Tuesday, December 15, 2020

Báo Người Việt 43 năm

Đang ngồi làm việc (tại nhà) thì thấy người bạn post lên Facebook bài báo “Nhật Báo Người Việt qua 43 Năm.” Mới đó mà tôi đã rời “Người Việt” gần 4 năm rồi. Đây là nơi tôi làm việc lâu nhất kể từ khi sang Mỹ; tổng cộng cũng khoảng 13 năm. Nói “tổng cộng” là vì có một khoảng ngắt ở giữa, khi tôi sang làm việc cho đài Á Châu Tự Do, từ 2007 đến 2009.
Người post bài lên Facebook sau đó lại comment: “Viết stt về Người Việt đi, ham viết về phim diễm tình không vậy.” Ừ, thì viết. (Mà nói cho rõ, nhé: Tớ chỉ điểm phim một lần, về cờ vua, chứ không phải diễm tình. Hẹn thứ “lăm” nói chuyện phải quấy.)
Tôi vào Người Việt lúc đầu là làm một việc khác, không dính gì đến báo chí. Nhưng cái khu vực mà tôi thích lãng vãng nhất là khu vực của ban biên tập. Trong này toàn “những người nổi tiếng”, và đặc biệt là có rất nhiều người mà tôi nghe tên từ nhỏ, qua ba tôi và bác tôi, bác Phạm Phú Minh.
Lúc đó, khoảng 2002, nhiều phóng viên của Người Việt, nhất là các “cụ”, vẫn chưa biết dùng computer. Họ viết bản tin bằng tay, viết ra giấy, rồi có người đánh máy lại. Tôi vẫn nhớ như in, và rất thích, hình ảnh ấy. Lúc đó tôi vẫn còn tin rằng, muốn viết hay phải viết… bằng tay! Công việc của tôi lúc đó tại tờ báo là tham gia vào nhóm kỹ thuật, dưới sự hướng dẫn của anh Phan Huy Quang, để “vi tính hóa” công việc của tờ báo. Anh Quang rất giỏi IT. Một người bạn của tôi nói “level” của anh ấy gần như ở mức “khoa học gia.” Anh làm cho một công ty lớn, và đến Người Việt để giúp thực hiện chiến lược computerizing công ty Người Việt theo yêu cầu của chú Phan Huy Đạt, anh trai của anh Quang.
Nói đến chiến lược của một công ty, không thể không nhắc đến người đứng đầu công ty ấy: nhà báo Đỗ Ngọc Yến. Chữ “đứng đầu” tôi dùng ở đây không nhất thiết phải là người quản trị công ty ở cấp cao nhất, mà theo nghĩa là linh hồn của tập thể.
Tôi trở thành người của ban biên tập cũng là từ ông Đỗ Ngọc Yến và con gái ông, Đỗ Bảo Anh, lúc đó đang viết cho tờ Orange County Register, và nay đang viết cho The Los Angeles Times.
Không nhớ vì duyên cớ gì, tôi hay đi cùng Bảo Anh đến những sự kiện báo chí, cho dù lúc đó tôi là người kỹ thuật. Một hôm, gần tối, Bảo Anh rủ tôi đến nơi vừa xảy ra một sự kiện rất gây chú ý trong cộng đồng: Cảnh sát di trú vừa bắt ông Bùi Đình Thi, một người đến Mỹ theo diện H.O., lý do bắt là vì ông bị cáo buộc đã tham gia đánh chết bạn tù trong lúc ở tù tại Việt Nam. Khi chúng tôi đến, ông Thi đã bị bắt đi, chỉ còn lại bà Thi, đang khóc và trong tình trạng hoảng hốt. Tôi quan sát, rồi tôi hỏi chuyện bà. Tôi dùng chữ “hỏi chuyện” chứ không phải “phỏng vấn”. Lúc ấy tôi có biết viết báo là thế nào đâu. Tôi chỉ “hỏi chuyện.” Sau đó tôi và Bảo Anh ra về. Tự nhiên tôi nghĩ, tôi nên viết câu chuyện này lại. Thế là tôi ngồi vào máy, viết liền một mạch khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau tôi đưa bài viết cho Ban Biên Tập. Không nhớ rõ tôi đã đưa nó cho ai và bằng cách nào. Ban Biên Tập của một tờ báo, theo tôi, là nơi “hách” nhất trong một công ty báo chí, trong khi tôi là một “thằng kỹ thuật.” Đưa xong, tôi đi làm chuyện của tôi. Tôi làm việc ở khu vực bên ngoài, cách ban biên tập một cái vách cao khoảng thước rưỡi. Tôi nghe rõ mồn một cái giọng ồm ồm của nhà văn Hoàng Khởi Phong, nói trống không: “Địt mẹ, nó viết thế này thì mấy thằng nhà văn quẳng bút đi là vừa.” Tôi