Friday, September 19, 2014

Con rễ Hồ Quý Ly

Trần triều 13 Thế phổ
Phổ thứ 11 - Con rễ Hồ Quý Ly

Trần Thuận Tông là vua thứ 11 đời nhà Trần, con út của ông vua già lú lẫn u muội Trần Nghệ Tông. Trần Thuận Tông lấy con gái của Hồ Quý Ly là Hoàng hậu Thánh Ngâu, sinh được một người con trai Trần An (Trần Thiếu Đế). Vua bị Hồ Quý Ly ép dời đô từ Thăng Long ra Tây Đô, Thanh Hoá. Lại ép vua đi tu và nhường ngôi cho Trần An, cháu ngoại của Hồ Quý Ly. Sau vua bị Hồ Quý Ly ép uống thuốc độc và thắt cổ đến chết.
Mời các bạn đọc bài lịch sử đời vua Trần Thuận Tông được lược trích trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
"Tên huý là Ngung, là con út của Nghệ Tông, ở ngôi hơn 9 năm xuất gia hơn 1 năm, bị Quý Ly giết, thọ 22 tuổi. Vua chỉ ngồi giữ ngôi không, việc nước trong tay quyền thần, tai họa đến thân mà không biết, thương thay!
Kỷ Tỵ (1389) mùa xuân tháng Giêng, lập Thánh Ngâu, con gái lớn của Quý Ly làm hoàng hậu, gọi chỗ ở là điện Hoàng Nguyên. Tháng 3, lấy Đỗ Tử Trừng làm Ngự sử đại phu.
Mùa đông tháng 10, ngời Chiêm đến cướp Thanh Hóa, đánh vào Cổ Vô, thượng hoàng (Trần Nghệ Tông) sai Quý Ly đem quân đi chống giữ. Giặc đắp ngăn thượng lưu sông, quan quân đóng cọc dày đặc để chống cự. Ngày 20, giặc phục sẵn quân và voi, rồi giả vờ bỏ doanh trại rút về.
Quý Ly lựa lấy quân tinh nhuệ, dũng cảm, làm quân cảm tử, truy kích giặc. Thủy quân mở hàng cọc xông ra đánh. Giặc liền phá đập chắn nước, tung voi trận xông ra. Lúc ấy, quân tinh nhuệ dũng cảm đã đi xa rồi, quân thủy khó tiến ngược dòng, tiến lên rất khó khăn, vì thế bị thua. Tướng chỉ huy quân Hữu Thánh Dực là Nguyễn Chí bị giặc bắt sống, 70 tướng còn lại đều bị chết trận. Quý Ly để tỳ tướng Phạm Khả Vĩnh ở lại cầm cự với giặc, còn mình thì trốn về.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Quý Ly thân làm đại tướng, có quan hệ tới mối an nguy của cả nước, thế mà để đến nỗi thất trận tan quân, tội ấy rất lớn. Đã không lo dốc sức trận sau để chuộc tội lần trước, lại bỏ quân chuồn về trước để tránh mưu kế của giặc, rồi lại không tự trói mình chịu tội như người xưa vẫn làm. Cái lòng vô quân ấy lớn lắm. Cứ theo quân pháp thì hắn đáng phải tội chết. Nghệ Hoàng không bắt tội Quý Ly, thế là chính hình đã lầm lỡ rồi.
Canh Ngọ (1390) mùa xuân tháng Giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa nó là Chế Bồng Nga. Khi ấy, Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu dẫn hơn một trăm thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc chưa tập họp lại, thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn.
