Tuesday, August 3, 2021

TƯỞNG NHỚ THI-SĨ NGUYỄN-TẤT-NHIÊN 29 NĂM TỪ-GIÃ CÕI HỒNG-TRẦN: 3 THÁNG 8, 1992 – 3 THÁNG 8, 2021.

c-giả: ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc.

 “…Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời-gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định…

(Trích trong bài: “Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng” - 1972).

Phải chăng là một điềm báo khi thi-sĩ họa bút viết bài thơ này lúc tròn 20 tuổi? 20 năm sau anh ra đi từ giã cõi hồng trần: ngày 3 tháng 8, năm 1992… Hưởng dương 40 tuổi. Và hôm nay: 3 tháng 8, năm 2021 ngày giỗ thứ 29 của Nguyễn-Tất-Nhiên đa tài - bạc mệnh; tôi có duyên may viết về anh thay cho lời tạ-ơn thống-thiết; vì thi-sĩ đã để lại cho hàng triệu nhân-sinh những bài thơ tình tuyệt-tác, những dấu ấn thời-gian không bao giờ phai nhạt của một đời người. Từ những ngày khoác áo trắng Trưng-Vương, chúng tôi đã len-lén thầy-cô truyền tay nhau trong giờ học những vần thơ:

“…Em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải
Nhớ cho mình dáng dấp một người yêu
(Lỡ dòng đời tóc có điểm muối tiêu
Còn giây phút chạnh lòng như … mới lớn)

Tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng
Người thì không bắt bóng được bao giờ
Anh muốn khóc trong buổi đầu niên học
Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng.”

(Nên Sầu Khổ Dịu Dàng – 1970)

“…Cô Bắc Kỳ nho nhỏ
tóc "demi-garc,on"
chiều đạp xe vô chợ.
mắt như trời bao dung
anh vì mê mải ngó
nên quên thù đám đông!

đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan
cửa chùa tuy rộng mở
tà đạo khó nương thân
anh đành xưng quỉ sứ
lãnh đủ ngọn dao trần!


qua giáo đường kiếm Chúa
xin được làm chiên ngoan
Chúa cười rung thánh giá
bảo: đầu ngươi có sừng !
đời chia muôn nhánh khổ
anh tận gốc gian nan…”

(Đám Đông – 1973).

 Hình chân dung Nguyễn-Tất-Nhiên.  Hình ở giữa là tranh của Đinh-Cường.

Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5, năm 1952 tại quận Đức-Tu, tỉnh Biên-Hòa. Gia-đình có bốn người con trai: Nguyễn-Hoàng-Hải (tên thật của Nguyễn-Tất-Nhiên), Nguyễn-Hoàng-Đệ (đã mất thưở nhỏ), Nguyễn-Hoàng-Nam và út: Nguyễn-Hoàng-Thi (hiện cùng Cha-Mẹ sống ở California. Hoa-Kỳ). Anh là học-sinh tại trường Ngô-Quyền từ năm 1963-1970. Biên Hòa lúc xưa có hai trường trung-học lớn: tư-thục Khiết-Tâm (của cố linh mục An-Tôn Lê-Hoàng-Yến) và trường công-lập Ngô Quyền.

 Hình Nguyễn-Tất-Nhiên (thứ hai bên trái) và các bạn học tại VN.

Theo nguồn từ Link tinmoi.vn”: tiết-lmi tình đơn-phương ca nhà thơ Nguyn-Tất-Nhiên

“… Qua kho tàng thơ Nguyễn Tất Nhiên, người ta biết đến mối tình của thi-sĩ với một cô gái tên Bùi-Thị-Duyên, dân miền Bắc vào định cư trong Nam. Tình yêu này của Hải dành cho Duyên cả trường trung học Ngô-Quyền ai cũng biết.


