“Cho tôi che chở bạn, như bạn chở che tôi lúc gian nguy”
Câu
nói giản dị, được viết bằng ba thứ tiếng Anh, Việt, Phi trên tấm plaque
nhỏ gắn ở bờ tường Guadalupe Elementary School, thuộc thị trấn Coron,
phía Bắc đảo Palawan, Phi Luật Tân để ghi nhận sự đóng góp của tổ chức
VOICE khi họ xây tặng ngôi trường tiểu học này cho dân làng tại đây vào
tháng 11, năm 2014, đã nói lên ý nghĩa về một chuyến đi “không hẹn mà
gặp” của những người đã “nợ” quốc gia này một lời “Cảm Ơn”!
Khi
Mai Trương vừa 8 tuổi, cô bé đã theo cha mẹ, anh chị em xuống tầu vượt
biên, sau hơn 10 ngày cầm cự với bão tố biển Đông, và đang chờ chết thì
những chiếc thuyền đánh cá cùng ngư phủ tại hòn đảo nhỏ bé này đã cứu
vớt cả gia đình cô cùng những thuyền nhân khác vào đây, cho thức ăn,
nước uống và quan trọng hơn cả là cho họ sự sống! 30 năm sau, lần đầu
tiên trở lại thăm chốn cũ, cô bé tỵ nạn ngày nào giờ đã 38 tuổi, và là
một thương gia thành đạt tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Cô mang theo
mình những món quà tình nghĩa, nhỏ bé nhưng gói ghém tất cả niềm tri ân
vĩ đại dành cho những người dân làng hiền lành và tốt bụng năm xưa!
Mà
không chỉ có Mai, tôi thấy trong phái đoàn “không hẹn mà gặp” này tại
Phi Luật Tân, vào tuần lễ kỷ niệm July 4, 2019 còn có những người khác,
từng sống ở Palawan, Bataan, Manila hay Làng Việt Nam… Như Trung, như
Phát, như Sang, như Tâm, như Tuấn, như Jaku như Kiều hoặc như Bảo Thiên,
người đàn ông với đứa con nhỏ, đã cầm dao tự vận để chống cưỡng bách
hồi hương vào năm 1996, nhưng Thiên đã bị lực lượng quân đội Phi đàn áp,
cướp dao và đánh cho nhừ tử, gẫy cả xương sườn, cả tay lẫn chân, đến
nỗi phi hành đoàn của “chuyến tầu hồi hương” đã từ chối không cho cha
con anh lên máy bay về VN cùng với 96 người khác đã bị khiêng như con
vật của chuyến cưỡng bức “repatriation” duy nhất mà nước Phi đã thực
hiện đúng vào ngày lễ “Tình Yêu” (Valentine’s day)!. Hình ảnh dã man đó
đã đánh động lòng nhân của Giáo Hội cùng chính quyền Phi Luật Tân để rồi
họ ngưng thi hành chỉ thị CPA của Liên Hiệp Quốc và quyết định để hơn
3000 người Việt ở lại đất Phi dưới sự chăm sóc của Soeur Pascal Lê Thị
Tríu, cho đến khi những người này được LS Trịnh Hội cùng các thành viên
của tổ chức LAVAS, VOICE và cộng đồng người Việt tại hải ngoại đấu tranh
cho họ được đặt chân đến bến bờ tự do.
Lần
đầu tiên nhiều người trong số này được trở lại đây sau khi lệnh cấm
nhập cảnh của họ đến PLT (vì từng sống bất hợp lệ) được giải tỏa chỉ 6
tiếng đồng hồ trước khi phi cơ hạ cánh tại Aquino Manila airport. Tuy
nhiên trước đó, dù không thăm viếng được, nhưng họ đã nhiều lần trả ơn
đất nước này bằng cách đóng góp, gởi quà tặng, cứu trợ tiền bạc, giúp đỡ
khi có thiên tai, hay thư từ thăm hỏi người ơn năm xưa vào những dịp lễ
hội. Đặc biệt nhất là trong trận bão khủng khiếp Hayan, tàn phá một
phần của nước Phi vào tháng 11, 2013. Các cựu thuyền nhân Palawan đã
cùng với tổ chức VOICE thực hiện một cuộc lạc quyên trong vòng thân hữu
dự trù sẽ gây quỹ được khoảng $60 ngàn Mỹ Kim để mua đồ cứu trợ gởi tặng
cho các cư dân ở một số nơi mà làng mạc của họ bị tàn phá. Nhưng đã như
một phép nhiệm mầu, cuộc gây quỹ khiêm nhượng đó được cộng đồng người
Việt ở khắp nơi trên thế giới tiếp tay cùng VOICE khiến cho số tiền nhận
được đã lên đến hơn $600 ngàn dollars. Và với ngân khoản lớn lao này,
thì ngoài tiền mặt, thực phẩm, quần áo, thuốc men cùng đồ gia dụng,
VOICE đã quyết định tặng người dân PLT bằng cách xây dựng lại hai ngôi
trường tiểu học đã bị bão Hayan hủy hoại, một ở làng Ormoc, và một ở đảo
Coron, để cho các học sinh có nơi trau dồi học vấn và kiến thức.
