Wednesday, March 30, 2016

NHẬT BẢN VÀ ĐẠO HỒI

 
 
Vì người Nhật tập trung vào việc duy trì văn hóa của họ… Cho nên :
* Không có một lãnh tụ chính trị hoặc thủ tướng nào từ xứ Hồi Giáo được mời viếng thăm Nhật Bản, ngay cả ông Ayatollah (giáo chủ Hồi Giáo) của Iran, ông vua của xứ Saudi Arabia hoặc ngay cả hoàng tử nước Saudi !
* Nhật Bản là nước tránh xa đạo Hồi bằng cách hạn chế khắt khe đối với Đạo Hồi và tất cả tín đồ hồi giáo.
1) Nhật Bản là nước duy nhất không ban quyền công dân cho người Hồi Giáo.
2) Tại Nhật Bản quyền thưòng trú không cấp cho các tín đồ hồi giáo.
3) Có sự tẩy chay mạnh mẽ đối với mọi tuyên truyền của đạo Hồi tại Nhật Bản.
4) Tại đại học của Nhật Bản không được dạy tiếng Ả Rập hoặc bất cứ ngôn ngữ nào của đạo Hồi.
5) Không được mang kinh 'Koran' bằng tiếng Ả Rập vào nước.
6) Theo dữ kiện trong hồ sơ của chính quyền Nhật, thì họ chỉ mới chấp nhận tạm trú cho 2 người hồi giáo và những người này phải tuân theo luật lệ địa phương của Nhật. Họ phải nói tiếng Nhật và chỉ được thực hành lễ nghi tôn giáo của họ trong nhà họ mà thôi.
7) Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới có một số không đáng kể sứ quán tại các nước Hồi Giáo.
8) Những người Hồi Giáo đang ở tại Nhật chỉ là những nhân viên được các công ty ngoại quốc thuê mướn.
9) Ngay cả ngày nay, hộ chiếu không được cấp phát cho các bác sĩ, kỷ sư hoặc các giám đốc Hồi giáo  điều hành  các công ty ngoại quốc gởi tới.
10) Đối với đa số các công ty, quy chế được ấn định là không chấp nhận đơn xin việc của các người hồi giáo.
11) Chính quyền Nhật Bản đồng quan điểm cho rằng người hối giáo  bảo thủ cực đoan, và ngay cả với thời đại toàn cầu hóa, họ vẫn không muốn thay đổi lề luật đạo của họ.
12) Người Hồi Giáo cũng không được thuê nhà tại Nhật Bản.
13) Nếu bất cứ ai biết được người hàng xóm là người hồi giáo thì lập tức cả xóm đều báo động.
14) Không ai được phép khởi sự tổ chức một tổ đạo hồi hoặc một nhóm Ả Rập tại Nhật.
15) Không có luật Sharia (của Hồi Giáo) tại Nhật.
16) Nếu một người phụ nữ Nhật lấy chồng Hồi Giáo thì bà sẽ bị cho là đồ con hoang mãi mãi.
17) Theo ông Mr. Kumiko Yagi, Giáo sư của viện nghiên cứu về phong tục của Ả Rập và Hồi Giáo tại đại học Tokyo thì "người Nhật có quan niệm  cho rằng Hồi Giáo là một tôn giáo rất hẹp hòi và nên tránh xa nó"
Người Nhật có thể đã bị thua trận nhưng họ biết trách nhiệm phải chăm sóc xứ sở của họ.
Không có bom nổ tung giữa những trung tâm mua bán đô hội, không có "những giết chóc kinh hoàng" hoặc tàn sát trẻ em vô tội hoặc bất cứ ai khác.trên đất Nhật cho đến thời điểm này ..
Sưu tầm trên internet

Saturday, March 26, 2016

Bà Mẹ Tây


Tác giả: Nguyễn Cát Thịnh
Bài số 3780-17-30280vb3032216

Tác giả là một Dược Sĩ hồi hưu. Ông tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Saigon 1968. Định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên một chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể]. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

