Friday, September 25, 2015

Nhân vật “đối kháng“ truy tố tội ác cộng sản

 
Bài viết này trình bày những suy tư cá nhân về trường hợp các nhân vật được xem hay tự nhận là “đối kháng“ do Hoa Kỳ cấp giấy nhập cảnh nên đã sang Mỹ nói chung. Nói riêng thì nó chú trọng vào khía cạnh các nhân vật “đối kháng“ dự kiến tiến hành thủ tục pháp lý nhằm truy tố các tội ác của cộng sản trước nền công lý nhân loại.
 
Khi người Việt Nam được nước ngoài thu nhận
 
Sau ngày 30.04.75 một số lớn đồng bào chúng ta có cơ may được nhiều quốc gia thuộc “thế giới tự do“ thu nhận. Rất nhiều người nghĩ rằng phen này mình sẽ đem chuông đi đấm nước người. Các chuyên viên kinh tế tài chánh, các kỹ thuật gia v.v..thường nuôi mộng sẽ có dịp thi thố tài năng trong xã hội mới nơi đất khách. Tôi quen một ông giáo sư đại học kinh tế. Trong một buổi hội thảo, ông lớn tiếng tuyên bố sẽ dạy cho người Đức làm kinh tế. Một ông giáo sư dạy Đức ngữ ở cấp trung học thời Việt Nam Cộng Hoà chuẩn bị tâm trạng để sang Đức dạy tiếng Đức. Ngay một bà sinh sống bằng nghề tiểu thương cũng lạc quan bảo rằng ở Việt Nam mà mình còn buôn bán được thì sang Đức mình sẽ kinh doanh qui mô. Vân vân. Tất cả những trường hợp tôi vừa liệt kê đều tỏ ra hết sức tự tin khi minh hoạ khả năng thi thố tài năng nơi quê người để rồi sau đó họ sống rất thoải mái trên vùng đất lạ nhờ trợ cấp xã hội. Cho nên nếu những nhân vật chính trị “đối kháng“ được Mỹ nhân danh điều được gọi là “nhân quyền“ mang sang nước họ trong thời gian gần đây có lớn tiếng tuyên bố hơi hơi đại ngôn thì đó là điều rất hợp thế thái nhân tình.
 
Khi chư vị “đối kháng“ tuyên bố vào thuở ban đầu
 
Tất cả quí Ông quí Bà sang Mỹ theo tư cách “trục xuất“(?) hay không trục xuất đều đồng thanh khẳng định là mình sẽ tiếp tục đấu tranh. Định luật này không có ngoại lệ. Chẳng có ai khi mới chân ướt chân ráo ra khỏi phi cơ mà lại lên tiếng công khai bảo rằng mình sang Mỹ là để sống đời hưu trí hay ít ra thì cũng để sống cảnh an thân. Cư xử như thế thật đáng hoan nghênh. Nhưng ý chí quang phục quê hương dần dà nhạt nhoà đi cùng với cuộc sống kéo dài trên đất lạ và kết quả là những thành phần tạm xem là “đối kháng“ rốt cuộc cũng chỉ sử dụng những biện pháp chống cộng giống y như người tỵ nạn; thậm chí còn thua người tỵ nạn, ví dụ họ không hề hay rất ít tham gia các vụ biểu tình chống đối những lãnh tụ cộng sản công du ngoại quốc. Ngoài ra do chịu ảnh hưởng quá nặng của chính sách tuyên truyền nhồi sọ, họ dễ có những phát biểu, những nhận thức không đúng chân lý lịch sử; và tình trạng này hạn chế không ít tác dụng chống cộng của họ.
 
Đáng nói hơn là những dự tính riêng tư lúc ban sơ của từng người. Không muốn bài viết quá dài, tôi chỉ xin đan cử trường hợp hai Ông Bà Nguyễn Văn Hải và Tạ phong Tần. Ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vừa mới qua được Mỹ là đã tuyên bố sẽ canh tân đường lối thông tin trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài và sẽ kết hợp truyền thông giữa quốc nội và hải ngoại. (Tôi chỉ ghi lại nội dung chính, tôi không chủ tâm phải ghi nguyên văn lời phát biểu). Cá nhân tôi chờ mãi vẫn chưa thấy kết quả cụ thể của đường lối này. Ngoài ra, Ông Nguyễn Văn Hải còn cho biết sẽ kiện cộng sản trước các toà án quốc tế. Tôi rất vui khi nghe tin này, dẫu biết rằng nói và làm khác nhau rất rất rất xa. Thế rồi mấy hôm nay niềm vui tưởng đã tắt lịm bỗng nhen nhúm trở lại khi nghe lời tuyên bố của Bà Tạ Phong Tần. Lời tuyên bố của Bà mạnh mẽ hơn so với lời tuyên bố trước đây của Ông Nguyễn Văn Hải. Nhiều lần, Bà Tạ Phong Tần dùng tính từ quen thuộc của ngôn từ cộng sản, tính từ “hoành tráng“. Nói chung, Bà sẽ kiện cộng sản trước các toà quốc tế một cách “hoành tráng“ vì Bà mang được sang Mỹ đầy đủ hồ sơ án lệ. Khác và cũng hơn Ông Nguyễn Văn Hải, Bà Tạ Phong Tần tỏ ra rất tự tin khi trình bày tâm nguyện bản thân.
 
Truy tố tội ác Việt cộng : hết phe quốc gia...
 
Nhiều lần tôi từng nhận định rằng chỉ có biện pháp truy tố tội ác Việt cộng trước các pháp đình quốc tế mới là một biện pháp tấn công, chủ động, xung kích nhắm vào phía địch; còn tất cả các biện pháp khác – biểu tình tuần hành, hội thảo hội luận, dựng lại cờ vàng, đặt tên Saigon Nhỏ, sáng tác chính luận v.v..– đều chỉ là những biện pháp thụ động, bị động, tự vệ nhằm giữ đất giữ người. Cho nên cùng với một vài đồng bào và tổ chức khác, cá nhân tôi đã tìm hiểu và đệ đơn truy tố tội ác giặc cộng, nhưng chúng tôi, cho đến nay, đã không đạt được thành quả nào cả. Xin sơ lược kể ra sau đây : Luật sư Nguyễn Thành ở Florida, Hoa Kỳ; Thiếu tá Liên Thành ở California, Hoa Kỳ; Ông Trúc Lâm Nguyễn Việt Phúc Lộc ở Bern, Thụy Sĩ. Nếu kể cả bản thân tôi thì đã có bốn công dân gồm hai công dân Hoa Kỳ, một công dân Thụy Sĩ và một công dân Đức quốc lập thủ tục truy tố tội ác giặc cộng trước các cơ quan bảo vệ công lý quốc tế. Chúng tôi sử dụng tố quyền của những nạn nhân trực tiếp của chính quyền cộng sản; nói cách khác, chúng tôi tố cáo các trọng tội hình sự của cộng sản trước nền công lý nhân loại với tư cách là chứng nhân hay hội đoàn. Nhưng không có toà án quốc tế nào chịu chấp đơn khởi tố của chúng tôi vì những tội danh do chúng tôi nêu ra đều đã mất thời hiệu. (Tôi chỉ nêu các trường hợp tố tụng đứng đắn, đàng hoàng).
 
