Nelson Mandela, không chỉ là người anh hùng dẫn dắt Nam Phi thoát ách chế độ phân biệt chủng tộc và trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của nước này, mà còn là biểu tượng quốc tế cho tinh thần tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha.
Cố tổng thống Nelson Mandela. Ảnh: Camera Press
|
"Đất nước chúng ta đã mất đi một người con vĩ đại", Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma thông báo trên truyền hình sự ra đi của Nelson Mandela ở tuổi 95.
Tại một quốc gia đa chủng tộc như Nam Phi, Mandela là biểu tượng cao nhất cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột giữa đa số người da đen và thiểu số người da trắng cầm quyền.
Những năm tháng đấu tranh
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918, tại một ngôi làng ở Mvezo thuộc tỉnh Transkei, bên bờ Ân Độ Dương. Cha ông là một quan chức bản xứ cao cấp và từng làm cố vấn cho hai vị vua tộc Xhosa.
Năm Mandela 9 tuổi, ông được gửi đến cung điện ở Mqhekezweni theo di nguyện của người cha quá cố. Ông được đào tạo và huấn luyện để trở thành lãnh đạo cho bộ tộc mình.
Năm 21 tuổi, Mandela được nhận học luật tại trường Fort Hare, trường đại học duy nhất dành cho người da đen. Tại đây ông gặp Oliver Tambo, một nhà hoạt động tự do trẻ tuổi, người sau này lãnh đạo phong trào Đại hội dân tộc châu Phi (ANC). Mandela sau đó bị đuổi học vì những hoạt động đấu tranh chính trị của mình.
Năm 1943, Mandela gia nhập ANC, rồi làm quen với những người mang tư tưởng giải phóng sắc tộc, những người theo chủ nghĩa châu Phi. Đây là thời gian quan trọng trong quá trình hình thành hệ tư tưởng chính trị, xã hội của ông. 5 năm sau, chế độ phân biệt chủng tộc được chính thức hợp pháp hóa tại Nam Phi.
Trong suốt những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 thế kỷ trước, Mandela đại diện ANC đứng ra phát động và tổ chức hàng loạt hoạt động đấu tranh phản đối chế độ phân biệt chủng tộc. Lấy cảm hứng từ Mahatma Gandhi, Mandela xác định đường lối đấu tranh bất bạo động.
Năm 1952, Nelson Mandela trở thành chủ tịch phân hội lớn nhất của ANC tại tỉnh Transvaal. Cũng trong năm đó, ông và Tambo thành lập công ty luật của người da đen đầu tiên tại Nam Phi, chuyên tư vấn luật pháp miễn phí hoặc chi phí thấp cho người da đen.
Năm đó, ông lần đầu tiên bị bắt với tội danh tổ chức các hoạt động thách thức chính phủ. Ông không được phép xuất hiện với hai người trở lên tại cùng một thời điểm. Quyết định này của tòa buộc Mandela chuyển vào hoạt động ngầm.
Năm 1956, Mandela và 155 người khác bị kết tội phản quốc. Họ vốn bị bỏ tù, nhưng sau được trả tự do với lý do ân hạn. Năm 1961, bản án trên bị hủy bỏ. Cùng năm, Mandela và những người anh em khác thuộc ANC thành lập một nhóm vũ trang với tên Ngọn giáo Quốc gia, hay là nhóm MK. Nhóm thường xuyên tiến hành các hành động tấn công du kích rải rác. Năm 1962, Mandela bị bắt sau một chuyến đi gây quỹ cho MK. Ông bị kết án tù 5 năm với tội danh kích động và di chuyển bất hợp pháp.
Năm 1963, các lãnh đạo khác của MK cũng bị bắt. Họ cùng Mandela bị kết tội phản quốc và đứng trước bản án tử hình. Tại tòa, Mandela tuyên bố: "Tôi đã dành trọn đời mình đấu tranh cho người dân châu Phi. Tôi chiến đấu chống lại sự thống trị của người da trắng và chiến đấu chống lại sự thống trị của người da đen. Tôi ấp ủ lý tưởng về một xã hội dân chủ và tự do, nơi đó người người sống hòa thuận và bình đẳng. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng mình sống để đạt được. Nhưng nếu cần, tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng ấy".
