Monday, February 18, 2013

Vì sao nhiều người mến mộ Dorner?


Triệu Phong/Người Việt

Chuyên viên pháp y hôm Thứ Năm xác định xác chết cháy đen trong đống tro tàn của cabin, nơi cựu cảnh sát viên Christopher Dorner, thuộc Sở Cảnh Sát Los Angeles (LAPD), từng cố thủ, là của chính đương sự. Cảnh sát còn cho biết chính đương sự tự tử bằng một phát súng vào đầu, kết thúc cuộc săn lùng Christopher Dorner kéo dài sáu ngày.
Một xe buýt chở học sinh về nhà hôm 13 Tháng Hai, sau khi các em bị khóa kỹ trong trường ở Angelus Oaks, thuộc San Bernadino National Forest, vì cảnh sát săn lùng Christopher Dorner. (Hình minh họa: AP/Reed Saxon)
  Vụ án Christopher Dorner, chuyện từng ngày

Sự kiện bắt đầu vào ngày Chủ Nhật, 3 Tháng Hai, khi cảnh sát phát giác thi thể của cặp vợ chồng sắp cưới bị bắn chết trong xe của họ nằm bên trong nhà đậu xe ở Irvine, California. Sau khi điều tra, cảnh sát được biết phụ nữ nạn nhân là Monica Quan, phụ tá huấn luyện đội bóng rổ trường Ðại Học Cal State Fullerton, và là con gái của một cựu đại úy LAPD, người từng đại diện Christopher Dorner trong việc cựu cảnh sát viên này bị sa thải. Nạn nhân kia là Keith Lawrence, hôn phu của cô Quan.
Hôm sau, người ta tìm thấy một số đồ dùng thuộc cảnh sát của Dorner trong một thùng rác lớn ở khu ngoại ô San Diego, từ đó họ kết luận Dorner có liên quan tới vụ sát nhân ở Irvine.
Thứ Tư, 6 Tháng Hai, cảnh sát loan báo khám phá bản tuyên bố của Dorner đăng trên Internet. Vào 10 giờ 30 sáng cùng ngày, một người có nhân dáng mô tả giống như Dorner tìm cách đánh cắp một chiếc thuyền tại một bến tàu ở San Diego, nhưng không thành. Một ông cụ 81 tuổi ở trên thuyền bị trói, nhưng không bị hại.
Lúc 1 giờ 30 sáng Thứ Năm, cảnh sát LAPD bảo vệ an ninh cho một người có tên trong danh sách Dorner muốn tiêu diệt, truy đuổi một chiếc xe họ tin chắc là của Dorner. Một cuộc chạm súng diễn ra, một cảnh sát bị thương nhẹ vì đạn đi sướt qua đầu. Hung thủ tẩu thoát. Sau đó không lâu, một tay súng mà người ta tin chính là Dorner phục kích hai cảnh sát viên Riverside trong khi họ đang đi tuần tiễu. Một chết, một bị thương nặng cần được giải phẫu. Lúc 8 giờ 35 sáng, cảnh sát tìm thấy một chiếc pickup truck bị đốt cháy rụi ở gần khu vực trượt tuyết Big Bear ở vùng núi San Bernardino. Sáu giờ sau cảnh sát nhận ra đó là xe của Dorner. Lúc 9 giờ 40 sáng, căn cứ hải quân Point Loma ở San Diego bị phong tỏa sau khi một nhân viên hải quân báo cáo trông thấy có người giống hệt Dorner. Giới chức quân sự xác nhận Dorner có đặt thuê phòng ở một khách sạn trong căn cứ trước đó, từ hôm Thứ Ba, nhưng đã trả phòng vào ngày hôm sau. Lúc 4 giờ chiều, nhân viên công lực ở Las Vegas lục soát một căn nhà của Dorner và lấy đi nhiều thùng tang vật nhưng không cho biết là những gì.
Thứ Sáu, 8 Tháng Hai, hàng chục người tham dự một cuộc săn lùng Dorner trong khu vực vùng núi San Bernardino đầy tuyết giá, sau khi bị mất dấu của Dorner từ chỗ chiếc xe truck bị đốt cháy mà họ tìm thấy trước đó. Cảnh sát đến xét nhà mẹ của Dorner ở La Palma, tịch thu 10 bao đựng tang vật, kể cả năm dụng cụ điện tử. Ðồng thời cảnh sát cũng lục soát một kho chứa đồ cho thuê ở Buena Park.
Hôm Thứ Bảy, trực thăng trang bị kỹ thuật tìm hơi nóng bắt đầu rà khắp khu núi non gần Big Bear. Giới chức thẩm quyền đồng thời cũng cho biết tìm thấy nhiều vũ khí và đồ để cắm trại bên trong chiếc xe bị đốt cháy của Dorner.
Sang ngày Chủ Nhật, 10 Tháng Hai, thành phố Los Angeles treo giải $1 triệu tiền thưởng cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được Dorner.
Hôm sau, Biện Lý Cuộc Riverside County truy tố Dorner tội hạ sát một nhân viên công lực, cùng ba tội danh mưu toan sát nhân ba cảnh sát viên khác. Trong vụ này, nếu xét thấy có tội, Dorner, nghi can có thể bị lãnh án tử hình. Từ khi treo giải thưởng nhân viên công lực nhận được hơn 700 cú điện thoại gọi báo cáo.
Ngày Thứ Ba, 12 Tháng Hai, nhân viên kiểm lâm loan tin trông thấy Dorner lái một chiếc Nissan màu đỏ tía, bám đuôi hai chiếc xe buýt chở học sinh. Cuộc rượt đuổi diễn ra và hai bên bắn nhau, xe của một nhân viên kiểm lâm bị trúng nhiều đạn. Xe của Dorner bị tai nạn, Dorner bỏ chạy rồi cướp một chiếc pickup truck khác. Sau đó Dorner trốn vào một cabin gần đó. Một cuộc chạm súng diễn ra với nhân viên công lực, hai cảnh sát viên trúng đạn, một chết trên đường đến bệnh viện và một bị thương nặng. Cảnh sát bắn lựu đạn cay vào trong cabin, lửa bùng lên và căn chòi bốc cháy trong suốt nhiều giờ. Khuya hôm đó cảnh sát báo cáo tìm thấy thi thể của một người bị cháy đen nằm lẫn trong đống tro tàn. Giới chức thẩm quyền nói phải chờ nhiều ngày mới xác định được đó có phải là thi thể của Dorner không.

