Sau chuyến đi ngắn ngủi tại Colorado, chúng tôi trở về New York để tiếp tục công việc hàng ngày. Cuộc gặp gỡ kỳ lạ với ông Kris và ký ức về châu Atlantis đã làm tôi bắt đầu suy nghĩ về khái niệm Luân hồi và Nhân quả. Từ trước đến nay, tôi là người thực tế, không tin vào những gì hoang đường viển vông, nhưng hiện nay tôi hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi những điều ông Kris nói. Phải chăng mọi người đều đã trải qua nhiều kiếp sống để học hỏi? Nhưng nhân loại đã làm gì, đã học được những gì hay không học được gì? Họ đã tạo những nhân gì và sẽ gặt quả gì? Phải chăng những người mà chúng ta gặp trong đời này đều đã có mối liên hệ từ trước? Tại sao không mấy ai nhớ được kiếp trước? Nếu những việc làm trong quá khứ chi phối hoàn cảnh hiện tại và hành động hiện tại sẽ chi phối tương lai thì tương lai nhân loại sẽ ra sao? Khi xưa, tôi chẳng bao giờ bận tâm về ý nghĩa của cuộc đời, nhưng hiện nay nó là câu hỏi đang khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Một hôm, trong lúc tôi đang làm việc thì Angie bước vào: - Em và Connie vừa đi xem triển lãm về Ai Cập tại viện bảo tàng New York. Từ khi nghe ông Kris nói, em để ý và nhận thấy các món trang sức của vua chúa Ai Cập đều gắn những viên ngọc như thế. Các lăng tẩm cũng đều được sơn phết bằng màu sắc của các loại ngọc. Nếu những viên ngọc có công dụng cho sức khỏe thì em cũng muốn mua một chiếc vòng đeo tay có gắn bảy viên ngọc như thế. Anh nghĩ sao? Anh có muốn đi mua với em không? Tôi là người thực sự không thích đi mua sắm. Mọi vật dụng cần thiết, từ quần áo, giày dép đến các thứ khác đều có Angie lo liệu, nhưng không hiểu sao hôm đó tôi lại nhận lời. Khu phố Kim Cương (Diamond District) nằm trên đường 47 và đường số 5 là nơi tập trung rất nhiều cửa hàng trang sức. Tại đây có đủ mọi loại hàng từ vàng bạc, kim cương, đến các loại ngọc quý, đủ thứ, đủ cỡ lớn nhỏ. Gần như du khách nào đến New York cũng phải thăm khu này. Chúng tôi ghé qua những cửa hàng nổi tiếng như Tiffany, Bvlgari, Cartier, Van Cleef v.v… Bất cứ nơi nào Angie cũng vui vẻ nói chuyện với nhân viên bán hàng và ngỏ ý muốn xem những chiếc vòng có gắn ngọc quý. Vì biết chúng tôi, nên chủ tiệm nào cũng mời vợ chồng tôi vào phòng riêng chỉ dành cho khách quý và mang ra các món trang sức đặc biệt và hiếm cho chúng tôi lựa chọn. Trong khi Angie xem những chiếc vòng đeo tay, tôi vẩn vơ nhìn quanh và thấy trên tường có treo bức ảnh một chiếc nhẫn hình con bọ hung gắn hồng ngọc. Tôi nhận ra ngay đó là chiếc nhẫn mà ông Kris thường đeo. Tôi hỏi người bán hàng: - Đó là nhẫn gì vậy? Người bán hàng trả lời: - Đó là chiếc nhẫn của các Pharaoh thời xưa. Tôi hỏi thêm: - Tôi có thể xem chiếc nhẫn đó được không? Người bạn hàng bật cười: - Đó chỉ là bức ảnh để trang trí thôi, chiếc nhẫn này là một cổ vật hiện được trưng bày trong viện bảo tàng ở Luân Đôn. Không hiểu sao tôi cảm thấy chiếc nhẫn đó vô cùng thân thuộc. Tôi bèn đề nghị: - Liệu các ông có thể chế tác một chiếc nhẫn giống như thế không? Người bán hàng ngạc nhiên:
- Đó là chiếc nhẫn cổ xưa chứ ngày nay đâu ai đeo kiểu nhẫn như thế nữa đâu. Thấy tôi nhìn chăm chăm chiếc nhẫn đó, Angie nói ngay: - Nếu tôi đặt làm một chiếc nhẫn y hệt như thế thì các ông có làm được không? Người bán hàng trả lời: - Công ty của chúng tôi có thể chế tác bất cứ kiểu trang sức nào mà quý khách muốn. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt nên chúng tôi phải liên hệ với thợ kim hoàn để lấy ý kiến đã. Angie gật đầu: - Đây là địa chỉ của chúng tôi. Tôi muốn đặt làm một chiếc nhẫn y hệt như bức hình kia. Ông hãy liên hệ với thợ kim hoàn và cho tôi biết giá cả và thời gian thế nào nhé. Ra khỏi tiệm, Angie tò mò hỏi: - Anh thích chiếc nhẫn đó lắm à? Nhưng anh có bao giờ đeo nhẫn đâu? Tôi gật đầu: - Không hiểu sao anh lại có cảm giác thích nó ngay từ lúc mới nhìn thấy. Angie mừng rỡ nói: - Hay quá, thế là em mua được cho anh món mà anh ưa thích rồi, chứ từ trước đến nay anh có bao giờ để ý đến những thứ này đâu. Tuy nhiên, khi về đến văn phòng, tôi bận việc quá nên quên hẳn việc đi mua sắm với Angie. Khoảng ba tuần sau, trong lúc tôi đang làm việc thì cô thư ký bước vào cho biết có một người thợ kim hoàn muốn gặp tôi. Đó là một ông lão Do Thái nhỏ bé đeo cặp kính dày cộm. Ông tự giới thiệu: - Tôi là thợ kim hoàn chuyên về trang sức cổ xưa của Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ. Tôi được biết ông muốn có một chiếc nhẫn hình con bọ hung theo kiểu Ai Cập. Tôi được hãng điều đến để làm việc với ông. Trước khi đo ngón tay để làm nhẫn, ông lão hỏi: - Ông muốn đeo chiếc nhẫn này ở ngón nào?
Không hiểu sao tôi trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: - Tôi muốn đeo nó vào ngón tay trỏ. Ông lão giật mình: - Tại sao lại là ngón trỏ, người ta chỉ đeo nhẫn vào ngón giữa hay ngón áp út, thường gọi là ngón nhẫn thôi. Chỉ có các bậc Pharaoh ngày xưa mới đeo nhẫn vào ngón trỏ. Ông lão trầm ngâm, rồi lên tiếng: - Chiếc nhẫn trên ngón tay trỏ tượng trưng cho uy quyền của Pharaoh. Một khi Pharaoh đưa ngón tay trỏ đeo nhẫn ra lệnh thì đó là quyền năng cao nhất và mọi người phải tuyệt đối tuân theo. Tôi ngạc nhiên vô cùng: - Làm sao ông biết những điều đó? Ông lão bật cười: - Tôi là thợ kim hoàn chuyên về trang sức thời cổ. Dĩ nhiên tôi phải nghiên cứu để hiểu rõ các loại trang sức cũng như ý nghĩa xuất xứ của nó. Đây là loại nhẫn của các Pharaoh Ai Cập, ngày xưa được coi như là vương ấn của triều đình. Tuy bên ngoài nhẫn giống nhau nhưng mỗi Pharaoh lại cho khắc những dòng chữ trên đó tùy theo ý nguyện của họ. Nếu không phải là thợ có chuyên môn sâu thì không mấy ai biết được điều này. Tôi tò mò hỏi tiếp: - Vậy chiếc nhẫn trưng bày tại viện bảo tàng Luân Đôn là của ai? Và trên đó khắc chữ gì? Ông lão mỉm cười: - Đó là chiếc nhẫn của một Pharaoh thuộc vào thời đại cuối của triều đại các vua chúa Ai Cập, trước khi Ai Cập bị người Assyria xâm lăng vào khoảng hơn sáu trăm năm mươi năm trước Công nguyên. Chiếc nhẫn đó khắc dòng chữ “Xin thần Thái Dương Amun Ra [3] che chở cho tôi”. Phía trong có hình chim ưng Horus, tượng trưng cho công lý. Tôi ngạc nhiên trước kiến thức của người thợ kim hoàn: - Ông còn biết gì về chiếc nhẫn đó nữa? Ông lão Do Thái tiếp tục:
- Chiếc nhẫn đó có khảm một viên hồng ngọc. Hồng ngọc tượng trưng cho đức tin, do đó tôi nghĩ vị Pharaoh này phải là người có đức tin tôn giáo mãnh liệt. Mỗi khi lên ngôi, các Pharaoh đều cho giáo sĩ làm nghi thức đặc biệt truyền bùa chú vào đồ trang sức để bảo vệ cho họ. Hiện nay, chiếc nhẫn này được trưng bày trong viện bảo tàng ở Luân Đôn nên không có điều gì nguy hiểm. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Tại sao lại nguy hiểm? Ông lão trả lời: - Khi Pharaoh qua đời, các vật dụng, trang sức được chôn theo họ. Vì thế các lăng tẩm này thường bị các tay trộm đến đào, khai quật để lấy đồ quý. Nhiều người sưu tầm đồ cổ mua những thứ này mà không biết đến mối nguy hiểm của chúng. Hầu hết các đồ vật chôn theo vua chúa đều được yểm bùa để bảo vệ, hay những xác ướp đã được các giáo sĩ giam giữ một số sinh vật cõi âm vào để giữ mồ. Do đó, người mua đồ cổ thường bị hại bởi các động lực, năng lượng vô hình này. Nếu họ không chết thì cũng tán gia bại sản và con cháu họ cũng khó sống yên ổn. Dĩ nhiên, ngày nay không ai tin vào những chuyện như thế. Một số người cho rằng đó chỉ là những chuyện hoang đường nhằm mục đích dọa nạt mọi người, không cho họ bén mảng đến những nơi chôn cất đó thôi. Tuy nhiên, chắc ông cũng biết đã có nhiều nhà khảo cổ chết bất đắc kỳ tử. Một số triệu phú thích sưu tầm đồ cổ của vua chúa thời xưa cũng gặp phải các tai nạn thương tâm bất ngờ. Ông lão Do Thái thấy vẻ mặt nghi ngờ của tôi nên nói tiếp: - Chắc ông cũng biết về ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun hay “King Tut”. Đây là ngôi mộ tồn tại trong suốt mấy ngàn năm, còn nguyên vẹn, không bị trộm. Năm 1923, nhà khảo cổ Howard Carter và Lord Carnarvon đã tìm ra ngôi mộ này. Sau khi đào mồ, Lord Carnarvon đã chết bất đắc kỳ tử vì một lý do hết sức mơ hồ. Người phụ tá của ông trong việc đào mồ, George Gould cũng chết vì tai nạn vài ngày sau đó. Trong số bốn mươi người hiện diện lúc khai quật mộ “King Tut”, hai mươi lăm người cũng chết trong vòng ba tháng. Nhiều người cho rằng ngôi mộ có rải thuốc độc nhưng cho đến nay không ai tìm được bằng chứng nào cho thấy có độc trong ngôi mộ. Tôi bật cười: - Phải chăng đó chỉ là tin đồn được báo chí phóng đại lên mà thôi. Người thợ kim hoàn lắc đầu: - Chúng tôi làm nghề này đã lâu nên biết rõ mọi việc hơn người khác. Đối với chúng tôi, các cổ vật, trang sức lấy được trong mồ mả, nơi thờ phượng là điều cấm kỵ, không ai dám đụng vào. Thấy tôi vẫn lắc đầu có vẻ không tin, ông lão nói tiếp: - Một trong những món trang sức nổi tiếng là viên kim cương “Hy vọng” ( Hope ) màu xanh được lưu giữ trong viện bảo tàng Smithsonian tại Washington D.C. Nó có xuất xứ từ viên kim cương rất lớn được gắn vào trán của một vị thần trong một ngôi đền cổ tại Ấn Độ. Trong thời nội chiến giữa các tiểu vương, một vị chỉ huy nhóm loạn quân đã gỡ viên kim cương đó xuống để bán. Chỉ vài hôm sau, ông này chết bất ngờ, rồi viên kim cương đó được bí mật mang về châu Âu bởi một lái buôn trang sức người Pháp tên Jean Tavernier. Theo tài liệu, Tavernier bán viên kim cương này cho triều đình Pháp để gắn lên vương miện của vua Louis thứ mười bốn và được gọi là viên ngọc xanh của nước Pháp (Le Bleu de France) . Sau khi bán viên kim cương này được ít lâu, Tavernier hộc máu chết trong xưởng làm trang sức của ông ta tại Paris. Sau khi đội vương miện trong lễ đăng quang, vua Louis thứ mười bốn cũng bị bệnh, da thịt ung thối và chết vì nhiễm độc. Không những thế, những đứa con của ông vua này cũng chết thê thảm. Người chết đuối, kẻ chết cháy, kẻ chết vì ngã ngựa lúc đi săn, chỉ có một người duy nhất sống sót. Vương miện được truyền qua