Wednesday, July 31, 2013

Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Kỳ 7 / San Jose California July 28th

Vụ Án Kỳ Thị Màu Da

...Obama chưa hiểu rõ vấn đề đã mau mắn lên tiếng ca tụng anh da đen...
 Một đêm tháng Hai năm 2012, một thanh niên da đen đi về nhà người quen anh đang tạm trú, bị một thanh niên da trắng gốc Nam Mỹ là nhân viên an ninh khu vực nghi ngờ, theo dõi. Mấy phút sau, hai anh đánh nhau, anh da trắng rút súng ra bắn chết anh da đen tại chỗ. Hơn một năm sau, vụ án ra tòa và anh nhân viên an ninh được tuyên bố trắng án.

Vụ án gây sôi nổi dư luận Mỹ. Dĩ nhiên khối dân da đen phản đối cho đây là bằng chứng công lý Mỹ vẫn kỳ thị da đen, da trắng giết da đen không có tội. Họ cũng tố cáo anh Zimmerman kỳ thị vì thấy anh Martin là da đen nên nghi ngờ là kẻ gian và theo dõi, chứ nếu anh Martin là da trắng, thì anh Zimmerman đã không theo dõi. Khối dân da trắng hoan hô công lý đã được thi hành vì anh nhân viên an ninh chỉ tự bảo vệ.

 Một cách tổng quát mặc dù lằn ranh không rõ ràng lắm, phe Dân Chủ cấp tiến ủng hộ khối da đen, phe bảo thủ da trắng ủng hộ anh gốc Nam Mỹ. Vấn đề thật ra không giản dị như vậy. Không giản dị ở điểm có rất nhiều khúc mắc trong nội tình câu chuyện, và không giản dị vì bối cảnh xã hội và chính trị Mỹ.
 Trước hết, ta thử nhìn vào câu chuyện. Tại thành phố Sanford, gần Orlando, miền trung tiểu bang Florida, một thanh niên da đen tên là Trayvon Martin, 17 tuổi, đi chơi về khuya, anh mặc áo lạnh có mũ chụp lên đầu, che kín đầu cổ, gọi là hooded sweatshirt. Loại áo thanh niên da đen ưa chuộng. Một thanh niên da trắng gốc Peru tên là George Zimmerman, 29 tuổi, là nhân viên tình nguyện giữ an ninh cho khu phố, có giấy phép mang súng, đi tuần bằng xe hơi.

Anh Zimmerman nghi ngờ anh Martin là thành phần bất hảo, gọi điện về tổng đài cảnh sát, tổng đài khuyên anh nên theo dõi, nhưng ngồi trong xe thôi. Anh Zimmerman theo dõi một lúc, sốt ruột, xuống xe đi theo anh Martin. Một lát sau, hai bên đụng độ, đánh nhau. Dân trong khu phố nghe có tiếng la cầu cứu, rồi súng nổ. Cảnh sát được gọi, đến nơi thấy anh Martin đã bị bắn chết, and Zimmerman thì chẩy máu mũi và có nhiều vết thương sau đầu, chảy máu và xưng to. Zimmerman khai khi đang theo dõi thì bị anh Martin quay lại hỏi tại sao theo dõi. Lời qua tiếng lại, anh Martin xông đánh anh Zimmerman, vật xuống đường đấm liên tục vào mũi và đập đầu xuống lề đường. Zimmerman kêu cứu nhưng không ai đến cứu, bất đắc dĩ rút súng ra tự vệ, bắn một phát vào ngực anh Martin chết tại chỗ. Cảnh sát lấy cung, không bắt anh Zimmerman, vì nhận định đây là trường hợp tự vệ chính đáng, cho về và tiếp tục điều tra.

 Dư luận báo chí làm to chuyện, tố cáo cảnh sát kỳ thị, các chính khách cấp tiến, Dân Chủ và da đen tiếp tay khua chiêng gõ trống làm rùm beng. Trước áp lực của dư luận, cảnh sát trưởng Sanford bị cất chức và anh cảnh sát điều tra câu chuyện bị thuyên chuyển. Tân cảnh sát trưởng mau mắn ra lệnh bắt giam anh Zimmerman và truy tố ra tòa. Anh Trayvon Martin được truyền thông ca tụng, gọi là sinh viên gương mẫu. TT Obama dù chưa biết chuyện gì xẩy ra, cũng nhẩy vào cuộc, ca tụng anh Martin và tuyên bố nếu tôi có con trai, tôi muốn nó sẽ như anh Martin.

 Sự thật, anh Martin, là dân cư ngụ ở Miami, đi theo ông bố lên Sanford thăm bà hôn thê mới của ông bố. Ở Miami, đã bị đuổi học ba lần, anh đi Sanford chơi với bố vì lúc đó đã bị đuổi, không đi học. Mấy lần bị cảnh sát bắt, có lần khám trong người thấy có vật dụng mà cảnh sát cho là đồ nghề để đi ăn trộm, có dụng cụ hút ma túy, và có nữ trang đắt tiền mà anh khai là do người quen tặng. Anh George Zimmerman làm nghề bán bảo hiểm trong khi theo học đại học luật, được trường coi như là sinh viên tốt, có điểm cao. Làm nhân viên an ninh buổi tối. Nhưng chuyện cá nhân cũng không phải hoàn hảo. Anh từng đánh nhau với cảnh sát, bị vợ khởi tố tội đánh vợ. Anh có bố gốc Đức, mẹ gốc người Peru da đen.

