Thân chuyển đến các bạn để nhờ phổ biến rộng rãi trên
các diễn đàn và Facebook (NL).
Tôi
vừa hoàn tất một chuyến đi dài, từ Âu Châu sang Úc rồi qua đến Thái Lan. Nếu có
những nụ cười hân hoan nhận được từ các buổi gây quỹ rất thành công, như hai
đêm văn nghệ cứu trợ Thương Phế Binh VNCH ở Lyon và Marseilles, cũng như chương
trình gây quỹ hỗ trợ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc do Cộng Đồng Người Việt Tự Do
tại Melbourne, Úc Châu tổ chức để giúp đỡ một cơ quan mà hầu như ai trong chúng
ta cũng đều mang ơn qua từng hột cơm mà họ đã cung cấp khi chúng ta còn vất vưởng
trong các trại tỵ nạn.
Thế
nhưng bước qua Thái Lan, với những cuộc hội ngộ ngắn ngủi cùng những người Việt
đang lầm lũi sống tạm dung tại đây, để mong một ngày được các nước định cư
thương cảm mà đưa tay đón nhận thì không thấy nụ cười, mà chỉ có khổ đau và nước
mắt!
Đứng
trước những lời đồn đãi tiêu cực, không bằng cớ và vô trách nhiệm đối với tổ chức
VOICE cũng như cá nhân luật sư Trịnh Hội, vì thế trong lần đi Thái kỳ này tôi
đã rủ theo một số các vị ân nhân, họ là những người đã và đang tích cực yểm trợ
việc làm nhân đạo và cao quý của VOICE cũng như của Trịnh Hội. Tôi muốn họ được
chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và gặp từng người để tìm hiểu đâu là sự thật.
Và đó chính là lý do chúng tôi tổ chức hai buổi gặp gỡ trực tiếp và mời tất cả
những đồng bào tỵ nạn nào đang còn sống vất vưởng ở Thái Lan đến để tiếp xúc,
Các thiện nguyên và đồng bào tỵ nạn.
Vào
buổi sáng Thứ Bẩy, mùng 7 tháng Bẩy, 2018 vừa qua, hơn 100 người tỵ nạn muộn
màng đã có mặt tại phòng họp của khách sạn Bangkok Cha Da ở Khet Huai Khwang. Họ đã có dịp nói
chuyện trực tiếp với linh mục Peter Namwong, với phái đoàn VOICE từ Canada là tổ
chức đã và đang tiếp tục đảm nhiệm vai trò khó khăn nhất là giúp định cư đồng
bào tỵ nạn, đồng thời với các vị ân nhân cùng những người ủng hộ đến từ khắp
nơi trên thế giới. Họ có thể nói lên hoàn cảnh của mình hay nỗi oan ức, hoặc những
bất công nếu có. Và trong gần 3 tiếng đồng hồ trao đổi, chẳng ai nghe được chuyện
“tráo người” hay “đổi hồ sơ và lý lịch”. Cũng chẳng tìm thấy một nhân vật nào
mà người ta vu cáo là “người lậu từ VN sang” hay đưa người “bất hợp lệ” vào
Canada, mà tất cả đều là những đồng hương bất hạnh, đang sống trong lầm than,
cơ cực và sợ hãi, không biết mình sẽ bị bắt hay bị trục xuất về VN ngày nào! Họ
đã và đang bị thế giới lãng quên, mặc dù rất nhiều người đã được Cao Ủy Tỵ Nạn
LHQ tại đây cấp chứng minh thư là người tỵ nạn, thế nhưng chẳng có quốc gia nào
dang tay nhận họ.
Cha Peter Namwong, ông Đổ Kỳ Anh (VOICE Canada),
LS
Trịnh Hội, LS Ana Nguyễn (VOICE Bangkok) & tác giả.
Ngay tại Hoa Kỳ, ngoài VOICE thì chỉ có BPSOS là tổ chức duy nhất có
văn phòng tại Bangkok, Thái Lan để giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, và người lãnh đạo
BPSOS, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là một nhà vận động hành lang rất tích cực,
ông quen biết rộng rãi các vị dân cử Hoa Kỳ, thế nhưng nước Mỹ đã khép cánh cửa
định cư dành cho người tỵ nạn VN từ hơn 10 năm qua nên thảng hoặc HK mới nhận một,
hai trường hợp tỵ nạn rất đặc biệt như trường hợp của chị Tuyết Nga, hoặc nhạc
sĩ Việt Khang v..v...
