau thường xuyên, nhưng tôi nghĩ mất đi một người
thân cũng làm cho tôi vốn dĩ đã quá nghèo nàn về sự thương yêu nay lại
càng nghèo nàn hơn. Sau này, tôi mới biết em gái tôi là của ông nhân
tình trong gánh hát.
Cứ thế, tôi lớn lên trong sự
thiếu thốn tình thương, bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời. Càng nghĩ, tôi
càng thấy tủi thân và mặc cảm. Nhìn con gà mái bên hàng xóm xoè cánh bảo
vệ mấy chú gà con khi gặp nạn, hoặc thấy gà mẹ đi tìm từng hạt thóc,
hạt gạo dành cho lũ con mà tôi lại tủi lòng. Con vật nó còn có tình
thương con như thế mà tại sao mẹ lại không? Mẹ ơi… Mẹ ơi….
Thời
gian cứ thế lặng lẽ trôi, sự nhung nhớ thiếu vắng mẹ trong tôi càng
đầy. Mẹ vẫn biền biệt. Thỉnh thoảng trở về khi có chuyện gì đó thấp
thoáng rồi lại đi…
Đến năm lên chín tuổi, ông bà
ngoại bàn là đem tôi lên trường đưa cho ông Tây nhận dưới dạng trẻ mồ
côi để tôi được qua Pháp, dẫu qua đó có phải ở trong viện mồ côi cũng
sướng hơn ở đây. Tôi lẽo đẽo đi theo, tuy biết chuyện, nhưng tôi không
còn cảm giác nữa, không cảm thấy vui, cũng không cảm thấy buồn, hoặc tủi
thân gì cả. Cũng may, ông Tây từ chối vì “hết chỗ”, ông đã nhận đủ
người. Sau đó ông ngoại lại gửi tôi vào chùa ở, tôi cũng chẳng biết tại
sao, có thể vì ông bà ngoại mệt mỏi quá, không muốn nuôi, hay vì tài
chánh trong gia đình kiệt quệ? Khoảng thời gian này là khoảng thời gian
tâm thức tôi rất nhạt nhoà, rối loạn. Từng mảnh ký ức chập chờn không rõ
nét như thực, như hư. Một vài lần, tôi tình cờ xem lại những bức ảnh
cũ, tôi không tìm thấy được nụ cười mình trên môi, kể cả khi được chụp
chung với mẹ, người mà tôi hằng ao ước được đứng gần, được nắm lấy tay
mẹ, được ôm mẹ. Nhưng những ước mơ ấy chỉ dừng lại ở ranh giới trong
tâm thức. Khi gặp mẹ, cả người tôi cứ thuỗn ra, trơ trơ chẳng biết phải
hành xử thế nào cho đúng.
Ông ngoại càng ngày càng
uống rượu nhiều hơn nên say sỉn suốt. Những lúc say, ông như bị nhập,
ông đánh tôi rất tàn nhẫn. Có lần ông cầm con dao phay chém về phía tôi,
may mà tôi né kịp, con dao lao thẳng vào cái lu bể nát, nhìn mà tôi sợ
run cầm cập. Năm 10 tuổi, tôi mua của bạn một cục nam châm với giá $2.
Tôi rất thích, đi đâu cũng đem theo. Bạn trong lớp cũng thích nên tôi
cho nó mượn và phải hứa trả lại hôm sau. Khi về nhà, ông ngoại hỏi cục
nam châm mày làm mất rồi hả? Tôi nói đã cho bạn mượn rồi, nhưng ông
không tin, ông cho rằng tôi nói láo rồi điên tiết lên, cởi hết quần áo,
cột tay tôi vào cột treo mùng, lấy hộp kẹp tóc của mẹ đầy răng cưa làm
bằng nhôm nhọn kẹp vào da thịt tôi từ nách xuống mắt cá chân hai bên.