tay vua Louis thứ mười sáu. Ông này cho tháo viên kim cương đó ra để làm vòng đeo cổ cho nữ hoàng Marie Antoinette. Chắc ông cũng biết chỉ vài năm sau, cả hai đều chết thê thảm trên máy chém trong cuộc Cách mạng Pháp 1792. Tài sản triều đình được phân chia cho những người lãnh đạo cuộc cách mạng. Theo tài liệu của các thợ kim hoàn thời đó thì viên kim cương được mang qua Anh và lọt vào tay một thợ kim hoàn nổi tiếng là Wilhelm Fals. Tài liệu ghi rõ ông này cắt nó ra thành bốn viên kim cương nhỏ hơn để cho dễ bán vì mấy ai có khả năng mua được một viên kim cương nặng hàng trăm carat như thế. Ít lâu sau, Wilhelm Fals bị chính con trai mình giết để cướp gia tài. Cậu con bị kết án và cũng chết trong nhà ngục. Chuyện gì đã xảy ra cho bốn viên kim cương này không thấy ai lưu truyền nhắc đến trong suốt một thời gian dài. Theo tài liệu của các thợ kim hoàn thì chàng triệu phú Hoa Kỳ trẻ Somerset đã mua được một viên - gọi là viên kim cương "Hope" , có nghĩa là hy vọng (nhưng hậu quả cho những ai sở hữu đều trái ngược, rất bi đát) để làm quà tặng cho người vợ chưa cưới lúc đó viên kim cương quý tộc lung linh này được mệnh danh là "Trái tim của Đại dương" . Hai vợ chồng hưởng tuần trăng mật sóng gió trên chiếc tàu định mệnh Titanic. Chắc ông cũng biết chuyện gì đã xảy ra cho chiếc tàu Titanic rồi. Viên thứ hai rơi vào tay Nga Hoàng Nicholas và được chế tác thành vòng ngọc đeo trên cổ hoàng hậu Alexandria. Rồi chuyện gì xảy ra cho gia đình Nga Hoàng trong cuộc Cách mạng Bolshevik 1917 chắc ông cũng biết. Hiện nay chuỗi ngọc đó lọt vào tay ai thì tôi cũng không rõ. Viên thứ ba rơi vào tay triệu phú Hy Lạp Simon Maoncharides. Chỉ ít lâu sau khi mua viên kim cương, ông này lái xe rơi xuống vực chết thê thảm. Hiện nay không ai biết viên kim cương này thuộc về ai? Có người nói rằng nó lọt vào tay triệu phú Onassis và được tặng cho bà Jacqueline Kennedy trong hôn lễ. Nếu viên kim cương này được lưu giữ trong gia đình Kennedy thì thật là bất hạnh. Chuyện gì xảy ra cho gia đình này chắc ông cũng biết. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, chứ không ai biết rõ sự thật. Viên thứ tư, lớn nhất và đẹp nhất được bán tại Thụy Sĩ, nhưng giá trị của nó quá lớn nên không ai mua nổi. Nhiều năm sau, Evalyn McLean, con gái triệu phú McLean, sau khi được hưởng gia tài của cha để lại, đã dùng trọn số tiền đó để mua viên kim cương này. Cô thường đeo trong các buổi dạ hội của giới điện ảnh, được báo chí khen là người có món nữ trang đẹp nhất. Ít lâu sau, cô này cũng chết một cách rất lạ lùng mờ ám khi còn rất trẻ.
Vì sống trụy lạc tiêu pha phung phí nên Evalyn nợ nần rất nhiều. Để trang trải, viên kim cương lọt vào tay chủ ngân hàng Thomas Hope. Từ khi sở hữu viên kim cương, gia đình ông này gặp rất nhiều rắc rối, vợ chồng ly dị, con cái bất hòa, tranh chấp kiện tụng để giành tài sản, tạo ra rất nhiều tai tiếng trên báo chí. Từ đó, viên kim cương này được biết đến như là một tai ương cho những ai sở hữu nó. Cuối cùng, gia đình tỷ phú Hope cũng phải khánh kiệt tài sản. Người cháu của ông Hope bèn đem tặng viên kim cương này cho viện bảo tàng Smithsonian để triển lãm vì không có bất kỳ một ai dám giữ hay sở hữu nó nữa. Tôi gật đầu: - Tôi có nghe nói về bốn viên kim cương Hope và tai họa thê lương đã xảy đến với những người có liên quan nhưng tại sao ông lại biết lai lịch và hành trình của những viên kim cương này rõ thế? Ông lão Do Thái hãnh diện nói: - Công trình làm ra những món trang sức có giá trị lớn đều được ghi vào sổ sách cẩn thận. Tất cả thợ kim hoàn thiết kế những tác phẩm nghệ thuật đều ghi lại công trình của họ vào tài liệu để cho đời sau học hỏi. Đây là truyền thống của nghề kim hoàn đã có từ nhiều trăm năm nay. Ông lão kết luận: - Những bảo vật có giá trị lớn thường đi kèm với những điều không may. Những của cải phi nghĩa do cướp bóc, chiếm đoạt đều mang lại những điều bất hạnh mà không mấy ai biết. Khi một vật có giá trị lớn, nó khiến cho người khác thèm muốn và gây ra phiền toái. Nếu không gặp trộm cắp thì cũng bị chiếm đoạt. Vì lòng tham mà biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng hay tán gia bại sản. Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng là những ai lấy của từ người khác một cách phi nghĩa đều phải trả một cái giá rất đắt - không phải lúc này thì ắt cũng vào lúc khác. Càng chiếm đoạt bao nhiêu thì càng gặp những điều không may bấy nhiêu, nếu không nghèo khổ thì cũng gặp tai nạn bất ngờ, và lúc đó có hối hận thì cũng đã quá muộn. Tuy chỉ là người thiết kế trang sức, nhưng tôi nghiên cứu rất kỹ những tài liệu trang sức, kim hoàn từ xưa để lại, vì thế tôi cũng học được ít nhiều. Hôm nay có duyên vui miệng kể ông nghe, mong ông không để tâm đến chuyện đó. Hai tháng sau, tôi nhận được chiếc nhẫn có hình con bọ hung giống y như chiếc nhẫn mà tôi thấy trong tấm hình của tiệm trang sức. Phải nói rằng đó là một tuyệt tác được thực hiện bởi người thợ kim hoàn thật điêu luyện khéo tay này. Nếu so sánh với chiếc nhẫn trong viện bảo tàng Luân Đôn thì nó giống y như thật. Một hôm, tôi ngồi trong phòng làm việc, vô tình tập trung nhìn chiếc nhẫn mà tôi đã đeo từ mấy tuần qua. Tự nhiên có một mãnh lực kỳ lạ khiến tôi cảm thấy ngây ngất và thiếp đi lúc nào không biết. *** Tôi thấy mình đang đứng trước một ngôi đền ngoài sa mạc với một nhóm giáo sĩ. Tôi cố gắng tự chủ, nhưng cũng như lần trước, tôi biết mình đang ở trong một thể xác khác với thể xác hiện nay. Vì đã có kinh nghiệm nên tôi tự hỏi: “Phải chăng mình nhớ lại tiền kiếp nào đó một lần nữa?”. Ngay lúc đó, toàn thân tôi run lên và tai nghe rõ tiếng vị giáo sĩ nói: - Đã đến lúc ngài phải nắm lấy cơ hội hãn hữu này - nếu không thì không còn cơ hội nào nữa. Tuy ngài không hoàn toàn là người Ai Cập nhưng ngài vẫn mang dòng máu hoàng gia. Ngài được sinh ra tại Ai Cập, nghĩa là có liên hệ đến quốc gia này và được sinh ra tại đâu là phải có trách nhiệm với nơi đó. Khi sinh ra tại Ai Cập, ngài đã hấp thụ tinh khí của mảnh đất này và mắc nợ với nó. Dù muốn hay không, số mạng của ngài và quốc gia này có mối liên hệ chặt chẽ. Ngài phải làm tròn bổn phận của một người dân xứ này, nhất là khi quốc gia rơi vào cảnh nguy biến. Mặc dù biết mình đang ở trong một thể xác khác nhưng đầu óc tôi vẫn còn hoang mang vì không rõ chuyện gì xảy ra. Ngay lúc đó, một binh sĩ oai nghiêm bước vào: - Thưa ngài, quân sĩ đã sẵn sàng. Chúng tôi chờ lệnh của ngài. Tôi chưa biết phải phản ứng ra sao vì đầu óc vẫn còn choáng váng, dường như mơ mà không phải mơ, nhưng tôi biết rằng tôi không còn là Thomas nữa mà là một con người khác, sống ở một kiếp khác, thời đại khác rồi. Lúc đó, đột nhiên tiềm thức của tôi hoạt động, rồi quá khứ hiện rõ ra như một cuốn phim. Tôi tên là Akhon, con của một thứ phi trong vương triều Ai Cập. Khi xưa Pharaoh đi kinh lý vùng hạ lưu sông Nile có bắt được một số nô lệ người Kush, trong đó có nhiều phụ nữ xinh đẹp. Vua đưa những người này về cung làm phi tần. Vì là đứa con mang hai dòng máu, Ai Cập và Kush, trong khi hai quốc gia này lại hay gây chiến với nhau, nên tôi không được coi là hoàng tử chính thức. Cuộc sống trong cung điện bề ngoài xa hoa sung sướng nhưng thật ra bên trong là cả một bãi chiến trường với những âm mưu tranh chấp giữa các phe nhóm cung phi. Là đứa trẻ mang hai dòng máu, con của một thứ phi không được sủng ái, tôi trở thành nạn nhân của những cuộc tranh chấp này. Khi mẹ tôi mất, tôi bị đối xử kỳ thị đến mức tàn bạo bởi những hoàng tử khác trong cung. Tuy nhiên, là một đứa trẻ kiên cường với dòng máu người Kush chảy trong huyết quản, càng bị đối xử tệ bạc, tôi càng nung nấu ý chí phục thù. Một hôm, tôi bị đám hoàng tử đuổi đánh dữ dội nên phải trốn vào đền thờ thần Thái Dương. Tại đây, tôi được các giáo sĩ che chở nên sau đó tôi thường tìm chỗ trú ẩn tại đây. Nhờ các giáo sĩ thương tình dạy dỗ nên tôi học hỏi được rất nhiều về tôn giáo Ai Cập. Các đền thờ Ai Cập lúc đó thật ra không hoàn toàn thuộc về tôn giáo mà là một hệ thống giáo dục bao gồm nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, kiến trúc, y học, âm nhạc v.v… Người theo học được quyền lựa chọn các lĩnh vực chuyên môn này. Chỉ một số ít được huấn luyện trở thành giáo sĩ sống trong đền thờ chuyên thực hiện những nghi thức hành lễ, dâng cúng thần linh, làm bùa chú, hay tẩm liệm người chết. Tôn giáo Ai Cập bắt nguồn từ thời xa xưa, không ai biết nó xuất hiện từ lúc nào hay từ đâu đến, nhưng giáo lý tôn giáo này dạy rằng vào thuở sơ khai, trời đất chỉ là một khối hỗn độn chìm sâu trong màn đêm âm u. Sau đó, thần Thái Dương Ra xuất hiện quét sạch màn đêm u tối bằng ánh sáng mặt trời, đem lại trật tự cho thế giới qua việc phân biệt giữa ngày và đêm, hay thời tiết bốn mùa v.v… Giáo lý thờ Thái Dương Ra dạy rằng đời người cũng giống như ngày và đêm, nghĩa là con người sống và chết, rồi được hồi sinh và sống ở một cõi giới khác. Do đó, đời sống ở cõi giới sau khi chết quan trọng hơn đời sống hiện tại và việc chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu này là việc được hoạch định cẩn thận từng chi tiết. Theo người Ai Cập, sau khi chết, con người sẽ đi vào một thế giới tối tăm, âm u với rất nhiều ma quỷ và các động lực bất hảo cõi âm. Nếu không được chỉ dẫn cẩn thận, họ sẽ bị đọa lạc vào thế giới này và trở thành nô lệ cho những loài ma quỷ hay sinh vật cõi âm, rồi trở thành một loài ma quỷ sống mãi ở đó. Nhưng nếu được giúp đỡ bởi các thần linh qua các nghi thức cúng lễ với bùa phép và thần chú đặc biệt thì họ sẽ được đưa lên cảnh giới của các vị thần và trở thành một vị thần sống sung sướng ở cõi đó. Dựa trên quan niệm này, tôn giáo Ai Cập chủ trương thờ cúng rất nhiều thần linh vì các vị thần này có thể giúp họ ở thế giới bên kia. Do đó, các nghi thức dâng cúng phẩm vật cho chư thần là một điều quan trọng để làm vui lòng thần thánh vì các vị thần có thể ban phước hay giáng họa, tùy theo giá trị của các