Có nghiã là anh Zimmermann có ba dòng máu, da trắng, da nâu và da đen, nhưng truyền thông mô tả là “da trắng” không nhắc đến gốc da đen và da nâu. Ra tòa, bồi thẩm đoàn gồm sáu phụ nữ, trong đó có một bà gốc Nam Mỹ, năm bà da trắng. Theo các chuyên gia về luật, công tố viện đã làm nhiều lỗi lầm, truy tố anh Zimmerman về tội cố sát (second-degree murder), mặc dù không có bằng chứng gì. Công tố viên cố gắng mô tả anh Zimmerman như một người hung hiểm, nặng thành kiến kỳ thị da đen, chủ ý muốn giết anh Martin vì cái tội là da đen. Trong khi đó lại không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào.

 Trong suốt phiên xử, các chuyên gia đã nhận thấy có nhiều hy vọng anh Zimmerman sẽ trắng án vì những luận cứ buộc tội quá yếu. Bà quan tòa, là người thuộc đảng Dân Chủ, có thành tích là một quan tòa thân thiện với quan điểm cấp tiến, cũng nhận thấy điểm này, nên sau khi hai bên công tố và luật sư bào chữa đã trình bày xong, trước khi bồi thẩm đoàn vào phòng kín luận tội, đã lên tiếng nhắc nhở bồi thẩm đoàn có thể cứu xét trường hợp ngộ sát (manslaughter), chứ không bị giới hạn vào việc luận tội cố sát.
 Nói cách khác, bà thấy tội cố sát không vững, nên tìm cách nhắc khéo bồi thẩm đoàn kết tội ngộ sát cũng được. Một hành động nói lên ý định muốn tìm cách kết tội anh Zimmerman. Bồi thẩm đoàn trực diện với yếu tố mới, đã phải yêu cầu bà quan tòa định nghiã rõ ràng thế nào là ngộ sát. Bồi thẩm đoàn sau 16 tiếng đồng hồ thảo luận, đã kết luận anh Zimmerman vô tội, không cố sát mà cũng không ngộ sát.

Theo luật Mỹ, chỉ có tội khi nào có chứng cớ rõ rệt, không còn một chút nghi ngờ nào nữa (beyond any reasonable doubt). Một bà trong bồi thẩm đoàn sau đó đã lên truyền hình tiết lộ một số dữ kiện. Theo bà, thì tất cả các bằng chứng hai bên trình bày đã đưa bồi thẩm đoàn đến kết luận anh Zimmerman đã sai lầm khi xuống xe, đi bộ theo anh Martin, nhưng anh Martin là người đã gây sự đầu tiên, đã đánh anh Zimmerman, đã đập đầu anh này xuống lề đường, đe dọa tính mạng của anh này, và anh Zimmerman là người đã lớn tiếng kêu cứu mà không có ai đáp ứng hết. Theo định nghiã của luật, trường hợp anh Zimmerman là tự vệ chính đáng, mặc dù anh có súng trong khi anh Martin tay không.

Theo lý luận của bồi thẩm đoàn, bị đập đầu xuống lề đường có thể đe dọa tính mạng, bị chết, do đó anh Zimmerman có quyền tự vệ bằng mọi phương tiện để tránh bị đánh đến chết, không phải là ngộ sát hay cố sát. Một chuyên gia cũng xác nhận vết đạn bị bắn từ cách khoảng vài phân, đi xuyên ngực từ dưới lên trên, chứng tỏ anh Zimmerman rút súng bắn từ dưới lên trên khi anh đang bị anh Martin đè dưới đường.
Câu chuyện đến đây coi như chấm dứt trên phương diện luật pháp, nhưng dư âm xã hội chính trị còn cực kỳ nặng nề, chưa kể đến tính mạng anh Zimmerman. Trước toà, luật sư của anh Zimmerman đã khẳng định bất kể phán quyết như thế nào thì số phận anh Zimmerman cũng không khá hơn. Hoặc là đi tù, hoặc là tính mạng sẽ bị đe dọa suốt đời, hay ít nhất cũng cả chục năm nữa.

Ngay sau khi tòa có quyết định, anh Zimmerman và cả gia đình đã phải đi trốn biệt tăm, không ai biết đang ở đâu, trừ luật sư và cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ gia đình. Dân da đen bất mãn ra mặt, xách động bởi hàng loạt chính khách da đen như các mục sư Jesse Jackson và Al Sharpton, nổi lên biểu tình trên một số thành phố lớn, phần lớn trong ôn hoà, nhưng cũng vài nơi có bạo động.
Phản ứng này không có gì đáng ngạc nhiên, vì đã xẩy ra rất nhiều lần ở Mỹ trong quá khứ. Mỗi lần da trắng da đen đụng độ với nhau là luôn luôn có bạo động, nếu nạn nhân là dân da đen trong khi thủ phạm là dân da trắng và được tòa không kết tội. Để xoa dịu dư luận, bộ Tư Pháp xác nhận sẽ điều tra xem toà án và anh Zimmerman có “vi phạm nhân quyền” của anh Martin hay không. Ở đây, vấn đề kỳ thị trắng đen đã được chứng minh vẫn còn là một cái gai to lớn trong xã hội Mỹ.

 Khi TT Obama tranh cử lần đầu, chính ông, với sự phụ họa của truyền thông cấp tiến, trong sự kỳ vọng của tất cả dân Mỹ, trắng cũng như đen, đã khẳng định việc bầu cho ông sẽ mang nước Mỹ vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của “hậu kỳ thị” tức là không còn kỳ thị nữa. Ngay từ hồi đó, kẻ viết này đã khẳng định đây chỉ là suy nghĩ trong hy vọng hão huyền, một suy nghĩ đến từ sự ước mơ chứ không phải đến từ nhận định thực tế, mà người Mỹ gọi là wishful thinking, nếu không phải là tuyên truyền để được đắc cử.

