Sunday, May 23, 2021

BUỒN VUI PHI TRƯỜNG - Dương Hùng Cường -

  

Từ sau vụ công tác Cao Nguyên, khi trở về Sàigòn, Trung thường đi chơi với Thắng. Chàng nhận thấy ở cái anh chàng thợ máy biết bay này, có nhiều thứ trái ngược. Vừa già dặn, vừa trẻ con. Vừa từng trải, vừa ngây thơ. Nghĩa là Thắng có thể ngồi nói chuyện Tam Quốc Chí với các cụ già mà còn có thể ngồi đấu chưởng với lũ lõi.

Thắng lúc nào cũng mặc một chiếc quần “Jean” màu xanh, bạc phếch. Chàng còn cầu kỳ, bôi dầu máy thành nhiều vệt dài. Đó là lối trang điểm của James Dean… Thắng có một lối lái xe Vespa bạt mạng. Trên sân đậu phi cơ, Thắng hay biểu diễn nhiều vụ “xin tí lửa” cho anh em coi. Xe đang chạy mau, chàng nghiêng cho sàn xe Vespa quẹt xuống sân. Bên phải, bên trái, bên nào cũng được. Những đống nhớt chảy trên sân, thằng nào chạy xe lên cũng té, mà Thắng chạy qua cứ phây phây.

Với số tuổi ba mươi mốt của Thắng, nhiều người kể như là đã già. Nhưng Thắng thì trái lại… Trung nhận thấy Thắng nhiều khi tinh nghịch một cách thật con nít. Thắng hơn Trung sáu tuổi. Nhưng với Thắng, Trung có thể nghiễm nhiên gọi nhau bằng “mày, tao” mà không cần đắn đo suy nghĩ. Trung thường ngồi sau Vespa của Thắng. Hai đứa chạy nhông nhông khắp Sàigòn. Thắng thường hay thích đùa dai. Tới một ngã tư đèn đỏ…Thắng len lỏi, rồi ngừng ngay đầu một đoàn xe. Đột nhiên, Thắng sang số xe. Tiếng máy xe vào số, nghe như một tiếng gõ mõ. Rồi Thắng phóng lên khi đầu đường chưa bật đèn xanh. Nghe tiếng sang số của Thắng, cả đoàn xe đứng chờ, sang số chạy theo nhưng Thắng vừa chạy đã rẽ ngay tay phải. Tiếng còi cảnh sát thổi rầm rĩ… Chạy được một quãng, Thắng bảo Trung:

– Chúng mình lại xem chúng nó bị phạt đi…

Đi chơi với Thắng, Trung bao giờ cũng được hưởng những trò vui nho nhỏ như vậy. Ít khi thấy Thắng buồn. Thắng cười luôn, nhưng Trung biết rằng Thắng đã dấu một tâm sự đau thương ghê gớm.

Thắng vừa lên Thượng-sĩ… Anh chàng có vẻ ghét thậm tệ cái lon này. Nghe có vẻ già nua quá. Nhưng biết làm thế nào, chẳng lẽ cứ mang lon cũ, rồi vài ba thằng “thối mồm” thế nào cũng tố lên cấp trên là mình bất mãn. Thắng chửi thề:

– Mẹ kiếp, cứ để ông mang lon Trung-sĩ nhất ông lại còn khoái. Mang cái lon Thượng-sĩ, chẳng ra cái mẹ gì cả!…

Trong Không Quân, cái cấp bực tuy rằng không hạn chế, nhưng theo kinh nghiệm, nó phải chạy theo cái nghề mà mình làm. Làm sĩ quan, nếu mà theo cái nghề quan sát viên, nghĩa là nghề phó nhòm, thì ít khi nào có thể lên được cái lon Thiếu-tá. Làm thợ máy, kể cả bay lẫn bò sát, ít khi nào có thể lên được cái lon Thiếu-úy. Nếu làm thợ gác cổng, thợ xét giấy tờ ông đi qua bà đi lại, thì ít khi nào lên được tới cái lon Thượng-sĩ.