Tôi đau đớn nhưng không dám khóc. Bà ngoại thương quá mà chẳng làm được
gì, van xin ông thôi đừng phạt tôi nữa, nhưng ông không chịu, chỉ khi
nào đem cục nam châm để trước mặt ông mới tha. Bà cuống cuồng đi tìm
thằng bạn tôi cho mượn đem về cho ông. Hên là nhà bạn tôi cũng ở trong
học khu của trường. Lúc đó cả thân tôi hoàn toàn tê dại không còn cảm
giác nữa, bà khe khẽ gỡ từng cái kẹp tóc dính máu bởi những cái răng
nhọn đâm sâu vào da thịt khỏi thân thể, từng cái gỡ ra là từng vết
thương đau đớn rỉ máu. Qua đến ngày hôm sau những vết thương sưng tấy
làm độc, thành ghẻ. Tôi bị sốt cả tuần mới ngồi dậy được.
Lần
khác, chẳng biết vì lý do gì, ông lại lên cơn điên tiết, ông lột quần áo
để tôi trần truồng rồi đuổi ra khỏi nhà, lúc đó, tuy mới 10 tuổi, nhưng
tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng, phải lấy vải che nắng nhà hàng xóm để che
thân. Có lần, ông lại bắt tôi trần truồng như nhộng, nằm xấp, hai tay
duỗi thẳng và hét lên như con heo bị thọc tiết “Tao hứa đánh mày đủ 10
roi” Rồi như bị ma nhập, mắt ông trợn trắng, đánh tới tấp cả mấy chục
roi trên thân thể gầy còm, yếu đuối. Đau quá, chịu không nổi, mặc dù còn
trần truồng tôi cũng ráng nén xấu hổ chạy ra khỏi nhà.
Cứ
thế, dù có cớ hay không có, hoặc ông say sỉn, điên cuồng, tôi cứ bị đòn
liên tục như cơm bữa. Vừa đau, vừa khóc, tôi gọi mẹ, nhớ mẹ, nước mắt
dàn dụa, ước mong có mẹ ở đây để che chở cho tôi, như con gà mái nhà
hàng xóm che chở cho đàn gà con của nó. Ôi…, mẹ ơi.. con đau đớn lắm!!!
Trận
đòn cuối cùng là năm tôi 14 tuổi, cao như thổi, cũng cái kiểu hung dữ,
mắt trắng dã, đánh tới tấp dồn tôi vào chân tường. Túng quá, vừa sợ, vừa
đau, tôi vớ vội cây roi gần đó, nắm tay như muốn đánh lại ông, chắc lúc
đó cặp mắt tôi dữ như quỷ, toé lửa, như con thú đã bị đẩy đến đường
cùng làm ông phải khựng lại, nhìn tôi một thoáng rồi bỏ đi. Từ đó về
sau, ông không bao giờ còn đánh tôi nữa.
Sau này
đổi tính, ông không hung dữ như xưa, ông tự ý cạo đầu như một nhà tu,
nhưng vẫn còn cái tính đâm thọc chuyện mỗi ngày. Đôi lúc tôi buồn. Nghĩ
ông quả thực là một người điên.
Ông chết năm 1979.
Có
thể vì thiếu tình thương nên trong tôi đầy mặc cảm và nhút nhát, ít
khi làm mất lòng ai. Tôi bị nhốt trong nhà như bị tù. Dần dần trong tôi
nổi lên một niềm hận mẹ vô biên khi thấy mấy đứa bạn hàng xóm ra hiên
đợi mẹ đi chợ về. Tụi nó reo hò lên khi thấy mẹ từ đằng xa có quà, có
bánh cho chúng nó. Tôi thì vừa thèm thuồng, vừa tủi thân. Nghĩ đến mẹ mà
tâm thức xôn xao buồn tủi và oán hận. Mẹ ơi, mẹ đang ở nơi nào? Có nghe
lời con đang gọi mẹ không? Hay mẹ vẫn còn nồng say với tình nhân ấy?
Cuộc
sống của tôi kéo dài với những cung bậc bập bềnh đầy tủi hận như thế,
nó cũng trôi nổi theo từng hoàn cảnh gia đình. Có một khoảng thời gian
chẳng biết vì lý do gì mà tôi cứ phải đổi hết trường này đến trường
khác, lại có khi bị nghỉ học ở nhà tới hai năm trời.
Chiến tranh lan tràn. Năm Mậu Thân. Ông bà ngoại chạy ra Phú Quốc ẩn náu. Ông bà ngoại muốn mẹ đi theo.
