Saturday, October 31, 2015

Câu chuyện cậu bé đi tìm mẹ khiến cả nước Đức cảm động

 Bé trai Derby hơn 9 tuổi là một cậu bé bị bỏ rơi và lớn lên ở cô nhi viện. Cậu bé mong muốn được tìm thấy mẹ. Tình yêu của Derby đối với người mẹ trong mơ của mình và con đường tìm mẹ đặc biệt của em đã làm cảm động người dân nước Đức.

tìm mẹ, nước Đức, derby, cậu bé mồ côi, cảm động, 10 việc tốt,
“Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ?”. (Ảnh: Internet)
Con đường tìm mẹ đặc biệt của Derby
Tháng 2/1994, ở phía Bắc nước Đức tuyết trắng phủ dầy đặc, trại trẻ mồ côi Yite Luo nằm bên ven sông Rhine, tĩnh lặng trong gió tuyết. Sáng sớm hôm ấy, nữ tu sĩ Terri, 50 tuổi ra ngoài làm việc. Lúc vừa ra đến cổng, bà láng máng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Bà liền tìm theo tiếng khóc thì phát hiện một bé trai tóc vàng được đặt trong một bụi cây ở cạnh cổng trại. Nữ tu sĩ này đã đưa cậu bé về trại trẻ nuôi dưỡng và đặt tên cho cậu là Derby.
Bảy năm ở cô nhi viện, cậu bé Derby lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Cậu bé có tấm lòng lương thiện, nhưng tính cách lại có chút u buồn. Một ngày thời tiết nắng ráo, các nữ tu sĩ đã dẫn bọn trẻ đi qua một rừng cây để đến một đồng cỏ xanh ở ven bờ sông dạo chơi. Những người ở trong thị trấn gần rừng cây đều chỉ vào những đứa trẻ này và nói: Những đứa trẻ này đều là bị cha mẹ bỏ rơi, nếu con mà không nghe lời, mẹ cũng sẽ đem bỏ con vào cô nhi viện đấy !

Nghe thấy những lời nói này, Derby cảm thấy vô cùng đau lòng. Cậu bé không nhịn được liền hỏi nữ tu sĩ:Mẹ ơi! Tại sao cha mẹ con lại không cần con ? Có phải là họ ghét con không ? Giọng nói của cậu bé tràn đầy bi thương không hề giống với lời nói của những đứa trẻ khác cùng độ tuổi.
Nữ tu sĩ nghe xong giật mình hỏi Derby: “Tại sao con lại nghĩ như vậy?”
Derby trả lời: “Tại vì con nghe thấy mọi người đều nói như vậy, chúng con đều là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi!”
Nữ tu sĩ an ủi cậu bé:Mặc dù mẹ chưa từng gặp mặt mẹ của con, nhưng mẹ tin rằng nhất định mẹ của con rất yêu thương con. Trên đời này không có người mẹ nào là không yêu thương con của mình cả. Năm đó mẹ của con để con lại, chắc chắn là vì một lý do bất đắc dĩ nào đó thôi”.
Derby nghe xong lặng im không nói lời nào, nhưng từ đó trở đi cậu bé thay đổi rất nhiều. Cậu thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine. Cậu hy vọng những dòng nước đang chảy trên sông Rhine có thể đem tình cảm của cậu đến với mẹ.
Vào “ngày của mẹ” năm 2003, không khí ấm áp của ngày lễ lại một lần nữa dấy lên khát vọng mãnh liệt được gặp mẹ của Derby. Ngày hôm đó, các kênh truyền hình đều đưa tin về các hoạt động ăn mừng, đăng tải những hình ảnh về tình mẹ con. Có một cậu bé 6 tuổi, mồ hôi chảy đầm đìa trên người đang giúp mẹ cắt cỏ. Mẹ của cậu bé nhìn cậu bé mà cảm động rơi nước mắt. Derby khi xem tới hình ảnh này đã nói với nữ tu sĩ: “ Con cũng muốn được làm việc giúp mẹ ! Mẹ ơi ! Mẹ có biết cha mẹ của con đang ở đâu không ạ ?”
Nữ tu sĩ trầm tư, không nói được lời nào, bởi vì suốt mấy năm qua bà không hề nhận được tin tức gì của cha mẹ cậu bé cả. Đột nhiên, Derby chạy ra ngoài đường, cậu cứ chạy, trên đường có rất nhiều người mẹ nhưng lại không có ai là mẹ của cậu bé cả. Derby đau khổ và gào khóc.
Mấy tháng sau, khi Derby được 9 tuổi, cậu bé rời khỏi cô nhi viện để đến học tập ở một ngôi trường gần đó. Một lần lên lớp, thầy giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện: “Thời xưa, có một vị hoàng đế rất yêu thích chơi cờ vây, vì vậy ông liền quyết định ban thưởng cho người phát minh ra trò chơi này. Kết quả, người phát minh này lại mong muốn ban thưởng cho anh ta mấy hạt gạo. Tại ô thứ nhất trên bàn cờ đặt một hạt gạo, ô thứ hai đặt hai hạt gạo, tại ô thứ 3 số hạt gạo gấp lên 4 lần…Theo đó suy ra, đến khi bỏ đầy bàn cờ thì số hạt gạo đã là 18 triệu tỷ hạt”.
Cậu chuyện này làm cho hai con mắt của Derby lập tức sáng lên. Cậu nghĩ nếu như cậu giúp một người, sau đó yêu cầu người đó giúp 10 người khác …Với cách này, Derby hy vọng một ngày nào đó biết đâu người được yêu cầu trợ giúp lại là mẹ cậu. Ý nghĩ này đã khiến Derby vui mừng khôn tả. Từ đó về sau, mỗi lần cậu làm một việc tốt giúp một người nào đó, lúc người đó cảm ơn cậu, cậu đều nói: “ Xin cô (chú…) hãy giúp đỡ 10 người khác ạ! Đó là cách cảm ơn lớn nhất đối với cháu !”. Những người này sau khi nghe xong, đều vô cùng cảm kích trước tấm lòng lương thiện của cậu bé. Tất cả họ đều thực hiện lời hứa của mình, mỗi khi họ giúp ai đó họ lại đề nghị người kia giúp đỡ 10 người khác. Cứ như vậy, toàn bộ người dân ở thành phố đó đều âm thầm thực hiện lời hứa của mình.
Sức mạnh của “10 việc tốt” :
Derby không thể ngờ mình lại có thể giúp đỡ ông Rick, một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức.
Rick là một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức. Mặc dù ông đã 50 tuổi nhưng với ngôn ngữ hài hước hóm hỉnh của mình, ông vẫn thu hút sự yêu mến của khán giả. Các chương trình của ông gần như đều vạch trần hết những bí mật của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, có lẽ là do áp lực từ hãng truyền hình và sự cạnh tranh trong công việc, hơn nữa phải chứng kiến quá nhiều mảng tối của xã hội nên vào năm 2003, ông mắc bệnh trầm cảm và không thể tiếp tục được công việc.
Tháng 10/2003, ông đã xin đài truyền hình cho ông được nghỉ dưỡng một năm. Ông hy vọng trong thời gian nghỉ ngơi, ông có thể thả long để sức khỏe được tốt hơn lên. Một thời gian ngắn sau, ông Rick đã tới thành phố mà Derby đang sinh sống để tham quan. Ông đã bị vẻ đẹp của dòng sông Rhine thu hút. Một lần khi trời chạng vạng tối, đang đi trên bờ sông dạo chơi thì bệnh tim của ông đột nhiên tái phát. Ông chưa kịp lấy thuốc từ trong túi ra uống thì đã ngã ngất xỉu trên mặt đất. Cậu bé Derby lúc ấy đang câu cá trên bờ sông phát hiện ra ông bị ngất xỉu nên đã gọi điện cho xe bệnh viện đến đưa ông đi cấp cứu.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Rick đã qua khỏi, ông nắm lấy đôi tay của Derby và nói: Cháu bé, ông phải làm sao để cảm ơn cháu đây? Nếu như cháu cần tiền, ông có thể cho cháu rất nhiều tiền ! ”.
Derby nghe xong liền lắc đầu nói: Nếu như ông có thể giúp đỡ 10 người khác khi họ cần sự giúp đỡ, như vậy chính là ông đã cảm ơn cháu rồi ạ !”.
Ông Rick cảm thấy khó hiểu liền hỏi cậu bé: “Cháu cái gì cũng đều không cần sao?”. Derby cười và lắc đầu.
Ông Rick liền bị cậu bé kỳ lạ này thu hút. Ông đã để lại cách liên lạc cho Derby và đưa cậu bé trở về trường. Trước khi ông Rick rời đi, Derby lại dặn dò ông một lần nữa: “Cháu xin ông nhất định hãy làm đủ “10 việc tốt” ạ !” Ông Rick nhìn qua đôi mắt đang rực sáng của cậu bé, trong lòng ông cảm thấy ấm áp thế là ông nghiêm túc gật đầu.
Từ đó về sau, ông Rick cảm thấy sống vui vẻ hơn và chăm chú giúp đỡ 10 người khác. Mỗi lần giúp đỡ được một người, trong lòng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhất là những lúc họ nói lời “cảm ơn” với ông, ông cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn rất nhiều.
Chưa đến nửa kỳ nghỉ phép, ông Rick đã trở lại đài truyền hình làm việc. Khi ông quay lại làm việc, tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi chóng mặt của ông. Ông trở nên vui tươi, lạc quan và hòa đồng với mọi người hơn.
Ngày 01/12/2003, ông Rick lần đầu tiên lên sóng truyền hình sau kỳ nghỉ dài. Tại đây ông đã nói với khán giả: “Trước đây, tôi đã nói rất nhiều những câu chuyện của người khác, hôm nay tôi sẽ kể câu chuyện của chính mình”. Ông xúc động kể về sức mạnh của “10 việc tốt” trong vòng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói: “Có lẽ, không ai tin đây là chuyện thật, nhưng chuyện này đã tiếp thêm rất nhiều động lực sống cho tôi. Xin các bạn cũng hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần giúp, tôi tin rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được loại cảm giác kỳ diệu này !”
Thông qua truyền hình, chương trình của ông Rick được phát sóng trên khắp nước Đức. Mọi người đều rất xúc động về câu chuyện này. Đã có rất nhiều người gọi điện cho ông Rick nói rằng họ sẵn lòng làm “10 việc tốt này. Thậm chí còn rất nhiều khán giả yêu cầu được nghe Derby nói chuyện trên truyền hình bởi vì họ muốn gặp cậu bé lương thiện này.
Tháng 1/2004, Derby đã đến đài truyền hình chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại hiện trường, có người đã hỏi cậu: “Tại sao cậu lại có suy nghĩ như vậy?”. Derby cảm thấy do dự, cậu cắn môi đứng lặng một lúc, rồi mới cất tiếng kể rõ chuyện đời mình. Rất nhiều người đã vô cùng xúc động và bật khóc trước tình yêu vô bờ bến của cậu bé dành cho mẹ mình.
Ông Rick đã ôm chặt lấy thân thể gầy yếu của Derby và nói: “Mẹ của cháu nhất định yêu cháu vô cùng, cháu nhất định sẽ tìm được mẹ!”
Tình yêu của hàng ngàn người mẹ
Sau sự tình ấy, toàn bộ người dân biết chuyện này đã đề ra chiến dịch “10 việc tốt”. Trước đây, mọi người đều lạnh lùng thì giờ đây lại đối xử với nhau rất có tình. Mọi người đều mong rằng người mà mình đang giúp chính là mẹ của cậu bé Derby kia.
Derby đã trở nên rất nổi tiếng và đài truyền hình cũng giúp cậu tìm mẹ, nhưng mẹ của Derby mãi vẫn không thấy xuất hiện…
Tháng 2/2004, một sự việc bất hạnh và đau lòng đã xảy ra với Derby. Nơi Derby sinh sống là một khu phố nghèo. Sau khi Derby nổi tiếng, các tay xã hội đen nghĩ rằng cậu bé có nhiều tiền. Đêm ngày 16/02/2004, trên đường trở về trường học, Derby đã bị một nhóm lưu manh vây quanh, nhưng bọn họ không tìm thấy tiền trên người cậu bé, nên đã đâm trọng thương cậu bé.
Cậu bé Derby bị đâm thủng bụng và gan, cậu nằm trên vũng máu mãi đến hai tiếng đồng hồ sau mới được cảnh sát tuần tra phát hiện. Họ đưa cậu bé vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, trong lúc hôn mê, Derby một mực gọi Mẹ ! Mẹ ! Mẹ !…” mãi không thôi.
Đài truyền hình tiếp sóng trực tiếp tình trạng của Derby. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho cậu. Mấy chục sinh viên đến quảng trường Alexanderplatz, nắm tay nhau thành một vòng tròn và kêu gọi: “Mẹ! Mẹ!…” Những tiếng gọi này làm cảm động những người qua đường, họ liền gia nhập vào nhóm đứng xếp thành hình trái tim. Số người tham gia càng lúc càng đông lên, trái tim cũng càng lúc càng lớn hơn.
Điều cảm động hơn nữa là có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến đài truyền hình xin được giả làm mẹ của Derby. Cô Rita, một giáo sư tại trường đại học Munich đã khóc nức nở và nói: “Derby là một đứa trẻ tốt như vậy, được giả làm mẹ của cậu bé, tôi cảm thấy vô cùng tự hào”. Một phụ nữ khác 35 tuổi gọi điện đến nói: “Tôi từ nhỏ đã không có mẹ. Tôi cũng vô cùng khát khao được gặp mẹ. Tôi có thể hiểu được tâm tình của Derby”.
Có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến để xin được làm mẹ của Derby, nhưng mẹ của Derby thì chỉ có Một. Cho nên, đài truyền hình đã thảo luận và chọn cô Judy làm mẹ của Derby. Bởi vì cô ấy sống cùng thành phố với cậu bé, hơn nữa giọng nói của cô ấy cũng giống với giọng của cậu bé, như vậy sẽ càng có cảm giác thân thiết hơn.
Sáng sớm ngày 17/02/2004, sau một thời gian dài bị hôn mê, cậu bé Derby đã mở mắt. Cô Judy đã ôm một bó hoa loa kèn đẹp xuất hiện ở đầu giường của Derby. Cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Derby và nói: “Con trai Derby yêu quý ! Mẹ chính là mẹ của con đây!”. Derby dường như nhìn thấy ánh mặt trời, đôi mắt cậu đột nhiên sáng rực lên, cậu đã rất ngạc nhiên và hỏi:“Mẹ thực sự là mẹ của con sao?”. Cô Judy dùng hết sức ngậm lấy nước mắt và gật gật đầu. Tất cả mọi người có mặt ở đây cũng mỉm cười nhìn Derby và gật đầu. Hai dòng nước mắt nóng chảy ra từ đôi mắt của Derby: “ Mẹ ơi, con đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi ! Con xin mẹ đừng bỏ con nữa, được không mẹ ?”
Cô Judy gật đầu và nghẹn ngào nói: “Con trai yêu quý của mẹ, con hãy yên tâm đi, mẹ sẽ không bao giờ rời xa con nữa…!”. Trên khuôn mặt tái nhợt của Derby nở một nụ cười. Cậu còn muốn nói nhiều hơn nữa nhưng đã không còn sức lực nữa rồi…
Đây là ngày cuối cùng của Derby ở trên cõi đời này, cậu bé luôn nắm thật chặt bàn tay của mẹ mà không buông ra, cậu cũng không muốn nhắm mắt lại vì muốn được nhìn thấy mẹ nhiều hơn… Tất cả mọi người đều òa khóc, cảm thấy như trái tim mình đang vỡ tan ra.
Hai giờ sáng ngày 18/02/2004, Derby đã nhắm mắt lại, vĩnh viễn rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay của cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ.
Theo Daikynguyenvn / NTDTV