Đây là bài phát biểu công khai cuối cùng của Mandela cho đến ngày ông ra tù năm 1990.
Thay vì án tử hình, Mandela được đưa đến nhà tù trên đảo Robben để thụ án lao động khổ sai. Năm 1982, ông được chuyển đến nhà tù Pollsmoor trên đất liền, gần thủ đô Cape Town. Những năm sau đó, Tổng thống Nam Phi Botha đề nghị trả tự do cho Mandela, nếu như ông chịu từ bỏ đấu tranh vũ trang. Tuy nhiên, Mandela đã từ chối.
Đảng cầm quyền trong thời gian đó vẫn giữ đàm phán với ANC do Tambo lãnh đạo. Kết quả của các vòng đàm phán là Mandela được trả tự do năm 1990. Đảng cầm quyền vốn hy vọng với việc trả tự do cho Mandela, họ vẫn sẽ giữ được quyền thống trị của người da trắng.
Mandela và vợ Winnie hôm 19/2/1990 tay trong tay, giơ nắm đấm lên cao khi ông được thả khỏi nhà tù Victor ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AP
|
Nhưng với sự kiện Mandela được tự do sau 27 năm bị cầm tù, phong trào chống chế độ phân biệt chủng tộc trở thành xu thế lớn không thể cưỡng lại. Ba năm sau, Nelson Mandela được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Thế giới đã vinh danh ông với giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Chiến thắng của ông chấm dứt cuộc đấu tranh trường kỳ đậm chất anh hùng ca của phong trào Đại hội dân tộc châu Phi và các nhóm giải phóng khác, chống lại giới cầm quyền da trắng. Chế độ chính trị phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ thời kỳ thực dân Anh, còn kéo dài nhiều năm sau đó.
"Khi tôi bước ta khỏi nhà tù, tôi hiểu nhiệm vụ của mình là giải phóng cả người bị áp bức lẫn kẻ áp bức", Mandela viết trong cuốn hồi ký "A Long Walk to Freedom" (tạm dịch: "Con đường dài đến tự do").
"Sự thật là chúng ta vẫn chưa tự do... Chúng ta vẫn chưa đi đến điểm cuối cùng của cuộc hành trình, nhưng chúng ta đã đi những bước đầu tiên trên con đường dài khó khăn. Tự do không phải đơn thuần là chặt đứt xiềng xích, mà là sống để tôn trọng và mở rộng tự do cho người khác".
Nỗ lực hàn gắn mâu thuẫn sắc tộc
Trong lễ nhậm chức tổng thống ngày 10/5/1994, Mandela đứng cạnh ông Frederik Willem de Klerk, vị tổng thống da trắng cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc. Ông Klerk chia sẻ với Mandela giải Nobel Hòa bình một năm trước đó, bởi "hoạt động của họ đã chấm dứt một cách hòa bình chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đặt nền tảng cho một nước Nam Phi dân chủ mới".
"Chúng ta cuối cùng đã đạt được sự giải phóng chính trị. Mảnh đất tuyệt đẹp này sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ phải chứng kiến cảnh người áp bức người nữa. Mặt trời sẽ không bao giờ lặn trước thành tựu quang vinh này", Mandela phát biểu. Năm ấy ông đã 75 tuổi.
Chỉ trước đó vài năm, Nelson Mandela, người tù chính trị nổi tiếng nhất thế kỷ 20, từng bị chính quyền bảo thủ tại Mỹ và Anh dưới thời Ronald Reagan và Margaret Thatcher, coi là kẻ khủng bố.
Sau khi Mandela được trả tự do năm 1990, rất nhiều người dân Nam Phi thuộc các chủng tộc đều gọi ông theo tên trong tiếng tộc Xhosa là Madiba. Và vô số người khác gọi ông là Tata, nghĩa là người cha trong tiếng Bantu.
Nelson Mandela trong lễ nhậm chức tổng thống năm 1994, ở tuổi 75. Ảnh: AFP
|
Nhiệm kỳ tổng thống của Mandela không hề dễ dàng và thuận lợi. Ông phải giải quyết sự bất an và hận thù của cộng đồng thiểu số da trắng mất đi sự độc quyền chính trị, nhưng vẫn còn kiểm soát nền kinh tế, quân đội và bộ máy quan liêu.
