Vào
lúc 6:30 chiều ngày 10 tháng 7 năm 2010, Hội USS Kirk FF 1087
Association đã tổ chức một buổi hội ngộ các cựu thủy thủ, hội viên và
thân hữu tại Waterford at Springfield 6715 Commerce St, Springfield VA
22150.
Buổi dạ tiêc hội ngộ quy tụ gần 300 người, trong đó có một số người Mỹ gốc Việt tị nạn CS.
Bên cạnh sự họp mặt để cùng nhau hàn huyên tâm sự, mục đích chính của buổi hội ngộ là
trình chiếu cuốn phim The Lucky Few, mô tả lại việc chiến hạm USS Kirk,
một trong những chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội tham dự vào công cuộc
cứu người Việt Nam tị nạn vượt biển Đông vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, khi Sàigon thất thủ và miền Nam lọt vào tay cộng sản.
Nghi
thức khai mạc buổi hội ngộ đã diễn ra rất trang trọng với phần trình
diễn của Ban Quân Nhạc Hải Quân Hoa Kỳ, tiếp theo là lễ chào quốc kỳ
Hiệp Chủng Quốc với Toán Thủ Quốc Kỳ của Bộ Hải Quân và bài Quốc Ca do
Thiếu Tá Không Quân Hoa Kỳ Phi-Anh Bui Lutz trình bày.***
Cách
đây 35 năm, Thiếu Tá Không Quân Phi-Anh Bui Lutz là một cô bé tị nạn 18
tháng có mặt trên chiến hạm HQ 3, sau đó được chuyển qua chiến hạm HQ
14 trong đoàn tàu của Hải Quân Việt Nam đã được Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ
bảo vệ trong chuyến hải hành 5 ngày từ Côn Sơn đến Subic Bay, Phi Luật
Tân.
Trước
khi The Lucky Few được trình chiếu, Phó Đề Đốc Adam M. Robinson Jr.,
Bộ Trưởng Y Tế Hải Quân đã trình bày lý do Bộ Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện
cuốn phim USS Kirk cứu người tị nạn và ông nói rằng tự cuốn phim sẽ nói
lên tất cả.
Đây
là một cuốn phim tài liệu lịch sử dài một tiếng đồng hồ được thực hiện
bởi Đạo Diễn Jan Herman. Ông Jan Herman là sử gia của cơ quan Y Tế Hải
Quân, Phòng Y Khoa và Giải Phẫu và là Phụ Tá Đặc Biệt của Bộ Trưởng Y Tế
Hải Quân Hoa Kỳ.
Sau đây là tóm lược nội dung cuốn phim:
Phi
trường Tân Sơn Nhất bị VC tấn công vào lúc 4 giờ sáng ngày 28 tháng 4
năm 1975, báo hiệu sự thất thủ của Sàigòn. Phi đạo Tân Sơn Nhất không
thể sử dụng để tiếp tục di tản người Mỹ và người Việt Nam tị nạn. Lúc ấy
USS Kirk do HạmTrưởng Paul Jacobs chỉ huy cùng với các chiến hạm khác
thuộc Đệ Thất Hạm Đội đang ở ngoài khơi Vũng Tàu và Task Force 76 được
thành hình gồm 18 chiến hạm do USS Blue Ridge làm Soái Hạm để điều hành
chiến dịch Operation Frequent Wind, sử dụng trực thăng để di tản người
Mỹ và người Việt tị nạn vào hai ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Sau
khi tín hiệu tiếp nhận các trực thăng bằng tiếng Việt được truyền đi từ
USS Kirk, thì chỉ 20 phút sau, USS Kirk đón nhận chiếc trực thăng chở
người tị nạn đầu tiên đáp xuống sàn bay nhỏ bé của mình vào lúc 10 giờ
sáng ngày 29-4-75.
Liên
tục trong ngày 29/4, USS Kirk tiếp đón tổng cộng 13 chiếc trực thăng
của Không Quân Việt Nam, gồm 12 chiếc Huey và 1 chiếc Shinook.