Chẳng có gì đáng tiếc…

Đỗ Quân

Chẳng có gì đáng tiếc...
Hôm 12 tháng 10, tờ The New York Times đưa tin Playboy, tạp chí chuyên đăng hình phụ nữ khỏa thân, suốt 62 năm nay, đã công bố từ Tháng 3 năm 2016, những hình ảnh khỏa thân hoàn toàn sẽ không còn xuất hiện trên mặt tờ báo tháng này nữa.
Tuy bản tin của NYT được một số người đọc chú ý, đã có những người trẻ ngơ ngác hỏi nhau “Playboy là báo gì vậy?”
“Playboy là báo gì vậy?” Sự ngơ ngác đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định của Playboy.

H 2
Trước năm 1975, ở miền Nam Việt Nam, mặc dù các tạp chí ngoại quốc được phép nhập cảng về các nhà sách hay mua qua bưu điện, nhưng tờ Playboy không nằm trong danh sách chính thức được nhập về Việt Nam. Có lẽ thời gian mà người Việt Nam biết đến tờ Playboy là khoảng từ năm 1965 trở về sau. Ngày đó, những tờ tạp chí khổ lớn, nhiều hình hấp dẫn, in trên giấy láng, dầy cui, nặng chịch này đã trở thành một món hàng bán được khá tiền của mấy bà chuyên đi mua đổ lạc xoong, giấy báo cũ khi họ mua được từ các người quét dọn những chúng cư của quân nhân Mỹ hay các nhà tư nhân cho Mỹ thuê.
Những tờ tạp chí này sau đó được đưa ra chợ sách cũ góc rạp Nam Quang – góc Lê Văn Duyệt – Trần Quý Cáp, bên cạnh trường trung học tư thục Trường Sơn. Từ chợ sách Lê Văn Duyệt, tờ tạp chí kín đáo chui vào cặp các anh lớn, rồi rơi xuống sàn nhà vào tay các cậu em lớp nhỏ trung học. Họ giấm giúi chuyền nhau dưới gầm bàn…

Thật ra thì tờ Playboy chẳng những không lấy gì làm tội lỗi cho lắm vì nó còn có giá trị văn chương văn học nữa. Trong tờ tạp chí này ngoài hình mát mẻ còn có rất nhiều bài vở, từ tài liệu nghiên cứu, nghị luận, đến phỏng vấn, truyện ngắn. Viết cho tờ báo là hầu hết những tên tuổi lừng danh hậu bán thế kỷ 20 trong lãnh vực văn chương, văn học. Phía truyện ngắn chẳng hạn, như các nhà văn khoa học giả tưởng Ray Bradbury; Arthur Clarke; Ian Fleming, tác giả loạt tiểu thuyết gián điệp 007; Vladimir Nabokov, nhà văn đoạt Nobel – tác giả Lolita, Stephen King, vua kinh dị; Saul Bellow, kịch tác gia; Margaret Atwood, nữ văn sĩ Canada tên tuổi …
Nhưng đúng là người ta biết đến Playboy đầu tiên vì những tấm hình màu, và đặc biệt là tấm hình chiếm trọn 2 trang giữa, được gọi là “spread”. Những hình này thường được cẩn thận gỡ ra khỏi tờ báo, ghim lên vách tường.

 

4

Đế chế Playboy
Hugh Marston Hefner, người sáng lập ra tờ tạp chí, và sau đó là đế chế Playboy, đã mừng thượng thọ cách đây gần chục năm. Ông sinh năm 1926 ở Chicago.

Sau khi tốt nghiệp ngành tâm lý học ở Đại học Illinois, Hugh Hefner làm việc cho tạp chí danh giá Esquire ở Chicago với vị trí biên tập viên quảng cáo. Năm 1953, lúc ấy chàng 26 tuổi, có vợ nhưng đời sống hôn nhân không vui vẻ lắm, Hefner nhất định phải làm một cái gì đó nếu không muốn “Cuộc đời của tôi chẳng là cái gì hơn một sự lập lại cuộc đời của ba má tôi.”
Khi tờ Esquire dọn nhà sang New York, Hefner không đi theo, ở lại Chicago để mở tờ báo riêng của mình, một tờ báo dành riêng cho nam giới, và chủ đề là “cô nàng nhà bên cạnh” (the girl next door). Đây là một quyết định khá mạo hiểm, vì theo chính Hefner kể lại trong một cuộc phỏng vấn, Chicago thời đó là một thành phố đa số dân là người Công giáo. Gia đình anh là những tín đồ Methodist bảo thủ. Khi anh nói chuyện về tờ báo với cha, một kế toán viên, để vay tiền, ông đã từ chối. Bà mẹ giúi cho anh $1,000. Bà là một nhà giáo. Hefner nói, bà biết anh dùng tiền để làm “báo người lớn” và “bà không chấp nhận tờ tạp chí nhưng chấp nhận anh con trai.”