Ở trong Không Quân, những thằng có kinh nghiệm một chút, thì thế nào cũng hiểu ngầm cái giá biểu đã định. Không cần như các hiệu buôn phải treo bảng “bán theo giá đã ghi”. Đôi khi cũng có một vài vụ giá lên quá bảng ấn định nhưng mà giá đó là giá chợ đen thì kể đến làm cái…mẹ gì.

Một điều đáng ngạc nhiên cho Trung nữa, là Thắng có bằng Tú-tài I từ năm 1952. Ngày đó chàng mới học lớp….nhất. Thời gian qua đi mười mấy năm mà Thắng không thi nốt cái bằng Tú-tài bỏ dở. Trung mang cái thắc mắc ấy ra hỏi Thắng. Thắng cười hề hề:

– Tính tao vốn lười…Có cái bằng Tú-tài, lúc giải ngũ ra, với cái tính lười của tao, thế nào tao cũng làm đơn xin đi làm công chức. Mà làm công chức thì eo ôi chán lắm. Với lại, tao cũng sợ mang tiếng là thi đậu “Tú-tài võ”.

Những thằng tàu bay thường mang nặng nhiều mặc cảm. Khi khai vào lý lịch có bằng tú-tài, thế nào chúng nó cũng xúm lại hỏi:

– Tú-tài văn hay Tú-tài võ?…

Tú-tài văn là bằng Tú-tài thi đậu khi còn ở ngoài “xi-vin”. Có nhiều thằng ở ngoài “xi-vin” thi hoài thi hủy, mà không sao đậu nổi cái Tú-tài. Kỳ nào cũng chỉ thiếu có vài ba điểm. Tức mình, chúng nó vào lính tàu bay. Mặc quần áo ka-ki, đi thi được vớt tới hơn một chục điểm. Thi đậu là cứ phăng phăng. Bởi vậy, danh từ Tú-tài võ ra đời.

Trung cũng vừa lên cấp bậc. Từ tạm thời lên thực thụ. Cái lon mới cũng chẳng khác gì cái lon cũ nên chẳng mất tiền mua lon. Lương cũng chẳng thêm được đồng nào. Chỉ có cái thiệt trước mắt là mất tiền cho tụi bạn uống một bữa. Tính sơ sơ có một ngàn đồng. “Một ngàn đồng bạc Đông Dương”. Chúng nó hay gọi như vậy, để tỏ ra mình là con người quốc tế, tiêu nhiều thứ tiền, tuy rằng thằng nào cũng thích ăn…thịt chó.

Những buổi chiều, khi đèn Sàigòn vừa bật sáng, Thắng và Trung hay lang thang trên đường Tự Do. Đôi khi, hai đứa tạt vào thăm mấy cái snack bar, tìm mấy chị me Tây già, còn sót lại của cái thời “săng-đá”, đấu tiếng Tây bồi. Những giờ phút đó, Thắng nhớ tới cái trường thợ máy Rochefort, rộng mênh mông, con đường 14 juillet dài sâu hun hút.

Mùa đông miền Charente-Maritimes không lạnh lắm nhưng cũng đủ làm cóng đôi chân. Thắng mặc áo sơ-mi màu xanh thợ máy, cả tháng không thèm thay. Khi nào thấy cái cổ áo bẩn, thì lại mặt lộn ngược trở lại. Thắt cái cà-vạt, khoác thêm cái áo ngoài, lại vẫn “đẹp mắt” như thường. Cái con người của Thắng ở bên Tây thật là bẩn thỉu. Khi rời xa trường Rochefort, Thắng bùi ngùi nhớ Rue des Mousses, nhớ Eden, nhớ ba số 1, nơi có những nàng kiều nữ tóc vàng mắt xanh, 1.500 quan có thể gần nhau một lúc mà nếu gạ được em mang về cái xứ nước mắm này cũng vẫn le như thường.