                                      * * *

- Gió đông gió tây, gió nào đã đưa cậu tới đây?
- Chẳng có gió đông, chẳng có gió tây, chỉ có "gió chướng" thôi. Gió chướng đã mang tôi tới đây để gặp tên bạn "khỉ gió" thuở còn tắm truồng đấy!
- Cậu lúc nào cũng ăn nói "khó tiêu". Dễ có trên ba chục năm không gặp cậu. Thú thật đi, có phải cậu đến đây để thăm bà bé không? Tôi không mách bà xã cậu đâu. Đừng lo.
- Cậu đoán đúng mới có một nửa. Đúng, tôi vừa đi thăm viếng một người đàn bà.
- Ai thế? Tôi có biết người đó không?
- Có thể cậu biết. Bà mẹ tôi ấy mà.
- Cậu không đùa đấy chứ. Mẹ cậu đã mất ở VN. Tôi cùng bạn bè đã gửi lời chia buồn từ ngày nảo ngày nào rồi. Hay là mẹ của mẹ bầy trẻ? Nhưng mà bà xã của cậu mồ côi mẹ mà!
- Không, bà mẹ nuôi, bà Steinberg mà tôi đã có lần nói với cậu khi mới tới thành phố này đó. Nhớ không? Đây là lần đầu tiên tôi đi tảo mộ. Tôi ở bên bà suốt buổi sáng nay rồi đi ăn trưa với lão luật sư già của bả.
- Nhớ, nhưng tôi chưa hề nghe nói cậu là con nuôi của bà triệu phú từ tâm này. Ê, đừng thấy sang bắt quàng làm họ nhé. Khi cậu rời khỏi nơi đây thì bả cũng đã qua đời. Tôi nhớ rất rõ.
- Hồi đó tụi mình chưa an cư nên tuy ở gần mà như nghìn trùng xa cách, chả mấy khi được ngồi tâm sự như bây giờ nên cậu không biết. Chuyện dài lắm, tôi sẽ kể cho cậu nghe. Bây giờ tụi mình đi kiếm cái gì lót dạ đã.
Buổi tối hôm đó, đôi bạn tri kỷ đối ẩm, nói chuyện "cổ tích".
                                       *
Năm tôi đến đất nước này, chu kỳ suy thoái kinh tế bắt đầu. Việc làm hiếm hoi, nhưng chính phủ vẫn mở rộng vòng tay nhân ái tiếp nhận người tỵ nạn. Cậu có bà xã giỏi giang, đi làm nuôi chồng con. Cậu chỉ lo nội trợ, đưa đón con cái đi học, có thì giờ rộng rãi dồi mài kinh sử. Còn tôi, độc thân tại chỗ, vợ con còn kẹt lại VN, một cảnh hai quê. Vừa mong mau chóng ổn định cuộc sống vừa mong đủ điều kiện tài chánh bảo lãnh gia đình.
Chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày phải đi ăn mày chính phủ Canada. Mỗi tuần sắp hàng ngửa tay nhận chi phiếu bảy chục đô la, rồi còn bị cô thư ký người Việt nói xỏ xiên, thúc giục tìm việc. Tôi đã cảm nhận tất cả ê chề nhục nhã của kiếp tha hương.
Rất may mắn, tôi đã gặp cậu và được cố vấn nên sau vài lần xin việc bị từ chối khéo, tôi điền đơn tại bệnh viện Montford theo đúng lời cậu chỉ dẫn. Lý lịch khai rất gọn, phần học vấn bỏ trống, không ghi tốt nghiệp đại học VN. Xin làm Pharmacy Attendant, công việc sai vặt trong khoa dược.
Bà trưởng phòng nhân viên bệnh viện đọc hồ sơ, ngước mắt nhìn tỏ vẻ thương hại rồi nói, được rồi, anh cứ về, khi nào có chỗ trống sẽ gọi phỏng vấn.
Vừa định đứng dậy thì bà ra dấu cho tôi ngồi xuống, ngập ngừng... Tôi biết bên hospice, nhà an dưỡng của bệnh nhân cận tử, đang cần một orderly nam, tức y công đàn ông. Nếu anh không ngại tôi sẽ giới thiệu. Đang đói việc, tôi bằng lòng ngay, bất cứ việc gì.
Y tá trưởng của hospice vui mừng đón nhận tôi.
Bà cho biết công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự nhẫn nại hơn bình thường. Chỉ phục vụ một bệnh nhân đặc biệt và khó tính. Gia đình bệnh nhân này là ân nhân của bệnh viện, đã hiến tặng toàn bộ xây cất và các trang thiết bị cho hospice nên tên của người chồng quá cố, "J.D. Steinberg" được vinh danh trên bảng đồng.
Bà thành thật cho biết đã có 2 nữ y công bị trả lại vì bệnh nhân không hài lòng và thêm một nữ nữa bỏ việc vì không chịu nổi áp lực.
Tuy nhiên lương bổng rất hậu hĩnh. Bệnh nhân này sẵn sàng trả thêm tiền thưởng tương đương với tiền lương của bệnh viện.
Bà muốn thay đổi, đề nghị tuyển nhân viên nam, hy vọng nam có sức chịu đựng tốt hơn nữ.
Bệnh nhân là bà Steinberg, khoảng gần bảy chục tuổi, bị ung thư buồng trứng, đã di căn, giai đoạn cuối. Đẹp lão, mập mạp, tướng mệnh phụ. Bà tiếp tôi lạnh lùng, sau khi cô chuyên viên trang điểm rút lui. Hỏi vài câu vắn tắt lấy lệ, rồi cho tôi kiếu.
Quả thật công việc rất nhàn hạ, nhưng không thơm tho. Bác sĩ, y tá thăm bệnh và cho thuốc men theo thời khoá biểu. Cô quản gia kiêm thư ký công ty của gia đình trình diện vào buổi trưa mỗi ngày, đem thức ăn khoái khẩu của bà và quần áo mới. Tôi chỉ giúp bà làm vệ sinh tiêu tiểu buổi sáng, ngay trên giường và đổ phân vào cầu. Buổi chiều, sửa soạn bồn tắm, giúp bà làm vệ sinh thân thể và đẩy xe đưa bà đi dạo. Ngoài ra, chùi rửa phòng, thay bọc trải giường, mang quần áo chăn mền qua phòng giặt ủi...v...v... Thỉnh thoảng ghé mắt xem bà có cần sai bảo gì không. Khẩn cấp thì phải chạy tìm y tá bác sĩ trực.
Tôi được sắp xếp cho ở góc cuối phòng, ngăn bằng chiếc màn kéo, đủ kê chiếc giường đơn, ghế nằm và bàn viết. Một ngày chỉ thật sự làm việc độ 3 hoặc 4 tiếng, ăn uống ở câu lạc bộ. Thời giờ quá dư thừa nên tôi mượn sách chuyên môn của thư viện đọc, mơ một ngày nào đó sẽ lấy lại được bằng hành nghề.
Một buổi tối, bà rên khò khè đau đớn, tôi chạy lại thì nghe bà quát, đi lấy cho ta cái "donut" ngay. Ta cảm thấy khó chịu quá!
Tôi cuống quít nói, thưa bà giờ này quá khuya, e không có tiệm bánh donut nào mở cửa, bà có thể chờ đến sáng sớm mai không?
Bà nổi quạu, phán, đồ ngu! Xuống bảo y tá trực đưa.
Tôi răm rắp chạy báo cáo bà y tá già. Bà cười ngặt nghẽo, đưa cho tôi cái vòng cao su mầu cam trông giống như ruột xe vespa, bảo, đấy, donut là cái này này.
Tôi vỡ lẽ, té ra donut cũng là tên gọi của cái vòng đệm cao su, dùng để kê dưới bàn tọa cho êm.
Mấy ngày sau, khi đã hơi khoẻ, bà ngoắc tôi lại, ra lệnh, ê thằng Tầu con, xuống kêu con nhỏ làm tóc lên chải đầu cho ta. Hôm nay ta có khách lại thăm.
Bị chạm nọc nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh, khẽ thưa, xin bà đừng gọi tôi là Tầu con. Tôi đã 36 tuổi rồi và là người Việt Nam không phải Tầu.
Trái với sự mong đợi của tôi, bà tỏ vẻ thân thiện, ngồi thẳng dậy, tròn mắt, hỏi lại, Việt Nam? Việt Nam? Con trai của ta chiến đấu ở VN và đã mất tích từ năm 1970, cũng trạc tuổi của mi.
Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ngờ ngợ có sự liên quan tới Bác sĩ John Steinberg mà tôi quen biết khi còn trong quân đội.
Kể từ đó, mỗi khi có dịp, tôi gạ gẫm bà kể thêm về người con trai. Bà rất hứng khởi.
Sự nghi ngờ ban đầu đã dần dần sáng tỏ. Gom góp các chi tiết và đối chiếu các sự kiện, tôi đã chắc đến 99.99% John Steinberg, con trai của bà, và BS John Steinberg, bạn tôi, là một người bạn quí.
                  
                                             *
Theo bà, John là một đứa trẻ có nhiều cá tính ngay từ nhỏ. Thông minh, bướng bỉnh, tinh thần tự lập cao. Nhiều tự ái, nóng tính, hơi cố chấp và đặc biệt xung khắc với cha.
Ông Steinberg muốn hướng chàng thành một doanh gia. John, trái lại, thần tượng BS Albert Schweitzer. Ước vọng trở thành thầy thuốc giỏi, từ bỏ thế giới văn minh, đến các xứ nghèo Phi châu, mang tài năng và nhiệt tâm phục vụ không điều kiện.
Sau khi tốt nghiệp y khoa Mc Gill, lúc chuẩn bị nội trú chuyên ngành tại bệnh viện Ottawa thì xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai cha con. John giận cha, bỏ qua Mỹ, tình nguyện nhập ngũ. Được huấn luyện quân sự tại Fort Bragg và tu nghiệp chuyên môn tại Womack Army Medical Center NC. Y sĩ Đại uý John Steinberg sau đó được gửi qua Việt Nam, bổ sung toán quân y thuộc liên đoàn 5 lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, đóng tại Nha Trang.
John vẫn thư từ liên lạc với bà mẹ đều đặn. Cho đến một buổi chiều ảm đạm mùa thu năm 1970, ba sĩ quan đồng ngũ của binh chủng gõ cửa báo tin con bà đã mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ, được ghi vào danh sách M.I.A.
Ông Steinberg bị nỗi hối hận dầy vò, tự đổ lỗi cho chính mình, đã đưa đẩy con trai vào chỗ chết. Ông qua đời ba năm sau.

                                              *

Thời gian John công tác, tôi đang làm việc tại bệnh xá gia đình binh sĩ cũng đồn trú Nha Trang.
Chúng tôi cùng đi làm dân sự vụ thường xuyên tại các bản thượng hẻo lánh nên quen biết rồi thân nhau. Thỉnh thoảng tụ tập ăn uống nhậu nhẹt tại các quán bờ biển hoặc đi nghe nhạc phòng trà.
Khi tin John tử trận bay đến phòng làm việc, tất cả ban quân y chúng tôi đều bàng hoàng. John và toán dân sự vụ Việt Mỹ chết bỏ xác khi máy bay trực thăng trục trặc kỹ thuật, đáp tạm xuống bãi đất hẹp gần nhánh sông chảy xiết. B40 bắn rớt ngay lúc vừa cất cánh trở lại. Duy có một y tá VN tên Công thoát hiểm một cách kỳ diệu. Hắn ngụp lặn, bơi ngược dòng nước, băng rừng suốt đêm đến được nơi an toàn.
Quá hoảng loạn trong nỗi kinh hoàng tột độ, y tá Công bị hậu chấn thương nặng, chuyển về khoa tâm thần tổng y viện Cộng Hoà điều trị vài tháng rồi được cho giải ngũ. Hắn vẫn đến xin thuốc an thần và thuốc ngủ đều đặn nên từ đó anh em đổi biệt danh "Công ngủ" thành "Công không ngủ".
Những năm cuối của thập niên 70 và đầu thập niên 80, tôi hay lang thang khắp chợ trời. Tình cờ gặp lại "Công không ngủ". Hắn đã lột xác, trông bảnh bao, da dẻ hồng hào, ra dáng công tử vườn. Hắn khoe buôn bán thuốc tây, thu nhập khấm khá. Hắn bỏ một buổi buôn bán, mời tôi đi nhậu ở tiệm ăn sang trọng trên đường Nguyễn Huệ. Đãi rượu Martell và thuốc thơm ba số. Lúc đã ngà ngà, hắn nhắc lại chuyện cũ. Bật mí tất cả những gì chưa từng bật mí.

