Sunday, January 26, 2020

Angkor Wat huyền bí xứ chùa Tháp Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Có dịp đến Siem Reap, Cambodia, chứng kiến tận mắt những di tích kiến trúc lịch sử và nền văn hóa cổ đại của dân tộc Khmer còn để lại nơi đây, sẽ hiểu về xứ chùa Tháp này.
Nhưng trước khi tìm hiểu về Siem Reap, có lẽ chúng ta cần biết sơ qua đôi chút về hồ Tonle Sap đã có ít nhiều ảnh hưởng đến khí hậu vùng này. Mekong là dòng sông tiếp nối dòng Lạn Thương Giang, xuyên qua biên giới Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, rồi đổ xuống Cambodia. Tại đây con sông Mekong đã tạo thành một hồ thiên nhiên to lớn trước khi chảy xuyên qua Việt Nam và đổ ra Biển Ðông. Hồ thiên nhiên to lớn ấy chính là hồ Tonle Sap mà người Việt chúng ta thường hay gọi là Biển Hồ.
Siem Reap nằm về phía Bắc của hồ Tonle Sap, chính thời tiết nóng nực đã làm bốc hơi hồ Tonle Sap tạo ra một vùng rừng rậm khá lớn và rất ẩm thấp mà không ai biết được rằng một kỳ quan của nhân loại nói chung, của dân tộc Khmer nói riêng đã nằm giấu mình trong khu rừng đó đã có hơn cả 800 năm nay. Phải đợi đến năm 1860, Henri Mouhot, một nhà thám hiểm người Pháp, đã tìm ra kỳ quan này. Từ đó tên Angkor Wat được loan truyền đi khắp thế giới.
Khu vực Angkor Wat hay Ðế Thiên Ðế Thích là một cố đô xa xưa của dân tộc Khmer. Ngày nay, nơi đây mang một di tích lịch sử vô cùng quý giá, không những còn ghi lại một nền văn hóa và văn minh riêng biệt của dân tộc Khmer mà nó còn là một di tích kỳ quan về kiến trúc cho thế giới ngày nay.
“Nụ cười Bayon” kiến trúc nổi tiếng của Angkor Thom.
 (Hình: ATNT Tours & Travel)
Angkor là tên của kinh đô cũ của triều đại Angkorian. Còn cái tên Ðế Thiên Ðế Thích mà chúng ta thường nghe, thật ra chỉ là tên của các di tích lớn quan trọng bên trong cố đô Angkor. Triều đại Angkor được xem như khởi đầu từ năm 802 dưới thời vua Jayavaman II, người đã chinh phục và thống nhất được các nước lân cận, người được xem như vị vua đầu tiên của đế quốc Khmer. Nhà Vua đã đóng đô tại Yasoharapura gần thành phố Roluos hiện tại. Nửa thế kỷ sau, vua Yasovarman I mới thiên đô về Angkor.
Dòng lịch sử trôi chảy, dân tộc Khmer lúc thịnh lúc suy với các cuộc chiến tranh với xứ Champa. Phải đến 250 năm sau, vua Suryavarman II mới thành công trong cuộc chiến độc lập, chống lại xứ Champa. Và cũng như các vị hoàng đế  vào thời văn minh cổ xưa, nhà vua của xứ Khmer đã cho xây ngôi đền Angkor Wat như là một lăng tẩm cho mình yên nghỉ sau này. Dĩ nhiên, vào cái thời xa xưa đó thì hình như các vua chúa nào cũng đều ưa thích điêu khắc các tượng thần, Phật có khuôn mặt phảng phất nét mặt của mình.
Trong ngôn ngữ tiếng Khmer, Wat có nghĩa là chùa, đền. Angkor Wat có nghĩa là chùa Angkor hay là chùa Kinh Đô. Ðây là một quần thể rộng lớn với một thiết kế mang cấu trúc nghệ thuật và mỹ thuật của đạo Hindu vào đầu thế kỷ 12. Con đường chính từ ngoài cửa thành dẫn vào đến thành dài khoảng 400 mét, bề ngang khoảng 12 mét và bên dưới là một hào lớn vây quanh thành. Hai bên đường là một hành lang được kiến trúc bằng thân tượng hai con rắn thần nằm như thể bảo vệ đền Angkor. Cổng đền không quá lớn nhưng được kiến trúc rất kiên cố, những tảng đá lớn được sắp xếp rất mỹ thuật.
Di tích Preah Khan. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tám trăm năm đã trôi qua mà ngôi đền Angkor vẫn đứng sừng sững, chưa bị sụp đổ cũng đủ để cho người hậu thế ngày nay ngẫm nghĩ lại công trình tuyệt tác của dân tộc Khmer ngày xưa. Du ngoạn Angkor Wat, người ta có thể thưởng ngoạn hàng ngàn những bức phù điêu khắc chung quanh tường đền với những chạm trổ công phu trên các phiến tường đá. Những phù điêu miêu tả lại lịch sử, những chiến công của  dân tộc Khmer, những điểm văn hóa, những huyền sử  của tôn giáo Hindu. Có lẽ đây chính là Ðế Thiên mà chúng ta thường gọi vì đấng Phạm Thiên là đấng tối cao trong tín ngưỡng Hindu.
