Cuối Đường
Hồi Ký cuả Vương Mộng Long.
Tác giả- Vương Mộng Long
- Cựu học sinh Trung-Học Trần
Quý Cáp, Hội-An.
- Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa
20 Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.
- Chức vụ sau cùng: Thiếu Tá
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.
- Từ 1975 tới 1988 tù “cải
tạo” (13 năm) từ Nam ra Bắc.
- Từ 1993 định cư tại Thành
Phố Seattle, Tiểu Bang Washington, USA.
- Năm 2003 tốt nghiệp
University of Washington, cấp bằng B.A Social Sciences and Communication.
- Gia cảnh hiện nay: Một vợ,
4 con, 1 cháu nội, 3 cháu ngoại.
"Vinh quang một đời của
người cầm quân là một món nợ.
Nợ với tổ quốc, với đồng bào,
và với thuộc cấp của mình!"
(Vương mộng Long)
Bảy giờ sáng ngày Ba Mươi
tháng Tư 1975, tôi dừng quân trên một tọa độ cách thủ đô Sài-Gòn hơn hai chục
cây số. Nơi đây là đoạn cuối của quốc lộ 1. Chỉ còn một quãng đường ngắn ngủi
nữa thôi, quốc lộ 1 sẽ chấm dứt. Tối qua, 29 tháng Tư chúng tôi rút về tới
Long-Bình thì Bộ chỉ huy Liên đoàn 24 Biệt Động Quân đã di chuyển đi đâu mất
rồi. Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân của tôi như con gà con lạc đàn. Tôi vào máy
gọi Liên đoàn 24 BĐQ, gọi Tiểu đoàn 81 BĐQ, gọi Tiểu đoàn 63 BĐQ, và gọi cả Sư
đoàn 18 BB/ HQ trên tần số riêng. Tần số nào cũng rối loạn. Tôi không bắt liên
lạc được với ai. Nửa đêm, thình lình máy vô tuyến đưa lệnh, chẳng hiểu của giới
chức nào, chỉ vắn tắt một câu:
- "Các đơn vị cấp tốc
rút về phòng thủ Sài-Gòn!"
Mờ sáng Ba Mươi tháng Tư,
chúng tôi bỏ Long-Bình, rồi từng bước, rút về hướng thủ đô, để "phòng thủ
thủ đô". Cuối cùng, lết bộ tới Cầu Hang (Biên-Hòa) thì mỏi mệt quá, tôi
cho quân dừng lại nghỉ. Trên quốc lộ 1, cách Cầu Hang chừng hai trăm mét, hơn
sáu chục người lính sống sót cuối cùng của Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân bơ vơ.
Vào giờ này, quân số Tiểu đoàn 82 BĐQ bách thắng của Quân khu 2 còn lại chừng
nửa đại đội, với bốn sĩ quan là tôi (Thiếu tá Vương mộng Long), Thiếu úy Thủy,
Trung úy Trâm, Chuẩn úy Thiều cùng hơn sáu mươi binh sĩ. Ông Đại úy Ngũ văn
Hoàn (TĐP) chết đêm 28 tháng Tư. Trung úy Đăng mất tích. Thiếu úy Châu đi thụ
huấn chưa về. Thiếu úy Học, Thiếu úy Hoàng vắng mặt từ chiều 27 tháng Tư, trước
khi tiểu đoàn vào vùng. Chuẩn úy Gấm, Chuẩn úy Trung, hai ông Chuẩn úy Phước
(Lê văn Phước, Nguyễn văn Phước) cùng Trung úy Phước (Trần văn Phước) thất lạc
trên đường rút lui từ Hố-Nai về Long-Bình ngày hôm qua. Từ nửa khuya, những đơn
vị đồn trú ở Long-Bình đã bắt đầu theo cơ giới rút đi.
Lúc tôi tới Cầu Hang thì
những vị tu hành áo vàng của ngôi chùa Theravada bên kia lộ đang lên xe chạy về
hướng Sài-Gòn. Giờ này họ đã quay trở lại. Họ trở lại chùa, vào phòng, khóa
chặt cổng ngoài. Có một điều lạ lùng, khác với những lần rút lui từ Quảng-Đức
và từ Long-Khánh, đó là, trong lần rút bỏ Biên-Hoà này, tôi không thấy dân
chúng bồng bế nhau chạy theo quân đội. Chiếc xe nhà binh sau cùng di chuyển qua
Cầu Hang đã khuất bóng từ lâu. Khoảng tám giờ sáng thì không còn ai đi sau
chúng tôi nữa. Sau lưng chúng tôi, thành phố Biên Hòa có lẽ đã rơi vào tay Cộng
Quân. Trước mắt chúng tôi là quốc lộ 1, dài mút mắt, hướng Sài-Gòn. Cuối trời
hướng tây có từng cột khói đen cuồn cuộn bốc lên. Trong vài túp lá, quán cóc
bên đường xe lửa, xác những người bạn Nhảy Dù chết cách đó một vài ngày còn nằm
trên sạp tre. Họ đã hy sinh khi nhổ chốt địch để lấy lại đoạn đường quanh Cầu
Hang. Tôi không còn tâm trí đâu mà lo chôn cất cho những người bạn đã kiêu dũng
nằm xuống này. Chính tôi cũng không rõ số phận chúng tôi sẽ như thế nào trong
vài giờ sắp tới.