Lần
lượt, các trực thăng Huey đã bị đẩy xuống biển sau khi đáp để lấy chỗ
cho các chiếc kế tiếp. Riêng chiếc Shinook vì quá to không thể đáp được,
nên viên phi công là Thiếu Tá Nguyễn Văn Ba phải quần trên sàn bay với
một độ cao an toàn đủ để phi công phụ và vợ con của ông nhảy xuống.
Những người nhảy xuống được nhân viên của USS Kirk chực sẵn ở dưới sàn
tàu đón đỡ an toàn. Sau đó, phi công Nguyễn Văn Ba bay ra khỏi chiến hạm
và nhảy ra khỏi chiếc Shinook, bơi ra khỏi vùng nguy hiểm của chiếc
trực thăng đang chìm xuống biển và được tàu nhỏ của Kirk vớt lên.
Diễn
tiến việc tiếp cứu chiếc Shinook đã được diễn tả lại, với phần phỏng
vấn người con trai lớn của ông Nguyễn Văn Ba là Miki Nguyễn và bà Nguyễn
Thị Nho, vợ của phi công Nguyễn Văn Ba. Riêng ông Nguyễn Văn Ba thì bị
bệnh lãng trí từ 4 năm nay.
Đến
trưa ngày 30-4-75, tất cả những người tị nạn trên USS Kirk được chuyển
qua USS Green Port để đến một chiến hạm lớn hơn. Đến lúc ấy thì không
còn người tị nạn nào trên USS Kirk nữa.
Vào
lúc 9:30 tối ngày 30-4, Hạm Trưởng Paul Jacobs nhận được lệnh từ Bộ Chỉ
Huy Task Force 76, theo Soái Hạm Blue Rigde để cứu giúp các thường dân
tị nạn trên các tàu Hải Quân Việt Nam. USS Kirk rời Vũng Tàu để đến đảo
Côn Sơn.
Khi
đến nơi, thì đã có 39 chiến hạm chở trên 31 ngàn người tị nạn đang tập
trung tại đây. Các chiến hạm VNCH đã tập trung tại Côn Sơn sau khi rời
khỏi sông Sàigòn vào chiều ngày 29-4 theo kế hoạch triệt thoái đã được
bàn thảo trực tiếp giữa ông Richard Armitage, đại diện Bộ Quốc Phòng Hoa
Kỳ và Đại Tá Đỗ Kiểm, đại diện của Hải Quân Việt Nam. Kế hoạch triệt
thoái nhẳm bảo vệ toàn bộ chiến hạm của Hải Quân VNCH không để lọt vào
tay cộng sản khi Sàigòn thất thủ và Côn Sơn được chọn làm địa điểm tập
trung.
Ngoài
vấn đề cung cấp thực phẩm, thuốc men, Task Force của Đệ Thất Hạm Đội
còn phải lo đối phó và bảo vệ cho đoàn tàu tị nạn nếu bị CS tấn công,
nhưng trường hợp này đã không xảy ra, và Task Force 76 chỉ còn chú trọng
vào việc đưa đoàn tàu tị nạn rời khỏi hải phận Việt Nam để đến Phi Luật
Tân.
Nhiệm vụ của USS Kirk trong lúc này là tiếp nhận, phân phối thực phẩm, thuốc men và cung cấp các nhân viên y tế đến các chiến hạm đang chở dân tị nạn của Hải Quân VNCH.
Thực
phẩm phần lớn là gạo, và các loại thuốc men thông dụng, sữa và ngay cả
tả lót được thả xuống bằng phi cơ hoặc bằng những chuyến tàu được
chuyển vận đến USS Kirk.
Với
những chiếc tàu nhỏ , công việc phân phối thực phẩm, thuốc men vô cùng
bận rộn và được diễn ra liên tục trong chuyền hải hành kéo dài 5 ngày.