“…Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
nhớ dịu dàng nhưng thầm ý khoe khoang
nhớ duyên dáng, ngây thơ…mà xảo quyệt !
ta sẽ nhớ dặn lòng nên tha thiết
nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
nên hùng hổ...để đợi giờ thua thiệt !...”


Tình đơn phương hay tình dang dở khiến người ta nghĩ đến nhau nhiều. Những vần thơ đã sống cùng thời gian để rồi người con gái tên Duyên đã thành một biểu tượng và có một vị-trí rất đặc biệt trong thơ Nguyễn-Tất-Nhiên.

Bài: “Khúc Buồn Tình – Thà Như Giọt Mưa” (do Hoàng-Thi phổ nhạc sau này) thi-sĩ đã thấy “người từ trăm năm về khơi tình động”. Yêu nhưng không thể đến gần, bởi Duyên cứ cách xa... “trùng trùng gió lộng”.

Một người bạn của Nguyễn Tất Nhiên đã hỏi tại sao lại “Thà Như Giọt Mưa” thì anh trả lời hết sức cắc cớ: “Ai biểu Duyên không yêu tôi thì tôi xin làm giọt mưa... để được khô trên mặt nàng”.


“…Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên

thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
để ta nghe thoáng tiếng mưa vội đến
những giọt run run ướt ngọn lông măng
….
khiến người trăm năm đau khổ ăn năn
khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên.”


Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi-Thị-Duyên ngày nào, nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Sau này, qua lời kể của những người quen; Duyên đã nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng và tâm-sự rằng: “Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Nhưng lúc đó, tôi ngây thơ chưa nghĩ gì hết, còn Hải nghĩ gì thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ nghe nói là có ba bản chính. Một bản của Hải, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ này, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ… Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với anh ấy ngay từ đầu là mình làm bạn thôi! Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau Hải phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp nhau. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm!”… (ngưng trích).

 Âu cũng là một cơ-duyên khi tôi gặp và quen với thân-mẫu cùng bào-đệ của cố thi-sĩ là nhạc-sĩ Hoàng-Thi vào năm 1998, trong một buổi thâu hình đại nhạc hội tại Vancouver (Canada) cho “Mây Productions”. Một năm sau đó, tôi về Việt-Nam làm từ-thiện với các Soeur dòng “Nữ-Tử-Bác-Ái” (Daughter of Charity), gia-đình anh cho tôi địa-chỉ để được dịp đến thăm mộ, đốt nhang cầu-nguyện cho Nguyễn-Hoàng-Đệ (em kế Nguyễn-Tất-Nhiên) cùng ghé xem ngôi nhà xưa của cố thi-sĩ tại Biên-Hòa.

Sau hôm ấy, tôi tìm đến Nghĩa-Trang Quân-Đội để đọc kinh cầu cho linh-hồn các tử-sĩ Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa; đi giữa những hàng mộ hoang-tàn không nhan, không khói của các chiến-sĩ vô-danh.
Chợt nhớ đến bài thơ “Chiều Mệnh Danh Tổ-Quốc” của Nguyễn-Tất-Nhiên mà rơi lệ:

“Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Rạt rào hơi gió nóng
Cho đau tà áo tang
*
Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Ngập ngừng hơi xác ướp
Bay pha mùi áo nhang
*
Người yêu tôi khóc ngất
Trước quan tài sĩ quan
Trước hai chàng lính đứng
Thao diễn nghỉ lạnh lùng
*
Người yêu tôi khóc ngất
Trung úy thản nhiên cười
Lồng trong khung ảnh đẹp
Dựng sau bình bông tươi
*
Sự vinh thăng bất ngờ
Là đem theo nước mắt
Là danh dự xót xa
Là một lần đắp mặt
Một lá cờ quốc gia

