Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Ngày 7/4/2014, tôi đặt chân tới Thủ đô Washington của Hoa Kỳ, sau một chuyến bay dài đưa tôi ra khỏi Trại giam số 5 ở Thanh Hóa, nơi tôi bị giam suốt 3 năm rưỡi với bản án 7 năm tù do bị kết “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngay sau đó, tôi được nhập học tại Viện Quốc Gia Phát Triển Dân Chủ (National Endownment for Democracy - NED) cho dù tiếng Anh của tôi lúc đó chỉ ở mức ABC. Tuy nhiên, nhờ có tiếng Pháp mà tôi thông thạo, tôi cũng đã xoay xỏa được với ngôn ngữ của Washington và Lincoln để rồi 8 tháng sau, ngày 11/12/2014, tôi thuyết trình về đề tài “Thực hiện nhân quyền để dân chủ hóa Việt Nam” (Implementing Human Rights as a Path to Democracy in Vietnam) tại NED.
Trong số những người đến chúc mừng tôi sau thuyết trình, có một phụ nữ nhỏ nhắn, điềm đạm, tự giới thiệu là Jackie Bông và đề nghị chụp ảnh cùng tôi và vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà. Lúc đó có ai đó nói: “Chị Jackie Bông nguyên là phu nhân của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người bị Việt Cộng ám sát khi sắp làm Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa”. Thực tình lúc đó tôi không chú ý tới chi tiết này, không chỉ vì phía trước tôi là cả một thách thức to lớn đặt ra cho bất cứ nhà hoạt động lưu vong nào mà còn vì tôi chưa bao giờ nghe tên của Giáo sư Bông. Thực vậy, sau 30/4/1975, các tài liệu chính thức về chiến tranh Việt Nam chỉ nhắc tới các lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa tại nhiệm, dù chỉ vài ngày như Vũ Văn Mẫu hay Nguyễn Xuân Oánh.
Sau này, thỉnh thoảng tôi lại gặp bà tại các cuộc họp của cộng đồng Việt Nam hay hội thảo về Việt Nam. Mùa thu năm ngoái, nhân danh tổ chức “Họp mặt dân chủ” (The Assembly for Democracy in Vietnam -ADVN) bà mời tôi dự Hội thảo có tên “Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam” (Vietnam War Revisited). Tôi đã dự Hội thảo và thấy rằng Jackie Bông là một phụ nữ năng nổ và có tài tổ chức, điều này khiến tôi bắt đầu tò mò về người chồng quá cố của bà, Giáo sư Nguyễn Văn Bông. Cuối tháng 10 vừa qua, khi mùa thu đã nhuộm vàng cả vùng Thủ đô Washington, Jackie Bông mời vợ chồng chúng tôi điểm tâm tại Phở 95 ở Van Dorn Plaza và sau đó mời chúng tôi về thăm nhà bà.
Đó là một căn hộ sang trọng tại tầng 15 Chung cư Watergate. Trong nhà treo ảnh gia đình Jackie Bông hồi bà còn nhỏ, ảnh gia đình chồng bà, Lacy Wright, ảnh cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa, Ellsworth Bunker, đang khoác tay cô dâu Jackie Bông chụp năm 1976... Đặc biệt, có vài tủ gỗ quý kiểu cổ mang từ Việt Nam sang mà tôi rất mê. Bà nói tên bà là Thu Vân, Jackie Bông Wright là tên bà có sau khi tái giá, nhưng mọi người gọi ngắn lại là Jackie Bông. Tặng vợ chồng tôi cuốn hồi ký “Mây Mùa Thu” (Capital Books xuất bản 2002), bà giải thích: “Mây Mùa Thu, tức Thu Vân đấy. Cuốn này cũng đã được xuất bản bằng tiếng Anh vẫn với cái tên này, “Autumn Cloud”. Bà còn cho tôi mượn cuốn “Giáo sư Nguyễn Văn Bông – Di cảo (Nguyễn Ngọc Huy Foundation – Mekong-Tỵnạn xuất bản 2009) và nói đây là bản duy nhất bà còn.
Jackie Bông nói tôi khi nào đọc xong hai cuốn sách này mà cần hỏi thêm về Giáo sư Bông thì bà sẽ giải đáp. Lẽ tất nhiên tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Ngoài ra, ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng nhiệt tình cung cấp cho tôi một số thông tin liên quan Giáo sư Bông. Vậy là tôi đã có những phương tiện cơ bản trong tay để làm một nghiên cứu nhỏ về nhân-vật-bị-ám-sát-khi-sắp-làm-Thủ-tướng nhân 48 năm ngày ông qua đời (10/11/1971 – 10/11/2019).