Đặc biệt, trong 5 ngày này, biển êm sóng lặng, phải nói là Trời thương,
vì nếu biển động, thì với con số 31 ngàn người lâm vào tình trạng say
sóng, tình hình sẽ rất bi đát.
Ngoài
những nhiệm vụ kể trên, USS Kirk còn có một nhiệm vụ đặc biệt là chăm
sóc các phụ nữ mang thai. Đây là sáng kiến của Hạm Trưởng Paul Jacobs.
Ông muốn tập trung tất cả những phụ nữ mang thai đến cùng một chỗ để
tiện việc chăm sóc thay vì để họ ở rải rác trên các chiến hạm. Ông cho
một tàu nhỏ đi khắp nơi tìm các phụ nữ mang thai để đem về USS Kirk. Một
thông dịch viên là ông Joseph Phạm (Phạm Xuân Vinh) đã đóng góp đắc lực
trong việc thông ngôn cho các bà bầu, và vợ ông Vinh cũng đang mang
thai.
Bà
Lan Trần , một trong những người phụ nữ mang thai được tập trung trên
chiến hạm USS Kirk đã kể lại những kỷ niệm của bà và ngỏ lời cám ơn sự
chăm sóc chu đáo mà thủy thủ đoàn của USS Kirk đã dành cho bà cũng như
các phụ nữ khác.
Riêng
Hạm Trưởng Paul Jacobs, ông mong muốn ít nhất phải có một em bé sinh ra
trên chiến hạm của ông, để em bé đó được đặt tên là Kirk. Nhưng mong
ước của ông không thành vì không có em bé nào được sinh ra trong thời
gian này. Ngược lại, một chuyện đáng buồn đã xảy ra: một em bé trai 10
tuổi bị bệnh sưng phổi, mặc dù được chữa khỏi nhưng em đã chết và phải
thủy táng.
Tuy
nhiên, ông Jacobs và chiến hạm USS Kirk vẫn có được một em bé mang tên
Kirk, đó là Nguyễn Trần Kirk Giáng Tiên, con gái của bà Lan Trần. Theo
lời của bà Lan Trần, mặc dù em Giáng Tiên không sinh ra trên chiến hạm
Kirk, nhưng để ghi nhớ và tri ân sự tử tế của ông Hạm Trưởng cũng như
thủy thủ đoàn, bà đã lấy Kirk để làm tên lót ( middle name ) cho con gái
của bà.
Vào
ngày Thứ Hai 5-5-75, khi đoàn tàu tiến vào hải phận Phi Luật Tân thì
một “ khủng hoảng ngoại giao" xảy tới. Nguyên nhân là chính phủ Phi Luật
Tân đã công nhận CSVN, và CSVN không chấp nhận cuộc đào tị của đoàn tàu
Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa nên yêu cầu chính phủ Phi Luật Tân phải
giao trả đoàn tàu VNCH cho họ.
Ngay
lập tức các cuộc trao đổi đã diễn ra liên tục giữa Đệ Thất Hạm Đội, Toà
Đại Sứ Hoa Kỳ tại Manilla, Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng tại Hoa Thịnh
Đốn. Cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận: nguyên các chiến hạm Việt Nam
Cộng Hòa là của Hoa Kỳ nên sẽ được giao trả lại cho Hoa Kỳ, các chiến
hạm sẽ được giải giới, sĩ quan Hoa Kỳ sẽ chỉ huy các chiến hạm , quốc kỳ
VNCH sẽ được thay thế bằng quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc và các chiến hạm này
sẽ vào Subic Bay với tư cách là chiến hạm của Hoa Kỳ.