Khát Chân liền ra lệnh các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu cắt lấy đầu Bồng Nga chạy về với quan quân. Đại đội phó Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhũ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang liền giết luôn Nguyên Diệu, lấy cả đầu Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ.
Khát Chân sai quân giám Lê Khát Khiêm bỏ đầu giặc vào hòm, đi thuyền về báo tin thắng trận ở hành tại Bình Than. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, Thượng hoàng đang ngủ say, giật mình tỉnh dậy, tưởng là giặc đánh vào ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, nói là đã lấy được đầu Bồng Nga thì mừng lắm, cho gọi các quan tới xem cho kỹ. Các quan mặc triều phục, hô "muôn năm". Thượng hoàng nói: "Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ, thiên hạ yên rồi!"
Nhâm Thân (1392) mùa xuân tháng 2, giết tôn thất Trần Nhật Chương. Nhật Chương mưu giết Quý Ly, Thượng hoàng cho là có lòng khác, giết đi.
Mùa hạ, tháng 4, hạn hán, xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: "Thần nghe trẻ con có câu hát rằng: "Thâm hiểm thay Thái sư ho Lê. Xem thế, Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu". Thượng hoàng xem tờ tâu rồi đưa cho Quý Ly. Sau Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kinh Dịch nói: Vua không kín thì mất bề tôi. Sao cầu được lời nói thẳng rồi lại đưa cho kẻ bị lên án xem? Nghệ Hoàng đến đây đã già lẫn quá rồi. Mộng Hoa không gặp vua sáng là tự trời, mà cũng là điều bất hạnh cho nhà Trần đó.
Tháng 12, xuống chiếu rằng quân lính và dân thường hễ ai trốn việc lao dịch cho nhà nước thì phải phạt 4 quan tiền, thích vào gáy 4 chữ, kẻ đầu mục thì xử tội chém, ruộng đất sung công. Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên. Đại lược cho Chu công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư. Văn Miếu đặt tượng Chu Công ở chính giữa, nhìn về phương nam, Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây.
Quý Dậu (1393) mùa đông tháng 10, đem công chúa Thái Dương gả cho Thái bảo Hãng. Thái Dương là hoàng hậu của Linh Đức (Trần Phế Đế). Từ khi Linh Đức bị hại, Thượng hoàng định chọn người chồng hiền gả cho. Thái Dương nhân đi chơi Hồ Tây, thông dâm với Phủ quân ty là Nguyên Uyên. Thượng hoàng giận, đem gả cho Hãng là em của Nguyên Uyên để làm nhục.
Giáp Tuất (1394) tháng 3, Thượng hoàng chiêm bao thấy Duệ Tông (em trai) đem quân đến và đọc bài thơ như sau:
“Ở giữa chỉ có loài mỏ đỏ (xích chủy hầu)
Lăm le lấn lên lầu gà trắng (bạch kê)
Khẩu vương đã định việc hưng vong
Không ở trước mà ở về sau”