Mười giờ sáng Ba Mươi tháng
Tư năm 1975. Tôi thẫn thờ rời cái quán cóc bên đường. Chiếc xe Jeep của Thiếu
tướng Lê minh Đảo,Tư lệnh Sư Đoàn 18 BB đã khuất dạng nơi khúc quanh có vườn
cây xanh, về hướng Thủ-Đức. Tư lệnh đã quay lại tìm tôi, nhưng giây phút cuối
cùng, chúng tôi không kịp gặp nhau. Vào giờ phút này, trên máy thu thanh, ông
Dương văn Minh đang oang oang ra lệnh cho chúng tôi buông súng. Ông Dương văn
Minh gọi kẻ thù của chúng tôi là "những người anh em". Chỉ trong vòng
mấy tiếng đồng hồ, buổi sáng Ba Mươi tháng Tư năm 1975, cuộc chiến tranh
Việt-Nam hai mươi năm đi vào trang chót. Đứng trên đường tà vẹt, tôi bàng
hoàng, ngỡ ngàng tự hỏi:
- "Có phải ta đang trong
cơn ác mộng hay không?"
- "Sao chiến tranh lại
có thể kết thúc một cách đột ngột, vô lý, và thê thảm như thế này?"
Chua xót thay! Tôi không mơ.
Tôi đang sống với thực tế phũ phàng. Thằng Y Don Near nắm chặt sợi dây ba chạc
của tôi, nó khóc sướt mướt:
- "Thiếu tá ơi! Sao lại
thế này? Thiếu tá ơi! Hu...hu ...hu..."
Vào Nơi Lửa Đạn
Từ chiếc máy PRC 25, trên
lưng nó, trong tần số liên đoàn, có nhiều giọng đàm thoại lạ. Những hiệu đài
không quen, gọi nhau, chửi thề, quát tháo, than van...
Trước mắt tôi, bên kia đường,
lá cờ ngũ sắc trong sân chùa bay phất phới. Hai bên quốc lộ, những bộ rằn ri
còn bố trí, thế tác chiến sẵn sàng. Những người lính Biệt Động đang chăm chú
nhìn cấp chỉ huy của họ. Họ nhìn tôi với ánh mắt của những đứa con nhỏ đang nép
mình trong lòng mẹ, vào những buổi ngoài trời giông bão, mịt mù sấm sét. Cảnh
này quen thuộc lắm. Những khi tình hình nghiêm trọng, thuộc cấp của tôi thường
chờ đợi quyết định của tôi với những cái nhìn kính cẩn, tin tưởng và thương yêu
như thế này. Trong mười năm chiến trận, đã có đôi lần tôi bị bỏ lại đàng sau.
Đôi lần đơn vị tôi bị dồn vào tình trạng vô cùng nguy khốn, thập tử nhứt sinh,
nhưng thấy con chim đầu đàn còn hiện diện, những người lính dưới quyền tôi vẫn
không xiêu lòng, không bỏ vị trí. Nhưng sáng nay, trước mắt họ, người chỉ huy
của họ đã trở thành một hình nhân, bất động. Thực sự, tôi không biết phải làm
gì bây giờ. Radio chỉ có một chiều; tôi chỉ nghe được; không trả lời được;
không hỏi lại được. Có ai cho tôi biết ông Dương văn Minh lên chức Tổng thống
lúc nào đâu? Tôi biết hỏi ai rằng ông Tổng thống này là thiệt hay giả? Theo tôi
biết, ông tướng này, sau khi giết cụ Diệm để tiếm chức, đã bị các nhóm khác hất
cẳng về vườn lâu rồi. Sao tự nhiên ông ta trở thành Tổng thống VNCH được nhỉ?
Sao một thường dân có thể lên làm Tổng thống dễ dàng thế nhỉ? Đùng một cái,
sáng nay, ông ta ra lệnh cho tôi buông súng. Đầu hàng? Đầu hàng cách nào? Đầu
hàng ở đâu? Đầu hàng với ai? Giữa đồng không, tôi đứng chết trân. Mặt trời lên,
thày trò chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau. Những bàn tay đen đủi Bana, Jarai, Rhadé
đưa lên quệt nước mắt.
Hướng Tân-Uyên có tiếng trống
múa lân thùng! thùng!...thùng... thùng... nghe lớn dần... lớn dần. Tới Cầu
Hang, đoàn múa lân quẹo phải, về tây. Tôi thấy một cán binh Cộng-Sản vai quàng
AK, vác lá cờ Mặt Trận Giải-Phóng Miền Nam đi đầu, tiếp đó là cái đầu lân nhảy
múa, rồi một đoàn người điên cuồng, la hét, hoan hô, đả đảo, nối theo sau.
Tiếng loa vang vang,
- "Hoan Hô Mặt-Trận
Giải-Phóng Miền-Nam!"
- "Hoan hô!...Hoan
hô!"
Thùng... thùng... Hoan hô...
Hoan hô... Thùng... thùng... Tiếng loa và tiếng trống lân dập dồn theo gió. Lá
cờ Giải-Phóng khổng lồ, xanh đỏ, uốn éo trong gió.
- "Đù má tụi mi! Tụi mi
chọc giận ông phải không?" Chửi thề xong, ông Hạ sĩ Phi xả hết một dây đạn
M60 về hướng đoàn múa lân. Chỉ là bắn dọa. Đạn bay cao. Đoàn múa lân như ong vỡ
tổ, chạy tán loạn. Chiếc đầu lân bị vứt chỏng chơ giữa đường. Thằng VC vác cờ
cũng quăng cờ, bò lê, bò càng tìm chỗ tránh đạn.
- "Thôi! Ta đi!"
Tôi ra lệnh cho những người lính cuối cùng của đơn vị.
- "Mình đi đâu bây giờ,
Thiếu tá?" Thiếu úy Thủy băn khoăn hỏi.
- "Thì cứ đi về hướng
Sài-Gòn, tìm xem có ai ở đâu đó, mình nhập vào với họ." Tôi trả lời Thủy.
Mà chính tôi cũng chẳng biết mình sẽ dẫn đơn vị đi về đâu! Không mục tiêu,
chúng tôi đi rất chậm.
- "Thùng... thùng...hoan
hô...hoan hô". Chúng tôi đi được chừng nửa cây số thì đoàn múa lân lại
tiếp tục theo sau lưng.