Trái lại, việc TT Obama đắc cử sẽ chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề kỳ thị màu da. Làm sao vấn đề kỳ thị màu da giảm bớt được nếu tiêu chuẩn bầu cử quan trọng nhất chính là màu da. Vấn đề tự nó đã là một mâu thuẫn vĩ đại. Ngay cả TT Obama, từ sau ngày bầu cử, đã mau chóng biến thành tổng thống tạo mâu thuẫn nhiều nhất lịch sử cận đại Mỹ. Trong vấn đề kỳ thị màu da, ông không những đã chẳng làm gì để xoá bỏ lằn ranh trắng đen, mà trái lại đã cố tình đứng hẳn về phiá dân da đen, tự cho mình là dân da đen trong khi thực tế ông là người có hai dòng máu. Chính sách xã hội của ông là một chính sách nâng đỡ dân nghèo, nới rộng tiêu chuẩn an sinh xã hội để hàng triệu người được hưởng đủ mọi quyền lợi như phiếu thực phẩm, trợ cấp medicaid, trợ cấp thất nghiệp, ...

Con số người lãnh phiếu thực phẩm và tiền thất nghiệp đã lên đến những kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử, trong khi dân nhà giàu và trung lưu với lợi tức từ $200.000 trở lên, suốt ngày bị hăm dọa tăng thuế, và bị tô vẽ như những kẻ thù của nhân loại, là thành phần chỉ biết bóc lột dân nghèo. Vô hình chung, cuộc đấu tranh giai cấp tân thời mà TT Obama đã khơi mào cũng mang nặng âm hưởng màu da khi đại đa số dân nghèo được giúp đỡ là dân da màu trong khi đại đa số dân trung lưu và thượng lưu bị TT Obama đe dọa lại là dân da trắng.

 Tạo ra cảm tưởng TT Obama áp dụng một chính sách kỳ thị ngược, cũng như đưa đến tình trạng bất mãn lớn trong khối da trắng, đã là một trong những lý do khai sinh ra các phong trào Tea Party. Không những chẳng hoá giải gì vấn đề kỳ thị trắng đen, tệ hơn vậy, trong vụ Trayvon Martin này, TT Obama chưa hiểu rõ vấn đề đã mau mắn lên tiếng ca tụng anh da đen. Làm người ta nhớ lại vụ trước đây có ông giáo sư da đen, Henry Gates, bỏ quên chià khoá nhà, phải cậy cửa vào nhà mình.
 Bị hàng xóm báo, cảnh sát da trắng chạy đến, hỏi giấy tờ chứng minh ông giáo sư là chủ nhà, thì ông này kháng cự, còn hống hách hỏi anh cảnh sát có biết ông ta là bạn quen lớn với TT Obama không. Ông giáo sư bị cảnh sát còng tay bắt về bót.
 Khi vừa nghe qua câu chuyện, chưa biết trắng đen ra sao, TT Obama đã mau mắn sỉ vả cảnh sát Mỹ trắng là “ngu xuẩn” ngay. Sau đó thấy mình hố nặng, bèn tổ chức mời ông giáo sư và anh cảnh sát đến Tòa Bạch Ốc uống bia làm lành, khoả lấp lời nói hớ chưa kịp tính toán của mình.

 Sau khi anh Zimmerman được tuyên bố trắng án, TT Obama lại lên tiếng bênh vực anh Martin và nói anh Martin “có thể là tôi 35 năm trước”. Trong cả hai trường hợp, ông tổng thống của đại đoàn kết toàn dân đã rõ ràng là đổ dầu vào lửa. Tệ hại hơn nữa, trong cả hai trường hợp, tổng thống đều đứng sai vị trí, bênh vực phe có lỗi. Ông giáo sư cậy cửa vào nhà, không chịu xuất trình giấy tờ còn mang sự quen biết với tổng thống ra dọa rõ ràng là bên có lỗi. Còn trong vụ anh Martin thì việc toà phán quyết anh Zimmerman không làm gì vi phạm luật, chỉ tự vệ chống những đòn tấn công của anh Martin, rõ ràng anh da đen Trayvon Martin không hoàn toàn oan ức.

 Chính sách xã hội và hai sự kiện trên chứng tỏ dường như chính TT Obama là người vẫn có thành kiến rất lớn trong vấn đề kỳ thị trắng đen, gọi là kỳ thị ngược, tổng thống da đen kỳ thị dân da trắng. Vụ án này cũng đặt TT Obama trong một thế kẹt: cả hai khối dân da đen và dân gốc Nam Mỹ đều là hai khối cử tri then chốt của ông và đảng Dân Chủ. Bênh bên này sẽ tạo khó với bên kia. Hiển nhiên ông đã chọn đứng về phiá dân cùng màu da với ông. Trong vụ anh Zimmerman này, truyền thông một lần nữa đã để lộ nguyên hình thành kiến của mình.

Ngay khi câu chuyện xẩy ra, nhiều báo lớn và đài truyền hình đã nhanh nhảu chạy tin “and da trắng bắn chết anh da đen”. Khi biết được anh Zimmerman không phải da trắng mà là dân gốc Nam Mỹ có máu đen từ mẹ, truyền thông sửa lại chút đỉnh, gọi anh Zimmerman là “white Hispanic”, vẫn giữ chữ “white” mà không đề cập đến phần đen trong máu anh này. Đài NBC, là đài truyền hình cấp tiến và thân chính quyền Obama nhất, đã cắt xén câu nói của anh Zimmerman, để chụp cái mũ kỳ thị, có thành kiến với dân da đen lên đầu anh này.