                                                  *
Chiếc trực thăng chao đảo vì phi công bị B40 xuyên nát cổ. Đủ loại súng thi nhau nhả đạn, mọi người nhốn nháo chen nhau nhảy xuống. Đạn đan tròng tréo, có người rớt lịch bịch, có người nằm xuống khi chân chưa chạm đất. Bác sĩ Steinberg cùng hắn và vài người nữa chạy thẳng xuống sông. Các người kia bơi theo dòng nước. Ông bác sĩ Mỹ to cồng kềnh, bơi hoặc lặn cũng không ổn nên tìm chỗ ẩn nấp dưới đám lau sậy. Vốn là dân xóm Cồn, giỏi bơi lội, lại nhỏ con nên "Công không ngủ" nhanh như chớp, phóng xuống giữa dòng, vớ một ống sậy dài, ngậm thở, lặn ngược dòng, đánh lạc hướng của nhóm du kích chạy xuôi trên bờ đang truy đuổi từng người. Nghe tiếng súng AK nổ ròn rã, hắn biết những bờ bụi chắc chắn là những mục tiêu bị nhắm bắn. Hắn tự khen mình thông minh, không trốn theo ông bác sĩ cũng không bơi xuôi giòng. Rất có thể nhiều người đã lãnh đủ những tràng đạn vừa qua.
Đợi khi bóng dáng đám du kích đã hoàn toàn mất hút, hắn bơi đến chỗ ông bác sĩ thăm dò. Vùng máu loang lổ đang lan rộng chứng tỏ ông đã trúng đạn. Sờ mũi, vạch mắt, nghe tim, biết ông đã chết, hắn chỉ kịp mở nút gài túi áo trên lấy chiếc ví dầy cộm, lột chiếc đồng hồ trên tay.
Tiếng đám du kích vui cười nghe rõ dần, có lẽ họ trở lại thu nhặt chiến lợi phẩm. Hắn đẩy xác ông bác sĩ ra giữa dòng để gây sự chú ý, giúp hắn có thêm thì giờ lặn ngược dòng trốn càng xa càng tốt.
Nằm ếm dưới nước, chờ trời tối, hắn bước nhanh vào khu cây cối rậm rạp, nhắm hướng sao đi tới. Rạng sáng, hắn gặp một người đàn bà thượng đeo gùi sau lưng, địu con phía trước đi làm rẫy. Hắn bập bẹ vài tiếng thượng học được, xin chỉ đường đến đồn bót gần nhất.
Bài học mưu sinh thoát hiểm, cộng với may mắn cùng sự giúp đỡ của người dân tốt bụng đã đưa hắn trở về bình yên.
Lợi dụng việc sống sót hy hữu sau tai nạn, hắn đã đóng kịch rất khéo, giả bệnh, qua mặt được mọi người và giải ngũ.
Hắn cho biết trong chiếc ví của ông bác sĩ, ngoài số tiền mặt khá lớn, đủ để hắn sửa sang nhà cửa và mua chiếc xe Honda 90 đời mới, còn có một lá thư, một tấm hình, vài thứ giấy tờ linh tinh.
Hắn cho tôi địa chỉ nếu muốn đến xem. Tôi không có dịp vì còn mải lo chuyện vượt biển.
Sự sống của bà Steinberg kéo dài hơn ước tính của các bác sĩ. Bà cho là lời cầu nguyện của bà đã được lắng nghe và hy vọng phép mầu nhiệm sẽ đến qua ơn cứu rỗi.
Một tuần trước sinh nhật, bà điện thoại cho hai cô con gái lớn nhắc nhở. Năn nỉ các con cháu sẽ đến và ở chơi với bà một buổi. Bà dặn tôi đến ngày đó phải thu dọn căn phòng trống kế bên sạch sẽ, kê thêm bàn ghế và phụ giúp nhà hàng chăm lo phần ẩm thực.
Tôi chợt có ý nghĩ nhân dịp này sẽ tặng bà một món quà sinh nhật bất ngờ. Đánh điện tín nhờ vợ tôi mang đến "Công không ngủ", hẹn giờ ra bưu điện nói chuyện điện thoại viễn liên.
Tôi ngỏ ý muốn mua cái ví của BS Steinberg cùng tất cả các thứ trong đó. Thỏa thuận xong giá cả, tôi yêu cầu hắn tạm thời fax ngay cho tôi những thứ có trong chiếc ví.
Ngày hôm sau, chỉ nhận được bản fax của lá thư và tấm ảnh, nhìn không rõ lắm nhưng chữ có thể đọc mò được.
Tiền thì hắn nhận đủ nhưng chiếc ví không bao giờ được gửi. Về sau nghe chú hắn nói, hắn đang tìm đường vượt biên và cái ví sẽ là lá bùa khi xét ưu tiên định cư Mỹ.
Sau nhiều năm không ai nhận được tin tức về chuyến tầu của hắn. Có lẽ cái ví cũng theo hắn định cư dưới lòng đại dương.
Buổi sáng sinh nhật, bà dậy thật sớm tuy cả đêm trằn trọc. Người làm tóc, người trang điểm bận tíu tít. Người ta thay cho bà một bộ đầm sang trọng. Trông bà tươi tỉnh, cười nói huyên thuyên, không ai nghĩ rằng đó là một bệnh nhân sắp từ giã cõi trần. Bà nói đã lâu lắm rồi, không thấy mặt mấy đứa cháu ngoại, không biết chúng nó cao lớn thêm và xinh đẹp như thế nào. Bà tưởng tượng sẽ ôm từng đứa, sẽ phủ mưa hôn trên từng phân vuông của những khuôn mặt thiên thần. Sau đó nếu Chúa có bắt đi ngay bà cũng an lòng. Chỉ tưởng tượng thôi mà cảm xúc đã dâng trào trên niềm hạnh phúc ảo.
Các tiếp viên nhà hàng mang thức ăn bầy biện đẹp mắt, chiếc bánh sinh nhật hấp dẫn đặt giữa bàn. Tất cả kiên nhẫn chờ được phục vụ.
Suốt từ sáng đến quá trưa, bà bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vẫn không thấy con cháu xuất hiện. Toàn thể nhân viên hospice không chờ đợi được nữa, bàn nhau tụ tập vây quanh bà, vỗ tay hát bài mừng sinh nhật. Bà gắng gượng ngồi nghe đến câu cuối, xua tay ra dấu mệt mỏi, để nguyên quần áo nhờ tôi đỡ lên giường.
Cô thư ký lăng xăng lên xuống, liên tục điện thoại khắp nơi, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Buổi chiều, cô trở lại buồn bã báo tin, cả hai gia đình của hai con gái bà đang vui chơi ở Disney World Orlando Florida từ vài ngày nay.
Bà Steinberg suy sụp tinh thần thấy rõ. Không ăn uống. Đóng cửa, không tiếp bất cứ ai. Tôi trở thành liên lạc viên duy nhất của bà với bên ngoài. Rất khó khăn ép bà uống thuốc đúng giờ.
Tối hôm đó, cơn đói đánh thức, bà sai tôi mua một tô súp gà và ly sữa. Tôi mua thêm một chiếc bánh chocolate donut và một cây đèn cầy. Bà chỉ húp vài muỗng súp và một phần ly sữa. Tôi mở bao lấy chiếc donut để trên đĩa giấy, thắp cây đèn cầy, bưng về phía bàn ngủ. Run run hát nho nhỏ, happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday to Mrs Steinberg...
Bà há hốc miệng ngạc nhiên, im lặng vài khoảnh khắc rồi quay mặt vào tường. Tôi ngỡ bà phản ứng giống như khi nghe nhân viên bệnh viện hát chúc mừng trước đó. Ngờ đâu bà quay lại với đôi mắt ướt, giơ hai tay ôm chầm lấy tôi. Líu lưỡi cám ơn, cám ơn. Bà thổi đèn cầy rồi ăn hết chiếc bánh bình dân một cách ngon lành, nói, đây mới chính là cái "donut" mà ta muốn. Bà cám ơn tôi lần nữa, đã cho bà một sinh nhật tuyệt vời và độc đáo.
Bà vui vẻ trở lại nhanh chóng. Kể đủ mọi chuyện ngày cũ, toàn những chuyện về John. Trong ba người con chỉ có John nhớ sinh nhật của bà, dù đi đâu xa cũng quay về vào ngày ấy. Bà nhất định cho rằng, bằng cách nào đó, chính John đã mượn tôi thực hiện sáng kiến sinh nhật donut.
Tôi nói có một món quà sinh nhật và trao cho bà chiếc phong bì đựng bản fax của lá thư và tấm hình. Thêm một lần ngạc nhiên thích thú, bà mở ra. Mới lướt qua tấm hình và đọc vài hàng của lá thư, bà thở hổn hển. Những thứ này ở đâu ở đâu ra? Đúng là nét chữ của ta, đây là lá thư ta gửi John cám ơn lời hỏi thăm sức khỏe khi ta bị té gẫy chân và cho biết tình trạng đã ổn định. Làm sao mi có được? Nói ngay, nói ngay! Còn tấm hình mờ nhưng ta biết đó là hình chụp ta và con chó Buddy.
Tôi cho bà biết chuyện thật đời tôi, tất cả những gì tôi nghe về bạn quá cố của tôi, lúc còn sống, lúc lâm nạn và tại sao tôi có được những thứ đó.
Bà nhờ tôi kê gối đẩy lưng cao lên. Đọc kinh tạ ơn Chúa. Bà càng tin rằng John đã nhập vào tôi và mang thông điệp của tin mừng đến cho bà.
Bà đã mệt lắm rồi. Linh tính những ngày giờ cuối cùng đã điểm, tôi ở lại bên cạnh bà.
Thấy bà không ngủ, tôi hỏi có cần gọi y tá không? Bà không trả lời, cầm tay tôi đặt lên ngực phía trái tim, cặp mắt lạc thần, nhìn vào hư không, nói lẩm bẩm như người mộng du.
Baby John của mẹ, con có biết 12 năm nay không có ngày nào mẹ ngưng thương nhớ con? Mẹ nhớ từ tiếng con khóc lúc chào đời..., mẹ nhớ lúc con chập chững những bước đi.... Mẹ nhớ những ngày tuyết đổ mẹ dẫn con vào lớp học giao cho cô giáo vườn trẻ, con níu áo mẹ không rời, mẹ phải ở với con suốt buổi rồi đem con về.... Mẹ nhớ những đêm con ho cảm lạnh, mẹ thức trắng đêm ôm ru con ngủ.... Mẹ nhớ...Mẹ nhớ.... Mẹ khóc mừng ngày con tốt nghiệp đại học.... Mẹ tưởng con của mẹ sẽ mãi mãi êm ấm trong vòng tay mẹ. Nhưng con, con... đã đi và đi không trở lại. Lúc sinh thời, cha con nếu có lỗi với con thì cũng chỉ vì yêu con. Hai cha con bây giờ đã xum họp ở thế giới khác, đâu còn giận hờn. Mẹ cũng sắp sửa gặp cha con và con đây. Con ngoan nhé. Mẹ yêu của con.
Tôi lặng yên quỳ xuống đầu giường để bà vuốt tóc. Ước gì thật sự là John để bà trút hết nỗi niềm chất chứa bấy lâu và để cho tình mẫu tử thăng hoa.
Bà chợt tỉnh, nhận ra tôi nhưng vẫn tiếp tục xoa đầu. Ta thấy hình ảnh của John qua con, con cũng là con ta. Bà dí ngón trỏ lên trán tôi, mỉm cười, nụ cười nhân ái nhất nhận được trong đời, mắng yêu, "THẰNG TẦU CON CỦA MẸ". Chúa ơi! Bà gọi tôi là con và xưng mẹ!
Không biết ai xúc động nhiều hơn ai. Có lẽ không phải là bà mà là tôi. Tôi bỗng buột miệng vô thức...Mẹ, Mẹ... rồi á khẩu. Dòng nước mắt tôi chảy, giọt nước mắt bà lăn dài. Cả hai ôm nhau hoà tan trong nước mắt.
Trưa hôm sau bà lệnh cho cô thư ký mời luật sư gia đình gặp bà thảo luận chuyện quan trọng. Ông đang có việc ở Âu châu nên chỉ nói chuyện qua điện thoại và hứa sẽ đổi vé, bay về trên chuyến gần nhất.
Bác sĩ được triệu đến khẩn cấp.
Bà Steinberg yếu dần, bỏ ăn từ chiều hôm trước, môi khô. Nuốt khó khăn. Mũi thuốc morphine giảm đau liều cao chỉ giúp bà thiếp đi một chốc. Đắp thêm chăn, xoa bóp chân tay, vẫn còn lạnh. Bà đã bị ảo giác, mất định hướng thời gian và không gian. Liên tục thì thào gọi tên John. Tôi nắm bàn tay lạnh của bà vuốt nhẹ, khẽ gọi, mẹ ơi! mẹ ơi!.
Bà thở không bình thường nữa, hắt ra rồi bất động. Bác sĩ vạch mắt, rọi đèn pin soi đồng tử, nhìn đồng hồ lắc đầu. Xong một kiếp người!
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đã có mặt trong phòng. Hai người con gái đi cùng hai luật sư của họ, luật sư gia đình, giám đốc các công ty kinh doanh của gia đình, các đại diện và luật sư của các hội từ thiện, một vài họ hàng thân cận.
Tất cả yêu cầu luật sư gia đình công bố di chúc. Họ tranh cãi khá lâu, không ồn ào nhưng rất gay gắt. Không đi đến kết quả nên đồng ý giải quyết sau tang lễ.
Nghe thoang thoáng có người đề cập đến tên mình nhưng tôi để ngoài tai vì nghĩ không có gì liên hệ.
Luật sư yêu cầu giải tán để nhân viên nhà quàn làm phận sự. Nhiều người trước khi bước ra khỏi cửa ném cho tôi cái nhìn khó chịu, có người đi ngang tôi với vẻ thù hận ra mặt. Tôi không hiểu tại sao. Không lẽ kỳ thị chủng tộc?
Những gì xảy ra trong những ngày vừa qua khiến cho tôi chán ngán tình đời. Một quyết định xẹt trong đầu. Đi thật xa. Phải, sẽ đi thật xa để khỏi nhìn thấy những con diều hâu bạc tình bạc nghĩa đang rỉa xác một người đàn bà nhân hậu. Tôi bước vào phòng, đặt một nụ hôn trìu mến trên trán bà mẹ nuôi. Nói nhỏ, lạy mẹ, con đi.
Tôi về nhà nhét vội vài bộ quần áo vào va li, bỏ lại tất cả đồ đạc, ra bến xe đò Greyhound mua vé đi thẳng Toronto. Cuộc đời lưu lạc bắt đầu từ đó.