...đến người cộng sản
 
Thoạt nghe nhị vị Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần cho biết sẽ kiện Việt cộng, tôi đã cảm thấy ngỡ ngàng. Cùng chung hoàn cảnh với hai vị, cùng bị cộng sản câu thúc thân thể một cách phi pháp – theo lời tố cáo của cả ba người – còn có luật sư Cù Huy Hà Vũ. Hơn nữa, Bà Cù Huy Hà Vũ cũng là luật sư. Tại sao tiến hành một công việc thuộc phạm vi luật pháp mà lại không do hai chuyên gia về luật, nạn nhân trực tiếp của lạm quyền tư pháp, chủ xướng và chủ trì?
 
Toà án quốc tế có rất nhiều nhưng theo sự hiểu biết của cá nhân tôi thì chỉ có hai cơ cấu thích hợp với việc chúng ta theo đuổi là International Court of Justice (ICJ) thiết lập năm 1945 và International Criminal Court (ICC) thiết lập năm 2002. Nhưng ICJ chỉ thụ lý những vụ tranh chấp (general disputes) do các quốc gia khởi tố, hay nói cách khác, các cá nhân không được phép nộp đơn kiện cáo tại ICJ. ICC nhận đơn truy tố về những trọng tội quốc tế thuộc ba lĩnh vực diệt chủng, tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh (international crimes of genocide, crimes against humanity, and war crimes). Thuộc loại hình crimes against humanity có imprisonnement or other severe deprivation of physical liberty và outrages upon personal dignity [bỏ tù hay câu thúc thân thể trầm trọng (chẳng hạn “tập trung học tập cải tạo“ đối với “ngụy quân ngụy quyền“) và xúc phạm nhân phẩm]. Hai nhân vật “đối kháng“ Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần có thể tự xem là đối tượng của hình thức tội phạm hình sự này vì cả hai đã bị cộng sản giam cầm và ngược đãi. Như thế, đối với ICC và trên nguyên tắc, họ có tố quyền. Nhưng có tố quyền là một chuyện, truy tố được hay không là chuyện hoàn toàn khác.
 
Hai mặt của một vấn đề
 
Công pháp quốc tế sẵn sàng tạo cơ hội cho nạn nhân các chế độ tàn bạo sát nhân giữ một vai trò tích cực, chủ động, trung tâm, trọng yếu trong tiến trình truy tố tội ác của những chế độ liên hệ. Nạn nhân không phải chỉ giữ vai trò nhân chứng mà còn có quyền yêu cầu tiến hành điều tra tội ác để rồi cùng tham gia tiến trình truy tố và đòi hỏi bồi thường. Nhiều quốc gia văn minh dân chủ đã cùng đồng loạt ban bố thủ tục cụ thể nhằm tiến hành truy tố và kết tội những tên sát thủ đồng thời bồi hoàn thiệt hại tinh thần và vật chất cho nạn nhân oan ức. Nhưng đó là lý thuyết.
 
Khi thực hành thì khác. Như đã trình bày, hai Ông Bà Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần chỉ có thể truy tố tội ác cộng sản trước ICC. (Thật ra còn có European Court of Human Rights hoạt động từ năm 1959 lận và chuyên xử các vụ vi phạm nhân quyền nhưng nó chỉ thụ lý các án lệ liên quan đến công dân Liên Âu. Egon Krenz, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức, đã nộp đơn kiện tại pháp đình này vì cho là mình bị luật pháp Đức tuyên án oan ức.) Vì là một international court nên dẫu nhị vị là công dân Hoa Kỳ (hay công dân Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhị vị vẫn được phép nộp đơn truy sách. Tuy nhiên, hoạt động của ICC vốn đặt cơ sở trên văn kiện mệnh danh là Pháp chế La mã (Rome Statute) mà quốc gia Việt nam cộng sản lại không chịu ký tên cũng như không chịu phê chuẩn văn kiện lập pháp này. (Đã có 122 quốc gia ký tên rồi phê chuẩn; có quốc gia đã ký tên nhưng chưa phê chuẩn như Do Thái, Thái Lan, Hoa Kỳ; 43 quốc gia không ký tên, không phê chuẩn trong số có Trung Cộng, Ấn Độ, Lào, Bắc Hàn, Việt Nam).
 
Dẫu sao đi nữa, Việt cộng không công nhận thẩm quyền của ICC thì chúng sẽ không chịu trách nhiệm hình sự khi bị kết án; nhưng nếu hai nguyên đơn Nguyễn Văn Hải-Tạ Phong Tần đạt được một kết quả nào đó trước Toà Hình sự Quốc tế International Criminal Court ICC thì cũng ngoạn mục lắm rồi. Cho nên tất cả vấn đề là hai nguyên đơn họ Nguyễn họ Tạ phải chứng minh rằng mình là nạn nhân của tội ác chống nhân loại, crimes against humanity. Lợi thế của hai nguyên đơn : tội ác của giặc đối với hai người chưa mất thời hiệu.
 
Cho đến bây giờ, phe quốc gia không gặt hái được thành công khi truy tố tội ác giặc cộng chỉ vì : a) thảm sát Mậu Thân Huế không mất thời hiệu nếu được nền công lý nhân loại công nhận là genocide, là tội ác diệt chủng nhưng bên nguyên, cho đến nay, đã không làm được việc chứng minh này; b) các tội ác khác [giam cầm không xét xử (học tập cải tạo) chẳng hạn] đã mất thời hiệu vì xảy ra từ 1975; c) vả lại Toà Hình sự Quốc tế được thiết lập từ năm 2002 và chỉ thụ lý những án lệ xảy ra sau niên đại này.
 
Người có gốc nguồn từ phía quốc gia đã không thành công. Giờ đến lượt người xuất thân từ phía cộng sản hành động. Nếu hành động đạt được một chút kết quả nào đó thì những nhân vật “đối kháng“ đáng được xem là hữu ích phần nào. Nếu, nếu,nếu...
24.09.2015
Trần Văn Tích

Thursday, September 24, 2015

Gởi tiền về Việt Nam.

CLAREMONT, California (NV) – Giáo sư Đại Học Pomona, Thái Cẩm Hưng, hoàn tất công trình nghiên cứu về một đề tài ai ai trong chúng ta cũng đã, đang và sẽ làm, nhưng không hề hiểu biết chi tiết về việc ấy: Gởi tiền về Việt Nam.

Cuốn sách có tựa đề 'Insufficient Funds,' tạm dịch là “Không Đủ Tiền.”


 
alt
Cuốn sách mới của Giáo Sư Thái Cẩm Hưng.(Hình do ông Thái Cẩm Hưng cung cấp)

“Không đủ tiền” đã lập tức nhận được giải thưởng Sách Hay Nhất Năm 2015 về Á Châu của Hội Xã Hội Học Hoa Kỳ.

