Sunday, December 6, 2015

Hồ Sơ Giúp Các Cơ Quan Điều Tra Của Mỹ Truy Tìm Kẻ Giết Người:


 
I/Phần Dẫn Nhập:
II/Cái Chết Của ông Võ Sĩ Hùng Và Ông Ngô Chí Dũng Trong Khu Chiến Thái - Lào:  
III/Bốn Trong 12 Điểm Minh Xác: 
IV/Hình Ảnh Bổ Sung Cho Tài Liệu:
 
--------------------
 
I/Phần Dẫn Nhập:

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Kim giữ chức vụ
 Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận
thay cho ông Phạm Văn Liễu.
Quyết định do ông Hoàng Cơ Minh ký.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.


Ông Nguyễn Kim (Hườn).
  Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước 
Vào tháng 9/2.006 khi tôi - Phạm Hoàng Tùng - cho xuất bản tác phẩm Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước tại nhiều tiểu bang có đông người Việt sinh sống ở Hoa Kỳ, Canada, và sau đó là Úc Châu thì đã nhận được rất nhiều phản ứng hết sức tích cực quậy phá của Việt Tân nhằm bao che tội ác của họ.
Trong các hành động không bao giờ biết sám hối về tội ác này, có hai phản ứng mạnh của hai nhân vật đầu não của Mặt Trận thời đầu thập niên 1.980 và sau này là Việt Tân vào đầu những năm 2.000, đó là ông Nguyễn Kim (Chủ Tịch Đảng) và ông Trần Xuân Ninh (Bác Sĩ, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hải Ngoại).
Trong cuộc phỏng vấn do báo VNN(Viet Nam News của Việt Tân) thực hiện, ông Nguyễn Kim (tên thật là Nguyễn Kim Hườn) đã lên tiếng bác bỏ những sự thật mà tôi đã viết trong Hồi Ký bằng kiến thức của người trong cuộc.
Vào lúc đó, tôi đã ghi lại cuộc phỏng vấn và có 12 câu trả lời ngay cho ông Nguyễn Kim nhằm minh xác những điều ông Nguyễn Kim nói với VNN là không đúng sự thật. 12 điều minh xác này, tôi lưu trữ để tái bản sách Hồi Ký. Nay nhân sự kiện Đài Truyền Hình Mỹ PBS cho trình chiếu phim Khủng Bố Ở Sài Gòn Nhỏ vào ngày 3/11/2.015, tôi xin được trích lại 4 trong 12 điểm minh xác liên quan đến cái chết của nhiều kháng chiến quân trong khu chiến.
Việc làm này nhằm mục đích giúp các cơ quan điều tra tội phạm của Mỹ biết được tung tích các thủ phạm trong bộ máy đầu não Mặt Trận và Việt Tân đã dựng nên các âm mưu và chỉ đạo thuộc cấp ra tay thảm sát và khủng bố tinh thần người Việt như thế nào từ Mỹ đến những cộng đồng người Việt lưu vong ở nơi khác và vùng Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Kim tham gia Mặt Trận từ đầu thập niên 1.980. Khi khu chiến ở biên giới Thái-Lào khởi sự hoạt động thì ông Nguyễn Kim được ông Hoàng Cơ Minh giao trách vụ Vụ Trưởng Đông Nam Á. Với trách vụ này, ông Nguyễn Kim thường xuyên vào khu chiến để họp mặt và nhận chỉ thị của ông Hoàng Cơ Minh. Và Đông Nam Á Vụ là mối liên lạc của ông Hoàng Cơ Minh với Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận đặt văn phòng tại Mỹ. Tôi đã nhiều lần thấy ông Nguyễn Kim vào khu chiến để báo cáo với ông Hoàng Cơ Minh.
Sau tháng 12/1984 khi Mặt Trận bị tan vỡ làm hai vì vụ bê bối tiền bạc tham nhũng do dòng họ Hoàng Cơ gây ra thì ông Phạm Văn Liễu đã thôi giữ trách vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại, ngay sau đó, ông Hoàng Cơ Minh chỉ định ông Nguyễn Kim nhận nhiệm vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận.
Dù thi hành công tác mới, nhưng ông Nguyễn Kim vẫn ra vào khu chiến khi có những công tác quan trọng, như vào khoảng giữa năm 1986, lúc Mặt Trận làm lễ ban quân lịnh để chuẩn bị tiến hành chiến dịch Đông Tiến Hai lần thứ nhất, tôi đứng trong hàng quân kháng chiến có thấy ông Nguyễn Kim đứng bên cạnh ông Hoàng Cơ Minh, lúc ông Minh nói chuyện với kháng chiến quân.
Sau này khi Mặt Trận đi vào bóng tối và sử dụng danh xưng mới là Việt Tân để hoạt động chính trị tà đạo thì ông Nguyễn Kim giữ trách vụ Chủ Tịch Đảng từ năm 2001 đến sau năm 2006 bị thay thế bởi người cháu ruột của Hoàng Cơ Định là Đỗ Hoàng Điềm.
Trong thời gian có mặt, dù không thường xuyên, tại khu chiến từ đầu thập niên 1.980 đến đầu thập niên 1.990 khi khu chiến Thái – Lào bị giải tán thì ông Nguyễn Kim và ông Trương Tấn Lạc (thường được gọi là anh Lộc, một sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa) đã biết rất rõ những cái chết của nhiều kháng chiến quân do bị Mặt Trận tử hình.
Đặc biệt trong đó có cái chết của Tướng Đặng Quốc Hiền (cựu Trung Tá Nhảy Dù, ông Lê Hồng), cái chết của ông Ngô chí Dũng, nhân vật đầu não của Việt Tân trong khu chiến sau khi ông Hoàng Cơ Minh tự sát tại Nam Lào, và cái chết của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều.
Ông Trương Tấn Lạc, người thường đeo kiếng trắng, được Mặt Trận phân nhiệm làm công tác tuyển mộ kháng chiến quân trong các trại tỵ nạn, làm công tác hậu cần như đi mua và vận chuyển cung cấp hàng hóa cho khu chiến gồm gạo, lương thực thực phẩm nhiều loại, súng đạn, quân trang, thuốc men...
Ông Trương Tấn Lạc hay thường được gọi là anh Lộc trú ở Căn Cứ 84, đây là đầu cầu của chiến khu để giao tiếp với khu vực dân cư của vùng biên giới Thái. Khi có việc cần, ông Trương Tấn Lạc đi sâu vào các Căn Cứ bên trong để báo cáo với ông Hoàng Cơ Minh.
Căn Cứ 84 được coi là hậu trạm, nơi để dự trữ hàng hóa lương thực, nơi để các kháng chiến quân bị suy yếu sức khỏe về đây an dưỡng bồi bổ, và cũng là nơi để chăn nuôi gà heo, trồng trọt một ít rau cải, cung cấp chất tươi cho khu chiến. 
Trú đóng tại đây thường có hơn một Dân Đoàn Kháng Chiến Quân để giữ an ninh và dưới sự điều động của ông Trương Tấn Lạc. Có người lầm rằng ông Ngô Tỷ là Căn Cứ Trưởng Căn Cứ 84. Thật ra ông Ngô Tỷ chỉ là một kháng chiến quân có tật ở chân và ở miệng, mũi nên được đưa về Căn Cứ 84 làm công tác nhẹ phù hợp với ông Tỷ. Ông Ngô Tỷ sau này trốn ra khỏi khu chiến và định cư ở hải ngoại.  
Với vai trò là thành viên trong bộ máy cầm đầu của Mặt Trận, nên 2 nhân vật này, Nguyễn Kim và Trương Tấn Lạc, cùng với những người khác (Trần Xuân Ninh....) không thể lẫn tránh cuộc điều tra của FBI liên quan đến những cái chết trong khu chiến. Và sự kiện này, dĩ nhiên không thể tách rời với sự kiện 5 nhà báo Mỹ gốc Việt bị sát hại thê thảm tại Mỹ vì đã viết báo chỉ trích sự lừa bịp của Mặt Trận.
 