Thắng xoay ly rượu nhìn vào tận đáy ly. Những buổi chiều thứ bảy, cầm tích-kê, đứng nối đuôi nhau sau mấy cô đầm non hôi nách, chờ tắm nước nóng. Căn phòng đợi bốc hơi như sương mù, làm ẩm ướt chiếc áo dạ. Ngoài trời, những cành cây khô rung rung, theo từng cơn gió heo hút. Khi có một phòng trống, mụ đầm già dài mồm ra gọi:

– Le suivant!….

Cái đuôi người lại nhích thêm được một tí. Le suivant! Le suivant!…Tiếng mụ đầm già ám ảnh Thắng như tiếng gọi văng vẳng vọng về dưới đáy ly rượu tám chục đồng. Thắng chợt tỉnh, khi Trung hỏi:

– Mày nghĩ gì vậy?….

Thắng mỉm cười:

– Tao nghĩ đến con Jacqueline, con bé bán táo ở đường 14 juillet…Mày biết thằng Hưng không? Nó gạ được em. Em dắt nó về nhà. Không biết nó tán tỉnh làm sao mà ngủ được với em, ngủ cả được với em sến của nhà em….Thật là một kỳ tài.

Thắng kể chuyện và cười vang thích thú, bất chấp những chàng lính Mỹ, ngồi trong quán trố mắt ngạc nhiên. Trung nghĩ đến bà Thừa, nghĩ đến Cúc. Cả hai mẹ con nhà ở đầu ngõ nhà chàng, đều để ý đến chàng. Cô con gái của bà – cô Cúc mê tiểu thuyết kiếm hiệp, cũng chỉ chờ chàng mở một câu là sẵn sàng tung hê tất cả. Nhiều khi chàng nghĩ mình cũng nên khai thác cái mỏ “lẳng lơ có nòi” này. Nhưng chàng muốn trung thành với mối tình của Thủy. Chàng thở dài, gọi thêm hai ly rượu. Vài cô bạn già, cầm ví tay, bắt tay Thắng và Trung:

– Ô voa Thắng…ô voa!…

Các cô già làm ban ngày đã hết giờ. Bắt đầu cho những cô trẻ làm việc buổi tối. Thắng và Trung cùng nghĩ tới đời lính, những phiên trực, gác. Cũng chia tay lạnh lùng như ở đây, khi đổi phiên…Chỉ khác có sự bàn giao, vài ba cuốn sổ, vài dòng chữ ngoằn ngoèo ghi vội. RAS. Rien à signaler. Phút cuối của một người là phút đầu của một người. Tiếng thì thầm của vài ba cô con gái, như chìm vào trong cái chán nản lan ra mãi. Thắng uống ly rượu hết một hơi, quơ tay cầm lấy mấy cái bông:

– Đi thôi mày!

Vỉa hè Sàigòn còn ướt nước mưa. Qua La Pagode, những khuôn mặt quen thuộc đến nhàm chán. Sàigòn chỉ có thế, chỉ có thế! Thắng lại nghe Trung thở dài:

– Sao mày không lấy vợ đi? Với cái tuổi hơn ba mươi của mày, đủ tư cách để lấy vợ lắm rồi.

Thắng thở một hơi thuốc lá:

– Tao chờ.

– Chờ cái gì? Chờ chồng của người yêu chết?…

– Không! Tao chờ một quy chế đủ bảo đảm cho vợ tao khi tao ngỏm.

Tự nhiên, Trung nghĩ đến một câu trong Chinh Phụ Ngâm. “Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân”. Ôi! Những người lính đã trót mang tiếng hào hoa như chàng, như Thắng, khi gục ngã, bao giờ cũng nghĩ tới tương lai của vợ, con.

Lòng Trung thấy buồn một cách lạ. Vợ của những người lính. Con của những người lính. Cái thảm cảnh của xã hội, liên quan đến Trung, đến Thắng, đến tất cả các chiến hữu ở khắp các chiến trường, tất cả như một nét đen thẫm kéo dài như một chữ thập chéo của một hoạ sĩ khi bất mãn với tác phẩm của chính mình.