Việt Nam hóa chiến tranh
Điều đáng chú ý đầu tiên là vụ ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization).
Chính thức thì cái tên “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguồn gốc từ "Phi Mỹ hóa chiến tranh" (De-Americanization) chỉ xuất hiện sau khi Richard Nixon vào Nhà Trắng với "Học thuyết Nixon", học thuyết này dựa trên chiến lược "Răn đe thực tế" thay cho chiến lược "Phản ứng linh hoạt" của người tiền nhiệm Lyndon Johnson. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird coi “Việt Nam hóa chiến tranh” là "Học thuyết Nixon trong hành động", là "biện pháp kết thúc sự tham gia của Mỹ, bước mở đầu tăng cường lực lượng đồng minh ở châu Á". Tóm lại là chuyển dần trách nhiệm tiến hành chiến tranh từ Mỹ sang Việt Nam Cộng hòa. Trên thực tế, chiến lược này đã bắt đầu với Robert McNamara, Bộ trưởng quốc phòng của hai tổng thống Mỹ, John Kennedy và Lyndon Johnson.
Kể từ khi Kennedy vào Nhà Trắng cuối tháng 1/1963 cho đến khi vị tổng thống trẻ tuổi này bị ám sát vào tháng 11/1963, McNamara đã nâng số quân Mỹ tại Việt Nam từ 900 lên hơn 16.000. Đến năm 1965 khi Mỹ tiến hành chiến tranh không quân ra miền Bắc mang biệt danh “Chiến dịch sâm rền” thì số quân Mỹ đã là 184.000. Như vậy, McNamara là “kiến trúc sư” của Chiến tranh Việt Nam.
Tuy vậy, khi đối diện với những thất bại quân sự trước Quân giải phóng miền Nam áp dụng lối cận chiến "Nắm thắt lưng địch mà đánh" nhằm vô hiệu hóa ưu thế áp đảo về pháo binh và không quân của Mỹ, với bộ óc thông minh của một cựu sinh viên Havard và Chủ tịch Hãng Ford McNamara hiểu rằng leo thang chiến tranh cũng sẽ bế tắc. Trong cuộc họp ngày 17/12/1965 với Tổng thống Johnson tại văn phòng Nội các, trả lời câu hỏi “giải pháp quân sự không đảm bảo chiến thắng sao?” của Tổng thống, McNamara khẳng đinh: “Tôi đã nói: chúng ta không thể có giải pháp quân sự. Chúng ta cần phải tìm giải pháp khác” (1). Điều trớ trêu là kế hoạch “rút chân” khỏi Việt Nam của Mỹ được hình thành chỉ hơn 9 tháng sau khi đơn vị chiến đấu đầu tiên, Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến, đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, tức hầu như ngay khi nó được bắt đầu. Trớ trêu hơn nữa là kế hoạch này lại được khởi thảo bởi chính “kiến trúc sư” của cuộc chiến.
Cụ thể hóa quan điểm của mình, vào mùa xuân 1966, McNamara đã cùng phụ tá của mình là MacNaughton soạn thảo một “Kế hoạch tháo lui chiến thuật”. Ngày 14 tháng 10 năm 1966, McNamara đã gửi một báo cáo dài đến Tổng thống Johnson, thừa nhận thất bại của Mỹ trên mọi phương diện, từ chương trình bình định nông thôn ở miền Nam cho đến chiến dịch “Sấm rền” ném bom miền Bắc. Báo cáo này viết: “Nói tóm lại, chúng ta – từ góc cạnh của một cái nhìn đối với tầm quan trọng của cuộc chiến – sẽ thấy rằng không có tiến bộ nào đáng kể, mà còn tệ hại hơn. Cuộc chiến quan trọng này phải do người Việt Nam tự lo liệu; họ phải chiến đấu để giành chiến thắng”. Không nghi ngờ gì nữa, báo cáo này của McNamara chính là xuất phát điểm của “Việt Nam hóa chiến tranh”(2).
Một tháng sau khi nhận được báo cáo của McNamara, Tổng thống Johnson đã yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow và Robert Komer, thành viên Hội đồng an ninh quốc gia chuyên về Việt Nam, tìm một giải pháp hiệu quả hơn các chiến thuật chiến tranh tiêu hao và ném bom của McNamara. Kết quả là ngày 13 tháng 12 năm 1966, hai người này đã đề xuất bổ trợ chiến dịch tấn công quân chủ lực phía địch và ném bom tấn công bằng các nỗ lực tăng cường nhằm bình định hóa vùng nông thôn và tăng cường sức lôi cuốn của chính quyền Nam Việt Nam.