Nhiều người lên Internet ca ngợi Dorner như người hùng

Ðời sống và cái chết của cựu nhân viên LAPD, người tuyên chiến chống lại cảnh sát tham nhũng, thu hút được cảm tình của nhiều giới hâm mộ trên mạng truyền thông xã hội, xem Christopher Dorner như là một người hùng một mình đấu tranh cho công lý, mặc dù anh bị cáo buộc có liên quan đến bốn vụ sát nhân.
Các cảm tình viên thu hút được hơn 18,300 ủng hộ viên trên trang mạng xã hội Facebook lấy tên “We Stand with Christopher Dorner,” đồng thời đăng tải bản tuyên bố của Dorner, tố cáo cảnh sát tham nhũng.
Một trang Facebook khác tên “We Are All Chris Dorner,” có được hơn 3,800 người ái mộ và hơn 6,600 người bàn tán về trang này, cho rằng Dorner là “nạn nhân của cuộc săn người cũng như của một chiến dịch bôi nhọ. Dorner bị đuổi khỏi LAPD cách đây 5 năm, khi tìm cách tố cáo tình trạng thối nát trong nội bộ cơ quan.”
Một ủng hộ viên viết: “Anh giết cớm HƯ HỎNG, cớm giết người VÔ TỘI!”
Một người khác viết: “Thật xấu hổ vì người dân như chúng ta chẳng làm được gì để có thể giúp Dorner chống lại những thế lực này.”
Một người phát biểu qua Twitter: “Rõ ràng hành động thiêu sống một người nay được xem là hành vi thích hợp đối với cảnh sát.”
Ðộc giả trên CNN.com đưa ra giả thuyết rằng cảnh sát quyết tìm mọi cách để Dorner phải chết hầu làm im tiếng mọi sự. Một độc giả tự xưng là silla1 viết: “Ðúng như Dorner đã nói, anh lỡ bước qua 'blue line' rồi nên họ phải thiêu anh chết.”
Một cư dân mạng tên Phrenchy phát biểu: “Kẻ thế cô bị dồn vào chân tường rồi bị giết để bịt miệng. Thiết nghĩ chúng ta cần nên có súng ở nhà mỗi khi cảnh sát LAPD đến gần.”
“Còn gì tốt hơn cho LAPD vì hiển nhiên là họ đâu có muốn Dorner còn sống để ra cung khai trước tòa. Nếu Dorner bị bắt sống chắc chắn sẽ không ít cái đầu bị rụng,” theo lời của một người lấy tên WeDontMatter.

