Wednesday, October 13, 2021

Mì Quảng Của Bùi Giáng - Mặc Thu

Lần đầu tôi gặp Bùi Giáng vào năm 1957, tại Sài Gòn. Khi ấy, mỗi chiều tối, gần như thường lệ, Đinh Hùng và tôi gặp nhau ở Câu Lạc Bộ Văn Hóa, đường Tự Do (Catinat cũ) để uống bia. Quán này của anh chị Phạm Xuân Thái, thường tụ họp khá đông giới văn nghệ sĩ của thủ đô miền Nam. Anh Phạm Xuân Thái lúc ấy đã rời chức bộ trưởng Bộ Thông Tin. Anh đại diện giáo phái Cao Đài trong chính phủ Ngô Đình Diệm.

Quán này có hai tầng tiếp khách. Tầng trên lầu và tầng dưới. Tôi và Đinh Hùng thường ngồi ở cái bàn nơi góc cửa ra vào, tầng dưới. Nhiều khi cùng ngồi với chúng tôi, có nàng thơ bé nhỏ (chừng 16, 17 tuổi) người miền Nam học trường Pháp, Marie Curie. Nàng tên diệu hiền (có lẽ chỉ là bút hiệu). Diệu Hiền có nét đẹp thánh thiện, luôn mặc quần áo trắng, tóc buông lơi ngang lưng, không chút phấn son. Diệu Hiền làm thơ, bằng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt. Trong thơ nàng thường tự xưng là “Người yêu của Chúa” và thường nói với chúng tôi “không thể yêu ai, ngoài Chúa”; gia đình Diệu Hiền theo đạo Công Giáo gốc đã từ mấy đời. Câu chuyện Diệu Hiền, tôi sẽ nói ở một đoạn sau trong hồi ký này.

Trở lại Câu Lạc Bộ Văn Hóa. Tuy làm chủ, nhưng anh chị Phạm Xuân Thái ít khi xuất hiện. Đôi lần, chị Thái từ nhà trong đi ra phố, ngang qua bàn chúng tôi, khẽ mỉm cười, nghiêng đầu chào. Chị có dáng lả lướt, thanh tao, mơ hồ một nét liêu trai. Nếu khách là kẻ đa tình, không thể không ngơ ngẩn nhìn theo. Cái dáng đẹp ấy có thể dìm chết khách vào trong mộng.

Một buổi, Đinh Hùng bảo tôi:
– Bùi Giáng mời tôi với anh trưa mai 12 giờ tới uống rượu ở nhà anh ta, đường Dismude (Cô Giang hay Cô Bắc, phường Cầu Muối: Douaumont gì đó).
Tôi đoán chừng: Bùi Giáng mà tôi thấy có thơ đăng lác đác trên vài tờ tạp chí văn học – hẳn là người đã ngưỡng mộ thơ Đinh Hùng nên đã mời Đinh Hùng, chứ không phải mời tôi. Nhưng Đinh Hùng muốn kéo tôi đi cùng cho có bạn, nên đã nói thác ra như vậy.
Tuy nhiên tôi không từ chối mà chỉ ngồi im, suy nghĩ. Ý hẳn Đinh Hùng hiểu tôi ngần ngại nên xác định thêm:
– Tôi có nói với họ Bùi là sẽ đi với Mặc Thu. Anh vui vẻ nói: Thế càng quí hóa. Vậy khoảng 11 giờ trưa mai tôi tới anh rồi ta cùng đi! (Hùng ngại đi một mình và không muốn tôi từ chối). Vả, chính tôi cũng muốn làm quen với nhà thơ họ Bùi.
Lúc đó, gia đình Đinh Hùng ở đường Đinh Công Tráng, Tân Định. Gia đình tôi ở đường Lý Trần Quán cũng Tân Định. Gần nhau có ba bước chân. Chúng tôi cũng thường đi bộ sang nhà nhau. Hồi đó chúng tôi cũng khá rảnh rỗi vì Đinh Hùng và tôi vừa bị loại ra khỏi tờ nhật báo Tự Do, cùng một lượt với các anh Tam Lang, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan.

