AMSTERDAM
Tôi đến Amsterdam, thủ đô của Hòa Lan vào cuối tháng mười vừa qua. Trời se lạnh nhưng gió biển ở đây lại không gây cảm giác lạnh buốt xương như ở nhiều nơi khác tại Châu Âu. Khi còn trên máy bay, ngồi gần một bà người Úc, biết tôi sẽ ở lại Amsterdam vài hôm, bà đã nói: “Anh bạn trẻ cứ yên tâm, tôi đã sống và làm việc ở đó 20 năm, bình yên, an toàn, con người tốt bụng, dân chúng nói tiếng Anh như gió, đi bộ, đạp xe, nhảy lên bus, đi tàu, đi metro, kiểu gì rồi cũng tới nơi anh muốn, sẽ không thất vọng đâu”... và quả như vậy, Amsterdam rất xứng đáng là thủ đô văn hóa của Hòa Lan, một quốc gia vừa được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 4 trong danh sách các quốc gia lý tưởng nhất để sinh sống trên thế giới. Đối với du khách đến Hòa Lan và Amsterdam, họ không phải đến vì chất lượng cuộc sống mà còn ở nét văn hóa và nghệ thuật ở đây. Đi vòng, đi vo, đi xuôi, đi ngược, chúng ta có thể chỉ cần hai đến ba ngày là hết các hang cùng, ngõ hẻm của thành phố, nhưng để đi thăm hết tất cả những viện bảo tàng nghệ thuật và văn hóa ở đây, đôi khi thời gian một năm vẫn là chưa đủ !!!
VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÝ
Hòa Lan nằm hoàn toàn trong khu vực Tây Âu, giáp ranh với Đức, Bỉ và biển Bắc Hải. Đây là một quốc gia nằm dưới mực nước biển. Theo các tài liệu lịch sử, Ceasar Đại Đế trong thời La Mã cổ đại rất muốn xâm chiếm Hòa Lan. Theo năm tháng, nơi đây đã là vùng đất của các tranh dành ảnh hưởng, đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, để lại nhiều dấu vết đa văn hóa của nhiều sắc dân khác nhau. Sau Công Nguyên, các tiểu vương đã cai quản nhiều vùng đất nhỏ và độc lập khác nhau ở vùng đất mà nay gọi là Hòa Lan. Kể từ đầu thế kỷ XV, vào năm 1433, một thể chế chính trị chính thức đã thống nhất, gom các vùng đất tự trị lại, tuy nhiên Hòa Lan vẫn nằm trong vòng kiểm soát của triều đình Tây Ban Nha. Nói một cách khác, Tây Ban Nha chỉ cho Hòa Lan tự trị chứ không cho độc lập. Mãi đến năm 1648, sau nhiều cuộc đấu tranh của người Hòa Lan, Tây Ban Nha đành công nhận Hòa Lan là một vương quốc độc lập hoàn toàn. Thời gian này, hải quân của Hòa Lan rất mạnh, nhất là cuối thế kỷ XVII. Cũng như các vương triều hùng mạnh khác ở Châu Âu, các đoàn quân thiện chiến Hòa Lan trên các chiến thuyền đã rời bến cảng đi khắp nơi trên thế giới để xâm chiếm thuộc địa, tìm đất mới, buôn bán nô lệ và mở rộng tầm ảnh hưởng. Họ đã đến Mỹ Châu, Phi Châu, Á Châu. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tầm ảnh hưởng của Hòa Lan đã từ từ thu hẹp lại vì sự xuất hiện của người Anh và Pháp có phần mạnh mẽ, hung bạo hơn. Trong thế kỷ XX, quân đội của Hòa Lan không còn mạnh mẽ nữa, Hòa Lan cũng không còn là một đế quốc hung hăng. Đức Quốc Xã đã vào xâm chiếm Hòa Lan trong Đệ Nhị Thế Chiến, đã giết hại rất nhiều những thành phần quốc gia và những người có nguồn gốc Do Thái tại đây. Ngày nay, trên bản đồ thế giới, lãnh thổ của Hòa Lan vẫn còn có thêm ba hòn đảo nằm ở khu vực biển Caribbean, đó là Bonaire, Sint Eustatius, và Saba. Hệ thống hành chánh giữa ba hòn đảo này với chính quyền Hòa Lan, cũng như với Liên Hiệp Châu Âu có nhiều điều khoảng phức tạp, tuy nhiên chúng ta có thể tạm hiểu một cách nôm na rằng đây những tỉnh xa của vương quốc Hòa Lan. Ba hòn đảo này khá độc lập với mẫu quốc Hòa Lan trong sinh hoạt chính trị. Điều này có lẽ gần giống với tình trạng giữa HongKong và chính quyền Anh Quốc trước đây, hoặc Macao và chính quyền Bồ Đào Nha (khi hai hòn đảo này chưa bị trao về cho Trung Cộng).
THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG KÊNH ĐÀO TRỮ TÌNH
Amsterdam là thành phố của những kênh đào rất lãng mạn và trữ tình. Đêm đầu tiên ở đây, tôi đã nhảy lên một con thuyền để được chở đi quanh nhìn thành phố về đêm. Từ trên bờ, thành phố ban ngày nhìn khác, ban đêm nhìn khác và khi chúng ta ngắm các ngôi nhà, các lâu đài lung linh trong ánh đèn đêm ngay từ bên dưới những con thuyền sẽ lại là một bức tranh lung linh khác hẳn. Du khách ở đây không quá đông như Venice hay Florence của Ý, hoặc như Paris hoa lệ của Pháp, mà rất vừa phải, không gây cho tôi một sự mệt mỏi do đám đông ồn ào, náo nhiệt đem đến. Dọc theo các con kênh đào, người dân địa phương bắt ghế ngồi thư thả nhìn trời mây, dòng nước thật bình an.
Có một đặc điểm ở đây là các con kênh đào thì nhiều, nhưng lại rất ít cầu. Cho nên muốn đi qua phía bên kia của con kênh đào, đôi khi phải đi vòng rất xa. Cũng là chuyện ít cầu này ở trên các con sông lớn đã làm tôi một phen hú vía. Đêm đầu tiên tôi đi xe điện metro về lại khách sạn, cách cổ thành khoảng hai mươi phút, mà khi đã ra khỏi cổ thành rồi thì cứ như đến một thế giới khác, rất vắng vẻ. Vì chưa quen đường nên tôi đã đi sai cầu thang khi “exit” khỏi nhà ga. Nếu là ở các thành phố khác, đi sai “exit” thì chỉ cần rẽ vòng từ đường cái trở lại rất đơn giản, tuy nhiên ở đây, hướng ra đã đưa tôi qua phía bên kia của bờ sông. Đứng nhìn giòng sông rộng lớn vào giữa đêm khuya vắng người qua lại, tôi thấy khách sạn của mình lại ở bờ bên kia của giòng sông, nghĩ rằng cứ đi xuống chút nữa, sẽ tìm một cây cầu băng qua...và tôi càng đi càng xa. Hơi chột dạ vì khu vực này đường phố quá vắng, không một bóng người. Các hàng quán hai bên đường đã đóng cửa từ sau 6:00 chiều, taxi cũng không lai vãng đến đây....Từ xa có một bóng người đạp xe đến, tôi đã vẫy anh ta để hỏi đường về khách sạn. Anh chàng tốt bụng đã chỉ tôi hướng đi và chúc tôi về khách sạn sớm. Tuy nhiên anh ta đã chỉ sai, tôi đi hoài mà không thấy cầu vượt. Lúc này thì tôi đã không còn thấy được khách sạn của tôi nữa....Các con đường nhỏ dần, cong veo, giòng sông cũng uốn khúc đã làm tôi mất phương hướng... Gió mùa thu thổi xào xạt, khi thổi mạnh lại tạo ra những tiếng hú, các cành cây chờn vờn trong đêm tối, nhìn quanh không một bóng người lai vãng. Tôi khá lo và cố bước đi thật nhanh, nhưng không biết mình đang đi đâu. Chợt thấy xa xa có ánh đèn của tiệm MacDonald, tôi liền rảo bước đến, hỏi đường các nhân viên bán hàng. Họ đề nghị tôi quay trở lại trạm metro rồi dò đường tiếp chứ họ....chịu thua. Hỏi họ quay về lại trạm metro có xa không, họ nói: "very far". Tôi tái mặt vì nhìn đồng hồ thấy mình đã loanh quanh gần ba tiếng đồng hồ rồi và khi ấy đã hơn 2:00 giờ khuya. Chợt sực nhớ đến WIFI internet miễn phí của tiệm MacDonald như một cứu cánh, tôi liền lôi điện thoại ra nối mạng internet, dùng Google Map và thở phào nhẹ nhõm. Cái smart phone đã cho tôi nguyên một bản đồ chi tiết hướng dẫn bắt đầu từ nơi tôi đang đứng, phải rẽ quẹo qua hàng chục con hẻm mới đến được một cây cầu gần nhất để qua băng qua sông, đi về hướng khách sạn. Cuối cùng thì đêm đó tôi đã trở về khách sạn an toàn, cũng không hiểu vì sao mình đã đi lạc quá xa. Bị lạc đường một lần, tôi khá “tởn”, những hôm sau tôi luôn để ý lối “exit” và còn nhanh nhẩu chỉ đường cho những người có vẻ như là du khách giống tôi, họ cũng vừa ra khỏi xe điện, đang lớ ngớ tìm đường...