Cũng cần hết sức lưu ý rằng, đầu năm 1985 ông Nguyễn Kim giữ trách vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại nhằm điều động mọi sinh hoạt của Mặt Trận tại hải ngoại, đặc biệt là tại Mỹ, với sự chỉ đạo ngầm của Hoàng Cơ Định, người nắm kho tiền Mặt Trận - Việt Tân, nhờ tài ăn cắp của đồng hương. Trong thời gian từ năm 1985 đến năm 1990 tại Mỹ có liên tiếp các vụ ám sát chết người sau đây:
 
1/ Ngày 9/8/1.987: văn phòng tuần báo Mai tại Westminster, California bị đốt, nhà văn Hoài Điệp Tử cũng bị hỏa thiêu khi đang làm việc tại trụ sở báo Mai.  
2/ Ngày 21/11/1.989: Ông Đỗ Trọng Nhân, nhân viên cắt dán bài vở cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong bị bắn chết. Theo nhà văn Sơn Tùng : “Nhân viên sở rác đã phát hiện xác ông Nhân chết ngồi trong xe trước tay lái, có lẽ đã bị bắn từ tối thứ hai khi đi làm về mà không ai để ý cho đến sáng thứ tư là ngày xe tới lấy rác trong khu vực này.”
3/ Ngày 22/8/1.990: Vợ chồng ký giả Lê Triết (Tú Rua) bị bắn chết ngay tại chỗ đậu xe bên hông nhà của vợ chồng ông. Ký giả Lê Triết, bút hiệu Tú Rua là người phụ trách mục phiếm luận “Ngày Lại Ngày” của tờ Văn Nghệ Tiền Phong.
 