                                                 *
Ông luật sư đãi tôi ăn trưa tại một nhà hàng ở khu phố vắng. Chuyện xảy ra 32 năm trước được giải mật.
Khi ông đang ở Paris, bà Steinberg điện thoại, muốn sửa di chúc. Ông chấp hành chỉ thị, thâu băng cuộc đối thoại, soạn thảo văn bản ngay trên chuyến bay khứ hồi. Không may, bà đã không kịp duyệt ký trước khi ra đi.
Các cuộc tranh cãi sau khi bà chết bùng nổ giữa các luật sư.
Di chúc chính thức qui định rõ, gia tài được chia làm 3 phần đồng đều, cho 3 người con. Riêng phần của John Steinberg có ghi chú thêm. Vì đã được liệt kê trong danh sách quân nhân mất tích, nên nếu 5 năm sau khi bà mất, vẫn không nhận được tin tức mới, phần này sẽ được chia 50/50. 50% giành cho các cơ quan từ thiện đã chỉ định. 50% sẽ thuộc về 2 người con còn lại.
Theo bản dự thảo di chúc mới, phần của John được sửa lại, sau 5 năm phần này sẽ được trao cho tôi thay vì chia 50/50 cho các cơ quan từ thiện và 2 người con gái.
Ông luật sư yếu thế, không thuyết phục được mọi người chấp nhận lời di chúc phi văn bản. Nếu đưa ra toà án phân xử cũng không hy vọng thắng. Kiện cáo có thể kéo dài, sẽ rất tốn kém. Điều quan trọng nhất, người có quyền lợi là tôi thì biệt tích giang hồ, không tìm thấy địa chỉ liên lạc. Bản di chúc cũ được thi hành. "Định mệnh đã an bài", không thể thay đổi.
Ông trao cho tôi cuốn băng. Giữ lại như một kỷ niệm, ghi nhận tình thương và lòng hào hiệp của bà mẹ nuôi đối với tôi.