- "Hoan hô! Hoan hô cái
mả cha tụi mi!" Hạ sĩ Phi lại đổ quạu.
- "Cành! Cành! Cành...
cành... cành! Cành!" Một dây đạn đại liên M60 lại quét ngược về đàng sau.
Vẫn chỉ là bắn dọa. Đạn bay cao. Thằng VC vác cờ lại vội quăng cờ núp đạn. Cái
đầu lân lại bị ném chỏng chơ trên mặt đường. Đoàn múa lân lại tán loạn chạy
chết. Chúng tôi tiếp tục lê gót theo đường, về hướng Sài-Gòn. Cứ đi được vài
trăm mét, chúng tôi lại dừng chân nghỉ mệt. Có mục tiêu nào cho chúng tôi tìm
tới đâu mà phải vội vàng? Khi đi ngang khu núi đá vôi Bửu-Long thì thằng Don
đưa ống nghe cho tôi:
- "Có Hai Lẻ Bảy (207)
gọi Thái Sơn!"
Tôi nghe tiếng Trung tá Hoàng
kim Thanh, Liên đoàn trưởng LĐ24/BĐQ:
- "Thái Sơn! Đây Hai Lẻ
Bảy! Anh cho hai chiếc xe tới đón chú và con cái về Đường-Sơn Quán. Các đơn vị
đang tập trung ở đây chờ lệnh!"
Giọng anh Thanh vẫn bình
tĩnh, từ tốn, không có vẻ gì là lo lắng.
Nghe ba tiếng "Đường-Sơn
Quán", tôi chợt nhớ thời 1971-1973, ở BCH/BĐQ/QK2 có một biệt đội Biên-Vụ
(Viễn Thám) do tôi thành lập, huấn luyện, và trực tiếp chỉ huy. Sáu toán
Biên-Vụ trang bị AK, dép râu, nón tai bèo, nghênh ngang, xuôi ngược trên các
tuyến đường HCM, dọc theo biên giới Việt, Miên, Lào, trong căn cứ địa 609, 613,
701, 702, 740. Những cú nổ mìn phá ống dẫn dầu, phá xe tải, bắt cóc cán binh,
dọc Trường-Sơn Đông, phá Ngầm 24 trên sông Sésan là một mối đe dọa kinh hoàng
hàng ngày đối với đoàn quân xâm lăng vào từ phương bắc. Chuyện chúng tôi xuất,
nhập các mật khu, huấn khu địch, xảy ra như cơm bữa. Những tay súng dưới quyền
tôi cũng yêng hùng, ngang tàng như các hiệp sĩ trong phim Hồng-Kông. Họ quen
gọi tôi là "Anh Hai". Bất cứ giờ nào, dù đang lội trong rừng gai mây
Plei-Trap Valley hay trong rừng khọt Nam Lyr (Cambốt), họ vẫn nghe được tiếng
"Anh Hai" của họ, từ một đỉnh núi cao nào gần đó. Thỉnh thoảng,
"Anh Hai" lội rừng chung với họ để thi hành những nhiệm vụ gay go do
Quân-Đoàn 2 giao phó. Tôi và họ, thương nhau như anh em cùng mẹ, cùng cha. Khi
cuốn phim "Đường-Sơn Đại-Huynh" được chiếu trên màn ảnh các rạp Diệp-Kính,
Diên-Hồng, Thanh-Bình, ở Pleiku, thì đàn em của tôi gán cho tôi biệt danh
"Đường-Sơn Đại-Huynh" chỉ vì tôi có cái tên Long, trùng với tên ông
Lý tiểu Long, tài tử chính của phim này. Sau khi "Anh Hai" vào
Plei-Me nhận Tiểu đoàn 82/BĐQ/BP, đơn vị này bắt đầu đánh giặc với cái phong
thái "Đường Sơn" khiến quân thù vừa nghe tên đã khiếp vía... Tôi ở
Cao-Nguyên mút mùa, làm sao biết được ở Sài-Gòn cũng có cái quán được đặt tên
như trong phim võ hiệp của Tàu? Tôi mở miệng định hỏi anh Thanh tọa độ của
Đường-Sơn Quán thì máy liên đoàn đã cúp. Tôi đành cho anh em ngừng lại bên
đường, chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, hai chiếc xe be từ hướng Thủ-Đức chạy lên.
Xe ngừng, ông tài xế ló đầu ra lớn tiếng hỏi,
- "Có phải Tiểu đoàn 82
Biệt Động Quân đó không?"
- "Phải rồi! 82
đây!"
- "Lên xe đi! Tôi chở
các ông về Đường-Sơn Quán!"
- "Có ai ở đó
không?"
- "Đông lắm! Có lẽ các
ông là những người tới sau cùng"
Xe trở đầu, chúng tôi lên xe.
Tôi, Trung úy Trâm và thằng Don ngồi trên cabin chiếc xe đi đầu. Chú Thủy và
chú Thiều đi xe sau. Thành xe be thấp hơn thành xe GMC, không có thế để đứng,
những người lính đành phải ngồi chồm hổm. Ông tài xế xe be, cười rất tươi,
- "Hòa bình rồi! Hòa
bình rồi! Hết đánh nhau rồi các anh ơi!"
Tôi là một người lính nhà
nghề, nên dù cho "hòa bình" có ở ngay trước mắt, hiệu lệnh phản phục
kích xe vẫn được tôi ân cần nhắc nhở cho thuộc cấp. Hai khẩu M60, một của Hạ sĩ
Phi, một của Trung sĩ Tài, được đặt trên nóc buồng lái của hai chiếc xe be.