Ngoài ra còn có những vụ ám sát hụt (như vụ ám sát giáo sư Cao Thế Dung).
Như vậy, những cái chết của nhà báo Mỹ gốc Việt và nhiều cái chết trong khu chiến đều nằm trong sự hiểu biết của ông Nguyễn Kim. Hay nói cho chính xác hơn, ông Nguyễn Kim đóng vai trò đặc biệt trong việc hoạch định cách thức giết người.
Mỗi người đều có một cuộc sống và phải chết, không ai tránh khỏi. Nhưng sống có lương tâm và danh dự thì khi chết không làm nhục dòng họ gia đình và bị miệng đời nguyền rủa. 

Từ trái qua: Các ông Bùi Đức Trọng, Hoàng Cơ Minh,
Nguyễn Trọng Hùng và Trương Tấn Lạc lần đầu tiên từ khu chiến trở về, tại Garden Grove ngày 16/4/1.983
với 3.000 người bên trong và 2.000 người
bên ngoài tham dự.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.

Hình và bài viết trên báo Kháng Chiến
 của Tổng Vụ Hải Ngoại thuộc Mặt Trận.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.
Ông Trương Tấn Lạc (anh Lộc) ngồi đeo kiếng trắng
 bên trái hình.
 Ở bìa trái hình là kháng chiến quân Đinh Văn Bé,
 mặc quần áo rằn ri, cầm súng M.16.
Người đứng nói chuyện là ông Trần Thiện Khải (Trần Khánh), nguyên là sĩ quan cấp úy của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Trần Thiện Khải là cánh tay mặt của ông Hoàng Cơ Minh trong khu chiến. Do vậy ông Khải phải có mặt
trong các buổi họp hội đồng kỷ luật của Mặt Trận
 để ra án tử cho nhiều kháng chiến quân.
Hình chụp trong khu chiến đầu những năm 1.980.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.
 
II/Cái Chết Của ông Võ Sĩ Hùng Và Ông Ngô Chí Dũng Trong Khu Chiến Thái - Lào:

Ông Nguyễn Kim ngồi để hai tay trên bàn,
bên cạnh là ông Ngô Chí Dũng.
Ông Ngô Chí Dũng trong khu chiến có tên gọi
 là Hoàng Nhật và có ám số là 235.
Hai chữ Hoàng Nhật có nghĩa: Hoàng lấy theo họ ông Hoàng Cơ Minh. Còn Nhật là ở Nhật về khu chiến.
Trong khi đó, ông Hoàng Cơ Minh trong khu chiến chỉ thị cho kháng chiến quân gọi ông là “Thầy" và có ám số là 234.
Hình chụp tại cơ sở Mặt Trận ở tỉnh Ubon- Thái Lan
thuộc sự quản lý của Vụ Đông Nam Á - Mặt Trận.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.
 
Ông Võ Sĩ Hùng đứng bên trái hình.
Ông Nguyễn Quảng Văn ngồi ngoài cùng bên phải.
Ông Hùng khi vào khu chiến thường đeo kiếng trắng.
 Cả hai khi vào khu chiến được làm việc ở
Đài Phát Thanh VN Kháng Chiến đặt ở Căn Cứ 27,
sau này dời ra gần tỉnh Ubon – Thái Lan.

Người ngồi bên trái là ông Nguyễn Đức Thắng
 (còn có tên là Hoàng Thắng,
lấy theo họ ông Hoàng Cơ Minh).
 Ông Thắng ở Tây Đức về khu chiến,
là bí thư chi bộ đảng Việt Tân trong Đài Phát Thanh.
Người ngồi giữa là ông Nguyễn Quảng Văn ở Pháp về.
Người ngồi bên phải để tay lên đầu
là ông Võ Sĩ Hùng ở Pháp về.
Hình chụp trong Đài Phát Thanh Kháng Chiến.
Nguồn: “Trên Đường Đông Tiến”.
Quyển sách này do Việt Tân phát hành năm 2.008
nhằm phủ nhận sự thật được nêu lên trong Hồi Ký
Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Tác Giả Phạm Hoàng Tùng.