*

- Là triệu phú hụt, cậu có tiếc không?
- Không, không bao giờ. Tôi vẫn nhớ chuyện tái ông thất mã. Trong cái rủi luôn luôn có cái may đền bù. Trong cái may luôn luôn ẩn nấp cái rủi. Nếu lúc đó là triệu phú, nhiều phần đã biến tôi hư hỏng. Tiền không do công sức của mình làm ra là tiền...lèo. Xài tiền lèo thì mình cũng trở thành lèo. Sẽ ỷ lại, không cầu tiến.
Vì đã không là triệu phú nên tôi mới là tôi như bây giờ. Bằng lòng với hiện tại.
Tôi có hai bà mẹ. Bà mẹ da vàng để lại vết tích đậm nét da vàng trên thân xác tôi. Bà mẹ da trắng để lại nhiều dấu ấn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Tôi yêu cả hai.
Nếu đến lễ Vu Lan hay Ngày Của Mẹ có ai hỏi tôi, bông hồng hay bông trắng cài áo? Tôi sẽ bảo, vui lòng cài cho tôi hai bông trắng.
- Xin cạn ly mừng cậu có hai bà mẹ trong đời. Chúc cậu đêm nay ngủ thật ngon, sẽ mơ hội ngộ BÀ MẸ TÂY...có con là "thằng Tầu con".

01 Tháng tư 2014
Nguyễn Cát Thịnh

Friday, March 25, 2016

Voọc chà vá chân nâu Bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà không chỉ là địa chỉ du lịch nổi tiếng của TP Đà Nẵng. Nơi đây còn đang bảo tồn loài linh trưởng vô cùng quý hiếm - loài Voọc chà vá chân nâu.

Với đặc trưng 5 màu, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Chà vá chân đỏ hoặc Voọc ngũ sắc) được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là "nữ hoàng" của các loài linh trưởng trong rừng sâu, bởi vẻ đẹp khác thường của nó. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Voọc chà vá chan nau,                                          dao Son Tra
Các nhà nghiên cứu cho biết, đến nay ở bán đảo Sơn Trà có khoảng hơn 350 cá thể Voọc chà vá chân nâu. 
Theo số liệu khảo sát nghiên cứu của Tổ chức bảo tồn Voọc chà vá quốc tế và các nghiên cứu được công bố mới nhất của nhiều chuyên gia trong nước cho thấy, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà đang phát triển ổn định.  Để bảo tồn, phát triển hơn nữa loài linh trưởng quý hiếm này, các ngành chức năng có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn đánh bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch một cách hợp lý.
 
Voọc chà vá chan                                            nau, dao Son Tra
Những con Voọc chà vá đầu đàn có nhiệm vụ cảnh giới, báo động cho cả đàn biết về các mối nguy hiểm.
 
Voọc chà vá chan                                            nau, dao Son Tra
  Voọc mẹ bảo vệ, che chở cho Voọc con.
 
  Voọc chà vá chan                                            nau, dao Son Tra
Ăn trên cây, ngủ trên cây, thức ăn của Voọc cũng rất phong phú. 
 
Voọc chà vá chan                                            nau, dao Son Tra
Được ngắm các chú Voọc ngũ sắc là điều rất thích thú đối với các du khách mỗi khi khám phá bán đảo Sơn Trà. 
 
Những ngày nghỉ, du khách có thể đến đảo Sơn Trà để ngắm "nữ hoàng" của các loài linh trưởng, điều mà chỉ những nhà sinh học, bảo tồn phải hàng tuần, hàng tháng lội rừng mới có thể thực hiện được ở những vùng rừng khác

Wednesday, March 16, 2016

Nhìn Lại Những Nỗ Lực Của Cựu Hoàng Đế Bảo Đại Trong Cuộc Đấu Tranh Giành Độc Lập Và Thống Nhất Cho Đất Nước Và Dân Tộc Việt Nam

Nhân Dịp Căm Bốt Làm Lễ Quốc Tang Cho Cựu Hoàng Sihanouk, Nhìn Lại Những Nỗ Lực Của Cựu Hoàng Đế Bảo Đại Trong Cuộc Đấu Tranh Giành Độc Lập Và Thống Nhất Cho Đất Nước Và Dân Tộc Việt Nam.

*
Bài này được viết theo lời yêu cầu của một số người trẻ trong đó nhiều người là sinh viên đại học nhằm bổ khuyết cho sự hiểu biết của anh chị em này nói riêng và giới trẻ Việt Nam nói chung về vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn nhân dịp 100 năm năm sinh của ông cũng như về một giai đoạn lịch sử có quá nhiều góc tối hay góc khuất luôn cả oan khuất và cũng nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013 sắp tới. Yêu cầu này cũng đến không lâu khi Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của nước láng giềng thân cận nhất của Việt Nam, Vương Quốc Khmer hay quen thuộc hơn, Căm Bốt, vừa mới băng hà và thi thể còn được quàn tại hoàng cung chờ ngày quốc táng. Khi liên lạc với tôi, như để chắc ăn, một trong những vị này đã dùng cả điện thoại lẫn điện thư và để lại lời nhắn. Để đáp lễ, tôi cũng trả lời anh bằng điện thư trước rồi sau đó gọi điện thoại cho anh. Hai chúng tôi thảo luận với nhau rất lâu, không dưới một giờ đồng hồ về đề tài không mấy đơn giản nhưng vô cùng cần thiết này. Câu chuyện phải nói là vô cùng hào hứng giữa hai người không cùng thế hệ. Vì vậy thay vì viết một bài dưới hình thức khảo cứu, tìm hiểu hay bài học dùng trong lớp học như tôi thường làm, tôi xin được tóm tắt những gì chúng tôi đã chia sẻ với nhau cho bài viết bớt khô khan và nhẹ nhàng hơn hầu người bạn trẻ của tôi có thể đăng trên báo xuân của anh và các bạn của anh. Tôi cũng tránh không nêu tên anh và tổ chức của anh để bài viết có thể được dễ dàng phổ biến rộng rãi hơn cho những anh chị em thuộc những nhóm khác.