 

H 6
Tuy nhiên, Hugh Hefner khẳng định, và tái khẳng định sau này, tờ báo mà anh làm không phải chỉ là toàn về sex và phụ nữ. Tờ tạp chí anh sẽ làm là một tờ báo có nội dung “entertainment for men”, cổ động cho một “phong cách sống”, trong đó sex chỉ là một phần. Hefner viết trên trang quan điểm của số báo đầu tiên rằng nam tính không chỉ là thể hiện ở những thú vui ngoài trời như vượt thác, săn gấu mà có thể chứng minh ở trong nhà, “Chúng ta thích căn apartment của mình. Chúng ta thích pha cocktails và làm một hai món hors d’oeuvre, đặt một đĩa nhạc lên máy hát để tạo không khí và mời một phụ nữ vào để cùng nhẹ nhàng thảo luận về Picasso, Nietzsche, jazz, sex.” Anh muốn dùng tờ báo với các bài vở, quảng cáo và hình khỏa thân để cổ động cho chủ nghĩa khoái lạc cao cấp – upscale hedonism.
Số Playboy đầu tiên ra đời tháng 12 năm 1953 với hình của Marilyn Monroe trên trang bìa, bán với giá 50 xu. Lúc đó, dĩ nhiên vừa khởi nghiệp, làm gì Hefner có tiền và có danh để thuê Marilyn Monroe làm người mẫu, bởi vậy, tấm hình này, và tấm hình spread (còn gọi là centerfolds) ở bên trong, do Tom Kelley chụp, được anh mua lại với giá rẻ từ công ty làm lịch John Baumgarth Calendar Company. M.M. chụp những ảnh này từ năm 1949, thời cô nàng chưa nổi tiếng và còn đói rách. Hefner đặt tên cái mục hấp dẫn của tờ tạp chí là “Sweetheart of the Month” – về sau được đổi lại thành “Playmate of the Month”.

 

F-CTF19907
Tờ Playboy số ra mắt có đặc điểm là không đề ngày, chỉ in ngoài bìa là “first issue”, do ban điều hành thiếu tự tin, không biết là có số thứ hai hay không. Tổng số tiền vốn để ra báo lúc đó của Hefner chỉ là $8,000.
Hình ảnh Thỏ Bunny của Playboy là một trong những ba logo được nhận ra nhanh nhất trên thế giới, bên cạnh quả táo Apple và dấu swoosh – tượng trưng cho chuyển động và tốc độ, của Nike.
Tất cả số in của tờ Playboy đầu tiên, khoảng trên 50 ngàn tờ, bán sạch trong vòng vài tuần lễ. Viễn kiến “chơi bạo” của Hugh Hefner nhanh chóng có kết quả. Chỉ một năm sau, Playboy đã dư sức thuê thợ ảnh chuyên nghiệp và các “cô nàng nhà bên” làm mẫu độc quyền.
Tờ tạp chí mang logo hình con thỏ bunny đã đưa Playboy trở thành một đế chế, biến chàng trẻ tuổi Hugh Hefner trở thành một triệu phú, và đồng thời thành một playboy – ngày nay gần chín bó vẫn ham chơi. Năm 2012, lúc “mới lên 86 tuổi”, ảnh đã lấy vợ thêm một lần nữa, cô dâu Crystal Harris chỉ nhỏ hơn ảnh có 60 tuổi.

Tờ tạp chí cũng góp phần thay đổi quan điểm của cả thế giới về một thân hình phụ nữ đẹp! Người đẹp phải có bộ ngực và bộ mông thật to, to thấy sợ.
Đến cuối thập niên 1960, cứ mỗi 4 sinh viên đại học Mỹ thì có một người mua báo Playboy tháng.
Thời cực thịnh của Playboy là khoảng thập niên 1970, lên đến tột đỉnh với chừng 5 triệu tờ hằng tháng. Tháng 11 năm 1972, số báo với hình của Pam Rawlings ở ngoài bìa, được bán ra với một con số nhiều tạp chí nằm mơ không thấy: 7,161,561 tờ!

 

circa 1953:  Curvaceous Hollywood film star Jayne Mansfield (1932-1967), formerly Vera Jane Palmer. She had a short career as a kind of living parody of Marilyn Monroe in films such as 'The Girl Can't Help It' (1956), and 'Will Success Spoil Rock Hunter?' (1957).  (Photo by Hulton Archive/Getty Images)
circa 1953: Curvaceous Hollywood film star Jayne Mansfield (1932-1967), formerly Vera Jane Palmer. She had a short career as a kind of living parody of Marilyn Monroe in films such as ‘The Girl Can’t Help It’ (1956), and ‘Will Success Spoil Rock Hunter?’ (1957). (Photo by Hulton Archive/Getty Images)
Thành công của tờ tạp chí giúp cho Hefner xây dựng nên một tập đoàn kinh doanh – Playboy Enterprises, gồm nhiều hội quán tư, chuỗi hộp đêm và resort, nơi các hội viên, playboy, mang thẻ là chiếc chìa khóa hình con thỏ được những cô nàng xinh như mộng trong bộ đồng phục thỏ Bunny có cả tai lẫn đuôi phục vụ. PB Club có mặt ở nhiều tiểu bang ở Mỹ, Anh quốc, Jamaica, Bahamas, Nhật Bản, Phần Lan, Hy Lạp Beirut, và cả ở Ấn Độ.
Những sản phẩm mang logo của Playboy – từ quần áo, kim cài cà vạt, bật lửa, khuy măng xét, dây lưng và hầm bà lằng các thứ khác… cũng mang lại khẳm tiền cho Playboy Enterprises.
Dùng tiền làm ra được để hưởng thụ lối sống hưởng lạc cao cấp, và để làm thêm ra tiền, Hugh Hefner đã có hẳn một lâu đài – The Playboy Mansion, rộng hơn 2 ngàn mét vuông ở Los Angeles. Đây là nơi anh sống với “vợ” và “bạn gái”, chứa một số Playmate, tiếp khách, tổ chức các party.
Tờ Playboy còn giúp cho nhiều nàng kiều nữ – những Playmate, có được một bệ phóng để từ một cô gái tỉnh lẻ trở thành một ngôi sao, hay các nàng đã có chút tên tuổi tiến xa hơn nữa trong các lãnh vực cần đến thanh sắc và nhan sắc.
Cạnh tranh và hàng nhái
Sự thành công của Playboy dĩ nhiên là phải dẫn đến sự cạnh tranh và bắt chước. Nhiều tạp chí mát mẻ lần lượt xuất hiện. Một trong các đối thủ nặng ký nhất của Playboy là tờ Penthouse, gốc gác bên Ăng lê. Penthouse có ấn bản đầu tiên ở Anh quốc năm 1965. Vào Mỹ năm 1969, Penhouse công khai tuyên chiến với PB trong quảng cáo ra mắt “We are going rabbit hunting.” Penthouse và nhờ tâm lý dễ dãi hơn của người Âu châu, những hình ảnh trên tạp chí này bạo hơn, ác liệt hơn PB rất nhiều. Có người nói tờ báo này đã qua mặt PB – vốn cho đến ngày đó chỉ dám ở bên bờ an toàn của với những hình ảnh chỉ ở dạng “erotic” (khêu gợi), đi hẳn sang lãnh vực “pornography” (khiêu dâm). (Playboy Enterprises đã phản đòn bằng cách ra một tạp chí khác, đặt tên là Oui, đăng những hình ảnh không thua gì Penthouse). Penthouse, ngon lành hơn nữa, còn đưa cả đề nghị mua lại PB của Playboy Enterprises.
Trong số các đối thủ của PB còn phải kể tới tờ Hustler (1974) của Larry Flynt, cũng thuộc tầm cỡ tờ Penthouse. Trong thập niên cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, nhiều tạp chí khác cũng lần lượt ra đời, vời chủ trương cổ động cho lối sống khôi hài nham nhở và sex của nam giới như các tờ Maxim, Stuff và FHM.
Tại sao PB bỏ cuộc?
Playboy bị internet hại tới hai lần.
Đầu tiên, là chuyện trên internet ngày nay hình mát mẻ dễ kiếm, và miễn phí.
Tờ NYT viết hồi tháng trước, một trong các chủ biên của PB đến gặp chủ bút Hugh Hefner tại Lâu đài Playboy, đưa ra đề nghị thay đổi lớn cho tờ tạp chí đi đầu cuộc cách mạng tình dục ở Hoa Kỳ: PB nên ngưng đăng tải các hình ảnh phụ nữ khỏa thân.
Nhà chủ bút 89 tuổi, người có được sự nghiệp nhờ những hình ảnh đó, đã đồng ý.
Là dân tốt nghiệp ngành tâm lý, ông Hugh Hefner biết rõ hơn ai hết chuyện mỗi người chỉ có một thời. Là chuyên viên về chuyện sex, ông cũng biết rõ hơn ai hết cái gì lên thì cũng sẽ xuống.

Trong chương trình thiết kế lại tờ báo, PB vẫn sẽ có hình ảnh phụ nữ trong những tư thế khêu gợi, nhưng họ sẽ không còn khỏa thân hoàn toàn nữa.
Các nhân vật lãnh đạo của PB thú nhận rằng trên con đường chính tờ báo này vạch ra, họ đã bị qua mặt, Tổng giám đốc công ty PB Scott Flanders than, “Trận đánh đó đã xong và đã có kẻ thắng. Giờ đây người ta chỉ cần nhấp chuột một cái là có ngay được mọi hình ảnh sex không mất xu nào. Vì thế, tại thời điểm này chuyện đó quá xưa rồi.”
Mấy ông này có lý, và thực tế. Nước Mỹ ngày nay không còn ở trong thời đàn ông coi đọc PB là không có văn hóa, thiếu niên lấm lét chuyền nhau tờ báo. Ngày nay các ông nhỏ xài smart phone để tiếp cận các trang web khủng khiếp và gửi cho nhau những bức ảnh, đoạn video mà cha anh chúng thấy là hết hồn. Thế nên, dù cho có cả những bài viết văn chương, một tạp chí khiêu dâm như PB đã vừa hết thời, vừa chẳng còn giá trị thương mại nữa.
Theo dữ liệu của tổ chức kiểm định uy tín The Alliance for Audited Media, con số phát hành của PB đã rơi từ 5.6 bản in năm 1975 xuống còn 800,000 ngày nay. Thế là còn khá, nhiều tạp chí nhái theo PB đã chết ngủm.
Thương tổn thứ hai của PB do internet gây ra cũng là thương tổn chung của giới báo in và ngành ấn loát. Trong vòng vài năm gần đây, internet đã làm trầy trật không biết bao nhiêu tờ báo và tạp chí vì thông tin nhanh chóng, đọc một cách thuận tiện, và không mất tiền.
Những tờ báo khổng lồ và uy tín ở Mỹ như The New York Times, Los Angeles Times, tạp chí Time… đã phải giảm số lượng báo in, có tờ đóng luôn, để chú trọng nhiều hơn đến ấn bản – nay chỉ còn là “bản”, online.