Vị trí đặt Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến,
Nơi ông Võ Sĩ Hùng làm việc và sau đó bị thủ tiêu.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước 
Cái chết của kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng và Ngô Chí Dũng diễn ra trong tình hình chiến khu đã tổ chức hai cuộc Đông Tiến I và II đều thất bại.
Lúc đó nhân sự còn lại ở khu chiến tập trung vào hai nhóm.
a/ Nhóm làm việc tại Đài Phát Thanh gồm có ông Ngô Chí Dũng tức Hoàng Nhật, Nguyễn Đức Thắng tức Hoàng Thắng và khi viết bài thường có bút danh Vũ Duy, người thứ ba là ông Nguyễn Quảng Văn, và người thứ tư là ông Võ Sĩ Hùng lo phần máy móc, thỉnh thoảng cũng viết bài. Và vị trí đài cũng đã đặt sâu vào tỉnh Ubon so với vị trí trước đây nằm gần biên giới Thái - Lào.
b/ Nhóm thứ hai là nhóm quân sự còn sót lại không tham gia hai cuộc Đông Tiến trước đây. Đứng đầu nhóm này là ông Hải hay Nguyễn Quang Phục có ám số là 250. Ông Hải vào năm 2007 – 2008 nhận lịnh Việt Tân về Việt Nam công tác đã bị Cộng Sản bắt giam vào tù. Nay không còn biết tin tức.
Đi sát cạnh ông Hải là những kháng chiến quân mà sau này bỏ trốn gần hết, chỉ còn ông Đào Bá Kế. Sau đó khu chiến có tuyển mộ thêm người từ trại tỵ nạn để chuẩn bị cho cuộc Đông Tiến III.
Ngoài hai nhóm này, khu chiến lúc đó còn có vài anh em kháng chiến quân mang thương tật hoặc già yếu không được cho đi theo hai cuộc Đông Tiến I và II nên phải ở lại. Tuy nhiên sau này họ cũng tìm cách thoát ra trại tỵ nạn để đi định cư. Trong số anh em thương tật này có ông Ngô Tỷ.
1/ Cái chết của ông Võ Sĩ Hùng phải diễn ra sau tháng 8 năm 1987 và trước cuộc Đông Tiến III diễn ra vào ngày 22/8/1989 do ông Đào Bá kế chỉ huy.
Vì sao tôi - Phạm Hoàng Tùng – đưa ra nhận định này??? Vì sau thất bại của Đông Tiến II lần thứ hai vào tháng 8 năm 1987, đi kèm là cái chết của ông Hoàng Cơ Minh ở Nam Lào, đã khiến cho số anh em kháng chiến quân còn lại ở khu chiến nản lòng và mất lòng tin vào Mặt Trận. Do đó đã có nhiều chiến hữu tìm cách rời khu chiến và đi vào trại tỵ nạn tìm cuộc sống mới.
Cần chú ý ở điểm này, dù khu chiến bị bưng bít với xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, những kháng chiến quân làm việc ở Đài Phát Thanh có cơ hội nghe tin tức từ Đài VOA, BBC, và đài của Việt Nam Cộng Sản qua phương tiện radio trong khu chiến nên biết được thất bại của Đông Tiến Hai.
Trong thời gian tôi sống và làm việc tại Đài Phát Thanh Kháng Chiến từ tháng 4/1\984 đến gần cuối năm 1\985, tôi nhận thấy ông Ngô Chí Dũng rất quan tâm đến tin tức qua radio. Đặc biệt sau chuyến xâm nhập Đông Tiến II lần thứ hai do ông Hoàng Cơ Minh chỉ huy, chắc chắn ông Ngô Chí Dũng càng quan tâm theo dõi tin tức của đoàn quân qua đài Việt Nam Cộng Sản.
Ông Hải hay Nguyễn Quang phục cũng có thói quen nghe radio trong khu chiến. Do vậy khi đài Hà Nội loan tin về việc bộ đội đụng trận với kháng chiến quân và cái chết của ông Hoàng Cơ Minh ở Nam Lào do tự sát, cùng phiên tòa xử kháng chiến quân vào ngày 1/12/1.987 ở Sài Gòn thì hai ông Ngô Chí Dũng và Nguyễn Quang Phục phải biết rõ.
Trong phiên tòa này, kháng chiến quân Đinh Văn Bé, người Cần Thơ, đã khai rằng, anh ta cùng kháng chiến quân Đỗ Bạch Thố được lịnh ông Hoàng Cơ Minh đã dùng dây xiết cổ 5 kháng chiến quân đến chết, vì các kháng chiến quân này không còn sức để đi theo đoàn quân Đông Tiến. Trong số 5 kháng chiến quân bị xiết cổ có ông Trịnh Văn Hợi, nguyên là sĩ quan cấp úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và vào năm 1984 từng là Trưởng Ban Đại Diện Cộng Đồng ở Trại Tỵ Nạn Sikhiu – Thái Lan.
Lời khai của Đinh Văn Bé được báo Công An Cộng Sản ở Sài Gòn ghi lại trong số báo ra ngày thứ Tư 2/12/1.987. Đinh Văn Bé còn khai rằng, ông Hoàng Cơ Minh hứa phong cho Bé lên cấp Tướng và chỉ thị là muốn chiến thắng thì phải hành động như Hitler.
Thứ hai về thời điểm ông Võ Sĩ Hùng bị giết, theo nhận định của tôi, ông Đào Bá Kế, trong thời gian ở tù và sau này ra tù về Cần Thơ đã cho nhiều bạn tù và thân hữu biết rằng, ông Kế có biết cái chết của kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng. Và ông Kế lên đường Đông Tiến III vào ngày 22/8/1.989.