Nhu cầu cần được xét lại
Cựu Hoàng Bảo Đại, như sau này người ta thường gọi ông kể từ ngày ông thoái vị, thường bị nhiều người, Việt Nam có, ngoại quốc có, tệ hơn trong đó có cả các sử gia, máy móc theo nhau gọi là vua bù nhìn, tay sai của hết Tây đến Nhật, một ông vua chỉ ham ăn chơi đàng điếm, một thứ playboy do người Pháp nặn ra và đặt lên ngôi để dễ sai bảo. Ngay cả Sử Gia Trần Trọng Kim, khi được Học Giả Hoàng Xuân Hãn khuyên là nên gặp ông để tìm hiểu, lúc đầu cũng đã từ chối, gọi ông là “thằng ngốc”- “thằng ngốc, gặp nó làm gi?”- nhưng sau khi đã gặp rồi, nhà học giả kiêm sử gia này đã phải thay đổi hoàn toàn nhận định mà ông đã có từ trước. Ở đây tôi không bàn về chuyện này mà chỉ nói tới những gì Bảo Đại đã làm ngay từ khi vị cựu hoàng này còn là Đương Kim Hoàng Đế hay sau này là Cựu Hoàng và là Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam. Đây là những đóng góp tôi nghĩ là không nhỏ, nếu không nói là vô cùng lớn lao so với những đóng góp của những lãnh tụ khác của Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho quốc gia và dân tộc của ông bằng đường lối hòa bình, phi bạo lực. Cho cá nhân ông, những nỗ lực của ông đã không mang lại được những thành quả mà ông mong muốn. Ông đã không bảo vệ được di sản mà tổ tiên ông để lại, đã không xây dựng được một chế độ quân chủ lập hiến cho đất nước và thần dân của ông, điều ông muốn làm ngay từ đầu, không giữ được sự đoàn kết dân tộc mà ông trịnh trọng ghi trong chiếu thoái vị… 
Cuối cùng ông đã bị mọi người trách cứ, bỏ rơi và chết ở xứ người. Thần dân cũ của ông không mấy ai để ý tới sự qua đời của ông, trái với cái chết của một quốc vương khác trẻ hơn ông nhưng đồng thời với ông và cũng phải đối phó với vấn đề độc lập của quốc gia giống như ông sau này. Tôi muốn nói tới Cựu Hoàng Norodom Sihanouk của xứ Căm Bốt. Giống nhưng khác với Bảo Đại ở đường lối đấu tranh vì trong đời ông, Sihanouk đã có thời dùng bạo lực để đàn áp đối lập, đã cộng tác với Khmer Đỏ, tổ chức Cộng Sản Căm Bốt chịu ảnh hưởng của Trung Cộng của các lãnh tụ Pol Pot và Ieng Sary, một thời đã mang họa diệt chủng đến cho xứ Căm Bốt khiến cho hàng triệu người dân của xứ này bị tàn sát bằng đủ mọi phương tiện với hàng núi xương được phát hiện, cho đến nay vẫn được bảo tồn coi như di tích của một thời đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Khmer. Còn Bảo Đại thì tuyệt đối không, kể cả việc ông đã từ chối không chấp nhận cho người Nhật đứng ra bảo vệ lãnh thổ, hoàng cung và an ninh cho chính ngôi vị và bản thân ông, chống lại cuộc nổi dậy của Việt Minh và những người Cộng Sản hối Tháng Tám năm 1945 theo trách nhiệm giữ gìn trật tự mà quốc tế giao cho họ. Lý do đơn giản là vì Bảo Đại không muốn dùng ngưới ngoại quốc để chống lại người Việt Nam, đồng bào của ông và thần dân của ông. Sihanouk đã được chính quyền và người dân Căm Bốt thương tiếc bằng những giọt nước mắt nhỏ xuống bên lề đường hay ở trên công viên trước hoàng cung ở Nam Vang hay ở nhiều nơi ở Căm Bốt. Người ta đã long trọng đón thi hài của ông từ Bắc Kinh được đưa về Nam Vang và long trọng làm quốc tang cho ông trong bốn ngày đầu tháng 2 năm 2013, vào lúc người Việt Nam ở trong nước cũng như ở Hải Ngoại sửa soạn mừng đón Xuân Quý Tỵ.

Nỗ lực canh tân đầu tiên với Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm
Trở về với những cuộc tranh đấu của Cựu Hoàng Bảo Đại. Nhà vua đã bắt đầu sự nghiệp này của mình từ rất sớm, ngay từ khi ông mới từ Pháp trở về nước đế chính thức lên ngôi, sau hơn mười năm du học và hấp thụ được cả hai nền văn hóa Đông Tây qua sự rèn luyện của Cựu Khâm Sứ Charles về phía người Pháp và Cử Nhân Lê Như Lâm với tư cách là giảng tập hồi nhà vua còn ở Việt Nam rồi phụ đạo trong suốt thời gian ông ở Pháp về phía người Việt, chưa kể tới những gì ông học được ở các trường trung học Pháp nhất là ở trường Khoa Học Chính Tri ở Paris trong các năm 1922-1932, rèn luyện để làm vua và làm nguyên thủ quốc gia, điều những nhà lãnh đạo trong lịch sử Việt Nam sau này không có.
Tranh đấu này mang tính cách của một cuộc cải cách và đã được khơi mào bởi những vận động của giới trí thức đương thời trước đó, đại diện là học giả Phạm Quỳnh của báo Nam Phong xuyên qua những bài viết của họ Phạm về một chế độ quân chủ lập hiến và về nhu cầu trả lại cho nhà vua quyền nội trị ở hai xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ và trả lại tổ quốc cho ngươòi Việt Nam. Mở đầu, ngay từ tháng 9 năm 1932 Phạm Quỳnh đã được cử làm Ngự Tiền Tổng Lý Văn Phòng hàm Thượng Thư để trực tiếp làm việc với nhà vua. Tiếp theo, ngày 10 tháng 12 năm 1932 bằng một đạo dụ, nhà vua loan báo chính thức cầm quyền qua một chính thể quân chủ lập hiến kèm theo với nhũng dự án cải tổ guồng máy cai trị, hệ thống quan lại, tổ chức giáo dục và tư pháp, Viện Dân Biểu Trung Kỳ… Để thực thi những dự án này, ngày 2 tháng 5 năm 1933, như một biến cố bất ngờ, Bảo Đại lại ký một dụ khác loan báo tự mình chấp chánh và thay thế sáu vị thượng thư già bằng những nhân vật trẻ trong đó có Ngô Đình Diệm giữ Bộ Lại, Phạm Quỳnh giữ Bộ Học, Bùi Bằng Đoàn Bộ Hình…
Những việc làm đầu tiên kể trên của Bảo Đại, mặc dầu đã đem lại những tia hy vọng cho người dân ở hai xứ Bắc và Trung Kỳ về một vận hội mới cho đất nước, đã không tồn tại lâu dài, một phần vì người Pháp cản trở vì trả lại quyền nội trị ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ là trở lại với Hòa Ước 1884 từ đó sẽ động tới các chức thống sứ Bắc Kỳ và Khâm sứ Trung Kỳ, một phần là do mâu thuẫn nội bộ giữa phe quan lại cũ và những trí thức mới, giữa những người đi vào hoạn lộ qua ngả quan trường và những ngưuời đi vào đường này qua đường tắt cũng như giữa hai nhân vật chủ cốt là Phạm Quỳnh và Ngô Dình Diệm mà nhà vua đặt hết tin tưởng vào coi như đôi xe bổ khuyết, hỗ trợ cho nhau. Cuối cùng Ngô Đình Diệm đã từ chức, lôi cuốn theo một vài nhân vật mà nhà vua tin cậy khác.
Thất bại trong cố gắng đầu đời, nhà vua trở thành “cô đơn, chỉ có một mình” để đến khi Hoàng Xuân Hãn nhắc ông là phải làm gì vì giới thanh niên mong đợi, nhà vua đã hỏi lại “Làm gì? Làm với ai?” Có điều ông vẫn không hoàn toàn mất hết hy vọng như sau này ông ghi trong hồi ký của ông: “Dù sao đi nữa, sự có mặt của tôi trên ngôi vẫn làm cho giới trẻ giữ được niềm hy vọng. Những người như Ngô Dình Diệm và Nguyễn Đệ lúc ấy sẽ lại ra giúp tôi theo chiều hướng này” “Chắc ngưòi Pháp cho rằng tôi đã ngoan ngoãn biết nghe theo lời của họ. Dù họ có tin rằng họ đã thắng một cách dễ dàng, tôi cũng chẳng nên có lý do gì ngờ vực tôi. Tôi tin rằng nhân dân sẽ hiểu các hình thái buông thả bên ngoài của tôi, bởi cái hình thái ấy cho thấy sự thờ ơ, lơ là với nhiệm vụ của tôi…” và ông đã sống sót để chờ thời, không bị rơi vào số phận của các VuaThành Thái và Duy Tân mà ông hiểu rõ hơn ai hết cũng như bị mất tinh thần và trở thành một con người vô dụng.