Theo dữ kiện của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong năm 2014, số lượng phát hành của báo chí ở Mỹ – cả ngày thường lẫn ngày Chủ nhật, sau khi sụt đến hơn 10% vào năm 2009, đã nhích lên được chút ít năm 2013 nhưng đến năm 2014 tiếp tục rơi. Trong lúc đó, thu nhập từ quảng cáo của các báo in liên tục giảm, và từ bản trên mạng tăng được chút đỉnh. Đỉnh cao của thu nhập từ quảng cáo của các báo Mỹ năm 2005 là gần $50 tỷ, năm 2014 là khoảng hơn $20 tỷ một chút!
Giảm số in vì mất quảng cáo, mất quảng cáo nên phải giảm số lượng in là hệ quả lòng vòng, cái kiếp nạn của báo in toàn thế giới – chắc có thể trừ Việt Nam, nơi báo chí thuộc về nhà nước và làm ăn không cần có lãi vì được ngân sách trợ giúp để đóng vai trò tuyên truyền.
Thời báo in làm bá chủ làng thông tin đã qua. Báo đứng đắn sống còn không nổi, qua đời cũng chẳng có bao nhiêu người nhớ vì những gì mà thế hệ ngày nay cần đến đều có thể tìm được free trên internet. Cũng vậy, những người lớn lên cùng với Playboy nay chẳng còn bao nhiêu, giới trẻ bây giờ tìm được “hàng độc” hơn trên mạng, nếu các kiều nữ trên Playboy có kín đáo hơn, mà ngay cả nếu Playboy có mãn phần, thì cũng chẳng có gì đáng tiếc.

Đỗ Quân tổng hợp

Friday, October 23, 2015

Phim "Gạo đắng", số phận nông dân Việt Nam ở vùng Camargue

Năm 1941, trong khi chính phủ Vichy phải trông cậy vào nguồn nhân lực nhập cư từ các thuộc địa, hàng chục ngàn lính thợ Đông Dương được tuyển mộ để tới Pháp, không phải để chiến đấu trên những chiến tuyến máu lửa, mà để tham gia vào việc sản xuất và canh tác nhằm cứu sống đất nước khỏi thiếu thốn và đói nghèo.