Xe đang bon bon trên con lộ
vắng thì khựng lại, bò từ từ. Trên mặt lộ, đàng xa, có người dang tay phất phất
lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, ra hiệu cho xe chạy chậm lại. Tới gần, tôi nhận ra một
du kích Việt- Cộng, quân phục xanh, mũ tai bèo, dép râu. Tên du kích cột lá cờ
trên cánh tay phải, cờ phất lia, phất lịa. Tay trái nó dương họng khẩu AK 47
hướng vào đầu xe của tôi. Xe vừa ngừng thì hai bên đường có tiếng la,
- "Bắn! Bắn!... Không
cho đứa nào chạy thoát!"
Rồi thì tiếng súng đủ loại rộ
lên. Những người lính Việt-Nam Cộng-Hoà trên hai chiếc xe be vừa ngừng trên mặt
quốc lộ trở thành những cái bia sống. "Hòa bình" rồi. Tại sao người
ta nỡ đang tay giết chúng tôi, khi chúng tôi đang trên đường về điểm tập trung
để buông súng?
- "Choác! Choác!
....Choác!"
Gian Lao
Tôi tối tăm mặt mũi vì loạt
đạn bất ngờ. Tấm kiếng che gió của chiếc xe tôi đang ngồi lãnh cả chục viên AK
của loạt đạn đầu tiên. Mảnh thủy tinh văng rào rào trên đầu, cổ, mặt mũi tôi.
Ông tài xế gục trên vô lăng. Thùng nước xe bể, hơi nước phun
"phì...phì..." che kín đầu xe. Tôi phóng nhanh xuống đường. Sau một
cái lạng mình, tôi đã ở đàng sau thành xe. Tôi rút khẩu Colt 45, vẩy một viên
về hướng thằng du kích. Viên đạn trật mục tiêu. Một BĐQ vừa nhảy khỏi xe, té
trên mặt đường. Hình như anh ta bị trúng đạn, không ngồi dậy được. Tôi giựt
khẩu M16 trên tay anh,
- "Đưa tao!"
Tôi kéo cơ bẩm. Đạn tuôn ra
khỏi nòng. Tên du kích giãy giụa trên vũng máu. Lá cờ Mặt-Trận phủ trên mình
thằng du kích. Tôi ghếch mũi súng về lề phải con đường, nơi hàng chục họng AK
và B40 đang đua nhau nã đạn vào hai chiếc xe be. "Oành!". Một trái B40
nổ ngay trước mặt tôi. Tôi cảm nhận rõ ràng nhiều mảnh B40 và đá, sỏi đã ghim
vào cẳng mình. Chủ nhân khẩu M16 mà tôi đang xử dụng bị bay mất cái đầu. Máu từ
cổ anh xịt thành vòi; phần thân thể còn lại của anh giựt giựt trên mặt lộ. Khẩu
B40 cách tôi chỉ vài sải tay, ngay bên kia đường. Tôi nhắm đầu thằng xạ thủ B40
quạt một tràng M16. Ngón tay tôi tiếp tục siết cò. Địch đông lắm. Chúng đứng lố
nhố trong vườn có những luống đậu, dây leo. Một băng đạn ria đại vào đây cũng
có thể hạ gục cả chục tên. Chúng tôi không dự trù sẽ vướng vào một cuộc giao
tranh vừa bất ngờ vừa điên cuồng này. Chúng tôi ở vào cái thế không biết xoay
trở cách nào để phản công. Thôi, đành liều mạng! Ai đang ở đâu nằm tại đó,
chống trả. Cũng may, đêm qua, ở Long-Bình, chúng tôi có cả kho đạn lận lưng cho
ngày hôm nay.
Đạn địch từ hai bên đường
trước mặt tôi tưới như mưa vào những người lính còn đứng trên xe. Những thân
hình rằn ri rơi rụng xuống mặt lộ. Có người chân vừa chạm đất, đã lăn ra chết.
Có đôi người vừa nhảy ra khỏi sàn xe, còn lơ lửng trên không, tay đã bóp cò, nã
đạn về hướng địch. Hầu như ai cũng lo bóp cò. Không ai để ý đến thân thể mình
đã trúng thương nơi đâu. Hạ sĩ Đinh Lít nằm nghiêng dưới gầm xe, tay trái anh
đã trúng đạn, xuội lơ, tay phải ôm cứng khẩu M16. Anh nằm trên vũng máu, mặt
anh tỉnh như không. Mặc cho đạn địch cài dày dặc xung quanh. Với một tay còn
lại, anh liên tục bắn hết băng đạn này, tới băng đạn khác. Lựu đạn miểng, lựu
đạn nổ, lựu đạn cay, B40, M72, chớp nhoá, "Cành! Cành!..." -
"Choác! Choác! ... " - "Xoẹt! Xoẹt!..." - "Oành!
Oành!.." Hai bên đường, địch vẫn tiếp tục ào ra. Xác Việt-Cộng đè lên nhau
từng lớp, ngổn ngang.
- "Cành! Cành!
Cành!..." Trên xe, Hạ sĩ Phi vừa rải từng tràng M60 về phía quân thù, vừa
la rú như người mất trí,
- "Đù má tụi mi ! Chết
cùng chết! Ông chết! Tụi mi cũng chết!"
Trưa Ba Mươi tháng Tư, trên
đoạn cuối của quốc lộ 1, một cuộc hỗn chiến loạn đả xà bần đã diễn ra giữa
thanh thiên, bạch nhựt. Dân chúng tràn ra đường, xem hai bên đánh nhau. Có đôi
ba người dân thường, liều mạng chạy vào khu giao tranh, mang vác những Biệt
Động Quân bị thương đem đi cứu cấp. Khẩu đại liên của Trung sĩ Tài trên xe thứ
nhì đã được di chuyển xuống lề đường. Điều lạ là, hai phụ xạ thủ của Tài lại là
hai em bé trai, tuổi khoảng mười hai, mười ba. Như vậy có nghĩa là, người phụ
xạ thủ và tải đạn của Tài đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Đạn nổ rền trời. Đạn
bay qua. Đạn bay lại. Việt-Cộng chết. Biệt Động Quân chết. Dân chúng cũng chết!