phẩm vật dâng cúng. Người đứng đầu Ai Cập, hay Pharaoh, được coi là trung gian giữa dân chúng và các thần linh nên có bổn phận phải xây cất đền thờ, dâng cúng phẩm vật cho các vị thần để đảm bảo trật tự, thịnh vượng trong xã hội. Ai Cập là xứ sở với phần lớn đất đai đều là sa mạc nên các xác chết được chôn cất không mấy khi bị hư hoại mà giữ được rất lâu. Tuy nhiên, khi đào lên, những xác khô này đều mang hình thù ghê gớm, xấu xí. Vì người Ai Cập tin rằng có một đời sống vĩnh cửu sau khi chết nên việc ướp xác, xây cất mồ mả, lăng tẩm là một nghi thức quan trọng để đảm bảo người chết sẽ giữ được xác thân đẹp đẽ như lúc còn sống và được thần linh đưa về những cảnh giới tốt đẹp. Theo đó, các nghi thức ướp xác được đặt ra để cho hồn người chết nhập vào đó khi sống ở cõi giới bên kia. Tùy theo mồ mả được xây cất với xác thân được bảo quản bằng việc ướp xác, cùng những nghi thức, bùa chú và cách hành lễ của các giáo sĩ, mà người chết sẽ được thần linh đưa về sống sung sướng ở cảnh giới bên kia. Đối với các vua chúa, quan lại hay giới thượng lưu giàu có, việc xây cất mồ mả, duy trì thân xác sau khi chết để đảm bảo cho đời sống ở cõi bên kia đã trở thành một truyền thống ăn sâu vào văn hóa xứ này nên gần như ai có khả năng cũng đều lo xây cất mồ mả cho mình ngay khi còn sống. Trong suốt lịch sử kéo dài hơn sáu ngàn năm của Ai Cập, sự xung đột giữa các giáo sĩ và Pharaoh xảy ra rất thường xuyên do đụng chạm quyền lợi giữa hai bên. Khi nhóm giáo sĩ mạnh, họ đòi hỏi triều đình phải xây cất thật nhiều đền thờ, nuôi nhiều giáo sĩ, và dâng cúng phẩm vật theo sự đòi hỏi của họ (như thức ăn, rượu, vàng bạc, châu báu, nô lệ và phụ nữ) để họ hưởng thụ. Khi Pharaoh mạnh thì họ không muốn tiêu pha ngân quỹ cho việc xây cất đền thờ hay dâng cúng phẩm vật mà chú trọng vào việc xây cất mồ mả cho chính họ và chỉ riêng họ được hưởng những tiện ích này thôi. *** Khi tôi được mười hai tuổi, nhờ sự can thiệp của tu sĩ trưởng đền thờ Thái Dương, tôi được gửi đến vùng biên giới hoang vu đặt dưới sự giám sát của một vị võ quan lớn tuổi. Đối với các hoàng tử trong cung, tôi bị xem là “đi đày” và họ tin rằng tôi khó có thể sống sót ở vùng biên thùy hoang dã như thế. Tuy nhiên, tại đây tôi được vị võ quan này coi như con và dạy dỗ cẩn thận. Cuộc sống ngoài sa mạc tuy khắc nghiệt đối với những người yếu đuối nhưng nó nung nấu trong tôi ý chí cương quyết không lùi bước trước khó khăn. Nhờ được giáo dục và chỉ dẫn tận tâm của vị võ quan mà tôi coi như cha nuôi, khi lớn lên, tôi trở thành trợ thủ đắc lực cho ông này và lập được nhiều chiến công hiển hách. Khi vị võ quan qua đời, tôi trở thành người chỉ huy quân lực trấn đóng vùng biên thùy sa mạc. Năm đó, Pharaoh băng hà, các hoàng tử tranh cướp ngôi vua nên trong nước xảy ra nội chiến. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có bốn Pharaoh lên ngôi, người nào cũng chỉ giữ được ngôi vị trong vòng vài tháng nên tình trạng xã hội trở nên rối loạn. Triều đình không kiểm soát được nữa. Các quan lại khắp nơi được thể thi nhau cướp bóc, chiếm đoạt tất cả những gì họ có thể lấy được. Nhân cơ hội đó, người Nubia ở phía Nam đưa quân vào chiếm đất đai của Ai Cập. Vị vua da đen xứ Nubia tự xưng là Pharaoh và thiết lập ngay một vương triều trên đất Ai Cập với ý định cai trị xứ này. Hôm đó, Satt, vị giáo sĩ đền thờ Thái Dương tìm đến tôi. Ông nói:
- Hiện nay, tình thế đang hết sức nguy cấp bởi bên ngoài thì người Nubia đang kéo quân sang thôn tính Ai Cập, còn trong triều lại đang xáo trộn bởi cuộc tranh chấp giữa các phe nhóm hoàng tộc. Nay đã đến lúc ngài phải trở về để lên ngôi Pharaoh vì không ai có thể lãnh đạo Ai Cập trong lúc này được nữa. Tôi trả lời: - Ta biết rõ thân phận của mình, ta chỉ là con của một phi tần không chính thức, lại là kẻ mang hai dòng máu. Người Ai Cập không bao giờ chấp nhận một kẻ mang dòng máu Kush làm Pharaoh xứ này đâu. Satt mỉm cười: - Các giáo sĩ chúng tôi đã bàn luận với nhau về việc này và đề nghị cho tổ chức hôn lễ giữa ngài với công chúa Nedjem. Hiện nay, Ai Cập đang được cai trị bởi Pharaoh Amose, cha của công chúa Nedjem, nhưng ông này là một vị vua bất tài, ham mê tửu sắc, suốt ngày lo hưởng thụ chứ không màng gì đến việc nước. Ông lên ngôi Pharaoh cũng là do phe nhóm quan triều đưa lên chỉ để cho họ có cơ hội tăng thuế, biển thủ ngân quỹ qua các công trình xây cất lăng tẩm, bóc lột tài sản của dân chúng. Tuy thế, ngôi vị của ông này đang không hề vững vì âm mưu tranh giành quyền lực ngôi vị giữa các phe nhóm hoàng tộc vẫn đang diễn ra. Việc đưa một tướng lĩnh chỉ huy quân lực như ngài về làm rể triều đình sẽ giúp Pharaoh Amose giữ vững ngôi vị. Sau khi kết hôn với công chúa Nedjem, ngài sẽ nghiễm nhiên trở thành hoàng tử chính thức. Từ đó, ngài có thể tái lập trật tự xã hội, chấn chỉnh triều đình và trở thành Pharaoh. Tôi ngạc nhiên vì đề xuất bất ngờ và thắc mắc: - Nhưng hiện nay Amose đang làm Pharaoh mà. Satt bật cười: - Ngài đừng lo, giáo sĩ chúng tôi đã có kế hoạch. Sau khi ngài trở thành hoàng tử chính thức với công lao dũng cảm đánh dẹp ngoại xâm, được dân chúng kính phục, chúng tôi sẽ lo tính cho hậu sự của Amose. Tôi kinh ngạc:
- Hậu sự Amose ư? Làm sao ta có thể tranh giành địa vị với cha vợ của mình được? Satt mỉm cười: - Chỉ với liều thuốc độc do một y sĩ ra tay là mọi sự yên ngay. Ngài không phải lo gì việc này. Sau một hồi trấn tĩnh, tôi hồ nghi: - Làm vậy các ông có lợi gì? Satt nghiêm nghị nói: - Ngài là người đã được dạy dỗ trong đền thờ Thái Dương từ nhỏ. Kiến thức tôn giáo của ngài đã được các vị giáo sĩ huấn luyện, do đó ngài là người của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mong sau khi lên ngôi Pharaoh, ngài sẽ cho tu bổ, xây cất nhiều đền thờ, bảo vệ quyền lợi của các giáo sĩ, phát triển tôn giáo ở xứ Ai Cập. Vừa nghe xong tôi đã nghiệm ra ngay: “Thì ra là thế, các giáo sĩ che chở, rèn luyện cho tôi khi còn nhỏ, đưa ra biên thùy để tránh các tranh chấp trong triều đình chỉ là một kế hoạch đã được tính toán cẩn thận. Thế thì tôi chỉ là một quân cờ trong bàn cờ chính trị nhằm tăng sức ảnh hưởng và quyền lực của nhóm giáo sĩ này mà thôi”. Kế hoạch có vẻ khả thi và tôi đã không thể khước từ lời đề nghị hấp dẫn này. Mọi việc diễn tiến đúng như Satt đã trù tính. Sau hôn lễ, tôi khởi binh dẹp ngay đám phản loạn trong triều. Các hoàng tử và quan hầu trong cung từng đối xử khắc nghiệt với tôi đều bị ném xuống hầm tối làm mồi cho đám sư tử bị bỏ đói nhiều ngày. Sau đó, tôi đưa quân tấn công Nubia, chỉ vài trận đánh lớn, vua xứ này rút binh hàng phục, hàng năm phải triều cống vàng bạc, châu báu và nô lệ cho triều đình. Trật tự trong nước được vãn hồi, dân chúng vui mừng khôn xiết. Trong bữa tiệc chiêu đãi chiến công của tôi, Pharaoh Amose say rượu bất ngờ ngã lăn ra chết. Thế là toàn thể triều đình suy tôn tôi lên ngôi Pharaoh ngay trong buổi tối hôm đó. Hôm sau, Satt đưa một người thợ kim hoàn đến làm chiếc nhẫn vương ấn cho tôi. Thợ kim hoàn cung kính nói: - Xin Pharaoh ra chỉ thị để hạ thần làm cho ngài chiếc vương ấn ạ. Tôi trả lời:
- Ta muốn một chiếc nhẫn có đính một viên hồng ngọc lớn, phía sau khắc chữ “Xin thần Thái Dương Amun Ra che chở cho tôi”. Vì tên ta là Akhon (chim ưng) nên ta chọn Horus, thần Công lý có khuôn mặt chim ưng là vị thần bảo hộ quốc gia. Satt vui mừng nói: - Chỉ nghe như thế thôi, các giáo sĩ chúng tôi biết rằng chúng tôi đã không chọn lầm người. Không những ngài xứng đáng làm Pharaoh cai trị xứ này mà còn là một người có đức tin mãnh liệt. Với thần Công lý Horus làm vị thần bảo hộ, quốc gia này sẽ trở nên hưng thịnh dưới triều đại của ngài. Từ khi trở thành Pharaoh, tôi ban hành ngay những đạo luật nghiêm khắc để cải tạo xã hội vốn đã suy đồi từ thời của những Pharaoh đời trước. Việc đầu tiên là trừng trị những kẻ bất tuân luật pháp nhưng vẫn được dung dưỡng, bao che bởi đám quan lại tham ô. Những kẻ trộm cắp bị đưa ra vùng biên thùy làm phu xây cất lăng tẩm. Những kẻ biển thủ công quỹ, tài sản triều đình đều bị ném vào hầm sư tử, gia đình bị đày ra sa mạc không được sống ở thành thị nữa. Những kẻ giàu có bóc lột, chiếm đoạt tài sản người khác, nặng thì bị tử hình, nhẹ thì nhốt trong trại cùi cho sống chung với người tàn tật. Luật pháp trong tay tôi là một thứ luật khắt khe, tàn bạo nhưng tôi không ngần ngại thi hành, bất chấp mọi sự. Với lòng căm thù do bị đối xử tàn tệ thuở trước cùng dòng máu hung dữ của giống dân Kush đang chảy trong huyết quản, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã trở thành một Pharaoh uy quyền, độc đoán. Mỗi khi tôi giơ ngón tay đeo chiếc vương ấn lên, toàn thể triều đình đều run sợ trước quyền lực của tôi. Là người đã từng chứng kiến những âm mưu tàn bạo của đám quan hầu trong cung nên khi lên ngôi Pharaoh, tôi đã thành lập ngay một nhóm thám tử tinh nhuệ thân tín để kiểm soát mọi thứ, từ trong nội cung đến ngoài triều đình, để chắc rằng không một việc gì có thể qua được mắt tôi. Tôi thay thế toàn bộ quan lại trong triều và chỉ tuyển chọn những người có tài được huấn luyện bởi các giáo sĩ trong đền thờ Thái Dương vào đảm nhiệm các chức vụ quan trọng. Tôi cũng khởi binh đánh dẹp những quốc gia quanh vùng, chiếm được rất nhiều vàng bạc, châu báu và nô lệ, rồi cho xây rất nhiều đền thờ Thái Dương tại các vùng biên địa, do đó tôi càng được giới giáo sĩ ủng hộ triệt để. Tuy triều đình đã được ổn định, quốc gia đã tuân thủ luật pháp, xã hội có trật tự, không còn lo nạn ngoại xâm nữa nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Trong lòng tôi vẫn vương mang một nỗi trống vắng lạ lùng. Các cuộc vui trong triều, các nghi thức trong đền thờ Thái Dương không làm tôi cảm thấy thoải mái. Hình như tôi vẫn còn muốn một cái gì đó mà tôi không thể gọi tên. Vào một đêm không trăng, tôi đứng một mình trong cung điện, nhìn ra ngoài sa mạc mênh mông và cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Sau bao công