“Gạo đắng” là câu chuyện kể lại quá trình người Việt Nam trồng lúa gạo tại Camargue, vùng Midi của Pháp, trong Đệ Nhị Thế Chiến. Bộ phim tài liệu được Alain Lewkowicz chuyển thể dựa trên một tác phẩm của Pierre Daum dưới tựa đề “Cưỡng ép nhập cư, những người lao động Đông Dương tại Pháp” (NXB Actes Sud). Trước khi được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia France 3 vào tháng 06/2015, với đề xuất của nhóm hữu nghị Pháp-Việt của Nghị viện Pháp, bộ phim đã được chiếu tại Hạ viện ngày 05/05 dưới sự bảo trợ của chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone với mục đích sửa chữa sự lãng quên và bất công mà những người lao động Đông Dương đã phải chịu đựng.
Đi tìm sự thật bị che giấu…
Câu chuyện bắt đầu vào cuối năm 2002, khi Lê Hữu Thọ, hiện đã qua đời, từng là một phiên dịch của một nhóm “Công binh” Đông Dương tại Camargue, tới thăm Bảo tàng Lúa gạo do ông Robert Bon quản lý tại Le Sembuc. Tại đây, ông ngạc nhiên nhận thấy bảo tàng không trưng bày bất kỳ một hình ảnh, hay một tư liệu nào liên quan tới những người đồng hương, từng cày cấy trong vòng 2 năm, 1941-1943, tại vùng Camargue.
Sau nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại với người quản lý bảo tàng, Lê Hữu Thọ viết : “Để tiếp nối cuộc nói chuyện điện thoại ngày 11/12/2002, tôi xin gửi tới ông một số tài liệu liên quan đến nguồn gốc lịch sử của ngành trồng lúa gạo tại Camargue cho phép ông sửa lại một lỗi lầm lịch sử trong bản tưởng niệm (la mémoire) tại bảo tàng của ông. Đáng tiếc là ông đã che giấu ký ức về những người nông dân chính của ngành sản xuất lúa gạo tại Camargue. Đây là công trình của những người lao động, thuộc quân đoàn 2 nhân lực Đông Dương vào năm 1941, khi đang bị phát xít Đức chiếm đóng.
Những người tự cho hiểu biết Lịch Sử sau Đệ Nhị Thế Chiến đều ngạc nhiên khi biết rằng có 20.000 người lao động và 15.000 lính Đông Dương (hay còn gọi là Việt Nam) bị trưng bắt trong những năm 1939-1940 để hỗ trợ cho cuộc chiến của nước Pháp trong Thế Chiến. Phần lớn trong số họ là những nông dân giỏi tại Việt Nam. Sau khi Đình Chiến vào tháng 06/1940, 20.000 người Việt Nam đã sống tám năm lưu vong trên đất Pháp (1940-1948).
Trong thời gian này, nhiều người trong số họ đã có đủ thời gian tháo cạn những bãi đầm lầy của vùng Camargue và trồng lúa tại đây. Từ đó, ngành trồng lúa trên mảnh đất vùng Provence đã được khai sinh...”. Kèm theo bức thư, ông gửi rất nhiều tài liệu liên quan, cùng với những bức hình chụp người nông dân Việt Nam đang làm việc ngoài ruộng hay đang nghỉ giải lao. Robert Bon hiểu rằng Lê Hữu Thọ hoàn toàn đúng.
20.000 lao động Việt Nam sang giúp Mẫu Quốc khó khăn
20.000 lao động Đông Dương bị tuyển mộ cưỡng bức theo một sắc luật ngày 29/08/1939. Họ làm nghề nông, xuất thân chủ yếu từ các vùng nông thôn nghèo ở Bắc và Trung Kỳ. Bị chụp ảnh rồi đánh số, 20.000 lính thợ Đông Dương phải tuân thủ kỷ luật quân đội.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, nhân chứng còn sống cuối cùng, nhớ lại : “Trước năm 1939, người ta nhìn thấy những tấm áp phích ghi rằng : “Mẫu Quốc đang gặp nguy. Nghĩa vụ của bạn là giúp đỡ Mẫu Quốc”. Điều này khiến mọi người xúc động. Vì tôi học trường Pháp, nên tôi chấp nhận ra đi. Hơn nữa, với chúng tôi, đó là cơ hội để nhìn thấy nước Pháp. Tôi gia nhập với tư cách là giám thị-phiên dịch.
Chúng tôi, những người phiên dịch, cùng với các quan chức địa phương, tới nhiều ngôi làng khác nhau để mộ phu. Ví dụ một làng có 20 hộ gia đình, thì phải tuyển đủ 20 người. Đúng kiểu bắt buộc. Nhiều gia đình có 3, 4 con. Trong trường hợp, ví dụ, người con trai cả, 35 tuổi, đã có gia đình và có 3, 4 người con, thì người con thứ hai hoặc thứ ba phải đi thay. Nếu gia đình không có con trai thứ nào để thay thế, thì người con cả, dù đã có gia đình và con cái, vẫn bị bắt buộc đi. Chính vì thế, trong thời kỳ đó, trong đoàn của chúng tôi, có nhiều người đã khoảng 30-35 tuổi”.
Được đưa lên trên 14 con tàu giống nhau, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/1939 tới tháng 05/1940, 20.000 người thợ Đông Dương rời cảng Hải Phòng lênh đênh trên biển và cập cảng Marseille, miền Nam nước Pháp. Mỗi chuyến đi kéo dài tới 48 ngày, khiến nhiều người ốm và say sóng vì lần đầu tiên đi biển.
Tất cả lính thợ trên con tàu của ông Lê Hữu Thọ được chuyển tới tạm trú tại nhà tù cũ Baumette ở Marseille, nơi duy nhất có đủ chỗ chứa mọi người. Ông Nguyễn Ngọc Châu nhớ lại, mọi người đều không biết trước đó là nhà tù, mãi sau này họ mới được biết. Vì bên trong nhà tù đã được tu sửa sạch sẽ để mọi người có thể ở tạm trong thời gian ngắn. 20.000 lính thợ từ Viễn Đông tới được gọi là “nguồn nhân lực Đông Dương”, M.O.I. (main d’oeuvre indochinoise) được chia thành nhiều nhóm để gửi tới 73 công ty phục vụ cho ngành quốc phòng, trong đó có các nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp nước Pháp (Bayonne, Toulouse, Saint Chams, Bourges, Tours, Rennes, Oissel, Bergerac ...). Từ đây, những người thợ Đông Dương bắt đầu khám phá thế giới công nghiệp với cường độ làm việc nặng nhọc.
Ngày 02/06/1940, nước Pháp thất bại trước phát xít Đức. Những người thợ Đông Dương phải tập trung hết trong Vùng Tự do (Zone libre). Ngày lịch sử này cũng đánh dấu chính quyền thuộc địa Pháp mất Đông Dương. Các chuyến tàu thuỷ tới vùng đất xa xôi có rất nhiều nguy cơ bị tàu ngầm Đức quốc xã bắn hạ. Pháp không nhận được gạo từ Đông Dương nữa. Nước Pháp đói ! Nước Pháp đầy người thất nghiệp !
Bất công cho những người nông dân “bất đắc dĩ”...
Chính lúc này, chính quyền Vichy đã đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng : Sử dụng nguồn nhân lực Đông Dương đang có tại chỗ để thích nghi giống lúa nước tại Pháp. Ý tưởng bắt nguồn từ Henri Maux, một kĩ sư cầu đường và là công chức vừa mới từ Đông Dương trở về sau 10 năm sống và làm việc tại đây. Sáng kiến của ông hoàn toàn đúng thời điểm và làm thay đổi hoàn toàn vùng Camargue.
Người con gái của Henri Maux thuật lại: “Một lần, ông tháp tùng một Bộ trưởng tham dự hội thảo về trình trạng thất nghiệp diễn ra tại Marseille. Lần đầu tiên trong đời, ông không đi tàu hoả, mà đi bằng máy bay. Từ trên cao, ông nhìn được khu vực vùng Camargue. Ông thắc mắc tại sao nơi này lại không được khai thác trên diện rộng ? So với Nam Kỳ ở Đông Dương, vùng này còn đi sau tới 50 năm. Từ đó, ý tưởng trồng lúa nước tại Camargue được hình thành”.
Henri Maux cùng với một số đồng nghiệp cũ tới các khu tập thể của người lao động, và đặc biệt chú ý tới những người thợ Đông Dương. Do thất nghiệp và vẫn không thích nghi được với điều kiện thời tiết tại Pháp, rất nhiều người bị ốm hay mắc bệnh ung thư và sống trong tình trạng nghèo khó. Henri Maux đưa những người này ra khỏi khu tập thể, hoặc để dạy nghề cho họ, hoặc để họ làm việc ngoài đồng ruộng. Trên tổng số 20.000 lính thợ Đông Dương, 500 người được đưa tới trồng lúa tại Camargue.
Do không phải nộp bất kỳ khoản đóng góp xã hội nào nên nguồn nhân lực này rất rẻ. Tiền công một ngày làm việc của người lao động Đông Dương chỉ tương tương khoảng 1/10 lương của một người lao động Pháp thời đó. Tiền lương hàng tháng được chia thành hai phần. Một phần được trả hàng tháng cho người lao động. Phần còn lại, theo yêu cầu của chính phủ, được giữ lại và chỉ trả cho người lao động khi họ trở về Đông Dương.
Hoàn toàn tin tưởng vào chính sách của nhà nước, Henri Maux hy vọng, ngoài kinh nghiệm tiếp thu được tại Pháp, người lao động Đông Dương sẽ có được một khoản tiền tiết kiệm khá lớn nhờ công sức lao động. Nhưng trên thực tế, không ai biết khoản tiền tiết kiệm này đi đâu, và không một người lao động Đông Dương nào được thanh toán khoản tiền này.
Được phỏng vấn trong bộ phim, ông Bernard Vinay, một cựu quan chức hành chính, từ chối cho biết tỷ lệ giữa khoản tiền lương và khoản tiền bị giữ lại, với lý do quá lâu nên không nhớ. Mất một khoản tiền mồ hôi nước mắt, giới chủ không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp xã hội, nên người lao động Đông Dương không được hưởng bất cứ quyền lợi gì.
Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Ngân sách Michel Charasse, cũng đã khẳng định điều này, trong một bức thư trả lời bác sĩ Jean-Michel Krivine, phát ngôn viên của Uỷ ban Ủng hộ Cựu Lao động, như sau: “Vào thời kỳ tuyển mộ, người lao động Đông Dương không được đăng ký chế độ bảo hiểm xã hội, vì vậy, không được hưởng chế độ trợ cấp, tuổi già, hay các chế độ đền bù khác”. Sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai kết thúc, rất nhiều người lao động Đông Dương trở về quê hương. Một số người ở lại, lập gia đình như trường hợp của Lê Hữu Thọ và Nguyễn Ngọc Châu.
Công dã tràng...
Lúa tiếp tục giúp những nhà sản xuất ở vùng Camargue trở nên giàu có. Chất lượng gạo vùng này nổi tiếng, thậm chí còn vượt trội gạo của Ý và Tây Ban Nha. Thế nhưng, công lao của người nông dân Đông Dương dần bị xoá mờ trong tâm trí của người dân địa phương và các hợp tác xã. Sau khi chiến tranh kết thúc, trên những cánh đồng lúa, thay thế người lao động Đông Dương là người Ý và Tây Ban Nha, được tuyển dụng có hợp đồng lao động và được trả lương một cách tử tế. Từ đó, không ai nghĩ tới những người nông dân Việt Nam đã viết lên những trang đầu tiên của ngành nông nghiệp trồng lúa tại Camargue. Để rồi đến một ngày hình ảnh những người nông dân Việt Nam, làm việc trong khoảng 10 năm trên đất Pháp, biến mất hoàn toàn.
Cho tới ngày nay, ngay tại “Lễ hội Lúa Gạo” tổ chức vào tháng 9 hàng năm tại Arles, không ai nhắc tới những người nông dân Việt Nam. Đây là bằng chứng cho sự bất công đối với những người lao động vất vả. Trong bất kỳ buổi trình diễn hay hoạt động nào, người dân địa phương luôn thể hiện gạo là tài sản riêng, là bản sắc riêng của vùng Camargue do ảnh hưởng từ Tây Ban Nha. Tại một vùng luôn quan tâm quảng bá giá trị văn hoá địa phương như tại đây, hình ảnh người nông dân Việt Nam với tư cách là người sáng lập ra ngành trồng lúa, khó có thể có được một vị trí trong tâm trí người dân.
Cá biệt hơn, một số người cho rằng, những thông tin và bằng chứng được công bố là giả, như trường hợp của Pierre Guillot và Yves Smith, cả hai trước đây đều là nhà sản xuất lúa gạo. Ông Guillot khẳng định “những người lao động Đông Dương không biết tới gạo, không phải là nông dân. Họ ở lại ngắn ngày, Vì vậy, phải dạy họ mọi khâu đoạn. Điều này khá vất vả”. Ông cũng cho biết, năm 1940-1944, người ta không nghe nói tới gạo tại Camargue, hoặc không sẽ là gạo nhập khẩu, từ Tây Ban Nha hoặc các nơi khác.
Khi phóng viên cho họ xem một bộ phim tài liệu được chiếu vào năm 1943 ghi lại hình ảnh những người nông dân Việt Nam thu hoạch lúa với tại Camargue, ông Yves Smith cho rằng tài liệu này được quay tại Đông Dương thì đúng hơn. Thế nhưng, làm thế nào để thanh minh cho một nhà kho hiện trong đoạn phim năm xưa, nay vẫn còn tồn tại ở Camargue ? Hơn nữa, còn rất nhiều đoạn phim ghi lại hình ảnh thu hoạch vụ mùa của người nông dân Việt Nam trên mảnh đất này.
Chúng ta đang ở Camargue, chứ không phải ở Đông Dương. Vụ mùa đã vượt quá cả dự định. Trên 500 héc ta do người thợ Việt Nam cày cấy đã thu về được 1.600.000 kg lúa. Sau khi đã tuốt lúa, sản lượng giảm 39% và sau khi tách trấu thì còn lại 1/2. Nhờ Camargue mà nước Pháp đã được ăn cơm. Đất nước của chúng ta đã thành công giúp loại lúa khó trồng này thích nghi được với khí hậu”.
Sau 5 năm đấu tranh với chính quyền địa phương, với những người trồng lúa tại Camargue và hoàn thiện các thủ tục hành chính, hội Tưởng niệm những người lao động Đông Dương (association “Mémorial pour les Ouvriers Indochinois”, M.O.I) đã thành công buộc Lịch Sử ghi nhận sự cống hiến của những con người bị lãng quên. Chủ nhật ngày 05/10/2014, ước mơ của Lê Hữu Thọ trở thành hiện thực.
Trong sân một chi nhánh thị chính Arles tại Salin-de-Giraud, một bức tượng bằng sắt tưởng niệm một người nông dân Việt Nam đã được dựng lên. Bài phát biểu tại buổi lễ của Bertrand Mazel, Chủ tịch Hiệp hội người trồng lúa tại Camargue, thể hiện một cách đầy đủ và súc tích lòng biết ơn tới những đóng góp của những người nông dân Việt Nam tại vùng đất này : “Tới lượt chúng ta có trách nhiệm tưởng niệm những người lao động tới từ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử đau thương của nước Pháp. Thực tế là phải công nhận sự mất mát, hy sinh, đau khổ mà họ đã phải trải qua, và phải ghi nhận sự đóng góp bị rơi vào quên lãng của họ. Đúng là ngành nông nghiệp trồng lúa nợ họ rất nhiều vì họ đã tham gia vào việc phát triển ngành này sau Đệ Nhị Thế Chiến. Họ đã truyền cho vùng Camargue kỹ thuật cấy lúa mới mà chúng ta sẽ không bao giờ quên”.

Saturday, October 10, 2015

Những “người Pháp” gốc Việt có thể sẽ bị cúp tiền già…

Kính thưa quý độc giả: Người viết phải nói cho rõ ràng: Những “người Pháp” gốc Việt này, đa số đã trên dưới cái tuổi “Thất thập cố lai hy” đã và đang sống độc thân. Và đa số họ không viết và đọc được tiếng Pháp. Nhưng sở dĩ họ có được quốc tịch Pháp, là do họ được ăn theo người vợ, hoặc người sống chung khi được phỏng vấn để vào quốc tịch Pháp, vì những người người phụ nữ đó viết và đọc được tiếng Pháp. Nhưng sau đó, những người phụ nữ  sống chung, hoặc vợ đã chết hay chia tay, thì những “ông Tây” gốc Việt này, vì được hưởng tiền già mỗi tháng 800 Euros (tám trăm Âu kim), mà chỉ trả tiền thuê nhà 100 Euros thôi, nên đời sống của họ rất thong thả, lại còn được Văn Phòng Xã Hội cho người tới tận nhà làm tất cả những việc trong nhà, như tôi đã viết qua bài trước.

Chúng tôi là những người thường hay giúp họ trong vấn đề giấy tờ, nên những gì tôi viết là hoàn toàn có thật 100/%. Những “ông Tây” này, vì được “cơm no, ấm cật” nên mới…tất bật đi về Việt Nam, để rồi mỗi “ông Tây” lại có một “cô nhân tình bé nhỏ”. Và cũng có một số “ông Tây” đã về Việt Nam, có người  cưới vợ thật; nhưng cũng có người “cưới vợ” theo một đường dây kín đáo, với “thù lao” gần đây, đã từ 20.000 đến 30.000 Euros (hai mươi đến ba mươi ngàn Âu kim), để đưa một người sang Pháp. Đường dây này hiện nay đã bị “bể”; nghĩa là chính phủ Pháp đã biết.