cũng không biết “nó” là ai, cho đến sáng hôm sau, khi báo in ra. Bài của tôi được đăng nơi trang nhất tờ báo, mà chúng tôi hay gọi là “trang A1”, ở vị trí thấp một chút bên tay phải. Bài báo có tựa đề: “Bà Bùi Đình Thi, một tâm hồn đau đớn bình thản.” Có nhiều người sau đó hỏi tôi tại sao đặt cái tựa như vậy. Tôi không biết trả lời tại sao, nhưng tôi “cảm” rằng, đó chính là tâm trạng của bà Thi khi tôi nói chuyện với bà đêm qua. Bài báo này thay đổi công việc của tôi tại Người Việt. Ông Đỗ Ngọc Yến đến bàn làm việc của tôi, cười nhẹ nhàng: “Nên mua cho Giao một nhánh hoa hồng cho bài viết này.” Sau đó, cứ rảnh thì tôi lại viết bài cho Ban Biên Tập. Bài nào cũng được đăng. Đến một ngày, ông Đỗ Ngọc Yến hỏi: “Giao có thích vào hẳn ban biên tập không?” Tôi trả lời ngay, không suy nghĩ: “Dạ, thích.” Vài ngày sau ông lại nói: “Giao suy nghĩ cho kỹ. Ở đây có ban “sale”, có ban Kỹ Thuật. Giao làm cho ban nào cũng được. Còn vào biên tập thì… ít tiền lắm.” Hôm sau, tôi trở thành phóng viên của tờ báo, trở thành đồng nghiệp của các bạn vào trước, rất giỏi và rất “thính” đề tài, như Vũ Quí Hạo Nhiên (lúc đó đang là sếp bự), Đỗ Tài Thắng. Còn các “cụ” thì khỏi nói: Vũ Ánh, Lê Thụy, Hoàng Khởi Phong, Hà Tường Cát, Nguyên Huy, Nguyễn Tuyển, họa sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp… và nhiều nữa.
Sau này, tôi vẫn hay nghĩ về câu nói của ông Đỗ Ngọc Yến về vụ “cho Giao một nhánh hoa hồng.” Nội dung bài viết về bà Bùi Đình Thi lúc ấy có hai luồng ý kiến trong cộng đồng. Có người cho là nội dung bày tỏ thông cảm cho ông Bùi Đình Thi. Ý kiến này, khi từ miệng của người cực đoan, thì đồng nghĩa là… Cộng Sản. Người khác thì nói nên cảm thương cho hoàn cảnh của người vợ. Bối cảnh cộng đồng lúc ấy, và với việc Người Việt hay bị biểu tình, việc người sáng lập tờ báo khen nội dung bài báo cho tôi một cảm nhận khác lạ. Về sau, làm việc lâu hơn, nói chuyện nhiều với các nhân vật “vòng trong” của báo Người Việt, tôi mới hiểu ra.
Như đã nói, công ty Người Việt lúc đó có chiến lược là mọi công việc phải được thực hiện trên computer. Nhiều ngày liên tiếp, báo in ra bị lỗi về font chữ. Độc giả phàn nàn nhiều. Nhưng khó chịu nhất là sự phàn nàn ngay trong nội bộ, từ những người đã quá quen với quán tính cũ, không muốn thay đổi. Có người từng nói, muốn thay đổi lề thói cũ, bạn cần có năng lượng của một trái bom nguyên tử. Ví von này không sai. Những người không muốn thay đổi vịn vào lỗi in trên báo để phàn nàn. Ông Yến nghe nhiều lần, im lặng không nói gì. Cho đến một hôm, lại có người phàn nàn, ông Yến đập bàn cái rầm. Tôi đứng ngay đó, thấy cái đập bàn ấy, và cảm thông vô hạn. Nếu bạn đập bàn bằng cách dơ tay lên thật cao, đập rầm xuống, thì đó là cái đập bàn của người trịch thượng. Ông Yến thì khác, khum bàn tay cao hơn mặt bàn chừng 2 tấc, đập bằng các khớp ngón tay, xuống mặt bàn. Theo cách tôi nhìn, ông biết lỗi in trên vài chục ngàn số báo trong nhiều ngày liên tiếp là điều khó chấp nhận. Mà ông là “linh hồn” của tờ báo. Ông có “lỗi” trong đó. Sau cái đập bàn, ông nói rất dứt khoát với người kia: “Muốn làm điều mới thì phải chấp nhận lỗi. Còn nếu không làm thì không bao giờ khá. Hãy để yên cho họ [nhóm kỹ thuật] làm việc.” Sau đó thì mọi chuyện đâu vào đó. Người Việt đã “vi tính hóa” ở mức độ rất cao vào thời điểm này (nói như thế thì không thể không nhắc đến “chiến lược gia” của công trình này: Phan Huy Đạt).