Cộng đồng này là hậu duệ của những người định cư Hà Lan và Pháp đến Nam Phi từ thế kỷ 17. Quyền lực của thiểu số người da trắng trong quân đội là mối nguy hiểm thường trực với nền chính trị dân chủ non trẻ những năm đầu nhiệm kỳ tổng thống của Nelson Mandela.
Mandela đưa ra những chính sách quá độ nhằm xoa dịu nhóm người này, như cho phép công chức và binh lính da trắng duy trì chức vụ của mình nếu muốn. Ông cũng tận dụng sức ảnh hưởng của cá nhân mình thuyết phục lãnh tụ da trắng đồng ý giải trừ quân bị, loại bỏ những lời gièm pha.
Dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, Nam Phi từng bước phá bỏ những tàn tích của thành trì nạn phân biệt chủng tộc, từ luật pháp, cơ quan chính phủ và sách giáo khoa. Tòa án Hiến pháp mới được thành lập năm 1995, với quyết định đầu tiên là bãi bỏ án tử hình.
Năm 1996, Quốc hội Nam Phi thông qua bản Hiến pháp mới, với một tuyên ngôn nhân quyền đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mọi người dân nước này. Bản Hiến pháp này thậm chí còn khiến Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hiến định quyền của người đồng tính.
Cũng trong năm đó, Mandela thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải châu Phi do Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu làm chủ tịch danh dự, nhằm kêu gọi sự chân thành và lòng khoan dung của người dân, từ đó phòng tránh mâu thuẫn sắc tộc.
Với toàn bộ sức lực và ý chí, Mandela còn đối diện với thử thách cải thiện cuộc sống nghèo nàn, thiếu giáo dục của hàng triệu người dân Nam Phi da đen, những người đã tin tưởng và kỳ vọng sẽ đổi đời khi bầu ông vào vị trí tổng thống.
Mặc dù rất nhiều chính sách phát triển được đưa ra, ngày nay hàng triệu người da đen Nam Phi vẫn sống trong cảnh nghèo nàn, thiếu điện, thiếu nước. Người da trắng vẫn chiếm địa vị chủ đạo trong nền kinh tế. Với nhiều người da đen, tàn dư của chế độ phân biệt chủng tộc vẫn bám rễ trong lĩnh vực kinh tế. Giấc mơ về một Nam Phi bình đẳng và hòa hợp của Mandela vẫn đang còn dang dở.
Khác với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi có công lập quốc, Mandela không hề tham quyền cố vị. Ông từ bỏ chức vụ tổng thống đầy quyền lực chỉ sau một nhiệm kỳ (1994 - 1999), với mong muốn về một châu Phi mới.
Người ta còn nhớ đến Mandela bởi những nỗ lực của ông trong công cuộc chống nạn dịch HIV/AIDS tại Nam Phi. Sau khi rời chức tổng thống năm 1999, Mandela thông qua quỹ Nelson Mandela, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trước căn bệnh thế kỷ. Năm 2002, ông công khai chỉ trích người kế nhiệm, Tổng thống Thabo Mbeki bởi sự chậm trễ trong việc triển khai cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Nhưng căn bệnh thế kỷ cũng gõ cửa nhà Mandela. Năm 2005, ông tuyến bố Makatho Mandela, người con trai 54 tuổi của mình, chết vì bệnh AIDS. Ông cũng thừa nhận thiếu sót của bản thân khi chưa nhận thức được hết mức độ nghiêm trọng của nạn dịch HIV?AIDS trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Trong một thế giới đầy rẫy chiến tranh, nghèo đói và áp bức, Mandela chiến đấu với lương tâm của mình để khắc phục những điều gây tranh cãi nhất. Trong suốt hành trình đấu tranh đạo đức và chính trị ấy, Mandela luôn giữ vững quyết tâm sắt đá, tinh thần kỷ luật và sự điềm tĩnh. Trên môi ông luôn nở nụ cười đầy sức lôi cuốn, tượng trưng cho sự chiến thắng của tự do và công lý, cho đến tận ngày ông ra đi.
Đức Dương (Theo Washington Post
No comments:
Post a Comment