Chính vì thế, nên chính phủ Pháp đã có một Luật mới, để ngăn chặn những hình thức gian lận như đường dây này. Trước kia, những người hưởng tiền già, cứ mỗi sáu tháng, thì cơ quan cấp tiền trợ cấp, đều gửi cho họ một tờ giấy tổng kết số tiền họ đã cấp cho người đó, phía sau tờ giấy họ để trống. Thế nhưng kể từ đầu năm 2014, thì trên mỗi tờ giấy tổng kết Lục cá nguyệt này, họ có ghi phía sau là Luật mới, họ buộc những người hưởng tiền già, mỗi lần ra khỏi nước Pháp, thì phải báo cho họ biết, nếu không báo, thì khi họ biết, không những họ sẽ cúp tiền trợ cấp, mà còn đòi lại tiền nữa.

Đối với những người thuộc các sắc dân khác, thì tôi không biết. Riêng  những “ông Tây” gốc Việt này, thì tôi biết rất rõ những trường hợp như sau:
“Ông Tây” thứ nhất: ông ta sinh năm 1936, năm nay gần 80 tuổi, cách đây ba năm, đã về Việt Nam cưới thật,  bà vợ chưa tới 40 tuổi. Hàng năm bà vợ cứ đòi về Việt Nam vào tháng Mười, đến qua Tết Nguyên Đán mới sang, để “ăn Tết với con cái” (con riêng của bà, hôm nay hai người đã về VN rồi).

Tôi đã nói với ông, đừng nên về Việt Nam nữa, vì ông cũng đã thấy dòng chữ phía sau của tờ giấy tổng kết Lục cá nguyệt của tiền già, thì ông nói như thế này:
 
“Tui cũng biết mà cô, nhưng vì tui lỡ lấy bả rồi, là bả chỉ mới bốn mươi tuổi, tui đâu có để bả đi về một mình được”.

Nghĩa là ông ta phải đi theo để kèm, giữ bà vợ trẻ, vì sợ vợ có người khác ở Việt Nam.

Khi tôi nói với ông, ông đi mà không báo cho cơ quan trợ cấp tiền già biết, nếu lỡ bị cúp tiền già, cũng như việc ông dùng thẻ của ngân hàng Pháp mà rút tiền ở Việt Nam, thì cũng như “Lạy ông con ở bụi này”, thì lúc đó, ông sẽ lâm vào một hoàn cảnh vô cùng bi đát. Thì ông cũng trả lời:
 
“Tui cũng biết như vậy chớ, nhưng nếu mình báo cho họ biết, thì họ cúp tiền trong mấy tháng mình đi Việt Nam, còn ở Việt Nam tui không vô máy rút tiền, thì lấy chi tui ăn”.

“Ông Tây” này nói như thế, nghĩa là ông đã “Một liều ba bảy cũng liều” rồi.

Và tôi nói tiếp với ông: Nếu trong thời gian ông đi Việt Nam, mà ở bên này, họ cúp tiền già, thì có thể ông bị chủ nhà lấy nhà lại, bị cúp điện, gaz, thì sao?
Và đây là câu cuối cùng ông trả lời:
 
“Thôi thôi đi cô ơi! Cô đừng nói tới chuyện xui xẻo đó với tui nữa, tui lỡ rồi, tui không biết làm sao nữa, tui  khổ quá rồi cô”.

Còn đây là “ông Tây” thứ hai: ông này sinh năm 1938, đã về Việt Nam cưới một cô vợ trẻ cũng dưới bốn mươi tuổi; nhưng ông ta không dám bảo lãnh sang pháp, vì ông nói “sợ đem bả qua, rồi bả bỏ tôi, thôi cứ để bả bên đó, lâu lâu mình về thăm bả thôi”.

Nghe vậy, tôi mới kể cho ông nghe một trường hợp của một ông bên Mỹ, về Việt Nam cưới vợ, có đến ba đứa con, ông cưng ba đứa nhỏ lắm; nhưng cho đến một ngày ông nghi ngờ sao đó, mới quyết định đi xét nghiệm ADA thì mới biết được cái kết quả ngoài sự tưởng tượng của ông, là cả ba đứa nhỏ không có đứa nào là con của ông hết, mà chừng đó chưa đủ cho ông đâu, vì trong ba đứa nhỏ đó, có hai đứa là một cha,  đứa nhỏ nhất là con của một cha khác. Nghĩa là ba đứa nhỏ, có hai ông cha. Còn ông chỉ là “cha” trên giấy tờ thôi!
Thế là ông ta đã cuốn gói bay về Mỹ, không dám quay đầu nhìn lại.

Khi nghe tôi kể câu chuyện thật đã đọc trên báo ở trong nước này, ông đã nói:
 
“Tại vì hồi xưa, người ta giới thiệu cho tôi, chớ tôi không nghĩ tới chuyện xa xôi; bi chừ thì tôi biết, dù tôi về hay không về thì bả cũng lấy người khác. Thôi cái số tôi nó như vậy”.

Còn đây là “ông Tây” thứ ba trẻ hơn, ông sinh năm 1949, vừa được trợ cấp tiền già, ông ta về Đà Nẵng, cưới một bà vợ trên ba mươi tuổi, và ông đã bảo lãnh sang Pháp được bốn năm. Nhưng ông này lại “xui xẻo” hơn hai ông kia, vì “vợ” mới sang, đã tìm cách ở riêng bằng cách xin đi làm nhà hàng Tầu ở Paris, không chịu ở chung với ông, ông ức quá, nên cứ gọi “vợ” gửi tiền về trả tiền nhà. Phần cô này,thì chấp nhận đóng góp trả tiền nhà, nhưng không chịu ở chung với ông.

Cô này có liên lạc với tôi nhờ giúp đỡ, cô lúc nào cũng khóc, nói rằng:
 
“Ổng hành hạ em, ổng đánh em, ổng lừa gạt em, bảo em sang mất cái tiệm bán đồ lưu niệm ở Đà Nẵng, để sang Pháp trước, rồi ổng sẽ bảo lãnh hai đứa con em sang sau. Sang đây rồi, em mới biết, ổng không bảo lãnh con em được, nhưng em không muốn trở về, vì xấu hổ với bà con hàng xóm lắm, nên em hận ổng, em xa con, em nhớ con em quá, chị tìm cách giúp em…”

Nhưng tôi làm sao mà giúp được; bởi trước kia thì dễ dàng, nên những “cô vợ trẻ” khi sang Pháp trên dưới sáu tháng, thì làm thủ tục xin được giấy tờ tạm trú. Sau đó, có thể xin được thẻ thường trú 10 (mười năm). Sau đó, các “cô vợ” xin ly dị, sống riêng, dễ dàng xin tiền trợ cấp Xã Hội, không cần những “ông Tây” này nữa. Còn bây giờ chính phủ Pháp đã thắt chặt đối với những người nhập cư rồi, để tránh những cặp “vợ chồng”, đã cưới nhau theo đường dây môi giới này, nên Luật mới không cho phép họ được ly dị trước 05 (năm năm). Nếu ly dị trước 05 năm, thì người “vợ” sẽ bị trục xuất trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu sau 05 năm ly dị, thì người “vợ” sẽ không bị trục xuất nữa, mà được ở lại.

Vì vậy, nên tôi chỉ khuyên cô nếu muốn ở lại, thì phải cố gắng chịu đựng cho đủ 05 năm theo như Luật định. Hiện giờ cô ta đang đi làm nhà hàng Tầu, còn ông ta, thì nằm nhà “chèo queo” một mình. Song điều đáng nói, là ông ta đã đi về Việt Nam với “vợ” trong thời gian sau khi có Luật mới, mà không báo cho cơ quan trợ cấp tiền già biết, là ông đã vi phạm Luật.

Ngoài những hoàn cảnh trên, chúng tôi cũng biết có nhiều “bà vợ trẻ” đã và đang phải chịu sự hành hạ rất độc ác của một số “ông Tây” gốc Việt, mà không dám làm gì khác, vì với Luật mới, họ sợ bị trục xuất về Việt Nam, nên phải làm thân nô lệ rất bi thảm, mà không có ai biết đến; bởi người ta chỉ biết tới những đường dây đưa người lấy tiền sang các nước như: Nam Hàn, Đài Loan, Tầu cộng… Song chưa ai viết về số “cô dâu” đã và đang phải chịu đựng rất đau khổ, để chờ  05 năm sau, thì mới được ở lại nước Pháp.  Nhưng xót xa thay! Những “cô dâu” này không phải chịu sự hành hạ của đàn ông Đại Hàn, Đài Loan… mà đã và đang phải gánh chịu những sự hành hạ của những tên già bất lương được gọi là “người Pháp” gốc Việt, đáng tuổi ông nội, ông ngoại của mình!

Tạm kết:
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói: Đối với những người hưởng tiền Hưu, nghĩa là họ có làm việc tại nước Pháp, đó là những đồng tiền thụ đắc, thì họ muốn sống ở nước nào cũng được. Nhưng, đối với những người đã và đang hưởng tiền  già, dù ông hay bà, nếu đi Việt Nam phải báo cho cơ quan cấp tiền già cho mình biết. Tôi cũng hiểu, đây là vấn đề rất khó khăn, vì khi báo cho họ biết, thì sẽ bị cúp tiền trong những tháng đi về Việt Nam. Thế nhưng, không báo, thì lại còn vi phạm Luật nặng hơn.

Vậy những ai đã về Việt Nam, thì nên xem lại những giấy tờ của cơ quan trợ cấp tiền già đã gửi theo Lục cá nguyệt, từng ngày, tháng, năm, để xem lại mình đã về Việt Nam trước hay sau ngày có Luật mới. Vì nếu về trước khi có Luật mới, thì có thể được bỏ qua. Chúng tôi cũng muốn nhắn với những phụ nữ trong nước, đừng bao giờ nghe theo những lời lừa gạt của mấy “ông Tây” giấy này, vì Luật mới không còn dễ dàng như trước, nên cho dù có “cưới” xong, thì các “ông Tây” già gốc Việt này cũng không bảo lãnh sang Pháp được nữa, vì đường dây này đã bị “bể” tức đã bị phát giác rồi. Và những người trong đường dây này cũng sẽ bị Luật pháp nghiêm trị trong tương lai.