Như vậy phải kết luận rằng, ông Võ Sĩ Hùng bị thủ tiêu trong khoảng thời gian sau tháng 8/1.987 và trước ngày 22/8/1.989.
Dựa vào kinh nghiệm sống ở khu chiến trong nhiều năm trời, tôi - Phạm Hoàng Tùng – đưa ra hai kịch bản về cái chết của kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng như sau:
a/ Kịch bản 1: Ông Võ Sĩ Hùng bị nhóm làm việc trong Đài Phát Thanh thủ tiêu vì lộ ý định muốn rời bỏ khu chiến để tìm ra trại tỵ nạn và về Pháp sống như trước đây. Cũng có thể ông Võ Sĩ Hùng chưa có ý định rời bỏ khu chiến nhưng ông Hùng có liên hệ tới việc rời khu chiến với các kháng chiến quân khác. Dù trong trường hợp nào, việc dính líu trực tiếp hay gián tiếp tới hành động rời bỏ khu chiến là đã vi phạm kỷ luật của Mặt Trận đề ra và phải chịu kỷ luật với mức cao nhất là xử bắn.
Vậy thì nhóm Đài Phát Thanh, người nào chịu trách nhiệm bắn ông Võ Sĩ Hùng???
Ông Ngô Chí Dũng là Trưởng Đài, nên chắc phải là người ra lịnh. Còn lại ông Nguyễn Quảng Văn tính hiền lành, hơi lãng mạn chắc không dám ra tay bắn đồng đội mình. Người thứ ba trong kịch bản này là ông Nguyễn Đức Thắng ở Tây Đức về khu chiến. Ông Thắng khi làm việc gần tôi, tôi biết ông Thắng là người rất tin tưởng gần như tuyệt đối vào Mặt Trận.
Ông Ngô Chí Dũng nay đã mất. Chỉ còn hai người là ông Nguyễn Đức Thắng và ông Nguyễn Quảng Văn hiện còn sống tại Canada. Nếu hai ông này còn lương tâm con người thì nên lên tiếng bạch hóa về cái chết của kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng.
b/ Kịch bản 2: Nếu kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng không bị nhóm Đài Phát Thanh xử bắn thì chỉ còn lại nhóm quân sự làm việc này. Trong nhóm này hiện nay chỉ còn có ông Đào Bá Kế.
Trường hợp ông Đào Bá Kế chỉ huy toán hành quyết hay ông Kế đích thân cầm súng bắn vào đầu ông Võ Sĩ Hùng thì nhân vật này biết rõ về sự kiện Mặt Trận thủ tiêu kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng.
Trước đây 2 năm, ông Kế ra tù và về ở Cần Thơ. Lúc đó với tình đồng đội chiến hữu cũ, tôi có điện thoại hỏi thăm ông Kế cùng gia đình. Và xin gởi tặng người bạn cũ 100 Mỹ Kim để làm món quà nhỏ sau hơn 20 năm xa cách.
Nay không biết đi đâu. Có người nói thấy ông Kế ở Băng Cốc – Thái Lan, có lúc đi chung với nhà văn Tưởng Năng Tiến ở Băng Cốc. Và ông Đào Bá Kế đang chờ đi định cư tại Mỹ. Chưa biết rõ nhóm thân hữu trong binh chủng Nhảy Dù giúp ông Kế đi Mỹ hay là ông Kế đã liên lạc lại với Việt Tân để được giúp đỡ???
Trong khoảng hai tháng nay, tôi có đọc một bản tin trên Việt Báo ở California thuật về câu chuyện ông Tưởng Năng Tiến từ Mỹ có về Cam Bốt để giúp xây dựng một hai ngôi trường xiêu vẹo của đồng bào Việt Nam.
Kết hợp hai sự kiện này trong năm nay thì việc có người thấy ông Đào Bá Kế đi chung với ông Tưởng Năng Tiến ở Băng Cốc-Thái Lan là việc không thể bỏ ngoài tai.
Dù ông Võ Sĩ Hùng bị bắn trong kịch bản nào, thì những nhân vật phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thảo luận và đề ra bản án tử bao gồm những người cao cấp trong Mặt Trận và Việt Tân lúc đó như: ông Ngô Chí Dũng, ông Trương Tấn Lạc, ông Nguyễn Kim. Dĩ nhiên, phải có sự nhúng tay của nhân vật giữ quyền lực cao nhất của Mặt Trận và Việt Tân vào lúc đó cho tới thời điểm này là ông Hoàng Cơ Định.
Như vậy, thân nhân, gia đình, con cháu và thân hữu của ông Võ Sĩ Hùng hiện nay còn ở Pháp có thể dựa vào sự trình bày của tôi để liên hệ với những người có tên bên trên mà hỏi thăm, truy vấn. Hoặc là nhờ các cơ quan điều tra tại Pháp truy hỏi những người có liên quan đến cái chết của ông Võ Sĩ Hùng. Bởi vì đây là cái chết dưới tay một tổ chức khủng bố là Mặt Trận - do đài PBS Mỹ xướng danh khủng bố - nên các cơ quan an ninh Pháp hay tại Mỹ sẽ bắt tay vào cuộc.
2/ Cái chết của ông Ngô Chí Dũng:
Qua việc thu thập các dữ kiện về sau này cho thấy tình hình khu chiến sau việc tử hình kháng chiến quân Võ Sĩ Hùng và sự kiện ông Đào Bá Kế dẫn đoàn kháng chiến quân mới tuyển mộ trong trại tỵ nạn được huấn luyện ngắn ngày để lên đường xâm nhập Việt Nam qua cuộc hành quân Đông Tiến III vào ngày 22/8/1.989 thì khu chiến chỉ còn rất ít người.