Chiều quân đội nghĩa trang
Chiều mệnh danh tổ quốc
Có muôn ngàn câu kinh
Có muôn ngàn tiếng khóc
*
Có chuyến xe nhà binh
Đưa "Thiên Thần" xuống đất
Còn ai, còn ai chăng ?
Mua cờ bằng tính mệnh
*
Cho tôi đừng biết tên
Cho tôi đừng nhận diện
Cho tôi đừng chứng kiến
Xác "thiên thần" rã manh
*
Người yêu tôi khóc ngất
Chiều quân đội nghĩa trang
Vài dặm bụi lang thang ...
(1971)

 ng_tat_nhien_nghia_trang_bien_hoa-large 

Nghĩa-Trang Quân-Đội Biên-Hòa. (photo by: Bích-Ngọc năm 1998)

Rồi đến đầu tháng 8 năm 2000, ca-nhạc-sĩ Nguyễn-Hoàng-Thi, thân-mẫu anh Nhiên và tôi tổ chức một buổi đi tảo mộ Nguyễn-Tất-Nhiên tại nghĩa-trang Westminster Memorial Park, khu Little Saigon – California. Tôi còn nhớ tự tay mình đã đi mua một ly café đen đá không đường (là thức uống thi-sĩ rất thích lúc sinh thời), một bao thuốc lá và bó hoa huệ trắng đến thăm nơi an nghỉ ngàn thu của anh. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về những năm cuối đời vô cùng nghiệt-ngã, giống y hệt những lời thơ Nguyễn-Tất-Nhiên đã viết trong bài “Hai Hàng Me Đường Gia-Long” - 1973:

“Đời, vốn không nương người thất thế,
Thì thôi, ô nhục cũng là danh!”

 Xem youtube do ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc thực hiện tưởng nhớ thi-sĩ Nguyễn-Tất-Nhiên khi cá-nhân tôi làm chủ giờ phát hình Ti-Vi tiếng Việt tại California – Hoa-Kỳ: https://m.youtube.com/watch?v=qiAblsPvTyU

Tác-giả Nguyễn-Mạnh-Trinh ghi nhận rằng:

“… Cái bi thiết của một người nuôi nhiều mơ mộng nhưng thực tế lại mênh mông những bóng tối thẳm sâu. Cuộc sống như trải dài từ những nợ này đến nợ khác, để thi sĩ phải tự than thân “Ta mấy kiếp vẫn là ta mắc nợ”. Nợ tình, nợ đời, thành những câu thơ bi thiết, thành những tâm tình đầy dằn vặt thảm thê. Thơ, là nỗi niềm tràn ra từ những lời ân hận, những cấu xé của thâm tâm… Lạ lùng, thơ như trải ra trước những phận số, nói trước những bi đát trong đời Nguyễn-Tất-Nhiên. Làm thơ trong ngày sinh-nhật của người yêu sắp cưới thành vợ, sao lại có những câu như lời sám hối:


“Khổ đau oằn nặng sinh thời

yêu ai tôi chỉ có lời thở than
có môi hôn trộm vội vàng
khiến em hoảng hốt trong cơn tình đầu
nụ cười giữ được bao lâu
nhân sinh là một dòng sầu miên man
sông dài rồi cũng chia phân
tình bao nhiêu lớn cũng tàn phai thôi
tôi đam mê siết thân người
hay đâu đá tảng đeo đời trăm năm
em gầy guộc, em mong manh
em chưa đủ sức long đong cùng chàng
em ngây thơ đến rỡ ràng
em chưa đủ lượng khoan hồng thứ dung
em tội nghiệp, em tủi thân
Em chưa tự chủ kịp ngăn lệ tràn
lôi người té sấp. Gian nan
lỗi tôi, ừ đó, muôn phần lỗi tôi!”


