Monday, March 9, 2020

Phòng ngừa bệnh dịch do Coronavirus COVID-19 - BS Đỗ Văn Hội tổng hợp

(THEO CƠ QUAN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CDC HOA KỲ)
BS Đỗ Văn Hội tổng hợp
Bài này được áp dụng cho những trường hợp sau đây:
  1. Cho người bình thường khi có dịch.
  2. Cho người có nguy cơ cao mắc bệnh
  3. Cho những nơi có bệnh dịch bùng phát sâu rộng.
  4. Cho những người sắp hoặc đang mắc bệnh
(Theo cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC)
I- Cho người bình thường
Hiện tại không có vắc-xin (thuốc chủng) để ngăn ngừa nhiễm siêu vi 2019-nCoV. Cách tốt nhất để ngăn ngừa tránh tiếp xúc với siêu vi (virus) này.
Cũng chưa có thuốc đặc trị cho loại virus này.
Hiện nay có một số công ty đã thử thành công hai loại thuốc trên, nhưng còn phải chờ cơ quan hữu tránh Hoa kỳ kiểm nghiệm, tối thiểu phải có 60 ngày, sau đó mất vài tháng mới có thể sản suất số lượng lớn trong thương mại.
Tuy nhiên, cơ quan CDC luôn khuyến khích nên có những hành động phòng ngừa hàng ngày để giúp ngăn ngừa sự lây lan virus đường hô hấp này, bao gồm:
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh.
  • Tránh sờ vào mắt, mũi và miệng của mình bằng tay không rửa sạch.
  • Ở lại nhà khi quý vị mắc bệnh.
  • Che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó ném khăn vào thùng rác. Rửa tay ngay lập tức.
  • Làm sạch và khử trùng các đồ vật và mặt bằng thường xuyên chạm vào bằng cách sử dụng bình xịt sát trùng (có chứa cồn) hoặc lau chùi thông thường trong gia đình.
  • Hướng dẫn của CDC về việc dùng khẩu trang (mask)
    • Những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang ở môi trường bình thường.
    • Những người có triệu chứng mắc bệnh coronavirus 2019, nên đeo khẩu trang để bảo vệ người khác khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh. 
    • Các nhân viện y tế và những người săn sóc bệnh nhân rất cần đeo khẩu trang hoặc quần áo ngăn ngửa (tại gia hoặc một cơ sở chăm sóc y tế).
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, và sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.
    • Nếu xà phòng và nước không có sẵn, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn với ít nhất 60% cồn. Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước nếu tay dơ bẩn.
Đây là những thói quen hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của một số loại virus. 
Lời khuyên khác của bác sĩ gia đình: Giữ gìn sức khỏe để tăng sức đề kháng và miễn nhiễm giúp cơ thể chống lại siêu vi khuẩn.
II- Cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh và tử vong
Những người có nguy cao dễ mắc bệnh bao gồm:
  • Người già từ 60’ trở lên. Tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn.
  • Người có những bệnh sẵn có như bệnh tim mạch (bệnh tim, cao huyết áp nặng, tiểu đường, bệnh phổi (bệnh suyễn, người hút thuốc lá).
  • Ghi chú: sản phụ và trẻ em hiện nay không được xem là có nguy cơ cao mắc bệnh gây tử vong, theo CDC.
Những người có nguy cao cần phải làm gí?
1- Cần có đủ vật dụng tiếp tế thường xuyên (supplies): dược phẩm, thực phẩm và vật dụng cần thiết vì không có thể đi ra ngoài:
  • Thuốc men do toa bác sĩ có thể cung cấp cho thời gian dài (thay vì chỉ 1 tháng)