Hay một chuyện khác. Có một tờ báo nọ, viết về một cô gái đoạt giải hoa hậu trong cuộc thi hoa hậu địa phương tại California. Thi hoa hậu thì chắc hẳn không phải là mối quan tâm của người sáng lập tờ báo. Tin hoa hậu sẽ nằm ở trang “Địa Phương” trong tờ báo. Với ông Yến thì khác. Sáng đó, ông đến bàn tôi, tay cầm tờ báo viết về người đoạt giải hoa hậu. Ông rất khó chịu: “Giao nhìn xem, con bé nó vừa tới tuổi trưởng thành, chuẩn bị bước vào đời, mà họ viết thế này thì họ giết nó còn gì. Giao xem rồi viết lại một bài trên Người Việt.” Chuyện là thế này: Cô bé đoạt giải hoa hậu ấy [đẹp lắm], đang là sinh viên y khoa năm thứ nhất ở một đại học rất nổi tiếng. Tờ báo “kia” nói rằng cô gian dối, vì chưa hoàn tất college. Mà thật ra thì đó chỉ là một lớp rất phụ mà cô ấy đang hoàn tất, cho xong. Nhưng tờ báo kia thì “nâng quan điểm” (chữ tôi học từ các cụ trong Người Việt) thành chuyện lớn. Tôi liên lạc với cô, viết một bài đăng trên Người Việt. Giờ này thì chắc cô bé đã lớn, đã có chồng, và đang làm bác sĩ tại một bệnh viện nào đó trên nước Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Yến là một khối vững chắc, nhưng rất uyển chuyển, linh hoạt, viễn kiến trên nhiều mặt vĩ mô. Nhưng ông cũng không bỏ sót những tiểu tiết vụn vặt.
Khi ông bệnh nặng, nằm trong bệnh viện, tôi và bạn Đỗ Tài Thắng vào thăm. Ông nói: “Các bạn nên có thêm tin trên trang sức khỏe. Cộng đồng mình ít hiểu biết về sức khỏe, lo toan cuộc sống nhiều quá, nên cần có thêm kiến thức thường thức về y tế.” Dặn dò này không làm tôi ngạc nhiên. Khi ông lập nên tờ báo Người Việt năm 1978, ông mong tờ báo là “cầu nói cho cộng đồng bước vào cuộc sống mới” bởi những dịch vụ căn bản của chính phủ. Đây là điều thiết yếu, vì cộng đồng lúc đó còn rất yếu về Anh ngữ.
Lúc này thì tôi đã bắt đầu quen với một người nữa. Người mà càng chơi với anh, tôi càng thích: Đinh Quang Anh Thái. Lúc ấy, anh Thái đã rời đài Á Châu Tự Do (RFA), về làm cho đài Little Saigon Radio của chị Mai Khanh. Gặp anh lần đầu, tôi gọi là “chú”, vì anh chơi với bác tôi. Anh nói ngay: “Hay là Giao gọi tôi là anh đi.”
