Xe đò lỡ Sài Gòn – Hốc Môn năm 1969 – Nguồn: Saigonoldphoto
Xe
không chạy trên sông sao gọi xe đò? Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi
gặp ông ở quán cà phê vỉa hè trước Nhà Văn hóa quận Gò Vấp cách nay hai
mươi năm. Trong chiếc áo sơ mi cụt tay, khuôn mặt ốm nhăn nheo màu bánh
ít, mắt đăm chiêu sau cặp kiếng dày, ông thủng thỉnh trả lời theo kiến
giải của mình. Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương
tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp
thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát
triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là
xe đò cho tiện.
Nghe
vậy thôi, sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe
đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như
người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền
Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện.
Và rồi câu chuyện sôi nổi hơn khi nhà văn nhắc tới kỷ niệm thời học sinh
trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong
tập “Hồi ký Sơn Nam”: “…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai
(120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để
người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều
người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần
Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi
ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng
rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách
bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”.
Xe đò dài Thuận Hiệp đi Sài Gòn – Cà Mau – Ảnh: Douglas Pike
Nhưng
điều thú vị nhất là ông kể hồi thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ
toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một
thập niên sau, người Việt mình giàu có tham gia mở công ty lập hãng,
nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại
lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn
đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ.
Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều,
tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật
vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe
đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên
liệu cho xe hoạt động. Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”,
hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau.
Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt,
gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh
Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.
Xe đò Sài Gòn đến Vĩnh Long năm 1970 đường sá còn trải đá – Ảnh: Frank Effenberger
Hình
ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được
lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở
lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần
chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy
nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ
– tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe
gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu.
Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh
sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng
ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho
chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe. Xe
đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn –
Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng
dầu, nhưng không còn nhiều như trước. Trên mui phía đầu xe thường có
thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe
gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.
Xe đò Sài Gòn – Tây Ninh năm 1965 – Ảnh: John Hansen
Tôi
còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà
Vinh. Năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con. Xe lô có bãi
xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe
đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc
theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề
tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách
đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này
gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám
người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách. Xe lô chạy nhanh hơn xe đò
vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại
có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa
vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách
túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người
ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh
đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu
lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.
Xe đò nhỏ chạy bằng than sau năm 1975 – Nguồn: Anhxuavn
Nói
là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó
tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe
lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương
trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường
nhiều nơi bị “mấy ổng” gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu
cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát. Ðường về Trà Vinh
chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận.
Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ,
huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn
phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe
thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu
điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.
Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho
khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng
thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con
sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà
Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc
đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
Bến xe đò Petrus Ký năm 1950 – Nguồn: AnhxuaVN
Trước
năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng
bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc,
Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng
thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên
đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư
Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu –
Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng
yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay. Nhưng
nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và
Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày
càng tăng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng
ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăng, Bù Ðốp vùng Tây Trường
Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe
miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.
Bến xe đò trên đường Nguyễn Cư Trinh trước 1975- Nguồn: Anhxuavn
Ai
cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm
hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người
lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc
lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió
miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời
chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc
xa lơ.
ST
No comments:
Post a Comment