Wednesday, January 22, 2014

Thầy Tàu


Nghĩ vụn bên cốc cà-phê sáng (20140121):


            Bài Vài dòng tâm sự của ông Đỗ Lai Thúy đăng trên tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, số 2/2008 -- có một điểm nhỏ vương vấn mãi trong tâm trí tôi. Gọi là "nhỏ", vì nó không nằm trong chính đề của bài viết, vốn nói về sự lưỡng phân hầu như bất tận, và việc tìm kiếm một cách vô vọng sự hợp nhất,  giữa Kitô giáo và Nho giáo, mà một người bạn của tác giả, GS Nguyễn Khắc Dương đã trải qua trong suốt một đời.

            Điểm vương vấn đó nằm trong câu: "...bởi ta với Tàu, dẫu sao, cũng là những nước đồng chủng đồng văn."

            Thoạt nghe qua hay xem lướt, chẳng có gì vướng vấp. Đối với đại chúng tây phương, người Việt và người Tàu chẳng khác gì nhau. Có nhiều người Việt tự nhận là người Tàu, khai là người Tàu trên giấy kiểm kê dân số ở quốc gia định cư sau khi vượt biên thành công. Điều đó cũng dễ hiểu, vì ông cha mấy đời của họ mới tới Việt Nam lập nghiệp, họ còn nói được tiếng Tàu, và bản thân họ, còn cảm thấy gắn bó với cố quốc của cha ông hơn là vùng đất tạm dung lần thứ nhất, Việt Nam.

            Có một số người Việt khác, tuy trong gia phả mấy mươi đời không dính gì tới Tàu, nhưng cũng nói rằng "người Việt vốn là người Tàu" vì mẹ Âu Cơ của họ là người Động Đình Hồ "bên Tàu". Những người này hoặc không biết, hoặc biết không tới, là vùng Động Đình Hồ ở bờ Nam sông Dương Tử bên Tàu lúc bấy giờ không thuộc nước Tàu, mà là giang sơn của vua Đế Lai.

            Đất tổ của người Việt cũng không thuộc nước Tàu, mà thuộc nước Xích Quỉ của vua Kinh Dương Vương, là một tam giác ngược rộng lớn, đáy là vùng châu thổ sông Dương Tử, phần nhỏ là vùng châu thổ sông Hồng và đỉnh là vùng Thanh Hóa ngày nay.

            Hán tộc lúc đó lập quốc ở bờ Bắc sông Dương Tử. Không phải vì Hán tộc tràn qua sông, xâm chiếm đất Việt rồi thì mẹ Âu Cơ bỗng dưng trở thành người Tàu! Nói như vậy chẳng khác nào bảo người Chàm vốn gốc Việt, các vua họ Chế và danh tướng Chế Bồng Nga của họ là người Việt, vì vương quốc của họ từng đóng đô ở Qui Nhơn, thuộc bản đồ Việt Nam ngày nay.

            Thực vậy, đâu phải vì người Hán chiếm cứ Việt Đông, tiêu diệt dân tộc Bách Việt, chỉ còn Lạc Việt, Âu Việt và một phần nhỏ của Mân Việt tồn tại ở vùng châu thổ sông Hồng mà người Việt trở thành ...gốc Tàu! Đâu phải vì người Việt xóa mất vương quốc Chiêm Thành mà người Chàm trở thành gốc Việt! Đâu phải vì người Việt "mở mang bờ cõi" xuống tận Hà Tiên Châu Đốc mà người Thủy Chân Lạp trở thành gốc Việt!

            Vậy thì người Việt và người Tàu "đồng chủng" cách nào?

            Về huyền thoại, người Trung Hoa bảo họ là con cháu ông Bàn Cổ, thọ tới 18 ngàn năm; và các vua thời sơ khai của họ là Tam Hoàng, Ngũ Đế. Các vị con trời hãy còn cãi nhau sôi nổi về việc định danh xem tam hoàng, ngũ đế của họ là những ông bà nào, nhưng chuyện đó thuộc về nội bộ của người ta, miễn bàn ở đây.

            Cũng về huyền thoại, nguồn gốc dân tộc Việt bắt đầu từ họ Hồng-bàng, nước Xích Quỉ, vua là Kinh dương vương, còn ngôi mộ ở Bắc Ninh. Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất - hơn 2000 năm trước tây lịch, lập Long Nữ, con vua Thần Long vùng Động Đình Hồ làm hoàng hậu, sinh hạ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm lên ngôi thành Lạc Long Quân, cưới bà Âu Cơ con vua Đế Lai, sinh ra 100 trứng, nở 100 con, khi ly dị chia con ra làm hai, mỗi người nuôi 50 đứa.  Sau đó, nước Xích Quỉ chia ra 100 nước nhỏ, gọi là Bách Việt, mỗi con giữ một nước. Một trong các nước ấy là Văn Lang, Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua, xưng hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, Phú Thọ ngày nay.