Khi thành vợ thành chồng rồi hai người ly thân, Nguyễn-Tất-Nhiên buồn bã (vì xa vợ và hai người con trai còn thơ bé) mang đời sống tình cảm của một phận số không may… Những bài thơ của chia ly, nhớ thương và của những nỗi niềm ăn năn thống hối. Như trong bài “Minh Khúc, 90.” Nói lên những não lòng, nỗi niềm bời bời trong tim trong óc. Tôi đọc và vì nghĩ tim mình không phải là gỗ đá nên cũng thấy một phút se lòng:


“Đường không gian - đã phân ly

đường thời gian – đã một đi không về
những con đường mịt sương che
tôi vô định lái chuyến xe mù đời
cu tí ngủ gục đâu rồi?
Băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con !
Đường trăm năm - nát tan lòng
Đường ngàn năm - hận, xin đừng trả nhau!
Những con đường cuối năm nào
Cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
Khi em lễ mễ với tình
Thắp nhang tạ tội sinh thành con đi
Đường chung đôi - đã chia đời
Đường chia đôi - vẫn hơi người quẩn quanh
Chim đêm hót tiếng đau tình
Đau tim tôi chở lòng thành kiếm em.”
(Westminster, CA, 2.1.1990)

Chiếc xe, có phải là nơi chốn mà chàng thi sĩ thở hơi thở cuối cùng rồi đi vào miên-viễn. Nơi đó, trong một phút thảng thốt, nhìn lại băng sau để thấy “bời bời nhớ con”. Cũng chiếc xe ấy, đã có lúc chung đường chung đôi mà bây giờ thì chia đời … vạn dặm…


Nguyễn Tất Nhiên, muôn thuở vẫn là một người xa lạ với cuộc sống dưới đất và gần gũi với trăng sao trên trời. Và, cũng phải có một lúc, để trở về với nơi chốn thân quen, mà bất hạnh cũng nở hoa kết trái giống như hạnh phúc. Cái kinh nghiệm khổ đau của kiếp người có phải là một ấn chứng để tâm hồn vượt lên trên bão dông, để ngôn ngữ yêu nhau vẫn còn dù đã nhiều nghịch cảnh.Theo tôi, Nguyễn Tất Nhiên là một thi sĩ thực sự mang đời sống mình làm ví dụ cho một trường hợp của khoan dung và từ ái?...” (Ngưng trích).


Ngày 7 tháng 8, năm 1992. Bốn ngày sau khi Nguyễn-Tất-Nhiên tự kết thúc cõi đời  (nằm chết trong chiếc xe cũ kỹ của anh) nơi sân chùa Việt-Nam (đường Magnolia, thành-phố Garden Grove. California). Ký-giả Lily Dizon của nhật báo Los Angeles
Times đã đăng bài tường-trình trong trang tin địa-phương với nhan đề: “Popular Local Poet Nhien Tat Nguyen Dead : Obituary: His melancholic Vietnamese verse intertwined religion and romantic love. An apparent suicide ends a poor and painful life.”

 
Nguyễn-Tất-Nhiên sau những năm tháng dài lang thang như kẻ Homeless không cửa, không nhà; (trên xe anh lúc nào cũng có những bịch khoai tây sống để khi đói thì dùng). Ngày 3 tháng 8,
1992 Nguyễn-Tất-Nhiên đã tự chọn cho mình một phương cách rời bỏ loài người cùng cuộc đời ô-trọc:

“ Mỗi một người một lý lẽ bất an,

Mỗi cái chết có một hình thức khác…

29 năm rồi, chàng đã về cùng bụi cát trùng khơi, mà sao những lời thơ còn vương vấn mãi cõi dương-trần, để người đời như tôi mỗi lần nhớ tới thơ anh phải bàng-hoàng, phải thống-khổ, cảm-nhận đến tận cùng nỗi cam-chịu của một kiếp người:


Sớt Cho Ai Một Chút Buồn.

Sao Ta Không Nỡ Nên Thầm Cạn Ly”.

“…Sao thiên thu không là thiên thu?
nên những người yêu là những ngôi mồ
tôi đứng một mình trong nghĩa địa
và chắc không đành quên khổ đau!...”