Ðã đến Angkor Wat, thế nào chúng ta cũng phải trèo lên trên một trong năm ngọn tháp chính của đền. Những bậc thang gần như thẳng đứng khiến cho nhiều người yếu bóng vía không dám trèo hết các bậc thang cuối để vào trong tháp. Từ trên các ngọn tháp này, người ta mới thưởng ngoạn được hết cái vẻ siêu nhiên của đền Angkor. Hình ảnh một buổi chiều nắng đang dần tắt, bóng dáng một áo cà sa vàng thấp thoáng ngồi trầm tư phía bên các ngọn tháp đối diện, cạnh đó là bóng chiều tà của tháp đổ dài trên nền đất. Lúc đó, bạn mới cảm thấy được cái vẻ siêu nhiên của Angkor Wat cho dù bạn không phải là tín đồ của Hindu.
Sau thưởng ngoạn Angkor Wat thì phải nói đến Angkor Thom, một thành lớn của đế quốc Angkor vào thời hùng mạnh nhất. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, nhưng kiến trúc Angkor Thom không còn mang nét kiến trúc của tôn giáo Hindu nữa mà nó lại mang đậm nét kiến trúc của nền văn hóa Phật Giáo Ðại Thừa.
Chỉ mới bước chân đến cổng thành phía Nam của Angkor Thom thì du khách cũng đã kinh ngạc với kiến trúc vĩ đại và mỹ thuật tại đây. Hai bên đường là những bức tượng Phật to lớn được xếp thành hình tượng rắn thần bảy đầu dài có đến hơn 200 mét như để đón chào nghênh đón du khách đến với thành Angkor.
Ngay trung tâm của Angkor Thom là ngôi chùa Bayon. Ðây là một  kỳ tích trong thành Angkor Thom, ngôi chùa Bayon với những tháp tượng Phật bốn mặt cao lớn với những điêu khắc diễn tả các nét mặt Phật trong các trạng thái khác nhau. Có thể đó là những nét mặt diễn đạt về tứ diệu đế sinh bệnh lão tử, tứ phương Đông Tây Nam Bắc, hay mang bốn nét từ, bi, hỉ, xả của nhà Phật. Tùy theo cái tâm của người thưởng ngoạn mà người ta cho tượng Bayon một ý nghĩa nào đó theo cái tâm của mình.
Bayon phải được kể là một ngôi chùa hùng vĩ với những kỳ quan thiết kế thật lạ, thật đặc biệt, thật kỳ vĩ và là một mỹ thuật trong nghệ thuật điêu khắc đá. Những tượng đá thật to lớn đã được xếp chồng lên nhau theo đúng kích thước và được đục khắc, chạm trổ thành những khuôn mặt Phật vô cùng sắc sảo, đẹp và linh hoạt. Ðể có được một công trình này thì các nghệ nhân phải có một tay nghề thật khéo, một nghệ thuật cao và một kỹ thuật kiến trúc không dễ dàng gì vào thời xa xưa đó. Ngôi chùa Bayon cho người ta hình dung ra đây chính là Ðế Thích. Có lẽ vì thế mà người Việt, một cách nôm na đã gọi chung khu Angkor là Ðế Thiên Ðế Thích.
Một cảnh sinh hoạt trên hồ Tonle Sap. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nhưng đến Siem Reap, không phải chỉ có Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon mà chúng ta sẽ còn phải kinh ngạc với Ta Prohm, nơi có những hàng cây cao vĩ đại, rễ cây ở trên mặt đất, ở trên mái đền,  và thật là kỳ lạ… cây vẫn sống, vẫn cao, vẫn xanh tươi và che lấp đi những di tích lịch sử của dân tộc Khmer.
Trải qua gần 800 năm thách thức với mưa nắng ẩm ướt của thiên nhiên. Angkor Wat Ðế Thiên, Angkor Thom Ðế Thích vẫn còn tồn tại cho dù đã có nhiều hư hại và mất mát vì những kẻ trộm đồ cổ. Ðế Thiên Ðế Thích đã từng có thời chung sống với nhau mà không tàn phá đi những kiến trúc kỳ quan của nhau, của dân tộc Khmer nói riêng, và của nhân loại nói chung.
Thời thế, có thời thịnh thì phải có thời suy, có thời làm đế quốc thì cũng sẽ có thời làm nhược tiểu. Nhưng tìm được một thời mà thời này biết tôn trọng những nghệ thuật – mỹ thuật của thời kia thì không phải là dễ. Angkor Ðế Thiên Ðế Thích của dân tộc Khmer đã có một thời biết tôn trọng nhau như vậy. (Trần Nguyên Thắng)
Không gian Angkor Wat. (Hình: ATNT Tours & Travel)

No comments:

Post a Comment