Có
thể nói, bên cạnh dòng sông, chiếc ghe và cây chèo là những thứ chưa
bao giờ tách khỏi cuộc sống của người dân vùng sông nước Cửu Long. Thực
tế cho thấy, sự hiện hữu của nó giờ đây không đơn thuần là một phương
tiện giao thông mà còn là một đặc trưng văn hóa.
Như
ta đã biết, chiếc ghe và cây chèo đã gắn bó với ông bà ta từ lúc khai
hoang mở cõi. Vì với đặc tính là một vùng sông, rạch chằng chịt thì
không có phương tiện đi lại nào lí tưởng hơn chiếc ghe. Chính nó là công
cụ phục vụ đắc lực cho quá trình tồn tại và chinh phục tự nhiên của
những bậc tiền nhân.
Ghe
và chèo ở ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long) khá đa dạng về hình dáng và
kích cỡ. Tuy nhiên, để có thể chèo được thì ghe phải không quá lớn mà
cũng không quá nhỏ. Vì nếu lớn quá mà gặp nước ngược hay chở hàng nhiều
thì không chèo nổi. Còn ghe nhỏ quá thì chèo phải khom lưng, ghe lại lắc
nên với loại này người ta thường bơi bằng cây dầm – cũng là một một
dụng cụ bơi ghe nhưng chỉ dài bằng nửa cây chèo.
Ngoài
những yếu tố trên, giữa ghe và chèo còn phải tương xứng. Ghe phải thon,
vững và chèo không được quá dài hay quá ngắn, như thế mới tạo sự cân
bằng, ghe đi êm mà không bị đảo. Lưu ý, khi chèo ta có thể dùng hai cây
hoặc một tùy thích. Riêng ở ĐBSCL, người ta thường chèo hai cây và chỉ
chèo bằng tay, ít khi sử dụng một cây và dùng chân để chèo như các vùng
khác. Còn việc sử dụng dầm để bơi chỉ dùng khi đoạn đường ngắn hay với
mấy người chuyên câu tôm, đặt lờ, thả lưới,… mục đích là để cho khỏi
vướng.
Có
được ghe và chèo là một lẽ, nhưng việc chèo như thế nào thì đó là cả
một nghệ thuật. Vì nếu không biết chèo, ghe sẽ đảo qua đảo lại và đi rất
chậm. Những người chèo giỏi là những người biết điều tiết sao cho lực
chèo được cân bằng ở hai bên, mái chèo chậm, lướt đều trên mặt sông,
đồng thời phải biết chọn luồng nước sao cho không bị cản.
Có
thể nói, những chiếc ghe chèo là một trong những nhân tố chính góp phần
vào cuộc sống sinh động ở vùng sông nước ở Miền Tây. Nó không những
mang hơi thở của châu thổ mà còn mang cả tính cách đặc trưng của người
dân nơi đây. Hay nói khác đi là nó đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của
bà con khi họ dùng nó để làm khá nhiều việc, từ chở hàng ra chợ, chở
lúa, đi công chuyện, đi chơi, đặt lờ, thăm lưới, thả câu,… Có khi họ
chèo đặt cả sông, nhưng có lúc chỉ một chiếc cô đơn, chậm rãi thả mình
theo hai con nước lớn – ròng.
Thành
thật mà nói, với riêng tôi, nhìn những chiếc ghe chèo trên sông thú vị
hơn nhiều khi nhìn những chiếc xe chạy vù vù trên quốc lộ. Bởi hình ảnh
đó cho ta cảm giác yên bình, con người như giao hòa với thiên nhiên. Vì
ngồi trên ghe ta như ở giữa dòng nước mát, được nhìn ngắm cảnh vật hai
bên bờ sông vừa mộc mạc, gần gũi nhưng cũng không kém hữu tình. Lúc này,
ta cũng có dịp cảm nhận hương vị phù sa, được lắng nghe tiếng cá vẫy,
tiếng chim hót và cả tiếng chèo đập nước bên tai.
Đặc
biệt nhất là những khi chiều xuống, những chiếc ghe chở hàng đi bán xa
không về kịp hay những chiếc ghe câu, ghe đăng,… đậu chung lại với nhau.
Lúc này, người góp lít rượu, kẻ góp con khô,… vừa lai rai vừa hát vài
vọng cổ. Chỉ bình dị thế thôi nhưng thấy đời thanh thản và không còn gì
sung sướng bằng.
Không
riêng gì hình ảnh đó, mà cho đến hôm nay, trong tôi vẫn nhớ mãi những
người chèo ghe bán sương sáo, khoai lang, bắp,… cất tiếng rao trong
những trưa Hè thanh vắng. Âm thanh đó mênh mang, không buồn, không vui
nhưng lại làm tôi thấy nao nao và cảm thương cho những con người đang
tìm kiếm sự sống nhỏ nhoi trên sông nước.
Không
chỉ thiên nhiên hiền hòa mà con người nơi đây cũng vô cùng tốt bụng.
Người Miền Tây có một tính cách rất hay là trong lúc chèo ghe, ai muốn
quá giang họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Đối với họ, việc từ chối cho người
khác đi nhờ là một hành vi xấu, một người ích kỉ. Do đó, bất kể lạ hay
quen, nước chảy ngược hay xuôi, trong khả năng có thể là họ sẵn sàng
“đưa khách” sang sông.
Không
những vậy, khi ngồi trên ghe, họ có thể kể đủ thứ chuyện trên đời, từ
chuyện nhà, chuyện đồng áng, vườn tược, chuyện hàng xóm, chuyện bên Tây,
bên Tàu,… Có khi đã đến chợ hay đã về đến nhà mà vẫn không hay, đôi lúc
còn thấy tiếc vì quãng đường quá ngắn. Nhưng cũng nhờ những lúc như vậy
mà biết bao trai gái đã nên duyên, biết bao người kết tình bằng hữu,
sui gia, biết bao tình cảm xóm giềng được chăm bồi, vun đắp.
Như
vậy, từ những yếu tố trên ta có thể khẳng định rằng, ghe chèo không
những vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sông nước mà còn
góp phần tạo nên một nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân
miền Tây Nam Bộ. Nói cách khác, đó là một một trong những đặc trưng văn
hóa mà khi nhắc đến ta không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào trên đất
nước Việt Nam.
Xuân Sắc
No comments:
Post a Comment