Dân Mỹ có truyền thống xem hành động “outlaw” là anh hùng

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong lịch sử cũng như trong nghệ thuật, quần chúng thường sát cánh với người dám đứng lên với một thông điệp chính trị phản ảnh tâm lý của họ.
Ông Marc Lamont Hill, giáo sư khoa Anh Ngữ ở Columbia University, nói: “Dưới mắt của nhiều người, ông ấy là một siêu anh hùng của đời thường. Chớ hiểu lầm tôi, việc làm của ông ấy kinh hoàng quá. Nói gì thì nói mọi hành vi sát hại người vô tội đều là không tốt.”
Ông tiếp: “Nhưng đọc xong bản tuyên bố ông ấy để lại, mới thấy được rõ ràng ông ấy đâu có hoàn toàn điên rồ. Ông ấy hành động có kế hoạch với cả một sứ mệnh. Nhiều người không xem đó là hành vi nhằm giết người vô tội, mà là hành động của người bị oan ức muốn phục hận chống lại cả một hệ thống.”
“Thật không khác gì chúng ta đang xem phim 'Django Unchained' thực ở ngay ngoài đời,” ông nói thêm.
Ông Jack Moore, người dẫn chương trình đài BuzzFeed Radio, nói việc đưa Dorner lên thành người hùng của quần chúng là tiếng nói phá đổ thần tượng cũ của truyền thông xã hội. Ông Moore tiếp: “Trên hệ thống truyền thông xã hội có nhiều người lên tiếng bênh vực những người gây hành động bất lương. Ở đó có người ái mộ James Holmes, người từng tàn sát 12 nạn nhân vô tội và gây thương tích cho 58 người khác trong một rạp chiếu phim ở Colorado hồi Tháng Bảy vừa qua.”
Ông nói: “Truyền thông xã hội có những lúc tỏ ra khá kỳ quặc, trong đó Chris Dorner được ví như trong cuốn phim do Denzel Washington đóng, nhân vật trong phim chịu cảnh oan ức, tự đứng lên quật khởi nhưng cuối cùng bị hạ trong ngọn lửa vinh quang.”
Phim ảnh thường khai thác hình ảnh của một người cô thế phẫn nộ vùng lên chống lại sự bất công, có khi dựa theo nhân vật có thật trong lịch sử như Bonnie and Clyde, Butch Cassidy và Sundance the Kid, kể cả Frank và Jesse James, theo nhận xét của Elayne Rapping, giáo sư hồi hưu của trường đại học University of New York ở Buffalo. Bà Rappling tiếp, trong sử xanh hay trong tiểu thuyết, các nhân vật đều được tô vẽ như là một Robin Hoods của thời đại, vốn là nạn nhân của sự áp bức. “Nói chung dân Mỹ luôn luôn say mê với những người sống ngoài vòng pháp luật. Quý vị nghiêng về người thế cô từ tâm tính nổi loạn tiềm ẩn của mình.”