Những người lính Biệt Động cuối cùng của Plei-Me, vùng 2, ruột đổ lòng thòng vẫn
ôm súng bắn như khùng, như điên. Hết đạn, những con cọp giãy chết đành dùng tất
cả những gì cha mẹ ban cho để tự vệ: Nắm đấm, gót chân, đầu gối, khuỷu tay và
cả...răng cũng được xử dụng. Trong phút giây tuyệt vọng, những chiến sĩ
Việt-Nam Cộng-Hoà lăn xả vào địch, la hét, vật lộn, đấm đá, cào cấu, cắn xé...
Binh nhứt Liêu chí Cường (gốc Chợ-Lớn) trước khi chết, còn cố ôm cứng một thằng
địch để cắn vào mặt nó . Tôi biết chắc người đó là chú Cường, vì cái khăn len
xanh cố hữu, bốn mùa quấn trên cổ chú (cái khăn của người tình phụ).
Tôi đã bắn hết số đạn mang
theo trên lưng người lính nằm chết dưới chân tôi. Tôi vừa rướn người, quơ quào
được một băng M16 trên sàn xe thì đạn 12,7 ly của địch từ xa ào ào bắn tới. Có
tiếng trung úy Trâm thét lên, bên hông trái xe,
- "Thái Sơn ơi! Hình như
tank tới !"
- "Làm gì có tank! Chỉ
có 12,7 ly thôi!"
Đạn phòng không của Việt-Cộng
quét sát mặt đường nhựa, toé lửa khi nổ lần thứ hai. Những viên 12,7 ly nổ
"đúp" (hai lần), chui qua thân người bị đạn, hất thân mình người đó
lên khỏi mặt đất, đục những lỗ to như bàn tay trên thân thể nạn nhân. Trên mặt
lộ là cả chục xác Biệt Động Quân không toàn thây. Khẩu M60 của Hạ sĩ Phi đã gãy
nát. Hạ sĩ Phi vỡ óc. Hạ sĩ Đinh Lít cũng vỡ óc. Sáu bánh xe be xẹp lép. Chiếc
xe nằm bẹp xuống mặt đường. Trên sàn xe, trên mặt lộ, chỗ nào cũng ngập máu.
Máu đọng thành vũng, máu chảy tràn xuống ruộng. Bên tôi, không còn khẩu M16 nào
hoạt động. Những Biệt Động Quân đi trên xe thứ nhứt có lẽ đã chết gần hết.
Những người đi trên xe thứ nhì đang là mục tiêu cho khẩu 12,7 ly. Tôi thấy họ
rút vào ruộng mía bên phải quốc lộ. Đám dân đứng xem đánh nhau, bị trúng đạn
cũng nhiều.
Súng của tôi lại hết đạn rồi.
Tôi trườn ra giữa đường để nhặt khẩu AK và giây đạn của tên du kích. Khẩu đại
liên của Trung sĩ Tài đã gãy làm đôi. Hai em bé tải đạn cho Tài đều chết vì
trúng đạn 12,7 ly. Trung sĩ Tài đang lăn lộn trên vũng máu. Tôi lăn mình vài
vòng, tới bên Tài. Tài nhìn tôi, thều thào,
"Chạy đi!... Ông thầy...
chạy đi!..."
Tôi định xốc Tài lên để dìu
anh vào lề đường thì hai mắt anh đã lạc. Đạn bay xém bên mình tôi, nổ
"toang toác!" trên mặt lộ. Chợt ai đó nắm sợi dây ba chạc sau lưng
tôi, lôi tôi chạy về bờ ruộng bên trái quốc lộ.
- "Anh em chết hết rồi .
Chạy đi, thầy ơi!" Đó là tiếng Trung úy Trâm.
"Toác! Toác!" -
"Chíu! Chíu!" đạn địch đuổi theo. Tôi cắm đầu chạy. Chạy được một đỗi
thì tôi đuối sức, lảo đảo. Trâm bèn ghé vai, vác tôi lên lưng. Trâm khỏe như
một đô vật. Trâm cõng tôi, nhanh chân lẩn vào rặng dừa bên trái lộ. Hết vạt
dừa, Trâm đặt tôi xuống đất. Chúng tôi lội trên mảnh ruộng vừa gặt xong. Chân
tôi vướng gốc rạ. Tôi ngã bổ nhào trên mặt ruộng. Trên mặt ruộng có những đồ
chơi của trẻ con vương vãi đó đây. Một con búp bê bằng nhựa, một cái xe hơi
bằng nhựa, những chén bát nhỏ tí, cũng bằng nhựa, màu mè xanh đỏ. Tôi chợt nhớ
tới gia đình vợ con tôi ngoài Ban Mê Thuột. Chắc vợ con tôi đã chết hết. Tôi
nghĩ tới đất nước tôi. Đất nước tôi đã mất. Đơn vị tôi đã tan tác. Một phút bất
thần, phẫn uất, tôi rú lên như con thú,
- "Ôi!... Ôi!... Ông
Trời ơi!... Ông Trời ơi! ...ơi. ..ơi..."
Tôi rút khẩu súng Colt ra, kê
nòng súng vào mang tai mình, bóp cò. Bàn tay như sắt nguội của Trung úy Trâm
phạt ngang một cú Karaté. Viên đạn bay lên trời. Khẩu Colt văng trên mặt ruộng.
- "Trâm ơi! Làm ơn! ...