 Đài này trích câu nói của anh Zimmerman trên điện thoại gọi cảnh sát khi mô tả anh Martin là “anh này coi bộ đáng nghi ngờ, anh ta là đen”. Làm như thể theo anh Zimmerman, đen là đáng nghi ngờ. Sự thật, đây là hai câu chắp làm một. Anh Zimmerman mô tả anh Martin là đáng nghi ngờ. Sau đó được cảnh sát hỏi anh đó là người gì, “trắng, đen, hay gốc Nam Mỹ?”, thì anh Zimmerman thành thật khai “dường như đen”. Hai câu trả lời nhập làm một đã mang ý nghĩa khác hẳn những lời nói của anh Zimmerman.

Đài NBC sau đó đã xin lỗi, nhưng các luật sư của anh Zimmerman đã đệ đơn thưa NBC. Đài ABC thì loan tin anh Zimmerman không có thương tích gì hết. Sau đó, cũng lại phải xin lỗi vì những hình ảnh máu me của anh Zimmerman được phổ biến rộng rãi, không chối cãi được. CNN loan tin anh Zimmerman gọi anh Martin là “coon”, là một danh từ có tính sỉ nhục để chỉ dân da đen. Rồi CNN cũng phải xin lỗi đã loan tin sai vì không có bằng chứng gì về chuyện này. Nói tóm lại, truyền thông cấp tiến đã công khai đứng về phe anh da đen cho “phải đạo chính trị”, loan tin thất thiệt lung tung có lợi cho anh này. Sau đó, dù cải chính hay xin lỗi thì cũng đã tạo thành kiến trong dư luận quần chúng rồi. Nói chung, nếu theo dõi báo và truyền hình, thì anh nhân viên an ninh da trắng đã bắn chết một sinh viên da đen chỉ vì lý do ghét da đen, vậy mà lại được trắng án. Bảo sao dân da đen không bất mãn được?

 Vụ án Zimmerman / Martin chỉ xác nhận một điều: việc bầu một người da đen làm tổng thống đã không mang nước Mỹ vào kỷ nguyên “hậu kỳ thị”, trái lại, kỳ thị da màu từ cả hai phiá vẫn còn là một vấn nạn lớn của Mỹ. (21-07-13)

Vũ Linh

Cho Đi Và Nhận Lại

• Đôi khi bạn thấy cuộc đời này thật bất công! Bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu… Vấn đề thực ra rất đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được rất nhiều hơn thế - đó là niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.
• Bạn thắc mắc rằng tại sao khi người khác buồn thì bạn luôn ở bên cạnh họ để xoa dịu vết thương cho họ; rồi đến khi họ tìm lại được niềm vui thì họ sẽ lại quên bạn. Bạn ạ, cuộc đời này là một vòng tròn. Thật ra không có sự bất công nào đối với bạn ở đây hết. Có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến với bạn sớm hay muộn mà thôi; và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để nhận nó hay không?
• Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau. Cho đi, nhận lại, là hình thức luân phiên để trả nợ lẫn nhau. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì bạn sẽ được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng cho đi không có nghĩa là sự toan tính ở đây. Bạn càng toan tính thì bạn lại càng cảm thấy bị dồn nén; bạn cho đi mà tâm bạn không tịnh. Khi ấy bạn vừa phải cho mà vừa không được nhận niềm vui vô hình từ chính bản thân cái cho đi của bạn.
• Tất cả mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả. Đôi khi là sự vay trả hữu hình, và đôi khi cũng là một sự vay trả vô hình. Mỗi người chúng ta quen biết nhau, yêu nhau, ghét nhau… âu cũng là cái duyên. Có duyên mới có những xúc cảm đó. Cái duyên ban đầu là do trời định, nhưng để gắn bó lâu dài, muốn biến cái duyên ấy thành tình yêu thương là do chúng ta quyết định, nhờ vào cái cho đi của mỗi người. Nhưng bạn nên nhớ, trong tình yêu không có sự trông mong được nhận lại, bởi tình yêu luôn là một thứ điều luật không công bằng của trái tim, không có định nghĩa cũng chẳng có lý lẽ. Có hay chăng một là bạn nhận được hạnh phúc; không thì bạn nhận chịu sự đau khổ. Tất cả đều trong một vòng tròn lẩn quẩn.
• Nhưng dù biết đôi khi cuộc sống không được như ý muốn của chúng ta, bạn hãy cứ cho đi. Cho đi là bạn đã tự yêu thương lấy chính bản thân mình. Bạn đã hòa vào dòng chảy của cuộc sống, của đời người.
- Đời người như một dòng sông, nhưng cuộc sống hòa tan với thời gian, luôn trôi đi và không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển mà muôn đời vẫn thế.
- Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển; từ biển bao la sẽ rót vào những con sông mênh mang tràn đầy. Mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.

DỄ VÀ KHÓ

 
 
Dễ và khó Trong cuộc sống có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng để làm được nó lại không hề dễ dàng…
Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.
Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.
Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã.

VẾT THƯƠNG


Một cậu bé có tính xấu là rất hay nổi nóng. Một hôm cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu bé rằng mỗi khi cậu nổi nóng thì hãy chạy ra đằng sau nhà đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần cậu bé đã tập kiềm chế cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào mỗi ngày một ít đi.
Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình thì dễ hơn là phải đóng cây đinh lên hàng rào.
Một ngày kia, cậu đã không nổi giận một lần nào suốt cả ngày. Cậu nói với cha và ông bảo cậu hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào mỗi một ngày mà cậu không hề nổi giận với ai dù chỉ một lần.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một bữa cậu bé tìm cha mình báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu đã cùng cậu đến bên hàng rào. Ở đó ông nói với cậu rằng "Con đã làm rất tốt, nhưng hãy nhìn những lỗ đinh trên hàng rào. Hàng rào đã không thể giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói đó cũng giống như những lỗ đinh này, để lại những vết sẹo trong lòng người khác. Dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn ở lại. Vết thương tinh thần cũng đau đớn như những vết thương thể xác vậy. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con trong mọi chuyện. Họ nghe con nói khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở rộng tấm lòng mình cho con. Hãy nhớ lấy lời cha..."