Về
phần mẹ, sau khi cướp chồng người, mẹ mê mệt, say đắm với người tình,
họ có hai đứa con với nhau. Sau này hết tiền, ông ta bỏ mẹ đi với người
khác như ông đã từng sẵn sàng bỏ người vợ cũ... Tưởng vậy là xong, sau
này lại có thêm 2 đứa nữa với ông ta.
Thật đúng là duyên nợ!
Có
một điều tôi nhận thấy sự khác biệt giữa tôi và các em cùng cha khác
mẹ. Đối với tôi thì mẹ ơ hờ bao nhiêu, ngược lại, với các em, mẹ lại tận
tụy yêu thương chúng bấy nhiêu, lúc đó nguồn tiền tuy là cha vẫn gửi về
đều đặn, nhưng chỉ đủ nuôi một mình tôi, mà số tiền đó đã chia năm, xẻ
bảy cho cả gia đình bên ngoại, dĩ nhiên không thể đủ cho các em, nên lúc
đó rất đói khổ, mẹ phải buôn thúng bán bưng để nuôi con.
Năm
1973. Tôi quen Dung. Tôi quen nàng qua người bạn. Ban đầu gặp cũng
chẳng có gì, nhưng lâu dần nảy sanh tình cảm lúc nào không biết. Dung ít
nói, hiền lành và chung thủy. Có lần hai đứa đi chơi cùng nhóm bạn, khi
nhảy qua một cái mương nhỏ, tôi nắm lấy tay Dung giúp nàng nhảy để
không bị trượt té. Chỉ có cái nắm tay ấy thôi mà lòng tôi dạt dào những
cảm xúc. Cảm giác ấy kéo dài đến cả mấy ngày…
Chuyện
tình của Dung với tôi cũng chẳng suông xẻ chút nào. Vì lúc đó gia đình
tôi nghèo, tôi lại là đứa con lai mồ côi cha, dĩ nhiên không thể xứng
với Dung. Mẹ của Dung chắc vì thương con nên chấp nhận, nhưng cha và dì
thì không thích, tôi hiểu khi không ưa ai thì họ có cả ngàn lý do để
không ưa. Tuy vậy, chúng tôi yêu nhau, nhất quyết đến với nhau dù có
nhiều sự ngăn trở.
Rồi đến ngày lành, tháng tốt, ông bà ngoại
và mẹ cùng tôi đến nhà Dung xin cầu hôn. Mẹ chỉ có một chiếc áo dài cũ,
nát nhầu, dự định đến nhà gái với chiếc áo cũ duy nhất ấy. Dung qua
thăm, giúp mẹ ủi lại chiếc áo cho thẳng, nàng ân cần, chân tình quá làm
tôi cảm động. Hôm sau chúng tôi qua nhà nàng để làm lễ chạm ngõ, nhưng
không ngờ cha Dung lại trả lời khéo không muốn gả con vì “nó còn nhỏ
lắm, cần phải học cho xong”. Thái độ khinh khi của ông làm mẹ cúi đầu im
lặng. Chúng tôi phải đi về trong sự ê chề, hổ thẹn. Thương mẹ, đau với
nỗi nhục mà mẹ phải chịu, lại càng ghét cha Dung, tôi đã tuyên bố thẳng
với gia đình là tôi sẽ không lấy Dung nữa.
Mẹ ơi, tình yêu đầu đời của con sẵn sàng hy sinh chỉ vì người ta khinh thường mẹ, con chỉ cần mẹ thôi. Mẹ có biết không?
Tuy
đã hủy hôn, nhưng tôi và Dung vẫn yêu nhau, chúng tôi gặp nhau mỗi cuối
tuần, nhưng tương lai thì mù mịt, chẳng biết có thể nên duyên chồng vợ
được không.