Cho anh chết! Trâm ơi!..." Nước mắt dàn dụa, tôi thất vọng, van lơn. Chẳng
nói chẳng rằng, Trung úy Trâm lầm lì, xốc vai tôi bước đi. Ngoài lộ vẫn còn lác
đác tiếng đạn bắn qua, bắn lại và tiếng lựu đạn nổ. Trâm lột sợi dây ba chạc
của tôi, của anh, mũ sắt của tôi, của anh, vứt trên một gò mả. Trâm từng bước
dìu tôi về hướng xóm làng gần đó. Giờ đó tôi như con sên yếu đuối, mặc cho chú
Trâm tha lôi đi đâu thì đi. Chúng tôi vừa đụng đầu một con lộ đất thì một nông
dân đạp xe tới chặn đường,
- "Ông thiếu tá bị
thương hả?"
Thói quen, ngược đời, đi trận
tôi thường đeo lon trắng. Về nhà tôi lại đeo lon đen. Người dân đã nhìn thấy
cặp lon trắng của tôi. Ông cụ có vẻ động lòng,
- "Ông trung úy lấy xe
này đưa thiếu tá chạy đi! Luẩn quẩn ở đây lâu không tốt đâu!"
- "Cám ơn cụ!" Trâm
lanh tay nhận chiếc xe đạp thồ từ tay người dân tốt bụng.
Con lộ đất dẫn tới một văn
phòng Hội Đồng Xã, cửa đóng, khóa ngoài. Rồi con lộ đất dẫn vào một ngôi nhà
thờ xứ đạo. Trong sân nhà thờ, lố nhố nhiều người đang tập trung. Một cái rờ-moọc
xe GMC chất đầy súng ống nằm ngay giữa sân. Đó đây, từng đống quân trang, quân
phục VNCH vừa bị cởi bỏ. Trâm dựng cái xe đạp ngay giữa sân. Chú đứng quan sát
một phút, rồi thở dài,
- "Cởi quân phục vứt đi
thì chỉ còn cái áo mayor với cái quần xà-lỏn. Mình làm sao đây, Thái Sơn?"
Tôi rờ rẫm những khẩu M16
trên chiếc rờ-moọc, "Lên đạn. Dựng khẩu súng thẳng đứng. Đưa nòng súng vào
dưới cằm. Lách ngón chân vào cò súng. Nhấn ngón chân xuống. Thế là xong!"
Tôi đang suy nghĩ, sắp thử một cú tự giải thoát nữa, thì chú Trâm van lơn,
- "Thầy ơi! Thôi đi thầy
ơi! Đừng bỏ em, thầy ơi! "
Gian Lao
Trung úy Trâm ôm chặt vai
tôi, khóc nức nở như một đứa bé. Thầy trò tôi ôm nhau. "Hu ... hu...
hu...." Những người đứng gần đó, bị nỗi đau đớn chung lôi cuốn, cũng ôm mặt
khóc theo. Như giữa đám ma, cả một khu sân nhà thờ xứ đạo vang lên tiếng khóc.
Một đám ma không có người chết, mà những người đang đứng đây, chẳng có họ hàng
gì với nhau, nhìn nhau, ôm nhau, cầm tay nhau, chúng tôi khóc vùi.
Một thanh niên cưỡi chiếc Honda
90 từ hướng quốc lộ 1 phóng tới. Anh kè sát bên tôi, nói nhỏ :
- "Thiếu tá lên xe, em
chở đi trốn."
Trâm đẩy tôi lên yên sau xe,
chú leo lên theo.
- "Chúng nó (VC) chết
nhiều lắm! Chúng nó bắt được mấy anh lính bị thương, tra khảo họ xem cấp chỉ
huy của họ là ai, đâu rồi? Họ khai có ông thiếu tá, chắc chết rồi. Chúng kiểm
xác chết. Không có xác thiếu tá. Chúng đang túa đi lùng. Em sẽ đưa thiếu tá đi
dấu. Không để cho chúng nó bắt."
Xe chạy trong đường làng
quanh co một đỗi thì ngừng. Anh thanh niên dựng xe, đập cửa một căn nhà gỗ, mái
dừa,
- "Mẹ ơi! Con đây! Hải
đây! Mẹ mở cửa cho con!"
Cánh cửa hé mở, một bà già,
tiếng Bắc Di Cư:
- "Đánh nhau, súng nổ ầm
ầm mà mày cứ nhơn nhơn ra đường. Về nhà đóng cửa lại cho tao đỡ lo!"
- "Vâng con về ngay. Mẹ
cho con gửi hai anh này. Có ai hỏi, mẹ cứ nhận là hai con của mẹ. Anh Cả, anh
Hai đi lính vắng nhà lâu rồi, chòm xóm không nhớ mặt đâu! Mẹ làm ơn, làm phúc.
Con đi một chút nữa con về ngay. Mẹ đừng lo!"
Bà mẹ nhìn tôi và Trâm, bà biết
ngay hai đứa chúng tôi là sĩ quan QLVNCH đang bị truy đuổi. Bà cụ không dài
dòng hỏi han. Cụ đưa tay chỉ cho tôi cái tủ đứng góc nhà,
- "Hai đứa lấy quần áo
'si-vin' của thằng Hải mà mặc vào ngay đi! Đưa quần áo nhà binh cho tao đi
dấu!" Thoáng chốc, tôi và Trâm thành hai anh dân sự. Bà cụ Bắc Kỳ đã chôn
hai bộ rằn ri dưới bùn ruộng muống sau nhà.
Trước sân, anh thanh niên
(Hải) con bà cụ đang bơm lốp xe. Tôi và Trâm ngồi uống nước vối nóng, nghe
ngóng động tĩnh. Chợt, ngoài đường có tiếng đối đáp,
- "Anh kia! Anh có thấy
hai thằng lính rằn ri ngụy chạy qua đây không?" một giọng Nghệ-Tĩnh gặng
hỏi.
- "Có! Chúng nó chạy
thẳng sang hướng Thủ-Đức. Đấy! Con đường quẹo phải! Chổ cây dừa
nghiêng..."
Tên Việt-Cộng chỉ huy liếc
mắt vào trong nhà. Thấy tôi và Trâm, nó hỏi trống không,
- "Chứ hai anh kia làm
chi rứa?"