Sau 10 giờ sáng ngày 6-5-75, việc giao trả các chiến hạm cho Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành. 39
thành viên của USS Kirk gồm 9 Sĩ Quan và 30 Hạ Sĩ Quan đã đến các
chiến hạm VNCH để tiếp nhận. Tất cả vũ khí trên các chiến hạm bị vất hết
xuống biển. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà được thay thế bằng quốc kỳ Hiệp
Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Khi
những Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan của USS Kirk bước lên các chiến hạm VNCH
để tiếp nhận và cho biết sẽ hạ cờ VNCH xuống, thì đây là giây phút đau
buồn nhất. Những người tị nạn đã mất tất cả, kể cả quốc gia của mình. Họ
mong muốn lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ, lá quốc kỳ mà họ đã đổ máu ra
để bảo vệ phải được hạ xuống bằng một nghi thức trang trọng. Nghi thức
này là một niềm an ủi và giữ thể diện cho họ.
Lần
lượt, các chiến hạm VNCH đã làm lễ hạ kỳ với nghi thức trang trọng đó.
Khi bài quốc ca được cất lên, thì quốc kỳ VNCH cũng từ từ hạ xuống trong
niềm đau và trong nước mắt. Sau đó, quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được
kéo lên trong im lặng.
Trong
phim có một số hình ảnh ghi lại giây phút ấy, trong đó có hình Lễ Hạ Kỳ
VNCH trên chiến hạm Vạn Kiếp HQ 14 và Hạm Trưởng HQ 14 Phạm Thành bắt
tay Hải Quân Trung Uý Donald A. Swain sau khi quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc
được kéo lên kỳ đài của của HQ 14.
Thủ tục giao trả các chiến hạm cho Hoa Kỳ hoàn tất trong ngày 6-5-75.
Vào
lúc 12:27 trưa ngày 7-5-75, phi cơ của Phi Luật Tân bay ở phía trên
đoàn tàu để xác định căn cước của các chiến hạm đang tiến vào Subic Bay.
Và vào lúc 3 giờ chiều, USS Kirk cùng đoàn tàu vào đến vịnh Subic.
Phần
cuối phim là 35 năm sau, với những hồi tưởng của Hạm Trưởng và Thủy Thủ
Đoàn USS Kirk, những người đã tham dự vào công cuộc cứu người tị nạn
Việt Nam tại Biển Đông vào cuối tháng 4 năm 1975 trong chiến dịch
Operation Frequent Wind do Task Force 76 thuộc Đệ Thất Hạm Đội phụ
trách. Đặc biệt là những hồi tưởng với lòng tri ân của một số người Mỹ
gốc Việt tị nạn may mắn, “ The Lucky Few”, đã được chiến hạm USS Kirk
nói riêng và các chiến hạm trong Task Force 76 nói chung cứu vớt và
giúp đỡ họ.
Trong
Special Acknowledgments ở phần cuối phim, có ghi tên những người Mỹ gốc
Việt đã đóng góp trong việc thực hiện cuốn phim, trong đó có Duong
Liem Bui, Thu Nga Do, Thanh Pham, Fa Cung Hoang, Tuan Sy, Ngoc Anh, Tri
Minh Ngo, Chau Ngoc Nguyen, Trung Quang Dinh, và Tu Tin Nguyen. ( Bùi
Dương Liêm, Đỗ Thu Nga, Phạm Thành, Hoàng Cung Fa, Sỹ Tuấn, Anh Ngọc,
Ngô Minh Trí, Nguyễn Ngọc Châu, Đinh Quang Trung và Nguyễn Tự Tín)
Cuốn
phim kết thúc trong niềm cảm xúc, nhiều người đã thấm nước mắt. Mọi
người đứng lên vỗ tay nhiều lần để tán thưởng và cám ơn sử gia Jan
Herman, nhà đạo diễn tài ba đã thực hiện cuốn phim lịch sử The Lucky
Few.
Nguyễn Thị Bé Bảy.
Tháng 7 năm 2010
*** Chú thích: Thiếu Tá Phi-Anh Bui Lutz là con gái của 2 quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bùi Dương Liêm và Nguyễn Thị Bé Bảy
No comments:
Post a Comment