Theo
chân nhóm thuyền nhân tình nghĩa năm xưa đến thăm viếng, ủy lạo và phát
quà cho các ân nhân đã từng “chở che” mình và bây giờ họ đang “che chở”
lại, tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe cô Emy Gomez, hiệu trưởng
trường Guadalupe nói: “Món quà là những lớp học mà quý vị xây tặng
cho người dân ở hòn đảo Coron, không chỉ xử dụng cho một ngày, một
tháng hay một năm, mà là cả một đời, và sẽ là một nơi đào tạo ra nhiều
thế hệ con em của chúng tôi…”!
Và niềm
xúc động lớn nhất của tôi là nhìn thấy hình ảnh mà Mai, Jaku cùng một
số các bạn đến Palawan khi còn trẻ, ôm chầm lấy những cô giáo Phi đã dậy
dỗ họ ở trong trại tỵ nạn từ thuở hàn vi, và những kiến thức căn bản đó
đã giúp họ trở thành những người hữu dụng trong xã hội ngày nay.
Tôi
may mắn được gặp toàn những người tử tế trong chuyến trở lại thăm PLT
lần này. Họ đã không quên thắp những nén nhang cầu nguyện cho hơn 300
thuyền nhân bất hạnh đã phải để lại thân xác trong nghĩa trang ở trại
Bataan. Họ cũng xót xa cho số phận của những thuyền nhân không may, vì
một lý do nào đó vẫn còn phải sống trong Làng Việt Nam. Tôi ngưỡng mộ
lòng nhân ái của chị Anla, một thuyền nhân tỵ nạn năm xưa, hiện đang
định cư tại Úc Châu. Khi thấy các học sinh người Phi đội nắng, lang
thang trên bãi cỏ vào giờ ra chơi. Nhìn lũ trẻ ngơ ngác không có phương
tiện gì để giải trí, chị đã quyết định xây tặng ngôi trường tiểu học này
một “play ground” trang bị đầy đủ dụng cụ, đồng thời mua tòan bộ sách
vở để cung cấp cho nhu cầu khẩn thiết của thư viện trường học hiện nay.
Câu
chuyện của Anla cũng là một “huyền thoại” khi chiếc thuyền vượt biên
của chị cùng một tầu khác bị lọt vào một hoang đảo. Cô bé thuyền nhân tỵ
nạn lúc đó chỉ mới vừa 9 tuổi, nhưng đã phải chứng kiến cảnh người ta
vì đói mà phải “ăn thịt nhau để sống”! May mắn thay cô và gia đình đã
được chiếc tầu dầu của Hong Kong cứu vớt kịp thời và đưa vào trại Kai
Tak. Hình ảnh nỗi kinh hoàng của 39 năm về trước dường như đã phai mờ
trong trí tưởng, cho đến khi Anla biết được VOICE đã và đang đóng tiền
để nuôi anh Huỳnh Phong, một người đàn ông tỵ nạn tại bệnh viện tâm thần
ở Manila từ hơn 10 năm qua, chỉ vì ông đã chứng kiến cảnh thân nhân
mình bị những người đồng thuyền giết chết để dùng làm “phương tiện sống
còn”! Anh Phong đã phát điên từ dạo ấy, thậm chí cho đến khi sống trong
làng VN anh vẫn cứ trần truồng như người tiền sử, bi nhốt riêng trong
một căn nhà, và làm mồi cho ruồi muỗi! Khi trại đóng cửa, mọi người được
đi định cư, ngoại trừ anh, không quốc gia nào nhận, nên VOICE đã đưa
anh vào một dưỡng trí viện, sạch sẽ, an toàn ở Manila để người ta săn
sóc cho anh. Một số bác sĩ người Canada gốc Việt đã bay qua Phi để chữa
trị cũng như thẩm định, cầu mong Canada cho anh được định cư, nhưng vẫn
hoài công, vô vọng.
Mỗi
lần đến PLT, chúng tôi đều ghé thăm anh Phong. Riêng cô bé tỵ nạn Anla
ngày nào đã khóc hết nước mắt trong chuyên đi này, cô bảo: “Hoàn cảnh
của chú Huỳnh Phong có thể là hoàn cảnh của chính bản thân cháu, khi
chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó. Cũng may là gia đình cháu được cứu
vớt kịp thời”! Và cũng chính vì thế mà trong suốt tuần lễ ở Manila, Anla
đã không đi viếng cảnh như những người bạn khác, mà cô dành nhiều thì
giờ để thăm nom anh Huỳnh Phong, và Anla đã xin VOICE cho cô được nhận
trách nhiệm tài chánh để nuôi anh Phong cho đến khi anh nhắm mắt!