- "Anh Cả và anh Hai của
tôi đó!" Hải nhanh miệng.
- "Thưa ông, hai thằng
con tôi đi lính ngoài miền Trung. Tụi nó mới đào ngũ về nhà được mấy tuần. Xóm
này ai cũng biềt." Bà cụ phân trần.
Thằng Việt-Cộng hết nghi,
quay sang đồng bọn, nó ra lệnh,
- "Nhanh lên! Đuổi theo
chúng nó nhanh lên! Hướng cây dừa nghiêng. Đừng cho chúng nó chạy thoát! Các
đồng chí cẩn thận đấy! Tụi nó có súng!"
Rồi tiếng chân người huỳnh
huỵch chạy đi, xa dần. Bà già lấy khoai lang luộc đưa cho chúng tôi ăn đỡ lòng.
Anh Hải rồ máy xe. Nửa giờ sau anh trở về,
- "Thiếu tá đi được rồi!
Quân của chúng nó đi hết rồi."
- "Hai con có còn tiền
để đi xe về quê không? Nếu không mẹ cho!" bà cụ ân cần.
- "Cám ơn bác. Chúng
cháu còn tiền đây. Chúng cháu mới lãnh lương. Mải lo đánh nhau, chưa tiêu đồng
nào." Tôi cảm động nói không nên lời. Bà già nhìn chúng tôi, ánh mắt bà
chứa ẩn một tấm tình thương xót bao la.
- "Thưa Mẹ! Con
đi!"
- "Thưa Mẹ! Con
đi!"
- "Anh đi nhé, Hải! Cám
ơn Mẹ và em vô cùng!"
Lần đầu tôi gọi một người
không sinh ra tôi là Mẹ. Tôi gọi bà là Mẹ, không ngại ngùng, như thể bà đã là
Mẹ tôi, đã sinh ra tôi. Tôi và chú Trâm bước ra vườn sau, theo bờ ruộng rau
muống, leo lên con lộ đá đi về hướng Thủ-Đức. Tôi biết sau lưng tôi, Mẹ và chú
Hải còn trông theo.
Hai đứa tôi nhanh chân nhập
vào dòng người hướng về Thủ-Đức. Chợt sau lưng tôi có tiếng gọi, "Thái Sơn
ơi! Trâm ơi!" Thì ra người gọi chúng tôi là Thiếu úy Trần văn Thủy . Ba
thày trò tôi không dám lớn tiếng hỏi han nhau về những gì đã trải qua. Chúng
tôi đi như những người dân chạy loạn đang tìm đường về nhà, sau khi im tiếng
súng. Chúng tôi vào Thủ-Đức. Nhà nhà, cửa đóng kín mít. Vài chiếc xe Cảnh-Sát
cháy dở dang. Vài tiệm buôn bị đốt phá. Trong phố đã xảy ra cướp bóc, hôi của.
Cổng Trung-Tâm Cải-Huấn Thủ-Đức mở toang. Sân nhà lao vắng tanh. Tội phạm mới
ra khỏi khám đang lộng hành (?) Nhiều người tay mang băng đỏ chở nhau trên
Honda, trên xe Ford Cảnh-Sát. Xe chạy nhanh như bay, qua lại nhiều lần trên
đường phố. Tới chợ Thủ-Đức, chúng tôi may mắn đón được chiếc xe Lamb chạy đường
Thủ-Đức, Thị-Nghè, giá sáu trăm đồng một người. Chiếc xe Lamb bò ì ạch vì quá
tải. Xe chúng tôi qua mặt từng đoàn người bận quần đùi, áo thun, chân đất, đang
chen vai nhau, đi về hướng thủ đô. Tôi nhận ra, trong đoàn người áo thun, quần
xà lỏn đang đi dưới đường, có Thiếu tá Nguyễn hữu Tài, tiểu đoàn phó tiểu đoàn
81 Biệt Động Quân. Có lẽ anh ta cởi bỏ quân phục nơi Đường-Sơn Quán (?)
Còn cách ngã ba xa lộ Đại-Hàn
chừng hơn trăm mét, chúng tôi phải xuống xe đi bộ vòng qua một khu ao cá và
ruộng nước bên trái quốc lộ, vì giữa đường có một chiếc tank T54 đang cháy. Có
vài cán binh Cộng-Sản Bắc-Việt ôm AK chặn không cho bộ hành và xe cộ qua lại
đoạn đường này. Lội hết vạt ruộng thì thày trò tôi tới xa lộ Đại-Hàn. Lúc này,
trên xa lộ, tank T54 và xe chuyển quân của CSBV đang nối đuôi nhau hướng về
Sài-Gòn. Sau khi cuốc bộ một đỗi, chúng tôi tới cây cầu đúc. Qua cầu, chúng tôi
lẫn trong biển người xuôi ngược.
Chúng tôi về tới Thị-Nghè thì
mặt trời xế bóng. Giữa cầu Thị-Nghè là một chiếc M41 đứt xích vì B40. C hiếc
chiến xa nằm bẹp, bụng xe đè sát mặt cầu. Trên pháo tháp, có vết máu đã khô,
nhưng không thấy xác người chết. Bên cạnh đó, vương vãi vài bộ quân phục Việt
Nam Cộng Hòa, dây đạn, nón sắt, ba lô...
Tôi không dám về nhà mẹ tôi,
sợ trong lúc tình hình lộn xộn, chòm xóm biết mình là sĩ quan QLVNCH, sinh
chuyện không hay. Để hai người đàn em chờ trên cầu, tôi đi kiếm nhà người quen,
xin cho chúng tôi tá túc. Nhà anh bạn Nguyễn gia Hân của tôi nằm ngay chân cầu.