HÒN ĐÁ NÉM ĐI



 Văn hào Nga Leon Tonstoï có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.
  Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".
  Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.
 Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".
Tha thứ là điều khó khăn nhất, cũng là điều cao cả nhất.

Hãy Lắng Nghe


- Đừng quá xem trọng điều gì. Hãy tiếp nhận mọi sự may rủi một cách nhẹ nhàng (Jefferson).
- “Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống, đừng cố gắng trở thành một người thành công hay hạnh phúc, tốt hơn hãy trở thành một người có giá trị” (Albert Einstein).
- Đừng khóc vì nước mắt chỉ làm đầy thêm bể khổ, đừng cười vì ngạo mạn sẽ làm tan vỡ cả tương lai.
- Kẻ nào nghĩ mình là giỏi, thì biết rằng kẻ ấy vẫn còn quá ngu dốt. Người nào nghĩ mình vẫn còn kém cỏi mà vẫn không tự ti, luôn cố gắng thì đó là 1 suy nghĩ đúng.
- Cuộc sống của chúng ta có lắm thăng trầm. Thăng vì đôi lúc chúng ta biết khiêm hạ nhưng trầm vì chúng ta còn mắc bệnh khoe khoang.
- Người nào hay bị kích động, người đó có một tinh thần yếu đuối. Người nào không bị kích động, người đó có một tinh thần mạnh mẽ.
- Hãy khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu.
- Can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và làm ích lợi cho đời.
- Có nhiều điều kỳ diệu chợt đến trong cuộc sống, nhưng hầu hết những điều tuyệt vời trong đời là do ta thận trọng vun đắp, nỗ lực đeo đuổi hoặc đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ mới có được.
- Người không chịu sửa mình mà muốn có tiếng thơm để đời thì khác nào mặt xấu mà muốn có cái hình đẹp trong gương.
- Nếu không tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính bản thân mình thì không thể tìm được ở nơi nào khác.
- Sự tôn trọng không đến từ công việc mà bạn đang làm, nó đến từ cái cách mà bạn đang làm công việc đó.
- Bạn có thể không thể lựa chọn được những gì xảy đến với mình nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn thái độ tích cực nhất để đối mặt với chúng.
- Khi ta chưa có địa vị, ai nói gì mình cũng nhịn được, nhưng có địa vị rồi, tâm lại trở nên hẹp hòi, cho nên được ca ngợi thì mình mới vui, ai xem thường thì mình khổ đau.
- Người không ham giàu thì nghèo không là nỗi khổ; không thương yêu thì xa nhau không tiếc nhớ; không ghét nhau thì gần nhau không bực bội; không tự ái thì bị nhục mạ không khó chịu; không cần danh vọng thì mất chức không là nỗi bận tâm.
- Người ta buồn vì có vui (hết vui thì thấy buồn) và người ta vui vì có buồn (hết buồn thì thấy vui). Chỉ có những người thiết lập được sự bình an, tâm tư lắng đọng không bị cảnh bên ngoài chi phối, vượt lên sự buồn vui thường tình mới thực sự vững chải, an trú trong hạnh phúc và tịnh lạc.
- Đối với những người nóng giận, nhìn thái độ biểu hiện bên ngoài, tưởng chừng những người hay giận dữ có một bản tính mạnh mẽ, nhưng thực chất, họ có một nội tâm yếu ớt. Vì tâm và thân vốn ngược nhau. Người có thân mạnh là người làm được nhiều việc, hăng hái, năng nổ nhưng tâm chưa hẳn đã mạnh. Tâm mạnh là tâm trầm tĩnh, không dễ dàng bị kích động.
- Ta phải sống khiêm hạ nhưng không hèn hạ, khúm núm. Khi gặp người khác, chúng ta luôn tôn trọng họ nhưng tuyệt đối không khúm núm, không có thái độ của một kẻ cầu cạnh vì đó là thái độ của người mất tư cách.
- Sự trả thù là dấu hiệu của một tinh thần yếu ớt, bất lực không thể chịu đựng được những sự lăng mạ

CÀ RỐT, TRỨNG VÀ CÀ PHÊ





Một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn. Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh.

Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt chúng lên trên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc ba bình nước sôi. Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hột cà phê nghiền. Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình, và không nói một lời nào.

Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa. Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác. Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba.

Quay sang cô con gái, bà hỏi:

-  “Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?”.

-  “Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”. Cô con gái trả lời rồi hỏi: “Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.

Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi.

Mỗi thứ có phản ứng khác nhau. Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai. Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt. Quả trứng vốn rất dễ vỡ. Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại. Những hột cà phê nghiền thì khác. Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước.

-   “Con là gì?” - bà mẹ hỏi cô con gái. “Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”.

Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái:

-  “Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi bị đau và gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh? Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn? Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, những khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế. Hoặc có thể con giống cà phê. Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau. Khi nước bị nóng, cà phê tỏa ra hương vị của nó.

Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất. Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, hãy nhớ tự hỏi mình: “Tôi sẽ là một củ cà rốt, một quả trứng hay là cà phê?”.