Thượng hoàng tự mình chiết tự đoán là : "xích chủy" là Quý Ly, "bạch kê" là Thượng hoàng, vì thượng hoàng tuổi Tân Dậu; "khẩu vương" là chữ "quốc"; việc nước còn hay mất sau sẽ thấy. Thượng hoàng suy nghĩ về giấc chiêm bao này lung lắm, nhưng thế không thể làm gì được nữa.
Mùa hạ tháng 4, sau hội thề, thượng hoàng gọi Quý Ly vào cung, ung dung bảo rằng: "Bình chương (tức Hồ Quý Ly) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả . Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia (vua) nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua".
Quý Ly bỏ mũ, rập đầu khóc lóc từ tạ, chỉ trời vạch đất thề rằng: "Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia (vua) để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần". Quý Ly lại nói: "Lúc Linh Đức Vương làm điều thất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì thần đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được tới ngày nay! Thần dù nát thịt tan xương cũng chưa hề báo đáp lấy một trong muôn phần ơn đức đó, dám đâu lại có lòng khác!"
Tháng 12, ngày 15, Thượng hoàng băng, táng vào Nguyên Lăng ở Yên Sinh, miếu hiệu là Nghệ Tông, tên thụy là Quang Nhiên Anh Triết Hoàng Đế.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài (Chiêm Thành), sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm, có một Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho người họ ngoại (Hồ Quý Ly), khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ, thực là "đằng trước có kẻ siểm nịnh mà không thấy, đàng sau có giặc cướp mà không hay"
Tháng 6 nhà Minh sai bọn Nhâm Hanh Thái sang đòi 5 vạn quân, 50 cỗ voi, 50 vạn thạch lương đưa đến biên giới để dùng vào việc quân . Khi ấy, người Minh đánh các man làm phản ở Long Châu và châu Phụng Nghĩa (tỉnh Quảng Tây bên Tàu), ngầm bày kế ấy, hòng lấy cớ số lương thực nộp không đủ, để bắt người nước ta. Hanh Thái mật báo cho ta biết. Ta thác cớ không cung cấp quân lính và voi chiến, chỉ cấp một ít lương thực sai quan đưa đến Đồng Đăng rồi trở về. Nhà Minh lại sai sứ sang đòi nhà sư, phụ nữ xoa bóp, người bị thiến, ta đưa sang mỗi loại một ít.
Ất Hợi (1395) mùa xuân tháng 2, lấy Quý Ly làm Nhập nội phụ chính Thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên Trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù vàng. Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Quý Ly được ở nhà bên hữu sảnh, đài gọi là "Hoa lư" (nhà ở của đại thần thân cận vua). Quý Ly nhân biên chép thiên Vô dật, dịch ra quốc ngữ để dạy Quan gia (vua), mệnh lệnh ban ra thì xưng là Phụ Chính Cai Giáo Hoàng Đế (giúp vua trị nước kiêm việc dạy bảo vua).
Đinh Sửu (1397) mùa xuân tháng Giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất. Trước đó, triều đình bàn bạc chưa xong, hành khiển Phạm Cự Luận khuyên nên thôi. Quý Ly nói: "Ý ta đã định từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa!". Đến đây thì thực hiện.
Sử thần Phan Phu Tiên nói: Tào Tháo dời kinh đô đến đất Hứa, nắm lấy thiên tử để sai khiến chư hầu, cơ nghiệp, nhà Hán chìm đắm thực là bắt đầu từ đó. Quý Ly dời kinh đô đến An Tôn, giết vua và diệt họ vua, cơ nghiệp nhà Trần bị sụp đổ, chả lẽ không phải bởi đó hay sao? Tuy nhiên, bọn loạn thần tặc tử đời nào mà chẳng có chúng? Cốt ở người làm vua phải cương quyết mà xử đoán, sáng suốt mà tra xét để không có mối lo về sau thôi.
Mùa đông, tháng 11, Quý Ly bức vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa . Vua đi Yên Sinh bái yết các lăng trước, rồi tới hành tại ở hương Đại Lại gọi là cung Bảo Thanh. Cung nhân Trần Ngọc Cơ và Trần Ngọc Kiểm nói mật với vua là dời kinh đô thế nào cũng có việc cướp ngôi. Quý Ly nghe được, cho rằng viên miếu lệnh Lê Hợp, viên phụ đạo Hữu Lũng là Lương Ông cũng đồng mưu, đem giết cả.
Mậu Dần (1398) mùa xuân tháng 3, ngày 15, Lê Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An (cháu ngoại Hồ Quý Ly). Quý Ly có ý cướp ngôi, nhưng đã trót thề với Nghệ Hoàng rồi, sợ trái lời thề, bèn ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục vua rằng: "Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần. Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên. Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ, nhưng muôn việc khó nhọc, chi bằng truyền ngôi cho Đông cung để giữ khí hư hòa".
Vua nghe lời, rồi Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo vào cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh ở phía tây nam núi Đại Lại, mời vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho hoàng thái tử.
Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ 1. Đại xá, tôn Khâm Thánh hoàng hậu là Hoàng thái hậu. Khi ấy thái tử mới lên 3 tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho thái tử lạy theo. Ngày hôm ấy, lên ngự điện ở kinh đô mới. Lễ mừng xong, ban yến cho các quan từ ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai, con gái dạo xem ở cửa nam thành cả ngày lẫn đêm.
Kỷ Mão (1399) mùa hạ tháng 4, Quý Ly cưỡng bức vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thôn Đạm Thủy, mật sai nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi. Vua hỏi rằng: "Người theo hầu ta muốn làm gì chăng?". Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng: "Nguyên Quân (tức Trần Thuận Tông) không chết, thì ngươi phải chết!"
Cẩm bèn dâng thuốc độc. Vua không chết, lại dâng nước dừa và không cho ăn mà vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kỵ vệ thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh thắt cổ chết. Chôn ở lăng Yên Sinh, miếu hiệu là Thuận Tông."