Hôm sau, đúng hẹn, chúng tôi tới nhà Bùi Giáng. Họ Bùi ở một ngôi nhà mặt tiền, nhưng là một ngôi nhà cổ, cũ kỹ, rất nhỏ. Nền nhà, thấp dưới mặt đường chừng nửa thước, có bực để bước xuống. Bàn rượu đã thấy bày ở ngoài thềm, có ba ghế đẩu.
Chủ nhân nhanh nhẹn từ trong nhà bước ra tiếp khách. Phía trong nhà khá tối, thấp thoáng có bóng dáng một giai nhân, quần áo lụa là kiểu bà ba, hẳn đương lo việc bếp núc.
Đây là lần đầu tôi gặp Bùi Giáng. Đó là một thanh niên dáng vẻ rất thư sinh, đầu tóc rẻ đầu ngôi, gọn ghẽ, áo sơ mi trắng, quần màu rêu nhạt, mặt sáng sủa, thanh tú, mắt mang kính cận.
Đinh Hùng để cái cặp da xuống cạnh bàn. Ba chúng tôi cùng ngồi, nhắp từng hớp bia. Qua câu chuyện thăm hỏi giữa họ Đinh và họ Bùi, tôi được biết Bùi Giáng đương dạy học ở một trường tư thục nào gần đó. Còn người phụ nữ trẻ trong nhà, thỉnh thoảng bưng ra món này món nọ bày trên bàn, chúng tôi cùng giữ ý, không hỏi nàng là ai. Mà Giáng cũng không nói gì về nàng.

Tôi nhận thấy Giáng rất ít nói. Chỉ nói những khi cần thiết. Nói rất gọn, chỉ cần đủ ý ! Ví dụ:
– Mấy món quê mùa ! Các anh dùng tạm !
Đinh Hùng bỗng nhiên phải đảm nhận vai trò hoạt náo, phải nói nhiều hơn cả. Phần nhiều là nhận xét về thơ của họ Bùi. Tất nhiên, khen nhiều hơn chê. Tôi rất phục Đinh Hùng ở chỗ anh đọc ra trơn tru từng đoạn thơ của Giáng. Họ bùi cúi đầu nghe nhận xét với vẻ cảm động. Kẻ nói, người nghe đều rất thành thực. Câu chuyện ít tánh chất xã giao, gượng gạo, tự nhiên, thân tình.
Bữa ăn hôm ấy đãi chúng tôi gồm có hai phần. Phần đầu một món ăn chơi: bánh hỏi thịt quay. Phần sau, món mì Quảng được người đẹp bưng ra, còn bốc hơi nóng, thơm lừng. Tôi thầm nghĩ hẳn mặt hoa cũng thơm lừng mùi nước dùng.
Bùi Giáng khẽ cười lỏn lẻn, giới thiệu:
– Mì Quảng! Nhà Làm! Xin mời!
Họ Bùi có vẻ đắc ý về món ăn đặc biệt chất quê của anh. Vừa ăn anh vừa ngẩng nhìn bọn tôi, xem ý ra sao. Mặt anh tươi hẳn lên, có lẽ cũng ngang bằng khi anh làm được câu thơ thích thú. Thỉnh thoảng lại hỏi chúng tôi:
– Được chứ ? Rồi lại tự kết luận – Được đấy chứ !

Đây là lần đầu tôi được ăn món mì Quảng. Tôi thấy lạ miệng, và thấy thật ngon. Tô của tôi hết sạch trước hai bạn. Giáng gọi thêm cho tôi một tô “thiếm xực”. Khi ra lệnh, mặt anh càng tươi hơn. Người đẹp bưng ra một tô nữa cho tôi, mặt hoa cũng có chiều tươi tắn, hớn hở. Hớn hở vì món nàng làm được khách ân cần chiếu cố.
Mấy mảnh bánh đa điểm lác đác vừng đen, cõng theo vài hạt đậu phọng giã nhỏ, quyện với nước dùng nâu vàng, ngậy mà thanh, ngọt lịm sao mà ngon đến thế !
Cái món “quê mùa, nhà làm”, hôm ấy, làm tôi quyết đoán: cô gái xinh đẹp, quá trẻ nọ, phải là người cùng quê xứ Quảng với nhà thơ họ Bùi. Chỉ còn không biết người đó là vợ, là người yêu, hay chỉ là học trò cưng của thầy, nhưng thật không tiện hỏi. Mà Giáng cũng chẳng nói. Vừa ăn tôi cũng vừa nghĩ: mỗi đêm nàng Giáng Kiều kia, từ trong tranh bước ra, bưng cho chàng tú tài họ Bùi một tô mì Quảng bốc khói thơm phức trách gì chàng chẳng làm được Thơ đẹp cho đời.