Cầu mong bạn có đủ niềm vui để làm cho cuộc sống của mình thật ngọt ngào, có đủ thử thách để khiến bạn mạnh mẽ, có đủ đau thương để sống có tình người và có đủ hy vọng để hạnh phúc. Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có tất cả mọi thứ tốt đẹp nhất; họ chỉ hoàn thành hầu hết tất cả những gì xuất hiện trên con đường đời của họ. Tương lai tươi sáng nhất sẽ luôn dựa trên một quá khứ bị lãng quên.

Bạn không thể tiếp bước trong cuộc sống nếu như chưa vượt qua những thất bại và nỗi đau trong quá khứ. Khi bạn được sinh ra, bạn khóc và mọi người quanh bạn mỉm cười. Hãy sống cuộc sống của bạn để đến ngày cuối cuộc đời, bạn là người mỉm cười còn mọi người quanh bạn khóc.

Đàn Vịt Trời


Vào những mùa đông, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, bay hàng trăm dặm từ Bắc xuống Nam để tìm nơi ấm cúng.


Các nhà khoa học đã khám phá rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy gẫm về tinh thần đoàn thể.

1. Mỗi khi con vịt vẫy cánh bay, chúng sẽ tạo ra một luồng gió quyện và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy, khi chúng bay theo đội hình chữ V thì con nọ nương vào hấp lực của con kia, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng bay xa hơn gần gấp đôi.
Con người ta cũng vậy, nếu những người có cùng một chí hướng mà biết cách hợp quần thành những đoàn thể hay cộng đồng để nương tựa nhau thì dễ đạt được những mục đích cao cả hơn.

2. Khi một con vịt bị xa rời khỏi đội hình thì nó sẽ cảm thấy bị đuối sức vì phải tự lực nên nó lại phải cố gắng bay vào trong đội hình để nương tựa vào hấp lực của những con vịt bay trước.
Nếu chúng ta biết siết chặt hàng ngũ, không xa rời đoàn thể hay cộng đồng thì sẽ có lợi lớn.

3. Riêng con vịt bay đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành nên nó rất chóng mỏi mệt. Khi nó mệt thì nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và sẽ có con vịt khoẻ mạnh khác bay vào vị trí dẫn đầu. Cứ như vậy, thay đổi trong suốt ngày bay.

Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn đuợc thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ.

4. Trong khi bay, chúng thường lên tiếng kêu quác quác để thúc dục nhau bay theo kịp một tốc độ.

Trong các đoàn thể, người ta phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội. Trong quân ngũ, các quân nhân thường lên tiếng đếm hoặc hát để tất cả đoàn đi theo nhịp quân hành.

5. Khi một con vịt bị đau hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình thì sẽ có hai con vịt đồng hành rời theo để nâng đỡ và bảo vệ. Hai con đó ở bên cạnh con vịt yếu kém cho đến khi tự bay đuợc hoăc bị rớt chết thì chúng mới bỏ bay theo đoàn vịt khác.

Chúng ta hãy suy gẫm tới tình đồng loại và những quy luật của đàn vịt trời mà đối xử với nhau trong cùng một cộng đồng hay đoàn thể.

Học Cách Quên / "Tức giận là lấy sai lầm của kẻ khác để trừng phạt chính mình!"

 

Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh.




Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.


Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”


Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.


Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng: "tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình", cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản  ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.


Rất nhiều người thích câu thơ : “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

CHUYỆN CÁI VÉ




Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá:
"Người lớn: $10.00

 Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00

 Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí" 

Đọc xong, ông nói với người bán vé: 

- Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi. 

- Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại. 

- Vâng. 

- Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi. 

- Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.

CHỈ CÓ THỂ ĐI CÙNG BẠN MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG



Sau cơn mưa vào ngày xuân hôm ấy, người bạn tốt của tôi ngỏ lời từ giã.
Tôi kiên trì đòi đưa bạn ấy ra đến trạm xe.
Bạn ấy ngăn cản tôi: ("Tống quân thiên lý, chung hữu nhất biệt) Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng cách biệt, dù thế nào đi nữa thì bạn cũng chỉ có thể đưa tôi đi chỉ một đoạn đường.  Thôi thì chỉ đưa tôi đến cửa thì ngừng bước nhé." Tôi đành tôn trọng theo ý kiến của bạn ấy.

Mỗi con người đều chỉ đan xen vào một đoạn trong cuộc sống của người khác. Điều chắc chắn vĩnh viễn là chỉ có thể đưa người đi cùng một đoạn đường.

Bạn thương yêu cha mẹ mình, hy vọng họ sống lâu trăm tuổi.  Nhưng trong lúc bạn đang rất hiếu thuận với cha mẹ mình, thì họ cũng sẽ rời xa trước mặt bạn.  Bạn cũng chỉ có thể đi cùng cha mẹ mình chỉ một đoạn đường mà thôi.

Bạn yêu thương con cái của mình ư, từng giờ khắc bạn mong rằng mình có thể vì chúng mà ngăn gió chắn mưa; vậy mà bạn đang lớn tuổi từng ngày, rồi cũng có một ngày, trước mặt các con bạn cũng phải bỏ chúng mà đi.  Bạn chỉ có thể cùng đi với con cái chỉ một đoạn đường. 

Bạn có người vợ tâm đầu ý hợp, nhưng hai mươi mấy năm trước cô ấy thuộc về cha mẹ; vài mươi năm sau cô ấy cũng bị con cái, vận mệnh, mà chia cách.  Bạn cũng chỉ có thể đi cùng với nàng chỉ một đoạn đường. 

Bạn xem trọng trong tình nghĩa bạn bè, nhưng mà nếu không phải là bạn bè lìa xa bạn, thì cũng chính là bạn sẽ lìa xa bạn bè.  Bạn chỉ có thể cùng đi với bằng hữu một đoạn đường. 