Gặp
những thiện nguyện viên đầy lòng nhân ái của VOICE cùng những việc làm
đầy tình nhân bản mà tổ chức VOICE đã và đang âm thầm thực hiện, tôi cảm
thấy mình may mắn, được dành những khỏang thời gian hiếm quý còn lại
của đời mình sau khi về hưu để tình nguyện tiếp tay với họ giúp những
đồng hương bất hạnh. Không những thế, lần đầu tiên tôi cho hai cô con
gái vừa tốt nghiệp đại học được đi theo bố để học hỏi những tấm gương hy
sinh to lớn, vô vụ lợi của các thành viên thuộc tổ chức VOICE, cùng
những tấm lòng bao dung, những đóng góp vĩ đại của các vị ân nhân. Tôi
muốn các con tôi tiếp xúc cùng đồng bào tỵ nạn để nhìn thấy tận mắt hình
ảnh mà ông bà, cha mẹ và cô chú của các cháu đã từng trải qua lúc vượt
biên. Và quan trọng hơn cả là các cháu gặp được những người đồng tuổi từ
trong nước. Những thực tập sinh của VOICE, những nhà vận động cho tự
do, dân chủ, nhân quyền trên quê hương VN. Tiếc là cháu Phương Nam đã
không gặp được người bạn đồng môn ở YALE, đó là Will Nguyễn, người mà
cháu và các bạn đã từng tranh đấu để anh được trả tự do sau cuộc xuống
đường lịch sử tại VN vào ngày 10 tháng 6, 2018.
Càng
ngưỡng mộ những thiện nguyện viên của VOICE bao nhiêu thì tôi lại càng
phẫn nộ bấy nhiêu khi thấy những người “cùng một dòng máu” lại manh tâm
đi hại chính đồng bào của mình! Hầu hết họ đều đến HK bằng đường hàng
không hay theo diện di dân nên không thể nào cảm nhận được nỗi thống
khổ, gian truân của những người vượt biển bằng thuyền. Nhưng họ lại đang
toa rập với những kẻ vô tâm khác để lớn tiếng chất vấn và “tố cáo” với
các quốc gia định cư rằng, những thuyền nhân bị cưỡng bức hồi hương về
VN như nữ quân nhân Lê Thị Ba hay những người đồng cảnh ngộ, rồi sau đó
tìm đường vượt biên qua lại Thái Lan, đều không đủ tư cách để được nhận là người tỵ nạn!
Họ là ai, và lấy quyền gì mà hạch hỏi, mà thắc mắc, trong khi chính
quốc gia định cư không đặt điều kiện về vấn đề này với các thuyển nhân
kém may mắn hơn chúng ta?
Viết
đến đây và trong một sự tình cờ, tôi nhận được emails của bác sĩ Phan
Minh Hiển, một trong những ân nhân của người tỵ nạn hiện đang sống ở
Pháp. Ông từng tham gia và chủ trương nhiều dự án thiện nguyện trong đó
có hoạt động cứu người vượt biển cùng bác sỹ Bernard Kouchner ở biển
Đông trên tàu Goelo và chiến hạm Le Balny năm 1982. Cạnh đó là lời nhắn
gởi của anh Bùi Mạnh Hùng, một cựu sĩ quan QLVNCH rất có lòng và uy tín
trên các diễn đàn mạng của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, đồng thời
với những dòng text của anh Vũ Hoàng Hải, thành viên của nhóm Bạch Đằng
Giang. Cả 3 vị trên đều nhắn gởi VOICE giúp đỡ cho một cựu thuyền nhân
trại Sikiew, ông Đào Bá Lê cùng gia đình được sớm đi định cư. Ông Lê bị
cưỡng bức hồi hương năm 1996, và sau bao nhiêu năm vất vưởng trên chính
quê hương mình, ông và gia đình trốn sang Cam Bốt, tá túc tại đây một
thời gian dài, sau cùng quyết định nhập cảnh bất hợp pháp trở lại đất
Thái Lan với ước vọng được định cư ở một nước thứ ba, sau bao nhiêu năm
sống cuộc đời lưu lạc, nổi trôi!