Một chiều cuối năm 2007, tôi, anh Thái và người bạn Vũ Đình Trọng (làm ở Người Việt, sau sang với Việt Herald, rồi sang báo Sống, và nay thì đang ở… Người Việt) đi nhậu. Quán Bình Dân trên đường Bushard nhậu rất thích. Món ăn ngon, toàn giả cầy, nhựa mận, dê, giá bình dân theo đúng tên gọi… Anh Thái thích ăn ở đây nhưng không bao giờ chịu đi một mình (ai thắc mắc thì hỏi anh ấy). Tôi và anh Thái ra ngoài hút thuốc. Tự nhiên anh nói: “Giao còn trẻ, nên đi đây đi đó. Tôi nghĩ Giao nên sang đài Á Châu Tự Do.” Lúc đó, tuổi nghề còn quá non, có biết Á Châu Tự Do là gì đâu. Anh Thái giải thích cặn kẽ, xong, nói: “Tôi sẽ là reference.” (Anh Thái làm reference kiểu này cũng vài lần nữa, nhưng không phải lúc nào cũng vớ được con cá rán như tôi). Tháng 12, 2007, tôi đầu quân sang RFA.
Chính ở RFA, tôi trở nên thân với “chú Khanh.” Để chú Khanh trong ngoặt chứ không dễ bị hiểu lầm. Chú Nguyễn Văn Khanh và anh Thái lệch nhau 1, 2 tuổi. Chú Khanh cũng quen bác tôi nên tôi gọi “chú”. Không thấy chú phàn nàn. Thế là “chú cháu”, cho đến nay. (Hồi tôi mới qua Mỹ, ở Philadelphia, tôi hay đến quán phở 75 để… uống cà phê. Lúc đó báo Người Việt gởi báo hàng tuần sang cho tôi đọc. Anh chủ quán phở 75 nói: “Ông thích báo chí, ông phải gặp Nguyễn Văn Khanh ở D.C. Tay tổ đó.”)
Đến 2009, khi đang ở văn phòng RFA tại Bangkok, tôi nhận được email chú Khanh. Đại khái nội dung: “Giao à, cả thế giới này biết bạn sắp rời RFA về lại Người Việt. Thế nhưng tôi và bác Diễm không biết gì cả. Chuyện là thế nào?” “Bác Diễm” tức ông Nguyễn Minh Diễm, lúc đó là Giám Đốc Ban Việt Ngữ RFA, người mà tôi vô cùng yêu quí và kính trọng. Tôi viết email trả lời chú Khanh, nói thật là tôi “đang” quyết định sẽ trở lại Người Việt. Chú Khanh email lại ngay, rằng cho dầu đã đoán trước như thế, nhưng chú vẫn “té ghế” (sic) khi nhận thư của tôi. Chú tiếc vì chú và bác Diễm đã chuẩn bị cho tôi một position tại RFA Tiếng Việt. Trưa đó, tôi rời văn phòng RFA Bangkok, đi ăn cơm bụi. Có một ông chẳng biết gốc gác nước nào, sà vào bàn tôi, hỏi bằng tiếng Anh: “Coi bói không?”. Tôi cười, rút cho ông ít tiền rồi nói không cần. Ông bỏ tiền vào túi, nói vội trước khi rời đi: “Chuẩn bị đổi công việc đấy nhé.”
Tuần lễ cuối cùng tại Bangkok, bác Minh tôi bay sang chơi một tuần. Hai bác cháu nói chuyện nhiều. Bác tôi nói: “RFA là một định chế lớn. Không có con thì sẽ có người khác. Còn Người Việt là phên dậu về mặt truyền thông của cộng đồng tại Little Saigon. Họ cần con hơn.” Thế là đặt dấu chấm hết trên sự lưỡng lự. Ba tôi, lúc ấy còn khỏe, bay từ Sài Gòn qua thăm tôi. Hai cha con gặp nhau lần đầu sau mười mấy năm. Tôi nói với ba là tôi sẽ về lại báo Người Việt. Ba hỏi về làm công việc gì. Tôi nói “chủ bút.” Ba tôi nói gọn lỏn: “Thế bỗng dưng đi làm chính trị à.” Tôi chưng hửng. Nhưng càng về sau tôi càng hiểu câu nói ấy.
Tôi về lại Người Việt vào tháng Chín, 2009. Tôi gặp lại các bạn cũ của tôi, cũng quay trở về, thân nhất là Đỗ Tài Thắng và Đỗ Dzũng, là người do tôi mời về Người Việt trước đó. Có một chút trục trặc lịch sử với Đỗ Dzũng và tờ báo khác, nhưng không quan trọng. Quan trọng là Người Việt lại có anh này, một người “ba đầu sáu tay”, làm việc liên tục nhưng buổi trưa hay “take a nap” ngay tại bàn, chỉ vài phút là tỉnh.