Bữa ăn thanh đạm hôm ấy làm tôi nhớ mãi sau này. Và cũng mãi mấy chục năm sau, tôi mới được biết thêm cái món mì quảng mì Quảng ấy cũng là món ăn thích thú độc nhất của Bùi Giáng. Nó theo anh tới tận những ngày cuối cùng của đời anh.

Từ đấy, đường đời, mỗi người đi mỗi nẻo, tôi không còn có dịp ngồi đối diện đồng ẩm với họ Bùi nữa. Nhưng trong lòng vẫn giữ được hình ảnh đẹp về anh. Tuy nhiên, tôi vẫn theo rõi và thích thú được gặp anh trong thơ anh, những bài đăng trên báo này, báo nọ. Tôi thấy thơ anh cứ chuyển dịch lần, chuyển dịch từ Thực và Ảo. Rồi đất nước cũng chuyển dịch vào cuộc biến “tang điền”. Tôi đi tù (cải tạo) trở về vào năm 1986, lại được nghe tin về Bùi Giáng, qua các bạn trong làng, và qua người cháu của anh: Bùi Ngọc Thơ. Bùi Ngọc Thơ đã là cháu rễ của tôi, Ngọc Thơ kết bạn đời với cháu ngoại của tôi: Chử Mặc Anh Thư.
Nghe người ta nói: Bùi Giáng đã trở nên một cuồng nhân, một cuồng sĩ, suốt năm tháng đi lang thang, vô định, màn trời chiếu đất, với một bầu thơ, đựng toàn cuồng thi bên mình, với một sợi dây dong vài ba con cho lẽo đẽo theo sau…

Một buổi, vào đầu Xuân 1987, tôi đương ngồi uống trà, đọc sách trên căn lầu nhà tôi (94, Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận) bỗng thấy một bóng người nhô lên đầu cầu thang. Người ấy, đầu tóc rối bù, đội chiếc nón rơm te tua, quần áo lụng thụng rách bươm. Nhìn khách thì thấy mặt mũi hốc hác, mồm miệng móm mém, râu ria lởm chởm, giống y như một Lý Thiết Quài. Tôi đương kinh ngạc chưa nhận ra ai thì kịp nhận ra người theo sau là cháu Bùi Ngọc Thơ. Cháu mủm mỉm cười hỏi:
– Ông ngoại không nhận ra ai sao ?
Tôi vội trả lời:
– Nhận ra chứ ! Bạn của ông mà ! Bùi thi sĩ đây chứ ai !
Thì ra đó là Bùi Giáng, bằng xương bằng thịt, người mà tôi vẫn mong được gặp, nhưng hạc nội, mây ngàn, biết đâu mà tìm. Thấy tôi còn nhận ra “người cũ” Bùi có vẻ khoái chí, chưa ngồi xuống ghế đã ghé tai hỏi:
– Đi lâu quá hỉ ? Sao, có khỏe không huynh ?
Cháu Ngọc Thơ nói với tôi:
– Bác Giáng đòi con đưa đi thăm ông ngoại khi biết tin ông ngoại đã được về. Con xin lỗi đã không báo tin trước cho ông ngoại biết vì bác con nói không cần báo trước.
Biết cháu thế nào cũng đã kể lể chuyện đi tù của tôi, nên tôi cũng không nhắc tới chuyện ấy nữa.
Bùi ngồi xuống đã sảng khoái hỏi ngay:
– Nhà có rượu không huynh? Đệ muốn uống một chén tẩy trần, mừng huynh đã về ! Mừng anh em mình hội ngộ.