  • Có thể nhận dược phẩm bằng bưu điện hoặc các công ty chuyên chở
  • Cần có đủ các loại thuốc bán tự do trên quầy (over the counter) đủ để sử dụng trong thời gian lâu như thuốc giảm sốt, chống đau, giảm ho, giảm nôn ói..
  • Thực phẩm, nước uống, đồ dùng (khăn giấy lau mặt, lau mũi, nước khử trùng)… trong thời gian dài (vài tháng).
2- Giữ đúng cách trong giao dịch đời sống hàng ngày:
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước ấm, nhất là sau khi ho, xì mũi, hắt xì, hoặc sau khi ở nơi công cộng về.
  • Có thể dùng dịch sát trùng có cồn trên 60 độ để sát trùng tay.
  • Thường xuyên lau chùi sạch sẽ các mặt phẳng như bàn, ghế, giường, tủ, các núm cửa…
  • Tránh sờ mắt, mũi, miệng nhất là khi tay chưa được rửa sạch
  • Tránh tối đa bắt tay, sờ núm cửa, sờ tay dựa cầu thang, các mặt bằng nơi công cộng. Rửa tay ngay sau khi rời nơi công cộng.
  • Tránh tối đa đám đông, nhất là ở những nơi có diện tích đóng kín, nhỏ hẹp..
III- KHI CÓ DỊCH BÙNG PHÁT NƠI MÌNH CƯ NGỤ
  • Ở lại nhà tối đa, tránh đám đông…
  • Nhờ bà con, bạn bè hoặc các công ty chuyên chở cung cấp mua sắm thực phẩm, đồ dùng dùm cho quý vị.
  • Áp dụng những phương pháp tổng quát nói ở trên.
IV- ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THỂ HOẶC ĐÃ MẮC BỆNH
1- Những dấu hiệu của bệnh Coronavirus COVID-19 gồm:
Trường hợp nhẹ: Sốt, ho, khó chịu trong mình, tương tự như cúm thông thường.
Nếu nặng: sốt cao, ho có đàm xanh, khó thở, đau ngực, mệt lả…
Nếu có những triệu chứng nêu trên quý vị cần đến khám với cơ quan y tế ngay nếu nhẹ, hoặc gọi xe cứu thương khẩn cấp vào phòng cấp cứu (911) nếu nặng.
Người nghi mắc bệnh (từ nơi có dịch về) sẽ được cách ly 14 ngày. Sau đó, nếu xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà (nhưng cũng vẫn được theo dõi thường xuyên).
2- Người đã mặc bệnh:
Quý vị cần giữ gìn sức khỏe tốt bằng cách ăn uống đầy đủ, nhiều rau, trái cây, uống đủ nước, không hút thuốc, không uống rượu, ngủ đủ giấc, để tăng sức đề kháng. Uống thuốc giảm sốt, đau nhức, chống ho, chống ói… Dĩ nhiên phải đi khám bác sĩ.
Để tránh lây nhiễm cho người khác, người bệnh nên áp dụng các biện pháp như sau:
  • Tự cách ly ở trong nhà, không đi ra ngoài, hoặc vào bệnh viện để điều trị.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
  • Dùng khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt xì, sau đó bỏ giấy vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.
  • Lau chùi, khử trùng thường xuyên nơi mình ở, các vật dụng thường dùng.
  • Tránh dùng chung khăn mặt, khăn tắm, quần áo, gối…
  • Tránh dùng chung đũa, ly, chén, ăn chung kiểu Á đông khi dùng đũa..
Các cơ quan y tế thường dùng biện pháp cách ly bệnh nhân để ngăn chận sự lây lan.
Thường thường đa số người mắc bệnh nếu giữ được những điều khuyên kể trên bệnh có thể tự khỏi. Nếu nặng hơn, phải vào bệnh viện.
Nên vào trang mạng của cơ quan phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-nCoV/summary.html
hoặc Tổ chức Y tế thế giới WHO
https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/situation-reports/20200121-sitrep-1-2019-ncov.pdf
BS Đỗ Văn Hội
Email: hoivando@gmail.com

No comments:

Post a Comment