Đi liền sau đó là việc hai ông Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Quảng Văn tìm ra trại tỵ nạn Thái, và một số kháng chiến quân bị thương tật cũng bỏ đi.
Ông Nguyễn Đức Thắng vào cuối năm 2006 khi tôi ra mắt sách Hành Trình Người Đi Cứu Nước đã lên tiếng phản bác quyển sách và binh vực cho Việt Tân. Như vậy, việc ông Thắng ra được trại tỵ nạn, sau đó được Việt Tân giúp đi định cư tại Canada với điều kiện phải bảo mật và làm việc lại cho Việt Tân.
Sự kiện hai ông Thắng và Văn bỏ khu chiến đi có thể họ nghe tin cuộc Đông Tiến III thất bại và biết việc xử ông Võ Sĩ Hùng. Chính hai ông Thắng và Văn, hiện đang ở Canada, biết rõ thời gian họ bỏ đi, một là trước khi ông Ngô Chí Dũng bị thủ tiêu, hai là sau khi ông Ngô Chí Dũng bị giết.
Đông Tiến III đi trong rừng hơn 1 tháng với tất cả 68 kháng chiến quân, 30 kháng chiến quân bị tử trận, 38 kháng chiến quân bị bắt sống. Ông Đào Bá Kế bị bắt ngày 19/9/1.989.
Như thế chỉ còn lại ông Hải tức Nguyễn Quang Phục và ông Ngô Chí Dũng trong khu chiến.
Còn ông Trương Tấn Lạc trú ở cơ sở Mặt Trận tại tỉnh Ubon, và ông Nguyễn Kim thì như con thoi đi lại giữa Mỹ và Thái. Khoảng giữa năm 1.993, khi tôi đã rời trại tù A.20 Xuân Phước – Phú Yên để đến Nam Vang – Cam Bốt tìm tự do thì có gặp ông Hải đang công tác cho Việt Tân và được biết ông Hải đã có một vợ và hai con là người Thái, và sống ở Thái.
Như vậy có thể đi đến kết luận là ông Ngô Chí Dũng bị sát hại trong thời điểm sau cuộc Đông Tiến III cho đến trước tháng 8 năm 1991, là lúc giải tán Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến.
Lúc này Thái đã thay đổi chính sách biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường. Họ bắt tay bang giao với Hà Nội và không còn dung túng lực lượng Mặt Trận trên lãnh thổ Thái.
Ông Ngô Chí Dũng từ Nhật về và không còn giấy thông hành để sử dụng. Trong khi ông Nguyễn Kim và Trương Tấn Lạc hiện nay đang sống tại Mỹ, điều này cho thấy khi họ về khu chiến không bị tịch thu giấy passport như nhiều kháng chiến quân khác. Bằng chứng đó còn cho biết rằng họ là nhân vật cấp cao của Mặt Trận nên hưởng được sự biệt đãi. Tất nhiên phải có điều kiện là bảo toàn bí mật khu chiến khi trở về Mỹ sinh sống sau khi giải thể khu chiến sau thời điểm tháng 8/1991.
Thế tại sao ông Ngô Chí Dũng là một yếu nhân của Việt Tân trong khu chiến lại không được trở lại Nhật mà lại phải bị chết bí mật???
Tin chính thức của Mặt Trận loan báo cho gia đình ông Ngô Chí Dũng tại Mỹ biết rằng ông Dũng tử nạn khi đi công tác ở vùng biên giới Thái- Cam Bốt.
Vì Mặt Trận nói láo nhiều lần nên cá nhân tôi không tin ông Ngô Chí Dũng chết trong trường hợp đó.
Tại sao lúc đó có ông Hải tự là Nguyễn Quang Phục am tường về hoạt động quân sự trong khu chiến lại không được ông Nguyễn Kim và Trương Tấn Lạc cử đi???
Câu trả lời đang dành cho những người còn sống là ông Nguyễn Kim, ông Trương Tấn Lạc.
Nếu gia đình ông Ngô Chí Dũng vì bị áp lực của Mặt Trận không muốn tìm hiểu ngọn ngành cái chết của ông Ngô Chí Dũng thì Mặt Trận hay Việt Tân phải minh bạch hóa cái chết của ông Ngô Chí Dũng.
Và tất nhiên cái chết của ông Ngô Chí Dũng không phải là cá biệt, trái lại đó là một sự kiện có liên hệ xâu chuỗi với nhau qua nhiều cái chết của các kháng chiến quân trong khu chiến và 5 nhà báo Mỹ gốc Việt. Theo kết luận của tôi, đây là hậu quả bi thảm từ chủ trương hành động khủng bố sát nhân diệt khẩu của Việt Tân diễn ra trong khu chiến và trong cộng đồng hải ngoại.
Người đời đo lường giá trị của một cá nhân tùy theo cách sống của người đó.
Một cá nhân sống bằng sự lường gạt, móc túi, ăn cắp, chuyên đâm thuê chém mướn, đâm cha chém chú, thì ắt hẳn hắn ta là tên mất dạy, lưu manh, vô giáo dục, xuất thân từ một gia đình bần tiện hạ cấp.
Từ đó suy rộng ra, một tổ chức, một cộng đồng hay một dân tộc có thể bị xếp vào bậc thang giá trị nào là tùy theo cách họ sống và sinh hoạt.