Vận nước càng khốc liệt và chuẩn bị
chấm dứt vào giai đoạn cuối. Năm 1975, đáng lẽ tôi được đi tị nạn chính
thức vì lúc đó tôi đang làm công chức quốc phòng cho Thư Viện Kỹ thuật
của Hải quân. Còn gia đình nàng cũng được đi chính thức như tôi vì cha
nàng là trung tá trong chế độ cũ. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy ông ngoại
khóc trong cảnh chia ly nên tôi đã quyết định ở lại. Còn Dung, nàng cũng
theo tôi ở lại, vì mối chân tình nàng dành cho tôi và nàng cũng có cuộc
sống không được vui vẻ hoà thuận với cha mẹ và các anh chị em trong gia
đình. Gia đình nàng đành để nàng ở lại, (tôi đoán có lẽ họ cũng không
tha thiết lắm với một đứa “nghịch tử “ như Dung nên sẵn sàng chấp nhận)
Sau
đó chúng tôi được chính thức lấy nhau. Chuyện tưởng như thế là có được
một cái kết tốt đẹp. Nhưng oái oăm thay, cái khổ đau vẫn chưa muốn buông
tha chúng tôi. Từ khi Dung về làm dâu ở chung với ông bà ngoại, Dung
chịu rất nhiều cực khổ và chua cay. Bà thì hiền, nhưng ông thì hành hạ
Dung như một con ở. Tính khí ông từ khi còn trẻ đã hung dữ như thế, nhất
là khi say rượu, ông đã từng nắm tóc đánh bà ngoại túi bụi, bà ngoại
chỉ còn nước chạy trốn tới tối mới dám mò về. Dung tuy không bị đánh bao
giờ nhưng lúc nào đầu óc cũng căng thẳng, đầy sợ hãi vì tính khí bất
đồng khó chịu của ông.
Gia đình tôi lại rất phức tạp, ông
ngoại tính khí như thế, còn mẹ thì đi phá hạnh phúc gia đình người.
Người chồng bỏ rơi mẹ cũng đã bỏ rơi người vợ cũ đã có hai mặt con với
nhau. Khi mẹ chen chân vào đời ông, bà say mê ông điên cuồng, đã đến tận
nhà, nói thẳng vào mặt vợ người điều đình rằng “Tôi sẽ mua đứt ông ấy!”
Ông ta nghe xong, lập tức tay không bỏ đi với mẹ, trên người ông ta chỉ
mặc có một bộ đồ, để lại bà vợ trẻ với hai đứa con nheo nhóc, một đứa
còn bồng, một đứa dắt tay. Ba mẹ con đứng ngơ ngác nhìn với nước mát
chảy dài trên má người vợ trẻ
Thật là oan nghiệt!!
Sau này, khi cả hai đã già, hương sắc đã tàn phai theo vô thường biến đổi. Mẹ đã xin lỗi người đàn bà năm xưa…
Năm
1977. Diện con lai bắt đầu được đi chính thức và bán chính thức. Vì tôi
nói tiếng pháp lưu loát nên được đại diện cho đám con lai vô gia cư
lang thang ngủ trên những hè phố. Tôi được ra vô lãnh sự quán thường
xuyên để giúp họ chuyển hồ sơ đến ông lãnh sự. Con lai lúc đó bắt đầu
“có giá”, đi đâu cũng được các bà, các cô gái xin mua chuộc làm người
thân để được di dân.
Năm 1980 tôi rời Việt Nam cùng mấy chục
gia đình con lai mà tôi làm đại diện. Cả đời tôi chưa bao giờ hân hoan
và “phục” mình đến thế, vì tôi đã giúp được rất nhiều gia đình thoát
cảnh lầm than đói khổ trong lúc này.
Ôi, hạnh phúc thay khi chính mình lại là người vui nhất khi đã làm được một điều lành.
Cảm tạ trời đất đã cho tôi hoàn tất được việc làm đầy ý nghĩa này…
Qua
Pháp, tôi sống tạm trú tại một cơ quan hồi hương cách Paris 20km. Đó là
một dãy appartment Sarcelle cho những người “hồi hương” và những trẻ
con lai tạm trú khoảng 2 tuần. Một may mắn hiếm hoi là tôi được ông giám
đốc thương, cho phép tôi muốn ở đây bao lâu cũng được, vì vậy, tôi lưu
lại đó hai tháng để học các tuyến đường xe hỏa, metro đến Paris để tìm
cha, đó cũng là ước muốn sâu thẳm ươm mầm từ nhỏ.