Tôi thấy Bùi nói năng vẫn duyên dáng, hoàn toàn tỉnh táo, khác hẳn lối phục sức của anh. Bụng đã mừng thầm. May nhà sẵn có vò Mai Quế Lộ mà Đăng Văn Bé (LTS: chủ nhiệm báo Thách Đố) vừa gửi biếu, tôi bèn lấy ra đãi Bùi. Thấy vò rượu dán nhãn đỏ với hàng chữ Hán, anh xoay xoay cái vò nhìn đọc cái nhãn rồi “chậc miệng”:
– Hảo tửu đãi cố nhân… chà, chà, tuyệt hảo !
Anh tự tay mở nút, nghiêng vò rót ra hai chén, đưa mắt cười mỉm có ý mời tôi, rồi nâng chén tợp một hơi cạn. Lại rót thêm chén nữa. Cũng lại tợp một hơi cạn, mà không hề để ý rằng tôi đã có uống hay chưa.
Lấy tay áo quyệt miệng, Bùi lại hỏi:
– Nhà có giấy bút không huynh?
Biết nhà thơ đã nổi hứng, tôi vội đứng lên đi lấy nghiên mực Tàu, cây bút lông và tờ giấy màu vàng.
Bùi dầm ngọn bút lông vào chén rượu của tôi, chấm chấm vào nghiên, phóng tay viết hai câu thơ, chữ nghiêng, chữ ngả, chữ đủ mực, chữ không ra nét. Ý thơ bí hiểm, đượm màu kinh kệ… Rồi dừng bút ngẫm nghĩ, chừng muốn viết thêm. Bỗng ném bút xuống bàn, cười:
– Thôi, đủ ! Nhìn sang Ngọc Thơ ra lệnh: “Ta đi thôi” – ngảnh sang tôi, Bùi khẽ nghiêng đầu: “Đệ xin cáo biệt!

Tôi còn đương ngẩn ngơ, Bùi đã đứng phắt dậy, bước nhanh xuống cầu thang. Ào đến, ào đi, như trận gió thoảng. Phong khí thật… đạo sĩ. Thần thái thật phiêu hốt.
Từ đấy tôi không còn dịp nào gặp lại Bùi Giáng nữa. Ấn tượng lần gặp sau cùng đã in nét đậm trong tôi.
Trước đây, khi hỏi thăm về Bùi, cháu Bùi Ngọc Thơ có kể cho tôi biết nhà thơ họ Bùi vẫn nhận được tiền của thân nhân từ hải ngoại gởi về. Mỗi lần nhận được tiền, Bùi lại chỉ đi tìm ăn mì Quảng. Hoặc nhờ người quen nào đó nấu mì Quảng. Hoặc nhờ người quen nào đó nấu mì Quảng rồi mời cả đám những bọn giang hồ, kể cả đám bạn con nít, lôi thôi lếch thếch tới ăn kỳ đến hết đống tiền “tài trợ” mới thôi. Lại đi, không biết đi đâu, ăn ở đâu, ngủ ở đâu.

Tóm lại, những ngày tháng cuối đời, nhà thơ họ Bùi luôn sống giữa cơn say và cuộc tỉnh, giữa mộng và thực, chuệnh choạng bước giữa hai lằn đường, không biết khi nào tỉnh, khi nào say, khi nào giả, khi nào thực. Có người gặp, kể lại thì Bùi thường hay nói năng lung tung, nhiều khi chỉ nói cho mình nghe. Cũng nhiều khi nói lớn cho người khác nghe như muốn phân bua điều gì. Cũng lắm lúc Bùi “mạ lỵ, phỉ báng” xúc phạm đến nhiều người quyền thế.
Người nghe cảm thấy khó chịu, như chính mình bị xúc phạm thì cũng bỏ qua, cho là lời lẽ của kẻ điên. Người nghe cảm thấy vui thỏa như chính mình được chửi, thì cho rằng đó là lời của người thực tỉnh táo. Thử hỏi mấy ai đã được sống sướng thỏa như nhà thơ Bùi Giáng vào giữa lúc cuộc đời điên đảo như thuở này ?

Khi bác cháu họ Bùi đi khuất, tôi còn mãi ngẩn ngơ, ngồi lại một mình. Bây giờ mới nhớ ra mình chưa hề uống một giọt Mai Quế Lộ. Thế là một mình tự rót, tự mời, độc ẩm, không biết bao nhiêu chén nữa. Rồi viết mấy câu thơ tặng Bùi Giáng. Nhưng thơ này không gửi.

TÁI NGỘ BÙI GIÁNG
(nhân chuyến thăm bất ngờ của nhà thơ họ Bùi 1987)

Đời bảo anh điên! Đâu có điên
Đường thơ anh tới cõi thần tiên
Nói cười dẫu khác người nhân thế
Bởi chẳng cùng chung một hướng duyên
Thôi, hãy cùng ta cạn chén này!
Chuyện đời đâu đáng nửa cơn say
“Trập trùng kim ốc, giai nhân mộng”*
Cũng chẳng hơn gì… hớp rượu cay.
(1987)
Mặc Thu

 

No comments:

Post a Comment