Hình minh họa cảnh xử bắn chiến hữu trong khu chiến.

III/Bốn Trong 12 Điểm Minh Xác:

Các ông Nguyễn Trọng Việt, Nguyễn Kim Hườn và Đặng Vũ Chấn.
Trưa thứ bảy ngày 11/2/2006, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) đã tổ chức cuộc họp báo và tiếp tân nhân dịp đầu năm Bính Tuất tại khách sạn Mariott, thành phố San Jose, miền Bắc California.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước. 
5/ VNN - Nguyễn Kim: Ch/h Lê Hồng qua đời vào ngày 1/5/1985.
Phạm Hoàng Tùng minh xác: Cái chết của chiến hữu Lê Hồng tôi đã trình bày rõ trong chương 23 của Hồi Ký, còn ngày chính xác tôi không nhớ. Lúc đó ông Nguyễn Kim không có mặt trong khu chiến tại sao lại biết rõ ngày chết của anh Lê Hồng (vì ông Kim là thành viên lãnh đạo MT nên được “thông báo nội bộ”?). Còn cái chết của những kháng chiến quân khác như bị tử hình thì ông Kim lại nói không biết vì do khu vực công tác???
Nên nhớ kỹ rằng anh Lưu Tuấn Hùng, Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, ông Nguyễn Văn Huy, anh Bùi Duy Hiển cũng như các Kháng Chiến Quân khác... bị lãnh đạo MT ra lịnh tử hình tại khu chiến Thái - Lào, chứ không phải ở quốc nội, lúc đó ông Nguyễn Kim phụ trách Vụ Đông Nam Á ở Băng Cốc cũng hay vào khu chiến. MT không có khu chiến ở quốc nội, chỉ là tuyên truyền sai sự thực.
Anh Lưu Tuấn Hùng lúc ở trại tỵ nạn Sikhiu - Thái Lan 1983 có một người cháu trai tên là Lưu Lý Nhi, tôi có nghe nói anh Lưu Lý Nhi định cư tại Úc?
6/ VNN - Nguyễn Kim: Vào đầu năm 1991, Chiến hữu Ngô Chí Dũng bị mất tích và được xem là hy sinh trong một chuyến công tác tại vùng biên giới Thái-Miên.
Phạm Hoàng Tùng minh xác: Giai đoạn sau này, 1987 – 1991 tại khu chiến tôi không biết rõ. Những sự kiện liên hệ tới chiến hữu Ngô Chí Dũng tôi đã trình bày cặn kẽ trong chương 27. Nếu bộ Hồi Ký nay chưa được phát hành trong năm 2006, chắc chắn ông Kim cũng không nói tới chuyện thất tung của anh Dũng, những nhân vật như Hải Xăm (Nguyễn Quang Phục) có thể biết nhiều về cái chết của chiến hữu Ngô Chí Dũng.
7/ VNN - Nguyễn Kim: Gia đình anh Ngô Chí Dũng hiểu sự việc và nói rằng Mặt Trận cho biết như vậy là đủ không cần làm tưởng niệm cho Ch/h Ngô Chí Dũng.
Phạm Hoàng Tùng minh xác: Vấn đề này tôi không rõ vì không có ở hải ngoại. Tuy nhiên với lương tâm của một người lương thiện, biết chia xẻ nỗi đau của đồng loại, tôi vẫn khẳng định rằng lãnh đạo MT - VT phải chịu trách nhiệm về cái chết bí ẩn, hay sự thất tung khó hiểu của chiến hữu Ngô Chí Dũng. Vấn đề phải bạch hóa trước công luận để tạo sự trong sáng và gia đình anh Dũng hay người thân phải có can đảm tìm kiếm sự thật chứ không né tránh vì lo sợ cường quyền. Đồng thời đồng hương ở khắp mọi nơi đặc biệt là tại Hoa Kỳ với hiểu biết nhiều về kiến thức pháp lý, phải đồng lòng, mạnh dạn tiếp tay tiếp sức cho các gia đình nạn nhân trong nỗ lực hướng thiện đi tìm công lý, công bằng cho những người bị chết oan ức ở khu chiến Thái - Lào. Đây là bước thể nghiệm thật cần thiết về sự hiểu biết, phong cách sống trọng pháp trong cộng đồng người Việt hải ngoại trước khi ứng dụng vào xã hội Việt Nam tương lai khi không còn độc tài lạc hậu.
Theo thư mới đây của ông Hoàng Cơ Định gửi ông Đào Đắc, cho hay ngày 28/8/2006 đã đưa tên ông Ngô Chí Dũng vào danh sách tưởng niệm, nhưng lại không hề thông báo cho gia đình ông Ngô Chí Dũng ở San Jose, Cali, Hoa Kỳ.
8/ VNN - Nguyễn Kim: Liên quan đến một vụ xử tử KCQ tại khu chiến mà ông Phạm Hoàng Tùng viết ra, ông có biết không và nếu có thì ông nhận định như thế nào?
Mỗi địa bàn có những hoạt động riêng rẽ nên tôi không biết nhiều về các sinh hoạt thuộc phạm vi quốc nội nên không có những nhận định gì về vấn đề mà ông Phạm Hoàng Tùng đã nêu lên.  
Phạm Hoàng Tùng minh xác: Điều này rất mâu thuẫn trong cách trả lời của ông Kim, khi nói tới những việc khác thì ông cho rằng tôi là kháng chiến quân cấp thấp không biết nhiều, khi nói tới cái chết của KCQ thì lãnh đạo, kháng chiến quân cấp cao như ông Nguyễn Kim LẠI KHÔNG BIẾT??? 
Ông Nguyễn Kim, một cán bộ thuộc hàng cao cấp nhất, biết rất nhiều chuyện trong khu chiến, mà lại không biết chuyện xử tử hàng chục người (có hàng trăm người biết rõ)??? Rõ ràng là bao che cho tổ chức, thiếu thẳng thắn!
Nên nhớ kỹ rằng anh Lưu Tuấn Hùng, Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, ông Nguyễn Văn Huy, anh Bùi Duy Hiển cũng như các Kháng Chiến Quân khác... bị lãnh đạo MT ra lịnh tử hình tại khu chiến Thái - Lào, chứ không phải ở quốc nội. Lúc đó ông Nguyễn Kim phụ trách Vụ Đông Nam Á ở Băng Cốc cũng hay vào khu chiến (năm 1984, chính mắt tôi (PHT) thấy ông Nguyễn Kim vào căn cứ 83 nơi có đặt Đài Phát Thanh Kháng Chiến, lúc đó ông Kim nói với tôi rằng, một bài viết trên Đài Phát Thanh có sức mạnh hơn 30 sư đoàn). MT không có khu chiến ở quốc nội, chỉ là tuyên truyền sai sự thực.
 