Một điều tế nhị khác, là những “ông Tây” này chưa bị Luật pháp nghiêm trị, nên chúng tôi không muốn nêu tên. Còn sau này, nếu họ bị lâm vào những hoàn cảnh nào đó, là do chính bản thân của họ tự chuốc lấy, vì đa số những người này, đã ra đi bằng con đường vượt biển, họ đến Pháp cùng thời điểm với tôi. Và họ có thể dừng lại, khi nghĩ đến những năm tháng từng sống không tự do, mất quyền làm người… dưới chế độ độc tài, phi nhân của Việt cộng và những ngày đói khát, lênh đênh trên biển cả, trước khi được được tầu Pháp cứu vớt, và chính phủ Pháp cưu mang, chấp nhận là “thuyền nhân” Tỵ nạn Chính trị, rồi cho vào quốc tịch Pháp như ngày hôm nay. Họ cần phải nhớ lại như thế, để tránh những điều đáng tiếc có thể ập đến, mà không lường trước được.

Trên đây, là những “ông Tây” gốc Việt đã về Việt Nam cưới vợ. Ngoài ra còn rất nhiều những “ông Tây” như thế, đã về Việt Nam để du hí với gái trẻ đáng tuổi con, cháu họ, chứ không có cưới. Những “ông Tây” này, họ có thể sẽ bị chính phủ Pháp cúp tiền già, và còn đòi tiền lại nữa. Nếu trường hợp đó sẽ xảy ra, thì chẳng biết họ là những người “đáng thương”, đáng trách, hay là đáng kiếp!

Paris, 09/10/2015
Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

Friday, October 9, 2015

RIÊNG MỘT GÓC TRỜI


Buổi sáng hôm nay tôi thức sớm, nằm lim dim mơ màng nghe tin tức đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), phát đi từ Hoa Thịnh Đốn. Gần cuối chương trình, cô xướng ngôn Hòa Ái giới thiệu một giọng nam trẻ, thật ấm áp, truyền cảm trong bản nhạc nổi tiếng của Ngô Thụy Miên - Riêng Một Góc Trời :
 
Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên giòng suối mơ 
Nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa 
Tình như lá úa, rơi buồn, trong nỗi nhớ 
Mưa vẫn mưa rơi, mây vẫn mây trôi, hắt hiu tình tôi….

Tiếng hát dìu dặt vang vang trong buổi sớm tĩnh mịch mùa thu. Ngoài kia sương vẫn chưa tan, không gian còn mờ ảo. Tôi bỗng nhớ đến những ngày sống ở miền thần kinh xứ Huế bên quê nhà. Đã hơn năm mươi năm rồi, những kỷ niệm năm xưa tưởng đã phai mờ theo năm tháng. Nhưng mới hôm qua, bức thư của cô bạn thuở học trò từ nơi xa xôi ấy, đã gợi lại trong tôi những cảm xúc tưởng chừng đã đi vào quên lãng… 

* * *
Cho đến năm Đệ Tứ, khi những nam, nữ sinh chuẩn bị cuộc đua lấy mảnh bằng Trung Học, tôi tình cờ gặp một cô Đồng Khánh trong lớp luyện thi năm ấy. May mắn hơn, chúng tôi cùng ngồi cạnh nhau. Hàng tuần, ngoài giờ học ở mỗi trường riêng biệt, chúng tôi cùng đến lớp luyện thi để trau dồi thêm hai môn có hệ số điểm cao trong kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp : Toán và Pháp Văn. 

Vào hai ngày cuối tuần, chúng tôi lại họp nhau để cùng ôn bài thi. Nhóm chúng tôi có bốn người, hai nam sinh và hai nữ sinh - kể cả cô bạn tôi mới quen có hảo ý cho mượn căn nhà hóng mát ngoài vườn để cùng nhau ôn bài vở… Thuở ấy tôi chỉ là cậu học sinh chân quê, theo cha mẹ từ miền  Nam  Trung bộ “dinh tê” về thành phố Huế. Đối với tôi, đất thần kinh là nơi quyền quý của vua chúa ngự trị một thời; và người dân xứ Huế - nhất là các cô gái áo trắng thướt tha - là những kẻ cao sang thanh lịch. Đã hơn một lần, tôi bắt gặp mình đứng nhìn những cô nữ sinh Đồng Khánh, với dáng dấp thanh tao, với áo trắng bay bay, với chiếc nón bài thơ e ấp. Vào mỗi buổi chiều tan học, họ như đàn bướm trắng bay qua cầu Trường Tiền; hoặc đáp xuống chuyến đò Thừa Phủ để sang sông… Trong ba năm theo Trung Học Đệ Nhất Cấp ở một trường công lập thành phố, tôi chỉ biết lo dùi mài kinh sử kể bắt kịp những năm học chậm trễ trong vùng Việt Minh. Cho nên việc kết bạn với các cô gái, nhất là với các nàng áo trắng tóc dài trường Đồng Khánh, đối với tôi thuở ấy chỉ là giấc mộng…

Đến nay, tôi vẫn chưa quên hình ảnh cậu học sinh cao gầy, hằng cuối tuần “diện” cho mình chiếc nón cối trắng, đôi dép da trắng, vội vã đạp xe đến nhà cô bạn mới quen để cùng “học nhóm” với các bạn. Chúng tôi nêu ra những câu hỏi trong bài, cùng nhau tìm câu giải đáp; hoặc giúp nhau làm những bài tập khó… Cho nên không khí chuẩn bị thi cử đối với chúng tôi không còn căng thẳng, đến nỗi phải than Thi ơi là thi, sinh mi làm chi?” như trong bài hát của Đỗ Kim Bảng rất phổ thông lúc bấy giờ !  

Người ta thường nói : “Học tài thi phận !”. Sau những ngày thi trung học cam go năm ấy, tôi đến xem bảng kết quả và chỉ thấy hai nam sinh trong toán “học nhóm” có tên trên “bảng vàng” mà thôi ! Tôi về nhà thông báo niềm vui với Mẹ, nhưng không dám để lộ nỗi buồn bởi cô bạn học bị hỏng thi. Tôi muốn đạp xe đến nhà nàng để an ủi nàng, nhưng còn ngập ngừng e ngại ! Vài hôm sau, nàng đến nhà tôi để “Chúc mừng anh thi đậu”, nhưng cố không để lộ nét buồn rầu vì thi hỏng như tôi tưởng. Nàng còn nói đùa với nụ cười cay đắng :
- Ánh quen ăn ớt từ nhỏ. Vậy mà kỳ thi này Ánh thấy cay hơn cả ăn ớt ! Thôi đành phải ráng ôn bài cho kỹ để thi kỳ sau, kẻo rớt nữa anh chê học dốt !
Ngưng lại giây lát, nàng nhìn tôi nói tiếp :
- Hôm trước Ánh nghe anh nói sắp theo gia đình vô Sài gòn. Vậy khi nào anh đi ?
Tôi quay mặt đi để dấu nỗi buồn sắp xa Huế, xa nàng… rồi đáp :
- Có lẽ cuối tuần này ba tôi mướn xe đưa cả nhà vào Sài gòn… Hôm nào đi, tôi sẽ đến chào từ giã Ánh. Bằng lòng chứ ?

Nàng gật đầu, buồn bã nhìn tôi, đoạn dắt xe ra cổng… Khi đi ngang cây ngọc lan, nàng nhìn lên, khen hoa lan thơm quá ! Hôm ấy không có mẹ ở nhà nên tôi vội leo lên cây, hái một bông hoa đẹp nhất trao cho nàng. Nàng nhìn tôi mỉm cười, cài cánh hoa lan lên mái tóc, đoạn đạp xe ra về.
Buổi tối trước khi xa Huế, sau khi xin phép Mẹ đi gặp bạn bè để chào từ biệt, tôi đạp xe đến nhà Ánh. Đó là một đêm mùa hạ, trăng lên cao, thật sáng, thật đẹp nhưng trong lòng tôi thật buồn bã. Ngày mai tôi sẽ rời xa đất thần kinh nhiều kỷ niệm này, xa người bạn gái mà  tôi đã bắt đầu cảm mến. Tôi tự hỏi : “Biết bao giờ mới gặp lại nhau ?”. Khi đến trước cổng, tôi nhìn vào thấy nàng đang ngồi học bài, đầu cúi thấp, mái tóc thề buông phủ bờ vai. Có lẽ nàng nghe tiếng động, ngẩn lên trông thấy tôi, vội bước ra nói nhỏ : 
- Sao anh lại đến giờ này, tối rồi ! Không chờ đến ngày mai được sao ?
Tôi im lặng, cùng nàng ngồi xuống chiếc ghế đá trong vườn, dưới cây bông sứ đang đơm hoa thơm ngát. Nàng nói tiếp, giọng như thì thầm :        
- Anh ngồi xuống đây nói chuyện... Vào nhà ba me thấy, la Ánh lắm đó. Sao thi xong, anh không đến chơi ?
Tôi cảm thấy bối bối trước mặt cô bạn đang niềm nỡ hỏi chuyện, vội giải thích :
-  Ngày mai tôi với gia đình đi Sài gòn sớm, nên chỉ còn đêm nay đến thăm Ánh thôi...
Cô bạn gái nhìn tôi sững sờ :
- Mai anh đi à ? Vậy bao giờ anh trở lại ?
Tôi ngập ngừng trả lời, giọng bối rối :
- Tôi theo ba me vào ở hẳn trong Sài gòn... Đi xa, chắc sẽ nhớ Huế, nhớ các bạn lắm...

Bỗng dưng nàng im lặng, đầu cúi thấp, kín đáo lau nước mắt, giọng nghẹn ngào :

- Ánh khổ lắm anh biết không ? Vừa mới đau buồn vì hỏng thi, bây giờ lại nghe tin anh đi xa. Vào Sài gòn nhớ viết thư cho Ánh. Đừng quên bạn cũ... anh hỉ ?

Tôi chợt thấy tim mình se thắt lại. Tôi nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mềm mại, ấm áp của nàng. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau thật lâu. Ðâu đó trong vườn, có tiếng giun dế rỉ rả, và xa xa tiếng chó sủa vu vơ dưới ánh trăng khuya… Bỗng từ trong phòng khách có tiếng chuông đồng hồ thong thả gõ nhịp. Từng tiếng ngân nga, vang vọng, như muốn phá tan không khí tĩnh mịch trong đêm vắng ở khu thành nội cổ kính này. Tôi luyến tiếc buông bàn tay bé nhỏ và lạnh lẽo của nàng, đứng lên an ủi : 

- Thôi tôi về nhé. Nhớ ôn bài cẩn thận cho kỳ thi sắp tới ! Thế nào Ánh cũng thi đậu kia mà. Khi đó, đừng quên viết thư báo tin vui nhé !