lao khó nhọc, bao chiến thắng oai hùng, được bao người kính nể, đạt được địa vị tối cao với quyền uy tột bậc nhưng tôi vẫn tự hỏi không lẽ cuộc đời chỉ có thế thôi sao. Còn có điều gì khác nữa không. Khi sống ngoài sa mạc, đã có những đêm tôi ngồi một mình nhìn vào không gian vô tận và tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời. Mặc dù từ nhỏ đã được các giáo sĩ dạy dỗ giáo lý trong đền thờ Thái Dương nhưng tôi không hài lòng về những điều này. Hình như có một cái gì đó thúc đẩy tôi tìm hiểu nhiều hơn nữa, nhưng lúc đó tôi còn bận tâm với nhiều việc khác. Hiện nay, mọi việc đã xong, tôi trở thành Pharaoh, quyền uy tột đỉnh, sống trong cung vàng điện ngọc, có được tất cả những gì mà con người thường ao ước nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một cảm giác thiếu thốn và cô độc lạ kỳ. Tôi đã thao thức nhiều đêm vì cảm giác trống vắng lạ lùng ấy. Tôi cảm thấy mình vẫn cần phải làm một cái gì đó, nhưng biết làm gì bây giờ. Tất cả những gì có thể làm được, tôi đã làm xong. Bây giờ đáng lẽ phải là lúc tôi tận hưởng kết quả của việc mình làm chứ! Nhưng tôi không thể. Tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời với muôn ngàn tinh tú lấp lánh và tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Phải chăng số phận trở thành người có quyền uy tối thượng của tôi đã được thu xếp sẵn từ trước bởi các thần linh? Tại sao hàng chục hoàng tử trong cung hàng ngày dâng cúng phẩm vật cho thần linh lại không được làm Pharaoh, trong khi một kẻ mang hai dòng máu như tôi, sống ở miền biên thùy hoang vu, không phẩm vật dâng cúng, lại được cái diễm phúc đó? Tại sao có người được sinh ra ở những nơi đất đai trù phú bên cạnh dòng sông Nile như Ai Cập, trong khi người khác lại phải sống ở những miền núi đá khô cằn như xứ Kush, hay sa mạc nóng bỏng như xứ Nubia? Tại sao có người được sinh ra trong những gia đình giàu có sung sướng, trong khi người khác lại sinh vào nơi nghèo nàn, khốn khổ? Tại sao có kẻ được làm quan, trong khi người khác phải làm nô lệ? Tại sao các thần linh lại làm như thế? Tại sao các thần linh đòi hỏi phẩm vật dâng cúng nhưng lại để cho các giáo sĩ thụ hưởng? Con người được sinh ra với mục đích gì khi mọi việc đều do thần linh thu xếp từ trước? Phải chăng con người chỉ là nô lệ của các thần linh? Tôi muốn đặt câu hỏi với các thần linh về việc này, nhưng biết hỏi ai đây? Đã từng sống với các giáo sĩ khi còn nhỏ, tôi đã thấy rõ những người này sống ra sao, hưởng thụ phẩm vật dâng cúng như thế nào, có nhu cầu gì và đòi hỏi những gì. Họ thường mang các thần linh ra dọa nạt để đòi hỏi thêm lễ vật, rồi chia nhau hưởng thụ. Họ chỉ giải thích bâng quơ chứ không thể trả lời rõ ràng những thắc mắc của tôi. Tôi sùng kính đấng Thái Dương Amun Ra và thầm đặt câu hỏi với ngài trong các nghi lễ với các phẩm vật quý nhưng không hiểu sao ngài vẫn im lặng, không trả lời những thắc mắc của tôi. Tôi đến đền thờ nữ thần Isis [4] , khuôn mặt bà được che bằng một tấm vải nên không ai có thể chiêm ngưỡng dung nhan của nữ thần. Tôi được các giáo sĩ dạy rằng Isis tượng trưng cho những điều không thể nói ra và cũng không thể hiểu được nên tốt nhất là chỉ nên dâng cúng phẩm vật, còn mọi việc hãy để cho chư thần sắp đặt. Là người có ý chí cương quyết và đầu óc ngang bướng, tôi không thể chấp nhận rằng mọi sự xảy ra đều do thần linh thu xếp. Có lần tôi đã hỏi: - Làm sao tôi biết chư thần muốn gì? Nếu Pharaoh là trung gian giữa thần linh và dân chúng thì tôi phải biết rõ ý muốn của chư thần chứ? Các giáo sĩ không trả lời được câu hỏi này nên giải thích rằng Pharaoh cũng là một vị thần và Pharaoh muốn gì thì chư thần cũng muốn như thế. Lần đó, tôi đã hỏi ngược lại rằng nếu thế thì tại sao chỉ các giáo sĩ được hưởng thụ những phẩm vật dâng cúng chứ không phải Pharaoh hay ai khác? Các giáo sĩ không ai dám trả lời những câu hỏi hóc búa này nên thường tìm cách tránh né những buổi gặp gỡ như thế. Nhưng ai có thể giúp tôi trả lời hàng trăm câu hỏi thắc mắc về ý nghĩa cuộc sống của tôi ở đây? Đang suy nghĩ miên man, bỗng tôi giật mình vì tiếng cười đùa đàn hát vang lừng trong cung vọng đến. Mấy tháng nay, tôi đã chán ngấy những trò giải trí vô vị đó, cũng như chai sạn cảm xúc trước các cung nữ xinh đẹp được tuyển vào cung. Ngay như hoàng hậu Nedjem cũng không làm tôi hứng thú gì. Cuộc hôn nhân này thực ra chỉ là một sự dàn xếp quyền lực mà tôi chỉ thi hành theo kế hoạch của giới giáo sĩ thôi. Tôi nghe rõ tràng cười của đám cung nữ xen cùng tiếng ca hát của những nhạc công ở phía sau vọng đến khiến tôi nổi giận quát lớn: - Các ngươi cút ngay. Nếu ta còn nghe một tiếng động nữa, ta sẽ chém đầu hết. Tiếng huyên náo dần dần lặng đi và chỉ trong thoáng giây, tôi thấy mình thật đơn độc trong cung điện giữa đêm khuya thanh vắng. Tôi muốn tiếp tục suy nghĩ thêm về ý nghĩa của cuộc sống và những thắc mắc lạ lùng khác, nhưng lúc đó không còn hứng thú nữa. Tự nhiên, tôi nảy ra một ý tưởng là muốn đi thăm thú tình hình dân chúng bên ngoài. Tôi gọi người hầu lấy một chiếc áo choàng cũ khoác lên người, rồi một mình lẳng lặng tiến ra ngoài thành. Tôi không muốn binh sĩ hộ vệ đi theo nên ra lệnh cho họ phải ở lại trong cung. Là người đã từng vào sinh ra tử, tôi không sợ bất cứ chuyện gì. Với sức mạnh được rèn luyện hồi còn sống ở sa mạc, tôi có thể ra tay hạ gục những kẻ vô lại hay đám say rượu một cách dễ dàng. Tôi lầm lũi bước đi qua những khu chợ khuya tấp nập, nơi một số dân chúng vẫn còn tụ họp buôn bán dưới những bó đuốc thắp sáng chập chờn. Tôi tiếp tục đi qua những nơi mà các nhóm lái buôn từ phương xa đến để trao đổi hàng hóa. Lướt qua những quán ăn với điệu nhạc dập dìu và các vũ nữ xinh đẹp dân dã đang múa hát, tôi tiếp tục bước đi không định hướng cho đến khi nhìn thấy ánh đèn leo lét trong một khu xóm vắng vẻ tồi tàn với những ngôi nhà đổ nát xiêu vẹo. Bất chợt, tôi nhìn thấy một thiếu nữ duyên dáng, đang dịu dàng bế một đứa bé, đi qua đi lại trước một căn nhà. Lúc đó, không hiểu vì sao có một mãnh lực kỳ lạ thu hút tâm trí khiến tôi dừng chân lại - mà sau này tôi mới biết đó là do vẻ đẹp chân chất cùng những gì toát ra từ người thiếu nữ. Nhưng không hiểu sao tôi lại không tiến đến gần cô gái, mà hướng vào nhà. Nhìn vào dấu hiệu trước cửa, tôi biết đó là nhà của một y sĩ nên bước vào. Tôi thấy một ông lão đang bào chế thuốc với những chậu thuốc chứa đầy thảo dược. Tôi nhận ra ngay những vị thuốc quen thuộc dùng để chữa bệnh thời khí [5] . Tôi lên tiếng hỏi về người thiếu nữ đang bồng đứa bé trước cửa mà tôi rất ấn tượng, thì ông lão trả lời: - Đó là Cihone, cứ mỗi lần tôi gặp phải một trường hợp khó khăn với những đứa trẻ mà mọi phương cách chữa trị đều vô vọng thì tôi giao đứa bé lại cho Cihone, và con bé luôn thành công. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Cô ấy đang làm gì với đứa bé thế? Ông lão đáp: - Cihone ôm đứa trẻ vào lòng, dùng tình yêu thương để chữa lành cho đứa bé. - Tại sao lại như thế? Nếu không chữa được bằng thuốc men thì phải mang đến cho các giáo sĩ làm lễ cầu nguyện chứ? Ông lão lắc đầu: - Phải có phẩm vật dâng cúng thần linh thì mới được các giáo sĩ cầu nguyện cho. Dân nghèo chúng tôi thì làm gì có tiền cho các nghi thức đó. Ông lão giải thích thêm: - Phần lớn bệnh của trẻ con đều do thiếu sự săn sóc hay thiếu tình thương mà ra. Đa số cha mẹ của những đứa trẻ này đều bận rộn với sinh kế, mấy ai có thời giờ săn sóc cho chúng đâu, nhất là những đứa bé mới sinh. Tuy chỉ là bệnh thời khí thông thường nhưng nhiều đứa bé vẫn chết, mà nguyên nhân chỉ là thiếu sự chăm sóc. Tôi ngạc nhiên và có phần tức giận: - Ông là y sĩ mà nói năng thật vô lý. Tình yêu thương là cái quái gì mà có thể chữa được bệnh tật ? Ông lão nhìn tôi, rồi nói một cách chậm rãi: - Tôi là y sĩ được huấn luyện về y học trong nhiều năm nhưng trường y đâu có dạy về tình yêu thương. Các giáo sĩ cũng đâu
biết gì về tình thương. Khi tìm hiểu về các căn bệnh của trẻ con và nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ở người lớn, tôi bắt đầu ý thức về nhu cầu của con người đối với thứ tình cảm này. Thật ra không có gì cần thiết cho con người hơn là tình yêu thương. Tôi cảm thấy thật khó chịu với cách giải thích của ông ấy: - Sao lại như thế được? Trẻ con mạnh khỏe là nhờ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hiện nay xã hội Ai Cập đang yên ổn, mọi người đều được an hưởng thái bình cơ mà. Ông lão vẫn điềm tĩnh đáp lời: - Cậu nói đúng, cuộc sống hiện nay đã tốt hơn trước. Dĩ nhiên đối với trẻ nhỏ, chúng cần thực phẩm để nuôi dưỡng cơ thể, nhưng thỏa mãn nhu cầu ăn uống vẫn không đủ vì còn có một nhu cầu quan trọng hơn, giúp chúng có sức mạnh và đề kháng chống lại bệnh tật, đó là tình thương. Đối với chúng, được thương yêu săn sóc là điều kiện tất yếu cho sự sống còn, trưởng thành. Thiếu tình thương, chúng rất dễ mắc bệnh và không thể chống chọi trước những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu không được săn sóc chu đáo dù được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, chúng vẫn dễ mắc phải những căn bệnh khó trị. Khi lớn lên, nếu không được yêu thương, chúng dễ trở thành những kẻ hung ác, vô cảm và ích kỷ. Hiện nay, Pharaoh cho xây cất đền đài, lăng tẩm khắp nơi, nên phần lớn dân chúng đều bị xung công đi xây cất những công trình này, không mấy ai có thể săn sóc con cái cẩn thận vì người nào cũng bận lo công việc sinh kế. Do đó, hiện nay số trẻ con ốm đau bệnh tật đang gia tăng nhiều hơn những năm trước. Tôi giận đến tức cả ngực nhưng không muốn để lộ thân thế của mình. Bình thường thì chỉ một ngón tay giơ lên, ông già này có thể bị ném vào hầm sư tử ngay. Tôi quay ra nhìn người con gái vẫn đang ôm đứa trẻ. Ông lão vô tình nói: - Cihone đóng vai người mẹ săn sóc cho đứa trẻ bệnh tật vì thiếu sự âu yếm, nâng niu. Người mẹ chính là tình thương và chắc chắn không gì tổn hại trẻ con bằng việc thiếu đi tình thương của người mẹ.