Khi mà chồng gục ngã nơi chiến trường, cái bi thảm của những người vợ với tương lai mua vui cho thiên hạ. Những đứa con, lang thang ngoài đường phố, lấy những trái me ở những con đường vắng, lấy cá của sông Sàigòn làm cơm. Và cái đầu đường chờ đợi của những người đó là cái gì? Phải chăng là một cái nhà tù, một cái giường trong nhà thương thí.

Trung có một người bạn làm quận trưởng. Anh bị Việt Cộng giết trong một vụ phục kích. Rồi một ngày đi du hí, Trung gặp vợ bạn trong một dancing, trong cái không khí đầy khói thuốc lá, nước hoa và rượu mạnh. Trung gọi vợ bạn bằng chị mà không dám hỏi thăm về chuyện gia đình vì gặp “chị” ở đây, đã đoán hiểu cái tình cảnh phải bi thảm quá lắm rồi. Chung quanh Trung, những thằng oắt con, những ông già lụ khụ, gọi tên chị, lôi kéo chị, gọi chị bằng em…

Thắng và Trung đã lang thang đến bờ sông. Gió lạnh ban đêm làm hai người tỉnh hẳn. Trên trời, mây đen đã tan dần…Vài ngôi sao hiện ra như những đôi mắt u oán, những đôi mắt của những người chiến sĩ đã gục ngã, đôi mắt của anh Đại-úy Quận-trưởng, hằn học nhìn xuống, nhìn những bước chân trên sàn nhảy đã dẫm nát những hy sinh mà anh đã trọn vẹn dâng hiến cho non sông xứ sở.

Giọng Thắng mơ hồ:

– Lấy vợ! Có lẽ cũng đến phải lấy vợ. Bây giờ tao mới hiểu, tại sao những thằng tàu bay thích lấy vợ cô giáo. Tao cứ tưởng là một phong trào, một cái gì thuộc về vấn đề thời trang…Thủy của mày vẫn còn đi dạy học đấy chứ?

Trung gật đầu, thẫn thờ:

– Ước mong sao những thảm cảnh của vợ con lính chỉ là một cảnh “mưa bóng mây”.

Thắng rùng mình. Gió đêm từ bờ sông lành lạnh. Chàng bảo Trung đi về. Hai người đi trở về chỗ gửi xe ở phía cuối đường. Những chuyện buồn thường khắc vào con người những nét hằn sâu lên khuôn mặt. Vài tháng trước đây, Biệt-đoàn của chàng có tổ chức một chiến dịch để quyên tiền giúp gia đình một người bạn chiến dịch Nguyễn Thế Tế.

Biệt-đoàn những người áo đen, những người bạn thật thương yêu nhau, đưa cái công việc quyên tiền giúp một gia đình lên ngang hàng một chiến dịch. Thắng là đại diện của hạ sĩ quan nên theo chân “phái đoàn” ra nhà của Tế. Thắng nhớ rõ cả ngày tháng, ngày mùng ba tháng sáu. Bà mẹ của Tế khóc sướt mướt, kể lể về dự tính cưới vợ cho ông con trai. Người chị và người em gái, nước mắt ngập ngừng trên mi, hỏi ông Chỉ-huy trưởng:

– Thiếu-tá có biết tin gì về em nó không ạ?…

Chuẩn-úy Nguyễn Thế Tế được ghi là mất tích ngày 22-4-1965, trong một phi vụ Bắc phạt. Cha anh lại vừa mới mất. Cả gia đình, bây giờ chỉ trông cậy vào người con rể, chồng của người chị, hiện đang đồn trú tại một đơn vị thật xa Sàigòn. Thỉnh thoảng, “anh về với em rồi anh lại đi”… Tình cảnh thật đáng thương.