Vì
đã có vốn sinh ngữ sẵn, nên tôi hội nhập vào đời sống không có gì khó
khăn. Tôi tìm cha với cái địa chỉ cũ mèm mà ông ngoại còn giữ lại. Vì
Cha đã đổi địa chỉ nhiều lần, tôi phải lặn lội suốt ba nơi mới tìm được
nhà. Đó là một khu rất sang trọng nằm trong trung tâm thành phố Paris.
Đến nơi thì Cha đi vắng, tôi viết giấy để lại và hẹn gặp ông vào 8 giờ
sáng mai.
Thật không thể tả nổi được niềm hân
hoan của tôi trước ngày gặp mặt. Đêm đó tôi không thể ngủ được, cứ nằm
trằn trọc mãi, tưởng tượng đến giây phút trùng phùng, trong tôi dấy lên
hết niềm vui này đến niềm vui khác. Tôi sẽ ngồi bên cha, kể lại những
biến cố cuộc đời tôi sau khi cha về nước, kể lại những những thương nhớ
và những giọt nước mắt một mình cô đơn, tủi cực khi vắng ông, kể lại
nhiều thật nhiều cho đến khi tôi chìm sâu vào giấc ngủ mà niềm hạnh phúc
biến thành cả ngàn vì sao lung linh trên bầu trời rộng lớn mà vẫn chưa
thể chứa hết được niềm hân hoan và hạnh phúc trong tôi…
Cha ơi… đợi con nhé, chỉ còn vài tiếng nữa, khi màn đêm nhường cho ánh sáng trở về. Con sẽ gặp lại cha….
Hôm
sau. Đúng 8 giờ tôi có mặt. Người quản lý dẫn tôi lên thang máy và giúp
tôi nhấn chuông. Tim tôi đập thình thịch trước cánh cửa gỗ. Người đàn
ông mở cửa, lịch lãm, cao lớn, hình ảnh người cha mà tôi mong đợi suốt
20 năm nay trong ký ức rất nhạt nhoà..
Ông không bắt tay tôi, xoay lưng và nhường một khoảng trống cho tôi bước vào, tay kia khẽ đóng cửa rồi nói ngay
- Je ne suis pas votre pere” (tôi không phải cha cậu).
Tôi
ngơ ngác. Dù câu nói rất rõ nghĩa nhưng tôi vẫn không hiểu ông muốn nói
gì. Cho dù trí nhớ tôi có nhạt nhoà cách mấy, tôi vẫn nhận ra ông, duy
chỉ thấy ông già hơn xưa, nhưng nét mặt và dáng dấp vẫn vậy. Tôi nghe
như cả bầu trời sụp đổ, ngực như muốn nghẹn, không muốn khóc nhưng nước
mắt cứ tuôn rơi…
Tiếng ông cất lên, như xa, như gần từ một khung trời xa lạ nào đó:
- Pourquoi vous pleurez? (Tại sao cậu khóc?)
Trong
khoảnh khắc, tôi không thể trả lời ngay được khi sự nức nở làm tôi bị
nấc nghẹn, nước mắt ràn dụa khi tâm thức khởi lên bao nhiêu điều muốn
nói. Tại sao?! Tại sao thế? Con luôn mong được gặp cha. Nhưng…nhưng..,
con lại không thể hiểu nổi sao cha không muốn nhận con? Cha đã rất
thương yêu con và nuôi nấng con cho đến khi con lấy vợ. Hay cha giận ông
bà ngoại chỉ muốn moi tiền ông? Giận mẹ, hay điều gì khác?
Trong lúc tâm trí rối bời, tôi nghe người đàn ông cất giọng:
- Tôi chỉ giúp mẹ cậu lúc đó, còn cha cậu thì tôi biết ông ấy nhưng không thể nói ông ta là ai.
Là
sao? Vậy người cha thực sự của tôi là ai? Tại sao ông này chỉ là người
“giúp đỡ” cho cha chứ chẳng liên quan gì đến tôi cả? Tất cả đều rối
tung, mù mịt… Tôi lắp bắp:
- Vậy thưa cha.. à.. không, thưa ông. Cha con đâu?
-
Ta đã nói với cậu hồi nãy, ta không thể nói cha cậu là ai rồi mà? Yên
lặng một lúc, ông tằng hắng như muốn phá vỡ bầu không gian đặc quánh
giữa ông và tôi, hỏi với một giọng ái ngại:
- Hiện giờ cậu có bao nhiêu tiền?