Câu nói của ông lão làm tôi nghĩ đến người mẹ quá cố của mình. Mẹ tôi chết trong cung điện một cách mờ ám khi tôi mới lên bốn tuổi. Tôi không biết gì nhiều về bà, chỉ biết rằng bà là một trong số những phụ nữ bị bắt trong khi Pharaoh hành quân ở biên giới. Sau khi sinh ra tôi, chắc chắn mẹ tôi đã phải tranh đấu để che chở cho tôi ở một nơi đầy rẫy những tranh chấp, ghen tuông, với những âm mưu thâm độc. Trong cung điện của Pharaoh có nhiều cung phi, người nào cũng muốn mình được sủng ái và con mình trở thành thái tử nối ngôi Pharaoh. Vì ghen tức, các cung phi khác đã tìm cách hãm hại mẹ tôi. Tôi không bao giờ quên điều này nên khi lên ngôi Pharaoh, tôi đã hạ lệnh cho ném tất cả phi tần, cung nữ, quan lại hầu cận trong cung vào hầm sư tử. Tôi đã nghe tiếng kêu la thảm thiết của những kẻ này khi chúng bị lũ sư tử đói xé xác và cảm thấy thực sự sung sướng vì đã trả xong mối hận năm xưa. Tôi hỏi: - Phải chăng Cihone đã là một người mẹ? Ông lão lắc đầu: - Không, Cihone trước là một bé gái vô thừa nhận, bị vứt ở góc chợ. Vợ chồng tôi thấy tội nên mang về nuôi. Từ nhỏ, Cihone đã giúp chúng tôi săn sóc bệnh nhân nhưng tôi nhận ra nó có tài săn sóc trẻ con vì những đứa trẻ bị bệnh khi được nó quan tâm, không đứa nào phải chết cả. Tôi ngạc nhiên: - Như thế Cihone giờ cũng không có mẹ à? Ông lão bật cười: - Cihone không có cha mẹ ruột nhưng chúng tôi chăm nuôi từ nhỏ nên tôi xem Cihone như là con ruột. Là y sĩ, tôi thấy rõ sự thiếu tình thương của người mẹ không những làm chậm sự phát triển của con trẻ mà còn sinh ra nhiều vấn đề bệnh tật. Những đứa trẻ dễ mắc bệnh, chậm lớn thường là do thiếu sự chăm sóc yêu thương mà ra. Ông lão ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp: - Cậu hãy nghĩ xem, nếu việc thiếu tình thương gây hại như thế thì những đứa trẻ không có cha mẹ sẽ ra sao? Chúng sẽ lớn lên một cách bất bình thường. Chúng sẽ phải chống chọi, phấn đấu đơn
độc, một mình đối phó với hoàn cảnh không may của chúng và bộc phát những cá tính khác thường. Khi lớn lên, dù có đời sống khá giả, nhưng chúng cũng dễ mắc bệnh thần kinh như là hậu quả của những biến cố khi còn nhỏ. Nếu không may, với cuộc sống nghèo đói, chúng dễ trở thành những kẻ phạm tội trong xã hội. Ông lão tiếp tục nói: - Cậu có biết tại sao như thế không? Tại vì mỗi đứa trẻ đều hành động tùy theo lối cư xử của cha mẹ hay xã hội dành cho chúng. Tùy theo việc đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ như thế nào, được thương yêu hay bị đánh đập mà cuộc đời đối với nó trở nên đáng ghét hay đáng sống. Khi mới được sinh ra, đứa trẻ nào cũng có khả năng yêu thương vì nó được sinh ra qua tình yêu thương của cha mẹ. Nếu nó được sống trong yêu thương, nó sẽ biết thương yêu. Trái lại, nếu không được thế thì khả năng thương yêu của nó sẽ mất đi và nó chỉ biết sống một cách vô ý thức. Làm sao nó có thể thương ai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương? Làm sao nó có thể yêu ai được khi nó không hề được ai yêu? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi khổ đau của người khác khi khả năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? Do đó, mối quan hệ giữa nó và những người chung quanh sẽ trở nên hời hợt, và bị giới hạn trong những điều rất nhỏ, không thể vươn tầm mắt ra xa hay bay bổng lên cao được. Đầu óc của những đứa trẻ này sẽ chỉ giới hạn trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những thói tham lam, ích kỷ chứ không thể nào làm những việc lớn được. Là y sĩ, tôi đã chữa cho nhiều người, quan sát nhiều điều, và thấy rõ rằng phần lớn những kẻ hung ác, tham lam, tàn nhẫn đều là những kẻ vốn dĩ bị thiếu tình thương. Tôi cố nén cơn giận ập tới vì câu nói vô tình của ông lão đã đụng chạm đến thân thế của mình, rồi lên tiếng bào chữa: - Nhưng hiện nay Ai Cập đã thay đổi, Pharaoh đã ổn định mọi việc trong nước, đời sống dân chúng sung túc hơn trước và không còn ai lo sợ nạn ngoại xâm nữa. Ông lão bật cười:
- Dĩ nhiên không ai còn lo sợ người Nubia xâm lăng nhưng việc xây cất đền thờ Thái Dương quá mức khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, đã làm khánh kiệt nguồn lực quốc gia. Hầu như mọi gia đình đều bận rộn làm việc trong những công trình xây cất vĩ đại này để làm vui lòng Pharaoh nhưng đó chỉ là sự huy hoàng hào nhoáng bên ngoài thôi, chứ có mấy ai thấy được sự suy kiệt tiềm tàng ngân khố ở bên trong đâu. Các công trình xây cất này chỉ có lợi cho nhóm giáo sĩ và quyền lực của họ chứ không mang lại lợi ích gì cho người dân hết. Tôi giận run lên vì câu nói hỗn xược xúc phạm đến tôi nhiều như vậy, nhưng ông lão vẫn vô tình nói tiếp: - Cậu nghĩ xem, tương lai Ai Cập sẽ ra sao khi mọi gia đình đều bận rộn làm công việc xây cất lăng tẩm, để rồi những đứa trẻ này lớn lên không được săn sóc, dạy dỗ và thiếu tình thương? Tương lai của chúng sẽ ra sao khi chúng lớn lên với những thói hư tật xấu, chỉ biết tham lam, tranh giành hay chiếm đoạt? Nếu không được dạy dỗ giáo dục từ nhỏ thì làm sao những đứa trẻ này có thể biết được những gì mà thế hệ trước đã khổ công dựng xây? Nghe ông lão nói, tuy vô cùng tức giận nhưng tôi cũng giật mình phát hiện điều mà trước giờ tôi không hề nghĩ đến. - Hiện nay hầu hết các gia đình đều phải đi xây cất đền đài cho giáo sĩ và Pharaoh. Đâu mấy ai có thể săn sóc con cái trừ việc cho chúng ăn uống. Trẻ con lớn lên không được dạy dỗ cẩn thận dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu. Trẻ nhỏ không được săn sóc, âu yếm nên bị bệnh rất nhiều. Bệnh tật còn có thể chữa, chứ tính tình hay thái độ của chúng đối với cuộc sống trở nên tiêu cực, xấu xa thì làm sao sửa đổi được? Tôi cố nén giận, hỏi thêm: - Vậy thì ông thường làm gì với những đứa trẻ này? Ông lão trả lời: - Đối với những đứa trẻ mắc bệnh được gửi đến đây cho tôi săn sóc, ngoài việc chữa trị, tôi còn dạy cho chúng biết yêu thương. Ngay cả những đứa trẻ hung hăng được gửi đến đây, chúng tôi không trừng phạt chúng mà chỉ đối xử dịu dàng với chúng để khơi gợi lại tiềm năng thương yêu đã bị che lấp của chúng.