Thật
là trái ngang và chua xót, trong khi có những người quan tâm đến số
phận hẩm hiu như hoàn cảnh của gia đình ông Đào Bá Lê, thì lại có kẻ
nhẫn tâm đi ngược lại! Họ quên rằng còn có hơn 1000 đồng bào tỵ nạn VN
đang vất vưởng ở Thái Lan hiện nay đang mòn mỏi đợi chờ một ngày nào sẽ
được đặt chân đến bến bờ tự do như họ, như hàng triệu người Việt tỵ nạn
may mắn khác. Tôi cũng không hiều tại sao những cá nhân đó, những hội
đoàn hay tổ chức họ đang phục vụ, không “tranh dành uy tín và danh
vọng” bằng cách phục vụ đồng bào tốt hơn VOICE, hữu hiệu, và kết quả hơn
những gì mà các thiện nguyện viên của VOICE ở khắp nơi trên thế giới đã
và đang làm? Tôi cũng thắc mắc, tại sao không có một tổ chức nào ngoài
VOICE làm công việc giúp đỡ định cư người Việt tỵ nạn hiện nay? Chẳng
lẽ không còn một quốc gia nào đoái hoài đến người Việt tỵ nạn Cộng Sản
ngoài Canada hay sao? Câu trả lời đều là CÓ CHỨ! Ngoài Canada thì Úc, Mỹ
và một số quốc gia Âu Châu vẫn đang nhận người tỵ nạn hàng năm, thậm
chí họ cũng có các chương trình “private sponsorship of refugee program”
tương tự như Canada! Vấn đề ở chỗ là: có ai chịu khó đứng ra vận động,
đấu tranh cho quyền lợi của người tỵ nạn? Hay chỉ thích ngồi để chỉ
trích, moi móc, bịa đặt hầu được nổi tiếng, được nhiều người chú ý vào
xem Facebook của mình hay “câu view” trên YouTube?
Tuy
nhiên bên cạnh những điều tiêu cực đó, chúng ta vẫn có quyền hy vọng.
Hình ảnh của gần 1000 khán giả, đồng hương tham dự buổi đại nhạc hội
“Tiếng Nói và Tương Lai”, rất thành công tại Montreal, Canada vào ngày
Chủ Nhật 28 tháng 7, 2019 vừa qua, với kết quả gần 75 ngàn dollars thu
được để giúp VOICE Canada gây quỹ định cư người Việt tỵ nạn tại Thái
Lan. Buổi nhạc hội này hoàn toàn do những thiện nguyện viên có lòng đứng
ra tổ chức.
Sự
thành công đó chính là những lời an ủi chân tình dành cho đồng bào tỵ
nạn của chúng ta, tuy âm thầm nhưng nghe rất rõ như ý nghĩa bài hát của
nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng “Bên Em, Đang Có Ta”!!!
Nhạc
phẩm này cùng với ca khúc “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” cũng do NS
Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ sáng tác trong thời điểm xây dựng Làng Việt
Nam hơn 20 năm về trước có thể sẽ được mãi mãi vang lên khi kế hoạch xây
dựng Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân ở Palawan, PLT trở thành sự thật.
Hiện
nay một nhóm thiện nguyện viên dẫn đầu là ông Jan Top Christensen, đại
sứ Đan Mạch tại PLT, và từng là Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, cùng
hiền thê là bác sĩ Phùng Thị Thiên Kiều, một cựu thuyền nhân Palawan. Họ
đang đề nghị một dự án trùng tu lại Làng Việt Nam, chùa chiền, nhà thờ
và các cơ sở tôn giáo khác, cùng với những ngôi nhà tỵ nạn năm xưa, để
vừa xây dựng Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân, vừa làm địa điểm du lịch để đồng
hương người Việt trở về thăm chốn cũ.
PLT xứng đáng là
nơi lưu trữ lịch sử của cuộc hành trình tìm tự do vĩ đại của người VN,
vì khó có một đất nước nào đã “che chở” người Việt tỵ nạn lâu dài và
nhân đạo hơn Phi Luật Tân.
– Phi Luận Tân là quốc gia đầu tiên đã nhận người tỵ nạn VN đến Subic Bay và Clark Air Base từ ngày 17 tháng Tư, 1975.
– Phi Luật Tân là đất nước duy nhất có Làng Việt Nam bên ngoài Việt Nam và sẽ có người tỵ nạn VN sống ở đây cho đến trọn đời.
– Phi Luật Tân cũng là quốc gia duy nhất đã không thi hành lệnh trục xuất thuyền nhân VN.
–
Bataan, PLT là “trạm dừng chân hạnh phúc” của hầu hết đồng bào VN từ
nhiều trại tỵ nạn khác chuyển đến đây để được hướng dẫn về đời sống mới
trước khi thực sự đặt chân đến các quốc gia định cư.
Cũng chính vì thế mà nhiều người Việt đã trở về thăm chốn xưa và nói: “Thank you, Philippines”!
Nam Lộc
No comments:
Post a Comment