- Con chỉ có 30 fr thôi.
Trên khuôn mặt ông thoáng nét lo lắng, ông yêu cầu tôi cho ông xem ví, sau đó ông lẳng lặng mở tủ lấy thêm tờ 500 fr đưa tôi
Ông
căn dặn tôi thêm vài điều, nhất là việc ông không muốn tôi liên lạc với
ông nữa, nhưng tôi chỉ nhớ đã nói với ông một câu bằng tất cả trái tim
chân thành:
- Con muốn gặp cha để sau này con sẽ chăm sóc cho cha.
Ông bảo
-
Điều này không cần, vì tôi đã có đủ tiền hưu trí rồi. Ông tiếp. Con đã
có vợ con rồi. Hãy quên hết tất cả quá khứ ấy đi. Hãy đi xa thật xa nơi
này, vì Paris khó sống lắm…
Câu trả lời của ông làm tôi hiểu,
ông chính là cha mình và ông đã hoàn tất trách nhiệm với tôi, ông đã
nuôi tôi đến tuổi trưởng thành. Bây giờ tôi đã khôn lớn, đã có thể tự
lập và đã có gia đình.
Tôi từ giã ông với tâm trạng
hoang mang. Trong đáy tầng tâm thức, tôi vẫn chưa nhìn thấy được sự
thực nằm chỗ nào. Sau này, tôi gặng hỏi mẹ có phải tôi thực là con của
ông không. Mẹ quả quyết. Nếu không tin, cứ việc thử máu làm bằng chứng.
Vì
quá buồn bã, tôi đem vợ con lên Dunkerque ở miền Bắc, sống khổ cực làm
cho một hãng đóng tàu suốt hai năm. Lúc đó, tôi vẫn còn tưởng nhớ đến
người cha không nhận mình. Giáng sinh năm đó, cha đã 75 tuổi. Nhớ cha,
tôi gửi một tấm thiệp Noel chúc mừng tuổi thọ
của ông và chờ đợi. Vài tuần sau, tôi nhận được thư hồi âm. Rất vui mừng
vội vàng mở ra xem. Hoá ra, đó là tấm thiệp tôi đã nắn nót viết từng
lời chúc tụng tốt đẹp nhất đã bị cha trả lại với một hàng chữ đánh máy:
“Cậu đã làm phiền tôi. Từ nay hãy cắt mối liên lạc giữa tôi và cậu. Ký
tên.”
Khi đọc được những hàng chữ trên, tôi cảm thấy chơi vơi,
hụt hẫng như người vừa rơi xuống hố thẳm sâu không đáy, nhưng hình như
trong tôi đã chấp nhận một sự thật hiển nhiên. Họ đã thực sự từ chối mối
liên lạc này. Từ giờ, tôi đã thực sự mồ côi cha..
Thời
gian qua đi, do sự cần cù cố gắng và chịu khó làm việc và tôi đã thành
công trong cuộc sống. Gia đình nhỏ của tôi giờ đã có 3 mặt con, chúng
tôi chuyển qua Mỹ sinh sống dưới dạng đoàn tụ gia đình bên vợ, cha mẹ vợ
vẫn đối xử khinh khi, kiếm chuyện hoặc lời ong, tiếng ve về tôi.
Một
ngày kia, khi cơn nhẫn nhục lên đến mức tối đa, tôi nổi điên đi mua một
khẩu súng đến nhà cha mẹ vợ đòi ngồi xuống nói chuyện “phải quấy” (nghĩ
lại cũng thấy buồn cười, thực tâm tôi cũng không muốn làm gì quá đáng,
nhưng tôi thực sự đã làm cho họ một phen khiếp vía) cha vợ sợ tôi không
dám ngồi. Mẹ vợ thì dịu giọng bảo hãy bỏ qua đi. Tôi cười khẩy:
-
Con chỉ đến thăm cậu mợ và muốn nói rằng, những đứa trẻ mồ côi như con
không hiền đâu, vì nếu hiền thì nó đã bị xã hội giết chết từ lâu rồi…
Từ đó gia đình bên vợ mới để tôi yên.