Giáo sư Hưng trả lời nhật báo Người Việt: “Tựa này là do một Việt kiều ở Virginia gặp tôi tại Việt Nam đề nghị.”

“Anh ta kể một hôm ra ATM rút tiền nhưng không được, chỉ thấy biên nhận có dòng chữ: “INSUFFICIENT FUNDS:  SORRY YOU CANNOT WITHDRAW MONEY AT THIS TIME. (Không đủ tiền: Xin cáo lỗi, quí vị không thể rút tiền bây giờ).”
Các nhà phê bình gọi đây là một “cuộc nghiên cứu thành công rực rỡ mang tính bước ngoặt,” một tường thuật về tài chánh của người di dân, một “đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối, theo thông cáo báo chí của Đại Học Pomona.

“Tôi nảy ý định viết cuốn sách này là vì tôi nhìn thấy sự tiêu xài gần như vô độ của Việt kiều khi về nước,” giáo sư Hưng nói.

alt
Giáo Sư Thái Cẩm Hưng trong một buổi thuyết Giảng.  (Hình: Pomona.edu)


“Cho nên tôi muốn tìm hiểu để coi có nguyên nhân gì khiến họ làm như vậy, nguyên nhân sâu xa hơn là khoe khoang, “lấy le””.

Cũng là người Việt di cư, vượt biên đến Mỹ đầu thập niên 1980, nghiên cứu này có ý nghĩa sâu xa cho chính bản thân tác giả.

“Lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó ở tiểu bang Mississippi, tôi từng chứng kiến cảnh cha mẹ tôi gởi tiền về Việt Nam để rồi người nhà trong nước lâm vào cảnh phá sản, mất cả chì lẫn chài,” giáo sư Hưng thuật chuyện.

Một trong những điểm đáng chú ý, ông nhận định rằng rất nhiều mối quan hệ gia đình của người Việt đã bị “tài chánh hóa,” nghĩa là nền tảng tình cảm gia đình được xây dựng dựa trên tiền bạc. 

Gởi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam là cách biểu lộ tình thương.

Rất đông gia đình gốc Việt ở nước ngoài gởi tiền cho thân nhân với giá quá đắt, bất chấp sự bấp bênh tài chánh của họ ở ngay tại đây.

Những gia đình này làm chỉ vừa đủ "trên mức nghèo," theo ấn định của chính phủ là $23,000/năm cho gia đình bốn người, hoặc $14,000/năm cho một người.

Thế mà, vì gởi tiền về Việt Nam, họ phải chịu sống cảnh nghèo nàn, túng thiếu. Họ tự đặt mình vào một tầng lớp mà các nhà xã hội học gọi là “the missing class,” một giai cấp bị lãng quên, trong các cuộc thảo luận về an sinh xã hôi hoặc cơ hội tìm việc làm, giáo sư Hưng ghi nhận.

“Họ tiện tặn, không dám tiêu xài để gởi tiền trên mức họ làm ra cho nên trong khi họ có thể trợ giúp cho thân nhân ở Việt Nam có được cuộc sống thoải mái, bao nhiêu người đã mang công, mắc nợ.”

“Đây là một hy sinh lớn.”

“Khổ nỗi, rất hiếm người nhận tiền ở Viêt Nam thấu hiểu được sự hy sinh này bởi vì chả bao giờ người gởi lại nói thật hoàn cảnh tài chính của mình, của những người đã sang đến Mỹ.”

“Họ muốn để người nhà nghĩ rằng họ đã đạt được “giấc mơ Mỹ” và đón nhận sự nể phục và tôn kính của thân nhân.”

Ở chương Sáu, sách bàn về chuyên gởi tiền lâu dần thành một thói quen.

“Đa số, khi đã gởi tiền vài lần thì thân nhân bắt đầu có hy vọng, trông mong, nên người gởi buộc phải tiếp tục gởi vì không muốn người nhà thất vọng.”

Chương Bảy bàn về tình tạng những đòi hỏi của người trong nước bị cám dỗ bởi những nhu cầu vật chất phải xài đồ ngoại một cách thiếu thực tế nên tạo áp lực thân nhân nước ngoài.

Chương Chín đề cập đến những câu chuyện thương tâm: Một ông và một bà coi việc gởi tiền như một bổn phận, vì gởi quá nhiều tiền trong thời gian dài nên lâm vào hoàn cảnh phá sản. 

Xấu hổ và mặc cảm với thân nhân đã khiến họ không dám liên lạc nữa; họ cắt đứt với gia đình. Trong lúc ấy, gia đình ở Việt Nam không hiểu lý do gì.

“Ở góc nhìn khác, khi về nước, những Việt kiều này thường tiêu tiền phung phí khiến thân nhân không thể ngờ rằng Việt kiều người nhà của mình lại có thể lâm vào cảnh túng thiếu ở nước ngoài được.”

alt
Tác giả Thái Cẩm Hưng.  (Hình do ông Thái Cẩm Hưng cung cấp)


“Tôi xin nhấn mạnh, cuốn sách này hoàn toàn không phê bình hay châm biếm những người gởi tiền được đề cập mà là để chúng ta cảm thông cho họ, cho hoàn cảnh của họ.”
“Tôi có hai cảm giác rất trái ngược khi viết cuốn 'Tiền không đủ," một là buồn và một là thích thú. Buồn cho những cảnh sống quá thê thảm và tạm bợ, còn thích thú là vì những tình thương sâu đậm qua sự hy sinh cho thân nhân.”

Giáo sư Hưng nêu rằng, người di cư có những lợi điểm hơn những sắc dân khác như dân da trắng hoặc da đen nghèo vì họ có chỗ để cho và tiêu xài.

Người Việt di cư tìm được giá trị và nhân phẩm mà họ không thể có được nếu không có quê hương nghèo nàn để quay lại.”

“Tôi cảm động vô cùng khi nghe về quyết định của một số người. Có người cố tình lấy hết tiền trong thẻ tín dụng để gởi về Việt Nam bởi vì họ có được sự hài lòng.”

Nhân phẩm, cảm giác thương yêu gia đình, cảm giác thành đạt là những gì chúng ta tìm được khi giúp đỡ thân nhân ở Việt Nam.

Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, trong năm 2015, ước tính số tiền Việt kiều ở Mỹ gởi về Việt Nam là $6.8 tỷ trong tổng số $12 tỷ từ các nước khác.
Năm 2008, giáo sư Thái Cẩm Hưng cho phát hành cuốn sách khác mang tựa đề “For Better or for Worse: Vietnamese International Marriages in the New Global Economy,” tạm dịch: “Tốt Hơn hay Tệ Hơn: Những Cuộc Hôn Nhân Quốc Tế của Người Việt Trong Bối Cảnh Kinh Tế Toàn Cầu Mới."

