Sunisa Lee của Hoa Kỳ trong trận chung kết toàn năng nữ thể dục nghệ thuật tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020
Cộng
đồng người Hmong ở Mỹ là một cộng đồng tương đối nhỏ. So với dân số của
cộng đồng người Việt họ chỉ bằng khoảng một phần tám và có thể nói thua
kém cộng đồng người Việt ở nhiều lãnh vực, đặc biệt là trong lãnh vực
kinh tế. Trong suốt mấy thập niên qua kể từ khi tới tị nạn ở Mỹ, họ sống
khá lặng lẽ và ít khi thấy những tin tức nói về họ xuất hiện trên các
trang chính của báo chí hoặc những phương tiện truyền thông khác. Nhưng
đùng một cái, nay cả nước Mỹ biết đến họ chỉ vì một cô bé 19 tuổi có cái
tên nghe dịu dàng dễ mến: Sunisa Lee.
Có
thể nói trong các cuộc thi tại Thế vận hội, ít có môn thể thao nào được
khán giả Mỹ chú ý và theo dõi nhiều như môn thể dục dụng cụ
(gymnastic), một phần vì đây là môn thể thao có nhiều pha nhào lộn hồi
hộp gay cấn và bên cạnh đó còn mang tính nghệ thuật (có âm nhạc đệm, có
những động tác múa). Sau khi cô Sunisa giành huy chương vàng trong cuộc
thi toàn diện, cả nước Mỹ đã vui mừng hoan hỉ. Tuy nhiên, chiến thắng đó
còn đặc biệt gây được tiếng vang cho cộng đồng người Hmong nhỏ bé tại
Mỹ mà bao lâu nay họ đã bị bỏ quên.
Tuy
là một cộng đồng nhỏ bé nhưng người tị nạn Hmong biết hỗ trợ, nương tựa
và giúp đỡ nhau những khi cần đến. Trong nhiều năm qua, cộng đồng này
không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần cho Sunisa mà còn tổ chức nhiều cuộc
quyên góp để có đủ tài chánh cho cô trang trải chi phí cho các lớp huấn
luyện, tham gia trong các cuộc thi và di chuyển đây đó. Không có sự giúp
đỡ đó từ cộng đồng và với một gia đình không được khá giả như gia đình
họ Lee thì giấc mơ huy chương vàng của cô khó có thể trở thành hiện
thực.
Thể
dục dụng cụ là môn thể thao rất tốn kém. Khi còn nhỏ tập chơi ở những
lớp học địa phương thì không nói gì, nhưng nếu muốn tài năng vươn lên
tới tầm vóc quốc tế thì chắc chắn đòi hỏi phải có nhiều tiền. Một gia
đình gồm sáu người con và hai vợ chồng như gia đình của Sunisa với thu
nhập thấp thì chuyện lo đủ ăn cho ngần ấy miệng không thôi cũng đã đủ
mệt rồi thì làm sao mà có dư dả để cho con cái theo học thêm về thể dục
dụng cụ, một môn thể thao có thể nói là xa xỉ đối với giới lao động. Thế
nên, cộng đồng người Hmong đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong
việc đưa Sunisa tới thành công tột đỉnh. (Cô là nữ lực sĩ người Mỹ thứ
năm liên tiếp đã giành được huy chương vàng Thế vận hội cuộc thi thể dục
dụng cụ toàn diện.)
Cha
mẹ cô cũng là những người hỗ trợ mạnh nhất cho giấc mơ trở thành một
lực sĩ Thế vận hội môn thể dục dụng cụ của cô. Nhà nghèo không có tiền
cho con theo học những lớp huấn luyện thì ông bố John đã tự đóng lấy cho
cô một chiếc đòn ngang (balance beam) tạm thời để cô có thể tự tập
luyện ở khoảng sân phía sau nhà.
Câu
chuyện cô Sunisa Lee trở thành một lực sĩ Thế vận hội người Mỹ gốc
Hmong đầu tiên là một trường hợp hiếm hoi và hy hữu. Trong cộng đồng
người Hmong ở Mỹ, thường thì các trẻ em của họ không có ước muốn trở
thành một lực sĩ hay cầu thủ chuyên nghiệp, và thể thao chỉ được coi như
một sở thích hay trò tiêu khiển hơn là con đường sự nghiệp đưa tới
thành công. Nhưng với những thành quả vừa đạt được của Sunisa – ngoài
huy chương vàng cá nhân cô còn có thêm một huy chương bạc đồng đội và
một huy chương đồng ở các cuộc thi xà lệch (uneven bars) – thì hẳn điều
đó có lẽ đang làm thay đổi cái quan niệm cũ và thu hút sự chú ý của cộng
đồng về lãnh vực thể thao nói chung.