GIAO THÔNG CÔNG CỘNG
Tại Amsterdam rất ít taxi, các con đường ở khu trung tâm lại nhỏ, cho nên tôi thấy đa số người dân địa phương và du khách đề xử dụng xe đạp hoặc giao thông công cộng. Hệ thống giao thông công cộng ở Amsterdam rất tiện lợi, bao gồm từ xe điện, xe bus, tàu thủy, vé xe cho một chuyến đi khá rẻ (2.60 Euros). Tất cả đều tự động và không có nhân viên ngồi bán vé hay trả lời các câu hỏi của hành khách. Vé được bán bằng máy, còn tuyến đường thì hành khách tự tìm hiểu qua bản đồ có sẵn trong từng nhà ga hoặc trong các toa xe, mà những nơi này cũng không có nhân viên. Ngày đầu tiên tôi rất bỡ ngỡ, mặc dù tất cả chỉ dẫn đều có tiếng Anh. Nghĩ đến thành phố Toronto (Canada), nơi tôi đang sống, ngoài nhân viên ngồi bán vé ra, còn có các em sinh viên làm thiện nguyện viên đeo bảng hướng dẫn du khách tại những trạm subway và các quảng trường lớn trong thành phố. Tưởng tượng một du khách ở xa đến, họ thèm được nói chuyện và cảm thấy yên tâm với người địa phương đến cỡ nào.... Nghĩ đến đây, tôi bỗng cảm thấy nhớ... nhà Toronto quá !!!
CÁC VIỆN BẢO TÀNG
Tại Amsterdam có hơn 50 viện bảo tàng và nhà triễn lãm lớn nhỏ khác nhau. Trong đó có nhiều viện bảo tàng mang tầm vóc thế giới như Hermitage Museum, Van Gogh Museum, Rijksmuseum, Stedelijk Museum...
Tại các kiosk, các văn phòng du lịch ở đây có bán một loại thẻ gọi là “I am Amsterdam” với giá 47 Euros cho 24 giờ, hoặc 57 Euros cho 48 giờ...., xem như một loại “thẻ thông hành” đi qua hầu hết các cánh cửa ở Amsterdam, từ nhảy xuống tàu thủy, bước lên xe bus, đi vào trạm metro, cũng như đa số các viện bảo tàng và nhà triễn lãm tại đây. So sánh những vé vào cửa các viện bảo tàng từ 10-15 Euros, vé đi du thuyền trên các con kênh đào là 15 Euros thì dường như mua thẻ sẽ lợi hơn. Tuy nhiên sau những ngày ở tại đây, mua cái thẻ ấy rồi, tôi lại thấy không lợi, bởi vì muốn vào xem một viện bảo tàng, du khách phải xếp hàng khoảng 3 tiếng đồng hồ, vào xem khoảng 5 tiếng đồng hồ nữa thì cũng chỉ xem được một hoặc hai cái bảo tàng trong một ngày. Di chuyển bên trong phố cổ lại chủ yếu là xe đạp và đi bộ, ít cần phải nhảy vào xe bus hay xe điện nhiều lần trong ngày. Nếu cần phải di chuyển thì vé cho một “single trip” lại rất rẻ. Lần sau có đến đây, tôi sẽ không mua thẻ nữa mà vào tham quan chỗ nào thì mua vé chỗ nấy, đi xe gì mua vé xe nấy. Không cần phải mua “thẻ thông hành” nữa, rất rườm rà, đắc tiền mà lại không xử dụng hết công dụng của nó.
NGÔI NHÀ CỦA BÉ ANN FRANK
Như chúng ta đã biết, Hòa Lan cũng như nhiều quốc gia khác tại Châu Âu đã bị Đức Quốc Xã xâm chiếm trong Đệ Nhị Thế Chiến. Những người gốc Do Thái và những ai theo phe Đồng Minh đều bị Phát Xít lùng bắt và tiêu diệt.