Phụ lục:

Ước Tính Tiền Gởi Về Việt Nam Năm 2015: $12 tỷ

American Samoa: $1 triệu
Úc: $1 tỷ
Áo: $15 triệu
Azerbaijan: $1 triệu
Bangladesh: $80 triệu
Belarus: $1 triệu
Bỉ: $10 triệu
Bulgaria: $2 triệu
Cambodia: $111 triệu
Canada: $843 triệu
Trung Quốc: $124 triệu
Cộng Hòa Czech: $209 triệu
Đan Mạch: $47 triệu
Phần Lan: $25 triệu
Pháp: $53 triệu
Đức: $647 triệu
Guam: $2 triệu
Hong Kong: $53 triệu
Hungary: $14 triệu
Iceland: $3 triệu
Ấn Độ: $2 triệu
Ireland: $7 triệu
Italy: $21 triệu
Nhật: $167 triệu
Bắc Hàn: $2 triệu
Nam Hàn: $522 triệu
Lào: $34 triệu
Malaysia: $109 triệu
Moldova: $1 triệu
Mông Cổ: $1 triệu
Hà Lan: $58 triệu
Tân Caledonia: $4 triệu
Tân Tây Lan: $26 triệu
Na Uy: $72 triệu
Philippines: $1 triệu
Ba Lan: $12 triệu
Nga: $52 triệu
Cộng Hòa Slovak: $6 triệu
Tây Ban Nha: $6 triệu
Thụy Điển: $74 triệu
Thụy Sĩ: $58 triệu
Thái Lan: $62 triệu
Timor-Leste: $1 triệu
Ukraine: $11 triệu
Anh: $124 triệu
Mỹ: $6.8 tỷ
Uzbekistan: $2 triệu

Wednesday, September 23, 2015

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?




Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi tại Việt Nam, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền đã giận dữ bỏ đi giữa làn nước, vốn đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua giòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông đó chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước những biến động đang ập đến ngay cửa nhà mình.

Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi qua các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải con người Việt Nam đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển…  nhưng chỉ trong tíc tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm.

Người Việt rầm rộ làm giàu từ nhiều năm nay, tập bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng mọi thứ lại không phải như vậy.

Chưa bao giờ người Việt ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng những phong trào uống, chích các loại thuốc như vậy không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng tạo ra loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình.

Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vuơn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội Việt Nam hôm nay. Già hay trẻ cũng vậy! Sự tôn thờ vật chất đã có rất nhiều ví dụ đau lòng như con giết cha mẹ để lấy nhà, lấy đất cho đời thụ hưởng.

Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, không có gì cân bằng với giáo dục. Môi trường, an ninh… Mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Mọi lời hứa vĩ đại trôi qua năm tháng, chìm vào hiện thực. Tương tự  như sự kiện “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9/2015 với gần 10 tỷ USD bốc hơi trong vài ngày, đã nhắc khéo rằng dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà.

Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi?

Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt. Và ở Hà Nội, quan lại chia nhau cai trị trong họ hàng của mình ở huyện Mỹ Đức.

Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng chắc chắn không phải là một khuynh hướng tạm thời.

Nhan nhản trên các trang báo, cũng như tin nhắn rác, là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề… ám chỉ việc ra đi, định cư ở nước ngoài. Một người bạn làm công việc này cho biết lượng người gọi vào, tìm hiểu, làm đơn hay hy vọng đang tăng đến mức kinh ngạc, thậm chí diện EB-5 của Mỹ, đòi hỏi phải có ít nhất 500.000 USD cũng vậy . Trong các bài phóng sự đuợc dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài.

Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì?

Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ che mặt ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.

Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đời thật đẹp với những chùm khế ngọt.  Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ tranh nhau hái trái, đốn hạ cây mà âm mưu sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ  gói ghém ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh rồi như vậy, vì sao?

Xin đừng ai trả lời. Đừng nói một lời nào cả. Chúng ta hãy cùng lặng im và suy ngẫm.
nhacsituankhanh

 

Bên Thắng Cuộc / Nguyễn Ngọc Ngạn

 Trong đợt lưu diễn văn nghệ đầu năm nay ở vài thành phố bên Mỹ, trùng hợp có một tờ tạp chí và một đài phát thanh hỏi tôi cùng một câu: Nhìn lại 4 thập niên vừa qua, 1975-2015, sự kiện gì đối với chú là quan trọng nhất?
Câu này dễ trả lời! Thế giới biến đổi từng ngày, biết bao nhiêu chuyện xảy ra. Nhưng riêng đối với tôi thì biến cố lớn nhất trong 40 năm qua là sự tan rã của Liên Xô và hệ thống cộng sản toàn cầu. Nó mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới, kết thúc chiến tranh lạnh, giảm thiểu tối đa các vũ khí chiến lược, tiết kiệm bao nhiêu tiền của và xương máu mà nhân loại đã đổ ra từ ngày có phong trào cộng sản. Cần hình dung lại hàng triệu người đã chết thảm ở Siberia thời Stalin, trong cải cách ruộng đất và cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông, rồi cải cách ruộng đất và sửa sai thời Hồ Chí Minh trên đất Bắc, cũng như đánh tư sản và tù cải tạo tại miền Nam sau 1975. Chưa kể chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Kiểm điểm lại những đau thương ngút trời gần một thế kỷ vừa qua, người ta mới thấy hết được niềm hạnh phúc khi đế quốc cộng sản sụp đổ, mà sự sụp đổ ấy không do tác động trực tiếp của thế giới tự do, mà do chính nội bộ của đảng viên và của quần chúng các nước xã hội chủ nghĩa dấy lên. Theo tôi, đó là sự kiện vĩ đại nhất của nhân loại trong 4 thập niên vừa qua!
 
 
 