Cũng vì chỉ có thể cùng đi với nhau một đoạn đường,
Nên bạn càng thêm quí trọng tiếc thương.

Lúc mà người ta cơ nhỡ đói rách,
sự quan tâm của bạn nên trở thành một quả táo

Lúc mà người ta giá rét,
thì sự giúp đỡ của bạn nên biến thành một cái áo bông.

Lúc mà người ta vui vẻ hạnh phúc,
thì sự tươi cười của bạn đáng lẽ nên sáng lạn nhất;

Lúc mà người ta gặp chuyện thương tâm,
thì sự vỗ về an ủi của bạn đáng lẽ nên
thật là chân thành thiết tha mới phải...

Cuộc đời vốn dĩ lập đi lập lại những ấn chứng:
Ban đêm thì có thể vì việc thêm vào cái lồng lửa mà có được ánh sáng.
Việc đẩy lùi tuyết lạnh không vì sự tham dự của gió lạnh mà hóa thành ấm áp.
Bởi vì chỉ có thể cùng người ta đi chỉ một đoạn đường,

Bạn đáng lẽ cũng nên học cách từ bỏ.
Cha mẹ chỉ có thể vỗ về nuôi nấng bạn trưởng thành,
không nên kỳ vọng cha mẹ là cái quải trượng (cây gậy) vĩnh viễn của bạn, để có thể chống đỡ toàn bộ cuộc đời của bạn.
Con cái cũng chỉ là cùng liên quan huyết nhục với bạn, chứ không phải là vật phẩm phụ thuộc của bạn,
Bạn cần phải biết tôn trọng sự lựa chọn cuộc đời của chúng.
Vợ con vì bạn mà cung phụng dâng hiến hết tình ái,
nhưng sinh mệnh của nàng
không phải là vật phẩm thế chấp của ái tình,
nên dành cho nàng những khoảng không gian riêng tư cần thiết.
Bằng hữu có thể cho bạn sự ấm áp, nhưng loại ấm nồng này là loại tình cảm mở, bạn không thể cưỡng hành độc chiếm tình hữu nghị của người khác...

Bạn chỉ là người khách qua đường trong cuộc đời của người khác, chỉ có thể cùng người đi cũng chỉ một đoạn đường đời,
Điều đó chính là tính hữu hạn mà bạn cho người khác.  Vậy thì làm sao có thể mong cầu người khác cho đi sự vô hạn được?

THE LAST WISHES OF ALEXANDER THE GREAT


Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.
2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ... 
3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:
1 - Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
 2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng.

Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là: Tình Yêu Thương

36 CÂU NÓI CHÍ LÝ


Những câu nói rất chí lý của một người lớn tuổi đã từng trải cuộc đời. 
1.  Life isn't fair, but it's still good.

Cuộc đời nhiều bất công nhưng vẫn còn tốt chán. 


2. When in doubt, just take the next small step.

Khi nghi ngại, hãy từ từ mà tiến.


3. Life isn't fair, but it's still good.



Cuộc đời nhiều bất công nhưng vẫn còn tốt chán. 




4. Only friends and family will be present in sickness. Stay in touch.

Đau ốm, chỉ có gia đình và bạn bè bên cạnh. Nhớ gần gũi.


5. Pay off your credit cards every month.

Hãy trả hết nợ thẻ tín dụng mỗi tháng. 


6. You don't need to win every argument. Agree to disagree.

Khi tranh luận, hơn thua không đáng kể. Nên chấp nhận bất đồng. 


7. Crying is good, but it's more healing crying with friends.

Khóc cũng tốt, nhất là khi khóc với bạn bè. 


8. Release your children when they become adults, its their life now.

Buông tay với con cái trưởng thành. Chúng có cuộc sống riêng. 


9. Save for retirement starting with your first pay cheque.

Để dành cho tuổi về hưu ngay với số tiền lương đầu tiên.


10. When it comes to chocolate, resistance is futile.

Để ý sự cám dỗ.


11. Make peace with your past so it won't screw up the present.

Hãy làm lành với quá khứ để hiện tại được yên ổn.


12. It's OK to let your children see you cry.

Con cháu thấy mình khóc đâu có sao.


13. Don't compare your life to others. They have different journeys.

Đừng đem đời mình so với ai đó; đời mỗi người mỗi khác.


14. Never be in a secret relationship.

Đừng bao giờ dính vào một mối quan hệ bí mật.


15. Everything can change in the blink of an eye.

Mọi chuyện ở đời có thể thay đổi trong chớp mắt.



16. Take a deep breath. It calms the mind.

Hít thở sâu giúp tinh thần ổn định.


17. Get rid of anything that is neither useful, beautiful, nor joyful.

Hãy gạt bỏ những gì vô ích, xấu xa, buồn bã.


18. What doesn't kill you really makes you stronger.

Điều gì không giết ta được sẽ giúp ta mạnh hơn.


19. It's never too late to have a happy childhood.

Sống lại như trẻ con lần nữa cũng không phải là trễ quá.


20. For whatever you love in life, don't take no for an answer.

Những gì yêu quí trên đời, ta đều phải ráng đạt cho được.


21. Today is special. Enjoy it.

Ngày hôm nay là ngày đặc biệt. Phải tận hưởng nó.


22. Your belief of your being right doesn't count. Keep an open mind.

Cứ tin mình luôn luôn đúng là bậy. Phải có đầu óc cởi mở.


23. No one is in charge of your happiness but you.

Hạnh phúc của mỗi người là mối lo riêng của người đó.


24. Forgive everyone everything.

Hãy tha thứ tất cả cho mọi người.


25. What other people think of you is none of your business.

Đừng bận tâm về nhận xét của ai đó đối với mình.


