Bộ trưởng Quốc phòng Donald H.
Rumsfeld (trái) nghị họp với Phó Thủ tướng Tony Tan của Singapore (thứ
hai từ trái,) tại Ngũ Giác Đài vào ngày 21 tháng 4, 2004, về các vấn đề
an ninh khu vực và toàn cầu với trọng tâm là chống chủ nghĩa khủng bố,
có sự tham dự của cô Elizabeth Phú(X) – nguồn wikimedia.org
Có người cha là một nhân viên từng làm việc cho quân đội Mỹ trước 75,
gia đình Elizabeth là một trong những làn sóng thuyền nhân Việt Nam đầu
tiên, những người xuống tàu ra khơi vào những năm 1977-1978, sau đợt
người Việt tị nạn 1975. Trong chuyến vượt biên bất thành đầu tiên, gia
đình Elizabeth bị bắt và bị đưa vào trại “cải tạo” vài tháng trời. Nhờ
ông bà của cô lo lót nên cả gia đình được thả và lại kiếm đường vượt
biên. Chiếc ghe vượt biên hai máy nhỏ bé, nhét đến 253 người bắt đầu
hành trình tìm tự do đã bị chết máy khi ra đến hải phận. Trôi dật dờ ba
ngày giữa biển cả, tàu vượt biên gặp tàu hải tặc kéo đến, không cướp mà
đòi vàng bạc để kéo vào Malaysia nhưng sau đó bỏ rơi. Tàu vượt biên của
Elizabeth lại gặp tàu hải tặc lần thứ hai, lại bị trấn lột và bị đập bể
các thùng chứa nước uống. Tàu trôi dạt trên biển thêm bốn ngày trước khi
được tàu của Malaysia kéo vào một trại tị nạn gần Pulau Bidong, nơi gia
đình cô đã được nhận tị nạn trước khi đến Mỹ.
Dù vậy, sau khi ra trường, Elizabeth lại khởi đầu công việc với Bộ Quốc Phòng vào năm 2002 như một trợ lý về các chính sách liên quan đến các vấn đề giữa khối NATO với Ukraine và Nga, đòi hỏi những sự phối hợp và thương thuyết bao quát giữa các cơ quan và các chính phủ thay vì khu vực Đông Nam Á. Khoảng một năm sau, tháng 4 năm 2003, cô sinh viên trẻ chỉ có dăm năm kinh nghiệm đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ của Bộ Quốc Phòng, dưới quyền của Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld thuộc nội các Tổng thống George W. Bush lúc bấy giờ, đúng vào chuyên môn khu vực những quốc gia Đông Nam Á mà cô đã học và nghiên cứu. Trong ba năm rưỡi làm việc trên cương vị này tại Bộ Quốc Phòng, Elizabeth tham gia việc hoạch định các chính sách và thương thuyết về các vấn đề liên quan đến chiến lược quân sự với các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á – Thái Bình Dương như Singapore, Philippines, Úc châu… Cô cũng tham gia nhóm đặc nhiệm của Bộ Quốc Phòng trong các chương trình cứu trợ và khắc phục hậu quả của cơn sóng thần tsunami đánh vào Đông Nam Á hồi năm 2004.
Chuyển sang làm việc một năm trời trong ban chính sách và chiến lược về hạn chế vũ khí của Bộ Quốc Phòng, đến năm 2007, Elizabeth được bổ nhiệm vào ban cố vấn an ninh quốc gia trong cương vị Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ và rời Bộ Quốc Phòng, về làm việc tại Bạch Ốc. Ở cương vị này, Elizabeth phác thảo những chính sách về quan hệ đối ngoại với các quốc gia Đông Nam Á cùng khối ASEAN. Cô điều hợp việc đưa ra các chính sách và phản ứng của Hoa Kỳ về các mặt ngoại giao, quân sự, kinh tế… trước các phong trào cách mạng tại Miến Điện hồi 2007 hay cơn bão Nargis làm thiệt mạng hàng trăm ngàn người Miến Điện hồi năm 2008. Phối hợp với Bộ Ngân Khố, Elizabeth giám sát toàn bộ các biện pháp chế tài và lịnh cấm vận kinh tế với chế độ quân phiệt Miến Điện vì đã đàn áp các phong trào dân chủ Miến Điện. Trong vai trò cố vấn và tham gia những quyết định quan trọng đến Miến Điện, có thể nói rằng Elizabeth là một trong những cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã ít nhiều góp phần giúp Miến Điện đạt đến con đường dân chủ như vừa qua.