Trở
lại về sự có mặt của các vị ân nhân và thiện nguyện viên đến từ khắp nơi trên
thế giới. Họ là các bác sĩ, luật sư, kỹ sư, các vị thương gia thành công tại hải
ngoại, các nghệ sĩ có lòng v..v.. Họ là những người có học vấn, kiến thức, hiểu
biết, họ chính là “những nhà hảo tâm”,
họ đã không ngu dại để ai lợi dụng thời giờ, tiền bạc và công sức đóng góp của
mình vào những việc làm gian dối, bất hợp pháp hay “bỏ túi làm giầu” cho cá
nhân mình. Đó cũng chính là lý do mà hơn 30 thiện nguyện viên, trong số đó có cả
vợ chồng nam ca sĩ Thế Sơn và nữ ca sĩ Diễm Liên. Ho đã tự ý bỏ tiền riêng của
mình ra để mua vé máy bay, tự trả tiền khách sạn cùng mọi chi phí với mục đích
là tìm hiểu sự thật. Và trước mặt
hàng trăm người tỵ nạn kể cả các thuyền nhân còn đang kẹt lại, tất cả đều được
khuyến khích tự do phát biểu hay khiếu nại,
muốn nói gì thì nói. Thế nhưng phái đoàn thiện nguyện đã không nghe được một lời tố cáo hay than trách nào, và cũng không
tìm ra bất cứ một điều gì mà người ta cáo buộc tổ chức VOICE và luật sư Trịnh Hội
đã “ngụy tạo đường giây để chuyển người
lậu vào Canada, họ cũng không tìm thấy một nhân vật nào “không phải là người tỵ nạn đã được đưa vào
Canada”.
Tất
cả thuyền nhân có tên trong danh sách 108 người được chính phủ Canada chấp nhận
cho định cư kể từ 2014 đến 2016 là “đều
do cha Peter Namwong thành lập và trao cho LS Trịnh Hội và VOICE”! Không ai
tìm thấy được bất cứ một cá nhân nào do Trịnh Hội đưa vào danh sách đó theo những
cáo buộc nhảm nhí. Tất cả những người tỵ nạn này đều được chính phủ Canda phỏng
vấn và chấp thuận. Họ đã lần lượt đến Canada bằng 6 đợt, và tôi hân hạnh được
tháp tùng nhóm tỵ nạn cuối cùng gồm 19 người vào ngày 23 tháng 9, 2016 và đó cũng
chính là lý do chúng tôi gọi họ là “Những
Thuyền Nhân Cuối Cùng”.
Những
tưởng trang sử tỵ nạn đã đóng lại và tôi sẽ không còn chứng kiến nỗi khổ đau của
những người phải cắn răng bỏ nước ra đi vì hai chữ tự do. Nhưng đến khi cha
Namwong cho biết là vẫn có một số thuyền nhân hoặc sống ở xa Bangkok nên không
về kịp hoặc không biết để ghi danh với cha, cho nên hiện cha lại vừa có thêm một
danh sách mới, và đó một lần nữa Trịnh Hội cùng VOICE Canada lại phải sắn tay
áo lên tiếp tục đấu tranh cho họ. Và lần này, qua cuộc gặp mặt với đồng bào tỵ
nạn tại Bangkok vừa qua, người ta mới biết được trong danh sách 50 người đầu
tiên mà chính phủ Canada sắp sửa phỏng vấn để cho cơ hội được định cư, không phải
chỉ có các thuyền nhân năm xưa, mà còn có những người tỵ nạn “mới”, đó là các
nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, các tù nhân lương tâm, các đồng bào
Thượng hay từ vùng Tây Nguyên, nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo hoặc thành viên
của các tổ chức xã hội dân sự ở VN v..v...
Riêng
đối với tôi, mặc dù đã nghỉ hưu sau 41 năm làm việc, lý do duy nhất mà tôi vẫn
bỏ thì giờ để tiếp tay cho VOICE, chỉ là vì họ vẫn có lòng và thiết tha với đồng
bào tỵ nạn. Thật ra gặp Trịnh Hội lần này, và nhìn khuôn mặt đăm chiêu, mệt mỏi
của Hội trong buổi tiếp xúc và gặp gỡ với người tỵ nạn, nhất là khi phải ngồi
nghe linh mục Peter Namwong dùng tiếng Thái mẹ đẻ của mình để minh xác về những
điều mà người ta đã lợi dụng khả năng nói tiếng Việt hạn chế của cha cho các âm
mưu thâm độc, hại người lương thiện như đoạn YouTube mà cha phát biểu đính kèm
(https://www.youtube.com/watch?v=BMja-JXw-aU). Lúc ấy tôi có
cảm tưởng là nếu không phải tiếp tục công tác đấu tranh cho quyền lợi của người
tỵ nạn nữa thì có lẽ đó chính là điều mà Hội ước mơ và mong mỏi! Hơn 26 năm hy
sinh cả sự nghiệp cùng đời sống riêng tư để đem niềm hạnh phúc cho hơn 3000
thuyền nhân tuyệt vọng, đối với tôi có lẽ đã quá đủ cho một người, ấy vậy mà vẫn
phải chịu những oan khiên và ganh ghét nhỏ nhen của những kẻ thiếu lương tâm và
đạo đức!