Năm tôi 7 tuổi, Mẹ tôi lấy trong tủ sách gia đình ra một cuốn sách, nói tôi hãy xem, đó là cuốn sách dịch có tựa đề "Nhật Ký Anne Frank". Mẹ bảo tôi ráng đọc để hiểu thêm về cái thiện và cái ác của con người. Trong cuốn sách có nhiều điều, nhiều chi tiết tôi không hiểu lắm vì còn quá bé, Mẹ tôi phải giải thích, khi đã hiểu rồi thì tôi cảm thấy sợ... Sau này qua Canada học trung học, cô giáo cũng đưa tôi tác phẩm này, bảo xem kỹ để viết bài luận văn nộp... Cách đây 7 năm, tôi cũng tình cờ mua được một DVD phim cổ điển trắng đen, từng đoạt được 3 giải Oscar, đó là The Diary of Anne Frank, . Nhưng với bộ phim này, tôi chỉ xem nửa chừng thì ngưng không xem nữa vì cảm thấy buồn quá, khi đến đoạn gia đình cô bé sắp sửa bị lính Đức bắt thì tôi đã tắc máy, ngồi thừ ra gần cả tiếng đồng hồ... và cho đến hôm nay đến Amsterdam, lý do chính của tôi lại là để thăm ngôi nhà của bé Anne Frank.
Từ sáng sớm tôi đã đón xe điện ngầm đi vào phố cổ Amsterdam, đứng xếp hàng trên 3 tiếng đồng hồ. Đoàn người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây đứng chờ và xếp hàng uốn lượn qua mấy dãy phố. Khi tôi xếp hàng gần hai tiếng đồng hồ mà vẫn chưa vào được bên trong, có mấy gia đình đem con đến, thấy xếp hàng dài quá, họ đã ngần ngừ, do dự. Tôi đã động viên họ và nói dối chỉ mới xếp hàng được một tiếng thôi, và hàng di chuyển rất nhanh. Nhìn các em bé 9 tuổi, 10 tuổi được cha mẹ đưa đến, tôi không muốn các em phải ra về. Các em phải được chứng kiến tận mắt để bổ sung cho bài lịch sử đã học. Bởi vì như một sử gia đã nói: "Những ai không học lịch sử, sẽ để cho lịch sử lặp lại"
Trong hình, căn nhà thứ 4 (đếm từ trái qua phải) là nơi Anne Frank đã cùng gia đình trốn tại đó trong hai năm trời. Tòa nhà này cũng từng là cửa tiệm bán gia vị của gia đình cô bé. Khi Đức Quốc Xã truy lùng và tiêu diệt người Do Thái, cả gia đình họ đã trốn lên tầng trên, có cánh cửa bí mật được ngụy trang như một kệ sách. Bên dưới cửa hàng vẫn buôn bán bình thường, được các nhân viên thân tín điều hành, mỗi ngày thức ăn được tiếp tế đưa lên, và mọi chuyện đều được giữ bí mật đối với các công nhân khác đang làm việc tại đây. Cô bé Ann Frank mỗi ngày đều viết nhật ký ghi lại những gì đã xảy ra với cô và gia đình trong khoảng thời gian ấy, bằng giọng văn đơn giản, ngây thơ, cô bé viết về tình hình chiến sự được cha cô nghe lén qua radio và đài của phe đồng minh ra sao, cô viết về thức ăn quá thiếu thốn mà các nhân viên cửa hàng cũng không biết tìm đâu ra trong giai đoạn chiến tranh để tiếp tế cho ngần ấy người, về sự sợ hãi lo sợ không biết bị bắt khi nào....Cho đến một ngày có kẻ tố cáo, lính Đức đã xông vào bắt tất cả đưa vào trại tập trung. Khi cô bé cùng gia đình bị lính Phát Xít Đức dằn co và lôi đi, một số đồ đạc đã rơi ra, trong đó có một cuốn sổ cùng những nét chữ và hình vẽ nghệch ngoạc của Anne Frank. Một nhân viên của cửa hàng đã lượm lên, cất làm kỷ niệm.