Năm 2009, sau khi TT Obama nhậm chức, Elizabeth được tu nghiệp tại Học Viện Dwight D. Eisenhower về tiềm lực và chiến lược an ninh quốc gia gần một năm trời. Đây là học viện quân sự mà tiền thân là Đại Học Kỹ Nghệ về Vũ Trang ICAF thuộc Đại Học Quốc Phòng Hoa Kỳ, nơi huấn luyện những sĩ quan cao cấp trong quân đội hay các viên chức chính phủ cao cấp được chọn lọc, những người có triển vọng trở thành những cấp chỉ huy quân đội hay những lãnh đạo chính phủ cấp cao trong tương lai. Không ít những người được huấn luyện tại đây đã trở thành những vị tướng, đô đốc, đại sứ hay nhân viên cấp cao của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao. Hàng năm có khoảng hơn 300 người được chọn vào khóa huấn luyện tại học viện này và được cấp bằng Cao Học về Chiến Lược Tiềm Lực Quốc Gia (National Resource Strategy) sau khi hoàn tất chương trình huấn luyện. Thông thường đây là nhóm những sĩ quan hay viên chức chính phủ xuất sắc và có thâm niên trên 20 năm, trong khi Elizabeth chỉ là một thiếu nữ trẻ và bắt đầu làm việc với Bộ Quốc Phòng từ 2002, tức chỉ bảy năm kinh nghiệm nhưng đã được chọn huấn luyện cho nguồn nhân sự lãnh đạo tương lai, chứng tỏ tài năng của cô trong các trọng trách đã nắm giữ và hứa hẹn một con đường thăng tiến trong tương lai.
Tốt nghiệp khóa huấn luyện, năm 2010 Elizabeth quay về làm việc tại văn phòng Bộ Trưởng Quốc Phòng trong chức vụ Giám Đốc về Những mối đe dọa toàn cầu (Global Threats) , quản trị một nhóm sĩ quan và nhân viên dân sự chuyên trách về các chính sách và biện pháp chế tài với các thể chế độc tài, chống lại việc rửa tiền các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển. Cô cũng hoạch định các thoả thuận về hợp tác và phân bổ ngân sách giữa Bộ Quốc Phòng cùng Bộ Tư Pháp, Bộ Nội An, FBI, DEA… trong việc chống lại các tổ chức tội phạm kể trên. Và từ giữa năm 2013, Elizabeth lại được bổ nhiệm vào Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với chức vụ Giám Đốc Đông Nam Á và Châu Đại Dương Sự Vụ tại Bạch Ốc cho đến nay. Đây là ban tham mưu cao cấp tại Bạch Ốc làm nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Chuyên trách về khu vực Đông Nam Á, Elizabeth đánh giá về các tác động kinh tế, chính trị và diễn biến an ninh của những quốc gia này đến chính sách Hoa Kỳ. Cô cũng tham gia việc chuẩn bị và dàn xếp các thoả thuận về chính trị, quốc phòng và kinh tế cho các cuộc họp giữa TT Obama với hàng chục nguyên thủ quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những cuộc gặp gỡ giữa T.T Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từng đến Mỹ. Không chỉ vậy, Elizabeth còn tham gia soạn thảo các đường lối cố vấn tổng thống cho vấn đề ngân sách khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, như đã từng đứng đầu việc soạn thảo chương trình Hoa Kỳ viện trợ đô la thiết bị và huấn luyện cho các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia với ngân sách khoảng 150 triệu.
Từ khi chính sách Hoa Kỳ chuyển trục về Châu Á, cùng với những bất ổn biển Đông do Trung Cộng gây nên trong thời gian qua, chắc chắn cương vị đứng đầu sự vụ về khu vực này không phải là một công việc dễ dàng để có thể cố vấn cho tổng thống những chính sách đối ngoại thích hợp của Hoa Kỳ đến các quốc gia trong khu vực, mà đòi hỏi một bản lãnh và tài năng của người đương nhiệm, tức Elizabeth Phú – người được những giới lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ tín nhiệm giao cho trọng trách này. Ứng xử và những nước cờ của Hoa Kỳ tại Biển Đông hay Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng ắt không thể thiếu sự dự phần của Elizabeth Phú trong thời gian sắp đến. Chúng ta chúc cô sẽ tròn trọng trách ở mức cao nhất với không chỉ Hoa Kỳ, mà với cả đất nước Việt Nam nơi cô đã sinh ra.
DYT
No comments:
Post a Comment