Tôi
tự đặt cho mình một câu hỏi là: nếu Trịnh Hội và VOICE không tiếp tục thì ai sẽ
là người đứng ra đấu tranh cho các đồng bào đang mỏi mòn chờ đợi ở Thái Lan? Nếu
Canada không cảm thông và chấp nhận những cuộc vận động đầy gian truân và phức
tạp của LS Trịnh Hội cùng nhóm thiện nguyện VOICE Canada thì ai sẽ là người tiếp tục công việc này và quốc
gia nào sẽ tiếp nhận những người đang phải lưu vong trên đất Thái? Tôi đố
ai đưa ra được câu trả lời!
Tôi
cũng thách thức ai đưa ra các bằng chứng về vấn đề “chuyển người bất hợp pháp
vào Canada” hoặc lợị dụng tiền bạc quyên góp cho VOICE “để bỏ túi riêng” hay làm những việc sai trái. Nếu có, tôi sẽ là
người đầu tiên đứng lên tố cáo họ trước pháp luật! Nhắc về tiền bạc thì vấn đề
tài chánh và sổ sách của tổ chức VOICE đều rất rõ ràng và minh bạch, tất cả được
điều hành và kiểm soát bởi các CPA, các vị thủ quỹ. Được kiểm toán bởi sở thuế
và các cơ quan tài trợ hàng năm. Luật sư Trịnh Hội “không dính dáng gì đến vấn vấn đề tiền bạc”! dù tiền đó đến từ các
buổi gây quỹ từ thiện hoặc funding từ các tổ chức thiện nguyện v..v..!
Cuộc
họp mặt nào rồi cũng đến giờ chia tay, nhìn bác sĩ Hoàng Trang và nha sĩ Hiếu đến
từ Melbourne, ái ngại cho hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ, nạn nhân Formosa, với
đứa con nhỏ trên tay và cái bào thai gần đến ngày sanh trong bụng, tương lai mờ
mịt, cuộc sống mông lung, rồi cả chủ lẫn khách đều sụt sùi trong nước mắt. Nhìn
vợ chồng Hòa đến từ Norway đang trò chuyện với những gia đình đồng bào thiểu số
từ Tây Nguyên, mà trong đó có Jack, một thanh niên trẻ, đứng lên kêu gọi biểu
tình đòi tự do tôn giáo thì bị công an lùng bắt, Jack trốn qua Thái Lan, nhưng
họ đã tra khảo thân phụ của anh cho đến chết! Còn Đỗ Minh Tâm, nhà địa ốc trẻ ở
Houston thì lưu luyến an ủi người thanh niên tỵ nạn đã lên tiếng xin VOICE giúp
cho gia đình anh với một bà mẹ đang đau nặng với căn bệnh ung thư, nhưng không
có thuốc men hay tiền bạc để chữa trị. Nhìn gia đình anh Thuyết, một thuyền
nhân ở trại Hong Kong 30 năm về trước, bị trục xuất về VN nhưng không bất khuất,
vẫn tiếp tục đấu tranh để giờ trở thành một tù nhân lương tâm với cuộc đời biệt
xứ. Tôi cũng gặp một cưu sĩ quan QLVNCH đã phải trải qua 21 năm tù đầy trong
các trại giam của CSVN và gặp vợ chồng anh Hải cùng phục vụ trong Sư Đoàn 5 với
tôi ở VN ngày trước... Tôi còn gặp mục sư Hòa, mục sư Hành cùng nhiều hoàn cảnh
đáng thương khác. Họ đang chờ đợi với hy vọng nhỏ nhoi là VOICE sẽ cố giúp được
cho họ. Tuy nhiên với sự đòi hỏi lớn lao từ chính phủ Canada qua chương trình bảo
trợ “private sponsorship” lần này thì không biết lúc nào VOICE Canada mới có thể
đạt tới điều kiện của họ: Mỗi gia đình người tỵ nạn phải ký quỹ tối thiểu là $11,800
dollars, và mỗi đầu người cần phải có khoảng $3500.00 dollar để chi dùng cho vấn
đề processing fees cũng như chuyển vận. Và để có đủ tài chánh hầu bảo trợ cho
50 người đầu tiên, có lẽ VOICE Canada phải come up với một ngân khoản hơn nửa
triệu dollars? Cạnh đó với tiêu chuẩn “group of 5” (5 người bảo trợ ký tên
trách nhiệm cho một gia đình tỵ nạn), thì VOICE Canada phải tìm cho ra con số gần
100 người sẵn sàng ký giấy bảo trợ! Một trọng trách không nhỏ mà tôi chưa từng
thấy ở bất cứ quốc gia nào!
Thôi,
hãy cố giúp nhau, nếu không có hoàn cảnh thì cũng đành, nhưng xin đừng hại
nhau!
Nam Lộc
No comments:
Post a Comment