Bạn tôi là sĩ quan Cảnh-Sát, Trưởng đoàn phòng vệ Toà Đại-Sứ Hoa-Kỳ. Nhà khóa
cửa. Có lẽ gia đình bạn tôi đã di tản rồi. Tôi trở lại cùng Trâm và Thủy. Qua
cầu, chúng tôi tiếp tục đi. Bây giờ, trong phố, người qua lại nườm nượp. Bên lề
đường, sát tường rào Sở Thú, những người đi hôi của đang bày bán đủ thứ, chăn
màn, quần áo, chén bát, sách truyện, tranh ảnh, rượu bia...
Quên đời? Chỉ còn cách uống
rượu. Năm trăm đồng một chai Hennessy. Ba thày trò tôi kẹp nách mỗi người một
chai. Tôi vẫy tay chận một chiếc xích lô máy để vào Chợ-Lớn, về nhà Trung úy
Trần văn Phước; vừa có nơi lạ để nghỉ qua đêm; xóm giềng không biết mình là ai;
vừa tìm xem chú Phước còn hay mất. Chiều rồi, nhưng nhà chú Phước còn mở cửa.
Trước nhà là cái bảng hiệu "Chiêm-Tinh Gia Trần-Cẩm, Chuyên Bói Bài, Coi
Chỉ Tay, Đoán Vận-Mệnh". Bác Cẩm là thân sinh của chú Phước. Xe ngừng, tôi
vừa bước xuống đất thì Phước từ trong nhà ào ra ôm chầm lấy tôi, "Ôi! Anh
Hai! Anh Hai! Mừng quá! Anh Hai ơi!" Thì ra trong cuộc lui binh dưới mưa
pháo ngày 29 tháng Tư, Phước bị tụt lại đàng sau, mất liên lạc với tiểu đoàn.
Phước không biết chúng tôi rẽ vào Long-Bình. Phước đi thẳng một lèo, theo xa lộ
về tới Sài-Gòn.
Đêm 30 tháng Tư bốn anh em
tôi ngồi bên nhau, cạn ba chai rượu. Chú Thủy cho tôi biết rằng, ngay đợt tấn
kích đầu của địch, chiếc xe thứ nhì đã bị thương và chết khá nhiều. Nhiều BĐQ
bị thương đã được dân chúng di tản đi cứu cấp. Thiếu úy Thủy đã cố gắng mở một
mũi bọc hông phải để giải tỏa áp lực địch nhưng không thành công, vì địch quá
đông. Đến lúc khẩu phòng không 12,7 ly của địch tham chiến thì Thủy cho anh em
phân tán chạy vào nhà dân. Sau đó Thủy được dân chúng cưu mang, cho quần áo cải
trang rút chạy. Chú Thủy nói, hình như chú Thiều bị thương ngay từ phút đầu,
không rõ số mệnh ra sao . Sáng Mồng Một tháng Năm 1975, tôi cho Thủy và Trâm
một số tiền để làm lộ phí về quê. Từ dạo ấy, anh em chúng tôi không còn dịp gặp
lại nhau nữa.
Thời gian trôi . . .
mười ba năm sau, cũng vào
ngày Ba Mươi tháng Tư, đầu làng, cuối xóm, rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Nơi nơi,
loa vang vang, bài ca "Mùa Xuân Trên Sài Gòn". Có một anh Bắc-Kỳ,
tuổi lửng lơ, nửa già, nửa trẻ, đạp xe thồ, đèo theo một cái giỏ, đi rao bán cá
khô trong khu ngoại ô Thủ-Đức. Tới căn nhà gỗ, mái dừa, anh bán cá khô vừa mở
miệng hỏi thăm, một bà người Xứ Quảng đã mau mắn trả lời :
- "Đi rồi! Bán nhà, vượt
biên. Năm, sáu năm rồi!"
- "Xin cám ơn bà. Xin
cám ơn Trời!" Anh Bắc-Kỳ mừng rỡ. Bà chủ nhà . . . nghệt mặt, giương mắt
nhìn anh chăm chăm, mà chẳng hiểu ý anh.
Anh bán cá khô lên xe, đạp từ
từ theo con lộ đất. Xe tới cổng nhà thờ. Gác chuông lặng câm. Sân nhà thờ vắng
ngắt. Trên thánh giá, Chúa cúi đầu. Không biết Chúa có còn nhận ra anh không?
Qua văn phòng Ủy-Ban Nhân-Dân Xã, đến quốc lộ 1, anh quẹo phải, ngừng lại bên
đường ngồi nghỉ. Nơi đây chỉ cách Đường-Sơn Quán vài cây số. Cũng ngày này,
mười ba năm trước, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân đã tả xung hữu
đột trong trận đánh đẫm máu bi hùng cuối cùng. Những người nằm xuống đã sang
thế giới bên kia trong quân phục rằn ri, với cái huy hiệu đầu beo, phía trên
phù hiệu đó là một bệt tím có chữ số "82" màu vàng. Trưa nay, có lẽ
dân chúng trong vùng còn nhớ tới họ, nên cắm vội bên đường đôi bó nhang, hương
khói.
Anh bán cá khô ngồi xẹp trên
lề cỏ, rưng rưng,
- "Các chú tha lỗi cho
anh..."
Hai bên quốc lộ là rừng bạch
đàn. Những cây bạch đàn lớn lên từ lòng đất từng thấm đẫm máu của những anh
hùng Plei-Me. Hình như trong gió, thoảng như ru, có tiếng ai, thiết tha, não
nuột:
- "Thầy ơi! Chạy đi!...
Thầy ơi!..."
Ngồi bên bìa rừng, đôi mắt
Đường-Sơn Đại-Huynh đẫm lệ....
Không
biết anh Vương Mộng Long có gặp được mẹ con người đã cứu mạng anh không?"
Dân
quân cá nước" một xã hội như thế mà phải tiêu vong vì các thế lực quốc
tế,. Đau quá!
No comments:
Post a Comment