Từ ngày ra hải ngoại, tôi vẫn mang trong đầu một điều tiếc nuối: Việt Nam Cộng Hòa là quốc gia cuối cùng trên thế giới bị lọt vào tay Cộng Sản. Giả như đồng minh Hoa Kỳ không bỏ cuộc giữa đường, Miền Nam Việt Nam chỉ cần cầm cự thêm vài năm nữa, chắc chắn tình hình đã đổi khác.
Đến khi cộng sản toàn cầu sụp đổ, tôi lại cho rằng, sự sụp đổ ấy bắt nguồn sâu xa từ chiến tranh Việt Nam. Tôi tin như thế, nhưng dè dặt không dám viết ra vì sợ có người sẽ bảo là tôi chủ quan. Mãi đến khoảng năm 2005, tôi tình cờ đọc được cuốn sách của một tác giả người Mỹ, tôi mới cảm thấy an lòng và hết sức vui mừng vì có người đồng ý với suy nghĩ của tôi.
Tiếc là giờ này tôi không có cuốn sách ấy trong tay, vì hôm đó trong khi chờ chuyến bay ở phi trường, tôi tạt vào tiệm bách hóa Hudson News tính mua đại một tờ tạp chí nào đó để lên máy bay xem cho qua thì giờ, thì thấy có cuốn sách viết về Vietnam War nên vội lấy xuống. Tôi mới chỉ đọc được 2 trang của phần mở đầu thì chuyến bay thông báo boarding mà người xếp hạng ở quầy tính tiền đông quá, tôi đành bỏ lại cuốn sách trên kệ.
Ngồi trên phi cơ, tôi nhớ lại lập luận của tác giả cho rằng: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chạy đua võ trang, hay đúng hơn là cuộc chạy đua tiêu tiền, giữa hai khối tư bản và cộng sản. Cuộc chạy đua ấy tuy kết thúc dở dang vì Hoa Kỳ bỏ cuộc, nhưng cũng đủ để làm khối cộng sản kiệt quệ về tài chánh, không vực dậy nổi, dẫn đến sự sụp đổ 15 năm sau!
Điều này tôi tin là đúng. Hồi mới sang Canada, năm 1979, tôi đọc một bài viết trong tờ Financial, nói rằng: Chiến tranh Việt Nam đã làm đồng dollar Mỹ mất giá và gây nên tình trạng lạm phát nặng nề. Lúc ấy tôi nghĩ: Mỹ giàu như thế mà còn điêu đứng vì chiến tranh Việt Nam, thì huống chi các nước cộng sản vốn quanh năm èo uột về kinh tế!
Quả thực đúng như vậy! Trong chiến tranh, người dân các nước Cộng Sản tạm quên cái đói khổ. Nhưng hết chiến tranh rồi, cái sai của chế độ và cái yếu của lãnh đạo tất nhiên phải lộ ra, không thể nào che đậy được. Lấy lý do gì để giải thích với nhân dân, sau bao nhiêu năm nhịn ăn cung ứng cho chiến trường, rồi bây giờ lại càng đói khổ hơn khi hòa bình trở lại!
 
Từ những “bức xúc” thực tế ấy, lãnh đạo Cộng Sản bất đắc dĩ phải đưa ra khẩu hiệu “đổi mới”, khởi đầu ngay tại Liên Xô từ năm 1985. Nói “bất đắc dĩ” là bởi vì trong thế giới Cộng Sản, bất cứ ai đề xuất một ý tưởng khác với những giáo điều cứng rắn của Đảng thì lập tức bị gán cho cái tội “xét lại” hoặc “phản Đảng” và thường đưa đến hậu quả thân tàn ma dại. Điều này chắc chắn ai cũng đã biết qua kinh nghiệm mấy chục năm cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đọc Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Đèn Cù của Trần Đĩnh, Bên Thắng Cuộc của Huy Đức v.v… chúng ta đã thấy được phần nào những thanh trừng nội bộ rất cay đắng của Đảng Cộng Sản qua những vụ án mà họ gọi là “xét lại”, chẳng hạn như vụ Hoàng Minh Chính. Hoàng Minh Chính là một đảng viên kỳ cựu, hoạt động cùng thời với anh em Lê Đức Thọ. Năm 1945 ở Hà Nội, nhạc sĩ Văn Cao tham gia Việt Minh, công tác trong đội ám sát. Chính Hoàng Minh Chính đã đưa súng cho Văn Cao đi giết những đảng viên Quốc Dân Đảng bị Việt Minh vu cho tội thân Nhật. Hơn 30 năm sau, Hoàng Minh Chính mới tỉnh ngộ, nhìn thấy nhu cầu phải cải tổ để cứu đất nước. Nhưng ý kiến của ông đụng vào những bức tường bảo thủ kiên cố nên ông bị truy bức, kéo theo bao nhiêu người khác mà phe bảo thủ muốn nhân dịp này tiêu diệt.
 
Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, thấy nông dân làm hợp tác xã không có hiệu quả vì cha chung không ai khóc, cơm nhà chúa múa tối ngày, cứ rềnh rang vác cuốc ra đồng đủ 8 tiếng rồi về, thu hoạch không năm nào đủ chỉ tiêu. Ông mới nghĩ ra sáng kiến là cho nông dân làm khoán. Làm nhiều ngày hay ít, chăm hay lười, không cần biết, miễn là nộp đủ số thóc quy định! Sáng kiến này tuy thực tế và có lợi cho Nhà Nước nhưng bị coi là đi lạc đường nên bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật và cách chức! Bí thư tỉnh ủy tất nhiên phải là một ủy viên trung ương Đảng, thế mà còn bị trừng phạt vì một sáng kiến cá nhân, huống chi người dân thường, ai dám phát biểu ý kiến!
 
Vậy mà sau 10 năm kết thúc chiến tranh, giữa lúc phe bảo thủ còn đang thống trị toàn Đảng, thì Trường Chinh đã phải công khai hô hào đổi mới. Ai cũng biết Trường Chinh là lãnh tụ cộng sản kỳ cựu bên cạnh Hồ Chí Minh, một lý thuyết gia tiền phong của Đảng và là người chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu tại Miền Bắc, giết hại biết bao nhiêu nông dân cũng như đảng viên. Nói cách khác, Trường Chinh vẫn được coi là một thành trì kiên cố nhất của Đảng. Thế mà chính Trường Chinh phải thay đổi lập trường thì đủ biết hoàn cảnh Việt Nam sau chiến tranh thê lương như thế nào! Trần Bạch Đằng viết trong bài “Dám Rẽ Ngoặt Trong Tư Duy” như sau:
“Mùa Thu năm 1985, thành quả của bao nhiêu năm chắt chiu của nước ta bỗng chốc sụp đổ qua sai lầm trong điều chỉnh giá cả và đổi tiền. Thế là toàn Đảng toàn dân “khởi đầu bằng sự khởi đầu”! Bác Trường Chinh tìm lối thoát trong cảnh cực kỳ rối ren… Bác kiên trì sự nghiệp đổi mới, đổi mới triệt để và toàn diện… Bác dũng cảm điều chỉnh lại tư tưởng của mình…”!

Nói “dũng cảm” bởi vì khi đề xuất ý kiến đổi mới tức là đụng chạm mạnh đến những vùng đất cấm kinh niên của Đảng, những nhân sự suốt đời cố chấp mà chỉ có người tầm cỡ như Trường Chinh, lúc ấy ngoài 70, mới dám lên tiếng!
Sau khi Trường Chinh mất, Trần Bạch Đằng viết:
“Thưa anh Năm Trường Chinh! Tiễn anh, chúng tôi ân hận vô cùng: Không đổi mới nhanh như anh ao ước!… Tôi tin, nếu quả còn cuộc sống ở thế giới khác sau khi người ta chết, thì những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất, cũng sẽ mở rộng vòng tay đón Bác Năm Trường Chinh…”.
Ý nói: Cuối đời Trường Chinh đã thấy cái sai của mình, xin các oan hồn bị đấu tố trước đây, nếu gặp lại Trường Chinh ở thế giới bên kia, hãy tha cho Trường Chinh, đừng xúm lại hỏi tội!
(Ghi chú: Trần Bạch Đằng nguyên là Bí thư Khu Ủy Sài Gòn – Gia Định. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Trần Bạch Đằng và Võ Văn Kiệt là tư lệnh tiền phương, chỉ huy lực lượng Việt cộng đánh vào nội thành Sài Gòn).

