Duy Thức/Người Việt Cô gái đen đúa, đội nón lá nghiêng nghiêng cố sức đẩy xe đạp chở đằng sau một chiếc giỏ thật to đan bằng sắt. Chiếc cần xé ít ra nặng cỡ trên một tạ. Trong đó đầy ắp các loại khoai xếp riêng từng góc.
Cô cố sức rướn người nhủi tới đằng trước đẩy chiếc xe hàng quá nặng đi. Ðến gần thấy rõ, không phải bé quá mà là một phụ nữ nhỏ thó. Tôi chợt thấy quen quen, bây giờ hè phố nhiều người đi bán dạo, họ thường len lỏi vào trong các hẻm bình dân dễ bán hơn đi ngoài phố toàn cửa hàng hoặc nhà cao cửa rộng đóng cửa kín mít. Rau củ, trái cây, mùa nào thức nấy, ngay cả vài ký thịt, dăm cân cá... cũng theo xe đạp, xe ba bánh, gánh gồng trên vai những người phụ nữ tần tảo đến từng nhà. Vì thế các bà nội trợ nhiều khi không cần đi chợ, chỉ cần đứng trước cửa cũng có thể mua được đủ thứ đủ nấu bữa ăn. Trước đây vài ba năm, có phong trào khoai lang nướng mọc lên khắp hè phố Sài Gòn. Nhiều nhất ở đường Ðiện Biên Phủ, xe đông đảo chạy vù vù một chiều, cách khoảng lại rải rác một hàng bán khoai nướng bay mùi thơm phức. Từ chiều tối, họ nhúm bếp quạt lò dưới những gốc sao, gốc dầu to cạnh đường. Xe đang phóng nhanh, cả xe hơi, xe máy đều dừng lại để mua. Củ khoai trở đều trên bếp, cháy sém vừa tới, cầm tay xuýt xoa nóng hôi hổi. Bây giờ qua phong trào đó qua rồi, ít thấy hàng khoai nướng quạt than vỉa hè ấy nữa. Ăn vặt, người ta cũng không thích khoai nữa, nhất là giới trẻ thích ăn hot dog, donut... kiểu Mỹ hơn là món khoai nướng cũ kỹ. Hàng khoai nướng, cũng giống như bánh tai yến, bánh bao chỉ, vẫn còn rải rác trong thành phố nhưng không được chuộng như lúc mới nổi lên nữa. Riêng khoai luộc vẫn còn nhiều. Ðây là món ăn xuất hiện từ sáng tới trưa. Có thể thấy gánh khoai xếp có ngọn. Khoai lang đỏ, khoai trắng, khoai tím Dương Ngọc, khoai từ... luộc, có khi thêm chuối luộc ở đường Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân... hay trước cổng các trường đại học. Công nhân và nhân viên bán hàng các công ty ưa mua điểm tâm hoặc ăn vặt giữa giờ. Khoai mì luộc ăn rất ngon nhưng luộc nước cốt lại là món ăn khoái khẩu. Món này ít thấy nhưng lại có bán ở Chợ Cũ. Cô gái dường như cũng nhớ lại tôi từng mua khoai của cô ở dốc cầu Thị Nghè. Hôm nay cô chỉ bán khoai lang, khoai môn nhưng tùy mùa thay đổi, có hôm là khoai mì, khoai tây, khoai từ. Nhất là vào mùa lạnh, khoai tây từ miền Bắc đổ vào miền Nam rất nhiều. Khách hàng cẩn thận trước khi mua hỏi kỹ để không mua lầm khoai Trung Quốc nhưng thường thì cũng ít ai phân biệt được nguồn gốc củ khoai. Người bán nói sao biết vậy. Sáng sớm, cô lên chợ đầu mối Tam Bình (Thủ Ðức) mua đầy sọt hàng. Khoai lang Lệ Cần, Tuy Ðức ở Ðắc Nông là giống mới của Nhật hợp đất đai thổ nhưỡng nên rất ngon, trồng xuất cảng không kịp, khoai mì Tây Ninh bở, nhiều bột... Sau một thời gian giá tăng khiến diện tích khoai lang trồng ở Vĩnh Long, Cần Thơ tăng lên đến hàng ngàn ha thì bỗng dưng thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng mua, từ khoai, dừa, ớt, tôm cá, khoáng sản... Mặc dù chiêu thức quen thuộc này