Cách làm việc bừa bãi của LAPD

Tính đến hôm Thứ Tư, có khoảng 4,000 dân mạng Twitter dùng hashtag “#TeamDorner” đưa ra lời ủng hộ người cựu cảnh sát này. Ðồng thời gần 1,900 tham gia trang Twitter @WeRChrisDorner, có link với một trang Facebook khác cùng tên. Một số tố cáo rằng trong cuộc săn người kéo dài cả tuần lễ ở Nam California, cảnh sát đã bắn lầm vào người dân vô tội. Cảnh sát Los Angeles bắn lầm, gây thương tích cho hai phụ nữ đi giao báo ở Torrance chỉ vì những thường dân này lái một chiếc pickup truck màu xanh, trông giống chiếc xe của Dorner. Cuối cùng những nhân viên cảnh sát này được nghỉ phép có ăn lương. Vào cùng ngày, cảnh sát LAPD cũng dính líu đến vụ bắn vào một chiếc pickup màu xanh khác, nhưng may mắn không có thương vong nào.
Bà Karen North, chuyên gia về truyền thông xã hội và cũng là chuyên gia tâm lý của đại học University of Southern California, nhận xét: “Theo nhãn quan của người dân thường, hai chiếc xe chở toàn người dân vô tội bị cảnh sát nổ súng bắn. Ðó đâu phải là thủ tục làm việc thông thường của cảnh sát, thay vì vậy, hành động đó trông chẳng khác gì luật hè phố.”
Bà nói thêm: “Rõ ràng là điều này chẳng giúp được gì thêm cho một cơ quan cảnh sát vốn có nhiều thành tích thô bạo. Họ hành động một cách bừa bãi mà người dân khi nhìn thấy trên TV đã hết ý kiến, không còn gì để có thể nói nữa.”
Trong một chương trình hội luận truyền thanh trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu ở Los Angeles, một số cư dân “lên tiếng đề cao và ca ngợi Dorner,” theo lời bà Connie Rice, một luật sư về dân quyền. Bà Rice từng đại diện cho hơn 100 cảnh sát viên thuộc sắc tộc thiểu số đứng đơn kiện LAPD về tội kỳ thị chủng tộc, một kinh nghiệm mà bà mô tả như là “một trận cận chiến.”
Bà Rice nói rằng LAPD có một “văn hóa thù nghịch sắc tộc,” chứng cớ thu được trên video về vụ cảnh sát đánh đập tàn nhẫn Rodney King vào năm 1991, mà sau đó đưa đến cuộc nổi loạn trên nhiều đường phố. Bà Rice nói: “Quan hệ của LAPD với cộng đồng người da đen chỉ có thể mô tả như là trong tình trạng chiến tranh. Ngoài Mississippi ra, tôi chưa từng thấy ở đâu có tình trạng như vậy.”
Bà Rice cho biết, nhờ có thay đổi mà nay bà có được một chỗ đậu xe nằm ngay văn phòng ở sở cảnh sát. Bà trưng dẫn cho thấy Cảnh Sát Trưởng Charlie Beck thay đổi thái độ như thế nào khi bằng lòng mở lại hồ sơ điều tra khiến Dorner bị đuổi việc vào năm 2008. Trong bản tuyên bố của mình, Dorner nói anh mất việc sau khi lên tiếng tố cáo một đồng sự đã sử dụng vũ lực quá đáng hồi Tháng Bảy, 2007. Dorner gia nhập lực lượng cảnh sát hai năm trước đó.
Tuy nhiên, bà Rice nói, hãy bỏ việc LAPD kỳ thị qua một bên, hành động bạo động của Dorner cũng là việc làm không thể tha thứ được. Bà cũng công nhận Los Angeles cũng là nơi phát sinh nhiều điều xấu xa. Bà Rice nói tiếp: “Cộng đồng của Martin Luther King Jr. không bao giờ chấp nhận hành vi bạo hành như vậy.”

No comments:

Post a Comment