Nàng tiễn tôi ra cổng, giọng buồn buồn :

- Ánh có linh cảm sẽ không còn gặp lại anh nữa… Thôi anh về đi. Mong anh đừng quên Ánh.

Thế nhưng, cuộc sống tấp nập ở Sài gòn đã khiến tôi quên hẳn việc viết thư liên lạc với cô bạn đất thần kinh. Độ một tháng sau, tôi nhận được thư nàng, thăm hỏi và báo tin nàng… lại thi hỏng. Bố mẹ khuyên nàng hãy gác lại chuyện thi cử để đi tìm việc làm, và còn sửa soạn chuyện lấy chồng vào năm tới... Tôi trả lời ngay cho nàng, khuyên đừng buồn, và cứ lo đi tìm việc làm để khỏi trái ý cha mẹ... Còn chuyện tương lai của nàng, tôi không dám có ý kiến, dù cảm thấy xót xa trong lòng... 

* * *
Một thời gian sau đó, chốn phồn hoa đã khiến tâm hồn chàng thanh niên là tôi từ một tỉnh miền Trung đã di chuyển vào đô thành dần dần thay đổi. Trái tim tôi bỗng nhiên rung động với những cảm xúc mới, từ những tà áo màu thướt tha, những mái tóc uốn cong xinh đẹp, những thân hình quyến rũ... Tuy nhiên những lá thư của người bạn gái từ xứ Huế xa xôi vẫn đều đặn đến với tôi; và thỉnh thoảng tôi cũng hồi đáp thư nàng. Hai năm sau, một người bạn cũ từ Huế vào thấy tôi vẫn tiếp tục viết thư cho Ánh, bèn cười chế nhạo :

- Nàng đã lấy chồng rồi ông ơi ! Chớ có lãng mạn quá... Ðừng viết thư cho bà ấy nữa kẻo thằng chồng biết được, nó sẽ vào đây thanh toán ông đó nhé !
    
Tôi nghe lời người bạn, và từ đó ngưng viết cho nàng. Một hôm tôi nhận được thư của Ánh, dày hơn những thư khác, bên trong chứa đựng những lời ngọt ngào lẫn trách móc, kèm theo đóa ngọc lan mà năm xưa tôi đã hái tặng nàng. Ðóa hoa nay đã khô héo, nhưng chưa tàn lụi theo năm tháng, kể từ ngày tôi hái ở cổng nhà trước khi xa Huế, xa nàng...

Nhưng rồi, cuộc đời tôi di chuyển như cơn lốc. Tôi thi vào học trường Hành Chánh Sài Gòn. Ra trường tôi lập gia đình và một tuần sau vào thụ huấn quân trường Thủ Đức. Biệt phái về lại Bộ Nội Vụ để rồi được bổ nhiệm đi làm việc ở các địa phương. Từ quận Lộc Ninh, tôi về Định Quán, rồi Xuân Lộc… Trong cơn lốc của cuộc đời di chuyển như thế, những lá thư xưa của Ánh với đoá hoa ngày cũ cũng thất lạc, tan biến theo cát bụi thời gian.

Sau biến cố 1975, tôi đi tù “cải tạo” từ  Nam  di chuyển ra Bắc… Sau đó, tôi ra khỏi trại, trở về Sài Gòn sống thêm mười năm nữa… Và rồi, như những cánh chim di thê phải tìm đất sống còn, tôi làm đơn xin đi tỵ nạn và được nước Mỹ mở rộng vòng tay cưu mang. Với tôi, cuộc sống hoàn toàn thay đổi từ đây… Ngày trở về quê hương, trong một lần ra Huế, tôi đến thăm người bạn cũ. Lúc tôi chào từ giã, anh bạn cho biết Ánh vẫn ở nhà cũ của cha mẹ nàng năm xưa… Sau đó tôi thuê taxi để tìm đến nhà nàng… Người tài xế nghe nói địa chỉ của Ánh, nhìn tôi hỏi :

- Chắc sau “giải phóng”chú chưa về lại Huế ? Đâu còn đường Đinh Bộ Lĩnh nữa ! Mà chú nói muốn đến hồ Tịnh Tâm ? Nơi đó có gì đẹp để “tham quan”, hay chú tìm ai ?

Những câu hỏi của người tài xế trẻ có vẻ tò mò, nhưng cách nói của anh ta đầy vẻ quan tâm đến người khách phương xa… Tôi thành thật đáp :

- Tôi muốn đến thăm người bạn gái thuở thiếu thời. Có lẽ cũng đến hơn năm mươi năm tôi chưa gặp lại…

Anh lái xe nhìn khách đầy ngạc nhiên, thành thật “góp ý” :

- Theo cháu nghĩ, chú làm một công việc vô bổ, kết quả chỉ khiến chú đau buồn thôi. Nếu cháu chở chú đến đúng số nhà đó mà không có người bạn gái cũ, thì chú sẽ đau buồn ra về. Còn  nếu nhà có người, một bà tóc bạc bước ra nheo mắt nhìn chú, và chú nhận ra người bạn gái ngày xưa, thì chú cảm thấy đau lòng và thất vọng không ?

Anh ta chờ cho khách có vẻ “thấm” với những lời góp ý thẳng thắn và hợp lý đó, rồi tiếp lời :

- Thôi, chú cho địa chỉ nhà hay khách sạn để cháu chở chú về nơi đó bây giờ ! 

Bỗng dưng, lời nói của anh tài xế trẻ - có lẽ trẻ hơn thời gian tôi xa người bạn thuở học trò năm xưa - đã khiến lòng tôi nguội lạnh ! 

Tôi bước vào xe, ngã người trên băng ghế sau, im lặng và buồn bã. Tâm trạng của tôi lúc ấy cũng giống như chàng Từ Thức ngày xưa khi trở về trần, không còn tìm ra cảnh cũ người xưa! 

* * *
Huế ngày…
Thưa anh,                                                                                                                                
Đã lâu lắm, có lẽ cũng hơn năm mươi năm, tôi mới viết thơ này cho anh. Cũng do một tình cờ tôi mới biết địa chỉ của anh để gởi lá thư cuối cùng sau hơn nửa thế kỷ bặt tin ! 
Năm ngoái, nhân buổi họp mặt bạn học cũ, người bạn thân của anh đã cho tôi địa chỉ này. Anh ấy còn cho biết anh từng có ý định ghé thăm tôi trong một chuyến về du lịch Việt  Nam ! Một năm mong chờ, vô vọng. Một năm suy nghĩ, tủi thân. Và sau một năm dài đủ để cõi lòng lắng dịu, tôi mới can đảm viết cho anh.
Năm ấy, tôi thi hỏng, lòng nặng trĩu đau buồn. Nỗi buồn “thi không ăn ớt thế mà cay”, cọng thêm mối u sầu do chia cách tình bạn thân thiết thuở đầu đời… tất cả đã khiến tôi chán chường vô kể. Để rồi sau đó, vâng lời ba mẹ, tôi đi lấy chồng. Và cũng như Cô Lái Đò của nhà thơ Nguyễn Bính “Chẳng lẽ ôm cầm chờ đợi mãi / Cô đành bội ước với tình quân / Bỏ thuyền bỏ lái bỏ dòng sông…”. Tôi lấy chồng, nhưng vẫn về ở ngôi nhà cũ với ba me, để chồng khỏi bận tâm khi đi hành quân xa ! Cho nên dòng sông Hương êm đềm thuở ấy đã níu kéo tôi nơi chốn cố đô thâm u, suốt cả cuộc đời thanh xuân cũng như lúc tuổi đời xế bóng…
Đã năm mươi năm qua tôi vẫn sống vò võ nơi đây, kể từ khi anh bỏ Huế, không bao giờ trở lại thăm người bạn bạn cũ nơi đất thần kinh ! Rồi khi miền Nam thất thủ, người dân lũ lượt ra đi. Và cũng như họ, anh đã đến đất Mỹ, sống trong bầu không khí tự do như gió thoảng, như chim bay ! Và trong niềm hạnh phúc nơi thiên đàng hạ giới ấy, có bao giờ anh chạnh lòng nghĩ đến những cuộc sống hẩm hiu của người bạn cũ nơi quê nhà ?   


Tôi đọc hết lá thư của Ánh, người bạn gái thuở thiếu thời, thẫn thờ nhìn ra bầu trời qua cửa sổ phòng ngủ. Cơn gió mát từ biển thổi vào làm vơi đi những ưu tư vừa dấy lên trong lòng tôi. Hơn hai mươi năm sống nơi xứ người, tôi hầu như quên đi những khổ đau của chính cuộc đời mình trong quá khứ. Với cuộc sống ổn định hiện tại, tôi bỗng lãng quên bạn bè, đồng môn thân thiết ở quê nhà. Thỉnh thoảng tôi nhận được tin một vài người bạn bị bệnh trầm kha; hoặc có người đã ra đi về miền miên viễn xót xa ! Chúng tôi đón nhận, thăm hỏi, chia buồn với tang gia… Kỳ dư, tôi không biết gì về các bạn khác hiện đang sống trong cảnh nghèo khó hẩm hiu, đi làm thuê làm mướn cực nhọc… Có thể họ đang ở trong một thôn xóm keo cư ở miền Hậu Giang. Có thể họ đang sống vất vả trên một mảnh đất khô cằn sỏi đá ở Trung Việt. Đã lâu không ai biết tin tức gì về họ để có thể thăm viếng, giúp đỡ lúc họ túng quẫn ngặt nghèo! Bây giờ họ đang ở một góc rời nào đó trên quê hương.

Lá thư của Ánh đã đến với tôi thật bất ngờ. Nó như cánh chim không mệt mỏi, đã vượt qua nửa vòng trái đất, đánh thức trong tôi nỗi khắc khoải ưu tư… Trong buổi sáng sớm hôm nay, nghe bản nhạc tình cảm thiết tha của Ngô Thụy Miên, tôi chợt nhớ đến ánh mắt buồn ray rức của cô bạn năm nào, khi tôi từ biệt nàng để vào nơi phồn hoa đô hội đất Sài gòn năm ấy. Và trong lá thư vừa đến tôi mấy hôm trước đây, những lời trách móc của người bạn gái năm xưa phải chăng cũng giống như tâm trạng của tác giả Riêng Một Góc Trời mà tôi đã nghe được buổi sáng sớm hôm nay :  

 
Người vui bên ấy, xót xa nơi này, thương hình dáng ai 
Vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai 
Đời như sương khói, mơ hồ, trong bóng tối 
Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời…



Tam Bách ĐBT