26. Time heals almost everything. Give time time.

Thời gian hàn gắn gần như mọi sự. Xin cho thời gian có thì giờ.


27. However good or bad a situation is, it will change.

Tình thế dù tốt hay xấu, rồi cũng thay đổi.


28. Don't take yourself so seriously. No one else does.

Đừng quá nghiêm khắc với bản thân. Ai cũng vậy thôi.



29. Believe in miracles.

Hãy tin vào phép lạ.


30. Your children get only one childhood.

Con cái chúng ta chỉ có một thời thơ ấu.


31. Envy is a waste of time. 

Đừng ganh tị. Mất thì giờ vô ích.


32. It's OK to yield.

Làm được bao nhiêu cũng tốt.


33. Life is a gift.

Cuộc sống là một món quà.


34. Friends are the family that we choose.

Bạn bè là gia đình chính chúng ta đã chọn.



35.The wrong thing done for the right reason is still the wrong thing.

Điều sai trái dù làm với lý do tốt lành nào cũng vẫn là điều sai trái.



36.  What is right is not always popular. What is popular is not always right.

Điều gì đúng chưa hẳn là được nhiều người ưa chuộng.

Điều gì được nhiều người yêu chuộng chưa hẳn là điều đúng.

HÌNH ẢNH CUỘC ĐỜI


Ngày kia, nhà tỷ phú nọ mang cậu con trai duy nhất về nơi thôn dã với ý định để cho con tìm hiểu và so sánh với cuộc sống nghèo nàn của người dân quê. Hai cha con sống hai ngày tại một làng xóm xa xôi nơi mà người ta cho là có đời sống khó khăn. Sau khi trở về nhà, người cha hỏi người con:
- Con thấy cuộc đi chơi ra sao?
- Cuộc đi thích thú lắm - người con trả lời.
- Con có thấy cuộc sống của người dân quê không?
- Dạ, có.
- Con nhận thấy gì trong cuộc sống của họ?
- Con nhận thấy chúng ta chỉ có mỗi một con chó mà họ thì có tới bốn con. Chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ ở giữa vườn, còn họ thì có cả một nhánh sông chảy mút mùa. Chúng ta phải nhập cảng những chiếc đèn để treo trong vườn mà họ thì không cần đến vì họ có đầy sao chiếu sáng lúc ban đêm. Tại chỗ ngồi chơi trước nhà, chúng ta chỉ có thể nhìn tới bức tường ở cổng trước mà thôi, còn họ có thể ngồi nhìn suốt tới tận chân trời. Chúng ta chỉ có một khoảng đất để sống quanh quẩn ở đó, còn họ có cả một khoảng đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Chúng ta phải có người ở để giúp việc chúng ta, còn họ thì không cần, họ tự lo cho nhau. Chúng ta phải bỏ tiền đi mua đồ ăn, còn họ trồng lấy và tự túc về thực phẩm. Nhà chúng ta phải có tường bao quanh để bảo vệ chúng ta, còn họ thì không cần vì họ có những bạn tốt để đùm bọc lẫn nhau.
Trước những lý luận của người con trai, người cha đã không nói nên lời.
Người con nói tiếp: "Con cám ơn cha đã mang con đi du hành để tỏ bầy cho con thấy chúng ta đang có một cuộc sống nghèo nàn như thế nào!"


° ° °
Lời bàn: Ở đời, chúng ta thường quên đi những gì chúng ta đã có và đang có mà chỉ nghĩ tới những gì chúng ta không có và chưa có.
Những vật không đáng giá của người này chính là những vật mong uớc của người kia. Đời là như vậy!
Hạnh phúc sẽ đến, nếu chúng ta biết ghi nhận những an lạc tràn trề chúng ta đang có thay vì chỉ nghĩ đến mộng uớc muốn có thêm. Hãy tận hưởng những gì chúng ta đang có, nhất là những đồng bào, bạn bè, thân quyến đang có chung quanh ta.

Tuesday, July 30, 2013

NGƯỜI THỢ XÂY CẤT


Người thợ mộc già nọ làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu lâu năm cho hãng thầu xây cất nọ. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình. Tuy không còn có đồng lương nhưng ông ta muốn nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già.

Hãng xây cất cũng vô cùng luyến tiếc là sẽ thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị với ông cố gắng ở lại giúp hãng xây cất một căn nhà chót truớc khi thôi việc. Ông ta nhận lời vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây cất căn nhà với những vật liệu tầm thường kém chọn lọc miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Mấy tháng sau, khi căn nhà làm xong, ông đuợc ông chủ hãng mời tới, đưa cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: "Ông đã phục vụ rất tận tụy với hãng nhiều năm, để tưởng thưởng về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, hãng xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!"

Thật là bàng hoàng.  Nếu người thợ mộc biết là xây cất căn nhà cho chính mình thì ông ta đã làm việc cẩn thận và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông tự biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà chỉ có riêng ông biết là kém phẩm chất.

° ° °
Lời bàn: Câu chuyện này cũng giống như chuyện đời của chúng ta. Chúng ta giống như người thợ già kia thường tạo dựng một đời sống hào nhoáng, tạm bợ, đua đòi không chú trọng tới phẩm chất của nó. Nhiều khi ngồi kiểm điểm những sự bê bối của mình trong quá khứ thì chúng ta thấy mình đang phải cam chịu những hậu quả của nó. Đời là một công trình kiến trúc do chính mình tạo nên. Đời sống hiện tại là kết quả của sự tạo dựng trong quá khứ, đời sống ngày mai sẽ là kết quả của sự tạo dựng hôm nay. Hãy xây dựng đời mình một cách đúng đắn.