“Đổi mới” thật ra là một bản tuyên ngôn đầu hàng tư bản! Bởi vì: Cốt lõi của Cộng Sản là kinh tế chỉ huy, là mậu dịch quốc doanh, là kiểm tra hộ khẩu, là hợp tác xã, là mỗi tháng xếp hàng lĩnh 16 ký gạo! Một khi đã chuyển sang cơ chế thị trường tức là đã chào thua thế giới tự do rồi!
Kiệt quệ về kinh tế đã đành, người Cộng Sản còn mất hết niềm tin vào những lý tưởng mà họ được dạy dỗ trước đây.
Lùi lại hồi đầu thế kỷ thứ 20, phong trào Cộng Sản là một cái gì mới mẻ, hấp dẫn rất nhiều người trí thức ở thành thị. Nó hấp dẫn bởi về mặt lý thuyết, nó đề cao lý tưởng công bằng xã hội, xóa bỏ bất công bằng đấu tranh giai cấp. Lúc ấy, quả thực tư bản còn quá nhiều khuyết điểm, chủ nhân bóc lột công nhân, công đoàn chưa thành hình, chế độ lao động hà khắc, không được luật lao động bảo vệ. Ở nông thôn thì phong kiến áp bức đến tận cùng. Do thực tế ấy, người ta dễ dàng bị lôi cuốn theo Cộng Sản dù chưa hiểu CS là gì. Đã thế, cộng sản lại ra đời đúng lúc phong trào giải phóng các dân tộc bị trị lên cao trên toàn cầu, nhất là sau Đệ nhị Thế chiến. Cộng Sản khôn khéo đem chiêu bài chống ngoại xâm để lôi kéo quần chúng, điển hình là biết bao nhiêu người đã theo Hồ Chí Minh, đâu phải vì thích Cộng Sản mà vì muốn đứng vào hàng ngũ đánh Pháp. Đến khi Cộng Sản thắng rồi thì đã quá muộn, họ không rút chân được nữa!
 
Thế giới tư bản thì càng ngày tự điều chỉnh để trở nên hoàn thiện, trong khi cộng sản dừng chân tại chỗ, hết chiến tranh là lộ ra hết khuyết điểm. Khi Liên Xô và Trung Cộng công khai thù nghịch nhau, khi Việt Cộng xâm lăng Miên Cộng (Khờ-Me Đỏ), khi Trung Cộng dạy cho Việt Cộng một bài học vào đầu năm 1979 – nghĩa là gà cùng một mẹ mà chém giết nhau không nương tay – thì cái lý tưởng “thế giới đại đồng” và “chung sống hòa bình” giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em còn ý nghĩa gì nữa! Cứ nhìn Trung Cộng, người ta thấy ngay cái tình hữu nghị môi hở răng lạnh của hai nước Cộng Sản nó cay đắng như thế nào! Lời dạy của Đảng trở thành trò hề, làm thất vọng tất cả những ai từng tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin. Ý nghĩ giã từ chủ nghĩa xã hội vì vậy càng ngày càng lan rộng trong đầu nhiều đảng viên, chỉ chờ cơ hội là bùng phát!
Từ khi các nước Đông Âu và nhất là Liên Xô sụp đổ, thế giới không còn ai nhắc đến Cộng Sản nữa. (Chắc chỉ còn cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn bám lấy ma Cộng Sản để hù dọa hoặc chụp mũ nhau mà thôi!). Hai chữ “Cộng Sản” chỉ còn là một tì vết của lịch sử, đã lùi hẳn vào trong dĩ vãng, không còn là mối bận tâm cho nhân loại. Nó đã trở thành chuyện cổ tích, người bỏ Đảng mỗi ngày một đông. Trước mắt thế giới, kẻ thù mới bây giờ là Terrorist, là ISIS, là những nhóm quá khích không nhân tính, chứ kẻ thù cũ là Cộng Sản giờ này là hết hẳn đất đứng.
 
Dĩ nhiên cũng còn vài nước vẫn bám lấy danh hiệu Cộng Sản nhưng thật ra họ không còn mang chất cộng sản như xưa. Họ bám chỉ vì quyền lợi của đảng phái, của phe nhóm mà họ phải bảo vệ mà thôi. Bắc Hàn và Cuba thì đói khát quanh năm, không đáng bàn đến. Trung Cộng thì tư bản hóa trước cả Việt Cộng. Cụ thể, ngày nay nếu phải đối phó với Trung Quốc thì hoàn toàn không phải là đối phó với một nước cộng sản mà là một đế quốc có chủ trương bá quyền.
Việt Nam cũng thế! Giờ này người ta chống Việt Nam không phải là chống một nước cộng sản mà là chống một chính quyền độc tài, độc đảng, chà đạp nhân quyền giống như nhiều nước độc tài khác trên thế giới.
 
Trong chế độ Cộng Sản đích thực, chỉ cần có vài mẫu ruộng đã ra pháp trường đấu tố, chỉ cần làm chủ một cửa tiệm hạng trung đã bị đánh tư sản, hoặc vào tù hoặc đi vùng kinh tế mới, chứ làm gì có những cán bộ đảng viên sở hữu những dinh thự nguy nga và ôm hàng tỉ hàng triệu dollars như hiện nay ở Việt Nam! Các cấp lãnh đạo Trung Quốc cũng thế! Có những quan chức phải dành riêng ra hẳn một căn nhà mới đủ chỗ chứa vàng và tiền mặt thì cộng sản ở điểm nào!
Nói tóm lại, trên thế giới ngày nay không còn nước nào áp dụng lý thuyết Cộng Sản đúng nghĩa. Tất cả đều đã đầu hàng tư bản, chạy theo tư bản, nhưng gắng gượng nên câu khẩu hiệu: “Áp dụng cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa!” Họ ngượng ngùng nói thế khi chính họ cũng biết rõ rằng chủ nghĩa xã hội không bao giờ có cơ chế thị trường! Tư bản thúc đẩy sản xuất và cải thiện sản phẩm bằng tự do cạnh tranh! Cộng Sản thúc đẩy sản xuất bằng tuyên truyền, bằng chỉ thị và bằng giấy biểu dương! Khác nhau như nước với lửa, không thể kết hợp được. Cho nên, như tôi đã nói ở trên, người cộng sản một khi đã áp dụng cơ chế thị trường tức là đã bỏ cuộc, là giã từ hẳn chủ nghĩa của mình rồi! Chỉ cần để ý một chút, chúng ta thấy ngay ngày nay họ không còn tự hào khoe khoang về lý tưởng của họ như thuở trước. Những câu khẩu hiệu một thời họ hãnh diện nêu cao như “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân”, hoặc “Chủ nghĩa xã hội là đỉnh cao trí tuệ loài người” giờ này chính họ đã lặng lẽ xóa đi. Hai chữ “vô sản” là đặc trưng của chế độ, ngày nay cũng đã biến mất! Đấu tranh giai cấp để tiến đến công bằng xã hội thì không thể áp dụng được nữa bởi giai cấp giàu nhất bây giờ gồm toàn đảng viên! Chả nhẽ họ tự đấu tố chính mình! Chẳng những thế, trong nước đang có dư luận một ngày gần đây Đảng Cộng Sản sẽ đổi tên, bỏ hẳn hai chữ “Cộng Sản” đã lỗi thời vì quá nhiều khuyết điểm! Nhưng dù có đổi tên mà vẫn duy trì lề lối cũ, vẫn độc tài và thường xuyên vi phạm Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thì thế giới vẫn tiếp tục lên án và người dân vẫn tiếp tục đấu tranh. Bởi mục tiêu tối hậu không phải chỉ là xóa đi hai chữ Cộng Sản, mà là kiến tạo một quốc gia tự do, dân chủ và phú cường, để Việt Nam có thể hãnh diện đứng ngang tầm với các nước văn minh trên thế giới.
 