            Về nhân chủng học, con người gồm 4 đại chủng: Caucasoid hay Europoid (Âu), Negroid (Phi), Mongoloid (Á) và Australoid (Úc).

            Khoảng 8000 năm trước tây lịch, một phần của đại chủng Mongoloid bỏ vùng Tây Tạng đi về phương Nam, tới vùng Việt-Miên-Lào ngày nay thì dừng lại định cư, hợp chủng cùng giống Australoid thành tiểu chủng Indonesien (Cổ Mã-Lai). Người Indonesien lại phân tán đi nhiều hướng, phía Bắc lên tới bờ Nam sông Dương Tử, phía Tây đi tới Ấn Độ, phía Nam tới Nam Dương, phía Đông sang Phi Luật Tân.

            Cho tới khoảng 3000 năm trước tây lịch, sự hợp chủng giữa người Indonesien ở bờ Nam sông Dương Tử cùng đại bộ phận Mongoloid hình thành phân tiểu chủng Austro-asiatique (Nam Á hay Á-Úc).

            Tính về chủng tộc, người Việt và tất cả người thiểu số sống ở Việt Nam đều thuộc tiểu chủng Indosien, phân tiểu chủng Austro-asiatique (3/4 Mongoloid và 1/4 Australoid), còn người Tàu thuộc đại chủng Mongoloid, không phải Indonesien và lại càng không phải Austro-asiatique.

            Như vậy người Việt và người Tàu tuy có cùng chủng gốc Mongoloid, một trong 4 đại chủng của nhân loại, nhưng khác phân chi rất xa. Bảo rằng người Việt và người Tàu là "đồng chủng" thì có hơi xa xôi; cũng gần giống như bảo người Việt và người Tàu là "đồng chủng" vì cùng là con người! 

            Còn thế nào là "đồng văn", nghĩa là cùng một nền văn hoá?

            Có lần trên bàn tiệc, tôi nghe một bạn trẻ nói rằng nếu không nhờ người Tàu bỏ công ra khai hoá thì cho tới ngày nay người Việt hãy còn sống trên cây (như loài khỉ). Tất nhiên đây chỉ là một câu có tính cách hoạt kê, nói ra để cười chơi; nhưng nếu như bàn tiệc ấy được dọn ra ở Bắc Kinh, người phát biểu là người Tàu, thì lời phát biểu vừa nêu hiển nhiên có tính cách khinh miệt; vì người phát biểu là người Việt, ít nhiều chịu ảnh hưởng chế độ giáo dục ở Việt Nam sau 1975 nên tôi ngờ rằng điều đó có thể nằm trong một cuốn sách giáo khoa, một văn kiện hay ít nhất, phát xuất từ cửa miệng một ông thầy bà cô nào đó.

            Trong sách sử Việt Nam cận đại, kể cả sách do Đại tá VNCH Phạm Văn Sơn chủ biên, đều ghi công hai thái thú Tích Quang và Nhâm Diên đã khai hóa dân Giao Chỉ. Các "nhà sử học" này cũng nói có sách mách có chứng. Sách đó là cuốn Hậu Hán Thư, sách Tàu: "Sử chép rằng Nhâm Diên dạy cho dân cày cấy ruộng bằng trâu bò, dùng điền khí, và khai khẩn đất hoang, cùng là dạy cho dân biết lễ giá thú, khiến các trưởng lại phải giúp tiền cho những người nghèo để họ kết hôn được" (Hậu Hán Thư, quyển 186). Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào đó để bảo người Hán khai hoá người Việt thì chưa đủ và bảo người Việt người Tàu "đồng văn", e cũng cần xem lại.

            Có những điều sách Tàu không ghi, nhưng các công trình khảo cổ gần đây cho thấy, người Việt thời cổ có chữ viết và tiếng nói riêng; và người Hán chỉ "có công" âm mưu tiêu diệt, xóa bỏ dấu tích văn hóa Việt Nam. Cố xóa, nhưng không hết. Chẳng những thế, họ còn ít nhiều chịu ảnh hưởng một phần văn hóa Việt, y như người La Mã chiếm Hi Lạp rồi chịu ảnh hưởng văn hóa Hi Lạp, người Việt chiếm nước Chiêm Thành rồi một phần văn hóa Chiêm để lại dấu tích trong văn hóa Việt, hay người Mãn Châu chiếm trọn nước Trung Hoa rồi mất luôn nước Mãn vào tay người Hán như hiện nay. Bằng chứng hiển nhiên về dấu tích văn hóa Việt trên nước Tàu, là Tử Cấm Thành có từ đời nhà Minh 600 năm trước, do kiến trúc sư trưởng Nguyễn An, một người Việt, vẽ kiểu và chỉ huy xây cất, với rất nhiều đường nét, hình khối thuộc mỹ thuật Việt Nam, người Tàu không có.