Khi về Người Việt, tôi có đưa ra một “điều kiện”: Là phải mời Vũ Quí Hạo Nhiên về lại. Đây là một “điều kiện” mà cả phía ra điều kiện và phía nhận điều kiện đều biết là không cần. Vì ai cũng nhìn về hướng ấy. Trước đây, Hạo Nhiên là sếp tôi ở Người Việt. Tôi rời Người Việt 2007. Sang 2008 thì vụ “chậu rửa chân” xảy ra. Hạo Nhiên phải rời Người Việt. Nay anh ấy quay lại, làm phụ tá cho tôi.
Rồi tôi làm được một việc rất hay khác: Mời được Hà Giang về với Người Việt.
Tập thể biên tập như một guồng máy mạnh mẽ đi tới. Ông Nguyễn Minh Diễm từ Virginia qua California chơi. Ông ghé Người Việt. Về sau, ông nói: “Thật ra, khi tớ ngồi ở phòng làm việc của cậu, tớ thấy cái không khí tòa soạn, tớ biết cậu đã thành công.”
Cho đến một hôm…
Cho đến một hôm, sáng Chủ Nhật, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại anh Đinh Quang Anh Thái: “Chuyện không hay rồi Giao ơi.”
Hai bức thư độc giả với nội dung “không phù hợp” xuất hiện trên báo Người Việt. Người chọn đăng là… Vũ Quí Hạo Nhiên.
Lịch sử lặp lại. Hạo Nhiên lại phải ra đi. Tôi là người mang quyết định của Người Việt đến cho Hạo Nhiên khi chúng tôi gặp nhau tại quán Denny’s trên đường Brookhurst. Khuya. Tôi hỏi: “Anh có đoán được chuyện gì không?” Hạo Nhiên: “Mới đi coi phim ra. Thấy mấy cái missed calls. Đoán được.” Sau khi Hạo Nhiên xem xong quyết định của Người Việt, tôi hỏi: “Anh có nghĩ gì không?” Hạo Nhiên: “Tôi đoán trước quyết định này. Tôi chỉ áy náy với ông thôi. Ngày ông trở lại Người Việt, tôi hứa là tôi sẽ giúp ông. Mà tôi không làm được.”
Hạo Nhiên là chồng của Ysa, tức là con rể của nhà báo Lê Đình Điểu. Tôi gặp Hạo Nhiên vài lần trước đó, và trở nên thân khi làm việc cùng anh ở Người Việt. Có lần, tôi nói với anh: “Biết sao không, bà giáo sư của tui bả bỏ job ở Wall Street, về đi dạy học, lương còn có một nửa.” Hạo Nhiên nhìn tôi: “Tui thì bỏ công việc luật sư về làm báo lương còn 1 phần mười.” Nói xong, cái cằm hích hích, cười. Tôi và Hạo Nhiên thân như anh em.
Những ngày đầu trở lại Người Việt, có một nhà báo viết rất hay, quyết định thôi việc. Là Hoàng Mai Đạt. Tôi và Hạo Nhiên đến nhà anh Đạt, thuyết phục anh ở lại. Tôi nhớ Hạo Nhiên nói câu này: “Người Việt là một công ty đáng để anh ở lại. Hãy nhìn quanh đây, “nhóm Người Việt” là nhóm tử tế nhất [most decent].”
Cũng trong những ngày tháng đầu trong vai trò Chủ Bút, anh Đinh Quang Anh Thái giúp tôi một công việc chưa từng có, và khó có ai làm tốt hơn anh Thái: Mang tôi đi giới thiệu với các tổ chức, hội, đoàn, cá nhân, mà anh nghĩ là quan trọng trong cộng đồng. Tôi đã bước một bước rất nhanh vào công việc như vậy.
Có một lần, nữ phóng viên chiến trường trước 1975, Kiều Mỹ Duyên, nói với tôi: “Người Việt tính toán thật hay. Mướn và trả lương cho một chủ bút nhưng được đến… 2 chủ bút.” Tôi ngớ người hỏi tại sao. Cô Kiều Mỹ Duyên nói: “Chứ chẳng lẽ ông Phạm Phú Minh không giúp gì Giao sao.” Cô Kiều Mỹ Duyên là người làm business nên đầu óc bén nhạy. Nhìn lại thời gian 8 năm làm chủ bút Người Việt, tôi đã hỏi vô số câu hỏi, nhận vô số lời khuyên, có vô số contacts, từ bác Minh tôi. Bác tôi, như lời bác nói, không phù hợp với công việc nặng hàng ngày của một nhật báo, nhưng theo tôi, có cái nhìn nhân văn, văn hóa, một cách hết sức điềm đạm và lượng thứ. Tôi nghĩ cô Kiều Mỹ Duyên nói đúng, Người Việt trong 8 năm ấy có đến 2 chủ bút (và cùng lúc bác là chủ bút kiêm chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21).