Cơ hội mới: Nhật đảo chính Pháp, 9 tháng 3 năm 1945 – Chính Phủ Trần Trọng Kim hay là Cuộc Cách Mạng Phi Bạo Lực bị bỏ lỡ
Niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của Bảo Đại kể trên đã không uổng. Mười hai năm sau, năm 1945, cơ hội lại đến với nhà vua một lần nữa. Lần này do người Nhật mang lại sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945 lật đổ người Pháp của họ. Không còn con đường nào khác tốt hơn và cũng không để lỡ cơ hội bước đi nhũng bước khởi đầu, khi được người Nhật yêu cầu nhà vua đã cho công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chính Phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập với các bộ trưởng đều là những nhà tân học có khả năng, và đạo đức nổi tiếng đương thời đứng đầu bởi nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, tác giả của những bộ sách Giáo Khoa Thư và nhất là bộ Việt Nam Sử Lược cho tới khi bài này được viết vẫn còn thông dụng, với sự cộng tác của những tên tuổi quen thuộc với học giới dương thời như Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn, Luật Sư Vũ Văn Hiền, Luật Sư kiêm nhà báo Phan Anh, Luật Sư Trần Văn Chương…
Mặc dầu không tồn tại lâu dài, tất cả chỉ được hơn bốn tháng, thực tế còn ngắn hơn nhiều, hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh, bị Việt Minh đánh phá ngay từ đầu rồi tuyên truyền phá hoại và thiếu thốn đủ mọi phương tiện, Chính Phủ Trần Trọng Kim đã tạo được những thành tích đáng ca ngợi. Cả một chương trình hành động nhằm xây dựng một nước Việt Nam mới đã được dự trù bao trùm mọi phạm vi sinh hoạt từ soạn thảo hiến pháp, cải tổ thuế má, Việt Nam hóa giáo dục, thu hồi các nhượng địa, kể cả xứ Nam Kỳ, cứu đói, chống nạn mù chữ … đều đã đồng thời được thực hiện. Quốc hiệu Việt Nam với danh xưng đầy đủ là Đế Quốc Việt Nam đã được lựa chọn cùng với bài Đăng Đàn Cung làm quốc ca, cờ quẻ ly nền vàng ba sọc đỏ với hai sọc trên liền, sọc giữa đứt đoạn làm quốc kỳ. Danh xưng bộ trưởng để gọi những người đứng đầu các bộ được dùng để thay thế bằng danh xưng thượng thư của thời trước, các tên Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ thay thế cho các tên Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mang nặng dấu vết của thời thuộc địa.
Chương trình giáo dục bằng tiếng Việt được biết dưới tên Chương Trình Hoàng Xuân Hãn đã được soạn thảo và áp dụng và đã trở thành nền tảng cho nền giáo dục sau này, rõ hơn những năm đầu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thời Quốc Gia Việt Nam và hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhi Cộng Hoà ở Miền Nam. Bài Đăng Đàn Cung tuy được chọn làm quốc ca nhưng trên thực tế thì bài Tiếng Gọi Sinh Viên đã được giới thanh thiếu niên, dưới sự hướng dẫn của các thày giáo ở các trường hát mỗi ngày một nhiều, đã được phổ biến hơn không phải chỉ ở miền Bắc và miền Trung mà luôn cả ở Miền Nam, miền đất cho đến khi Chính Phủ của Thủ Tướng họ Trần được thành lập vẫn chưa thực sự được trả về với lãnh thổ quốc gia, để sau này trở thành quốc ca, một hiện tương đã nằm trong ký ức của những người thuộc thế hệ trẻ đương thời tới nay vẫn chưa hề phai nhạt.
Nỗ lực lần thứ hai của Bảo Đại tuy nhiên cũng không tồn tại được lâu dài. Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt với sự đầu hàng của Nhật Bản đã một lần nữa làm cho nhà vua phải bỏ dở. Lợi dụng cơ hội, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và áp lực những thành phần thiên Cộng khiến cho ngày 25 tháng 8 năm 1945 ông phải xuống chiếu thoái vị trao quyền cho Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời của ông này do Việt Minh lãnh đạo. Với Chiếu Thoái Vị, Bảo Đại đã trở thành nổi tiếng với câu nói: “ Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”

Nỗ lực lần thứ ba: Hiệp Định Élysée và sự thành Lập Quốc Gia Việt Nam – Thâu Hồi xứ Nam Kỳ về cho lãnh thổ của dân tộc 
Bỏ qua những cố gắng của ông thời đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước và những cố gắng của ông sau khi ông tuyên bố độc lập ngày 11 tháng 3 năm 1945 mà tôi tóm tắt như trên, những biến cố ít người được biết đến, công lao lớn nhất mà Hoàng Đế Bảo Đại đã thực hiện được cho những người Việt Quốc Gia không chấp nhận chế độ Cộng Sản hay không sống nổi với chế độ Cộng Sản, đã ở lại, đã về hay dự tính về những vùng kiểm soát của người Pháp vào nửa cuối thập niên 1940 là Hiệp Định Élysée mà ông đã đạt được ngày 8 tháng 3 năm 1949, sau một thời gian dài thương thuyết, dưới hình thức trao đổi văn kiện giữa ông và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol. Với Hiệp Định Élysée Quốc Gia Việt Nam đã hình thành để những ai không chấp nhận chính quyền Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo có chỗ trở về trong danh nghĩa của những công dân của một nước Việt Nam độc lập. Không có Bảo Đại, không có Quốc Gia Việt Nam, tất cả đều được nhìn hoặc như là theo Pháp để trở thành Việt gian làm bồi cho thực dân, đế quốc, hoặc là phải ở lại vùng Việt Minh kiểm soát để sớm muộn cũng bị loại trừ và tiêu diệt. Điều này đã xảy ra.
Nói cách khác, Bảo Đại và Hiệp Định Élysée đã đem lại chính nghĩa cho những người đương thời không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản. Chưa hết, với Hiệp Định Élysée, Bảo Đại đã thâu hồi lại xứ Nam Kỳ cho Tổ Quốc Việt Nam một cách hòa bình, không đổ máu mà Hồ Chí Minh và Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đó qua những thỏa ước 6 tháng 3 rồi 14 tháng 9 năm 1946 hay hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau đã không làm được. Lễ thâu hồi đã chính thức được cử hành vào ngày 14 tháng 6 năm 1949. Với tư cách Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam, lần đầu tiên ông đã từ Đà Lạt, thủ đô tạm thời của ông về Saigon để long trọng đón phần đất đã từng là thuộc địa của Pháp từ năm 1862 trở về với lãnh thổ quốc gia và người dân Nam Kỳ đã trở thành công dân của Quốc Gia Việt Nam để cùng tham gia xây dựng lại đất nước dù là ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Một người dân miền Nam không lâu sau đó đã được bổ nhiệm đứng đầu miền Bắc. Đó là Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Tâm, với danh vị Thủ Hiến Bắc việt. Đây là một sự thực không ai có thể chối cãi được và khi nói xấu ông người ta chỉ còn cách lơ đi không nói tới mà thôi.
Quốc Gia Việt Nam thường được hiếu là tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa, từ đó bị ngộ nhận là có lãnh thổ chỉ là lãnh thổ của Miền Nam Việt Nam sau này tức từ vĩ tuyến 17 trở xuống. Điều này không đúng. Bắt đầu từ thời điểm 14 tháng 6 năm 1949, khi Nam Kỳ trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam và cho đến khi Hiệp Định Genève được thông qua và trớ thành có hiệu lực, Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam của Quốc Trưởng Bảo Đại đã chính thức và hợp pháp kiểm soát những miền đất phía trên vĩ tuyến này, từ Lào Kay, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cáy… cho tới Hà Tiên và mũi Cà Mau, từ đồng bằng cho tới các cao nguyên do người Pháp chiếm giữ trước đó và trao trả. Nói cách khác, Quốc Gia Việt Nam có lãnh thổ bao trùm đất đai của người Việt từ Bắc chí Nam, từ Biển Đông với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Thủ Tướng Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng xác nhận ở Hội Nghị San Francisco vào hai ngày 6 và 7 tháng 9 năm 1951) tới các cao nguyên và miền núi, sau này, từ ngày 14 tháng 6 năm 1949, bao gồm luôn cả Miền Nam hay Nam Kỳ Lục Tỉnh thay vì chỉ có Miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống tức lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà về sau này.
Cờ vàng ba sọc đỏ và bài Tiếng Gọi Thanh Niên sau này là Tiếng Gọi Công Dân đã được tung bay hay được hát ở kháp nơi hay đới với giới trẻ đương thời, được học sinh các trường trung và tiểu học, mới được mở cửa trở lại sau những ngày đầu của chiến tranh, hát lên buổi sáng trước khi vào lớp. Quốc kỳ này và quốc ca này đã được lựa chọn cùng thời với danh xưng Quốc Gia Việt Nam đã liên tục được duy trì qua các thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà của Miền Nam Việt Nam trong suốt hai mươoi năm tồn tại. Sau này cà hai vẫn được bảo tồn và bảo vệ ở Hải Ngoại coi như tượng hai biểu tương vừa thiêng liêng vừa thân thiết nhất của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Một sinh hoạt bình thuờng đã thực sự hồi sinh. Các cơ cấu từ chính trị, hành chánh, quân sự, văn hóa, giáo dục mang màu sắc nhân bản vừa cổ truyền, vừa tân tiến theo trào lưu mới đã từng bước một thành hình và làm nền tảng cho các sinh hoạt ở Miền Nam trước khi bị những người Cộng Sản phá bỏ để thay thế bằng những tổ chức riêng của họ. Nên nhớ là với Thỏa Ước Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 Hồ Chí Minh ký với đại diện Cao Ủy Pháp ở Đông Dương Jean Sainteny và Tạm Ước 14 tháng 9 ký với Bộ Trướng Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet vấn đề thống nhất xứ Nam Kỳ chưa được giải quyết. Nói cách khác Nam kỳ cho tới ngày 14 tháng 6, trước khi được Bảo Đại thu hồi vẫn thuộc quyền cai quản của người Pháp theo các Hòa Ước 1862 và 1874. Sau ngày 14 tháng 6 năam 1954, xứ này mới thực sự trở về với lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam, sau này là Việt Nam Cộng Hòa và luôn luôn nằm ngoài lãnh thổ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cho mãi đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đối với những người thuộc thế hệ sinh từ cuối thập niên 1920 và hai thập niên 1930, 1940, sự hình thành của Quốc Gia Việt Nam đã đem lại cho họ một nền giáo dục nhân bản và tiến bộ, vừa mang những đặc tính của thời xưa, vừa cởi mở, khai phóng để đón nhận những tinh hoa của thời đại thay vì lang thang không được đi học trong nhiều năm trong vùng “kháng chiến”. Nền giáo dục này đã cung cấp cho họ những điều kiện cơ bản để tiến xa hơn về sau này. Cũng vậy với sự thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt từ đầu thập niên 1950 mà người ta hầu như đã quên.
Đối với những người làm văn chương, âm nhạc và nghệ thuật sự thành lập Quốc Gia Việt Nam là thời kỳ mở dầu cho một giai đoạn phát triển mới vừa tiếp nối giai đoạn canh tân, trẻ trung, đầy sinh lực và lãng mạn của thời cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940 vừa tràn ngập hân hoan, hào hứng và tin tưởng vào cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất lãnh thổ và phát triển quốc gia dưới một chính quyền mới không Cộng Sản. Rõ rệt nhất trong hiện tượng này là trường hợp của các nhạc sĩ trong đó có Phạm Duy, Thẩm Oánh, Hùng Lân, Phạm Định Chương…, chỉ kể một vài tên tuổi quen thuộc.
Nói về Hiệp Định Élysée và những thỏa thuận giữa Bảo Đại và người Pháp trước đó, nhiều người cho rằng Cựu Hoàng đã vội vã và không đòi hỏi đúng mức những gì co thể đòi hỏi được. Các vị này chủ trương là phải đòi độc lập hoàn toàn. Điều này đúng nhưng không thực tế. Thời điểm của những năm 1948, 1949 với sự thắng thế mỗi ngày một rõ của Hồng Quân Trung Hoa ở Trung Quốc, cả hai phía người Pháp và Bảo Đại phải cấp tốc giải quyết vấn đề. Không những thế, đuổi Pháp đi thì ngay lập tức lấy gì để chống Việt Minh và ngay lập tức điều hành toàn thể mọi sinh hoạt của đất nước? Vấn dề không đơn giản.Người ta không thể điều đình mà không tương nhượng và dự trù cho những sự hợp tác tương lai.