IV/Hình Ảnh Bổ Sung Cho Tài Liệu:

Nguồn: Tài liệu của Phạm Hoàng Tùng sưu tầm.

Ông Nguyễn Thế Minh (Nguyễn Văn Cường)đeo kiếng bên trái gặp ông Nguyễn Kim (giữa) và ông Hoàng Cơ Minh (phải)
trong khu chiến Thái – Lào.
Ông Nguyễn Thế Minh tự xưng là đại diện một Mặt Trận Kháng Chiến trong nước đến trại tỵ nạn Thái Lan
 để tiếp xúc với lực lượng kháng chiến hải ngoại.
Ông Nguyễn Văn Cường trên đường Đông Tiến 2 lần thứ hai vì đi theo đoàn quân không nổi do không có sức khỏe nên được gởi theo toán quân kháng chiến Lào quay lại căn cứ Thái Lan và mất tích luôn từ đó.
Có số kháng chiến quân nghi rằng ông Nguyễn Văn Cường bị ông Hoàng Cơ Minh mượn tay Lào thủ tiêu.
Ảnh nguồn: “Trên Đường Đông Tiến”.
Quyển sách này do Việt Tân phát hành nhằm phủ nhận các sự thật được nêu lên trong tác phẩm Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Tác Giả Phạm Hoàng Tùng.
Ông Nguyễn Kim và ông Ngô Chí Dũng chụp tại cơ sở Mặt Trận ở tỉnh Ubon- Thái Lan.
Nguồn: Hành Trình Người Đi Cứu Nước.
Ông Ngô Chí Dũng (bên trái) trong khu chiến.
Nguồn: “Trên Đường Đông Tiến”.

Trang trong của quyển “Trên Đường Đông Tiến”
Do Việt Tân xuất bản tháng 8 năm 2.007.

Bìa quyển sách “Trên Đường Đông Tiến”
Do Việt Tân xuất bản tháng 8 năm 2.007.
Nguồn: Tài liệu của Phạm Hoàng Tùng sưu tầm.
 
Ngày 30 tháng 11 năm 2.015
 
Phạm Hoàng Tùng.
Cựu kháng chiến quân, cựu đảng viên Việt Tân, biên tập viên Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến, từng tham gia công tác viết dự thảo đảng thuyết Đảng Việt Tân trong khoảng thời gian từ cuối năm 1985 đến đầu năm 1986. Tự nguyện tham gia Mặt Trận, Đảng Việt Tân, và cũng tự ý rời khỏi tổ chức vì thấy tổ chức không xứng đáng.

No comments:

Post a Comment