Vài ngày sau đó, lính Đức đã cho xe đến tịch thu toàn bộ tài sản trong căn nhà ấy. Cả gia đình họ Frank khi vào trại tập trung đã bị tách ra. Bé Anne Frank, chị gái và bà mẹ bị giam chung, còn cha của cô bé bị đưa vào một trại khác. Họ đã phải chịu nhiều nhục hình, tra tấn, hành hạ như hàng triệu tù nhân khác trong các nhà tù của Phát Xít thời ấy.... Vài năm sau, khi Phát Xít Đức thua trận, đầu hàng quân đồng minh, những người tù được giải thoát, chỉ có người cha là ông Otto Frank còn sống sót; bé Anne Frank, chị gái, cùng mẹ đã không trở về...Người cha đau khổ sau đó đã nhận lại cuốn nhật ký của con gái út từ người nhân viên cũ và đó là tất cả gia tài ông có được. Vài năm sau (1947) ông đã quyết định xuất bản cuốn nhật ký của con gái, cũng như dành trọn cuộc đời còn lại đấu tranh cho nhân quyền và lên án các tội ác chiến tranh, ông qua đời năm 1980 tại Thụy Sỹ.
Ngay sau khi vừa phát hành, cuốn sách lập tức trở nên nổi tiếng, được dịch ra 67 thứ tiếng khác nhau, ước chừng có 30 triệu ấn bản đã phát hành khắp thế giới, được dựng lại nhiều lần trên sân khấu và quay thành phim, kể cả sân khấu London, Broadway và màn ảnh đại vĩ tuyến Hollywood. Năm 1960, ông Otto Frank quyết định biến căn nhà này của ông tại Amsterdam, nơi mà cả gia đình ông từng trốn tránh trong hai năm, trở thành một bảo tàng. Chính nơi này bé Anne Frank, trong 2 năm trời đã ghi lại những trang nhật ký hồn nhiên, cảm động của một bé gái mới lớn. Hiện nay căn bảo tàng Anne Frank's House đón trên 1 triệu khách mỗi năm vào xem, và họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Viện bảo tàng này hiện nay hoạt động như một tổ chức từ thiện, được điều hành bởi một ban quản trị, mục đích chính là giáo dục cho những thế hệ kế tiếp về tội ác chiến tranh. Theo các số liệu của ban quản trị, số lượng người tham quan mỗi năm mỗi gia tăng. Giá vé vào cửa là 9 Euros.
HOA TULIP, HOA THỦY TIÊN VÀ KỸ NGHỆ SẢN XUẤT PHÔ MAI
Du khách đến Hòa Lan không thể bỏ qua các chuyến đi xa, ra các vùng ngoại ô thăm các sinh hoạt, cuộc sống làm nông nghiệp, chăn nuôi của người Hòa Lan bên ngoài thành phố. Như chúng ta đã biết, hoa Tullips và Thủy Tiên tại Canada đều được nhập cảng từ Hòa Lan. Hòa Lan có kỹ nghệ trồng hai loại hoa này và xuất cảng đi khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều các du khách mua những củ hoa này tại các cửa tiệm bán đồ lưu niệm đem về làm quà. Tuy nhiên với các du khách từ Bắc Mỹ thì không thể đem cây cối từ nước ngoài về được. Tôi thấy nhiều du khách Á Châu và Châu Âu đã dừng lại mua.
Theo các số liệu thống kê, dân số Hòa Lan năm 2013 là 16 triệu 800 ngàn dân. Kỹ nghệ chăn nuôi bò, cừu, dê... rất phát triển. Riêng về bò, họ đã có trên 8 triệu con bò cho ra các sản phẩm về sữa mỗi ngày (cứ 2 người dân thì có 1 con bò). Cheese (phô mai) làm từ sữa bò theo công thức của người Hòa Lan được cả thế giới ưa chuộng. Vào thăm một của hàng chế biến cheese, quý vị sẽ choáng ngợp vì cả trăm mẫu mã, mùi vị cheese khác nhau. Có lẽ vì cheese và sữa luôn đầy đủ với người dân mà trong vòng khoảng 100 năm nay, chiều cao của người dân Hòa Lan đã gia tăng. Chiều cao trung bình của người Hòa Lan được cho là cao nhất thế giới hiện nay (185cm hay 6 ft).
CỐI XAY GIÓ - LÀNG CHÀI - GUỐC MỘC - HẢI SẢN
Cối xay gió là một trong các biểu tượng tiêu biểu của văn hóa Hòa Lan có từ thế kỷ thứ XIV. Các cối xay gió này dùng sức gió làm động cơ để làm rất nhiều công việc như xay ngũ cốc, ép dầu, tát nước ra vào các dòng kênh đào... Với nền khoa học kỹ thuật tân tiến ngày nay, các máy móc khác chạy bằng dầu, bằng điện đã cho năng xuất cao hơn. Tuy vậy, các cối xay gió này đã trở thành biểu tượng của đất nước Hòa Lan từ rất lâu, cho nên chính phủ vẫn duy trì một số cối gió, vẫn giữ cho hoạt động. Ngay tại các cối gió là những công xưởng sản xuất những món hàng được gia công theo kiểu cổ truyền bằng sức gió, cho du khách có thể mua đem về làm quà. Những cối xay gió này đều được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Để đi đến những nơi này từ Amsterdam, quý vị có thể mua vé tham gia các tour 1 ngày được bán tại các kiosk và các văn phòng du lịch ở khu trung tâm, bên ngoài Central Metro Station.