Đóng góp cuối cùng: Hiệp Ước Paris 04 tháng 06 năm 1954 – một nền Độc Lập hoàn Toàn cho Quốc Gia Việt Nam
Hiệp Định Élysée chỉ là khởi đầu. Nền độc lập do hiệp ước này mang lại chưa thực sự hoàn toàn. Nhiều bước tiến khác còn phải được thực hiện. Bảo Đại đã tiếp tục và đã hoàn tất được công tác này với sự trợ giúp của những trí thức hiểu rõ nước Pháp và người Pháp, giỏi về chính trị và luật pháp có mặt ngay trên đất Pháp và giảng dạy ngay tại các đại học Pháp, những người có đầy đủ học vị, thực học và kinh nghiệm. Đích thân ông, ông đã phải sang Pháp, ở tại chỗ nhằm tự mình theo dõi và đôn đốc. Sau một tiến trình đàm phán gay go và lâu dài, hai hiệp ước đã thành hình. Với hiệp ước thứ nhất, Pháp công nhận hoàn toàn nền độc lập và chủ quyền toàn vẹn của Quốc Gia Việt Nam và qua hiệp ước thứ hai, Việt Nam thỏa thuận gia nhập Liên Hiệp Pháp. Đại Diện cho nước Pháp là Thủ Tướng Joseph Laniel và đại diện cho Việt Nam là Thủ Tướng Bửu Lộc.
Ngày được ghi là 04 tháng 6 năm 1954 và địa điểm là Paris, thủ đô của nước Pháp. Bảo Đại đã không có được niềm hạnh phúc mà cả đời ông ấp ủ là được chứng kiến lễ ký kết những hiệp ước này. Ngày 7 tháng 5, Điện Biên Phủ thất thủ, Hiệp Định Genève đang thành hình và cả hai văn bản đã bị vĩnh viễn xếp lại. Một lần nữa thành công của vị Hoàng Đế cuối củng của Triều Nguyễn đã không trọn vẹn. Điều ta nên nhớ là trong nỗ lực cuối cùng này, ông đã phải dời bỏ quê hương của ông sang Pháp để đích thân gặp các nhân vật lãnh đạo Pháp, kể cả Tổng Thống Auriol, theo dõi và đôn đốc các đại diện của mình, bị báo chí Pháp công kích vì đã đòi hỏi quá nhiều, sau này lại còn bị mang tiếng là ham sống ở nước ngoài không chịu về nước. Dù sao với hai hiệp ước đề ngày 04 tháng 6 này, ông đã đem lại được những gì ông mong ước cho đất nước và cho thần dân Việt Nam của ông. Thiên Mạng của ông sau đó không còn nữa. Điều đáng tiếc là ông đã không còn trờ về quê hương của ông để làm công dân một nưóc độc lập như ông mong muốn được nữa. Người đời đã quên ông và thần dân của ông dã quên ông hay nếu nhớ tới ông chỉ là nhớ để trách cứ.
Mà trách cứ thì luôn luôn dễ hơn là ghi nhận và nhất là ghi ơn. Người ta đã đòi hỏi ở ông quá nhiều mà quên mất một điều là dù là vua, là thiên tử, ông vẫn chỉ là con người, con người với tât cả mọi nhược điểm của con người, nhiều khi không phải do bản chất của người ấy mà do hoàn cảnh gây ra. Bảo Đại đã lên ngôi vào lúc chế độ quân chủ ở Việt Nam đang ở tình trạng suy đồi và bị tấn công từ nhiều phía trong lúc chủ trương dân chủ mỗi ngày mỗi thêm thắng thế. Người ta không biết có bao nhiêu giọt nước mắt đã nhỏ xuống cho ông khi ông qua đời như chúng đã được nhỏ xuống khi ông đọc chiếu thoái vị trước cửa Ngọ Môn hồi năm 1945. Phải chăng sau hơn nửa thế kỷ, hơn 52 năm sau, tất cả đều đã thay đổi? Có điều đất nước Việt Nam vẫn không hề tiến bộ hơn, lãnh thổ quốc gia mà Bảo Đại đã thâu hồi hay xác nhận chủ quyền và để lại cho những người kế vị ông đã bị hao mòn không ít, và người dân Việt Nam bình thường vẫn chưa tìm lại được cuộc sống thanh bình, no ấm mà bất cứ một vị vua nào trong lịch sử nước nhà đều mong mỏi với một xã hội trong đó “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” như Trần Nguyên Đán đã miêu tả xã hội Đại Việt cuối thời Nhà Trần.
Huntington Beach, CA ngày 03 tháng 02 năm 2013


TS Phạm Cao Dương