Tổng kết lại, nhìn lại 4 thập niên vừa qua, nếu chỉ chú ý đến cái mốc kết thúc chiến tranh năm 1975 ở Việt Nam, thì người ta gọi Miền Bắc là “bên thắng cuộc”. Nhưng nếu mở tầm mắt rộng hơn, nhìn sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản toàn cầu do chiến tranh Việt Nam gián tiếp gây nên, thì thế giới tự do mới đích thực là “bên thắng cuộc”!
 
Nguyễn Ngọc Ngạn
 
Tháng 4/2015

Tuesday, September 22, 2015

NGƯỜI VIỆT TRANH CÃI BẤT CẦN LÝ LẼ



Nhà nước Cộng sản Việt Nam không vì số phận của “khúc ruột xa ngàn dặm” mà cần đầu cầu thâm nhập thị trường nước ngoài và làm chủ “con gà đẻ trứng vàng” nên tìm mọi cách khống chế cộng đồng người Việt hải ngoại.
Bao nhiêu quan chức cao cấp của Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công du hải ngoại cũng chưa thu phục được người gốc Việt làm cánh tay nối dài cho Đảng Cộng sản, tuy có dụ dỗ được một số người tham lợi.
Với các quân bài gốc Việt thân-Cộng đã gieo, Hà Nội chỉ gây phân tán chút ít trong khi vẫn bị đa số người Việt tị nạn chống đối quyết liệt.
Người Việt hải ngoại cũng đưa nhiều đợt người về cố quốc để vận động thay đổi chế độ mà thất bại nhiều hơn thành công.
Cộng sản Việt Nam có lợi thế về quan hệ ngoại giao, về ngân sách, về danh nghĩa quốc gia. Nhưng, bất lợi về đường lối, chính sách không phù hợp với trào lưu tiến hoá của nhân loại.
Suốt 40 năm qua, Nhà nước Việt Nam áp bức dân chúng tàn tệ, tạo ra đói rét bất công, xây dựng một nền kinh tế làm thuê từ quốc nội cho tời nước ngoài, trong khi cán bộ nhũng nhiễu, hoang phí vô độ.
Với ngân sách giáo dục chiếm tỉ lệ GDP cao nhất thế giới mà chẳng có quốc gia nào công nhận bằng cấp của Việt Nam . Tỉ lệ tiến sĩ trong guồng máy Nhà nước Việt Nam gấp 5 lần Nhật Bản mà trình độ phát triển vẫn đứng sau các nước Brunei, Tân Gia Ba, Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân. Về văn hoá, ngày càng lai căng và cuồng tín làm cho xã hội bại hoại.
Chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Đảng Cộng sản có ý chí chính trị và khả năng thay đổi chế độ lấy mục tiêu phát triển đất nước lên hàng tối thượng.
Từ Đại hội IV (1976) đến hết Đại hội XII (2015) đầy những ngôn ngữ đội đá vá trời mà Việt Nam vẫn chưa bắt kịp láng giềng nên đa số người Việt quốc nội và hải ngoại khó tin lời lẽ tuyên truyền. Hoá ra đảng viên cộng sản chỉ giỏi nghề chém gió!
Người Việt Hải ngoại đến từ các nguồn gốc và lý do khác nhau như tị nạn chính trị, đoàn tụ gia đình, tị nạn kinh tế, di dân tình báo nên mỗi nhóm đều theo đuổi giấc mơ khác nhau khiến cho mục tiêu chính trị thêm phần phức tạp.
Do đó, người Việt hải ngoại khá đồng nhất về mục tiêu chủng tộc, tập tục, văn hoá mà rất khác biệt về quan điểm và đường lối chính trị.
Hơn nữa, hậu duệ của người Việt hải ngoại ngày càng gắn bó với quê hương mới từ văn hoá, tập tục, lối sống cho chí quan điểm chính trị nên cư xử với Việt Nam tương tự như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.
Vì thế, đi tìm một sự đồng thuận về quan điểm và đường lối chính trị cũng khó như mò kim đáy biển! Tình báo cộng sản khoét sâu khác biệt này nên tạo ra môi trường tranh cãi triền miên và gay gắt trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tuy nhiên, nhờ sinh sống tại các quốc gia dân chủ tiên tiến nên người Việt hải ngoại có điều kiện thu thập, tìm hiểu cặn kẽ mọi sự việc đã, đang và sẽ xảy ra nơi cố hương mà không bị yếu tố tuyên truyền che dậy.
Giới truyền thông hải ngoại đã soi sáng nhiều mảng lịch sử bị che đậy làm cho Đảng Cộng sản hiện nguyên hình không son phấn, dao kéo!
Để biến “khúc ruột xa ngàn dặm” thành một đàn cừu nên Đảng Cộng sản phải tìm mọi cách khống chế môi trường truyền thông hải ngoại.
Thứ nhất, đưa các “điệp viên phái triển” am tường văn hoá, chính trị định cư tại các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống để làm giảm nhẹ tội lỗi của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trong các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, thuyết phục dư luận tin vào “sự thay đổi tất yếu” do các “đảng viên tiến bộ” làm “ngọn cờ đầu dân chủ” mà không cần tới cuộc “cách mạng lật đổ” hoặc “cách mạng màu” giống mô hình xảy ra dồn dập trên thế giới từ thập niên 1980 đến nay.
Thứ hai, đưa người có vỏ bọc dày thâm nhập trực tiếp vào một vài cơ quan truyền thông ở hải ngoại để điều khiển đường lối đấu tranh “không gây phương hại tới vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ”.
 