Ông lão thở dài: - Thật ra đối với người lớn cũng thế. Thay vì trừng trị bằng cách ném vào hầm sư tử hay đày đi vùng biên giới để xây cất lăng mộ cho các quan triều, lẽ ra Pharaoh phải cho họ cơ hội để thay đổi, để tập thương yêu, vì tình thương là một loại năng lực sáng tạo có thể làm chuyển hóa, có thể chữa lành mọi bệnh tật, có thể thay đổi tất cả mọi thứ. Với tình thương, người trao yêu thương và kẻ được thương yêu đều trở nên sung sướng. Tình thương là một thứ ai cũng có thể cho đi mà không bao giờ sợ phung phí. Một khi xã hội được xây dựng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, nó sẽ có năng lực xây dựng, gắn kết mạnh mẽ, có thể khắc phục mọi sự. Một xã hội được xây dựng dựa trên sự oán ghét, hận thù thì khó mà tồn tại vì nó sẽ phá hủy tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, hiện nay đã mấy người biết thương yêu hay tha thứ như thế? Lời nói sau cùng này của ông lão làm tôi giận điên lên vì nó chỉ đích danh đến hành động tàn ác của tôi khi lên ngôi Pharaoh. Nếu như vào lúc khác, tôi đã cho xử tử ngay kẻ hỗn xược này. Nhưng lúc đó tôi đã ý thức được hoàn cảnh và kiểm soát được cơn giận. Tôi quay qua nhìn người con gái đang vỗ về đứa bé đang đứng ở phía xa. Cô ta có một nét gì đó đặc biệt mà tôi không lý giải được khiến tôi phải chú ý. Tuy cô không quá xinh đẹp nhưng đường nét thôn nữ thanh mảnh trong bộ quần áo giản dị, dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ leo lét, toàn thân cô vẫn toát ra một vẻ thánh thiện của một người mẹ hiền, duyên dáng quyến rũ của một cô gái trẻ. Cô gái không chú ý đến tôi mà chỉ ôm đứa bé trong vòng tay một cách trìu mến. Ngay lúc đó, tôi hồi tưởng lại một cảm giác xa xưa, khi còn nhỏ tôi cũng được mẹ âu yếm như thế. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác được nằm trong lòng mẹ và bà cũng nâng niu tôi y hệt như vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy sung sướng một cách lạ lùng về cái gọi là tình thương mà ông lão vừa nói. Tôi nghĩ đến thân phận của mình, mất mẹ từ nhỏ, bị đối xử một cách khắt khe, tàn nhẫn nhưng nhờ ý chí cương quyết, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành một Pharaoh uy quyền tột đỉnh, song tôi chưa biết gì về tình thương cho đến lúc này. Tôi chưa hề thương ai hay yêu ai, và cũng chưa hề được ai yêu thương. Tất cả những cung nữ xinh đẹp chỉ biết làm vui lòng tôi vì đó là bổn phận của họ, không hề có tình yêu. Hoàng hậu Nedjem cũng chỉ đóng một vai trò mờ nhạt trong cuộc hôn nhân được thu xếp này. Thật ra tôi chưa hề yêu ai và cũng chưa hề được ai yêu. Đó là một sự thật không chối cãi được. Tôi nhìn lại người con gái kia, cô có nét gì đó dịu dàng rất giống mẹ tôi khi xưa. Tự nhiên tôi thấy mình mỉm cười với người con gái đó nhưng cô vẫn mải mê âu yếm đứa bé, không để ý gì đến người khách lạ đang chăm chú nhìn cô. Tôi lầm lũi bước ra khỏi căn nhà của người y sĩ già nhưng không về cung điện ngay mà đi thẳng qua đền thờ Thái Dương. Satt ngạc nhiên khi thấy tôi đến vào giờ này. Tôi khơi chuyện: - Này Satt, theo ông thì tình hình Ai Cập hiện nay ra sao? Satt nhìn kỹ y phục lạ lùng của tôi, giật mình lo sợ: - Tại sao Pharaoh lại hỏi như thế? Ngài biết rõ mọi việc hơn chúng tôi mà. Tôi xẵng giọng: - Nhưng ta muốn ông trả lời một cách rõ ràng. Satt quan sát tôi một cách cẩn thận rồi mới trả lời: - Từ khi lên ngôi Pharaoh, ngài đã làm nhiều việc lớn. Cải tạo xã hội, dẹp phản loạn, trừng trị những kẻ bất tuân luật pháp, mang lại sự thịnh vượng cho dân chúng xứ này. Không những thế, ngài đã cho xây cất nhiều đền thờ ở khắp nơi. Công lao của ngài ít Pharaoh nào sánh được. Tôi gần như quát lên: - Đó không phải là điều mà ta đang muốn hỏi! Satt thực sự bối rối, chăm chú nhìn tôi: - Phải chăng ngài muốn hỏi đến việc xây cất lăng tẩm cho ngài? Triều đình đã cho xây cất một ngôi mộ vĩ đại để sau khi chết, ngài sẽ có một cuộc sống tốt đẹp ở kiếp sau. Các nghi thức ướp xác đều đã được chuẩn bị đầy đủ. Tôi không kìm được nữa quát to: - Ta biết việc này, đó không phải là điều ta muốn hỏi.
Satt rụt rè: - Phải chăng các cung nữ không làm ngài vui lòng? Triều đình đã cho tuyển rất nhiều cung nữ xinh đẹp từ khắp nơi trong vương quốc. Nếu ngài muốn, chúng tôi có thể tuyển cung nữ từ các xứ khác để phục vụ cho ngài nữa. Tôi giận dữ thực sự: - Không hề! Ta không muốn nhiều cung nữ, bọn chúng chỉ toàn là đồ ăn hại. Satt run sợ: - Phải chăng ngài muốn thay đổi hoàng hậu. Nếu Nedjem không làm ngài hài lòng, triều đình có thể tìm một hoàng hậu khác thay thế. Không thể chịu đựng được nữa, tôi hét lớn: - Không! Hãy cho ta biết! Các ngươi đã thu được bao nhiêu phẩm vật qua các nghi thức tôn giáo? Triều đình đã chu cấp cho các ngươi rất nhiều vàng bạc, châu báu, cho xây rất nhiều đền thờ, mà tại sao lại còn thu nhiều phẩm vật tiền bạc của dân chúng như vậy nữa? Satt giật mình run lẩy bẩy, câu nói bất ngờ của tôi đã làm cho hắn thực sự hoảng hốt. Tôi tiếp tục: - Ta muốn xem xét lại việc xây cất các đền thờ. Ngươi hãy cho gọi ngay đám quan trông coi việc này vào cung cho ta xét xử. Satt lấy lại bình tĩnh, chăm chú nhìn tôi, hiển nhiên hắn đang tính toán một điều gì đó, và nếu mọi việc không thuận lợi cho đám giáo sĩ, biết đâu hắn sẽ trở mặt. Bỗng nhiên Satt cúi đầu: - Xin tuân lệnh Pharaoh, tôi sẽ điều tra mọi sự theo ý ngài. Tôi gật đầu bước ra khỏi đền thờ thần Thái Dương nhưng biết Satt vẫn đang quan sát tôi từ phía sau. Chắc chắn đầu óc mưu mô lanh lợi của hắn đang nảy ra nhiều nghi vấn về thái độ hôm nay của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng sắp đặt ngay một kế hoạch đối phó nếu đám giáo sĩ này trở mặt. Khi vào cung, tôi gọi ngay toán thám tử riêng và ra lệnh: - Các ngươi hãy điều tra ngay xem các giáo sĩ đã thu gom tiền bạc như thế nào và công trình xây cất tốn kém bao nhiêu? Ta muốn xem xét rõ mọi sự chi tiêu ngân quỹ.
Chỉ vài hôm sau, những thám tử này đã mang đến cho tôi một báo cáo đầy đủ. Tôi giật mình khi thấy ngân quỹ triều đình đã phải chi một khoản rất lớn vào việc xây cất lăng tẩm cho tôi và hoàng hậu Nedjem. Nhưng ngân quỹ xây cất đền thờ của các giáo sĩ còn nhiều hơn thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm đền thờ to lớn, nguy nga được xây cất, tu bổ dọc theo bờ sông Nile, trong đó hàng ngàn giáo sĩ và gia đình của họ sống sung sướng với hàng chục ngàn nô lệ được đem tới để hầu hạ. Thảo nào bao nhiêu vàng bạc, châu báu, ngọc ngà thu thập được từ trước đến nay trong ngân quỹ triều đình gần như đã cạn sạch. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao một số quan lại trong triều yêu cầu cho tăng thuế gấp đôi và các tướng lĩnh đòi mở rộng bờ cõi, xâm lăng những quốc gia lân cận. Tôi lập tức cho gọi Satt vào và quăng tấm giấy chỉ thảo [6] ghi rõ những con số thu chi vào mặt hắn. Satt nhìn kỹ, đứng sững người một lúc, rồi thưa: - Tôi sẽ xem lại những việc này, chắc là có sự nhầm lẫn nào đây. Tôi quát lớn: - Ta đã xem xét rất kỹ, làm sao có sự nhầm lẫn cho được. Ngươi hãy giải thích việc này cho ta, về việc xây cất quá lớn như thế này. Kẻ nào làm không đúng sẽ bị ném vào hầm sư tử ngay. Satt run rẩy từ đầu tới chân, lắp bắp nói không ra tiếng: - Xin Pharaoh cho tôi vài hôm nữa để điều tra mọi việc. Tôi quát lớn: - Ngươi phải cho ta biết sự thực, bởi ta cần phải biết rõ mọi việc trước khi ban hành những biện pháp mới. Sau khi Satt lui ra, tôi gọi ngay một thám tử thân tín vào: - Ngươi hãy theo dõi Satt cẩn thận, nếu hắn có âm mưu gì thì cho ta biết ngay. Ta không muốn nuôi ong tay áo. Một buổi chiều nọ, mặt trời vừa lặn nhưng còn một chút ánh sáng loang loáng trên mặt nước sông Nile. Tôi đứng trong vườn thượng uyển nhìn ra dòng sông và cảm thấy trong lòng đột ngột dâng lên một nỗi cô độc khôn tả. Nếu lúc đó có ai hỏi tôi điều gì làm cho người ta sợ nhất thì chắc chắn tôi sẽ trả lời rằng đó là sự cô đơn. Dĩ nhiên không ai có thể hiểu tại sao một Pharaoh sống trong cung vàng điện ngọc, chung quanh đầy những cung nữ xinh đẹp lại có cảm giác cô đơn. Không ai có thể hiểu cô đơn là như thế nào khi họ chưa lên đến tột đỉnh của danh vọng. Những người như tôi không có ai để tâm sự, không có ai để chia sẻ. Ở địa vị tối cao này ai cũng sống trong sợ hãi. Pharaoh nào cũng sợ bị phản bội. Pharaoh nào cũng sợ phải trải lòng với người khác. Pharaoh nào cũng sợ, vì họ có những điều không thể giãi bày. Tất cả những người đã thành công, đã thành danh, đã giàu sang tột đỉnh, đều sống trong lo âu, sợ hãi vì đó là những địa vị uy quyền nhất nhưng cũng cô đơn nhất. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những cung nữ xinh đẹp. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng công việc triều chính bận rộn. Người ta không thể trốn chạy nỗi cô đơn bằng những trò vui vì ngay giữa đám đông ồn ào náo nhiệt - nỗi cô đơn vẫn theo đuổi họ đến cùng. Tôi thẫn thờ nhìn đàn chim đang bay ở cuối chân trời, rồi như có một cái gì đó thúc đẩy, tôi khoác vội chiếc áo choàng cũ, kéo chiếc khăn lên che mặt, rồi một mình bước ra khỏi cung điện. Tôi vội vã bước đi theo con đường mà cách đây mấy hôm tôi đã đi qua. Tôi tìm đến nhà của người y sĩ vì ông là người mà tôi có thể nói chuyện tự nhiên, không phải lo sợ gì hết. Dĩ nhiên ông ta không biết tôi là ai. Là một người hay nói, ông dám nói ra những điều mà có lẽ không một ai tại Ai Cập dám thốt lên trước mặt một Pharaoh quyền uy như tôi. Tôi cũng muốn gặp lại người con gái mang nét hiền hậu, dịu dàng rất giống mẹ tôi khi xưa. Vừa bước vào, tôi thấy người y sĩ già đang cặm cụi bào chế những vị thuốc bằng rễ cây nhưng không thấy Cihone ở đâu hết. Tôi lên tiếng chào: - Chắc ông còn nhớ, cách đây mấy hôm tôi đến đây và chúng ta đã có cuộc nói chuyện rất thú vị với nhau. Ông lão ngước mắt nhìn tôi, vầng trán nheo lại - có lẽ không phải để nhớ - mà là ngạc nhiên về sự trở lại của tôi thì hơn: - Tôi nhớ rồi, hôm đó cậu hỏi tôi về Cihone và chúng ta nói chuyện khá lâu với nhau. Tôi vui mừng:
- Phải rồi, ông nói rằng Cihone có thể chữa bệnh cho trẻ con bằng tình thương. Ông lão nhìn kỹ gương mặt tôi, rồi ngập ngừng cảnh giác: - Hôm đó tôi nói năng lung tung nhiều chuyện, mong cậu đừng để ý đến những chuyện đó nữa. Tôi bật cười gạt đi: - Không sao, tôi rất thích câu chuyện ông nói nên muốn nghe ông nói tiếp. Ông lão lại nhìn tôi, ngập ngừng muốn nói nhưng lại im lặng nên tôi bắt chuyện: - Là y sĩ, tại sao ông không hành nghề trong khu chợ đông đúc mà lại chọn một nơi vắng vẻ như thế này? Ông lão nói: - Thế cậu là ai mà lại muốn biết về những điều này? Muốn hành nghề tại những nơi đó thì phải đóng thuế. Phần lớn bệnh nhân của tôi đều nghèo, không mấy ai có tiền để trả nên tôi cũng không đủ tiền để đóng thuế cho Pharaoh. Tuy tức giận vì câu nói phạm thượng nhưng tôi kìm lại, không trả lời câu hỏi đầu của ông mà hỏi tiếp: - Ông nghĩ rằng tiền thuế quá cao hay sao? Ông lão gật đầu: - Càng ngày thuế càng cao nên những người như tôi phải dọn đến nơi thật xa, hẻo lánh như thế này. Đa số người dân tại đây đều làm việc trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh và đền thờ cho các giáo sĩ, tiền lương đã ít mà còn bị bóc lột, đánh đập liên tục nữa. Ông lão chỉ vào nồi thuốc đang sôi trên bếp lò: - Hôm nay mọi người phải ra sông Nile để di chuyển pho tượng Pharaoh vào lăng tẩm của ngài. Đó là một pho tượng khổng lồ được tạc từ hầm đá cách đây rất xa. Công trình chuyên chở từ đó về đây đã khiến cho bao nhiêu người thiệt mạng và không ít người gãy tay, què chân nên hôm nay tôi phải bào chế những vị thuốc băng bó các vết thương cho họ.