Tôi
như con tằm nhả tơ, hy sinh cả cuộc đời mình lo cho vợ con đến ngày hôm
nay. Các con tôi đã lớn, thành danh, thành nhân đủ cả. Chúng rất ngoan
và có hiếu với cha mẹ. Tuy nhiên, trong tôi vẫn còn đầy vết sẹo của quá
khứ, nên bề ngoài tôi hay có cái vẻ vui đùa để che đi những “niềm đau
chôn dấu”.
Về phần mẹ. Trong quá khứ, tôi đã từng
hận mẹ rất nhiều và quyết định không bao giờ về Việt Nam thăm mẹ. Nhưng
những hận thù chỉ tạo thêm nhiều vết thẹo và làm cho tâm hồn tôi ngày
càng chai sạn lại. Vì vậy, tôi quyết định tha thứ tất cả những gì mẹ đã
làm với tôi. Thật tuyệt vời làm sao. Chính sự tha thứ đó, sau này tôi
mới hiểu rằng nó đã giúp tôi mở ra được một cánh cửa khác. Cánh cửa hạnh
phúc.
Từ đó, tôi bắt đầu gửi tiền về nuôi mẹ và thấy tâm mình thật bình yên không dính mắc…
Năm
2007. Tôi về tìm mẹ. Tưởng rằng mẹ gặp tôi sẽ rất mừng và nói những lời
dịu dàng bằng sự ân hận với tôi. Nhưng sự thực tôi đã lầm. Trong mẹ,
không dành một chút gì thương yêu cho tôi. Mẹ chỉ đóng kịch để tôi gửi
tiền về hàng tháng nuôi mấy đứa con của ông gánh hát. Tôi cũng rất buồn,
nỗi buồn đó mưng mủ, vỡ ra để tôi thấy rõ rằng, có thể trong một kiếp
nào đó, tôi đã làm gì cho mẹ phải buồn lòng nên kiếp này quả trổ ra với
tôi như thế. Cũng như mẹ phải trả nợ cho ông chồng gánh hát, lúc nào
cũng ôm ấm hình bóng của ông ta, lúc nào cũng tận tụy hy sinh hết lòng
hết dạ vì ông. Sau này ông ta rất nghèo khổ, phải đi bán vé số kiếm
sống.
Luật nhân quả chẳng bao giờ sai.
Bổn
phận của tôi đã xong. Như cha đã xong với tôi năm 18 tuổi. Ông đã để
tôi tự lập như con chim có đủ lông cánh để bay vào dòng đời trôi nổi.
Con cảm ơn mối chân tình và sự lo lắng của Cha. Nay con có cái nhìn tích
cực hơn khi Cha không còn muốn liên lạc với con nữa, có thể Cha có
những lý do riêng nào đó mà không tiện nói…
Riêng tôi nhìn theo lối nhìn của nhà Phật, cha và tôi duyên đã hết, nghiệp đã xong, chẳng có gì phải buồn đau, khổ sở...
“Cuộc đời vô thường biến đổi luôn luôn.” Hiểu sâu về những điều này sẽ làm cho chính mình không còn sợ hãi và khổ đau nữa…
Hiện
tại, tôi chỉ thích đi chùa, tụng kinh, niệm Phật. Tôi cũng rất giỏi về
hội họa, tôi thích làm công quả và hay giúp chùa vẽ những bức hình Phật
thật to choán cả một cái tường trong Chánh điện. Những lần vẽ hình ảnh
Phật, tôi cứ có cảm giác Ngài đang từ từ xuất hiện trước mặt. Từng lọn
tóc, từng nét mắt, môi cười của Ngài, tôi cảm nhận đầy rẫy sự thương yêu
Ngài dành cho chúng sanh. Những lúc như thế, lòng chùng lại, mềm yếu
như đứa trẻ lên ba năm nào, thấy được dòng nước mắt mình chảy nhẹ trên
gương mặt, trên môi lại mỉm một nụ cười yêu thương…
Giờ đây, tuổi đã cao, cũng là cái tuổi để tôi có thể lo cho chính mình ở những kiếp mai sau…
Chiêu Hoàng
No comments:
Post a Comment