“Nhóm Người Việt” là chữ mà cộng đồng Little Saigon, nhất là giới báo chí, hay nói về một nhóm người ở công ty Người Việt. Đây là nhóm những người đã quen thân với nhau, học trung học với nhau, rồi sinh hoạt xã hội cùng nhau từ thập niên 1960 tại Sài Gòn. Họ gắn kết chặt chẽ qua lý tưởng và sinh hoạt thanh niên. Và chỉ thế thôi, cùng lý tưởng, họ thành một “nhóm.” Rồi lần lượt, có người sang Mỹ từ 1975, có người ở tù sau 1975 rồi sang Mỹ theo diện H.O. Họ lại quy tụ cùng nhau, thành một … nhóm, xoay quanh một hoạt động phù hợp với lý tưởng của họ, là làm báo. Họ đã là những người để lại nhiều dấu ấn trong sinh hoạt thanh niên, xã hội, trước 1975. Có thể kể đến các tên tuổi: Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô, Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Hà Tường Cát, Nguyễn Khả Lộc, Phan Huy Đạt, Đỗ Việt Anh, Phạm Phú Minh, Trần Đình Quân…
Trong một lần gọi điện thoại về cho ba tôi ở Sài Gòn, ba tôi hỏi con có gặp Đỗ Việt Anh không. Tôi nói có. Ba tôi kể: Hồi ông nội tôi mất giữa thập niên 1980, có một người ghé đến dự đám tang, ghé nhiều lần trong mấy ngày liền. Ba tôi nói đó là Đỗ Việt Anh. Ba tôi kể, chú Đỗ Việt Anh nói với ba tôi: “Anh Minh đang ở tù, tôi đến đây chịu tang thay cho anh ấy.” Lúc đó chú Đỗ Việt Anh cũng vừa ra tù được ít lâu.
Có một lần, đám trẻ chúng tôi tại tòa soạn ngồi xung quanh các cụ, hỏi về việc ở tù sau 1975. Một ai đó ngồi cộng lại, số năm tù của các cụ làm ở Người Việt, cộng lại đến khoảng gần… 150 năm. Thế mà Người Việt vẫn cứ là “cộng sản” thì phải coi lại tự điển về ý nghĩa hai chữ “khôi hài.”
(Tấm hình tôi dùng trong entry này là trang đầu trong 4 trang của số báo đầu tiên của Người Việt, ra ngày 15 tháng 12 năm 1978. Tôi vẫn nói, rất thật, với nhiều người, rằng đây là số báo hay nhất trong lịch sử Người Việt).

FB ThienGiao Pham

2 comments:

  1. trich => Có một lần, đám trẻ chúng tôi tại tòa soạn ngồi xung quanh các cụ, hỏi về việc ở tù sau 1975. Một ai đó ngồi cộng lại, số năm tù của các cụ làm ở Người Việt, cộng lại đến khoảng gần… 150 năm. Thế mà Người Việt vẫn cứ là “cộng sản” thì phải coi lại tự điển về ý nghĩa hai chữ “khôi hài.”
    ----------------------------------------------------------------------------
    Càng bị CS cầm tù nhiều mà họp lại thì càng có "khuynh hướng" nghiêng về Cộng Sản!
    Lý zo là bị "nhồi sọ", "ám ảnh" về những sự thiếu thốn triền miên; chứ 0 fải bị các Cán bộ của CS tuyên truyền. Khi đi ra Hải ngoại, họ thấy cuộc sống những người 0 có bị như họ?
    Họ cho là "sung sướng" tự nhiên trở thành "đối cực" và vô tình thành "thiên tả,thân Cộng".
    Chính họ cũng biết, nhưng tự "biện luận" cho là mình hành động đúng theo "thời thế".Phương tiện biện minh cho Cứu cánh. Cest la Vie!

    ReplyDelete