Friday, September 12, 2014

20 sự thật ít được biết về xứ sở Tây Tạng


Người Tây Tạng từng trở thành “láng giềng” của người Việt từ năm 750 đến 794. Đó là một trong những điều ngạc nhiên về xứ sở bí ẩn này.


alt

Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy cao nguyên Tây Tạng là nơi sinh sống của con người từ 21.000 năm trước đây. Điều này khiến Tây Tạng được coi là một trong những cái nôi của loài người. Ảnh: Một khung cảnh điển hình của cao nguyên Tây Tạng.


Quốc gia thống nhất đầu tiên của người Tây Tạng có tên gọi là Thổ Phồn, hình thành vào thế kỷ thứ 7. Thổ Phồn đã từng là một đế quốc hùng mạnh của châu Á, với rất nhiều thuộc địa trong thời kỳ tồn tại của mình. Ảnh: Lá cờ truyền thống của vương quốc Thổ Phồn.


Nhà Đường của Trung Hoa từng lấn át Thổ Phồn vào năm 750. Nhưng những bất ổn chính trị của nhà Đường đã khiến tình thế đảo ngược ít năm sau đó. Thổ Phồn đã nhiều lần đem quân đánh nhà Đường và thậm chí còn chiếm đóng kinh đô Trường An trong 15 ngày. Một hiệp ước hòa bình giữa hai quốc gia đã được thông qua năm 822. Ảnh: Tranh cổ của Trung Quốc miêu tả cảnh chiến đấu của quân nhà Đường.


Người Tây Tạng từng trở thành “láng giềng” của người Việt từ 750 đến 794. Đó là thời kỳ Thổ Phồn cai trị Nam Chiếu – vương quốc có chung đường biên giới Tây Bắc với Việt Nam thời Bắc thuộc. Người Nam Chiếu đã lật đổ sự cai trị này bằng trợ giúp của nhà Đường. Ảnh: Bản đồ thế giới khoảng năm 800 (Thổ Phồn - Tibetan Empire; Nam Chiếu - Nanzhao).


Lãnh thổ của vương quốc Thổ Phồn có diện tích lớn gấp đôi diện tích khu tự trị Tây Tạng hiện tại, gồm cả một phần lớn diện tích các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam và Thanh Hải của Trung Quốc ngày nay. Ảnh: Phần màu xanh thể hiện lãnh thổ vương quốc Thổ Phồn thời cực thịnh.


Theo truyền thống, lãnh đạo tối cao của người Tây Tạng là Đạt Lai Lạt Ma – người đứng đầu giáo hội Phật giáo cũng như bộ máy chính trị của đất nước. Các Đạt Lai Lạt Ma được phát hiện từ khi còn là một đứa bé nhờ hình thức “tái sinh”.


Hai di sản văn hóa thế giới nằm ở Tây Tạng là cung điện Potala và Norbuligka đều là những nơi ở cũ của Đức Đạt Lai Lạt Ma – lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Ảnh: Cung điện Potala ở Lhasa - thủ đô lịch sử của Tây Tạng.


Ở Tây Tạng hiện tại, dân số người Hán cao gấp đôi người Tây Tạng bản địa, và tiếng Hán được coi là ngôn ngữ chính. Ảnh: Một đường phố đầy bảng hiệu tiếng Hán ở Lhasa.


Phật giáo Tây Tạng là một nhánh Phật giáo đặc thù và có ảnh hưởng rất lớn ở phương Tây hiện đại. Ảnh: Đền Jokhang ở Tây Tạng.


Tiếng Tạng có sự tương đồng lớn nhất với tiếng Miến Điện trong số các ngôn ngữ lớn tại châu Á. Ảnh: Các bánh xe cầu nguyện có khắc Tạng ngữ.


Phần lớn dân số Tây Tạng làm việc trong lĩnh vực chăn nuôi.


Con vật đặc thù và nổi tiếng nhất ở Tây Tạng là yak, một giống bò khổng lồ. Bò yak vừa đóng góp sức kéo, năng lực vận tải, vừa cung cấp thịt, sữa, lông, thậm chí là cả xương và sừng cho các mục đích sử dụng khác nhau.


Thực phẩm truyền thống của người Tây Tạng là tsampa (bột lúa mạch rang), trong khi đồ uống phổ biến nhất là trà bơ muối.


Chó ngao Tây Tạng được coi là giống chó đẹp nhất và đắt giá nhất thế giới.


Tây Tạng được cho là nơi sinh sống của Người Tuyết hay Yeti – một trong những sinh vật được tin là có thật và bí ẩn nhất thế giới.


Tây Tạng là khu vực cao nhất trên Trái đất và thường được gọi là "mái nhà của thế giới". Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8848m nằm trên biên giới Nepal và Tây Tạng.


Tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng là tuyến đường sắt cao nhất thế giới.


Tây Tạng còn được gọi là "tháp nước của châu Á” vì đây là nơi khởi khuồn của 5 dòng sông lớn, trong đó có sông Mekong chảy qua Việt Nam.


Trái với khí hậu lạnh giá và địa hình hiểm trở của đại bộ phận lãnh thổ Tây Tạng, thủ phủ Lhasa có khí hậu khá dễ chịu với địa hình rất bằng phẳng. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở nơi đây là 8 độ C, với 3.000 giờ nắng mỗi năm – cao hơn bất kỳ đô thị nào khác ở Tây Tạng.


Nằm ở độ cao 3.500m so với mực nước biển, Lhasa từng được coi là thủ đô cao nhất thế giới, trước khi Tây Tạng sáp nhập vào Trung Quốc.

Theo KIẾN THỨC