            Về văn tự, chữ Việt cổ hiện còn lưu dấu trên các bia mộ, trống đồng, đồ đồng, và người Việt đang tìm hiểu xem tổ tiên của họ nói gì, y như người Ai Cập ngày nay tìm cách để đọc chữ cổ Ai Cập trong các kim tự tháp.

            Người Hán chiếm được phần lớn đất tổ của người Việt, thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay. Riêng Quảng Tây còn được quyền tự trị cho tới thời Đặng Tiểu Bình. Dân Bách Việt còn tồn tại ở đó khá đông, nhiều bộ tộc nói tiếng Việt lơ lớ, khoảng 30% từ ngữ của họ y như tiếng Việt, nhiều người già còn giữ cổ tục nhuộm răng, ăn trầu và xâm mình; và thậm chí, nhiều làng hãy còn theo mẫu hệ y như thời Hai Bà Trưng.

            Người Hán đã thành công trong việc xóa bỏ chữ Việt, nhưng không tiêu diệt nổi tiếng Việt. Bằng chứng là ngày nay chúng ta vẫn nói tiếng Việt, mặc dù nước Việt đang lâm nguy cơ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới và cái ngôi sao vàng nô lệ trên lá cờ máu có lần đã được nhà nước CSVN tự tay đính lên lá quốc kỳ Trung Cộng thành ngôi sao thứ sáu, trong buổi lễ đón rước viên chức của "thiên triều".

            Trong bất giai đoạn lịch sử nào, người Tàu đều lăm le lấn đất, chiếm biển Việt Nam, không dùng quân đội thì dùng tay sai dâng cống bằng văn bản ngoại giao như công hàm của Phạm Văn Đồng: "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa trên mặt biển."

            Cái "lưỡi bò" của Phạm Văn Đồng và Bộ Chính Trị CSVN đã được Trung Cộng vẽ ra trên biển Đông ngày nay!

            Trước khi Phạm Văn Đồng dâng biển cho Trung Cộng thì Trường Chinh Đặng Xuân Khu lúc còn là tổng thư ký đảng Lao Động, ngụy danh của Tổng Bí Thư đảng CSVN, trong văn thư của Ủy Ban Kháng Chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chính thức lên tiếng hô hào xóa bỏ văn tự Việt:

            "Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào! Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế?

            Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối âu tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc."

            Trường Chinh không nói người Tàu "có công" khai hóa người Việt, nhưng nói người Tàu "có lẽ" là thầy của người Việt:

            "Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?"


            Trở lại từ chuyện "đồng chủng đồng văn" tới công "khai hóa" cho tới việc hô hào bỏ chữ quốc ngữ, dùng chữ của ông "thầy Tàu", hiển nhiên việc vận động để sát nhập nước Việt vào bản đồ Trung Hoa một cách êm ái, thong thả, nhẹ nhàng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ 80 năm nay, và bây giờ có lẽ đang tiến tới giai đoạn dứt điểm.

            Ảnh hưởng của việc vận động thờ thầy Tàu đã ngấm vào "tư duy" từ trí thức tới bình dân, từ già đến trẻ, từ giới cầm quyền tới giới cầm... súng.

            Chưa có thời nào mà một lời yêu nước bị coi ngang với tội "phản động". Chưa có chế độ nào mà việc chống ngoại xâm bị ghép ngang với "phá rối trị an".    

            Đảng và nhà nước CSVN cấm cả việc tuyên dương các anh hùng giữ đảo Hoàng Sa, không phải chỉ vì họ là "ngụy quân", mà chính vì họ dám chống lại "thiên triều".

            Với một đảng cầm quyền như thế, với một nhà nước như thế, liệu nước Việt Nam sẽ tồn tại được bao lâu nữa trên bản đồ thế giới?

            Cuối cùng, nhìn lại lịch sử, trong khi lãnh tụ CSVN nhồi sọ dân chúng về ông "thầy Tàu" như thế, thì nhân sĩ VNCH nói gì?

            Tôi sinh sau đẻ muộn, không có ân oán gì với đệ nhất Cộng Hòa, nhưng tôi cảm thấy mắc nợ TT Ngô Đình Diệm một lời giáo huấn và tiên tri:

           "Nếu Việt Minh thắng trong cuộc đấu tranh này, quốc gia thân yêu của chúng ta sẽ biến mất và nước chúng ta sẽ chỉ được đề cập đến như là một tỉnh phía Nam của Trung Cộng."


            (nhn, những ngày cuối năm con rắn)

No comments:

Post a Comment