Người
Hmong không phải là dân tộc xa lạ gì với người Việt chúng ta. Họ là
nhóm dân tộc thiểu số sống chủ yếu tại khu vực núi non hiểm trở ở ngã ba
biên giới giữa Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ta gọi họ là dân tộc H’Mông
hay Mông, Trung Quốc gọi họ là người Miêu. Đối với người Mỹ, họ giữ một
vị trí quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ thời hiện đại. Vào thập niên
1960, giữa lúc cuộc chiến Việt Nam bắt đầu lên cao độ, cơ quan tình báo
CIA tuyển mộ được khoảng 60,000 đàn ông Hmong tại Lào để thành lập một
lực lượng quân sự, được gọi là “đội quân bí mật”, để chiến đấu cùng binh
lính Hoa Kỳ chống lại nhóm cộng sản Lào. Trong khi đó, những người ở
lại nhà đã phải chứng kiến cảnh nhà cửa, làng mạc của họ bị dội bom và
thiêu rụi, nhiều người trở nên màn trời chiếu đất. Sau đó họ còn bị
người Mỹ bỏ rơi khiến cho nhiều người phải lâm cảnh tù tội, nhiều người
khác phải bỏ trốn vào rừng.
Vào
thập niên 1970, làn sóng người tị nạn Hmong đầu tiên tới Hoa Kỳ, và
Minnesota nay là nơi có cộng đồng người Hmong lớn nhất tại nước Mỹ với
khoảng hơn 66,000 người. Nhưng tình trạng kinh tế của họ không mấy sáng
sủa, với khoảng gần 60% người Mỹ gốc Hmong được xếp vào nhóm dân có thu
nhập thấp, và theo tổ chức Asian American Advancing Justice-Los Angeles,
một nhóm trợ giúp pháp lý, cứ bốn người Hmong ở Mỹ thì có một là sống
dưới mức nghèo đói.
Sau
khi định cư ở Mỹ, giống như nhiều gia đình Việt Nam, nhiều cha mẹ người
Hmong cũng muốn con cái họ theo đuổi con đường học vấn như là cách tốt
nhất để tiến thân. Nó được xem như chiếc chìa khoá mở ra một tương lai
tốt đẹp hơn, ít ra là không phải làm lụng cực khổ như thế hệ đầu tiên
khi tới Mỹ.
Ngay
cả khi nhiều cha mẹ có thể không coi thể thao như một con đường để tiến
thân, thể thao vẫn là một phần sinh hoạt khá sinh động trong cộng đồng.
Mỗi năm cứ vào tháng Bảy, người Hmong tại thành phố St. Paul lại tổ
chức Hội chợ Tự do Quốc tế người Hmong vùng Trung Tây để triển lãm và
thi đua thể thao, nghệ thuật và âm nhạc của dân tộc Hmong thu hút được
nhiều người Hmong tụ về từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên cũng có thể
nói hội chợ này là nơi để họ duy trì và quảng bá văn hoá Hmong với thế
giới.
Hiện
nay cộng đồng Hmong đã có được một số ít lực sĩ và cầu thủ chuyên
nghiệp chơi trong các môn đá banh, đánh gôn và trượt băng, và vũ cầu
luôn là môn thể thao có nhiều học sinh Hmong chơi rất giỏi tại các
trường trung học.
Sự
thành công của Sunisa đã dọn đường cho những người trẻ trong cộng đồng
Hmong nói riêng, và trong các cộng đồng Á châu nói chung, thấy rằng để
đạt được thành công không nhất thiết là phải trở thành một bác sĩ hay
một luật sư mà hãy cứ theo đuổi giấc mơ riêng của mình, làm điều mình
yêu thích miễn đó là điều tốt, với một đòi hỏi duy nhất là phải cố gắng
hết sức mình trong việc làm đó.
Bốn
mươi năm trước khi lớp người tị nạn Hmong đến định cư ở Hoa Kỳ, không
ai dám nghĩ một dân tộc vừa rời khỏi khu rừng của họ để đi tới một chân
trời khác đầy xa lạ mà có ngày một trong những đứa con của họ đạt được
vinh quang, và không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới biết đến tên tuổi.
Sunisa Lee, đứa con của người tị nạn, đã giành huy chương cao quý nhất
của môn thể dục dụng cụ tại Thế vận hội. Cộng đồng người Hmong nên hãnh
diện về điều đó. Thành quả của Sunisa chính là kết quả từ những lời răn
dạy mà các bậc cha mẹ trong các gia đình người Hmong luôn nhắc nhở tới
con cái của họ: Ráng làm việc chăm chỉ và thành công sẽ tới. Nước Mỹ là
mảnh đất của hy vọng và bất cứ giấc mơ nào cũng có thể trở thành sự
thật.
Huy
chương vô địch của Sunisa Lee đến vào lúc khi cộng đồng người Mỹ gốc Á
đang cần một chiến thắng. Theo các tổ chức theo dõi nhân quyền, những vụ
tội ác thù hận nhắm vào người Á châu tại Mỹ tăng cao trong năm 2020, và
ông António Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã bày tỏ mối quan
ngại sâu sắc về sự gia tăng bạo lực đối với người gốc Á châu trong suốt
thời gian đại dịch.
Nhìn
thấy một lực sĩ người Mỹ gốc Á đạt được thành công và danh tiếng trên
một diễn đàn quốc tế như Thế vận hội không chỉ giúp lật đổ một định kiến
cũ cho rằng người tị nạn là gánh nặng cho nước Mỹ mà còn là cơ hội để
nhắc nhở cho người Mỹ bản xứ về những đóng góp của cộng đồng Á châu nói
chung, và cụ thể là cộng đồng người Hmong, một cộng đồng người tị nạn
tuy nhỏ nhưng nay đã có một đóng góp rất lớn.
Huy Lâm
No comments:
Post a Comment