Để triển khai kế hoạch này, Johnson đã đã cử đến Sài Gòn Ellsworth Bunker làm Đại sứ Mỹ, Robert Komer làm chỉ huy một tổ chức chống nổi dậy mới có tên "Hoạt động dân sự và hỗ trợ cách mạng” (Civil Operations and Revolutionary Development Support program – CORDS), và Đại tướng Creighton Abrams, phó Tham mưu trưởng Lục quân, làm phó cho Đại tướng William Westmoreland, Tư lệnh quân Mỹ tại Nam Việt Nam (MACV) với nhiệm vụ tăng cường năng lực của quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm thay thế quân Mỹ trong chiến đấu chống các lực lượng Cộng sản. Lẽ dĩ nhiên, Bunker là người điều hành chung kế hoạch.
Sở dĩ Bunker được Tổng thống Johnson tín nhiệm cho trọng trách giúp Mỹ thoát khỏi vũng lầy quân sự tại Việt Nam là vì nhà ngoại giao Mỹ ngoại thất tuần này đã giải quyết thành công khủng hoảng năm 1965-66 tại Cộng hòa Đôminica sau khi các đặc phái viên khác của Hoa Kỳ và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ thất bại.
Tháng 12/1963, Juan Bosch, một ứng cử viên cánh tả, đã được bầu làm tổng thống. Sau khi nhậm chức vào tháng 2/1963, Bosch đã tiến hành một số cải cách theo hướng xã hội dân chủ, điều này khiến ông bị dán nhãn cộng sản. Vào tháng 9 cùng năm, một nhóm sĩ quan cấp cao đã lật đổ ông và đưa Donald Reid làm tổng thống mới. Tháng 4/1965, một nhóm quân nhân liên kết với những người cánh tả đã nổi dậy và lật đổ chế độ quân phiệt để đưa Bosh trở lại cầm quyền. Cuộc nổi dậy này được gọi là “Cách mạng tháng Tư”. Để tránh một Cuba thứ hai ở bán cầu Tây, Tổng thống Johnson đã đưa 42.000 quân vào Dominica và lực lượng này đã đụng độ trực tiếp với lực lượng nổi dậy. Thấy rằng sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ làm nước này sa lầy nên Bunker, lúc đó là Đại sứ Mỹ tại Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) chủ trương một giải pháp chính trị dựa trên tổ chức một cuộc bầu cử mới với sự tham gia của các bên tham chiến người Dominica. Nố lực của Bunker và các đại sứ khác của Tổ chức các nước châu Mỹ theo hướng này đã thành công, cho phép quân Mỹ triệt thoái khỏi đảo quốc này một cách êm ả, điều này đã mang lại cho ông biệt danh “Người giải quyết rắc rối” (Troubleshooter)
Sau này trong một cuộc phỏng vấn, Bunker nói: “Tôi đã giúp ông ấy (Tổng thống Johnson) thoát khỏi Cộng hòa Dominica và đạt được mục đích chính trị ở đó. Ông ấy muốn tôi làm điều tương tự ở Nam Việt Nam”. Vẫn theo nhà ngoại giao này, Johnson muốn bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Việt Nam nhưng trước khi các lực lượng này có thể rời đi, quân đội Nam Việt Nam phải mạnh hơn, hoàn thiện hơn và người Nam Việt Nam phải tăng tốc quá trình phát triển dân chủ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của Nam Việt. Nói ngắn gọn, Johnson muốn vai trò của Mỹ tại Việt Nam giảm đi với tốc độ tương ứng với sự tăng cường tự lực của Nam Việt Nam.
Ngay sau khi đặt chân tới Sài Gòn, tại buổi trình ủy nhiệm thư ngày 28/4/1967, Bunker nói với Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu rằng miền Nam Việt Nam phải gánh lấy cuộc chiến chống các lực lượng cộng sản thay cho các đơn vị chiến đấu Mỹ được hỗ trợ bằng các cuộc ném bom miền Bắc. Vị đại diện Hoa Kỳ này nói tiếp, để giành chiến thắng, miền Nam Việt Nam phải xây dựng một chính phủ chính danh đại diện cho các lực lượng chính trị đa dạng trong nước song song với bình định hóa nông thôn.
Chú thích
(1), (2) Ngẫm lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học Việt Nam” (In Retrospect: The Tragedy and Lesson of Vietnam), Robert S.McNamara, Times Books,1995.
No comments:
Post a Comment