Tôi đứng im không nói gì. Dĩ nhiên tôi biết pho tượng này, đây là một công trình vĩ đại vì nó sẽ đứng sừng sững trước lăng tẩm của tôi. Nó tượng trưng cho tôi, một Pharaoh đã mang lại thịnh vượng cho Ai Cập qua những chiến công hiển hách. Chính tôi đã ra lệnh tạc pho tượng này vì nó sẽ tồn tại mãi với thời gian. Biết bao thế hệ tương lai sẽ biết đến công lao của tôi và tên tuổi của tôi sẽ được ghi khắc vào lịch sử, trên những bức bích họa khắp các đền thờ tại Ai Cập. Ngoài ra, tôi đã chuẩn bị trước cho cái chết của mình nên đã cho xây cất một ngôi mộ vĩ đại nhất cùng với rất nhiều vàng bạc châu báu để tôi tiếp tục có một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Công lao của tôi sẽ được thần Osiris phán xét, mà theo các giáo sĩ, vì đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật nên tôi sẽ được hưởng một đời sống tốt đẹp vĩnh hằng ở cõi giới của các thần linh. Ông lão y sĩ tiếp tục nói: - Tóm lại, chỉ có Pharaoh và các quan lớn trong triều mới được hưởng mọi sự tốt đẹp sau khi chết, còn những người dân nghèo như chúng tôi chỉ biết nai lưng phục vụ chứ mong gì có được một cuộc sống tốt hơn, ngay ở kiếp này. Câu nói của ông lão làm tôi vừa cảm thấy bẽ bàng vừa khó chịu, tự ái vì từ trước đến nay tôi vẫn nghĩ mình làm tốt cho tất cả và chưa hề có ai dám nói những điều trái tai đến thế. Sự độc đoán cố hữu của một Pharaoh lại sắp sửa bùng lên... Ngay lúc đó, có tiếng bước chân bên ngoài và cô gái Cihone ở đâu bước vào. Tôi ngước mắt và bất ngờ nhìn thấy gương mặt dịu dàng, phúc hậu cùng đôi mắt sáng, thiện cảm của người con gái tôi đã để ý mà đêm hôm trước tôi chưa có dịp nhìn rõ mặt. Tôi như quên ngay cảm giác tự ái vài giây trước và như bị hút vào đôi mắt đó. Tôi bất chợt nở một nụ cười thân thiện với cô - nhưng ngay sau đó, tôi sa sầm mặt lại và nụ cười tắt trên môi khi nhìn thấy một thanh niên vóc dáng vạm vỡ theo chân cô gái bước vào. Sự xuất hiện của chàng trai dường như làm tôi không vui và tự nhiên như trước. Cả hai cũng ngạc nhiên khi thấy người khách lạ là tôi ở trong nhà. Ông lão giới thiệu: - Đây là người tối hôm trước đã ghé qua nhà mình.
Cihone mỉm cười cất giọng nhẹ nhàng: - Phải rồi, cha có kể rằng có một người lạ ghé vào hỏi thăm về con. Người đó là anh đây ạ? Tự nhiên tôi cảm thấy ngượng nghịu không biết phải xử sự như thế nào vì sự hiện diện của người thanh niên kia, nên nói vắn tắt: - Tôi nghe cha cô nói cô có thể chữa bệnh mà không cần dùng thuốc men hay các nghi lễ cầu xin gì hết. Cihone đôn hậu lắc đầu, vẫn giọng nói dịu dàng đó: - Tôi nào có biết chữa bệnh gì đâu. Tôi chỉ biết bế và yêu thương những đứa bé mà cha tôi nhờ tôi trông nom thôi. Tôi quan tâm ngay: - Nhưng hẳn là cô cũng cầu nguyện thần Thái Dương ban phúc lành cho những đứa bé đó chứ? Cihone trả lời ngạc nhiên: - Tôi chưa từng hiểu biết gì về việc cầu nguyện. Người thanh niên đến lúc đó mới xen vào: - Cầu nguyện là công việc của các giáo sĩ. Là người dân thường, chúng tôi làm gì có thời giờ để làm việc đó. Tôi ngạc nhiên: - Vậy anh làm gì mà không có thời giờ? Người thanh niên đáp: - Tôi làm việc suốt ngày trong công trường xây cất lăng tẩm cho Pharaoh. Về đến nhà là mệt lử, quá kiệt sức rồi. Cihone góp thêm lời: - Việc xây cất lăng tẩm khó nhọc lắm, phải làm từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Buổi tối còn phải làm thêm cho công trình xây mộ của các quan lớn nữa. Ông lão y sĩ xen vào: - Hai đứa đang muốn kiếm ít vốn để dành, rồi mới kết hôn. Phải có tiền trang trải nợ nần và để mua phẩm vật dâng cúng cho các giáo sĩ mới làm lễ thành hôn được.
Câu nói vô tình của ông lão làm tôi tự nhiên thấy đau nhói trong lồng ngực như bị một ngọn giáo đâm vào. Người thanh niên không để ý đến cảm xúc của tôi, tò mò hỏi: - Anh ở đâu đến, tôi chưa thấy anh ở xóm này bao giờ cả? Tôi buộc phải nói dối, lên tiếng: - Tôi ở trong một đoàn thương buôn mới ghé qua nơi đây. Người thanh niên ngạc nhiên: - Các đoàn thương buôn thường làm việc ở ngoài chợ chứ đâu có ai mon men đến cái xóm nghèo như thế này. Chúng tôi đâu có gì để buôn bán hay trao đổi đâu. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nhưng cảm thấy khó chịu về thái độ của người thanh niên này: - Đêm hôm trước tôi đi lạc, vô tình đã ghé qua đây và có dịp nói chuyện khá lâu với ông lão y sĩ. Cihone quay lại nhìn cha, chợt lộ vẻ lo lắng: - Cha tôi hay nói lung tung, tôi đã dặn đi dặn lại là không nên nói nhiều vì có thể rước họa vào thân. Ông lão chậm rãi ôn tồn: - Ta nói có gì sai đâu mà phải cẩn thận chứ. Cihone cẩn thận thưa: - Nhưng cha nên nói ít đi một chút, vì nói hết những điều cha nghĩ không khéo có thể gây hiểu lầm và cả nguy hiểm nữa cha ạ. Ở vương quốc này, không phải ai cũng muốn nhìn, biết rõ sự thật như chúng ta đâu. Nhất là... Ông lão liền nói to át đi, giọng kiên quyết: - Ta thực sự không có sợ gì hết! Nếu nói đúng sự thật thì có gì phải sợ nào. Đã sợ thì không nói - Đã nói thì không sợ. Cihone cầm lấy tay ông khẩn khoản: - Dân thường mạt hạng như mình thì có muốn cũng đâu thể làm thay đổi được điều gì đâu, nên nói nhiều cũng chỉ vô ích mà thôi cha ạ. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Cô đang muốn nói đến việc thay đổi những điều gì?
Người thanh niên xen vào trả lời thay: - Cha tôi hay nói về việc xây cất các lăng tẩm, đền thờ to lớn, quá tốn kém mà không mang lại ích lợi gì cho dân cả. Nhưng các giáo sĩ và Pharaoh đã muốn làm thì không ai dám cản cả. Chắc chắn Pharaoh không quan tâm đến nguời dân mới làm như thế nhiều năm rồi. Tôi giật mình vì việc chỉ trích chuyện xây cất lăng tẩm, đền thờ là điều rất cấm kỵ, đụng chạm đến uy quyền của Pharaoh. Trong lịch sử Ai Cập, hầu như mọi Pharaoh đều có những công trình xây cất hết sức vĩ đại, như các kim tự tháp, lăng tẩm và đền thờ các thần linh, vì đó là những gì Pharaoh để lại cho đời sau biết đến công lao tên tuổi của họ. Ông lão lên tiếng: - Ai sợ Pharaoh chứ ta không sợ. Pharaoh nào cũng thế, chỉ biết đến quyền lợi của mình, chỉ lo xây dựng mồ mả cho thật to, thật tốn kém để đảm bảo một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia chứ có nghĩ gì đến nỗi bất hạnh của người dân phải còng lưng xây cất đâu. Pharaoh hiện giờ còn tệ hơn nữa, không những lo xây cất mồ mả vĩ đại cho mình mà còn bắt phải xây thật nhiều đền thờ Thái Dương cho bọn giáo sĩ và quyến thuộc của chúng hưởng thụ nữa. Cihone vội vã lấy tay bịt mồm ông lão lại: - Cha cẩn thận! Đừng nói nữa cha ơi... Ông lão thủng thẳng nói chậm, rõ từng lời: - Việc gì mà phải sợ thế, làm người phải biết can đảm nói lên sự thật chứ. Thế chẳng lẽ con định cho cha đến lúc chết mới được nói lên sự thật à? Chàng trai có vẻ xúc động thật sự sau câu nói của ông lão: - Thôi, cha đã muốn nói thì cứ nói. Con ủng hộ cha can đảm nói lên sự thật! Nếu không biết đợi đến khi nào nữa? Cha đã già rồi, không cần quá sợ hãi như trước nữa! Cihone nhìn chàng trai rồi quay lại nhìn cha, nhỏ nhẹ: - Giờ cha không nên nói gì nữa. Hôm nay có người lạ ở đây. Câu nói của Cihone khiến mọi người đều giật mình quay về thực tại, im lặng quay qua nhìn tôi như dò xét.