Bên cạnh đó quý vị cũng có thể kết hợp đi thăm các làng chài đánh cá, thưởng thức các món ăn hải sản (mà chủ yếu là cá) tại đây. Nói về hải sản thì các làng chài ở Châu Âu chỉ có thể đánh bắt được nhiều cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá nục, cá điêu hồng...và một ít tôm. Tôi là người ít thèm ăn cá, cho nên nếu nói về ăn hải sản, tôi vẫn thích đến các vùng biển của Canada như Vancouver để ăn cua, về Halifax ăn lobster và snow crab, king crab hơn chỉ là ăn cá....Một món quà khác thuộc loại thủ công mỹ nghệ mà du khách cũng nên tìm mua là các đôi giày gỗ được đẽo bằng tay. Đây là “giày truyền thống” của người Hòa Lan ngày xưa, họ mang các đôi giày gỗ này để có thể di chuyển giữa sình lầy dễ dàng.
TỪ GIÃ AMSTERDAM VÀ ĐẤT NƯỚC HÒA LAN
Người Hòa Lan vô cùng hiền lành, đất nước Hòa Lan rất quy cũ và thanh bình. Có lẽ vì bản tính ít hiếu chiến của họ mà trong quá khứ, họ đã chịu lùi bước trước người Anh, Pháp và Tây Ban Nha khi tranh dành thuộc địa từ Châu Mỹ qua đến Châu Phi và Châu Á. Khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, tôi lại giật mình vì tình trạng cướp bóc, móc túi ở Amsterdam lại rất cao. Tôi có chia xẻ và hỏi thăm điều này với vài người chuyên nghiên cứu về xã hội Hòa Lan, họ đều cho biết đây là một vấn nạn mà chính quyền chưa có cách giải quyết thấu đáo vì khi biên giới Châu Âu mở rộng, kinh tế của cộng đồng chung phát triển nhưng cũng kéo theo nhiều điều bất ổn. Họ nói nếu làm thẳng tay thì lại vướng vào vấn đề nhân quyền và kỳ thị. À, điều này thì tôi hiểu, nếu cứ sắc máu và tàn bạo như Phát Xít hay Cộng Sản thì xã hội sẽ không văn minh, mà văn minh và dân chủ nào cũng có cái giá của nó.
Đất nước Hòa Lan ngày nay tập trung vào các lãnh vực khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, chế biến thực phẩm. Các sản phẩm của họ đều có tiếng tăm trên các thị trường thế giới. Hòa Lan cũng là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, mãi dâm (rõ nhất tại khu phố đèn đỏ ở Amsterdam), và trợ tử, tức là cho phép ngành y tế hỗ trợ các bệnh nhân bị bệnh đau đớn không còn muốn sống, giúp họ ra đi thanh thảng, không đau đớn. Các vấn đề này đã từng là những tranh luận nẩy lửa khi đề cập đến các quan điểm giữa nhân quyền và truyền thống. Hiện nay trên thế giới đã có 17 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính (trong đó có Canada), 50 quốc gia cho hợp pháp hóa một phần hoặc toàn phần trong vấn đề mãi dâm (không có Canada), và có 8 quốc gia cho phép trợ giúp tự tử vì lý do nhân đạo (không có Canada, riêng tại Hoa Kỳ - một vài tiểu bang đã hợp pháp hóa vấn đề này). Đây là những đề tài nhạy cảm, luôn là những tranh luận không bao giờ có hồi kết thúc, bởi mỗi quan điểm được nêu ra đều dựa vào những giá trị nhân quyền hoặc vào một niềm tin của từng cá nhân. Tại Hòa Lan, tuy tranh luận vẫn còn, nhưng qua nền sinh hoạt dân chủ với phiếu bầu của đa số dân chúng, họ đã có quyết định cuối cùng cho luật pháp hiện hành của quốc gia, như chúng ta đã biết hiện nay
No comments:
Post a Comment