thao túng trên vô số mặt hàng nhưng người Việt Nam vẫn dễ dàng mắc bẫy. Tôi hỏi: - Bao nhiêu một ký khoai từ, khoai môn? Cô gái nghiêng người, dựa cả thân mình chống cho chiếc xe đừng đổ. Cô vừa đứng vừa cân khoai. - Mười hai ngàn đồng một ký. - Hôm trước mua có mười ngàn. - Cái gì bây giờ cũng đắt đỏ hết trong khi bán khoai cực nhọc lại không tăng giá nhanh như những thức ăn khác. Mới đây gạo dở mua mỗi ký tám ngàn tăng lên mấy ngàn rồi. Gạo ngon thì trên hai mươi. Từ Tết đến giờ thứ gì cũng tăng giá gấp đôi gấp ba lần. - Kỳ trước cô bảo vào Nam với chồng, sao không ở ngoài ấy làm lụng buôn bán cho gần, lại vào Sài Gòn xa xôi như vậy. - Ở ngoài ấy khó kiếm việc làm. Ở trong Sài Gòn dễ kiếm ăn hơn. Ở quê, ruộng chia chỉ có một hai công đất khô cằn không trồng trọt được gì cả. Nói hai công đất, chớ một công đất ngoài đó không bằng một phần ba công đất trong Nam... Tôi trả tiền, thêm cho cô mấy ngàn rồi hỏi: - Tôi thấy người ta đi bán vé số khá lắm, sao cô chọn bán khoai nặng nề cực nhọc quá vậy? Cô gái quẹt mồ hôi, vẹt mái tóc che phủ ngang trán vừa trả lời: - Vé số bán nhiều lời, mỗi ngày cả trăm ngàn hơn. Còn xe chở giỏ khoai mấy chục ký đã nặng quá, chỉ đẩy chớ không đạp được. Lời chừng năm chục ngàn là mệt lả rồi. Dù sao bán khoai tuy chậm nhưng không quá nhiều người giành khách như bán vé số, có khi bị du đãng ăn hiếp giật vé giựt tiền, hoặc lừa gạt đưa vé số giả đổi tiền trúng mất cả vốn lời đó. Lâu nay, không phải chỉ có cô này đi bán khoai. Bà chủ ở chợ Nhỏ gần nhà chuyên bán trái cây đủ loại, bây giờ cũng mua khoai về bán, nhiều nhất là trong mấy ngày Tết. Ðang mùa khoai nên những người đẩy hàng rong hoặc chỉ bán chuyên một loại khoai hoặc bán chung với các thứ rau quả. Thịt cá tăng giá nên bây giờ người ta ăn nhiều rau củ. Nhớ thời kỳ sau 1975, tôi đi tù. Ở nhà, năm đứa con sống nhờ vào một chiếc chảo khoai chiên rắc đường. Lúc đó người ta toàn ăn khoai. Chỉ nội buổi sáng, khoai lang chiên bao nhiêu là học sinh và người trong phố mua hết bấy nhiêu. Chiên không kịp bán nên mới nuôi bốn đứa con đi học biết chữ. Những buổi cơm độn rau, độn khoai như thế cũng qua ngày, sống lây lất đến cả chục năm cho tới khi tôi về. Cô gái lại cong lưng đẩy chiếc xe khoai đi, tôi nhìn theo bùi ngùi. Chỉ biết cầu mong cho họ mua may bán đắt đừng bị ế. Khoai lang để vài bữa sẽ bị sùng hết, đắng nghét ai mà mua nữa.
Tôi nhớ dưới thôn xóm vắng ngày xưa, thời Pháp thuộc lúc còn nhỏ của tôi, các em bé mũi thò lò trong những chiều sương lạnh ngồi chờ bên bếp lửa lò. Nơi đó bà ngoại hay mẹ ngồi bỏ từng củ khoai lang phơi khô, ủ vào dưới tro than bếp lửa, chờ cho mùi khoai chín khét bốc hơi thơm nức. Lũ trẻ vui vẻ nhảy tưng lên khi mẹ phủi bụi tro trên củ khoai rồi trao cho chúng. Thật hạnh phúc biết bao nhiêu. Ðối với tôi, không có món ăn nào ngon và thơm hơn tình mẫu tử, từ mấy củ khoai lùi trong bếp đó. Bây giờ thời đại máy móc, đời sống quay cuồng trong cảnh sống vật chất duy lý duy vật còn đâu những cảnh ăn khoai lùi tro bếp như thế nữa! |
No comments:
Post a Comment