Số tiền quyên được là bốn mươi chín ngàn hai trăm đồng, chưa kể Phi-đội Trực-thăng thuộc Biệt-đoàn đang công tác tại Nha Trang. Đặc biệt là các bạn phi công cố vấn Hoa Kỳ tại Biệt-đoàn. Họ cũng đóng góp theo cấp bậc và còn tính đóng nhiều hơn, vì họ giàu. Nhưng những anh em trong Biệt-đoàn không muốn như vậy. Ông Thiếu-tá Chỉ-huy trưởng, còn rất trẻ, tâm sự nhỏ với Thắng:

– Tôi mà chết, tôi cũng chỉ mong anh em đóng góp cho gia đình tôi số tiền năm chục ngàn đồng.

Những người bạn cùng sống, chết với nhau, thật thương nhau. Nhưng sự giúp đỡ ấy tồn tại được bao nhiêu lâu? Một năm, hai năm?… Cuộc đời của con người đâu chỉ thu gọn ở một năm, hai năm?… Người lính hào hoa, cái tiếng nghe sao như một lời mỉa mai cay nghiệt.

Ngoài phố, lại có lộn xộn. Khu chợ Ông Tạ, biểu ngữ phản đối chính phủ giăng trắng xóa ngang đường. Phái đoàn theo ông Chỉ-huy trưởng ra nhà Chuẩn-úy Tế. Trước khi đi, ông còn dặn ở nhà:

– Báo động cho Biệt-đoàn ngay đi… Coi chừng không chúng nó lại chiếm được biệt đoàn. Máy bay sẵn sàng tất cả nhé. Chúng nó mà đảo chính thì bay lên “khện” cho chúng nó một trận.

Thời nầy, thật là nhiều cái lo. Có nhiều lúc, người ta quên kẻ thù Cộng sản . Đường đi vào nhà Chuẩn-uý Tế lầy lội, nhiều vũng bùn đục ngầu, quyện chặt bánh xe Jeep.

– Đời thằng phi công An-nam thật khổ… Chắc là hồi trước, chiều nào thằng Tế cũng phóng xe -xô-lếch về cái ngõ này…

Thắng theo mọi người vào một căn nhà có giàn hoa giấy. Con nít đông đặc ngoài cửa, xúm lại để xem mấy ông nhà binh. Bà cụ già, mẹ của Tế, ôm cháu ngoại trên tay, nhớ đứa con trai. Nếu còn ở gần, năm nay cụ sẽ cưới vợ cho con, sang năm chắc sẽ có cháu nội…

– Ối con ơi là con ơi!…

Thắng cắn chặt lấy môi dưới. Trong người của Thắng như có một cái gì trống lên ngực. Tất cả xúm lại an ủi bà mẹ. Viễn ảnh của một ngày xa xôi, có một cuộc trao đổi tù binh.

Tự nhiên Thắng nghĩ đến bài học khi còn ở lớp nhất “Làm người ai cũng phải có hy vọng”… Cái hy vọng của bà cụ già gần đất xa trời sao mà nó mong manh! Cái cảnh tre khóc măng, như cái cằn cỗi thương tiếc cho màu xanh. Không biết bà cụ già có còn sống để chờ đợi và lấy vợ cho con?…Nét mặt của người chị, mắt nhìn không chớp, vừa lo cho em, vừa lo cho chồng… Người em gái còn thật trẻ, tự hỏi biết đến bao giờ thì anh về…

– Thưa cụ và bà, trước anh Tế, còn có các anh Thiếu-tá Chẩn và Đại-úy Huề. Chúng ta đành chờ tới cái ngày trao đổi tù binh.

Người mẹ lại oà lên khóc…

Thắng cứ bị mãi cái ám ảnh đó. Những bước chân nặng nề, vang trên đường lạc lõng, Trung vẫn còn đi bên cạnh Thắng đây. Mới chín giờ tối, đường Sàigòn đã vắng. Thắng lấy xe đưa Trung về nhà. Thắng thả Trung xuống ở đầu ngõ. Trong căn nhà của Cúc, văng vẳng tiếng cười đùa, tiếng cười của những người con gái….Trung bước qua vũng ánh sáng hắt ra từ khung cửa sổ, rồi lẫn vào ánh đèn đường heo hút….

Dương Hùng Cường

 

No comments:

Post a Comment