(Thiên-Thu - 1970)


Những ngày lang thang trên hè phố xứ người. Tôi thấy tim mình bỗng nhớ quắt-quay; nhớ thơ tình Nguyễn-Tất-Nhiên, nhớ anh Nguyễn-Hoàng-Hải; dù chưa bao giờ được diện-kiến thi-sĩ trong đời:

 “…Cây xanh nói với lòng đường,
Mỗi khi vắng bóng ta thường nhớ nhau. . .”

Xin mượn bài thơ “Minh Khúc 9” của chính anh để tặng cho tất-cả những ai đã, đang hoặc chưa từng biết về cố thi-sĩ Nguyễn-Tất-Nhiên:

“Đong tình đong nghĩa cho nhau

Trái tim nhân loại dù sao cũng còn
Đâu đây, đâu đó bên đường
Có thêm một tấm lòng thương tấm lòng
Nợ đời trả kiếp chưa xong
Ai đem đổ biển đổ sông nợ tình
Cho nhau nhiều ít chân thành
Cũng như hương hỏa ba sinh vẫn còn
Sẻ chia khúc ruột đoạn trường
Kẻo vua Lê trách chàng Trương phũ phàng
Nợ đời trả chút văn chương
Nợ tình, ừ, trả con đường em đi
Sống không trách móc không về
Qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
Chỉ xin sợi vắn sợi dài
tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm
bữa qua qua bỗng đau lòng
nhớ hôm bậu hát bài đừng xa nhau..”

(Westminster, CA 27 tháng 4, năm 1990).

Tôi viết bài báo này hôm nay: 3 tháng 8, 2021 vì trong giấc ngủ trưa (những ngày Brisbane, Southeast Queensland bị lockdown bởi Covid 19) tôi đã nằm mộng thấy mình ôm đàn guitar hát nghêu ngao cùng nhạc-sĩ Hoàng-Thi (em anh Nhiên) bài “Tâm Hồn Anh Có Một Giòng Sông” thơ Nguyễn-Tất-Nhiên, và dường như có tiếng anh nhắc khẽ bên tai tôi: “Hôm nay ngày giỗ anh Nhiên đó Bích-Ngọc ơi!” Tôi dựt mình tỉnh giấc và ngồi ngay vào lap-top để thực-hiện bài viết này hầu kịp đăng trên SS tuần báo thứ Sáu 6, tháng 8, 2021.  Như nén hương lòng chúng tôi tưởng nhớ anh đây Nguyễn-Tất-Nhiên ơi!

 Lời bài hát: TÂM HỒN ANH CÓ MỘT GIÒNG SÔNG

(Thơ: Nguyễn-Tất-Nhiên.  Nhạc: Hoàng-Thi).

 Tâm hồn anh có một giòng sông, chảy qua nhà cô bạn chung trường.

Chiều sông dâng sóng miên man gió, bay tóc bay hồn anh mênh mông.

Tâm hồn anh có một bài thơ, ngồi đây nhìn em vẫn hững hờ.

Dù thơ anh viết không hay lắm, nhưng chứa ân tình vô bến bờ.

Thơ anh gửi theo cánh gió này, chiều chiều đơm nắng áo em bay.

Thơ không nói hết lòng thi-sĩ, để mãi còn vương luyến tiếc này.

Tâm hồn anh có một bài ca, ngày qua thở than theo phím đàn.

Dù cho anh hát không hay lắm, ru trái tim buồn đau miên-man.

Tâm hồn anh có tuổi thơ thôi, tuổi thơ đem dâng hết em rồi.

Ngày qua đêm dài đêm thức trắng, có tiếc chi nhiều cũng lỡ rồi!

Ca-Nhạc-Sĩ Bích-Ngọc.
(Viết cho ngày giỗ năm thứ 29 của cố thi-sĩ Nguyễn-Tất-Nhiên 3 tháng 8, 1992 - 3 tháng 8, 2021)

No comments:

Post a Comment