Hai chữ “can đảm” có một mãnh lực kỳ lạ khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm thời thơ ấu. Khi tôi và mẹ tôi sống trong cung điện, tôi thích trèo lên một bức tường thấp, rồi nhảy xuống lòng mẹ để bà ôm lấy tôi. Hôm đó, mẹ tôi khoanh tay lại bảo: “Con hãy nhảy xuống một mình đi, con lớn rồi“. Tôi lo sợ: “Bức tường cao quá mẹ ơi“. Mẹ tôi mỉm cười: “Này Akhon, con hãy nhìn xem, bức tường này chỉ cao hơn con một chút thôi, con có thể nhảy xuống nhưng hãy khôn khéo nhảy bằng hai chân - đừng nhảy bằng cặp mắt”. Ý bà muốn nói là khi nhìn bằng mắt, người ta dễ sợ hãi và không dám nhảy. Mẹ tôi nói thêm: “Con đã lớn rồi, phải biết tự chủ và vượt qua những khó khăn. Con phải can đảm lên! Đừng có quá sợ hãi khi cần can đảm”. Tự nhiên trong tôi trào lên một cảm xúc. Tôi nhìn mọi người, rồi lên tiếng trấn an: - Mọi người yên tâm, tôi hiểu chuyện và sẽ giữ im lặng không nói cho ai biết đâu. Mà ông đang nói đúng mà. Tuy nhiên, tất cả vẫn nhìn tôi với thái độ lo ngại, không ai nói thêm gì nữa. Bầu không khí nặng nề bao trùm lên căn nhà khiến tôi hiểu cuộc gặp gỡ đến lúc phải kết thúc, dù tôi muốn nói chuyện tiếp với Cihone vẫn phải từ biệt quay về. Tôi trở về cung điện trong trạng thái khó chịu, bực bội. Không hiểu sao những câu nói vô tình nhưng thành thật của những người dân này lại có một sức mạnh đánh thẳng vào đầu óc kiêu căng ngạo mạn của tôi, làm xáo động trái tim tôi. Tôi nhớ đến giọng nói cùng cách ứng xử dịu dàng của người con gái thuần hậu kia và tự nhiên cảm thấy trong lòng thật sự cay đắng. Vì sao một vị Pharaoh oai hùng, quyền uy lại có cái cảm giác hụt hẫng, xấu hổ trước một người con gái xuất thân quá đỗi bình thường như thế được? Làm sao một Pharaoh cao quý sống giữa đám cung nữ xinh đẹp lại có cảm giác chạnh lòng khi chứng kiến sự yêu thương, đồng điệu giữa khó nghèo của người con gái trẻ chân quê kia với một gã trai làng như thế? Phải chăng chính sự thu xếp của thần linh đã để cho người con gái đó phải thuộc về người khác chăng? Dĩ nhiên tôi chỉ cần vung tay ra là sẽ đạt được điều tôi muốn ngay - nhưng không hiểu sao tôi biết mình không thể làm như thế với người con gái này được. Chưa bao giờ tôi thấy mình lại bất lực đến thế. Ai đã đặt tôi vào hoàn cảnh trớ trêu lạ lùng như bây giờ? Ai có thể trả lời những điều tôi đang muốn hỏi? Nếu mọi việc đều là ý muốn của thần linh thì tại sao họ lại ác thế? Từ ngày lên ngôi Pharaoh, tôi đã dâng cúng rất nhiều phẩm vật cho thần linh thì tại sao họ lại đặt tôi vào tình cảnh trớ trêu này? Phải chăng đó là sự thử thách về đức tin của tôi đối với chư thần hay là một cái gì đó khác nữa chăng? Những câu hỏi này đã xâm chiếm dọc ngang tâm trí tôi suốt đêm hôm đó, nó giống như một mũi tên sắc nhọn đâm vào tim, giày vò, nhức nhối, đau đớn chưa từng có. Sáng hôm sau, tôi thấy trong người rất khó chịu, bực bội nên ra lệnh cho kẻ tùy tùng thắng ngựa cho tôi đi ra ngoài cung. Tôi không muốn quân sĩ đi theo nên ra lệnh cho họ quay trở lại, rồi một mình một ngựa tiến thẳng ra sa mạc. Mặt trời bắt đầu lên cao, ánh nắng tỏa lan trên những cồn cát trập trùng trải dài trong sa mạc khiến tôi cảm thấy như có một sức sống kỳ diệu đang bao trùm lên vạn vật. Tôi tự hỏi: “Hiện nay thần Thái Dương Amun Ra đang ở đâu?”. Đã từ lâu, tôi vẫn thầm gọi tên Ngài trong các nghi lễ tổ chức trong đền thờ khi dâng cúng phẩm vật nhưng không hề cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Hiện tôi đang đứng một mình giữa sa mạc mênh mông, không có những giáo sĩ hay những nghi thức, mà chỉ có những cồn cát vắng lặng, trơ trụi, nhưng tôi lại thấy mình nghĩ đến Ngài một cách thiết tha hơn bao giờ hết. Tôi ước ao được nhìn thấy Ngài, được nói chuyện với Ngài một cách thân mật để mong Ngài trả lời những thắc mắc của tôi. Nhưng vô ích, từ trước đến nay Ngài chỉ là một pho tượng vô tri trong đền thờ Thái Dương mà thôi. Tôi dừng ngựa, lặng lẽ nhìn ngắm những vệt sáng chạy dài ở cuối chân trời và hốt nhiên cảm nhận được một cái gì đó dịu dàng, mềm mại như bàn tay của đấng Thái Dương đang dang rộng ra để đón tiếp tôi. Như có gì đó thúc đẩy, tôi quỳ xuống, dâng lên Ngài một lời cầu nguyện thiết tha, lời cầu nguyện của một tín đồ trung thành chứ không phải của một Pharaoh oai phong lẫm liệt. Tự nhiên tôi thấy mình chìm ngập trong một bầu ánh sáng bao la vô tận. Tôi cảm nhận được có điều gì đó lạ lùng đang chuyển hóa trong tâm mình. Hình như đấng Thái Dương đang trêu chọc tôi, đang đùa giỡn với tôi chăng? Tôi đã muốn tìm Ngài từ lâu rồi nhưng không được vì lúc nào Ngài cũng lẩn tránh tôi. Tuy nhiên, có lẽ Ngài nghe được lời cầu nguyện của tôi nên đã dừng lại như chờ đợi. Tôi thu hết can đảm để ôm lấy Ngài, nhưng một lần nữa tôi lại thấy mình không nắm được bàn tay Ngài và cũng không thấy được khuôn mặt Ngài. Tôi đứng im trong thất vọng và bất chợt thét lớn, thật lâu: - Thần Thái Dương! Ngài đang ở đâu? Tiếng hét của tôi lạc lõng dội vào giữa sa mạc mênh mông rồi tắt lịm, chỉ có những cồn cát trập trùng đứng ngây ra như thách đố. Nhưng ngay trong lúc đó, hốt nhiên tôi nhận thức được một tiếng nói vô thanh ở ngay sát bên tai: “Ta đây!”. Tâm hồn tôi bỗng nhiên như được mở rộng, nỗi thất vọng tự động tan biến, và tôi cảm nhận rõ một cảnh tượng lạ lùng đang xuất hiện. Một cảnh tượng huy hoàng sáng chói hiện ra trước mặt tôi, và tự nhiên tôi ý thức được rằng mình không thể tìm thấy Ngài ở bên ngoài mà phải tìm ở bên trong. Vừa nghĩ như thế thì như thể có một bàn tay vô hình gỡ đi tấm vải từ lâu vẫn che mắt tôi. Bấy lâu nay tôi vẫn tìm kiếm đấng Thái Dương qua các nghi lễ trong đền thờ. Tôi đã tìm kiếm Ngài qua những nghi thức dâng cúng phẩm vật, nhưng lúc nào Ngài cũng lẩn tránh tôi. Bây giờ, giữa sa mạc mênh mông này, Ngài lại hiện diện bên cạnh tôi và thì thầm rõ trong tai tôi: “Tại sao trước giờ ngươi lại mải miết đi tìm kiếm Ta ở bên ngoài? Hãy quay vào bên trong nội tâm, ngươi sẽ gặp Ta!” . Tôi lặng người trong giây phút cảnh giới xuất thần lạ lùng đó và tự nhiên hiểu rằng từ trước đến nay tôi đã đi tìm ở bên ngoài nên không có được kết quả, câu trả lời chỉ đến từ bên trong và nếu biết quay vào bên trong thế giới nội tâm của mình - mọi câu hỏi dường như sẽ được giải đáp. Con người luôn thường có thói quen thích lệ thuộc, muốn đi tìm sự trợ giúp từ bên ngoài nhưng đôi lúc chính bản thân họ đã có đủ sức mạnh cùng lý lẽ trực giác giải quyết được vấn đề rồi. Tôi ngây ngất trong cơn thần ảo kỳ diệu này, thời gian như lắng đọng, rồi đầu óc của tôi xoay chuyển với muôn vàn tư tưởng cần được giải đáp. Tôi nghĩ đến các giáo sĩ đã ủng hộ tôi lên ngôi vị Pharaoh, họ làm thế chỉ vì quyền lợi của họ. Việc xây cất các đền thờ, tổ chức các nghi lễ dâng cúng phẩm vật chỉ là một hình thức trục lợi của phe nhóm này. Đây là một điều sai lầm vì thật ra đấng Thái Dương đâu hề ngự trị trong những đền thờ to lớn đang được xây cất kia mà Ngài luôn an ngự ở trong tâm trí tôi và trong lòng tất cả mọi người. Câu hỏi từ lâu không được giải đáp bỗng được trả lời một cách tự nhiên. Tôi cảm nhận được một niềm an lạc sâu sắc trỗi dậy bên trong mình. Hơi thở của tôi dần dần trở nên nhẹ nhàng, thoát ra khỏi buồng phổi như một cơn gió mát. Tâm hồn tôi không còn xáo trộn như trước mà trở nên an tĩnh vô cùng. Tôi không còn ý thức gì về thân xác của mình nữa, đầu óc của tôi trở nên sáng suốt lạ thường. Cái bản ngã kiêu căng hung bạo của tôi tự nhiên tan biến vào sa mạc mênh mông. Tầm mắt của tôi được mở rộng ra, tôi nhìn thấy ánh sáng của vầng thái dương lan đến đâu là sự sống bừng lên đến đó. Tôi nhìn thấy những rễ cây chà là đang mọc dưới lớp cát trong những ốc đảo giữa sa mạc. Tầm mắt vươn ra xa, tôi nhìn thấy những đoàn thương buôn cưỡi lạc đà đang cắm cúi trên những con đường dẫn đến kinh đô Thebes. Trong tầm mắt của tôi, vạn vật đều trở nên sống động hơn bao giờ hết. Ngay cả thân thể tôi cũng tan hòa vào luồng ánh sáng bao la vô tận này. Tôi ngây ngất trong cảm giác thần ảo này và chợt hiểu rằng đấng Thái Dương chính là nguồn an lạc vô biên, toàn thân Ngài được dệt bằng muôn vàn tia sáng. Toàn thể vũ trụ hiện ra trong luồng ánh sáng này với muôn vàn tinh tú chói sáng khắp nơi. Tại sao Ngài lại làm vậy? Câu trả lời đến ngay với tôi: “Ta chính là tình thương” . Ngay lúc đó, tôi ý thức rằng chính tình thương đã đem lại sức mạnh cho Cihone để giúp đỡ những đứa trẻ mắc bệnh. Tôi nghĩ đến câu nói của ông lão y sĩ về những đứa trẻ thiếu tình thương. Tôi hiểu rằng tôi cũng là nạn nhân của việc này vì tôi đã mất mẹ từ nhỏ và tại sao tôi trở thành một con người hung bạo hơn những Pharaoh trước đó. Tôi không biết mình đã đắm chìm trong trạng thái này bao lâu, nhưng tôi đã nhận được câu trả lời mà tôi vẫn thắc mắc từ bấy lâu nay. *** Tôi giật mình tỉnh dậy và thấy mình đang ngồi trong phòng làm việc ở New York. Cái cảm giác an lạc lạ lùng ngoài sa mạc vẫn còn để lại những rung động tuyệt vời trong tâm trí tôi. Tôi tự hỏi phải chăng tôi vừa trải qua một trải nghiệm về đời sống ở kiếp trước thật hay đó chỉ là một giấc mơ? Nhưng một giấc mơ không thể rõ rệt đến từng chi tiết và có những dư âm sâu đậm đến thế được.
Thường qua một giấc mơ người ta sẽ quên ngay, nhưng những trải nghiệm cùng cảm xúc này lại theo tôi mãi sau này. Nhưng khi tôi giơ tay nhìn vào chiếc nhẫn hình con bọ hung đeo trên ngón tay và cố tập trung tư tưởng vào đó nhưng lại không cảm nhận được gì hết. Tại sao khi trước chỉ nhìn vào đó thôi mà tôi có thể nhớ và sống lại tiền kiếp, còn hiện giờ lại không thể làm như thế được? Suốt ngày hôm đó, đầu óc tôi hoàn toàn bị chi phối bởi những sự kiện diễn ra trong tiềm thức kiếp sống ở Ai Cập. Nếu tôi có khả năng nhớ lại tiền kiếp thì việc gì đã xảy ra sau đó tôi cũng phải biết chứ? Tôi có được gặp lại Cihone, người con gái dịu dàng kia nữa không? Chuyện gì đã xảy ra cho triều đại Ai Cập sau đó? Ngày hôm sau, tôi tiếp tục nhìn vào chiếc nhẫn với hy vọng nó có thể đưa tôi trở lại tiền kiếp nhưng việc này vẫn không xảy ra như mong muốn. Sau nhiều lần cố gắng vô ích, tôi nghĩ đến ông Kris. Nếu ông này có thể giúp tôi nhớ lại tiền kiếp tại Atlantis thì biết đâu ông cũng có thể giúp tôi trở lại tiền kiếp tại Ai Cập? Trong buổi nói chuyện về kiếp sống tại Ai Cập, Thomas cho biết mặc dù trong giờ phút cuối tại Atlantis, ông bắt đầu ý thức được cảm giác hối hận và tình thương nhưng chưa được rõ ràng. Nó chỉ là một hạt giống được gieo vào tiềm thức của ông. Trong kiếp này, qua việc tiếp xúc với Cihone, ông đã học thêm được rằng tình thương là cái mà ta cho đi vô điều kiện, do đó ông bắt đầu chuyển hóa. Từ sự hiểu biết này, ông mới ý thức rõ hơn về đấng Thái Dương và trải nghiệm được điều thần ảo ngoài sa mạc. Từ đó, ông hiểu rõ về sự sa đọa của nền tôn giáo cổ đang bị lũng đoạn bởi các phe nhóm giáo sĩ thành Thebes mà không hề quan tâm đến cuộc sống của người dân nghèo.
No comments:
Post a Comment