Thứ ba, vận động cho các nhân vật thân-Cộng cầm đầu hoặc ở trong nhóm lãnh đạo cộng đồng, hội đoàn để thao túng sinh hoạt.
 
Thứ tư, tạo ra các sự kiện, ngôn từ gây tranh cãi làm cho người Việt mất phương hướng và chia rẽ.
Trong chế độ dân chủ chín muồi thì bất đồng chính kiến làm nên sức mạnh cho cuộc sống, xã hội, đồng thời cũng gây nhiều sóng gió.
 
Do đó, cần phân biệt giữa cãi nhau và tranh luận trong lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội. Cãi nhau nghiêng về miệt thị, phỉ báng. Tranh luận hướng về lý lẽ.
 
Những người Việt quốc nội và hải ngoại tự nhận là “nhà đấu tranh vì nước Việt Nam tự do, dân chủ, phát triển, cường thịnh” thường xuyên cáo buộc lẫn nhau bằng các loại ngôn từ như “cực đoan, cuồng tín, quá khích, công kích bất công, bới lông tìm vết, thù nghịch vô lý, nhỏ nhen, ghen tị …”.
 
Ai cũng thích viện dẫn Tu chính án số 1 trong Hiến pháp của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà rất dễ nổi xung thiên khi bị phê phán hay chỉ trích về những hành động và ngôn ngữ do mình thể hiện!
 
Không ít vụ kiện trước Toà án ở Mỹ liên quan đến các bài viết bị cáo buộc phỉ báng, mạ lỵ cá nhân bởi vì cộng đồng người Việt hải ngoại chẳng có cơ quan nào được quyền thụ lý, xét xử.
 
Hơn 40 năm chứng kiến biết bao nhiêu cuộc bầu cử địa phương cũng như toàn quốc với nhiều vụ xoi mói từ giấy khai sinh, tới cuộc sống trai trẻ, gia đình, công ăn việc làm nếu ai đó muốn trở thành khuôn mặt công chúng. Chẳng người chất vấn nào bị đưa ra toà. Tại sao người Việt lại tự phong cho cái quyền được đối xử khác hơn?
Khuôn mặt công chúng nào cũng phải biết sợ dư luận, nếu không sẽ dẫn tới việc làm càn, trở thành mối hoạ cho xã hội.
 
Các nhà tự nhận là chiến sĩ đấu tranh cho nước Việt tự do khi bị chất vấn về sai lầm của chế độ cộng sản Việt Nam lại nói “hãy để cho lịch sử phán xét” và buộc tội thù hận vào người đặt câu hỏi!
 
Đảng Cộng sản đã tham gia vào sinh hoạt chính trị của Việt Nam liên tục từ năm 1930 mà vẫn chưa đủ để đánh giá công/tội hay sao? Cách viết lịch sử của Đảng Cộng sản có phản ánh trung thực, đáng tin cậy hay không?
 
Cuối năm 2011, cựu thiếu tướng cộng sản Nguyễn Trọng Vĩnh đăng bài “Từ Đảng Cộng sản ban đầu đến Đảng Cộng sản hiện nay” nhằm đội “Cụ Hồ” lên tận mây xanh. Và, tán tụng “ĐCS sinh ra vì nước vì dân, không phải vì lợi ích riêng tư nào của Đảng”.
Nhưng, chính Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố “Ta đánh Pháp, đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” làm cho 4 triệu người Việt chết vì chiến tranh và đấu tranh giai cấp.
Vậy mà, Tướng Vĩnh lên án “những phần tử chống cộng cực đoan phủ định toàn bộ công lao Đảng CSVN”.
Tướng Vĩnh hô hào chống Trung Quốc lại tôn vinh ĐCS, thủ phạm bán nước tại Hội nghị Thành Đô năm 1990, cắt đất, nhượng biển vào các năm 1958, 1999, 2000. Hiện tại, Nhà cầm quyền Đà Nẵng đang chuẩn bị cho phép công ty Trung Quốc tham gia quy hoạch Đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý.
 
Nếu người Việt hải ngoại có tư cách pháp nhân với lãnh thổ, quân đội, cơ quan hành chính như một quốc gia bình thường thì việc thu nhận, hợp tác với những nhân vật đó rất dễ dàng. Bởi lẽ, chúng ta có đủ điều kiện giám sát và chế tài các hoạt động vượt ngoài khuôn khổ pháp luật hoặc đường lối chính sách chung.
Rất tiếc, người Việt hải ngoại chỉ là một bộ phận trong xã hội công dân nên phải hiểu rõ đối phương trước khi hợp tác mới mong đạt tới mục tiêu góp phần xây dựng chế độ dân chủ thực sự tại cố quốc.
Có người công khai buộc tội người Việt hải ngoại đã “thù nghịch vô lý với những trí thức có tâm, có tầm kể cả dũng khi bị bắt buộc phải bị đẩy ra nước ngoài”.
 
Thực sự, “chiến sĩ dân chủ” nào rời quê hương giống như “lá bài đã cháy” do mất điều kiện đấu tranh trực tiếp. Họ cần phải thích ứng với môi trường mới và điều kiện hoạt động xa lạ để góp sức thay vì ôm tham vọng “làm ngọn cờ đầu” để dẫn dắt công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, phát triển.
Tham tán Thông tin-Văn hoá thuộc Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Terry White ra tuyên bố “… hoan nghênh quyết định của chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Tạ Phong Tần và bà đã quyết định đi sang Hoa Kỳ sau khi ra tù”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bình luận “Việc thả tù này cho thấy cách thức hiểm độc của chính phủ Việt Nam là buộc các nhà bất đồng chính kiến có tên tuổi từ nhà tù đi thẳng ra nước ngoài lưu vong, với giá phải trả cho tự do là rời bỏ đất nước ngay lập tức”.
Đồng thời, “kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động khác đang bị cầm tù và cho phép họ ở lại trong nước nếu họ muốn”.
Hoa Kỳ không nhận bất cứ ai chẳng muốn đến nước họ, vậy, chớ nên đánh bóng hình ảnh “cứ như bị áp giải lên máy bay”!
Ba Lan và Tiệp Khắc chỉ mất 10 năm đã lật đổ được chế độ cộng sản khi mà thế giới cộng sản chiếm hơn nửa dân số địa cầu và một lực lượng tưởng chừng không thể đánh bại.
Một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông chỉ mất mấy tháng trong năm 2011 để lật đổ nhiều chế độ độc tài.
Việt Nam thì “thời kỳ quá độ tiến lên dân chủ” phải kéo dài đến bao giờ?
Đừng chờ Đại hội 12 sẽ thay đổi, chớ mong Đảng Cộng sản lột xác mà rơi vào môi trường “tuyên truyền xám”.
Bất cứ hành động nào của Đảng Cộng sản hiện thời cũng tác động trực tiếp lên cuộc sống của người Việt quốc nội lẫn hải ngoại nên cần phải có phản ứng thích đáng tức thời.
                                  
Đại-Dương 
22-9-2015